27 thg 10, 2017

PHAN THIẾT QUÊ HƯƠNG TÔI - Nguyễn Thế Tân

                                                       
Thân tặng các bạn Thăng,Chiêu,CBình,Cẩn,
 KLiên và các thân hữu trên Facebook.
                                              *****
Tôi sinh ra và lớn lên từ quê hương biển mặn cực nam Trung bộ. Thành phố biển Phan Thiết quê tôi có dòng sông Cà Ty nước xanh biếc, êm đềm uốn lượn từ núi rừng Mường Mán, chảy qua trung tâm thành phố trước khi đổ ra biển cả.
 Bình thường khi mưa thuận gió hòa, dòng Cà Ty  rất hiền lành, nhưng những lúc trời giông bão lớn nó trở nên hung tợn với dòng nước cuồn cuộn chảy xiết cuốn phăng mọi thứ hai bên bờ, gây ra lụt lội tai hại như trận lụt năm Nhâm Thìn (1952). Trận lụt này cuốn trôi cây cầu sắt cũ, nó được thay bằng cây cầu lát ván . Sau này có cây cầu thứ ba là cầu Dục Thanh, người ta gọi nó là cầu Giữa (nằm giữa cầu Trần Hưng Đạo và cầu Dục Thanh). Gần đây, cầu Giữa được thay thế bằng cây cầu cáp treo. Cầu treo nối đường Lê Hồng Phong phía Bắc với đường Nguyễn Thị Minh Khai phía Nam nên được đặt tên là cầu Lê Hồng Phong. Hai bên chiếc cầu treo cách khoảng 500m là hai chiếc cầu “bê tông” cốt thép để phân luồng giao thông, tránh kẹt xe trong những giờ cao điểm và cũng để thuận lợi trong sinh hoạt của người dân hàng ngày.

                   Cầu treo Lê Hồng Phong

Dòng sông Cà Ty uốn lượn chia thành phố ra làm hai, bờ hữu ngạn và bờ tả ngạn. Đặc biệt bên tả ngạn, trong công viên cây xanh với những tán cổ thụ tươi mát, một tháp nước được xây dựng thời Pháp thuộc, đã hơn một trăm năm tuổi sừng sững vươn cao, tháp này được lấy làm biểu tượng cho thành phố Phan Thiết. Trải bao nắng mưa, sương gió tháp nước Vông Vang vẫn đứng vững là biểu tượng lịch sử quý giá, lâu đời đã dành cho thành phố này.


Bờ biển quê tôi có những đồi dương cát trắng và những rặng dừa xanh xóm Rạng kéo dài từ bờ biển Thương Chánh đến khu du lịch Mũi Né. Hàng năm tiếp đón du khách xa gần đến thăm viếng, nghỉ mát, tắm biển và thưởng thức hải sản sạch và tươi sống của vùng biển Phan Thiết danh tiếng này.
Trên đường đi từ Phan Thiết ra Mũi Né, trên đồi Ngọc Lâm có tháp Chàm và cao nhất là một tháp canh, nơi đây lúc xưa có lầu ông Hoàng nổi tiếng một thời. Đứng trên đồi nhìn ra biển cả, những con sóng cao bạc đầu trắng xóa chảy dài, cuộn tròn trên làn nước trong xanh biết trông rất đẹp.
Phan Thiết quê tôi có hàng ngàn hécta vườn thanh long của các thôn xóm nằm hai bên quốc lộ 1 và có nơi trải dài đến các thôn xóm gần dãy núi Trường Sơn hoặc ra gần bãi biển. Mấy năm gần đây, nông dân Phan Thiết đã làm cho cây thanh long ra trái đúng mùa và cả trái mùa bằng cách làm sáng vườn về ban đêm, nên gần như suốt năm trên những trụ thanh long nằm sai oằn những trái đỏ trên cây. Các trụ điện với hàng ngàn bóng đèn được thiết kế mỹ thuật nằm thẳng tắp song song với nhau, đêm đêm tỏa sáng lung linh từng hàng cây, quang cảnh như một thành phố nhỏ. Bên đường các đoàn xe tải nối đuôi nhau xuôi ngược, bốc dỡ hàng thanh long vừa thu hoạch để phân phối cho các đại lý xuất khẩu trong và ngoài nước.Đã hàng thế kỷ, Phan Thiết là nơi sản xuất nước mắm ngon, nổi tiếng trong cả nước.


Tôi còn nhớ kí ức năm 1962 khi tôi học đệ nhất B ở trường Văn Học của thầy Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên Sa) ở Sài Gòn. Các bạn nam nữ học cùng lớp thường trêu chọc đùa vui gọi tôi là “thằng Phan Thiết” hay “thằng nước mắm”. vì áo quần tôi mỗi lần từ Phan Thiết vào lớp học bao giờ cũng phảng phất mùi nước mắm. Đùa giỡn mãi rồi lâu ngày cũng thành quen, để rồi sau này tôi phải chịu chết danh cái tên ấy. Mãi cho đến ngày hôm nay, dù ở tuổi cổ lai hy, thỉnh thoảng bạn bè cũ lúc học ở trường Văn học có dịp gặp lại nhau ở Sài Gòn, cũng quen gọi cái tên ngày xưa của tôi là “thằng nước mắm”. Tôi hãnh diện với cái tên này vì nó mặn mà và thân thiện với lòng nhân ái của bạn bè đã khơi dậy và rót nhẹ vào lòng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của thời áo trắng. Ngoài nước mắm ra, quê tôi còn có đặc sản cốm hộc mà bạn tôi ,Nguyễn Đình Thăng, có bài CỐM HỘC PHAN THIẾT, một bài rất hay về món ăn truyền thống ngày Tết của người dân  Phan Thiết ( Báo PNCN số 38- 2008)  . Mạn phép bạn, tôi trích đoạn dưới đây : 

 "Người dân Phan Thiết quê tôi vốn rất tự hào với cốm hộc, bởi đó là một trong những món ẩm thực truyền thống không thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên mỗi khi tết đến. Những người sinh sống nơi xa, dù ở trong hoặc ngoài nước đều không quên dặn dò người thân gửi cho mình dăm bịch cốm để bày bàn thờ cho dúng thông lệ, và để khi ăn có thể nhớ lại hương vị quê nhà. Tuy không sang trọng, nổi tiếng đi vào văn thơ như cốm làng Vòng bọc lá sen xứ Bắc, nhưng cốm hộc không kém tinh tế trong các công đoạn chế biến và còn không thua cả về mặt hương vị quyến rũ.
Về đại thể , cũng như cốm Vòng, quà tết nổi tiếng xứ Bắc , nguyên liệu chính để làm cốm hộc cũng là nếp nhưng già nắng hơn. Nếp được đem rang cho nở bung ra tạo thành những hạt to xốp gọi là "nổ" .


         Nổ được cho vào thúng hay mẹt lớn để lượm bỏ đi những vỏ trấu, vỏ mày còn sót trước khi đem ngào đường. Người ta đun đường với nước trong các chảo lớn. Ban đầu , chỉ dùng đường thẻ, sau muốn cho đẹp mắt và bán có giá hơn , các chủ lò cốm chuyển qua dùng đường cát trắng .Khi đường gần " tới" , thời điểm mà chỉ người làm quen , có tay nghề mới biết , người ta cho vào chảo những miếng gừng và những miếng dứa ( thơm) nhỏ cắt lát , giã dập để cốm có mùi vị cay, chua dìu dịu , cái hương vị đặc biệt mà ai ăn rồi sẽ nhớ mãi .
      Tiếp theo là công đọan đóng cốm. Người ta dùng ván gỗ đóng các khuôn cốm giống như những khối vuông có cạnh khoảng 20 phân mét nhưng hai mặt rỗng. Sau khi cho cốm vào hộc , người đóng dùng một miếng gỗ rời ép chặt xuống cốm cho bằng phẳng. Tiếp theo , cốm được lấy ra xếp vào một tấm phên lớn, đem phơi nắng . Khi cốm đã khô, công đoạn cuối cùng là gói cốm. Giấy gói cốm tường là giấy bóng mờ hoặc giấy bóng kiếng đủ màu. Để hấp dẫn và bắt mắt hơn, người ta dán thêm một vài cái hoa văn lên hai đầu hộc cốm. Bây giờ ,mọi công đọan đã xong ,chỉ còn việc đem cốm đi bán .
Với trẻ con cốm hộc là một thứ quà rất hấp dẫn. Chúng muốn cốm hộc có quanh năm để được cha mẹ cho ăn thường, ăn hoài thứ quà vô cùng ngon miệng này. Nhưng mong muốn của chúng không thể xảy ra được, vì chỉ đến những ngày cận tết khoảng từ 20 tháng chạp đổ về, người ta mới bắt đầu sản xuất cốm. Khi còn bé, tôi vẫn cũng rất mê cốm hộc. Cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch thế nào tôi cũng theo mẹ đi chợ tết để nhắc mẹ cho, vì chưa có năm nào mẹ quên cả. Cốm mua về được bố bày trang trọng trên bàn thờ để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Khi hết ba ngày tết cúng tiễn ông bà đi xong, cha mẹ mới cho phép lấy cốm hộc ăn. Bịch cốm khá lớn nên bao giờ cũng phải cắt ra thành những miếng nhỏ, đưa mời nhiều người cùng ăn. Cha mẹ tôi thường nhâm nhi cốm hộc với trà tàu, trà sen. Còn tôi thích xin thêm một, hai miếng chạy ra đầu xóm để chia miếng ngon cùng mấy đứa bạn.
Cốm hộc là thức ăn đặc trưng của vùng đất Phan Thiết, là tinh hoa, truyền thống từ nhiều đời. Nó không chỉ là đặc sản ẩm thực ngày tết mà còn là nét văn hóa riêng của địa phương. Người dân quê tôi mỗi khi nhìn thấy cốm hộc là biết xuân đã về, biết tết sắp đến. Nhiều năm qua món quà truyền thống này tưởng chừng bị mai một, chìm vào lãng quên bởi ít thấy xuất hiện trên thị trường.
May thay hôm nay thứ quà truyền thống này đã được hồi sinh với cái tên khác. Cho dù cốm “dẻo gừng” hay “cốm hộc” thì cũng chỉ là cốm Phan Thiết quen thuộc mà thôi. Chắc có lẽ nhiều người xa quê nặng lòng với quê hương vẫn nhung nhớ khôn nguôi cái tên “Cốm hộc” ngày xưa do đã thân thương gần gũi tự bao đời. Nhưng xá gì cái tên gọi bởi trong tận cùng trái tim của những người dân thành hố biển, hình ảnh cốm hộc vẫn ngự trị in sâu như một giá trị tinh thần không bao giờ phai lạt.  ”
……………………….
 Phan Thiết quê tôi từ năm 1952 đã có trường trung học Phan Bội Châu. Nơi đây đã đào tạo ra những người con ưu tú cho đất nước. Những nữ sinh mang vẻ đẹp hiền lành, chất phác cắp sách đến trường với những tà áo trắng,mái tóc thề chấm ngang vai. Tôi rất hãnh diện là đứa con được đào tạo từ khóa 5 của ngôi trường nổi tiếng này!


Trong suốt thời gian ở Hà Nội trong cuộc hành trình trở về cội nguồn thăm viếng di tích lịch sử của các bậc tiền nhân, anh hùng dân tộc, cũng như thăm viếng danh lam thắng cảnh của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến (vào những năm 2015, 2016, 2017), gặp lúc trời rét đậm với cái lạnh của Hà Nội thấu buốt tới xương,rồi đến mùa xuân mây mù, mưa phùn, khí hậu ẩm ướt, ít khi đi ra đường, rồi đến mùa hè nắng gắt bởi gió lào, tôi suốt ngày co rút nằm trong phòng trọ lúc nào cũng nhớ về Phan Thiết quê hương của mình , một thành phố đẹp mà không nơi nào có được !  Tôi ôm kỷ niệm  Phan Thiết vào lòng, ôn từng ký ức góp nhặt mà tôi nhớ được, đầy những tinh hoa của những người đi trước,của thầy tôi Trần Phụng Tường, cùng các bạn bè thân hữu ngày xưa  ở trường trung học Phan Bội Châu để viết bài này.

 

PHAN THIẾT

          Trích trong tập “thơ Trần Phụng Tường”

  Tôi đi tìm
 Hàng vông vang quàng khăn đỏ
 Màu môi tươi rói sắc xuân
 Dòng Cà Ty, ngôi công viên bé nhỏ
 Nắng lụa chập chùng...
 Lầu nước chênh vênh...
 Tôi đi tìm
 Con đường giữa: Gia Long
 Rộn ràng buôn bán chợ xuân
 Quang gánh trên vai tất tả
 Những nàng thôn nữ da “Buần quân”
 Tôi đi tìm
 Hàng dương Thương Chánh cũ
  Bình Hưng lởm chởm cánh buồm cao
 Từ biển khơi gió về lông lộng
 Tết đến rồi nghe cũng nôn nao
 Tôi đi tìm
 Ngôi trường Nam chốn cũ
 Tên học trò nhỏ ngu ngơ
 Lăng xăng bên chiếu bầu cua
 Quên cả nắng vàng...
 Quên cả tuổi thơ...
 Tôi đi tìm
 Một tà áo trắng
 Biển xanh sóng vỗ gọi tên em
 Ngọc Thạch trời cao mở rộng
 Nhớ nhung vị mặn môi mềm...
 Tôi đi tìm
 Gió mùa Đông Bắc ngày áp tết
 Ngưạ hoang sải vó trên cánh đồng
 Tân Xuân, Bình An, Cây Trôm gió hí
Gay gay se lạnh mùa đông
Tôi đi tìm
“Phan Thiết! Phan Thiết! Phan Thiết”
Anh sẽ về ôm siết lấy em
Trận mưa hôn như điên như, dại
Ta với mình
Khác nào biển cả với sao đêm


*****

NHỚ HOA VÔNG  VÀ CHIM SÁO

                          Nguyễn Thị Kim Liên


Đâu chỉ đỏ thôi còn nghễu nghện
Quyến chim, dụ trẻ nhất trên đời
Trẻ cúi nhặt hoa reo tở mở
Sáo hội trăm phương tấu ỏi trời!

Nghi có lõm rừng lòng phố thị
Tò mò lũ sáo kéo nhau về
Chao ôi sửng sốt màu vông lửa
Sà xuống vòng hoa sáo chết mê!

Ta bạn đâu rồi năm tháng ấy?
Vườn vông đã cỗi, sáo bay xa
Có ai cũng nhớ như ta nhỉ?
Bổi hổi trời xuân Phan Thiết xưa!

*****

MƯA
              Hoàng Công Bình

Mưa Phan Thiết không buồn như Huế
Mưa từng cơn xối xả vội vàng
……………………………….
Mưa Phan Thiết ít lần trọn buổi
Không lê thê dai dẳng nặng nề
Mưa để nhớ rằng trời có nước
Mưa vì thương cây cỏ bạc màu
Mưa cho em xanh thêm màu tóc
Mưa cho ta có một ngày thường
Mưa Phan Thiết, mưa vào cuối hạ
Để dáng trời thon thả mây trôi
Để nắng về gặp mưa bối rối
Để em thành mộng mỵ kiêu sa
Mưa Phan Thiết, mưa như muốn nói
“Rằng người ơi,
                  Người ở đừng về”
*****

                   
       
                         Đường về trường cũ bâng khuâng nhớ         
                           Xế bóng rêu phong nhân ảnh mờ

*****

                 Cà Ty gợn sóng xanh màu ngọc
                Tháp nước lung linh tím nắng chiều

*****
Phan Thiết là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nơi mà tôi sinh ra sống từ móm cơm nhai và bầu sữa mẹ, và ở nơi đây tôi được thầy cô dạy dỗ, các bạn bè yêu thương, nên tôi đã lớn khôn và trưởng thành như hôm nay.
Dù hiện tại tôi phải sống xa nơi quê cha đất tổ, lòng tôi lúc nào cũng hướng về cố hương. Tôi luôn luôn ôm ấp hai chữ Phan Thiết vào lòng. Với tôi các nơi tôi đã sống và đi qua thì không nơi nào đẹp bằng Phan Thiết
Lòng tôi bỗng rưng rưng nhớ da diết quê hương Phan Thiết. Thành phố biển thật tuyệt vời, miền thùy dương cát trắng yêu dấu của tôi. Giờ  Phan Thiết đã có xiết bao đổi thay nhưng tôi vẫn vô vàn nhung nhớ khôn nguôi như nhà thơ Lê Ngữ từng viết:

  …..   Phan Thiết bây giờ, sao lắm đổi thay,
          Chỉ còn biển. Muôn đời là vẫn thế !
          Chỉ còn em. Ngạc nhiên rồi e lệ !
          Khi thấy tôi đứng dưới mái hiên nhà ..!!!
          Phan Thiết tôi thương vào tận thịt da,
          Thương những cơn mưa, tắm truồng thuở nhỏ,
          Thương bước chân hoang, đêm này đêm nọ,
          Đường phố khuya hiu hắt bóng tôi về …!
          Phan Thiết tôi thương gánh bún nhà quê,
          Thương gói bắp hầm, tuổi thơ đói khổ.
          Thương mẹ một thời, gian lao lam lủ,
          Tủi phận nghèo. Thôi chẳng dám thương ai !
          Phan Thiết tôi thương đồi cát chạy dài,
          Thương những vườn dừa nên thơ, xóm Rạng.
          Thương ai hai mùa dầm mưa dãi nắng,
          Thương vô cùng. Phan Thiết của tôi ơi !!!

                                   Hà Nội, 23 tháng 8 năm 2017
                                                              NguyễnThế Tân





HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..