15 thg 4, 2012

PHO TƯỢNG KỲ LẠ NHẤT VIỆT NAM

           Một người bạn fw cho tôi một bản tin mang nội dung về pho tượng lạ ,độc đáo của Việt Nam : pho tượng chùa Hoè Nhai với hình ảnh một ông vua nằm phủ phục và có Phật Thích Ca ngồi trên lưng.Xem xong tôi hơi bị “nóng trong người ” bởi bài viết có câu “Có lẽ nhiều người ở Hà Nội không hề hay biết rằng giữa thủ đô có một bức dị tượng không giống với bất kì bức tượng Phật nào khác.”Nói cho vui vậy chứ tôi sao dám tự nhận là người dân thủ đô khi đã sớm rời xa Hà Nội vào Nam ngay từ tấm bé lúc học chưa hết bậc tiểu học.Nhưng chợt nghĩ chắc cũng còn không ít người chưa biết về pho tượng kỳ lạ này nên tôi mày mò sưu tầm, thêm một số chi tiết cùng hình ảnh liên quan để giới thiệu trên blog ,như một việc làm “thừa giấy vẽ voi” nhưng biết đâu lại có thể giúp ích cho những ai cần tìm hiểu.
 
 Vài nét về Chùa Hòe Nhai 


 

           Chùa Hòe Nhai có tên chữ là Hồng Phúc tự , cũng vì vậy được gọi là chùa Hồng Phúc. Chùa thuộc địa phận  phường Hòe Nhai,tổng thượng, huyện Vĩnh Thuận, kinh thành Thăng Long;nay ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực – Quận Ba Đình - Hà Nội .Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý.Chùa đã sửa chữa và xây lại nhiều lần vào các năm  1699,1703,1812,1894,1920,1946.Căn cứ vào tấm bia dựng vào năm Chính Hòa 24 (1703) do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn có ghi rõ chùa được dựng tại bến Đông Bộ Đầu,nên giới sử học nhờ đó xác định được trận đánh quân Nguyên ngày 29 – 1 -1528 là gần chùa Hòe Nhai hiện nay .

        Chùa được xây dựng theo kiểu chữ công.Phía trước là chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang.Thượng điện còn giữ được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Chùa có nhiều tượng Phật được bày làm 6 lớp. Tổng số tượng ở chùa Hòe Nhai gồm 68 pho, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ quý, đất nện, được sơn son thếp vàng. 


      Chùa có một quả chuông mang niên hiệu Long Đức 3 (1734). Sân chùa có hai ngọn tháp cao 3 tầng. Trong chùa còn có đến 28 tấm bia, cổ hơn cả là bia dựng năm Chính Hoà 24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hoè Nhai, tại Đông Bộ Đầu tức Bến Đông.Chính nhờ bia này mà giới sử học ngày nay xác định được vị trí trận chiến thắng ngày 29 tháng 1 năm 1258 của quân nhà Trần mà sử chép là chiến thắng Đông Bộ Đầu, đuổi quân Nguyên, giải phóng kinh thành có vị trí ở khu vực gần chùa Hoè Nhai ngày nay.
         Chùa có nhiều tượng Phật sơn son thiếp vàng mang phong cách của Thế kỷ 18. Đặc biệt  gian bên phải của chính điện hiện có pho tượng Phật  ngồi trên lưng một ông vua đang phủ phục – Duy nhất chỉ có ở chùa Hòe Nhai.Chùa có Quả chuông mang niên hiệu Tự Đức 17 ( 1864  ) một khánh đồng cao 1,5 m , đúc nămGiáp Dần niên hiệu Long Đức 3 ( 1734 ) đời Lê Thần Tông .



        Sân chùa có hai ngọn tháp cao 3 tầng,chùa mới dựng ngọn tháp Ấn Quang năm 1963 để kỷ niệm Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo .
        Trong chùa có rất nhiều tấm bia.Qua đó chúng ta được biết chùa là trụ sở của một trong những tông phái Phật Giáo lớn của Việt Nam đó là Phái Tào Động.Phái Tào Động có sư tổ thứ nhất là Hòa Thượng Thủy Nguyệt , tổ thứ hai là Thiền sư Chân Dung … Tính đến năm Nhâm Thân (1932) thiền sư Tam Nghĩa Thích Nhân Từ , phái Tào Động đã trụ trì ở đây được 47 đời . Nhiều Thiền Sư đã được vua sắc phong. Hiện chùa còn giữ được một đạo sắc phong do vua Lê Hiển Tông phong cho thiền sư Trần Văn Chức vào năm Cảnh Hưng Thứ 11 ( 1750 ). Thời Gian cuối đời Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận đã ở đây.
         Chùa Hòe Nhai trải qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1687,1899 và 1952. Phạm vi chùa trước kia khá lớn, sang thờiPháp thuộc bị thu lại như hiện nay.Vừa qua chùa mới được Đại Đức trụ trì  Thích Tâm Hoan cùng tín đồ Phật tử trong và ngoài nước với sự giúp đỡ của chính quyền các cấp đã tu sửa nhà tổ,nhà khách,nhà thờ Thất Phật ,quy hoạch lại khuôn viên tháp Ấn Quang .. thật là tố hảo .Trong thời gian tới  sẽ tiếp tục trùng tu lại Thượng điện thờ Tam Bảo.Thật xứng với lời tụng “ Chùa Hồng Phúc ở Hà Thành , núi Nùng như vạt áo,sông Nhị như giải lưng,hồ Trúc Bạch chắn ngang,dòng Tô Lịch vòng lại,đây thật là chốn tùng lâm lâu đời của đất Thăng Long “ ( Văn bia 1703 ). 

 Lai lịch pho tượng kỳ lạ

         Pho tượng này là kết quả từ một cuộc pháp nạn của các tăng ni Phật giáo Việt Nam năm 1678. Khoảng thời gian hậu Trần đó, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo nữa, thay vào đó là Nho giáo thịnh hành hơn bao giờ hết.Đỉnh điểm là đến thời vua Lê Hy Tông đã có một sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ bị trừng trị nặng nề. Đạo Phật khi đó đã phải trải qua một thời kỳ nhọc nhằn. Một trong số những hòa thượng đắc đạo pháp danh Tông Diễn,được biết đến với tên Tổ Cua,Tổ Cáy cũng bị buộc phải đi qua con đường hoặc sinh hoặc tử này.

   
         Theo lời kể của nhà sư Thích Tâm Hoan,Thượng toạ trụ trì tại chùa hiện nay,pho tượng này là kết quả từ một cuộc pháp nạn của các tăng ni Phật giáo Việt Nam năm 1678. Khoảng thời gian hậu Trần đó, khi Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo nữa, thay vào đó là Nho giáo thịnh hành hơn bao giờ hết. Phật giáo Việt Nam đã trải qua một giai đoạn bị cho rằng không có lợi gì cho xã hội, các tăng ni phật tử sống trong chùa lười nhác và ăn bám xã hội. Đỉnh điểm là đến thời vua Lê Hy Tông đã có một sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ bị trừng trị nặng nề. Đạo Phật khi đó đã phải trải qua một thời kỳ nhọc nhằn.Một trong số những hòa thượng đắc đạo pháp danh Tông Diễn, được biết đến với tên Tổ Cua, Tổ Cáy cũng bị buộc phải đi qua con đường hoặc sinh hoặc tử này. 

          Hòa thượng Tông Diễn là thế hệ thứ hai của phái Tào Động tại Việt Nam. Việc ông thả toàn bộ mớ cua mẹ mua được xuống ao khi nhìn thấy chúng khóc (sùi bọt) là lý do ông mang tên Tổ Cua,Tổ Cáy.Cũng sau sự kiện phóng sinh cua, ông đã lên chùa theo Phật, được biết đến như một danh tăng lỗi lạc của kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ.Không cam tâm thấy tăng chúng phải trải qua pháp nạn quá nặng nề đó, hòa thượng Tông Diễn đã tìm cách len lỏi trở lại kinh thành Thăng Long,tìm cách giáo hóa vị vua Lê Hy Tông đầy quyền uy và kì thị, vị vua mà sau này, nguyện phủ phục dưới Phật để sám hối những lỗi lầm đã phạm.
         Hòa thượng Tông Diễn đã dùng một "phương tiện" để có thể gặp được vua Hy Tông, ông nói dối rằng có một viên ngọc quý muốn dâng tặng. Tuy nhiên, vua Hy Tông kiêu ngạo chỉ cho người ra lấy ngọc. Hòa thượng Tông Diễn bèn cho một tấm biểu đã viết sẵn vào một chiếc hộp chuyển vào cho vua Hy Tông. Trong biểu chỉ có những điều đơn thuần dễ hiểu như: hãy nhìn vào đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật và rồi quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không sân si, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội...
         Vua Hy Tông mở chiếc hộp và đọc chiếu mới bừng tỉnh, cho vời hòa thượng Tông Diễn vào trò chuyện. Sau khi nghe hòa thượng thuyết pháp, bèn rút lại sắc lệnh đã ban. Vua Hy Tông từ đây hết sức sửa mình, tự nguyện đề nghị với hòa thượng Tông Diễn rằng nên làm một bức tượng mà trong đó, vua phủ phục dưới Phật, để thể hiện sự sám hối và sửa mình một cách cẩn trọng của ông. Đây là bức tượng độc đáo nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam, mang tính cách Việt và lịch sử Việt, không nơi nào trên thế giới có một mã văn hóa như thế.

Bài học sửa mình

        Đây là bức tượng độc đáo nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam, mang tính cách Việt và lịch sử Việt, không nơi nào trên thế giới có một mã văn hóa như thế.Trong triết học nhà Phật, nghĩa gốc của chữ tu là sửa, con người hàng ngày thể nào rồi cũng đụng chạm đến đời sống của chúng sinh hoặc làm những điều bị ngăn cấm.Vua Lê Hy Tông đã vi phạm một điều rất lớn là phá đạo, trong khi đạo Phật luôn chủ trương đường lối không dùng sự thủ tiêu và tàn nhẫn, đó là một cách "cai trị" mà không cần vũ lực.TS Hán học Cung Khắc Lược, cán bộ nghiên cứu của viện Hán Nôm, nhận xét :"Dáng nằm như gãy đó thể hiện một sự quy phục tuyệt đối, dáng mẫu mực của sự thuần phục, ra sức, nó hơn hẳn sự thành khẩn của mọi nền phê bình.Đó là sự chân thành, một sự thay đổi xuất phát từ sâu sắc trong tim chứ không gượng ép và do đó, đây không phải là một sự trừng phạt.Pho tượng này là để muôn đời chứ không phải là để hoài cổ, như một di tích.Vị vua này đã nghĩ đến một mai hậu của tấm lòng con người, rằng muốn phát triển và thúc đẩy thì phải thay đổi, phải nhận ra mình và cung kính sửa bỏ, thành thực và có một thái độ, nghị lực lớn thì mới đạt được trí tuệ để thay đổi nhân quần xã hội."
         Đất nước chúng ta đang trên đà đổi mới, các lãnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế phát triển rất nhanh nhưng chưa bao giờ đạo đức xã hội lại xuống cấp như hiện nay. Vì sao vậy ? Trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường,giới trẻ khó đứng vững được trước những thay đổi chóng mặt của nó.Họ mải chạy theo những giá trị vật chất,những thứ đảm bảo cho một cuộc sống thoải mái tiện nghi.Với xu thế đó,họ không có thời gian để thưởng thức những giá trị tinh thần cao đẹp,lao đầu vào dòng đời ngược xuôi tốc độ,cạnh tranh.Trong đầu óc giới trẻ,ai bình chân lương thiện người đó sẽ chết đói bởi “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”;nếu cứ sống lương thiện thì áo chẳng có mặc,cơm chẳng có ăn,nói chi “ăn no mặc ấm, ăn sung mặc sướng”.Bên cạnh đó lối sống buông thả,gian lận thương trường,tham ô tham nhũng của người lớn được du di cho qua đã khiến họ nghĩ “làm sai cũng chẳng sao cả”, vì đâu có thấy những hành vi đó bị trừng phạt thích đáng.
       Thật nguy tai nếu giới trẻ nhận thức phiến diện như thế.Chúng sẽ không coi trọng việc học và lơ là rèn luyện đạo đức làm người để rồi ra đời lại sẽ dẫm chân vào vết cũ của cha ông.Thực tế cho thấy mối hiểm họa trên đã được nhiều nhà giáo,nhà nghiên cứu xã hội nhìn ra từ xa,trước khi nó phát triển.Thế nhưng họ đã làm được những gì ? Phải chăng là những lời kêu gọi sáo rỗng hoặc những đợt cải cách đạo đức lẫn giáo dục dẫm chân nhau mà chả cải mới được gì.Toàn xã hội cần phải làm gì đây?Câu trả lời xin để mọi người đọc suy ngẫm.Người viết chỉ xin phép được nhắc lại lời chỉ dạy của nhà sư Thích Tâm Hoan khi nói về vua Hy Tông:”Sống trên đời ai cũng có lỗi lầm nhưng ít người chịu nhận,có nhận thì họ cũng chỉ tự nhận với mình hoặc nhận với nhau,những người sẽ không đánh giá và quy tội họ,hoặc có người nhận thì chỉ là nhận suông thôi,không chịu sửa.Vị vua này, người mang quyền lực tối cao trong một nhà nước đã biết nhận lỗi, sửa lỗi.Sự sám hối này không chỉ cho mình ông,mà còn để răn dạy bao thế hệ về sau nữa."

10 thg 4, 2012

MỘT BUỔI SÁNG Ở HUẾ


     ĐI TẬP THỂ DỤC DỌC BỜ SÔNG HƯƠNG
         Tôi thức giấc lúc nhưng không dám ngồi dậy vì trong nhà chưa có ai dậy cả.Trời vẫn còn tối.Ánh sáng vàng vọt của các bóng đèn đường thưa thớt không đủ thấy rõ mặt đường,chắc nó chỉ có tác dụng dẫn đường cho những ai đi khuya.Tiếng xe máy rền vang giòn giã lướt qua nhà phá tan sự tĩnh lặng của khu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm đang say ngủ. Nhìn đồng hồ thấy mới  4g sáng thôi.Ai mà đi đâu sớm thế nhỉ ?
       Phải đến 20 phút sau,đến khi anh Dinh dậy thì chúng tôi mới cùng ra ngoài sân đánh răng súc miệng bên lu nước cạnh nhà.rồi bắt đầu đi bộ thể dục dọc theo con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ra bờ sông Hương về hướng chợ Đông Ba.
       Suốt con đường,mùi hương nguyệt quế từ vườn nhà ai thoảng ra thơm lựng mũi.Gió từ sông thổi vào mát rượi.Tiếng nước vỗ nghe dạt dào nhẹ và êm đềm làm sao!Toàn cảnh sông Hương chỉ tuyền một màu xanh đen thẫm,láng một lớp ánh bạc lung linh,nhấp nhô theo từng con sóng nhỏ.


       Bên bờ kia là Cồn Hến đang nằm co ro trong một lớp áo gió màu xanh đen đặc tạo nên bởi hàng cây bao boc xung quanh,tìm mãi không ra một đóm sáng.Có lẽ Cồn Hến đang say ngủ.Xa xa về phía cầu Trường Tiền,những đốm sáng  lập loà của các toà cao ốc soi mình trên dòng Hương tạo thành những vệt sáng lung linh mờ ảo.Phía cầu Chợ Dinh vẫn đang im lìm bỗng xuất hiện tiếng phành phạch to dần của một vài con đò máy đang lướt dần về phía chợ Đông Ba.Bầu trời Huế vẫn còn đang ngái ngủ vội thức giấc soi sáng cho mọi thứ trên trần gian này.


      5h đúng.Bình minh ló dạng xua tan cái bóng đêm đang còn nấn ná ở tận cùng mọi  ngõ hẹp.Tiếng chân người đã bắt đầu rộn rã trên mọi nẻo đường.Có những người ra bờ sông để hít thở bầu khí Huế trong lành lúc tinh mơ.Những chiếc xe thô sơ vội vã ngược xuôi mang hàng ra chuẩn bị bán quà sáng cho khu phố cổ.Vạn vật đã lấy lại sinh khí sau một giấc ngủ đẫy đà mộng mị.
 
         THƯỞNG THỨC BÚN BÒ HUẾ CHÍNH GỐC

         Đi tập thể dục về,tôi ngồi nghỉ để hồi sức và cũng là để ngắm nhìn phố sá trước cửa nhà.Bỗng một chiếc xe ba gác lạch cạch dừng lại.Người đàn ông vội vã mang những thứ trên xe xuống đặt ở bên trái sân nhà.Đó là một tấm bảng hiệu nhỏ màu xanh vẽ tay những dòng chữ đỏ khiêm tốn : “Mừng – BÚN BÒ - GIÒ HEO - CUA CHẢ VỊT – Kính mời”.Cạnh đó là một tủ kính nho nhỏ rồi một số bàn ghế nhựa màu nâu đỏ bạc màu và lỉnh kỉnh vật dụng bếp núc nồi niêu,rổ rá . . .
        _Chào các bác ! Các bác ra chơi Huế à ?”
        Bà chủ quán tên Mừng sởi lởi hỏi thăm chúng tôi khi thấy nhà hôm nay bỗng có người lạ.
        _Vâng,chào bà! Chúng tôi về đây thăm gia đình ...
         Vợ chồng bà Mừng thuê sân trái nhà của anh Quý Hiếm cũng đã lâu để bán hàng ăn sáng cho người trong khu phố.Bà vội vã mang vịt ra cắt tiết,nhặt lông bên cạnh lu nước, tranh thủ lúc ông chồng đang nổi lửa nấu nồi nước lèo to đùng đàng trước.Thế là sáng nay chúng tôi không phải đi đâu xa,bún bò đã mang đến tận miệng.


  .
       Bún bò Huế là món ăn đặc biệt truyền thống Huế có mặt khắp nơi không kể giàu nghèo sang hèn.Nói một cách thiển cận,người ta tổng hợp bò trong phở bò nổi tiếng xứ Bắc ,giò heo trong bánh canh giò heo trong Nam nấu pha với ruốc Huế ở tại chỗ.Và để chế ngự các chất liệu đối kháng nhau người ta cho vào đấy vài củ sả và ớt sa tế để dung hợp. Tất nhiên phải có bún sợi to chứ không nhuyễn nhỏ. Gia vị là hành tây,hành ta,ngò, tiêu,chanh,ớt,rau rác đủ loại như bắp chuối,rau muống bào,giá sống,rau quế, tía tô, húng lủi. . . Đấy là cái văn hoá ẩm thực tổng hợp ba miền,thể hiện vai trò trung tâm văn hoá khi Huế được chọn là kinh đô trước đây.Bún bò Huế có mặt trong cung đình và khắp hang cùng ngõ hẹp xứ Việt,rồi theo chân người Huế ra hải ngoại góp phần làm xán lạn cái văn hoá ẩm thực người Việt.Vừa rồi cơm tấm và bún bò là hai món ăn hè phố Việt Nam từng được trang web CNNGo.com bình chọn là những món ngon được bạn bè nước ngoài yêu thích .
        Tuy nhiên bún bò dừng chân ở đâu thì nó được chế biến khác đi cho hợp khẩu vị người vùng đó.Ngay cả trong Thành Huế các hiệu ăn cũng nấu khác nhau theo cách riêng của mình.Còn ở đây cứ xem cái bảng hiệu thì có thể biết,tô bún bò Huế quán bà Mừng cho thêm chả cua hoặc cái đùi vịt nếu khách kêu.
          Bà Mừng hôm nay vui mừng ra mặt vì đã được các người khách phương xa đến  mở hàng.Bốn tô bún bò thơm lừng bốc khói nghi ngút được bưng ra,ai ăn cũng xì xụp khen ngon ở cái vị mặn ngọt chua cay đậm đà rất  đặc trưng Huế.Và cái giá trả rất phải chăng là 100 ngàn,bao gồm 4 tô và một cái đùi vịt gọi thêm.

          THĂM CỒN HẾN - ĂN CƠM HẾN

          Hôm trước tôi có giới thiệu với các bạn về Cồn Hến trên sông Hương,nhưng để dành đến hôm nay trong bài này mới xin được nói nhiều về Cồn Hến và cơm hến.
         Cồn Hến mang tên đúng nghĩa đen của nó,là nơi tụ họp sinh sống của họ nhà hến trôi dạt trên sông Hương từ thời xửa thời xưa.Cái của trời cho này dân cồn cứ việc vớt lên xài,không phải nuôi trồng chăm sóc gì cả.Ấy vậy mà có thời hến buồn lòng người “chỉ biết ăn chơi chẳng biết gì ”,nên đã bỏ bãi ra đi nơi nào không biết,báo hại dân cồn một phen đói khổ thảm thương.Sau nhờ một vị quan nổi tiếng biết chuyện,bày cho dân làng cồn lập đàn cúng bái long trọng,trời thương mới bảo hến về lại cồn. . .Từ đó dân trên cồn cứ lệ hàng năm tổ chức lập đàn cúng Tổ nghề hến vào 2 ngày 24-25/6 âm lịch rất linh đình.



          Dân Cồn Hến chủ yếu sống nghề khai thác hến để chế biến thực phẩm.Các món ăn từ hến ra đời cách đây khoảng 200 năm,vào thời vua Gia Long. Lúc đầu hến là món ăn cải thiện cuộc sống dân dã,sau vào cung đình vua Thiệu Trị thấy ăn ngon mà người làm hến lại vất vả nên đã ra chỉ dụ miễn thuế cho nghề này.Đến giờ, món ăn từ hến đã tiếp cận với giới thượng lưu bởi cách nấu điêu luyện, cho ra các món ngon lạ lại hết sức rẻ.Ngoài việc cào hến, người dân trên cồn còn trồng thêm bắp là nguồn lương thực chính.
           Đến thăm Cồn Hến người ta không thể ngờ rằng đây là một khu công nghiệp chế biến hến thật sự,nhà nhà làm hến,người người làm hến.Các quán cơm hến chè bắp dày đặc như thể một khu chuyên doanh món ăn hến của kinh thành Huế vậy.



         Đi đâu trong khắp thành phố Huế cũng gặp gánh cơm hến.Đa số thực khách là những người dân nghèo lam lũ,học sinh sinh viên ăn cho chắc bụng mà chẳng lo túi tiền có đủ hay không.Có gì đâu : một ít cơm nguội để qua đêm chan với nước luộc hến,một muỗng cà phê hến xào,vài miếng bánh phồng,vài hột đậu phộng rang và vài ba cọng rau thơm,ớt sa tế . . . là xong.Thế nhưng nước luộc hến dùng phải nghe mùi thơm của hến,nấu đủ sôi để chan vào cơm nguội ăn vừa đủ nóng, và hẳn nhiên phải có vị đậm đà của ruốc Huế hoà trộn vào.Cái chính của cơm hến là nước hến,nên khi ăn cơm mà chán thì người ta có thể thay đổi mì gói,bún,phở,cháo hến.Hến mộc mạc thân thuộc với Huế như một câu ca dao :

                                     “Thương thay con hến con sò
                                       Nắng mưa chịu vậy biết bò đi đâu”




          Dạo chơi trên Cồn Hến,chúng tôi tìm được một quán ăn sân vườn khá tươm tất,tên “Hoa Đông”.Khi biết chúng tôi từ phương xa tới,bà chủ quán giọng Huế ngọt ngào niềm nở : “Mời các anh vào dùng thử món cơm hến nhà em ạ !” Chưa thưởng thức nhưng qua giọng ngọt ngào của bà chúng tôi đã cảm nhận được cái ngon của tô cơm hến do bàn tay khéo léo của người chủ quán trực tiếp chan múc và bưng tới tận bàn.




       Và ăn như thể chưa đã,chúng tôi gọi thêm tô bún hến xem có khác gì với cơm hến,và thêm nữa ly chè bắp cho đủ vị ẩm thực của làng Cồn Hến.Thú vị biết bao khi nhìn thấy khăn giấy chùi miệng ở đây được cắt xếp đẹp mắt,và khuyến mại thêm bình trà đá thơm ngát mùi gừng.




           Qua Cồn để ăn một tô cơm hến cho đúng chỗ,nghe một giọng Huế đúng điệu,cuộc hành trình thăm Huế mang lại một cảm xúc tuyệt vời đến giờ về Sài Gòn khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn không quên.
                                                                                                                           TTQ

7 thg 4, 2012

NUỐC HUẾ, DƯA GANG TÔM ĐÁNH

     
         Quán Bình nằm trên đường Trịnh Công Sơn nhìn ra bờ Sông Hương.Từ xa quán đã rực sáng với những bóng đèn tròn trắng xoá treo ngược trên các trụ đèn.Quán còn  được giăng mắc thêm những dãy đèn tuýp 1.2m càng tăng phần huyên náo ồn ào của một khu công nghiệp ăn uống. Quán có phong cách bình dân,nét đặc trưng giống như các quán liền kề.Chúng mọc ra rất nhanh khi cả dãy phố này đua nhau mở nhà hàng ngàn sao nhắm vào những người khách là dân bản địa vốn bình dị mộc mạc,làm việc ở mọi nơi trong thành phố và cả những du khách từ nơi khác đến.
          Chiều hôm nay quán Bình đông nghịt khách.Thực khách ngồi la liệt  trong nhà và cả mặt tiền trông ra khoảng không gian khoáng đãng của bờ sông Hương trước mặt.Họ thích quán Bình vì ở đây có các món nhậu đặc sản,không những  rẻ tiền,mùa nào thức ấy,lại còn được hưởng khuyến mại cái trời cho là ...gió mát Sông Hương.Trong tiết trời mùa hè oi bức,được bạn bè rủ ra đây ai mà chẳng thích.
         Các em phục vụ chỉ cỡ tuổi học sinh sinh viên,cá biệt cũng có vài em nhỏ đang chạy bàn thoăn thoắt.Có điều tất cả đều là phá nam cả.Hình như con gái Huế đài các hơn, ít chịu lụy mình bưng bê phục vụ người khác thì phải ?
          Vài chai bia Huda được mang ra sau khi đá được gắp vào ly cho từng người rồi đặt trước mặt họ.Chỉ ít phút sau,món nuốc Huế được dọn ra theo yêu cầu của khách : một đĩa nuốc trắng trong như những sợi bánh lọt tinh khôi được đặt giữa bàn kèm theo lỉnh kỉnh nào là một chén mắm ruốc Huế đánh lỏng ra nhưng phải hơi sền sệt, có màu nâu đỏ và thoảng lên một mùi thơm đậm đà rất Huế,một chén ớt bột cay hăng hắc,một dĩa đậu phọng rang giòn,một dĩa bắp chuối rau thơm không thiếu những lát vả,chuối chát làm nền.À quên phải có vài miếng chanh và ớt hiểm nữa chứ ! 


          Nuốc là tên gọi riêng của Huế chỉ một loại sứa trắng nhỏ bằng chiếc chén sinh sống ở vùng nước lợ Phá Tam Giang mà ngư dân chỉ đánh bắt được trong mùa hè.Con sứa nếu lấy phần chân thì ăn sần sật ngon hơn phần mình.Theo Đông y sứa có tác dụng làm mát trong người, nhất là với bọn trẻ con hay bị rôm sải.Ấy là nghe ai ở đây cũng nói thế chứ mình chưa tự kiểm chứng được điều này.Nhưng tôi có thể cam chắc một điều là nếu bạn thử gắp một miếng nuốc rồi dầm dầm vào chén mắm ruốc đã pha chế hương vị Huế đậm đà,cay cú,- tựa như nhúng cả cuộc đời một đứa trẻ tinh khôi vào vũng lầy nhem nhuốc cuộc sống -  kèm theo một vài cọng rau thơm,một lát quả vả rồi...".nhập khẩu" thì bạn có thể thốt lên một tiếng : “TUYỆT”- chứ không phải chỉ“TIỆT”- mà thôi  !!!

  
    Thêm một món nữa được gọi ra cho những người con của Huế đãi khách trong Nam thưởng thức đó là dưa gang chấm Tôm Đánh Huế (không phải loại mắm tôm dân Bắc hay ăn đâu nhé).Gọi là Tôm Đánh nhưng thật ra là món tôm với thịt băm nhỏ kho lên với mắm muối tiêu,hành,ớt bột cho cay nồng và sắc lại .Món này ăn hấp dẫn chẳng khác gì các món kho quẹt trong Nam.Hầu như sau này, các tay nhậu do chán ngấy các món cao lương mỹ vị, nên hay gọi món rau củ quả chấm mắm kho quẹt vừa rẻ lại vừa dễ ăn như món ăn cơm ở nhà vậy.Các món ăn ở quán Bình đây hẳn nhiên là quá ngon,lại nhắm với bia Huda của Huế nữa thì thật là đúng điệu !
      Nhưng hương vị của Huế chua cay mặn ngọt có đầy đủ phải ở mức đậm đà,cũng tợ như lúc bạn đang ngồi ăn uống ngon lành,bỗng xuất hiện một Mệ già trên 80 tuổi hom hem đến gần mời mọc bạn mua giúp vài tờ vé số ! Bạn có thể khựng lại và trầm ngâm giây lát,hỏi han để biết rằng cụ bà không con cháu nuôi dưỡng này đang phải bán vé số để nuôi cụ ông bệnh nằm liệt giường ở nhà.Và chẳng cần nghĩ suy mua bán gì cả,bạn sẵn lòng trao tặng cụ bà một trăm để cụ về sớm mà thuốc thang cho cụ ông mau khoẻ.Sau đó bạn dẫu có cảm thấy cay hơn trong miệng hay mặn chát trong cổ họng, thì món Huế bạn đang ăn dở tự nhiên sẽ ngon hơn gấp bội lần. Nó ngon ở chỗ bạn cảm thấy nhẹ lòng vì đã làm được một điều có ích cho những người già nghèo khó.Nó còn ngon hơn ở chỗ ngoài kia tiếng loa ầm ỹ của bài ca vọng cổ “Tình anh bán chiếu “ đang được một nhóm bạn trẻ bán kẹo kéo trong Nam ra cất lên, ru hồn bạn vào một âm điệu u buồn thấm thía,hoà lẫn nhịp điệu của tiếng sóng Sông Hương đang xô bờ mà bạn chỉ nghe thấy khi trong lòng thật trầm lặng. . .
        
                                                                                                                                            TTQ

3 thg 4, 2012

VỀ THĂM HUẾ


 Lời người post :
        Bài viết ghi lại những cảm xúc suy nghĩ của Trần Tăng Quý (nhà giáo hưu trí) trong chuyến về thăm cố đô Huế .Đây không phải là một bài viết hoàn chỉnh mà chỉ là những đoạn trích ghép nối từ những lá thư TTQ gửi cho bạn bè cùng người thân.Tuy vậy các bạn cũng có thể cảm nhận được ở bài này những rung động chân thành của tác giả khi đặt chân đến Huế, cũng là quê ngoại của mình.Với những hình ảnh thật đẹp kèm theo,vẻ mộng mơ cổ kính xứ Huế ngày xưa sẽ đi vào lòng bạn dẫu chưa một lần đặt chân đến Huế.
                                                               *****
          Năm ngoái,tôi ra thăm Huế 10 ngày vì hai lẽ : đó là quê vợ và lời rủ rê của anh Ngọ,một ông bạn giáo già gốc Huế tình nguyện dẫn đường. Những lần trước tôi ra Huế theo đoàn du lịch nên cũng chỉ đến thăm các lăng tẩm đền đài,chưa được đi nhiều nơi thậm chí nhà vợ mình ở đâu cũng không biết.
         Cuộc hành trình trên chiếc tàu hoả khởi hành từ Ga Hoà Hưng lúc 15h30 ngày 4/7/2011, đến Huế vào khoảng 14h trưa hôm sau.


          Đi tàu hoả hạng bình dân cũng có cái thú là được ra ngoài khoang để hút thuốc và chụp hình,chứ thật ra cũng hơi khó chịu vì nó cứ xập xà xập xình,nghiêng qua nghiêng lại.Đến cữ ăn sáng,trưa chiều tối không phải xuống căn tin xa xôi mà ngồi tại chỗ đã có nhân viên cung ứng dịch vụ đến mời chào đủ món cơm cháo, mì,hột gà luộc,trái cây,cafe nước ngọt đầy đủ chỉ có cái hơi đắt nên hạng người ít tiền thường phải mang theo từ nhà đồ ăn thức uống hoặc tranh thủ xuông các ga có nhận khách, xe lửa phải chờ lâu mà tranh thủ ăn vội đĩa cơm hoặc mua vài quả bắp,ít nước đá mà dùng qua đường.Đên khuya mới thật là kinh khủng : những người mua vé súp cứ lăn đùng ra sàn xe mà ngủ.Họ chui cả vào gầm ghế ngồi của mình mà nằm hàng hàng lớp lớp như các con cá mắm khiến mình không tài nào chợp mắt được vì mình không thể để chân xuống sàn được nữa.Có lúc tức quá mình để luôn chân lên bụng họ nhưng họ vẫn ngủ yên như chưa từng được ngủ. Quá ngại mình lại bỏ ra ngoài khoang hút thuốc rồi ngắm nhìn màn đêm tĩnh mịch trôi qua vun vút trong tiếng xập xình đều đặn.
        Cái lão Ngọ nhà mình tuy già yếu như Somali nhưng vẫn cứ thích đi tàu hoả không chẳng vì nó an toàn hơn ôtô giường nằm mà nó tiện cho việc đi toilet và hút thuôc.Hơn nữa tiền vé của lão được bớt 10% vì trên 60 tuổi.Nhưng thôi cũng phải cám ơn anh Ngọ đã cho mình có cái cảm giác đầu tiên về đi xe lửa xuyên việt,và hơn cả là những bức ảnh dọc đường gió bụi.Mà cũng phải cảm ơn con Sony Ericsson nhà mình đã đột xuất cho ra những bức ảnh đẹp thần kỳ.

       Chúng tôi đón taxi về nhà anh Ngọ, Ngay buổi chiều,chúng tôi vội đi thăm nhà ông ngoại vợ tôi gần đó,thăm viếng các nhà hàng xóm và các truòng học trong khu vực Gia Hội.
              Về thăm Huế những lần trước đây mình đi theo đoàn của trường, tuân thủ một hành trình . . .lướt qua và để lại những nuối tiếc trong lòng.Nhưng đó lại là phong cách thời thượng của các công ty du lịch,vả chăng người đi chơi cũng mấy ai có thói quen nghiên cứu,tìm tòi ?! Về thăm Huế lần này mình để tâm hơn về đời sống Huế và những gì Huế đã chưa được khám phá hoặc chưa được khai thác du lịch nhiều.Tuy nhiên mình cứ đắn đo mãi,nếu nói sâu về Huế thì cái mặt nổi của Huế chẳng ai quan tâm đã thay đổi được đến đâu ? Lại có khi người xem trách mình cạn nghĩ, vùng trời trước mặt còn chưa biết thì cần biết chi những nẻo xa xôi ?

          Thú thật là mình ra Huế thăm quê vợ giờ đây chỉ còn là lần theo dấu xưa của gia đình đã một thời sống ở đấy để lại.Cả gia đình bên vợ mình đã vào SG định cư từ giữa thập niên 60 khi chiến cuộc lan rộng chỉ còn mỗi Bà Cô là Sư Bà Từ Nhơn,quý danh Nguyễn Khoa Diệu Tuyền,em ruột của ông ngoại còn ở lại Huế.Bà đi tu từ năm lên tám tại nhà từ đường dòng họ Nguyển Khoa ở thôn Tây Thượng,sau 75 cải gia vi tự với tự hiệu là Tịnh Nghiêm Ni Tự do bà trụ trì. Bà cũng đã mất cách đây không bao lâu tại chùa thọ gần trăm tuổi, tháp đặt trong chùa.Còn nhớ năm 1999, mình ra thăm Bà tuy đả 92 nhưng vẫn còn khoẻ,ân cần hỏi thăm các cháu làm ăn sinh sống ra sao ?.Đến năm 2000 mình ra Bắc ghé vào Huế thăm Bà thì Bà đã bị loà và chỉ sống thêm vài năm nữa là viên tịch.


          Chuyện kể lại Bà và người anh ruột (tức ông ngoại mình là Nguyễn Khoa Lan)  mồ côi cha từ bé,nên rất thương yêu bảo bọc nhau mà sống.Ông ngoại mình đã cố công học hành sau đỗ đạt kỹ sư Công chánh, đã tham gia xây dựng biết bao công trình đường xá,cầu cống,đình chùa miếu tự ở miền Trung trong đó nổi  tiếng là con đường 9 Nam Lào nên rất được người dân thương yêu kính trọng.Chính ông đã định tâm cho người em gái của mình coi sóc ngôi từ đường Nguyễn Khoa sau cải thành chùa liền với chùa Ba La Mật (Nam) và Tịnh Nghiêm (Nữ) nằm cuối đường về thôn Vỹ Dạ.

           Hôm mình ghé thăm chùa Tịnh Nghiêm may mắn đúng vào ngày giỗ hiệp kỵ nên được mời ăn chay một bữa ngon lành 

           Do công việc đường xá lao nhọc bao năm,ông Ngoại vợ mình đã mất vì bạo bệnh năm 1968 và được táng tại chùa Bảo Quốc,cũng là một chùa Tổ .Chùa này nằm trên đường lên đàn Nam Giao,Núi Ngự Bình là một chùa cổ mình không biết thành lập chính xác tự năm nào ( cuồi thế kỷ 17 ?), chỉ biết trên đó có trường Phật học dành cho các tăng ni khắp nơi đến tu tập.
             Chùa Bảo Quốc tọa lạc ở đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế, chùa Báo Quốc ban đầu có tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự, do Thiền sư Giác Phong dựng vào cuối thế kỷ XVII, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1747, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho chùa tấm biển "Sắc Tứ Báo Quốc Tự" có ghi dòng chữ: "Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề". Tương truyền Chùa Bảo Quốc có một giếng nước Long mạch chỉ dùng cho các Vua Chúa :"Giếng Hàm Long (tên chữ là Hàm Long Tĩnh), theo bia “Hàm Long Tỉnh” thì Giếng Hàm Long nằm ngay dưới chân đồi Hàm Long xuất hiện cùng thời với Hoà thượng Giác Phong khai sơn (khoảng năm 1674). Giếng có một mạch nước theo lỗ đá phun ra như vòi rồng, có nước trong, thơm và ngọt. Nước giếng này sau đó được tiến dâng lên các Chúa, còn người dân thì tuyệt đối không được phép dùng, từ đó nó trở thành một giếng thiêng, giếng cấm: cho nên mới có câu ca dao:
                                          Nước giếng Hàm Long đã trong lại ngọt;
                                          Em thương anh rầy có Bụt chứng tri

Hoặc là :
                                        Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm,
                                        Diêm tiêu nào ngăn được nước trong." 


            ( Theo TTVH Phật Giáo Liễu Quán :http://www.lieuquanhue.vn/index.php/7/29/3117.html)
           Ấy là mình cố nói cho ngọn ngành để dẫn dắt các bạn đi thăm Huế có cái nhìn sâu hơn về Phật Giáo ở Huế,không chỉ có mỗi cái chùa Thiên Mụ cổ kính lâu nay cứ đi du lịch Huế lần nào cũng tới riết rồi nhàm chán lắm ru !
.............................
       Bởi thế mình cũng đành post cho các bạn xem những tấm ảnh Huế mình chụp trong Đại Nội và hai lăng mộ tiêu biểu của các vua triều Nguyễn nổi tiếng đẹp và kỳ công gần đây.Cảm nhận của mình là Huế cũng đang cố sức phục dựng lại quần thể di tích cố đô Huế một thời tan hoang vì chiến tranh khốc liệt,kể cả tranh thủ viện trợ ODA của Nhật để khôi phục lại Tử Cấm Thành đã thành bình địa bỏ phế lâu nay.



         Xem các cảnh trí này mới thấy các vua triều Nguyễn ngày xưa cũng rất chú ý đến khoa địa lý,phong thuỷ,khoa mộc xây dựng cung đình, quan tâm phát triển văn hoá nghệ thuật,nhất là nghệ nhân ngành điêu khắc tạc tượng,mỹ nghệ,cung phi mỹ nữ,ca nhạc cung đình . . .Cũng nhờ sự quan tâm này mà các ngành nghề trên phát triển thành kỹ xảo trong một thời gian dài hằng trăm năm, đến bây giờ lại phát vì phục dựng phục chế bảo tồn !


          Công lao to lớn của các vị vua là giải quyết được công ăn việc làm cho dân phu nghèo đói,nhưng chúng ta cũng không quên vụ nổi loạn "Chày vôi" năm 1866 : một đám binh lính và dân công vì đói và phải làm cật lực cho việc xây lăng Tự Đức mau hoàn tất sớm đã bạo loạn lôi kéo mọi người lật đổ ngai vàng .Họ như châu chấu đá xe và bị tàn sát cả gia đình,dòng tộc.Sau vụ này vua Tự Đức phải đổi tên lăng từ Vạn Niên Cơ sang Khiêm Cung và dân tình xuất hiện câu vè ca thán :
                                             " Vạn Niên là Vạn Niên nào ?
                                             Thành xây xương lính,hào đào máu dân ! "
          Đấy là chuyện cái lăng của một ông vua được cho là giỏi thi phú nhất triều Nguyễn,Ông cho làm tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” như trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Tự Đức trước lịch sử.



        Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội.(Wikipedia) Không hiểu bằng cách nào hồi ấy người ta đã khiêng được tấm đá 20 tấn từ Thanh Hoá lên đến Khiêm cung này ?! Mình nghe nói cái Đện Cần Chánh cứ xập xà xập xình nghiên cứu dự án tới lui dậm chân tại chỗ chờ Nhật hỗ trợ.

... 
          Theo mình nghĩ thành quả nào mà không đánh đổi bằng xương máu và mồ hôi nước mắt ?Ấy vậy mà nó vẫn cứ lập nên và biến đi theo thời gian,cũng chỉ vì sự đối kháng luôn có trong thiên nhiên và con người. Chừng nào con người nhận thấy giá trị lịch sử chân chính của di tích có mang lại lợi ích về vật chất tinh thần cho cộng đồng trong tương lai thì mới có quyết tâm phục dựng hiệu quả di tích.Không chừng lúc đó lại mở rộng quy mô nũa là !


         Tôi đọc được đoạn này hay hay là tâm tư của một HDV du lịch,nhưng cũng là chống chế cho qua phà,mời các bạn xem :
      " Mười mấy năm trước, có đoàn khách Bắc Âu đi Xuyên Việt 10 ngày từ TP.HCM ra Hà Nội.
Nghe tôi giới thiệu về lịch sử Việt Nam, vừa đi qua Nha Trang, có vị khách thắc mắc:

 Không hiểu tại sao một dân tộc có bề dày oai hùng như Việt Nam lại không có công trình nào tầm cỡ để lại cho đời?Bên cạnh nước các bạn, Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành, Campuchia có Angkor?...”
      Quá bất ngờ vì lâu nay chưa ai hỏi như vậy, cũng chưa có sách nào dạy, tôi chỉ biết cười (để kéo dài thời gian suy nghĩ) rồi chống chế: “Các bạn cứ tự tìm hiểu xem sao. Trước khi các bạn rời Việt Nam sẽ có câu trả lời”. Tôi lập tức điện thoại trao đổi với các đồng nghiệp. Người thì bảo: “Do Việt Nam thường xuyên có chiến tranh”. Người lại nói: “Bởi phong kiến nước ta chưa đủ mạnh”... Ý kiến nào cũng vô lý. Hồi xưa, nước nào chẳng chiến tranh liên miên mà Trung Quốc là số 1. Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thời Xuân Thu sang Chiến Quốc đến Thập Quốc và nhà Minh. Các nước khác cũng vậy. Đừng đổ tội cho chiến tranh, nhất là khi nó đã đi qua mấy chục năm! Nếu phong kiến Việt Nam chưa đủ mạnh làm sao có thể là dân tộc duy nhất 3 lần đánh bại đế quốc Nguyên Mông vào năm 1258, 1285 và 1288; góp phần buộc chúng suy vong. Nên nhớ dân số Đại Việt lúc đó khoảng 3 triệu người phải chống lại nửa triệu quân thiện chiến Mông Cổ. Đạo quân của Thành Cát Tư Hãn làm bá chủ từ Âu sang Á, đi tới đâu thì cỏ không mọc nổi nhưng 3 lần đến Việt Nam, cả 3 lần đại bại.  



          Đang rối bời khi qua Huế, vào viếng lăng Tự Đức còn gọi là Khiêm Lăng hay Vạn Niên Thành, nghe lại phần giới thiệu của bạn An Hòa - hướng dẫn viên ở Huế, tôi mừng hơn trúng số. “Lăng Tự Đức dự kiến xây trong 8 năm nhưng để lấy lòng vua, mấy viên quản lý rút ngắn thời gian một nửa còn 4 năm. Hậu quả của việc tăng cường độ lao động, thiếu ăn, bệnh tật, đói rét là chết chóc. Những người phu xây lăng nổi dậy. Họ lấy chày giã vôi đập chết các quan lại rồi liên minh với cuộc khởi nghĩa từ bên ngoài của anh em Đoàn Trưng định kéo về lật đổ triều đình. Như châu chấu đá voi, cuộc nổi dậy bị dập tắt trong biển máu”. Gần 150 năm sau, hậu duệ của những người xây Khiêm Lăng còn ca thán: 

                                    Vạn Niên là Vạn Niên nào
                                    Thành xây xương lính, hào đào máu dân!
                                                                                                          (Ca dao) 

              Khiêm Lăng rộng chưa tới 1 km2 mà còn ai oán vậy! Giữ đúng lời hứa, khi đoàn từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài, tôi đã trả lời: “Hôm trước, khi qua thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, có bạn trong đoàn đã hỏi tôi là nước Việt Nam có lịch sử oanh liệt lâu đời sao không có công trình nào để lại cho đời ngưỡng mộ. Với những người lần đầu tiên đến đây như các bạn thì đó là câu hỏi khó, nhưng với mỗi người dân Việt Nam chúng tôi thì ai cũng có thể trả lời (điều này hơi nói quá). Bởi một lẽ giản đơn là tổ tiên chúng tôi không đủ ác, lấy xương máu của nhân dân làm nên những công trình chỉ có tính chất khoe mẽ và phục vụ cho một thiểu số thống trị. Tổ tiên chúng tôi không để lại Vạn Lý Trường Thành hay Angkor nhưng hệ thống đê điều chống lụt ở miền Bắc và hệ thống kênh rạch chống lũ ở miền Nam của chúng tôi dài gấp mấy lần Vạn Lý Trường Thành. Nhờ công trình giản đơn, thiết thực, hiệu quả, phục vụ cho quốc kế dân sinh này; cha ông chúng tôi vượt qua được những thử thách hết sức ác liệt, nghiệt ngã và dữ dội của thiên nhiên, tồn tại cho tới ngày hôm nay để đưa các bạn đi chơi, bằng không, chúng tôi đã trôi ra biển!” 
         Nghe vậy, đoàn tròn xoe mắt ngạc nghiên và vỗ tay. Tôi nói đại, cũng hơi run, chẳng biết đúng sai thế nào, chỉ sợ mất quan điểm. Ai có câu nào hay hơn xin chỉ dùm.



         Huế bây chừ đang cố gắng phục dựng trùng tu các di tích trong quần thể di tích cố đô Huế để phục vụ du lịch trong nước và du khách nước ngoài.Như mình đã nói trong các bài trước,tiến độ còn rất chậm vì ngân sách rất hạn chế (mỗi năm nghe nói được giải ngân khoảng 50-60 tỷ VN đồng ) nên chờ xin Nhật giúp phục dựng lại khu điện Cần Chánh trong Đại Nội.Theo dự kiến thì đến 2020 có thể cơ bản phục dựng lại hoàn chỉnh các cung điện trong hoàng thành,lúc đó bác Bình về hưu chưa nhỉ ?
         Còn về sông Hương thì ngàn năm vẫn thế :
                           "Ngọ Môn năm cửa chín lầu
                           Cột cờ ba bậc, Phú Văn Lâu hai tầng
                            Đi mô cũng nhớ quê mình
                            Nhớ Hương Giang gió mát, nhớ Ngự Bình trăng thanh"
                                                                           (Ca dao VN)
Hoặc giả :
                         "Trước bến Văn Lâu
                          Ai ngồi ai câu
                          Ai sầu ai thảm
                          Ai thương ai cảm
                          Ai nhớ ai mong
                          Thuyền ai thấp thoáng bên sông
                          Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non."
                                                                            (Ca dao VN)

         Hãy nghe thử  bài hát " Đêm tàn Bến Ngự" thì biết !

         Lọ là :
                        " Hương giang thơ mộng hữu tình,
                        Thuyền Rồng bến Ngự còn . .  rình gái tơ "


   
Mời các bác và các anh chị xem một trích đoạn dưới đây để mở rộng tầm mắt  :                                                                                " Vị vua đa tình”  (Cadao.org, 8/3/2012)
               Vua Thành Thái có rất nhiều cung phi và con cái. Đến giờ trong gia phả của Nguyễn Phước Tộc cũng chỉ nói chung chung chứ không có con số chính xác về các vị cung phi cũng như hoàng tử, hoàng nữ của vua Thành Thái. Bên cạnh là một vị vua yêu nước, vua Thành Thái cũng nổi tiếng là một vị vua đa tình. Đó là lý do ông có rất nhiều vợ.
         Có lần nghe đồn trên Kim Long, con gái rất xinh đẹp, dễ thương, lại hầu hết xuất thân từ những gia đình có văn hóa, nền nếp, vua Thành Thái đã quyết định vi hành lên Kim Long đúng ngày mùng 1 Tết, với hi vọng tìm được một Quý phi. Đến nơi, nhìn mãi mà không thấy ai vừa ý, Vua Thành Thái thất vọng liền cho đò quay về. Nhưng đúng lúc đó thì bất ngờ có một cô gái tuổi chừng đôi mươi, tuy mặc áo vá vai và đang chèo đò nhưng đôi má ửng hồng và ánh mắt long lanh, vua lập tức thấy lòng xao xuyến, rộn lên một niềm cảm mến kỳ lạ.
          Vua liền hỏi: “Ni, o tê! O có muốn lấy vua không để tôi làm mối cho”. Cô gái lái đò ban đầu nói đến vua thì sợ phạm tội khi quân nên lắc đầu sợ hãi, thế nhưng được sự động viên của những người ngồi trên đò và sự khuyến khích của vị vua vi hành, cô đã gật đầu đồng ý. Đến lúc đó, vua Thành Thái liền nói: “Vậy Quý phi hãy ngồi nghỉ để trẫm chèo cho”.           
          Nói xong vua Thành Thái liền thay vị Quý phi tương lai chèo đò, trước con mắt ngạc nhiên của những vị khách có trên đò. . ."                                                               
          Hoặc như Trần Thiện Thanh,một vị nhạc sỹ tài hoa đã viết :
              " Tôi không phải là Vua nên mộng ước thật bình thường,
                Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền,
                Loài hoa không hương không sắc màu . . .
                Nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ . . ."
                                                        (Hoa trinh nữ )
 
  
        Người con gái Huế tất nhiên không chỉ dành riêng cho Huế.Họ có mặt khắp mọi nơi không chỉ ở VN,đa số có học thức,chịu thương chịu khó và thành đạt do thừa hưởng một gia phong nghiêm khắc,lấy lễ giáo làm đầu.Tuy là bạn tử tế,đẹp trai,tài giỏi cô nàng rất ưng trong bụng,nhưng cũng vẫn còn e ngại và chờ sự quyết định của gia đình,có khi chẳng thành vì lỗi lỡ thề hẹn trên chùa Thiên Mụ hoặc cùng nhau ăn bún bò Kim Long ! 
        Tình riêng ôm ấp trong lòng nên :
                     "Chiều chiều trước bến Vân Lâu,
                     Ai ngồi ai câu,
                     Ai sầu ai thảm,
                    Ai thương ai cảm,
                    Ai nhớ ai mong..........."
                                                (Dân ca Huế)
           Trong lịch sử,Huế luôn phải chịu đựng mọi phong ba bão táp,phúc hoạ vô lường khiến Huế thơ mộng mang vẻ trầm tư mặc cảm, dù lòng người luôn dậy sóng tự hào là vùng đất Thần Kinh ! (Huế,Tình yêu của tôi - Cẩm Ly
        Huế mâu thuẫn đối chọi nhau là thế.Cái kiểu Huế đã đuọc Trần Khiêm Đoàn một người con xứ Huế viết :
           "Kiểu Huế là nghèo mà vẫn sang, vui rộn rã mà vẫn man mác buồn, ngoài mặt phẳng lặng mà trong lòng dậy sóng, không soi bóng mình trong gương mà soi bóng mình trong đôi mắt của người thương, bè bạn, xóm giềng. Người ngọai quốc như ông Foulon cũng nhận xét về sự mâu thuẫn của Huế: “Tóc tang cười nụ, vui mừng thở than!”(Lê Văn Lân dịch)
          Huế mâu thuẫn từ buổi mới vào đời, đài các từ ngày mới có tên. Tên đất thì nhỏ như nốt ruồi son: Ô, Rí, Huế... mà tên người lại dài lướt thướt như mái tóc mây dài chấm gót: Công Tằng Tôn Nữ Thị Sông Hương, Nguyễn Khoa Hoàng Thành, Tôn Thất Quỳnh Phương... Huế quá trầm lặng và chật như cái bể cạn mà phải chứa những tâm hồn bão nổi sông hồ, nên dân Huế ngoài mặt hiền khô mà trong lòng cưu mang những bến bờ viễn xứ, sẵn sàng phản kháng và rực lửa đấu tranh “dấy loạn” như Lục Vân Tiên ra đường thấy việc bất bằng chẳng tha. Cái dấy loạn bão liệt nhưng nên thơ và lý tưởng quá đà của những tâm hồn lãng mạn kiểu Huế chỉ làm cho Huế thành đất dấy nghĩa nhưng không thể nuôi lớn Huế thành căn cứ địa, chiến khu như Tân Sở, Ba Lòng. Xưa vua Hàm Nghi và vua Duy Tân chỉ có những phút huy hoàng và chợt tắt ở Huế, để rồi suốt canh thâu le lói ở phương nào. . ." 

  .
..          Xét về tính mâu thuẫn trên và xem lại truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì ta cũng có thể hiểu rằng trong cuộc sống làng chài trên Sông Hương hiện tại, ngoài những chiếc thuyền rồng to đẹp đưa khách du lịch đi ngoạn cảnh trên sông cũng còn những mảnh đời cơ cực lênh đênh trên chiếc đò " boat rental " chào đón khách hứng tình chứ !!! Chuyện này trước 75 rất bình thường,sau đó lùi vào bóng tối và bây giờ lại được người ta mang ra ánh sáng. Hãy tìm đọc một vài bản tin trên net về "ngủ đò" trên sông Hương  sẽ thấy rõ hơn về vấn đề này.
 Nếu bạn giả làm một vị Vua hoặc một vị đại gia nào đó chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức màn ngủ đò trên sông Hương một cách đế vương,bằng không thì chỉ nên ra ngắm bờ sông tìm em gái Huế như mình cho đỡ nhớ vậy.

     
          Mình ra ngắm sông Hương khá nhiều lần vào lúc tờ mờ sáng khi đi thể dục,trưa chiều đi bộ dạo phố phường qua cầu Tràng Tiền, rồi tối lại ngồi nhậu lai rai bên bờ sông .Nước sông Hương xanh trong sạch sẽ,gió nhẹ man mác xua tan bầu khí nóng hanh của mùa hè.Chỉ có bên bờ Bắc khu Gia Hội vẫn còn đất đá cỏ cây mọc bừa bãi lôm côm.Khúc này nhà nước đang giải toả để làm hành lang ven bờ sông cho khách bộ hành,còn con đường liền kề cho xe chạy dọc bờ sông  được mang một tên mới là Trịnh Công Sơn  .Từ bờ Bắc nhìn sang bờ Nam thì sẽ thấy sự khác biệt rất lớn không như dòng sông Seine ở Paris của Pháp,một bên là khu giàu có chỉ toàn nhà hàng khách sạn sang trọng còn khu kia là phố cổ với những căn nhà thấp lè tè !


    
     Một hôm nghe nói nhà nước có dự định quy hoạch Cồn Hến cho Nhật sang đầu tư làm một hòn đảo du lịch tầm vóc quốc tế, mình vội rủ anh Ngọ đi đò qua sông Hương vào Cồn Hến xem cho biết Cồn Hến sống ra sao, sợ mai này sẽ không được vào nữa ?!.
      Thế là các o lái đò neo đậu ở Cồn đua nhau í ới mời chào : "Em đưa các anh đi thăm vòng quanh Cồn Hến nhé ! Chỉ một trăm thôi mà anh tiếc với em chi ? " ," Các anh thích đi đâu em cũng chèo,về xuôi hay lên mạn ngược anh ơi ? . . .Thú thật là mình cũng muốn nhảy lên đò đi chơi một phen cho biết các o chèo chống ra sao,nhưng nhìn lai đò thấy các o dùng toàn máy Kohler chẳng thấy cái giầm nào hết nên mình cảm thấy mất hứng đành dành thời gian đi bộ dạo khắp Cồn có hơn không ?

 
         Chuyện về Sông Hương và Cồn Hến đến đây xin gác lại.Tất nhiên không thể thiếu các ảnh chụp để các bạn xem.
           Chúc các Anh Chị và các bạn một tuần mới vui khoẻ !
                                                                                                Trần tăng Quý

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..