3 thg 7, 2021

ĐẰNG SAU BỨC ẢNH HƠN 600.000 LIKE

 

        Một câu chuyện đầy cảm xúc đọc trong mùa Covid

             Gần đây, câu chuyện đằng sau bức ảnh của người bố khắc khổ

             làm nghề dọn cống ở Bangladesh từng làm lay động hàng triệu 

             trái tim cư dân mạng đã nóng trở lại khi họ cảm thông và yêu 

             thương một người bố làm công việc   "bẩn thỉu nhất thế giới".


          Bức chân dung cận mặt của một người đàn ông da đen sạm, với bộ râu lấm tấm bạc cho người ta thấy nét mặt khắc khổ và sương gió hiện hữu rõ mồn một trong đôi mắt vàng đục kỳ lạ .Bức ảnh được đăng trên trang Facebook cá nhân của nhiếp ảnh gia người Bangladesh - GMB Akash vào ngày 6/5/2017 đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.

Bức ảnh đã thu về hơn 600.000 lượt tương tác và hàng chục nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Câu chuyện đằng sau nó cũng khiến hàng triệu người trên toàn thế giới phải lay động về những gì người đàn ông, người chồng, người cha này kể lại về cuộc sống tại quốc gia vốn nổi tiếng phân hóa giàu nghèo thuộc vùng Nam Á.

Câu chuyện đầy cảm xúc đằng sau bức ảnh hơn 600.000 like về một người bố làm công việc "bẩn thỉu nhất thế giới".

Người đàn ông trong bức ảnh "lấy nước mắt" của bao cư dân mạng khi đó là ông Idris, một người lao động nghèo làm nghề dọn cống ở Bangladesh. Đây là công việc tốt nhất ông có thể làm để lo cho 4 đứa con đang tuổi ăn học.

Ở Bangladesh thì nghề dọn cống là nghề bị coi là công việc vất vả và bẩn thỉu nhất trên thế giới. Những người lao động làm nghề này hàng ngày sẽ phải đến những nơi cống ngầm hôi thối và bẩn thỉu và làm nhiệm vụ lặn xuống để thu dọn rác rưởi và vật thể lạ đang làm nghẽn, tắc cống ở đó.

         

                                Nghề bẩn thỉu và ô nhiễm bậc nhất thế giới.

         Điều đáng nói là những người này phải làm việc trong môi trường mất vệ sinh khủng khiếp là những cống nước thải đen ngòm, bốc mùi với vô vàn vi khuẩn và nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm song không hề có bất cứ đồ bảo hộ nào. Họ chỉ có tấm trân trần, đôi tay trần và cứ thế lặn trực tiếp xuống để móc và dọn rác thải. Vậy nhưng, công việc vất vả là vậy mà lương thì ba cọc ba đồng và bị coi là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội.
       Tuy nhiên, ông Idris, nhân vật trong bức ảnh đã chấp nhận tất cả, kiên trì làm công việc này nhiều năm để kiếm tiền nuôi gia đình của mình. Song, ông đã giấu diếm nghề nghiệp đối với các con của mình bởi lo chúng mặc cảm về nghề "thấp kém" của bố mà dẫn đến tự ti với bạn bè và xã hội.Không có bất cứ đồ bảo hộ hay bình dưỡng khí, chỉ có bàn tay và tấm thân trần trụi.

          Kết thúc một ngày làm việc, ông sẽ qua nhà tắm công cộng, cố gắng gột rửa sạch sẽ nhất mùi khó chịu của ngày làm việc, của các chất thải từ cống rãnh rồi mới về nhà. Khi các con hỏi về nghề của bố, ông đều nói dối mình là công nhân của một nhà máy và chưa bao giờ than vãn nửa lời về những khó khăn, vất vả của mình.
     Thế nhưng, một biến cố xảy ra đã khiến ông quyết định nói sự thật về công việc của mình cho các con biết. Và câu chuyện dẫn đến quyết định đó, cũng là thời điểm nhiếp ảnh gia GMB Akash chụp bức hình ông Idris và giúp ông chia sẽ câu chuyện lên mạng xã hội đã lấy đi nước mắt và nhận được sự quan tâm, chia sẻ của hàng trăm nghìn người. Những người làm nghề này cũng bị coi là tầng lớp dưới đáy xã hội ở nơi đây.

         Sự việc là khi cô con gái út của ông Idris vào đại học, trước ngày đóng tiền học phí nhập trường một ngày mà ông Idris vẫn chưa kiếm đủ số tiền học cho con. Idris lâm vào bế tắc và chỉ biết ngồi thẫn thờ bên đống rác vào ngày hôm đó. Tất cả những người đồng nghiệp của ông cũng chỉ biết cặm cụi với công việc mà chẳng thể làm gì hơn.
             "Tôi đã cảm thấy thật thất bại và đau lòng lắm. Tôi không biết phải đối mặt với con gái mình như thế nào khi trở về nhà. Tôi sinh ra đã nghèo và giây phút đó tôi nghĩ rằng đã là người nghèo thì chẳng bao giờ được đón nhận điều tốt đẹp", ông Idris kể lại giây phút tuyệt vọng của mình khi ấy.
          Bất ngờ thay, sau giờ làm việc, những người đồng nghiệp của ông đã đến bên và mỗi người dúi vào tay ông số tiền công một ngày của họ. Khi Idris cố gắng từ chối thì nhận được câu động viên: "Hôm nay không ăn thì chúng tôi cũng chẳng chết đói được, nhưng con gái anh phải được đi học đại học, anh có coi chúng tôi là anh em không?", khi ấy, ông Idris cảm thấy cổ họng như nghẹn ứ lại và nước mắt chỉ trực trào ra.
          Ông Idris chợt nhận ra, không có nghề nào là nghề hạ cấp, là thấp kém hay hèn mạt hơn nghề khác, miễn là nó được tạo nên bởi sức lao động chân chính. Hôm đó, Idris quyết định sẽ nói thật với các con về nghề nghiệp của mình. "Tôi không tắm và trở về nhà trong bộ dạng bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối của một người dọn cống đúng nghĩa. Tôi quyết định không giấu các con về nghề nghiệp của mình nữa", ông Idris kể lại.
         Ông cũng kể chuyện mình không có đủ tiền cho con gái út đi học đại học nhưng các đồng nghiệp của ông đã hi sinh đồng lương ít ỏi của họ cho bố con ông. Câu chuyện về tình người đầy xúc động và ngập tràn tình người trên sau khi được nhiếp ảnh gia GMB Akash chia sẽ đã trở thành một hiện tượng trên MXH và lan truyền mạnh mẽ như một minh chứng rõ nét về tình người, lòng tử tế của những tâm hồn biết đồng cảm, sẻ chia với đồng loại trong lúc nguy khó.
           Hiện tại, các nước vùng Nam Á như Ấn Độ, Bhutan hay chính Bangladesh đang phải hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19 và câu chuyện đầy cảm hứng này được khơi lại nhưng một lời cổ vũ, lời nhắc nhở về tình người với nhau giữa giai đoạn gian khó bậc nhất lịch sử của vùng đất này.

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..