26 thg 2, 2019

THUỐC LÁ NGÀY XƯA

“Thuốc lào nâng cao sĩ diện, thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao….!”
Câu quảng cáo bá đạo này tưởng người đời nói chơi cho vui, thế nhưng nó lại là một kiểu quảng bá truyền miệng có từ những năm ba mươi của thập niên trước. Không chỉ có ở nước mình đâu, ngay trên các bao thuốc lá Marlboro, xì gà Marshall hay nhiều nhãn hiệu thuốc lá khác ở Mỹ cách nay trăm năm đều hãnh diện ghi trên bao bì “Hút thuốc trị hen suyễn, cảm lạnh hay khó thở”. Ngày nay, trước những tác hại do hút thuốc lá gây ra cho sức khoẻ nhân loại những kiểu quảng cáo như thế này bất kỳ ở đâu đều bị xem là vi phạm luật pháp.



        Tôi biết một vị Cha xứ người Bắc rất thích hút thuốc lào. Ở xứ người lâu năm tưởng ông đã chôn ống điếu nơi quê nhà. Nào ngờ đến nhà ông chơi mới thấy mấy bánh thuốc lào, vài ba ống điếu lớn nhỏ cất ngoài garage. Ôi cha, ca dao xưa từng nói: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào / Ðã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Ông cười bằng đôi mắt nhưng lời nói tựa thở than: “Không có điếu đốm, thì cuộc đời này tẻ nhạt vô cùng!”. Mỗi khi cơm nước xong, ông ra ngoài nhà xe kéo vài hơi. Ông ngồi trên ghế bành, chậm rãi vân vê từng sợi thuốc trên đầu ngón tay, vo tròn bằng viên bi tra vào nõ điếu. Ðâu đó xong xuôi, ông rút một chân tre khô chẻ sẵn, châm mồi lửa đưa vào nõ thuốc. Ban đầu, ông rít từng hơi ngắn, đầu nõ cháy đỏ, rồi hút một hơi thật dài, tiếng ro re trong điếu vang nghe ấm nồng vui tai. Bấy giờ, Cha mới ngả lưng vào ghế, miệng phả nhẹ từng làn khói trắng, lòng sảng khoái vô cùng.
     Nhiều người khách khác không riêng gì tôi đến nhà Cha thăm, nhìn ông xơi thuốc mà lòng cảm thấy thèm thuồng. Sự kích thích thị giác này rất dễ lây cho người biết hút thuốc dẫu rằng tôi chẳng mê thuốc lào, chỉ phì phà thuốc điếu. Hút thuốc có hại cho sức khoẻ. Biết thế nhưng không có nó thì cuộc sống dường như thiếu đi cái gì, giống như một người uống rượu khan mà bên cạnh không có bạn tâm giao. Hành vi đó lâu ngày trở thành thói quen, giống như cỗ máy cài sẵn chương trình, cứ đến thời khắc nhất định nào đó tuỳ theo thể chất của từng người thì nó lại xuất hiện trong não bộ nhắc nhở người ta lặp lại hành vi.



                           Hãng thuốc lá Juan Bastos ở Vĩnh Hội Quận Tư 

          Thuốc lào chẳng qua là một loại lá xắt sợi phơi khô từ cây thuốc lá nguyên thủy có chất nicotin nhiều gấp bảy tám lần thuốc điếu. Do đó mà người nghiện thuốc lào một ngày không có thuốc thì thấy bứt rứt nhơ nhớ trong lòng. Sách Vân Ðài Loại Ngữ của Lê Quý Ðôn gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương). Theo nhà nghiên cứu Ðào Duy Anh, cây thuốc lào từ Lào (Ai Lao) du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Cũng có tài liệu khác cho rằng, cây thuốc lào được sử dụng làm thuốc hút lần đầu tiên ở miền Bắc bởi cụ Hồ Lào vào thế kỷ 18, chính thức được đặt tên thương hiệu là thuốc Lào và được lưu hành rộng rãi trên thị trường ba nước Ðông Dương dưới sự bảo trợ của Pháp.
          Miền Trung Ngũ Quảng, người ta lại hút thuốc Cẩm Lệ vấn hình sâu kèn. Thuốc Cẩm Lệ nổi tiếng ở Huế nhưng thật sự gốc gác trồng ra loại thuốc lá này lại ở đất Quảng Nam tại làng Cẩm Lệ. Ðất ở đây trồng ra cây thuốc cho lá to ngon nhưng tiếc thay lại không biết cách chế biến tẩm ướp làm cho nó ngon như ở Huế. Lá thuốc thu hoạch, phơi khô phun rượu giữ độ ẩm, rồi đưa ra Huế chế biến thành thuốc ngon. Mùi thuốc Cẩm Lệ nồng gắt đối với người chưa quen. Ðàn bà xứ Quảng, nhiều người cũng thích hút Cẩm Lệ.
           Tôi lại nhớ đến ông Năm Gò trong một lần tôi ghé Xóm Thuốc ở Gò Vấp xem người ta có còn trồng thuốc lá cách nay hơn ba mươi năm. Ðến ngôi nhà gỗ của ông chơi, hỏi han chuyện xưa ở đất này, ông nói: “Giờ đây còn đâu Xóm Thuốc. Người ta cất nhà lên đất từ thập niên 1950. Xóm Thuốc chỉ còn trong dĩ vãng của người già chúng tôi”. Ngay cả chuyện hút thuốc rê sau này, tôi phải tiết kiệm, hút nửa chừng, dán đót thuốc lên cột nhà, thỉnh thoảng ra bắt một con “dế cơm” đốt lại. Nghe ông Năm nói khiến tôi lại ngợ, thuốc rê rẻ rề sao lại lo xa tiết kiệm quá xá hay là do thói quen của người hút thuốc rê thích để lại nửa con sâu kèn đeo trên cột để khi cần hút cho nó ngon. Người ta thường nói:
“Nhất gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu”.



Vỏ bao bì thuốc lá Ruby Queen bán ở Quân Tiếp Vụ



Thuốc Mic Extra và Cotab một thời rất được ưa chuộng



        Ở Gò Vấp còn có một nơi bán thuốc rê đóng từng miếng hình chữ nhật, đó là Xóm Mới. Xóm Mới tất nhiên do mới hình thành, cũng như chợ Xóm Mới xuất hiện ngay từ lúc người di cư mới đến. Chợ này nổi tiếng bán thuốc rê (thuốc Gò) nổi tiếng Nam kỳ Lục tỉnh, thuốc lào 333 hoặc 555, thuốc xỉa cho người ăn trầu. Thuốc xỉa cũng là loại thuốc lào hay thuốc rê nhưng không dùng để hút vì nguyên liệu làm thuốc xỉa bằng những lá thuốc già xắt sợi. Người ăn trầu ngậm cục thuốc xỉa bằng môi trên ở một phía cửa miệng dùng để tẩy bã trầu bám vào răng trong lúc nhai. Khi nào nhai xong nhả bỏ bã trầu thì bỏ luôn cục thuốc xỉa. Vì thế trong dân gian có câu ca dao ví trầu thuốc như tình nghĩa vợ chồng:
                                         “Ăn trầu là nghĩa, thuốc xỉa là tình”.
          Xóm Thuốc đã hình thành từ xa xưa, là nơi trồng cây thuốc lá cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất thuốc lá Bastos, Mélia của Pháp thành lập ở Vĩnh Hội. Người lao động phu phen thợ thuyền vẫn quen vấn thuốc rê cho đỡ tốn tiền. Một số người nhất là giới văn nghệ sĩ lại thích hút pipe (ống vố), thuốc để hút thường là loại ngon hương thơm ngào ngạt được nhập từ Pháp.
            Hãng thuốc lá Juan Bastos nằm trên đường Tôn Thất Thuyết, quận Tư hình thành từ năm 1936. Hãng này ra đời nhằm cạnh tranh với hãng thuốc lá MIC ra đời trước đó gần mười năm (1929). Juan Bastos tập trung sản xuất thuốc lá dành cho giới bình dân với thương hiệu Bastos xanh, Bostos đỏ bằng nguyên liệu sợi thuốc đen. Hai loại này hút đều nặng như nhau, mặt dầu báo chí quảng cáo Bastos đỏ hút nhẹ nhàng êm dịu. Riêng thuốc gói Mélia vàng, Mélia trắng thì đúng là thuốc thơm, nhẹ. Hầu hết giới trung lưu đều thích loại này. Ðến giữa thập niên 1960, thuốc Mélia ngưng sản xuất, thay vào đó nhà máy chuẩn bị cho ra sản phẩm mới loại Bastos Deluxe có đầu lọc. Hãng thuốc tung ra khẩu hiệu quảng cáo:
                           “Hỡi ai đi sớm về trưa
                                Kìa Bát Tốt Lút đón đưa chào mời
                                   Hương thơm khói đậm tuyệt vời
                                       Hút cho một điếu cho đời thêm tươi”

        Nhà máy thuốc lá MIC nằm trên đường Nguyễn Hoàng quận 5 từ khi thành lập, vốn sản xuất rất mạnh, có sự đầu tư của các tập đoàn nước ngoài như BAT của Anh, Ford, Rockefeller của Mỹ, máy móc công suất lớn. Mỗi năm hãng này đưa ra thị trường gần 50 triệu bao thuốc các loại. Ðến trước 1975, sản lượng tăng lên hơn trăm triệu gói thuốc. Thuốc lá của hãng MIC chủ yếu nhắm vào thị hiếu của giới thanh niên và giới trung lưu. Các nhãn hiệu như Cotab, Ruby Queen, President. Capstan có đầu lọc và không đầu lọc được tung ra thị trường vào đầu thập niên 1960 thu hút được giới tiêu dùng rộng rãi do hình thức bao bì bắt mắt và thơm dịu. Cả hai hãng Bastos và MIC đều sản xuất hàng giá rẻ hơn thị trường để cung ứng cho Quân Tiếp Vụ, phục vụ quân nhân như Ruby Queen mặt trước có hình anh lính cầm súng trên nền cờ, mặt sau có biểu tượng quân dân cán chính và Bastos trắng có hình con chuồn chuồn vào đầu thập niên 1970.



                                 Bán thuốc lá lề đường trước 1975
               
            Cũng vào thời gian này, trước đó vài năm thì thị trường thuốc lá lẻ tràn ngập các loại thuốc nhập từ Mỹ, nhất là sau khi mở các cửa hàng PX bán đồ tiêu dùng cho quân nhân Mỹ tham chiến tại miền Nam. Ðủ các hiệu thuốc lá: Pallmall, Camel, Craven A, Marlboro, Salem… và xì gà các loại.
Thế nhưng thuốc nội địa vẫn được người Sài Gòn ưa thích, nhất là Capstan. Tôi nhớ hồi còn nhỏ từ đám bạn bè học lóm đâu đó vài ba câu dí dỏm dành cho loại thuốc thơm này. Người buồn tình thì bảo “Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát”, lãng mạn hơn thì tặng cho người tình “Chiếc Áo Phong Sương Tặng Ấm Nàng”. Còn người làm ăn thua lỗ lại than: “Con Anh Phá Sản Tại Anh Ngu”. Và còn nhiều hiệu thuốc khác nữa như Salem chẳng hạn, đọc lên nghe tá hỏa thần hồn.
       Những câu dí dỏm về chuyện thuốc lá nói cho vui vậy thôi, chứ làm sao hay và đẹp bằng những lời văn trong thơ nhạc.
“… Ngó trên tay điếu thuốc đã lụi dần
Tôi nói khẽ: gớm, làm sao nhớ thế!”
                                           (Ngập ngừng-Hồ Dzếnh).
                                                                                                            Trang Nguyên -

25 thg 2, 2019

HỌP MẶT BẠN BÈ 2 TẾT KỶ HỢI 2019

HỌP MẶT ĐẦU NĂM 
                                                              ( Nhái thơ Vũ Đình Liên )


Mỗi năm mai vàng nở 
Ông đồ Cẩn lại về 
Thăm cô con gái nhỏ
Và  gặp bạn bè xưa

Bao nhiêu người tấm tắc
Thầm khen ông bạn già
Chẳng nề hà tuổi tác 
Bay từ nước Úc xa

Về Việt Nam ăn Tết 
Hẹn nhau đúng mồng hai
Họp mặt các bạn cũ
Hàn huyên chuyện lai rai

Trường xưa vẫn còn đấy
Thầy cô đã đi xa 
Hàng cây già ủ rũ 
Cổng trường cũng đổi thay

Năm nay ông đồ Cẩn 
Vui Tết vẫn không quên
Những bạn xưa khuất bóng
Hồn ở đâu bây giờ…

                             Mru Thang



GẶP LẠI BẠN CŨ

Mỗi năm mai vàng nở.
Gặp lại bạn cũ xưa.
Lòng vui mừng hồ hởi
Hàn huyên đủ chuyện đời

Nhìn nhau thấy đã già
Tóc ngả màu sương gió
Mắt mờ ánh bạc phai
Cũng cười vui tươi tắn

Ôi tuổi trẻ qua mau
Ánh hào quang đã tắt
Bạn cũ xưa năm nào
Mỗi năm dần thưa thớt

Thương quá các bạn xưa
Trao nhau tình nồng ấm
Thắt chặt mối giao hòa
Còn lại đoạn đường ngắn

Ta ngồi ôn kỷ niệm
Tiếc nuối thời đã qua
Dư âm còn đọng lại
Vương vấn mãi bên ta

                              Mỹ Quyên
                                                 ( Cảm tác sau khi đọc bài thơ trên )


15 thg 2, 2019

TUỔI GIÀ VÀ NIỀM VUI INTERNET

   Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc (email, chat) giữa mọi người với nhau. Chúng ta trong đó có bạn và cả tôi nữa, ít nhiều đều là dân ghiền Internetchẳng khác nào mình ghiền… một loại ma túy tinh thần nào đó. Lợi ích của Internet thì đã quá rõ ràng rồi, tuy nhiên nó cũng đã bị một số người chỉ trích và kết án thậm tệ như là một trong nhiều nguyên nhân gây nên tội phạm trong xã hội. Ngoài ra, nó còn bị American Psychiatric Association gán thêm cho một tội khác nữa, đó là việc lạm dụng Internet một cách thái quá có thể làm cho người sử dụng bị xáo trộn về tâm thần, một hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là Internet addiction disorder hay IAD.Cũng may là American Medical Association đã không nhìn nhận IAD là chẩn đoán của một bệnh lý thật thụ.

Tuổi già và Internet tại Hoa Kỳ



    Riêng đối với người cao tuổi tại Hoa Kỳ, The Nielson Company cho biết số senior sử dụng Internet đã tăng 55% từ 11.3 triệu cụ Nov 2004 lên 17.5 triệu Nov 2009. Số giờ các cụ ngồi gõ internet cũng tăng 11% trong khoảng thời gian 5 năm nói trên nghĩa là từ khoảng 52 giờ trong một tháng lên trên 58 giờ /tháng.
Hiệp hội người hưu trí Hoa Kỳ (AARP) cho biết có lối 40% những người trên 50 tuổi nói rằng họ rất thoải mái mỗi khi sử dụng internet đặc biệt là các mạng xã hội chẳng hạn như Facebook, Linked In, và Twitter.
Trong số 1360 cụ được thăm dò thì có 27% đã kết nối vào các trang mạng xã hội.
Internet giúp họ có thêm kiến thức về thế giới. 31% cụ thường sử dụng Facebook và trong nhóm nầy có 73% dùng trang Facebook để liên lạc với thân nhân và con cháu.
Phúc trình của Nielson Company cho biết email cá nhân là cách liên lạc phổ biến nhất của các cụ trên 65 tuổi, sau đó là xem và in bản đồ, thời tiết, xem hóa đơn, trả tiền online, xem và gởi hình ảnh, đọc và nghe tin tức, tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề sức khỏe, hoạch định kế hoạch đi du lịch, nghiên cứu thực đơn nấu nướng, tham khảo tình hình tài chánh, thị trường chứng khoán…

Một cái ghiền dễ thương




Một khảo cứu về việc sử dụng Internet và cell phone do JWT Survey thực hiện trên 1011 người Hoa kỳ từ 18 tuổi trở lên gồm có 42% đàn ông và 58% đàn bà, đã đi đến kết luận là dân Mỹ đứng đầu thế giới về vụ ghiền Internet.

Cao niên và Internet.




Cell phone và Internet chiếm một chỗ đứng quan trọng trong đời sống của người Mỹ, bởi vậy nếu hỏi họ có thể chịu đựng được bao lâu nếu không có Internet thì:
* 21% trả lời hai ngày
* 19% trả lời vài ngày
* một trong năm người trả lời là họ có thể chịu đựng được một tuần lễ.
*Bất luận tuổi tác, 59% đàn ông và 50% đàn bà đều có thể chịu đựng tình trạng thiếu Internet chỉ trong vài ba ngày mà thôi.
Cảm giác chung của họ là nếu vì lý do nào đó mà không có Internet khi họ muốn, thì họ có cảm tưởng như hơi thiếu một cái gì đó rất quan trọng.
Nói chung, 28% người được thăm dò nhìn nhận họ dành rất ít thời giờ cho những sự tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt, vì họ bận xem Internet hoặc Cell phone hoặc nghe nhạc mp3 hay bận chơi games điện tử.
Còn 20% thú nhận dành ít thời gian hơn lúc xưa cho những chuyện vật lộn trên giừơng!

Xem email bất cứ chỗ nào




- 25% thú nhận thường đem Internet lên tận giường ngủ (laptop hoặc cell phone) để xem. Trước khi ngủ, họ check email cuối cùng và đôi khi họ ngủ quên mà trong tay vẫn còn cầm cái cell phone.
- 43% cho biết họ để email mở thường trực cạnh bên giường để có thể nhận biết giữa đêm nếu có ai gởi mail đến.
- 59% người Mỹ đọc email khi vừa về tới nhà.
- Đọc ở nhà chưa đủ, một số 12% còn xách laptop hoặc mang cell phone theo vô nhà thờ để check email trong lúc Cha đang làm lễ ở phía trước.
- 37% check email lúc họ đang lái xe.
- 53% check email luôn cả lúc họ đang ở trong phòng toilet.

Chơi game và nghe nhạc




Thật không ngờ chính phái nữ có nhiều máy để chơi games nhất: 44% ở phụ nữ so với 39% ở nam giới.
34% người được thăm dò cho biết họ có iPod hoặc dụng cụ cá nhân khác để nghe nhạc.
Đa số là giới trẻ chiếm 49% so với 15% những người trên 55 tuổi.

Internet thay đổi lối sống của nhiều người

- 73% người được thăm dò cho biết họ đã thay đổi cách mua sắm của họ. Càng ngày họ càng có khuynh hướng mua sắm kiểu online nghĩa là qua Internet.
- Internet được rất nhiều người ưa thích vì tính tiện dụng của nó.
- Internet giúp chúng ta phương tiện trau dồi kiến thức và sự hiểu biết qua hai công cụ tìm kiếm rất thực tiển đó là Google và Yahoo. Kế đến, email cá nhân thường được tham khảo qua cái laptop hoặc qua iphone cá nhân.
Có một điểm tiện lợi là các địa chỉ Hotmail và Gmail có thể được mở ra xem ở bất cứ một computer nào khác hoặc kể cả qua iphone. Giới trẻ thường trao đổi tin tức cho nhau qua email.
Mười websites dẫn đầu về số lần truy cập 2011-2012
1- Google-USA
2-Facebook-USA
3- Youtube- USA
4- Yahoo-USA
5- Baidu.com-China
6- Wikipedia-USA
7- Blogger-USA
8- Window Live-USA
9- Twitter-USA
10- QQ.com-China

Internet sau khi qua đời:
Nỗi lo của người thân còn sống





Chúng ta tự hỏi, sau khi mình chết thì những trang mạng, facebook, compte email, v.v… của mình sẽ ra sao?
Sau đây là tóm lược từ bài "Internet après la mort" của Protegez vous.ca
Facebook:
Trên 300 triệu người sử dụng. Đây là nơi hẹn hò thường xuyên của dân internaute. Họ trao đổi tin tức, tâm sự, hình ảnh, v.v…
Sau khi viễn du tiên cảnh, chủ compte facebook để lại cho gia đình cũng như bạn bè cả khối hình ảnh và kỷ niệm còn ghi trong trang mạng xã hội nầy. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, facebook gom góp những điểm chánh yếu và làm một profile (hồ sơ-tiểu sử) của người quá cố. Lúc đó chỉ có những bạn của facebook mới có thể mở và gởi message của họ vào trong đó. Những thông tin quá nhạy cảm, như địa chỉ và tình trạng statut gia đình đều bị rút bỏ. Bạn bè và thân nhân không thể vào xem những message quá riêng tư của người khuất bóng.
Khi có lời yêu cầu từ gia đình, facebook sẽ đóng compte lại.
Gmail
Thân nhân có thể xin phép để được xem Gmail của người quá cố. Họ phải chứng minh là đại diện chánh thức và là người có trách nhiệm trong việc thừa kế. Phải trưng giấy khai tử và các bằng chứng đã có gởi message Gmail lúc trước, khi người đó còn sống. Các chứng từ có thể gởi cho Gmail bằng Fax hoặc qua bưu điện.
Yahoo
Lề lối bảo mật của Yahoo cao hơn Gmail và Hotmail. Trong bất cứ trường hợp, Yahoo không bao giờ cho phép người thân vào xem compte điện thư của người đã quá cố. Thân nhân có quyền xin Yahoo đóng compte lại.
Theo Yahoo, thân nhân có quyền vào xem compte người quá cố nếu tên của họ có ghi trong di chúc.
Window live hotmail
Hotmail tự động đóng bất cứ compte nào nếu không sử dụng trong 270 ngày và địa chỉ sẽ được phân phát cho người mới.
Muốn vào xem compte của người quá cố, người thân phải chứng ninh họ là người thừa kế, trình bằng lái xe và tờ khai tử. Có thể gởi qua fax hoặc bằng bưu điện.
Myspace
 Không có đường lối rõ rệt. Khi có yêu cầu của thân nhân, Myspace có thể xóa bỏ compte của người đã chết.

Internet và tôi



Internet đã giúp tôi trau giồi thêm kiến thức, giải trí và thoát ly phần nào ra khỏi nỗi niềm cô đơn của tuổi hoàng hôn.
Bước đầu làm quen với Internet cũng rất khó khăn vì lớn tuổi nên rất bảo thủ và rất e ngại những kỹ thuật quá mới mẻ.
Nhưng các con tôi thì nhất quyết kéo, đẩy ông già tía của chúng nó vô làm quen với internet cho kịp với bước tiến của xã hội. Thú thật tôi rất lo.
Chủ động là thằng con trai của tôi. Lúc đó đang học trung học. Nó đi mua máy móc, lúc đầu thì mấy cái desktop PC to tổ chảng. Mua về nó tháo mở bung cái máy ra, lấp ráp thêm bộ phận nầy, gắn thêm cái nọ, load thêm chương trình kia…Nó tự làm. Tôi không biết nó học ở đâu và từ bao giờ nên tôi ngại quá. Lỡ ráp vô máy không chạy thì mất toi tiền. Nhưng rồi mọi việc cũng đều tốt đẹp.
Sau một thời gian vài năm, nó biểu tôi quăng bỏ đi vì máy đó “hết hay”, chạy chậm và to quá, quê lắm. Mua laptop hay hơn, nhanh hơn và gọn hơn. Nó nói sao thì tôi nghe vậy chớ mình có biết ất giáp gì đâu. Chỉ biết hỏi nó là có tốn tiền lắm không.
Rồi nó chỉ tôi các cách sử dụng căn bản, load cho tôi cái fonts VN và một số program cần thiết khác, chỉ cách mở file, gởi bài đi v,v…Mấy cái chuyện như scan virus thì nó làm cho tôi lúc nào thấy cần vì nó nghĩ là nếu có chỉ tôi cũng không chắc gì tôi làm được như ý nó muốn.
Thế rồi năm 2006, nó lấy vợ và dọn sang miền Tây Canada lập nghiệp và làm việc luôn trong ngành computer… Nó đi qua bên dó xa gần 4000 km làm tôi chới với, biết hỏi ai bây giờ mỗi khi có problem về computer hay internet? Lo lắm. Lúc còn ở chung nhà với tôi, mỗi khi có rắc rối về máy móc, TV, đèn đuốc, laptop, v.v… hay không hiểu cái gì thì tôi chỉ cần réo lên một tiếng là nó chạy lại liền. Nó chỉ cần gõ lên bàn phím lốc cốc 6-7 cái là ok hết. Tôi cố nhìn theo nhưng không kịp. Có khi nó làm chậm lại và nói tôi phải nhìn cho kỹ, kỳ tới nếu có xảy ra problem nầy thì gõ y như vậy. Rồi nó trấn an tôi. “Không có gì phải lo hết. Nếu có problem, báo cho con biết con sẽ sửa cho”. Lúc đầu tôi không mấy hiểu nó muốn nói gì nhưng lúc sau nầy hễ có problem là tôi email hay phone cho nó. Nó trả lời là phải gõ nút nầy nút nọ thì mình làm y vậy là ok.
Nếu thấy trường hợp khó thì nó nói “ Đừng tắt Internet, để tối con sửa cho. Goodnight Pa” Khi đó thi tôi mới hiểu là nó làm remote assistance.
Sáng sớm hôm sau, khi nhìn lên màn hình laptop thấy Notepad ghi chữ DONE.
Thở phào nhẹ nhõm.
Thật ra, có nhiều khi chuyện không có gì, chỉ cần gõ “đúng nút” là được. Sau nầy tôi “biết khôn” hơn, mỗi khi có problem lạ thì tôi vô google tìm trong các forum của những nạn nhân có cùng một vấn đề như mình. Họ chỉ cách giải quyết. Tóm lại vạn sự khởi đầu nan. Lúc đầu thì thấy khó vì chưa quen cách sử dụng mà thôi.
Tại sở làm, các đồng nghiệp của tôi đều thuộc thế hệ trẻ tuổi nên sử dụng computer và internet là chuyện quá tự nhiên. Họ chỉ dẫn tôi làm cái gì thì tôi biết cái đó, đủ để làm việc mà thôi. Tây họ gọi kiểu nầy là vừa làm vừa học (apprendre sur le tas). Còn khó quá, thì phone cho technical assistance của cơ quan nó giúp.
Còn nhớ, vào những năm 90, mỗi khi gởi rapport hay công văn thì thường là phải đánh máy và gởi qua bưu điện, vừa mất thời gian và vừa lâu lắc hết sức. Sau đó thì lần lần các thủ tục hành chánh đều đuợc làm bằng computer hết. Mỗi nhân viên CFIA đều được cơ quan cấp cho một địa chỉ email cá nhân với mã số đặc biệt của nhà nước… để sử dụng trong nội bộ với nhau.

Cao niên và Internet.



Vui buồn một kiếp tha hương

“…Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới – khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống – và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “Sống lâu và Sống có ích” như nhiều người đã tâm niệm từ bấy lâu nay...”(Ngưng trích, Đoàn Thanh Liêm- Niềm vui của tuổi già trong thời đại internet)
Nhờ internet mà từ hơn 8 năm nay tôi thưòng xuyên gõ bài gởi đi khắp bốn phương trời…Đó là một niềm vui, một hobby của tôi trong tuổi xế chiều.
Tôi gõ để tự mình trau giồi thêm kiến thức, để tự học hỏi, để tự mình giải khuây, để khỏi nghĩ quẩn, để khỏi bị trầm cảm, để khỏi bị bệnh Alzeihmer, để thoát ly và cũng để giảm bớt stress trong cuộc sống, v.v...
Thế cho nên tôi gõ cho người đọc nhưng thật sự ra là tôi cũng đồng thời gõ cho chính tôi, cho cuộc sống của mình được thêm phần ý nghĩa hơn.
Tôi rất vui sướng vì ít ra mình cũng có nhiều may mắn và tự do làm được những gì mình ưa thích trên đời.

“Giờ đây đừng khóc sầu chi đàn ơi!
Lên vai cùng lê đôi gót tha hương.
Mình dìu nhau khắp nơi chân trời,
tìm vần thơ ngát hương đời
để dệt thành câu hát quê hương”
(Lam Phương- Kiếp tha hương)


Gọi là Ghiền Internet có đúng hay không ?




           Chắc là đúng thôi, nhưng không phải là một loại ghiền ghê gớm bệnh hoạn như ghiền rượu, ghiền thuốc lá, xì ke, ghiền casino, v.v…
Ghiền Internet có thể giúp chúng ta giải tỏa stress, giải khuây, thoát ly, thêm nhiều bạn bè mới, cải thiện mối giao tiếp xã hội, du lịch trong không gian, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, tăng thêm kiến thức, v.v…
        Nhờ đó, nó còn giúp chúng ta hiểu được thêm nhiều khía cạnh của nhân sinh cũng như các hỉ nộ ái ố cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống!
        Có nghiên cứu gần đây của Đại học Los Angeles cho thấy người già cả mà ghiền Internet thì tốt lắm vì các cụ sẽ cải thiện được trí nhớ rất nhiều. Theo thăm dò cá nhân, có lối 90% cao niên thường xem Internet trong ngày. Nhờ sử dụng internet mà các cụ cảm thấy bớt lẻ loi trống vắng nên bớt bị trầm cảm.
      Theo Phoenix Center, việc sử dụng thường xuyên internet rất tốt cho sức khỏe tâm thần của người già và giúp cho họ tránh được bệnh trầm cảm và bệnh lú lẫn Alzheimer. Một khảo cứu của Semel Institute for Neuroscience and Human Behavior, đại học UCLA Hoa Kỳ cũng kết luận là Internet giúp kích thích não và cải thiện trí phán đoán.

[Theo các nhà chuyên môn về bệnh tâm thần thì vấn đề trầm cảm (depression) có khuynh hướng gia tăng trong nhóm người trung niên và cao niên VN sống tại Little Saigon-Quận Cam]. 
(Theo newamericamedia. org-More Older Vietnamese American Seeking Help for Depression)
“Mental health professional and community volunteer Suzie Dong-Matsuda explained that although mental problems tends to be stigmatized among Vietnamese Americans, she is witnessing an increase in adults in midlife and older who seek help for depression among Vietnamese Americans in Orange County’s Little Saigon.”

Kết luận


   Càng về già, cái gì cũng lần lần mất bớt đi hết…Cũng may, Internet đem đến những nguồn vui ảo giúp chúng ta sống những ngày còn lại không đến đổi quá vô vị.
Duy chỉ còn lại một vấn đề nho nhỏ là đôi khi em LapTop bị một số bà xem như là một tình địch đáng ngại của họ. Chuyện các bà ghen với cái computer cũng rất thường hay thấy xảy ra lắm.
      Nhiều ông ôm computer suốt ngày, không thèm ngó ngàng gì đến chuyện trong nhà ngoài ngõ và thậm chí còn quên luôn sự hiện diện của bà nhà nữa nên bị mấy bả ghen, tức, cằn nhằn cự nự thì cũng không có gì là oan đâu.
Internet là con dao hai lưỡi, có mặt tốt nhưng cũng có mặt xấu của nó.
         Nó là kho tàng kiến thức, nhưng đồng thời cũng là một cái thùng rác vĩ đại.
Điều quan trọng là chúng ta phải biết lựa chọn sao cho đúng mà thôi…Mà thế nào là đúng, thật khó biết ? Câu trả lời cũng còn tùy theo hoàn cảnh và cá tánh của mỗi người nữa.
Thôi, nếu thích quá thì cứ việc làm, cứ việc ghiền thả cửa đi. Đây là xứ tự do mà.  Lo làm chi cho thêm mệt. Cứ vui vẻ an hưởng tuổi già phải không các bạn./.

Bs Nguyễn Thượng Chánh

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..