7 thg 7, 2020

NHỚ NHẠC SĨ TÂM GIAO - THẦY NHẠC CỦA TÔI


          Tôi học với thầy Chung từ niên khóa 1955-1956 sau khi vượt qua kỳ thi tuyển lớp 6 ,khá khó khăn, để được vào học tại ngôi trường trung học duy nhất của tỉnh Bình Thuận.Thầy Chung là giáo viên dạy nhạc những lớp đầu cấp.Thời đó chúng tôi quen gọi thầy là nhạc sĩ Tâm Giao,tên thầy dùng khi sáng tác “Phan Bội Châu hành khúc” luôn được hát tiếp sau quốc ca trong các buổi chào cờ.Trong quá trình suốt 7 năm trung học được học với nhiều thầy cô nhưng thầy Chung là một trong những người thầy tôi ấn tượng sâu sắc.





           Thầy Chung khổ người cao gầy,khuôn măt xương xương.Dáng đi của thầy ung dung,nhẹ nhàng.Bên cạnh đó,thầy còn là một trong những nam giáo viên ăn mặc giản dị nhất trường:thầyluôn luôn đến lớp đúng giờ với áo sơ mi trắng và quần tây đậm màu. Cách ăn mặc của thầy là hình ảnh tương phản với thầy Mậu (dạy họa) và thầy Viên (dạy văn ),2 giáo viên ăn mặc rất “ mốt “ trong trường.Chúng tôi yêu thích những giờ nhạc cuả thầy Chung bởi lẽ đấy không chỉ là những giờ học nhạc mà còn là những giờ giao lưu giữa thầy và trò rất thân mật,cởi mở,điều hiếm thấy với thầy cô bộ môn khác.Ở thầy,đi kèm với tận tâm còn là sự nghiêm khắc đúng mức.Với những học trò lười biếng hay thiếu lễ phép,thầy thẳng tay kỷ luật không khoan nhượng.Có lần, một lớp hát chào cờ sai nhịp làm buổi lễ mất đi tính cách nghiêm túc đã bị thầy phạt ngồi dưới sân hết một tiết mới cho lên lớp học.
Lên lớp 8,không còn môn nhạc trong chương trình nhưng chúng tôi vẫn quý trọng thầy Chung chẳng khác nào lúc còn đang học.Mối quan hệ trò sâu đậm đó không hề phai lạt ngay cả khi chúng tôi đã rời ghế nhà trường.
            Ra trường rồi,chúng tôi như những cánh chim lìa tổ tung bay khắp bốn phương trời. Nhiều người trong chúng tôi vẫn nhớ về thầy cô,nhất là thầy Chung.Mỗi khi có dịp gặp lại chúng tôi thường kể nhau nghe những kỷ niệm thời còn đi học.Không ai quên được hình ảnh thầy Chung đứng “vẽ bùa” (bắt nhịp cho học sinh hát) trong các buổi chào cờ.
           Sau 1975 do bận rộn sinh kế và không liên lạc được với bạn bè ,tôi không có tin tức gì vể thầy Chung.Mãi đến 30.3.2002,tôi mới gặp lại thầy trong buổi giao lưu nhân dịp thầy ra mắt tuyển tập nhạc “ Dòng thời gian “ tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
            Hôm đó mới bước vào phòng,từ xa tôi đã nhận ra thầy Chung ngay bởi cái dáng dấp ung dung thanh thoát và khổ người cao của thầy không thể lẫn với ai được.Tôi lại bên chào và tự giới thiệu.Thầy rất mừng khi gặp lại học trò cũ,vồn vã bắt tay tôi.Nhìn ánh mắt rạng rỡ và nụ cười tươi tắn nở trên khuôn mặt hiền hậu đã nhiều nét nhăn,tôi xúc động choàng tay ôm chặt người thầy cũ vào lòng .Trên đường về, cầm tập nhạc “Dòng thời gian” có chữ ký tặng của thầy, lòng tôi xao xuyến,thương cảm.Thầy như ngọn đèn trước gió, biết có còn gặp lại .
           Mấy năm trôi qua,không gặp thầy Chung nhưng qua bạn bè Phan Bội Châu ở Sài Gòn , tôi hay tin thầy Chung còn tương đối khỏe do thường xuyên tập dưỡng sinh và gần gũi với những thú vui tuổi già như nuôi chim, chơi cây cảnh…Thầy còn làm thơ,viết nhạc.Tết năm nào thầy cũng đi xem chợ hoa và gặp gỡ bạn bè để cùng nhau vịnh thơ mừng xuân.
           Chính nhờ có lối sống khỏe khắn lạc quan,sức sáng tác của thầy Chung không bị khựng lại cho dù tuổi hạc đã cao.Trong thập niên cuối đời,thầy tuần tự cho ra mắt một số sáng tác mới cả về nhạc lẫn thơ ca mà thành công nhất phải kể đến ca khúc “Bên lửa hồng”, tác phẩm đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi “Sáng tác ca khúc về tuổi trẻ Việt Nam|” tổ chức năm 2006 tại Sài Gòn.
Về thơ ca,thầy Chung sáng tác nhiều bài thơ Đường luật rất hay với bút danh Bạch Khuê Bút.Thầy gom chung thành tập thơ “Còn một chút gì để nhớ” in tặng bạn bè.Các bài thơ mang bút danh Bạch Khuê Bút càng được nhiều người yêu thơ biết đến hơn sau khi chúng xuất hiện trong tập “Thắp sáng Đường thi” do câu lạc bộ thơ Đường Unesco Việt Nam xuất bản.
            Năm 2007,đúng vào dịp Tết Đinh Hợi, thầy Chung cho ra mắt đĩa CD đầu tiên mang tên “Ký ức thời gian”có 13 ca khúc.Tất cả các ca khúc này thể hiện nồng nàn tình yêu thành phố biển Phan Thiết.Đặc biệt là ca khúc “Tình ca Phan Thiết” đã đi vào lòng người.Những ký ức về mái trường thân yêu :Phan Bội Châu hành khúc,Buổi lên lớp đầu tiên,Mỗi độ hè sang,Trường ơi….đều thắm đượm sâu sắc tình yêu quê hương,đất nước, gợi lại trong lòng người đọc những kỷ niệm khó quên cuả thời áo trắng:
Trường ơi ,bất chợt sớm mai nào

Em lạc bước vòm xanh lá sao.

Ngẩng đầu gặp một trời ngói đỏ
Là biết rằng em đứng trước trường .
                        ( Trường ơi  )
          Năm 2010,lúc tuổi đã tròn 80,thầy Chung để lại cho đời một dấu ấn đậm nét khi người phổ nhạc rất thành công bài thơ nổi tiếng “Hà Nội rơi rơi tiếng Nguyệt Cầm” của thi sĩ Huỳnh Hữu Võ.Bài hát nay đang được sinh viên Sài Gòn yêu thích hát cho nhau nghe mỗi khi sinh hoạt văn nghệ.
Đáng nói hơn cả là cũng trong năm 2010, bất chấp tuổi già ,sức yếu ,thầy Chung dũng cảm tham gia cuộc thi “Liên hoan hát với guitar” chủ đề “Thăng Long - Hà Nội trái tim tôi”do Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh tổ chức .Cuộc thi có trên 500 thí sinh tham dự và thầy Chung là thí sinh cao tuổi nhất hội thi.Ở vòng sơ kết,thầy Chung đạt 18,30 điểm, chỉ sau một ca sĩ nữ đạt 19 điểm.Tại vòng vòng chung kết,thầy Chung được Ban tổ chức đặc cách miễn thi và trao giải đặc biệt với cúp pha lê.



           Ngày 2/10/2010,khá đông cựu học sinh trường Phan Bội Châu nhiều thế hệ khác nhau nghe tin đã tìm đến ngồi ở hội trường theo dõi lễ trao giải hội thi.Khi thầy Chung bước lên bục lãnh thưởng,cả hội trường vang dội tiếng vỗ tay.Nhóm học sinh U60 chúng tôi,trái tim như muốn vỡ ra bởi niềm vui quá lớn.Nhiều người chạy đến bên thầy chúc mừng.Họ hồ hởi hòa chung niềm vui với người thầy ngày xưa của mình và cố nài xin cho được chữ ký của thầy.
***
           Hôm nay thầy Chung không còn nữa.Thầy đã đi xa ,rất xa…(Thầy mất 16g30 ngày 27.8.2011). Trước mặt tôi bây giờ là tập nhạc “ Dòng thời gian “có chữ ký của thầy.Nhìn tập nhạc,lòng tôi thấy gần gũi ,yêu kính,xót xa.Hình bóng thầy như đang ở rất gần bên tôi.Nhớ lại khi nhận tập nhạc từ tay thầy Chung,tôi đã cảm nhận xa xăm nỗi buồn về thân phận con người bởi bàn tay thầy tuy ấm nhưng xương da mềm oặt.Và theo luật tự nhiên,hôm nay chiếc lá mùa thu trên cành ngày đó đã rơi rồi.Tất cả những gì quý báu của thầy Chung còn lại với tôi cô đọng trong tuyển tập nhạc này.Tôi sẽ đặt kỷ vật vô giá này vào vị trí trang trọng nhất trên tủ sách của gia đình.Hàng ngày nhìn thấy tập nhạc đó,tôi sẽ nhớ về người thầy cao quý của mình và hồi tưởng lại những ngày xưa thân ái cùng bạn bè học với thầy dưới mái trường Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết.Và sau cùng, qua bài viết này,tôi xin được như là thắp một nén hương lòng tưởng niệm về nhạc sĩ Tâm Giao,thầy nhạc của tôi
.

*******************Mời nghe****************************

Bài hát " Hành khúc Phan Bội Châu " trong video dưới đây 




HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..