28 thg 12, 2019

ÔNG ĐỒ GIÀ - ÔNG ĐỒ THÂM

Phiếm luận trước thềm xuân mới
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua....
                        Vũ Đình Liên
           Đã lâu lắm rồi ,không biết từ bao giờ, cứ mỗi độ xuân về, người ta lại thấy hình ảnh ông đồ khăn đóng, áo the thâm, chòm râu bạc phất phơ, cốt cách đạo mạo, ngồi mài mực trên hè phố.Năm nay Phố Ông Đồ tại khu vực Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tấp nập người đến tham quan và xin chữ, đủ mọi lứa tuổi , ngành nghề... Loáng thoáng tôi còn thấy vài ba người nước ngoài cũng đang trao đổi với một cô đồ tại gian hàng phía xa.Có thể họ cũng muốn xin chữ đem về nước làm kỷ niệm chăng ?



                Đàng sau các ông đồ, bà đồ giăng đầy những tấm giấy viết chữ Thọ 寿 , chữ Phúc 福, chữ xuân 春... và những câu đối quen thuộc :

Xuân khang an đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên
............
Năm mới hạnh phúc bình an tiến
Xuân sang vinh hoa phú quý lai
..............
Mai vàng nở rộ mừng năm mới
Đào hồng khoe sắc đón xuân sang
Hoặc rất mới phù hợp với xuân Canh Tý :
Tiễn Lợn đi chúc xuân vui hạnh phúc
Đón Chuột về mừng Tết đạt thành công.
...............
Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khỏe, Tết an khang
..................

         Những câu đối thường viết bằng mực xạ hoặc kim nhũ trên giấy màu đỏ khổ to . Bên nghiên mực và mấy chiếc bút lông, ông đồ nằm bò nhổm, gò người trên giấy chau chuốt thảo những dòng thư pháp chữ Hán, chữ Nôm “ như rồng bay phượng múa...” Phố phường nhờ có những ông đồ, những giấy lụa trắng , giấy hồng điều,trở nên rực rỡ tươi sáng như cô con gái vừa được thay áo mới .Hình ảnh ông đồ xuất hiện trên hè phố đã trở thành biểu tượng truyền thống nhắc nhở mọi người rằng Tết đang đến trên mọi miền quê hương đất nước .
Hình tượng ông đồ lâu đời vẫn được xem là hình ảnh đẹp của nền giáo dục truyền thống của dân tộc, được ghi nhận qua những câu ca dao ,tục ngữ :

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều,muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy’’,

“Không thầy đố mầy làm nên”,

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”...
.......


           Ngày nay,tuy hình ảnh ông đồ đã phai nhoà theo thời gian nhưng trong tâm trí người Việt ,dù ở trong hoặc ngoài nước ,hình tượng ông đồ vẫn tồn tại qua các truyện dân gian, tiếu lâm… Đó là một người thầy già, nghiêm khắc khắc ,đạo mạo,nhưng cũng rất thư thái ,ung dung. Khi dạy học bao giờ ông cũng cầm chiếc roi mây trong tay.Chiếc roi mây là biểu tượng của ông thầy thời phong kiến.Chính vì sợ thầy mà người học trò xưa chăm chút từng nét chữ, nghiêm túc học hành. Vì thầy kiến thức,đạo đức cao trọng nên các bậc cha mẹ rất tin tưởng, và “yêu cho roi cho vọt” trở thành một trong những tiêu chuẩn để họ chọn lựa thầy cho con theo học

       Do hoàn cảnh lịch sử, xã hội đổi thay, do không chịu thích ứng,các ông đồ không tránh khỏi một số hạn chế trong mưu sinh dẫn đến thế giá người thầy đi xuống. Trong văn học,câu chuyện “cá gỗ” của thầy đồ xứ Nghệ là một minh chứng.Nó châm biếm sâu sắc thói ham danh vọng quá coi trọng hình thức của một số người sùng bái nho học khoa bảng.Ở một khía cạnh khác,việc ông đồ xứ Nghệ che giấu thân phận nghèo hèn của mình với khát vọng đổi đời là mặt tích cực của câu chuyện ,là tấm gương nhẫn nhục đã giúp cho nhiều người xứ Nghệ xây đắp niềm tin, phấn đấu mơ ước thành đạt trong cuộc sống .


          Ông đồ vốn dĩ có học thức, có đạo đức ,tuân thủ lễ nghi rất đáng được mọi người kính trọng.Thế nhưng trong văn học dân gian, hay sử dụng hình ảnh “Ông đồ thâm “ mang hàm ý trào lộng không đề cao mà nhằm châm biếm sự hẹp hòi ,cái nhỏ nhen không nên có của người trí thức khoa bảng,giai tầng cao của xã hội phong kiến thuở trước .Chính vì điều này có những câu chuyện tuy gây được tiếng cười song lại khiến không ít người người cao tuổi hoặc lớp trẻ được giáo dục theo truyền thống gia đình lớp xưa chạnh lòng. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây .

                    HÁN TRÀO TAM KIỆT

        Ngày Mồng ba Tết , tại nhà ông đồ ,hết thảy học trò, người cái này kẻ cái nọ, đều đem đến làm lễ Tết thầy. Có một học trò nhà giàu lại không tết thầy gì hết. Ông đồ mới hỏi nó:
- Này con, theo phép hễ đến Tết Mùng ba thì học trò phải lễ thầy, sao con lại không?
Nghe lời cha dặn trước , thằng bé đáp:
- Thưa thầy, cha con bận việc nên quên mất...
Ông đồ im lặng một lúc mới ôn tồn nói:
- Thôi thế này, thầy sẽ ra một câu đối, con về nhà nghĩ câu đối lại mai đưa thầy xem, coi như con cũng đã tết lễ thầy...
Ông đồ ra câu đối như vầy:
"Hán trào tam kiệt : Trương Lương, Hàn Tín, Uất Trì Cung".
Về nhà nghĩ mãi không ra, đứa học trò đành đem chuyện hồi sáng thuật lại rồi hỏi cha nó xem phải đối thế nào?
Cha nó nghe xong, cười nhếch mép:
- Ông thầy mày chữ nghĩa thế này mà còn đòi lễ mễ.Cha nghĩ đi tết uổng lắm... Mai thưa với thầy rằng,cha con nói Uất Trì Cung là ông tướng mặt đen như nhọ chảo, bề tôi của nhà Đường chứ không phải của nhà Hán.
         Bữa sau,thằng con hý hửng cứ thế thưa lại với ông đồ . Nó nghĩ chắc phen này thầy hẳn phải phục lăn trước kiến giải của cha mình .
Thế nhưng khi nghe xong ông đồ gật gù ,vuốt râu cười khà và nói rằng:
- Ta học chữ nghĩa thánh hiền từ bé há lại không biết khi xưa Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập ra vương triều Tây Hán là nhờ có sự phò trợ của “tam kiệt” Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín hay sao ? Rồi sau cái đằng hắng giọng,ông vỗ vai đứa học trò :
_Thấy chưa? Chuyện cách nay mấy ngàn năm ở tít bên Tàu mà cha của con còn nhớ, ấy vậy thì chuyện lễ thầy Tết Mùng ba đã thành lệ ở quê ta , năm nào cũng thế.Sao ông ấy lại có thể quên được nhỉ ?
          Hôm sau,người ta thấy hai cha con dắt díu nhau mang đồ lễ đến nhà ông đồ xin được tạ lỗi.
         Câu chuyện kết thúc với tiếng cười nhẹ nhàng chế giễu sự thua trí của người nhà giàu trước cái bẫy gài rất khéo của ông đồ nọ.Nhưng đằng sau sự khôn khéo đầy bản lãnh của ông đồ ,người đọc còn nhận ra ở ông lòng tham muốn hơi nhỏ nhen là cố đòi cho được món quà Tết thầy mà cha của đứa học trò nhà giàu keo kiệt toan tính không đưa.

         Xuôi dòng thời gian, như một quy luật tự nhiên,tất cả mọi sự vật dù hữu hình hay không ,mọi thứ đều lui vào dĩ vãng ,để lại cho chúng ta bao nỗi niềm tiếc nuối,nhớ nhung. Trong số đó có hình ảnh ông đồ một thời vang bóng qua bài thơ của Vũ Đình Liên.Chúng ta vui vì hàng năm khi Tết đến ,hình ảnh ông đồ vẫn sống lại trên hè phố .Không ai có thể níu kéo thời gian , nhưng hình ảnh ông đồ vẫn đưa ký ức chúng ta trở về không gian cũ, một thời vàng son của nền văn học cổ .Mấy năm nay xuất hiện ngày một nhiều những ‘ông đồ, bà đồ, cả cậu đồ,cô đồ... viết thuê chữ vào những ngày khắp cả nước rộn ràng đón xuân .Hy vọng hậu thân của những ông đồ xưa tiếp nối và duy trì được tập tục “Xin chữ đầu xuân” ,một nét đẹp văn hóa cổ truyền đáng yêu của người Việt.Mong thay...

                                                                                                                     Mru Thang

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..