15 thg 12, 2022

NGHÉO GIÒ ÔNG SỂN



                “Mười giờ tàu lại Bến Thành.
                Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao”
Một status hay ,dí dỏm và sâu sắc viết về Sài Gòn xưa mà hậu duệ thời nay có thể nhiều người chưa biết.)
***
Sển đây là ông Vương Hồng Sển (1902-1996) Là người Sóc Trăng, ông Sển mang 3 dòng máu: Việt, Hoa, Miên. Cha là Hoa, mẹ là Việt lai Miên. Thế nên tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Miên, ông Sển đều biết.Rồi năm 1919, sau 4 năm theo học trường Chasseloup Laubat (mà ổng gọi là trường ‘Xách Lu’), ông đậu được cái bằng Thành Chung. Cái bằng Thành Chung nầy chứng tỏ tiếng Tây ông cũng rành sáu câu vọng cổ.
Ông Vương Hồng Sển sống tới 94 tuổi, gần trọn thế kỷ XX. Tất ông đã chứng kiến biết bao nhiêu là biến cố trong lịch sử Miền Nam Việt Nam.Là nhà biên khảo, am tường văn hóa, lại khoái sưu tầm đồ cổ nên nhiều lần hai trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Huế có mời ông đến thuyết giảng.
Tóm lại ông Vương Hồng Sển là một cây đa, cây đề của cái đất Sài Gòn. Người viết thiệt trong bụng là hổng dám đôi co, cãi cọ với ông Vương Hồng Sển rồi. Nhưng không cãi thì cũng tức ‘anh ách’ trong bụng! Phần cái chuyện bàn luận về văn chương, đâu có cái vụ già trẻ, chiếu trên, chiếu dưới trong cái đình văn học, tùy theo ai nổi tiếng nhiều hay ít chen vô ở đây?
Nên tui đã không ‘kính cụ’ mà còn bạo gan, xăm mình, uống thuốc liều, đưa cái lập luận nầy ra để làm cái cù nèo ngoéo giò học giả Vương Hồng Sển một cái cho vui vậy mà !
***
Chẳng qua có cái chuyện vầy nè: Bà con mình ở Miền Nam và nhứt là ở cái đất Bến Nghé Sài Gòn chắc ai ai cũng đã từng biết địa danh Bến Thành là:
1. Bến Thành là một bến sông.
2. Bến Thành là một cái chợ.
3. Bến Thành là một cái ga xe lửa Sài Gòn đi Mỹ Tho
Một tên Bến Thành mà đặt cho ba địa điểm có chức năng hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế mà đến ngay cả học giả Vương Hồng Sển cũng lẫn lộn cũng là điều dễ hiểu.
Ông Vương Hồng Sển lẫn lộn cái gì?
Ca dao quê mình có câu: “Bên dưới có sông; bên trên có chợ! Ta với mình chồng vợ nên chăng?”
Bà con để ý thử coi Miền Nam của tụi mình cái chợ bao giờ cũng nằm trên một bến sông.Tại sao vậy? Chẳng qua để tiện giao thông, buôn bán hàng hóa, khi đường bộ còn chưa phát triển, thì đường thủy, đường sông là chọn lựa trước tiên?
Theo các nhà Sử Địa cho biết về Chợ Bến Thành như sau: “Nguyên thủy, chợ Bến Thành đã có trước khi người Pháp xâm chiếm đất Gia Định. Ban đầu, chợ nằm trên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và lính tráng vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành. Trên Bến cũng có một cái chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.”
Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước nữa.
Tháng Hai, năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố. Tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy.
Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860, người Pháp đã cho cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (thời Việt Nam Cộng Hòa là Tổng Nha Ngân khố trên đường Nguyễn Huệ). Ngôi chợ được xây bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá.
Đến tháng Bảy, năm 1870, chợ bị cháy mất một gian, phải cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói. Chợ có tất cả 5 gian: thực phẩm, cá, thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa.
Vào năm 1887, thực dân Pháp cho lấp con kinh và sát nhập hai con đường lại làm một, thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm na là đường Kinh Lấp (nay là Đại lộ Nguyễn Huệ). Khu chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp làm chủ
Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người Pháp bèn lựa chọn một địa điểm khác để xây cất một khu chợ mới, lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển.
Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (sau là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.
Năm 1955, thời Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, phía trươc mặt là: Bùng binh Chợ Bến Thành. Ba con đường còn lại quanh chợ này được đổi tên thành: đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và đường Phan Châu Trinh.
Rồi ông Vương Hồng Sển (1902-1996) có chép lại câu ca dao:
“Mười giờ tàu lại Bến Thành.
Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao”.
Và ông cắt nghĩa là: “Mười giờ có một chuyến xe lửa từ Mỹ Tho lên, đỗ ga ‘Bến Thành’ thì kéo còi ….” (sic). (Tui chép nguyên văn của ổng)
Tui cho rằng ông Vương Hồng Sển cắt nghĩa như vậy là trật lất? Trật chỗ nào? Thưa bà con đây là lập luận của tui: Ông Vương Hồng Sển là người Sóc Trăng nhưng lại cắt nghĩa chữ tàu đây là tàu hỏa theo kiểu Bắc Kỳ?! (Tui không có phân biệt vùng miền gì ở đây hết ráo nhe bà con. Tui chỉ nói về từ địa phương mà thôi).
Theo tui, tiếng miền Nam gọi là xe lửa chớ không ai gọi là tàu hỏa cả. Mười giờ, lúc có đồng hồ, thì chắc câu ca dao này là thời Tây thuộc địa rồi. Nhưng động từ ‘lại Bến Thành’ để chỉ chiếc xe lửa vào ga thì nghe không có lý. ‘Lại’ chỉ chiếc tàu vô, cặp bến thì có lý hơn?!
Còn ‘súp lê’ theo ông nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958) cắt nghĩa rất rõ và rất chi tiết rằng: Súp lê, ông Hồ Biểu chánh viết bằng chữ ‘s’ thay vì chữ ‘x’ như ông Vương Hồng Sển.
+ Súp lê, soufler, thổi còi tàu.Tàu được phép cho hơi nước thoát qua ống khói nên có âm thanh như tiếng thụt ống bễ của lò rèn.
+ Síp lê, siffler, thổi còi xe lửa. Xe lửa không được phép cho hơi nước thoát xuyên hết qua ống khói vì sẽ gây ô nhiễm (bụi than) chỉ được một phần thôi nên nó có âm thanh như tiếng huýt sáo.
Như vậy theo ông Hồ Biểu Chánh cắt nghĩa thì ‘súp lê’ là của tàu, ‘síp lê’ mới là của xe lửa.
Thế nên theo ông Hồ Biểu Chánh cắt nghĩa sự khác nhau giữa hai động từ, một dành cho tàu thuyền, một dành cho xe lửa thì câu ca dao nầy có nghĩa là lúc 10 giờ, tàu (thuyền) chạy bằng máy hơi nước mới vừa cặp vô bến Bến Thành. Chưa gì đã vội thổi súp lê, chuẩn bị tách bến; nên bộ hành lao xao hỏi sao kỳ vậy cà?
Còn hiểu theo ông Vương Hồng Sển: “Mười giờ tàu lại Bến Thành. Súp lê vội thổi bộ hành lao xao” là chiếc tàu hỏa (chiếc xe lửa) vô ga Bến Thành là hiểu trật lất.
Còn cái chuyện bộ hành lao xao, theo ý tui đoán, là nó có liên quan tới cuộc binh biến đêm 14, rạng ngày 15, tháng Hai, năm 1916 tại cái đất Sài Gòn.
Khuya đêm đó, có khoảng vài trăm nghĩa quân ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, tất cả đều mặc áo đen, quần trắng, cổ quấn khăn trắng, bí mật từ ghe, thuyền cập bến đang neo đậu ở chân cầu Ông Lãnh tràn lên để cứu Phan Xích Long. ( Phan Xích Long là một lãnh tụ hội kín đang bị nhốt trong khám lớn Sài Gòn sau cuộc khởi nghĩa bất thành vào năm 1913).
Vì những nghĩa quân nầy đã từ tàu khách đổ bộ lên bến nước gây binh biến; nên thực dân Pháp sau khi đã dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu hồi rạng sáng, chúng siết chặt an ninh bằng cách đuổi tàu khách không cho vào cặp bến. Chính vì chuyện bất thường như vậy mới làm hành khách lao xao vì không biết chuyện gì đã xảy ra?
Thế nên bà con ơi! Chỉ có một câu lục và một câu bát, một câu ca dao có tổng cộng chỉ 14 chữ mà ông bà mình kể lại một thiên anh hùng ca của những người dân Việt bất khuất. Những nghĩa quân đó thà chết; chớ không chịu sống đời nô lệ ngoại bang vào đầu thế kỷ thứ 20, ở Bến Thành, cái đất Sài Gòn yêu dấu của chúng ta.
Đoàn Xuân Thu ( Melbourne )
Tranh của Bảo Huân.


NGƯỜI TRĂM NĂM CŨ

 Tản mạn về một người thầy

Người Trăm Năm Cũ” là tên một cuốn tiểu thuyết của Hoàng Khởi Phong, kể chuyện lịch sử thời Đề Thám chống Pháp. Tôi nhớ cái tựa đề này khi đến thăm nhà văn Linh Bảo, gặp cả nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã tới trước. Hai người đều gần 100 tuổi. Bà Linh Bảo thì còn trẻ, mới 95. Ông Doãn Quốc Sỹ mấy lần nói mình đã 100 tuổi. Doãn Cẩm Liên cải chính: Bố mới 98. Cụ cứ nói mình đã 100, mấy lần, cô con gái đành chịu thua!
Doãn Quốc Sỹ bắt đầu quên từ hơn 10 năm nay. Trí nhớ cụ được xóa bớt dần dần những chuyện vụn vặt. Mươi năm trước, gặp nhau cụ còn hỏi: “Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan hay Hoàng Cầm nhỉ?” Hoặc, “Quê Toàn ở Bắc Ninh phải không? Bà mẹ cụ Nguyễn Du cũng quê Bắc Ninh.” Doãn Quốc Sỹ nhớ bút hiệu Tô Giang Khách, vì nhà ở gần sông Tô Lịch. Rồi kể sau này về thăm, con sông Tô đã biến mất. Lại đọc thơ Trần Tế Xương: “Sông kia nay đã nên đồng – Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô, khoai ...” Trong mười mấy năm, trí nhớ cứ thế nhẹ dần, nhẹ dần; giờ không nghe Doãn Quốc Sỹ hỏi đến Màu Tím Hoa Sim, đến Bắc Ninh nữa.
Nhưng có một chuyện Doãn Quốc Sỹ lâu lâu vẫn nhắc lại. Đó là hai câu thơ của Tú Mỡ có đủ tên tám người con. Doãn Quốc Sỹ lấy người con thứ ba của nhà thơ trào phúng trong Tự Lực Văn Đoàn. Trước ngày cưới, ông bố vợ hỏi nhỏ chàng rể: Anh có biết lễ không? Câu thơ Tú Mỡ viết: “Năm trai, ba gái, tám con – Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vỹ, Cường.” Doãn Quốc Sỹ ngậm ngùi: “Bây giờ chỉ chú Cường còn sống, ở Hà Nội.” Mấy năm sau, ngậm ngùi hơn: “Chú Cường cũng mất rồi.”
Ngày hôm qua thấy Doãn Quốc Sỹ còn nhớ nhiều lắm. Tôi hỏi trong hồi ký Cát Bụi Chân Ai “Tô Hoài nói anh đã dùng tên hiệu Quan Sơn, đúng không?” Ông nhớ liền: Quan Sơn. Dương Quan Sơn, vì có ba chữ DQS giống như tên thật. Tô Hoài kể “Doãn Quốc Sỹ người Cầu Giấy, gần làng tôi. Chúng tôi quen nhau khi mới cầm bút.” Thời 1970 Tô Hoài phụ trách một mục “địch vận” mang tên “Thư Hà Nội” trên đài phát thanh. Tô Hoài viết thư cho Quan Sơn, đó là tên Doãn Quốc Sỹ ký trên báo Tiểu Thuyết Thứ Năm khi đăng truyện ngắn đầu tiên.
Những người trăm năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Doãn Quốc Sỹ nhiều lần nhắc lại tác giả hai câu thơ trên, Vũ Đình Liên, là một thầy giáo dạy mình thủa nhỏ.
Thực ra không cần đi đâu tìm linh hồn những người trăm năm cũ. Họ vẫn còn sống. Chúng ta vẫn thấy họ, ở quanh mình. Lắm lúc tôi nhìn trong gương, tự hỏi trên mặt mình có những nét nào giống bố lúc về già không. Năm tôi 30 tuổi mẹ tôi vẫn xoa đầu tôi nói, “Hói, lại giống Thầy ngày xưa.” Nhưng tôi nhớ bố nhất mỗi khi đắn đo trong việc cư xử trong cuộc đời. “Mình làm như vầy thì bố mình có vui hay không? Hay là sẽ buồn?”
Người Việt mình không dành mỗi năm một ngày mừng “Ngày Của Cha” như phong tục người Mỹ. Tôi không đếm coi mỗi tháng, mỗi năm tôi nhớ đến bố mình bao nhiêu lần, nhưng chắc là nhiều. Tôi mồ côi khi chưa đầy 5 tuổi nên biết rất ít về cụ. Mẹ tôi thường kể chuyện. Mẹ không bao giờ nói về thầy như “ông ấy,” “ông cụ,” hay “thầy các con;” mà lúc nào cũng như chúng tôi, gọi là Thầy. “Với các con lớn bao giờ Thầy cũng gọi là anh, là chị. Thầy không bao giờ mày, tao, thằng này, con kia. Nói chuyện với ai Thầy cũng “vâng,” và “dạ.”
Khi gặp những người gần 100 tuổi mà tôi quen gọi là anh, là chị, như anh Doãn Quốc Sỹ, chị Linh Bảo, ngẫm cuộc đời họ đã sống, nhìn cách họ nói năng, cư xử, tôi vẫn yên tâm. Những người trăm năm cũ sẽ còn với chúng ta mãi mãi.
Ngô Nhân Dụng

21 thg 10, 2022

Phiếm bàn về “... LƯƠNG Y BẤT ĐÁO GIA”

      Bài thơ tứ tuyệt này thường đưa ra bàn bạc, phân tích, phản biện... những khi "trà dư tửu hậu" của các thầy thuốc Đông y có nội dung được xem như một phương châm, nguyên tắc phòng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe của quý ông ở độ tuổi trung niên trở lên.

 Đó là bài thơ “Ngũ ngôn tứ tuyệt” có gốc chữ Hán như sau:

     Bán dạ tam bôi tửu

     Bình minh nhất trản trà

     Nhất nguyệt dâm nhất độ

     Lương y bất đáo gia

    Bài thơ có những dị bản khác nhau ở câu 3 như: “Nhất nhật dâm nhất độ”, “Thất nhật dâm nhất độ”, “Bán nguyệt dâm nhất độ”... Có người cho rằng bài thơ có nguồn gốc dân gian, ngẫu hứng, được truyền khẩu và thêm thắt, thay đổi nhiều ý khác nhau. Ý nghĩa ngắn gọn của bài thơ là:

                 Nửa đêm uống 3 chung rượu nhỏ,

                 Sáng sớm uống một tách trà,

                 Một tháng ái ân một lần,

                 Thầy thuốc không đến nhà.

·        Ý câu thứ nhất là nửa đêm thức dậy uống 3 chung rượu sẽ làm cho khí huyết lưu thông, điều hòa tạng phủ, phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, ý bàn ở đây là nửa đêm dậy để uống rượu có phải là một sinh hoạt bình thường không? Rượu cất bằng chất liệu gì? Ly uống rượu dung tích bao nhiêu? Hiệu ứng đối với cơ thể mỗi người ra sao? Mùi rượu có gây khó chịu cho người khác trong nhà không?… Không đơn giản tý nào! Nửa đêm dậy uống rượu có lẽ chỉ có người nghiện rượu, khó ngủ mới uống được kiểu đó, người bình thường không thể làm được vì sẽ rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người trong nhà, người nằm chung,... nếu uống thường xuyên, liên tục chắc chắn sẽ dẫn đến nghiện rượu, thậm chí còn có thể dẫn đến mất hạnh phúc vợ chồng. Về chất lượng rượu thường dựa theo chuẩn là gạo nấu ủ men cất lấy rượu, tuy nhiên cũng không phải chất lượng như nhau, còn tùy thuộc chất lượng gạo, nguồn gốc sản xuất, chất lượng men, nhiều cách ủ nấu khác nhau sẽ cho ra rượu có nồng độ, chất lượng, ngon dở, lợi hại,... khác nhau. Về dung tích ly (chung) dùng uống rượu cũng có nhiều cỡ loại, tùy theo tửu lượng của người uống mà có tác dụng, hiệu ứng khác nhau. Như vậy, ý nghĩa nửa đêm dậy uống rượu chẳng qua là nói cho vui, nói ước lệ để có cớ cho người đàn ông có quyền uống rượu bất cứ lúc nào, tùy theo ý thích, không ai được cấm cản. Lập luận cho ý đó có những câu như “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, “Một trà, một rượu, một đàn bà…”.


·        Câu thứ hai là sáng sớm, mặt trời mới lên uống 1 tách trà nóng sẽ làm cho tinh thần tỉnh táo, sáng suốt, làm việc nhanh nhạy, hiệu quả, ngoài ra trà còn có một số tác dụng giải nhiệt, giải khát, tan đàm, dễ tiêu hóa, lợi tiểu, giải độc… dùng chữa một số bệnh như nhức đầu, mờ mắt, mệt mỏi gây ngủ nhiều, tâm phiền nhiệt, miệng khô khát, ăn khó tiêu, kiết lỵ…. Tuy nhiên, đối với người khó ngủ, táo bón,... thì không nên uống trà hàng ngày.

·        Ý câu thứ ba, khoản “ái ân” có ý nêu ra một tháng một lần, nửa tháng một lần, một tuần một lần hoặc một ngày một lần,... không phải đơn giản khi phân tích, luận bàn cho hợp lý. Nếu người có sức khỏe tốt mà một tháng chỉ có một lần thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Còn như nửa tháng một lần ở độ tuổi 60-70, sức khỏe bình thường là hợp lý, nhưng tuổi thanh niên trai tráng khỏe mạnh thì chưa hợp lý. Có lẽ câu “Thất nhật dâm nhất độ” là vừa phải, hợp lý với lứa tuổi thanh niên, trung niên, người có sức khỏe bình thường. Nhưng cũng tùy, có người có thể tạng, sức khỏe, di truyền, nhu cầu đặc biệt về tình dục “Nhất nhật dâm nhất độ” diễn ra bình thường, thậm chí “vào ba, ra bảy” mà giới thầy thuốc biết được trong số bệnh nhân, qua đồn đại, "trà dư tửu hậu",...

      Trong đời sống hàng ngày nếu mọi người thực hiện được cách mức điều độ về trà, rượu, tình dục, các sinh hoạt khác thì sức khỏe sẽ ổn định, bình thường, “Lương y bất đáo gia” - Thầy thuốc không đến nhà... để khám chữa vì sinh bệnh do cách sống không hợp lý.

       Như vậy, bài thơ trên có giá trị như thế nào cho cách sống của chúng ta không? Khó mà kết luận được, “chín người - mười ý”, người cho là đúng- có lý, kẻ bảo là sai - vô lý,... đúng là khó thật. Thời xưa, dưới chế độ xã hội “Nam trọng, nữ khinh”, người đàn ông là chủ, toàn quyền trong gia đình, muốn làm gì thì làm, gia trưởng, quan liêu, độc đoán, ... mọi người trong nhà phải tuân thủ, hầu hạ mới có kiểu sống theo nội dung bài thơ trên. Bây giờ cũng có thể có người sinh hoạt theo cách riêng của mình, nhưng đừng làm phiền người khác trong nhà. Nửa đêm thức dậy lò mò lấy rượu ra uống một mình là chỉ có nghiện rượu hoặc... tâm thần mà thôi, không một ai trong nhà tán đồng, ủng hộ, gây phiền hà, bực mình là cái chắc. Nên dẹp bỏ cách uống rượu kiểu này.

        Sáng sớm, uống một vài ly trà ngon là thói quen của nhiều người từ xưa, uống cà phê kèm uống trà buổi sáng là thói quen của mọi người trong xã hội bây giờ , từ nông thôn đến thành thị, khắp mọi nơi. Như vậy, việc uống trà buổi sáng là bình thường, chỉ có uống trà ngon dở, đậm nhạt, nhiều ít, lâu mau,... một mình hay có bạn trà - cà phê?

       Việc còn lại là sinh hoạt tình dục, tùy sức khỏe, bản năng, điều kiện, nhu cầu của từng người, không thể quy ước một lịch sinh hoạt chung cho tất cả mọi người, cho nên ý nghĩa câu thơ này có giới hạn nhất định, không thể áp dụng chung được.

      Tóm lại, bài thơ trên chỉ mang tính ước lệ, có thể phù hợp với con người nhất định và hoàn cảnh xã hội thời xưa, với xã hội bây giờ không thể áp dụng được, chẳng qua khi có dịp ngồi với bạn bè thân hữu, đồng môn, đồng nghiệp,... nói phiếm với nhau cho vui mà thôi! Xin lạm bàn vậy.

Lê Vân



15 thg 10, 2022

Giới thiệu sách mới xuất bản của Ông Đồ Già :" ĐÔNG NGẠC PHẠM GIA CẨN - NGƯỜI LÃNG DU TRONG GIỚI NGHỆ THUẬT "


***
_ LỜI PHI LỘ
Trong nhóm bạn bè khoá 5 trường trung học Phan Bôị Châu Phan Thiết, tôi rất ấn tượng với Phạm Gia Cẩn .Từ ngoại hình cho đến phong cách ,bạn Cẩn hao giống hình ảnh ông thầy đồ ngày xưa, cũng vì lý thế bạn bè chúng tôi khi họp mặt thường bông đùa gọi bạn là “Ông đồ già”. Tôi quen biết Phạm Gia Cẩn ngay từ thời tiểu học tại trường Nam Phan Thiết. Thầy Phạm Gia Huệ dạy tôi năm lớp nhì chính là ông thân sinh của Cẩn. Khi ra đời, bạn Cẩn cũng nối nghiệp bố chọn thi vào ngành sư phạm và theo đuổi sự nghiệp giáo dục cho đến lúc hưu trí .
Cẩn rất tốt bụng và chân tình trong giao tiếp bạn bè dù đang lứa tuổi học trò hoặc ngay cả khi đã có gia đình. Những năm về hưu, thường vào chiều mồng hai Tết, bạn hay mời các bạn học cũ ngày xưa đến nhà họp mặt chúc phúc nhau dịp đầu năm và tiện thể ăn cơm tối với gia đình.Lúc ra về, mỗi vị khách còn nhận được từ gia chủ một món quà đầu xuân khiến ai cũng cảm động.
Những năm gần đây,khi đã sang Úc định cư cùng gia đình, Phạm Gia Cẩn vẫn tiếp tục “làm những gì mình thích”,vẫn thong dong dạo chơi với những đam mê nghệ thuật của mình là thư pháp, nhiếp ảnh,hội hoạ…Thi thoảng bạn vẫn gửi về cho bạn bè những sáng tác mới của mình. Và một sự việc bất ngờ đã xẩy ra khiến tôi rất ngạc nhiên và thích thú là vào chiều ngày 17/9 vừa qua ,cháu Phạm Thuỳ Linh (con gái bạn Cẩn) đã tìm đến nhà tôi nói biếu bác tập sách do gia đình chủ biên viết về “Ông Đồ Già “mới vừa in xong,có tựa đề :
" ĐÔNG NGẠC PHẠM GIA CẨN - NGƯỜI LÃNG DU
TRONG GIỚI NGHỆ THUẬT "



Phải nói ngay đây là một ấn phẩm rất đẹp,in offset mầu, mỹ thuật, công phu, dày 110 trang khổ giấy 21 x 29 cm,bìa cứng, giấy trắng láng mịn.Cầm tập sách trên tay,tôi xúc động thầm nghĩ đây có thể là tập sách để đời của Ông đồ già vì nó chứa đựng nội dung phong phú về nghệ thuật bao gồm nhiều thể loại sáng tác mà nghệ nhân đa tài Đông Ngạc Phạm Gia đã bỏ tâm huyết cả đời mình theo đuổi mới có được. Càng thêm vui với tôi khi ấn bản này ra lò còn nóng hổi vì mới vừa in và nộp lưu chiếu xong chỉ trước đó ít ngày (8/2022), lại có giấy phép in và xuất bản của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam 2022. Điều này sẽ giúp cho việc lưu hành , phổ biến tập sách ở cả trong và ngoài nước thuận lợi hơn nhiều so với loại sách tư liệu chỉ in và phổ biến trong phạm vi nội bộ.
Dưới đây ,Mru tôi xin mạn phép Ông Đồ Già giới thiệu khái lược một số nét chính của nội dung tập sách.
***
Nội dung sách gồm 3 phần
Phần I .PHÁC HOẠ MỘT CHÂN DUNG - PORTRAIT OF AN ARTIST
Bài viết của nhà báo Nguyễn Kim Anh ( Bài viết song ngữ Việt – Anh có kèm một số hình vẽ minh hoạ chân dung Ông đồ già )





“Tôi gặp nhà thư pháp-hoạ sĩ Phạm Gia Cẩn lần đầu cách đây hơn 40 năm ,một người điềm đạm ,trầm tĩnh và có đời sống nội tâm với phong cách của một ẩn sĩ giữa đời thường .

Phạm Gia Cẩn sớm đam mê hội hoạ .Cách đây 50 năm khi đang học SP ở Quy Nhơn anh đã được thầy bạn khen ngợi về hoa tay trong nét vẽ.
Ngoài hội hoạ Phạm Gia Cẩn còn tìm đến nghệ thuật thư pháp,nhiếp ảnh. Anh triển lãm tranh vẽ lần đầu vào năm1973,triển lãm thư pháp vào năm 2001,tại Canberra Úc vào năm 2016.
( Mru mời Click xem => https://youtu.be/Lk30Sx5rhek )
https://www.youtube.com/watch?v=Lk30Sx5rhek
…………
Ước mong một con người suốt đời đi tìm cái đẹp cuối cùng sẽ tìm thấy cái đẹp đích thực nhất nằm trong chính tâm hồn mình. Mong vậy thay.”
Phần II .1 THƯ PHÁP
• Viết trên giấy ( minh hoạ với 20 hình ảnh )







• Chép kinh, sách văn học Việt Nam bằng nét viết thư pháp
( minh hoạ với Kinh Pháp Cú, Bích câu kỳ ngộ,Văn tế Thập loại chúng sinh...)



• Viết và khắc trên lá cây - Leaf Poem ( minh hoạ với 20 hình ảnh)



• Viết và vẽ trên những loại chất liệu khác : trên gạch,trên vỏ sò, trứng đà điểu…
( minh hoạ với 6 hình ảnh)



Phần II .2 HỘI HOẠ
• Tranh vẽ ( minh hoạ với 4 hình ảnh )
• Tranh dán bằng chất liệu giấy ( minh hoạ với 11 hình ảnh)


• Tranh dán bằng chất liệu lá cây( minh hoạ với 3 hình ảnh )
• Khắc( minh hoạ với 4 hình ảnh )




Phần II.3 NHIẾP ẢNH
• Những khoảnh khắc
• Những bước lãng du
( minh hoạ với 24 hình ảnh)
Phần III PHẠM GIA CẨN GIỮA CHÚNG TA
Gồm một số bài viết của bạn bè,thân hữu viết về những vấn đề Liên quan đến Phạm Gia Cẩn .
1. “Tìm cái tĩnh trong cái động của xã hội đương thời “
(Bài viết song ngữ Anh-Việt của phóng viên Kỳ Sơn khi đi thăm phòng vẽ của Phạm Gia Cẩn đăng trên SaiGonTimes số 44-8/2008 )
2. “Ông Đồ Phạm Gia Cẩn” - Bài của Mru Thăng



3. “ Chuyện bạn bè “ - Bài của Lê Quang Chiêu

4. “Thấy em rồi, thư pháp Việt Nam ơi “- Bài của bác sĩ Hòang Yên Bình



5. “Góp phần gìn giữ văn hoá dân tộc “ - Bài của tiến sĩ Nguyễn
Nhã & dược sĩ Phạm văn Loan
6. “Thư pháp…M ột vài kỷ niệm” - Bài của Phạm Như Phúc CHLB
Đức
7. “Cảm - Biết -Tỉnh - Mê” - Bài của Ngũ Thập Nhất
8. “Cái duyên kỳ lạ “ - Bài của Nguyễn Thanh Sơn
9. “Âm vang Phòng Tranh “ _Gồm nhiều cảm xúc ,suy nghĩ
,lời bình của khách đến xem phòng tranh Phạm Gia Cẩn
TRONG TÌNH THÂN GIA ĐÌNH VÀ BẠN HỮU
Phần này có 10 hình ảnh minh hoạ bao gồm :
• Gia đình
• Bạn bè
• Hội ngộ
• Triển lãm
THAY CHO LỜI KẾT - IN LIEU OF A CONCLUSION
( Bài viết song ngữ Việt/ Anh)
“ Quyển sách này được ra đời là một cơ duyên và may mắn bất ngờ đối với tôi .Vì thế công việc trước tiên là nói lên những lời tri ân........
…….....
Cũng nhân dịp này xin được bộc bạch đôi điều ........................................
……....
Nhân đây cũng xin mạn phép chia sẻ vài ý nghĩ thô thiển với mọi người :
1."Hãy làm những gì mình thích và thích những gì mình làm " dù cho ở tuổi nào ,miễn là những cái thích ấy không gây phiền toái và tác hại đến ai.
2.Hãy sống gần và sống với thiên nhiên ( mỗi khi có dịp),bạn sẽ thấy thiên nhiên có vô vàn cái đẹp từ ngọn cỏ,hoa dại ven đường ,đến sự thay đổi của hoa lá ,trời mây qua sự luân chuyển của trời đất và sự vô thường của vạn vật ...để từ đó ta sẽ thấy tâm hồn mình thanh thản nhẹ nhàng hơn .
Cảm ơn quý vị
Canberra ngày 05.04.2022
Phạm Gia Cẩn
tự : ĐÔNG NGẠC PHẠM GIA - ÔNG ĐỒ GIÀ

TÁC GIẢ BÀI THƠ “TIỄN EM ,MÙA THU PARIS” ĐÃ ĐI XA


***

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng ,tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng và trữ tình về Paris được Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc như Tiễn Em, Kiếp Sau, Mùa Thu Paris...đã vĩnh viễn rời xa chúng ta vào chiều ngày chủ nhật vừa qua, 9 tháng 10/ 2022.
Ông là người đã đưa những hình ảnh thật thơ mộng của nước Pháp đến gần với giới thưởng ngoạn âm nhạc với sân Ga Lyon đèn vàng, "lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế", hay vườn Luxembourg vào Thu, "ngồi quen ghế đá không em buốt giá từ tâm", hay hình ảnh người em gái mắt nâu, "tóc vàng sợi nhỏ, mong em chín đỏ trái sầu".
Vài nét về thi sĩ Cung Trầm Tưởng
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28.2.932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,có tập thơ đầu tay tên là Sóng đầu dòng.Năm 1949, ông vào Sài Gòn, học trung học tại Chasseloup Laubat .Năm 1952 ông sang Pháp du học tại Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence. Năm 1957, ông tốt nghiệp về nước làm trong ngành không quân.Trong năm này, hai bài thơ "Mùa thu Paris" và "Vô đề" xuất hiện trong tuyển tập Đất đứng đã làm người đọc chú ý.
Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn nghệ mới và cộng tác thường xuyên với các tạp chí ở Sài Gòn như Sáng tạo, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành...Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của ông, đó là những bài "Mùa thu Paris", "Chưa bao giờ buồn thế" (Phạm Duy gộp lại và lấy tên là "Tiễn em"), "Bên ni bên nớ", "Khoác kín", "Kiếp sau", "Về đây"…
Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng, đậu Tiến sĩ khí tượng học tại Đại học Saint Louis. Sau đó, ông trở về Sài Gòn tiếp tục làm trong binh chủng Không quân với cấp bực cuối cùng là Trung tá .Năm 1975, ông đi cải tạo 8 năm .
Năm 1993, ông sang Hoa Kỳ định cư ở Eagan, tiểu bang Minnesota. Ông mất ngày 9.10.2022 tại Saint Paul, Minnesota, thọ 90 tuổi.
Bầy tỏ nỗi tiếc thương sâu sắc với thi sĩ Cung Trầm Tưởng, tác giả Hàn Tuấn thể hiện bài thơ dưới đây như một nén tâm nhang :
“Tiễn em chiềuThu”
Tiễn em về trong chiều Thu
Lòng buồn xa vắng,sương mù giăng giăng
Em xa tôi mấy mùa Trăng
Thu này chắc hẳn mười năm còn gì?
Từ ngày cất bước ra đi
Mỗi mùa lá rụng,ướt mi Thu sầu
Nhặt lá vàng,mộng về đâu
Nhớ người xưa ấy tình đầu khó phai
Bến xưa,thuyền lặng,Sông dài
Nhìn Thu chạnh nhớ tóc mai,môi hồng
Thu buồn,em bước bên chồng
Rời xa bến cũ, hương nồng mang theo
Chàng đi về hướng cheo leo
Mười năm trở lại,gió heo may về
Thu nay,đơn bóng ê chề
Giã từ cố quận, câu thề thiên thu...!
Hàn Tuấn
Chung niềm tưởng nhớ người thi sĩ tài hoa Cung Trầm Tưởng vừa mới ra đi, Mru xin mời bạn bè cùng nghe lại bài thơ 'Tiễn em' do ông sáng tác,được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và ca sĩ Sĩ Phú trình bày.

TIỄN EM - PHẠM DUY - SĨ PHÚ - YouTube


4 thg 9, 2022

“ THẤY ĐÙI EM VỢ NHƯ TÔM KHO TÀU “

 

    Tản mạn vui vui cuối tuần

****

       Người miền Nam coi việc làm món thịt kho tàu trong dịp Tết Nguyên Đán là truyền thống lâu đời. Với họ, trong những ngày Tết không thể thiếu có món ăn này trong mâm cỗ thắp hương hoặc mâm cơm đãi khách.

      Nhưng một lần làm du khách phiêu lãng cảnh đẹp sông nước miền Tây ,tôi được nghe kể về một câu ca dao miền Nam rất thú vị liên quan đến món thịt kho tàu :

               Giữa trưa đói bụng thèm cơm

            Thấy đùi em vợ như tôm kho tàu

         Tại sao ra cớ sự mà đùi em vợ “ngon” như tôm kho tàu? Nói theo ngôn ngữ nhà thiền thì tại sao có cái công án đó? Thiệt chẳng chút nào “chánh niệm”khi ví von như thế ! Để cho “có lang có lớp” ,chúng ta phải bắt đầu từ món thịt “kho tàu”.

      Kho tàu thực ra chẳng liên quan gì đến người Tàu. Nhiều tác giả ẩm thực đi xa quá còn giải thích món thịt heo kho tàu là truyền thừa từ món thịt kho Tô Đông Pha.Tô Đông Pha không chỉ là một thi hào triều Tống mà theo nhà văn nữ người Anh Fuchsia Dunlop chuyên về “ẩm thực Trung Hoa” thì Tô Đông Pha, cũng có thể coi như dân giang hồ có số má trong làng ẩm thực. Truyền thuyết đó nói rằng chính Tô Đông Pha sáng chế ra món “thịt heo kho Đông Pha” (nhưng đến giờ vẫn không thấy bằng chứng nào được trưng ra) .

      Truyền thuyết kể: Thời ông lưu đày ở con dốc phía Đông, gọi riết thành tên “Đông Pha”, xứ Hoàng Châu, nay là Hoàng Cương. Ông sống đời tự cung tự tiêu của một kẻ không quê mùa nổi, với nghiệp nhà nông làm ruộng nuôi heo tự nấu ăn. Chính ở đó món thịt nổi tiếng mà “Mao Trạch Đông rất mê” ra đời, từ một tai nạn. Lịch sử nguồn gốc bao giờ cũng do một tai nạn?

   Một hôm ông đang trong bếp nấu thịt heo chợt có bạn tới rủ chơi cờ. Mê cờ cũng là thú của những tỉ phú thời gian như ông. Thịt bắc trên bếp mà chủ nhà mê cờ mãi đến khi nghe mùi thịt bắt đầu khét mới lật đật vào nhắc xuống và tình cờ món heo Đông Pha ra đời. Sau khi được phục hồi “quan phẩm” lần thứ nhất, ông về Hàng Châu đem theo món heo kho đỏ au nhờ màu rượu vàng Thiệu Hưng cùng với xì dầu.          

     Ta thấy rõ ràng đó là món thịt kho kẹo nước cho đến lúc bị caramel hóa đến sắp cháy. Trong khi thịt heo kho tàu ở xứ ta là thịt heo kho nước dừa lỉnh bỉnh. Đặc biệt ở miền Nam còn kho nước dừa cho miếng thịt mềm rệu. Chữ “kho tàu” theo ông Bình Nguyên Lộc, một nhà nghiên cứu tiếng Việt với tác phẩm nổi tiếng Lột trần Việt ngữ, thì “tàu” ở đây là một từ cổ, nghĩa là lợ, như nước lợ sông Cái Tàu ở Cà Mau vậy đó. Kho tàu là kho lạt. Chẳng hề “dĩ Hoa vi trung” một tí ti ông cụ nào.

 

        Tôm kho tàu cũng kho na ná như thịt heo kho tàu. Món này gọi tên đầy đủ là tôm càng xanh kho tàu. Tôm càng xanh “làm ổ” ở miệt Kiên Giang và Cà Mau một thời. Tôm kho tàu là món không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp miền Nam. Nấu món tôm kho tàu ngon trở thành thước đo về “công” của người phụ nữ Nam bộ.          

         Theo văn liệu trong các tiểu thuyết và truyện ký của nhà văn rặt Nam bộ Hồ Trường An, hễ có đãi đằng là có món tôm kho tàu. Ngoài giọng văn “chửi” xuất sắc, ông còn là người viết về những món ăn miền Nam, khi thì liệt kê, khi thì mô tả cách làm, xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.

       Có người nói tôm kho tàu là món ăn của nhà giàu. Điều đó không hẳn đúng hoặc chỉ đúng một nửa, đúng tương đối. Những người dân khẩn hoang vào đầu thế kỷ trước rõ ràng không thể gọi là giàu nhưng vùng đất họ ở, con tôm càng xanh trong tự nhiên rất nhiều. Và khi có dịp đãi khách, khi đám cưới đám giỗ, “mấy ngày Tết”, họ đều canh bắt mớ tôm càng xanh để kho tàu. Trong ao, trong đìa, trong mương…, chỉ cần lội xuống dậm cho dậy bùn là tôm ngoi đầu quơ râu đỏ au. Nhất là vào độ cuối năm, khi chuẩn bị xả nước để làm đất gieo sạ lúa mùa sau. Nước rút xuống những chỗ trũng, xách rổ đi tới những nơi ấy tha hồ bắt.

          Trở lại với món tôm kho tàu. Ngày xưa, món tôm kho tàu cũng không bị nghiễn ra nhiều thứ như bây giờ. Có nhà chỉ ướp tôm bằng muối hột giã nhuyễn. Khi đã trộn đôi ba lần cho muối thấm đều, họ cho mớ tôm lột vỏ vào nồi rồi đốt lửa riu riu trên bếp củi, dùng đũa trở qua trở lại cho tôm chín đều.

Sau đó chén gạch để riêng khi lột vỏ tôm được cho vào một trả nhỏ bắc lên bếp. Gạch tôm chín ngả màu đỏ quạch. Gạch ấy được dùng để nhúng từng con tôm thật đều. Tôm lại được hóa kiếp một lần nữa trên bếp lửa riu. Khi gạch đã bám chắc lên tôm, người ta cho một ít nước dừa vào kho cho cạn bớt nước, hương thơm ngát tỏa khắp gian bếp.

         Ẩm thực không có chuyện “Trúc xinh trúc mọc bờ ao, em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh”. Tôm kho tàu phải ăn với gạo thơm. Gạo thơm ăn cơm nguội vẫn còn thoảng hương. Chớ không như gạo thơm biến đổi gien từ lúa ngắn ngày bây giờ! Nhưng tại sao lại có chuyện giữa trưa đói bụng đi kiếm cơm, dù là cơm nguội, mà lại thấy… đùi em vợ? Lại còn như tôm kho tàu buộc phải nuốt nước miếng ừng ực?

       Hồi còn đi học môn tâm lý học, thuở hai phái còn rạch ròi giới tính, chưa có mấy Lesbian, Gay,Bisexual như ngày  nay.Thầy Võ Doãn Nhẫn giải thích: “Phần đông phụ nữ mắc bệnh trưng dâm (exhitionism) , còn đàn ông mắc bệnh thị dâm . Nên cái đùi em vợ phải được tận tình phô phang trên cái võng trước khi đến chỗ để cơm”. Và, cái “đùi em vợ như tôm kho tàu” là dạng “điều kiện hóa” Pavlov. Cái đùi ấy giống như tiếng chuông của Pavlov, còn tôm kho tàu lâu lâu mới có ăn nên nước miếng tha hồ xôn xao.    


   

 Nguồn tham khảo:

·         SàiGonnhonews .com

·         thebethkitchen.com 

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..