28 thg 12, 2019

ÔNG ĐỒ GIÀ - ÔNG ĐỒ THÂM

Phiếm luận trước thềm xuân mới
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua....
                        Vũ Đình Liên
           Đã lâu lắm rồi ,không biết từ bao giờ, cứ mỗi độ xuân về, người ta lại thấy hình ảnh ông đồ khăn đóng, áo the thâm, chòm râu bạc phất phơ, cốt cách đạo mạo, ngồi mài mực trên hè phố.Năm nay Phố Ông Đồ tại khu vực Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tấp nập người đến tham quan và xin chữ, đủ mọi lứa tuổi , ngành nghề... Loáng thoáng tôi còn thấy vài ba người nước ngoài cũng đang trao đổi với một cô đồ tại gian hàng phía xa.Có thể họ cũng muốn xin chữ đem về nước làm kỷ niệm chăng ?



                Đàng sau các ông đồ, bà đồ giăng đầy những tấm giấy viết chữ Thọ 寿 , chữ Phúc 福, chữ xuân 春... và những câu đối quen thuộc :

Xuân khang an đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên
............
Năm mới hạnh phúc bình an tiến
Xuân sang vinh hoa phú quý lai
..............
Mai vàng nở rộ mừng năm mới
Đào hồng khoe sắc đón xuân sang
Hoặc rất mới phù hợp với xuân Canh Tý :
Tiễn Lợn đi chúc xuân vui hạnh phúc
Đón Chuột về mừng Tết đạt thành công.
...............
Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khỏe, Tết an khang
..................

         Những câu đối thường viết bằng mực xạ hoặc kim nhũ trên giấy màu đỏ khổ to . Bên nghiên mực và mấy chiếc bút lông, ông đồ nằm bò nhổm, gò người trên giấy chau chuốt thảo những dòng thư pháp chữ Hán, chữ Nôm “ như rồng bay phượng múa...” Phố phường nhờ có những ông đồ, những giấy lụa trắng , giấy hồng điều,trở nên rực rỡ tươi sáng như cô con gái vừa được thay áo mới .Hình ảnh ông đồ xuất hiện trên hè phố đã trở thành biểu tượng truyền thống nhắc nhở mọi người rằng Tết đang đến trên mọi miền quê hương đất nước .
Hình tượng ông đồ lâu đời vẫn được xem là hình ảnh đẹp của nền giáo dục truyền thống của dân tộc, được ghi nhận qua những câu ca dao ,tục ngữ :

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều,muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy’’,

“Không thầy đố mầy làm nên”,

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”...
.......


           Ngày nay,tuy hình ảnh ông đồ đã phai nhoà theo thời gian nhưng trong tâm trí người Việt ,dù ở trong hoặc ngoài nước ,hình tượng ông đồ vẫn tồn tại qua các truyện dân gian, tiếu lâm… Đó là một người thầy già, nghiêm khắc khắc ,đạo mạo,nhưng cũng rất thư thái ,ung dung. Khi dạy học bao giờ ông cũng cầm chiếc roi mây trong tay.Chiếc roi mây là biểu tượng của ông thầy thời phong kiến.Chính vì sợ thầy mà người học trò xưa chăm chút từng nét chữ, nghiêm túc học hành. Vì thầy kiến thức,đạo đức cao trọng nên các bậc cha mẹ rất tin tưởng, và “yêu cho roi cho vọt” trở thành một trong những tiêu chuẩn để họ chọn lựa thầy cho con theo học

       Do hoàn cảnh lịch sử, xã hội đổi thay, do không chịu thích ứng,các ông đồ không tránh khỏi một số hạn chế trong mưu sinh dẫn đến thế giá người thầy đi xuống. Trong văn học,câu chuyện “cá gỗ” của thầy đồ xứ Nghệ là một minh chứng.Nó châm biếm sâu sắc thói ham danh vọng quá coi trọng hình thức của một số người sùng bái nho học khoa bảng.Ở một khía cạnh khác,việc ông đồ xứ Nghệ che giấu thân phận nghèo hèn của mình với khát vọng đổi đời là mặt tích cực của câu chuyện ,là tấm gương nhẫn nhục đã giúp cho nhiều người xứ Nghệ xây đắp niềm tin, phấn đấu mơ ước thành đạt trong cuộc sống .


          Ông đồ vốn dĩ có học thức, có đạo đức ,tuân thủ lễ nghi rất đáng được mọi người kính trọng.Thế nhưng trong văn học dân gian, hay sử dụng hình ảnh “Ông đồ thâm “ mang hàm ý trào lộng không đề cao mà nhằm châm biếm sự hẹp hòi ,cái nhỏ nhen không nên có của người trí thức khoa bảng,giai tầng cao của xã hội phong kiến thuở trước .Chính vì điều này có những câu chuyện tuy gây được tiếng cười song lại khiến không ít người người cao tuổi hoặc lớp trẻ được giáo dục theo truyền thống gia đình lớp xưa chạnh lòng. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây .

                    HÁN TRÀO TAM KIỆT

        Ngày Mồng ba Tết , tại nhà ông đồ ,hết thảy học trò, người cái này kẻ cái nọ, đều đem đến làm lễ Tết thầy. Có một học trò nhà giàu lại không tết thầy gì hết. Ông đồ mới hỏi nó:
- Này con, theo phép hễ đến Tết Mùng ba thì học trò phải lễ thầy, sao con lại không?
Nghe lời cha dặn trước , thằng bé đáp:
- Thưa thầy, cha con bận việc nên quên mất...
Ông đồ im lặng một lúc mới ôn tồn nói:
- Thôi thế này, thầy sẽ ra một câu đối, con về nhà nghĩ câu đối lại mai đưa thầy xem, coi như con cũng đã tết lễ thầy...
Ông đồ ra câu đối như vầy:
"Hán trào tam kiệt : Trương Lương, Hàn Tín, Uất Trì Cung".
Về nhà nghĩ mãi không ra, đứa học trò đành đem chuyện hồi sáng thuật lại rồi hỏi cha nó xem phải đối thế nào?
Cha nó nghe xong, cười nhếch mép:
- Ông thầy mày chữ nghĩa thế này mà còn đòi lễ mễ.Cha nghĩ đi tết uổng lắm... Mai thưa với thầy rằng,cha con nói Uất Trì Cung là ông tướng mặt đen như nhọ chảo, bề tôi của nhà Đường chứ không phải của nhà Hán.
         Bữa sau,thằng con hý hửng cứ thế thưa lại với ông đồ . Nó nghĩ chắc phen này thầy hẳn phải phục lăn trước kiến giải của cha mình .
Thế nhưng khi nghe xong ông đồ gật gù ,vuốt râu cười khà và nói rằng:
- Ta học chữ nghĩa thánh hiền từ bé há lại không biết khi xưa Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập ra vương triều Tây Hán là nhờ có sự phò trợ của “tam kiệt” Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín hay sao ? Rồi sau cái đằng hắng giọng,ông vỗ vai đứa học trò :
_Thấy chưa? Chuyện cách nay mấy ngàn năm ở tít bên Tàu mà cha của con còn nhớ, ấy vậy thì chuyện lễ thầy Tết Mùng ba đã thành lệ ở quê ta , năm nào cũng thế.Sao ông ấy lại có thể quên được nhỉ ?
          Hôm sau,người ta thấy hai cha con dắt díu nhau mang đồ lễ đến nhà ông đồ xin được tạ lỗi.
         Câu chuyện kết thúc với tiếng cười nhẹ nhàng chế giễu sự thua trí của người nhà giàu trước cái bẫy gài rất khéo của ông đồ nọ.Nhưng đằng sau sự khôn khéo đầy bản lãnh của ông đồ ,người đọc còn nhận ra ở ông lòng tham muốn hơi nhỏ nhen là cố đòi cho được món quà Tết thầy mà cha của đứa học trò nhà giàu keo kiệt toan tính không đưa.

         Xuôi dòng thời gian, như một quy luật tự nhiên,tất cả mọi sự vật dù hữu hình hay không ,mọi thứ đều lui vào dĩ vãng ,để lại cho chúng ta bao nỗi niềm tiếc nuối,nhớ nhung. Trong số đó có hình ảnh ông đồ một thời vang bóng qua bài thơ của Vũ Đình Liên.Chúng ta vui vì hàng năm khi Tết đến ,hình ảnh ông đồ vẫn sống lại trên hè phố .Không ai có thể níu kéo thời gian , nhưng hình ảnh ông đồ vẫn đưa ký ức chúng ta trở về không gian cũ, một thời vàng son của nền văn học cổ .Mấy năm nay xuất hiện ngày một nhiều những ‘ông đồ, bà đồ, cả cậu đồ,cô đồ... viết thuê chữ vào những ngày khắp cả nước rộn ràng đón xuân .Hy vọng hậu thân của những ông đồ xưa tiếp nối và duy trì được tập tục “Xin chữ đầu xuân” ,một nét đẹp văn hóa cổ truyền đáng yêu của người Việt.Mong thay...

                                                                                                                     Mru Thang

25 thg 12, 2019

CÂY SỘP 300 NĂM VÀ NGÔI MIẾU CỔ TẠI PHAN THIẾT


Nhiều chuyện ly kỳ về cây sộp cổ thụ hơn 300 tuổi và ngôi miếu cổ ở Phú Tài, TP Phan Thiết. 
            Cây sộp 300 tuổ
       Con đường đất nhỏ men theo chân ruộng ngang qua cây sộp làm chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh “cây đa đầu làng” của làng quê Việt.
Cây sộp có chiều cao khoảng 50m, với dáng vẻ uy nguy, to lớn và mạnh mẽ. Do vào mùa sinh trưởng vừa thay lá nên tán cây sum sê, đường kính rộng hơn 40 mét bao quanh gốc, gồm cả phần rễ phụ rộng gần 20m. 
Ông Đỗ Văn Chính, 62 tuổi, đang sống tại ngôi nhà tự của họ Đỗ và là người quản lý, chăm sóc cây sộp cổ hàng ngày. Ông kể, theo gia phả họ Đỗ, tổ tiên của ông Chính từ 300 năm trước đã rời Quảng Nam vào Bình Thuận lập nghiệp.
Ngày ấy, 3 anh em họ Đỗ là nông dân nghèo khi đến Phan Thiết đã mê mẩn khi thấy đất đai trù phú và khí hậu mát mẻ.
Mỗi người trong số họ chọn một làng để dừng chân. Riêng ông Đỗ Hữu Dư là tổ tiên của ông Chính đã chọn vùng đất Đại Tài (nay là Phú Tài ) nằm bên cạnh con sông Cà Ty còn hoang sơ, ít người sinh sống làm nơi định cư. Ông khai hoang và dựng nhà trên mảnh ruộng của mình.

Ly kỳ cây sộp 300 tuổi và ngôi miếu cổ ở Phan Thiết
Ông Đỗ Hữu Dư
         Nhưng rồi do nước sông Cà Ty thường dâng cao làm ngập lụt nhà nên ông Dư đã chọn một thuộc đất cao dưới tán cây sộp cổ thụ trong vùng để làm nhà. Khu đất và cây sộp ngày ấy được gia tộc họ Đỗ gìn giữ từ đó đến nay. "Như vậy, cây sộp đã có từ trước thời ông tổ của tôi là ông Đỗ Hữu Dư vào định cư, tức trên 300 năm", ông Đỗ Văn Chính khẳng định.
       Nhiều bậc cao niên trong làng Phú Tài kể lại cây sộp này rất thiêng, nếu ai mạo phạm đến cây này xem như có chuyện.
Những người này còn kể thêm, trong thời thuộc Pháp, lính Pháp từng cho rằng cây sộp là đài quan sát của Việt Minh nên đã huy động một đơn vị chặt cây. Tuy nhiên, bất kỳ người lính nào trèo lên, vung dao được vài nhát là té lộn nhào. Ngay cả người chỉ huy trèo lên cây rồi xuống đất, chỉ vừa bước được vài bước thì đầu óc quay cuồng, lăn ra bất tỉnh...Từ đó lính Pháp không bao giờ dám bén mảng tới cây sộp nữa.
Cũng có người kể chuyện người Nhật nghi dưới gốc cây có tiền vàng nhưng không dám đào vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.
Một vị cao niên còn kể, những khi trong vùng lụt lội, dân làng đều đến tá túc dưới gốc cây sộp. Bởi vì đất dưới gốc cây sộp luôn khô ráo dù xung quanh nước có ngập trắng đồng 
    Cũng có người nói cây sộp này có khả năng dự báo thời tiết. Ngày xưa, người làng hễ thấy gốc cây chuyển sang màu trắng đục thì ngày mai trời bắt đầu có giông bão, còn màu vàng sẫm trong tháng đó nắng to. 
Ông Võ Văn Dân, hiện là hộ tự đình Phú Tài kể với chúng tôi, nhà ông cũng ở gần cây sộp. Khi ông còn nhỏ, hằng năm tới mùa trái sộp chín, hàng ngàn con chim cu xanh trên rừng về ăn trái, đậu kín cả cây sộp.
Ông Dân cũng cho rằng đó là hình ảnh sống động nhất của câu tục ngữ “đất lành chim đậu” của Việt Nam ta (?!).
Với chúng tôi, những câu chuyện trên không biết đâu là thực-hư nhưng nó cũng góp phần tạo nên nhiều điều ly kỳ về cây sộp cổ thụ này.

Ngôi miếu cổ

          Đứng từ xa nhìn lại không ai có thể ngờ rằng phía trong cây sộp cổ thụ um tùm lại có ngôi miếu cổ đã hàng trăm năm tuổi. Miếu thờ một người phụ nữ. Một thành viên của gia tộc họ Đỗ kể, lúc nhỏ ông có nghe người lớn kể lại rằng, từ thuở khai sơn, một người con gái của gia tộc họ Đỗ bị tai nạn chết khi mới 15 – 16 tuổi. Theo phong tục, người con gái đó không được thờ trong nhà nên gia đình đã lập một ngôi miếu nhỏ dưới chân cây sộp. Đến giờ, gia tộc của ông vẫn gọi tên ngôi miếu này là miếu “Tổ cô họ Đỗ”.

Ly kỳ cây sộp 300 tuổi và ngôi miếu cổ ở Phan Thiết
                                                 
             Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu, nhiều người cho rằng đây là ngôi miếu thờ bà Thủy thần-một trong năm vị nữ thần Ngũ hành nương nương theo phong tục dân gian của người Việt.
          Cụ thể, ở vùng nóng bức quanh năm, thường xảy ra hoả hoạn, thì hành Hỏa được lập miếu thờ; vùng duyên hải, sông rạch thì thờ Thủy thần; vùng rừng núi thì thờ Bà Chúa Thượng ngàn; vùng trồng lúa, trồng màu thì thờ Thổ thần v.v…
Một số vị cao niên ở làng kể lại, trước năm 1975, cứ 3 năm một lần, người làng đều tổ chức cúng miếu rất linh đình, kéo dài 3 ngày 3 đêm. Những bà bóng rỗi và nhiều phường hát được mời đến hát múa theo phong tục của người miền Trung. Sau này, tục lệ trên dần mai một, gia tộc họ Đỗ hiện vẫn duy trì lễ cúng này nhưng quy mô nhỏ hơn.
Cần bảo tồn
            Cây sộp hơn 300 tuổi này không chỉ đơn thuần là cổ thụ mà còn là một một “nhân“ chứng lịch sử, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân cũng như lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Phan Thiết.
Đây cũng là một trường hợp đặc biệt hiếm có nằm trong danh sách những cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam nên cần được nhà nước bảo tồn, cắm bảng ghi danh... để các nhà văn hóa, nhà khoa học và cả người dân Phan Thiết lẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu.

19 thg 12, 2019

MỘT CHUYẾN DU XUAN TẠI CHÙA TÀ CÚ



        


        
         Chùa núi Tà Cú không xa lạ đối với tôi bởi hồi nhỏ khi còn là học sinh trường trung học  Phan Bội Châu Phan Thiết ,tôi đã từng cùng bạn bè đến đây dã ngoại .Lúc bấy giờ cảnh trí tại núi Tà Cú còn hoang sơ ,tượng Phật nằm chưa xây .Từ năm 1962 theo gia đình vào Sài Gòn ,tôi không có dịp nào trở lại viếng thăm nơi này.Ngày nay chùa núi Tà Cú đã trở thành khu du lịch nổi tiếng được nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia và khi cáp treo đi vào hoạt động từ  tháng 9-2003, lượng khách tìm đến khu du lịch Tà Cú ngày một đông hơn .
        Chín giờ sáng mồng 5 Tết ,vợ chồng tôi và hai đứa con dùng xe máy  trực chỉ chùa núi Tà Cú .Từ nhà ông bà sui của đứa con trai thứ hai ở xã Hàm Chính,Hàm Thuận Bắc , chúng tôi đi bằng xe máy đến chùa Núi mất gần một tiếng.Chạy xe bọc theo quốc lộ 1A , chúng tôi vừa đi ,vừa ngắm cảnh .Những cánh đồng lúa vàng óng xen kẽ với vườn thanh long xanh mướt chạy dài hai bên đường đã giúp chúng tôi quên đi nỗi mệt đường xa. Ngoài những kho bãi và các tấm panô quảng cáo ,số lượng nhà cửa khu dân cư xây dựng  men theo quốc lộ còn thưa thớt.
       Gần 10 giờ ,chúng tôi mới đến nơi .Hai đứa con quyết định mua vé cáp treo khứ hồi ( để tránh cho cha mẹ đỡ phải leo núi vất vả .Chúng tôi leo lên chiếc xe nhỏ chuyên dụng chạy bằng điện để đi từ cổng đến khu cáp treo. Một trở ngại nảy sinh : hôm nay khách quá đông khiến khu du lịch Tà Cú quá tải.Nhìn đoàn người xếp hàng rồng rắn trước thềm ga cáp treo, tôi phỏng đoán số du khách phải trên 200 người .Một nhân viên giữ trật tự nói với tôi :”Cháu không hiểu nổi bác ơi ! Mọi năm ngày mồng 5 Tết thưa khách do ai cũng kiêng cữ cái ngày “Đi chơi cũng thiệt , huống là đi buôn” .Ấy vậy mà không hiểu sao bỗng dưng hôm nay đông hết biết.”

   
           Lẫn trong đám người nối đuôi vòng vo theo những khung sắt song song uốn khúc , tôi thấy có cả mấy người nước ngoài ,ai cũng đẫm mồ hôi vì lúc đó nắng chang chang. Vào trong nhà ga ,đám đông đang xếp hàng hai chuyển qua hàng một .Đứng dưới mái che thoát được cảnh chen chúc nóng nực ,chúng tôi thở phào nhẹ nhõm .Chờ thêm gần 10 phút ,mới đến lượt chúng tôi ra chỗ chờ cáp treo .Hệ thống máy cáp treo quay liên hoàn không ngừng lại phút nào.Chỉ khi ngang qua trạm đón khách nó mới quay chậm với tốc độ tối thiểu đủ để du khách bước vào cabin.Chúng tôi không quen cảnh giành giựt lại chậm chạp nên đến lồng cáp treo thứ ba hạ xuống mới lên được .Ngày thường cabin chỉ chứa 6 người nhưng hôm nay mỗi cái được xếp tới 8 người .Chúng tôi ngồi chưa yên vị thì cáp treo đã gia tăng vận tốc bay vút lên cao .Đoạn cáp treo uốn lượn không dưới 10 lần .Cứ mỗi lần cabinc bổng lên hay hạ thấp xuống,tôi thấy ruột gan mình thót lại từng cơn chẳng khác nào ngồi trên máy bay lúc vưà rời mặt đất hay lúc sắp hạ cánh 



          Trong cabin cáp treo nhìn ra ,tôi thấy phía bên phải mình là biển xanh ,có thể là vùng biển Hàm Tân, thấp thoáng phía xa có mấy chiếc thuyền đánh cá .Nhìn xuống dưới chân ,cây cỏ xanh rì pha xen các mô đá tím biếc,những rễ cây to màu nâu đậm .Những dải  sương mù bay lãng đãng phủ trên các tán cây, triền núi gợi lên trong tôi bao cảm xúc thú vị, bồng bềnh. Tôi muốn thời gian trôi chậm để tận hưởng những cảm giác rất thi vị,lãng mạn đó . Nhưng chúng trôi qua nhanh hơn tôi tưởng bởi vừa lúc đó cabin đã bay chậm lại và tấp vào trạm nằm ở lưng chừng núi .Mọi người thoát vội ra khỏi cabin trong tiếng thúc giục hối hả của nhân viên điều hành.Những khách đã thăm xong khu du lịch Tà Cú đang đứng chờ.Họ lao vội lên cabin lấp đầy các ghế trống .Chiếc lồng cáp treo vút bay đi tiếp tục một vòng quay mới nhưng nó đưa khách xuống núi thay vì đi lên.
      Đi vòng qua căng tin ,chúng tôi thấy nơi đây đang rất đông khách bởi lúc đó đã gần 12g trưa.Còn chúng tôi đang háo hức vãn cảnh, tiếp nối  việc leo núi vì tượng Phật còn cách xa hơn 100 mét nữa .Chúng tôi vượt qua rất nhiều bậc thang xây bằng các tảng đá kết dính sơ sài .Tôi hơi ngạc nhiên bởi khu du lịch khai thác đã lâu nhưng những tay vịn chưa làm xong : cái bằng inox ,cái bằng sắt trần trụi hoen rỉ cho chúng tôi cảm giác bất an nên bảo nhau nắm tay đi từng bước cho an toàn .
         Leo được nửa đường , chúng tôi gặp ngôi chùa cổ Linh Sơn Trường Thọ.Tương truyền 4 chữ "Linh Sơn Trường Thọ" này do vua Tự Đức phong tặng. Chùa đang được trùng tu quy mô với những đống gạch đá ngổn ngang .Bà xã tôi tiếc xuýt xoa vì không được vào lễ Phật, chỉ đứng phía ngoài vái vọng vào .Leo liên tiếp thêm mấy chục bậc thềm ,chúng tôi nhìn thấy nhóm tượng Tam Thế Phật đứng trên đài sen .Tượng A Di Đà đặt ở giữa, bên trái là tượng Quan Thế Âm, bên phải tượng Đại Thế Chí. Cả ba tượng cao khoảng 6,5 -7m mang nét mặt hiền hòa .Màu vôi trắng toát của các pho tượng nổi lên giữa màu xanh cây rừng tạo nên cảnh hùng vĩ siêu nhiên. Gió mát từ đâu thổi tới khiến cho tôi cảm thấy lòng mình thư thái nhẹ nhàng,tâm hồn lâng lâng như đang phiêu bồng giữa thực và mộng.
       Đi tiếp lên phía đỉnh núi ,tôi thấy một pho tượng phật quét vôi trắng đứng trên toà sen tay cầm cây gậy dài, nét mặt bao dung tươi tắn với nụ cười thoáng điểm trên môi như sẵn sàng mở rộng lòng từ bi hỷ xả cứu độ chúng sinh .Hỏi thăm thì có người cho tôi biết pho Phật Địa Tạng này mới được thiết kế thêm trong thời gian gần đây.

      
           Khi mặt trời đứng bóng ,chúng tôi mới leo đến đỉnh núi ,nơi có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn được đúc bằng bêtông, quét vôi trắng dài 49m, cao gần 10m, là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á. Tượng Phật toát lên vẻ an lạc trong một cấu trúc tôn nghiêm nhưng giản dị .Sau lưng tượng Phật là rừng nguyên sinh, xanh ngát bởi mầu lá cây rậm rạp , tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời .Đang say đắm ngắm cảnh ,chợt chúng tôi nghe vang vọng tiếng chim hót từ đâu đó .Mọi người xung quanh ai cũng đứng yên lắng nghe .Tôi thấy lòng mình trầm xuống ,thanh thản nhẹ nhàng ,một cảm xúc chưa bao giờ có .
      Sau khi chụp hình tượng Phật với đủ mọi góc cạnh,chúng tôi quyết định xuống núi vì lúc bấy giờ đã gần 1g30.Cũng cùng đoạn đường,cùng những bậc thềm đá lúc đi lên nhưng ở luợt về dường như dễ đi hơn và đi nhanh hơn .Trao đổi cảm nghĩ này với đứa con ,nó cười bảo :”Do kiến đang bò trong bụng đó ,bố ơi !”
       Thế là gia đình tôi kéo nhau vào căngtin.Trái với hồi nãy,lúc này căngtin rất vắng . Hầu hết các bàn đều trống nhưng trên đó bát đĩa ngổn ngang chưa dọn.Đói và mệt nên ai cũng muốn ăn một tô phở cho ngon miệng .Cô phục vu đem thực đơn ra nghe chúng tôi người gọi phở gà ,người kêu phở bò liền lắc đầu :”Quý khách thông cảm ! Do hôm nay đông quá không lường trước được nên tất cả các món liên quan đến gà ,bò đều không phục vụ được .Chúng tôi đành phải ăn cơm và lẽ tất nhiên với các món ăn không có thịt gà,thịt bò.Khi xong bữa ngồi nghỉ thêm ít phút ,nhìn đồng hồ thì đã hơn 2g30 .Đã quá đủ cho những gì cầm xem tại khu du lịch Tà Cú nên mọi người đồng ý ra về .
      Trở lại nhà ga cáp treo ở lưng chừng núi ,tôi thấy cũng đang có đông người .Lại phải xếp hàng nhưng chờ không lâu như lượt đi buổi sáng .Do đã quen ,việc leo vào cabin cáp treo cũng dễ hơn.
        Ngồi trong cabin lướt trên khu rừng già ,một lần nữa tôi lại có cơ hội ngắm cảnh thiên nhiên từ trên cao .Không gian bao la của núi rừng bạt ngàn chạy dạt ngược chiều với cáp treo .Những tán lá xanh ngát nối tiếp nhau. Đây đó vài chùm hoa màu đỏ ló ra từ ngọn cây ngọn cây.Nhìn ra xa về phía bên trái, nhờ trời quang mây hơn buổi sáng ,tôi nhận ra ngọn hải đăng Kê Gà xây dựng từ thời Pháp thuộc ,có lẽ đã hơn 100 tuổi, vẫn sừng sững đứng vững ngoài khơi ,bất chấp sóng cả cùng mưa bão ,cần mẫn chỉ phương hướng cho tàu thuyền đi lại trên biển ban đêm an toàn.Tôi đưa tay kéo một ô kính nhỏ ở cánh cửa cabin.Gió biển mát rượi ùa vào .Ai cũng cảm thấy khoan khóai dễ chịu.Trong khoảng khắc bay bổng với thiên nhiên , tôi thấy lòng mình nhẹ tênh . Dường như đầu óc tôi lúc này quên hết mọi sự trên đời. Bao âu lo muộn phiền qua khứ, bao toan tính dự trù về tương lai tan biến cả.Đó là những giây phút tôi nhìn ra được chân lý hạnh phúc của  đời thường : hạnh phúc cuộc sống thật đơn giản , chỉ cần sự an bình trong tâm hồn .
        Ra khỏi cabin,chúng tôi sử dụng phần cùi của vé cáp treo để leo lên xe điện đi ra cổng .Nắng chiều đổ dài trên đường đi .Không khí đã dịu đi nhiều so với buổi sáng nhờ những cơn gió mát thổi vào từ hướng biển .Khách du xuân muộn vẫn đang tìm đến song  thưa thớt.Trước lúc lên xe ra ra về ,các con tôi còn lưu luyến cảnh đẹp núi Tà Cú cố chụp thêm mấy pô hình .
        Chuyến đi chơi thăm khu du lịch núi Tà Cú tuy ngắn ngủi  nhưng đã để lại cho tôi những cảm xúc khó quên.Núi Tà Cú bây giờ đẹp hơn xưa rất nhiều .Tôi tự hào đất nước mình có nhiều danh lam thắng cảnh như khu du lịch núi Tà Cú .Chímh nhờ ưu điểm này , đất nước chúng ta đang thu hút nhiều du khách nước ngoài tìm đến .Về giá cả đi cáp treo so với các nơi khác là không cao ,chấp nhận được .Nhưng cách điều hành chưa thật chu đáo. Các nhân viên khu du lịch chưa năng động lắm.Khá đông người nhưng hầu hết tập trung cho khâu giữ trật tự tại hai khu nhà ga cáp treo .Đi suốt buổi chẳng thấy bóng dáng nhân viên nào xuất hiện để giải đáp các những thắc mắc ,những điều tò mò cần biết về núi Tà Cú ,về ngôi chùa cổ,về các tượng Phật…Khách nghỉ trưa nằm ngồi bất cứ nơi đâu họ muốn dẫn đến việc xả rác tùy tiện .Khách quan mà nói, hạn chế này phần do thùng rác còn ít ,phần do thiếu ý thức của khách du lịch.Song nếu có nhân viên bảo vệ để mắt đến  thì việc giữ gìn vệ sinh môi trường nơi đây sẽ tốt đẹp hơn.

16 thg 12, 2019

AI CŨNG CẦN MỘT VÒNG TAY ÔM

Một câu chuyện thật 100% tưởng chỉ 
có trong tiểu thuyết. Thật cảm động, 
đọc mà rưng rưng nước mắt.
                   (Chia sẻ từ PG Cẩn-Australia)
****
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng
---
“Good night, sweet dreams.”
Genny gửi đi dòng text cuối cho Dick, bạn trai và cũng là đồng nghiệp của cô ở sở cảnh sát Dallas, khi bước đến gần căn apartment của cô ở lầu 3. Lúc ấy khoảng gần 10 giờ đêm. Cô về muộn hơn mọi ngày sau ca trực kéo dài suốt 14 tiếng. Một ngày đầu tuần khá mệt mỏi và nhức đầu vì những chuyện lỉnh kỉnh chẳng đâu vào đâu. Cô cần nghỉ ngơi để lấy lại sức.
Khi vừa tra chìa khóa vào ổ khóa cửa phòng, Genny cảm thấy có điều gì bất thường. Cô luôn cẩn thận khóa cửa, tắt đèn mỗi khi rời nhà. Cửa dường như không khóa, cô xoay nhẹ tay nắm cửa, cánh cửa mở he hé. Genny khẽ giật mình, đặt tay lên báng súng như một phản xạ tự nhiên. Ánh đèn vàng từ bên trong hắt ra. Genny suy nghĩ thật nhanh. Ngoài Dick ra, không ai biết chỗ ở của cô. Kẻ nào đã đột nhập vào phòng cô?... Genny rút súng, lùi lại một bước, tay giơ cao khẩu súng ngắn, chân đạp mạnh vào cánh cửa.
“Đứng yên tại chỗ. Giơ tay lên!” Genny hét lớn.
Cửa mở toang. Cô trông thấy một gã đàn ông ngồi dựa lưng trên ghế sofa, hai chân duỗi thẳng, tay cầm vật gì đó.
“Bỏ ngay cái đó xuống. Giơ hai tay lên!” Genny nắm chặt khẩu súng bằng cả hai tay, mũi súng chĩa thẳng về phía kẻ lạ mặt.
Trước mắt cô là gã đàn ông da màu lạ hoắc. Gã mặc quần short, tay cầm vật gì lấp lánh cô không nhìn thấy rõ. Gã chồm người dậy, nhìn chòng chọc vào cô.
“Giơ hai tay lên! Bỏ cái đó xuống ngay, nếu không tôi bắn.” Genny quát lên và lùi lại một chút, hai tay vẫn nắm chặt khẩu súng.
Gã đàn ông đứng bật dậy, dáng cao lớn, khệnh khạng.
“Hey! Hey! Hey!” Gã trợn mắt, xăm xăm bước về phía cô…
“Đoàng! Đoàng!” Genny nổ liền hai phát. Gã bật ngửa ra sau, nằm ngay đơ, đầu gối lên thành ghế sofa.
Suốt những năm hành nghề cảnh sát, Genny vẫn được đồng nghiệp thán phục về tài thiện xạ, đã bắn thì không trật vào đâu được. Cô từ từ bước qua cửa, men sát theo vách tường rồi lọt hẳn vào phòng trong lúc hai tay vẫn không rời khẩu súng, hai mắt vẫn chăm chăm nhìn xuống thân hình bất động dưới chân sofa. Gã da màu nằm im không nhúc nhích, máu loang trước ngực.
Genny đảo mắt một vòng, nhìn quanh. Và, chỉ trong một vài giây, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn phòng khách, cô nhận ra điều gì khác thường… Cô lắc lắc đầu mấy cái cho thật tỉnh táo. Genny bỗng lạnh sống lưng. Cô thấy chóng mặt, rồi khẩu súng trong tay rớt xuống lúc nào cô không hay.
Đây không phải là căn apartment của cô. Cô đã vào nhầm phòng.
Genny vội quỳ xuống bên người đàn ông. Gã nằm ngửa, hai mắt mở lớn, trợn trừng. Bàn tay phải mở ra cho thấy vật trong tay gã là chiếc muỗng nhôm. Một ly kem ăn dở và hộp kem mở nắp ở trên chiếc bàn thấp cạnh sofa. Máu vẫn loang trên sàn nhà…
Genny ngồi bật dậy, hoảng hốt... Cô đã làm gì vậy?! Cô đã giết người. Rồi Genny lại quỳ xuống, đặt tay lên ngực gã. Cô nhớ tới những thao tác CPR từng ứng dụng. Vô ích, viên đạn trúng ngay tim. Dưới chân cô đã là một xác chết. Cô nhìn lại bàn tay mình. Máu. Genny cố trấn tĩnh, gọi số 911 trước khi gieo mình xuống chiếc sofa mà người đàn ông đã ngồi trước đó ít phút.
Tiếng TV ở góc phòng phát đi bản tin về vụ cướp ở đâu đó. Genny nghe tiếng lao xao và tiếng chân người từ ngoài hành lang…
* * *
Phiên tòa bước sang ngày thứ 5, dự trù sẽ đưa ra phán quyết chung thẩm. Genny trông hốc hác, hai mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Cô phải trả lời nhiều câu hỏi từ công tố viện. Trả lời câu hỏi đầu tiên, Genny nói cô không biết gì về Bruce, người hàng xóm đã thiệt mạng vì hai phát súng nghiệt ngã của cô đêm ấy. Người thanh niên da màu chết bất ngờ, không hiểu được vì sao mình phải chết.
Bruce ở lầu số 3, trong căn phòng ngay bên dưới phòng của Genny ở lầu 4. Anh là nhân viên kế toán của một công ty tài chánh. Bruce kém cô ba tuổi, là một thanh niên hiền lành và tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Ngoài công việc ở sở, anh là thành viên của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tại một nhà thờ ở địa phương trong nhiều năm.
Công tố viên muốn cô diễn lại trình tự mọi chuyện xảy ra vào hôm ấy và phóng ra liên tiếp những câu hỏi như không để cô có thì giờ đắn đo suy nghĩ.
“Chuyện gì làm cô không tỉnh táo hôm ấy?”
“Tôi không rõ. Có thể tôi đã làm việc quá sức. Tôi đã làm đến hơn 14 tiếng thay cho người bạn trong sở nghỉ bệnh.”
“Còn gì nữa?”
“Tôi về muộn, khá mệt mỏi sau một ngày dài làm việc. Từ lúc xuống xe ở parking, tôi vừa đi vừa text message với người bạn cùng sở nên không nhận ra mình đang ở lầu 3 chứ không phải lầu 4.”
“Mỗi phòng đều có tấm biển ghi số phòng gắn trên cửa, cô không nhìn số phòng?”
“Không,” Genny lắc đầu. “Phòng tôi ở dãy bên tay phải, cạnh phòng cuối cùng của hành lang. Rất dễ nhận biết, tôi cứ đi thẳng tới đó.”
“Khi mở cửa phòng, cô không nhận ra đấy không phải là phòng mình?”
“Không,” Genny lắc đầu. “Đèn không đủ sáng. Cách bài trí nơi phòng khách khá giống với phòng tôi. Bộ sofa cũng gần như cùng một kiểu, một màu.”
“Cô nghĩ gì và phản ứng thế nào vào lúc ấy?
“Một kẻ lạ nào đó đột nhập phòng mình. Tôi rút súng ra. Tôi cần phản ứng thật nhanh, nghề nghiệp dạy tôi như vậy.”
Công tố viên không hỏi tiếp. Phòng xử chìm trong im lặng vài phút.
“Cô nghĩ gì trong đầu khi nổ súng vào người đó?”
“Tôi sợ,” Genny trả lời, giọng run run. “Tôi yêu cầu anh ta đứng yên và giơ tay lên đến mấy lần, nhưng anh ta bỗng hét lớn ‘Hey, hey, hey!’ như bị kích động và sấn về phía tôi. Tôi nghĩ anh ta sẽ giết mình. Tôi không còn cách nào. Bắn chậm thì chết.” Genny khóc nức lên…
Nhiều tiếng lào xào… Bà thẩm phán Tammie nhìn Genny chăm chú, khẽ gật gù.
“Tôi ngu ngốc quá!…” Genny nói trong tiếng nấc. “Tôi muốn được trừng phạt.”
“Cô nói tiếp đi, rồi sao nữa? Mọi người vẫn đang nghe cô.” Thẩm phán Tammie lên tiếng.
“Tôi thấy mình thật xấu xa, kinh tởm.” Genny nói nhỏ, cúi gầm mặt. “Tôi thù ghét tôi mỗi ngày. Tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm được một ngày bình yên trong suốt phần đời còn lại.”
Genny sẽ nhận bản án chung thẩm hôm nay. Việc xét xử và nghị án có khuynh hướng bất lợi cho cô trong bối cảnh khá căng thẳng do những đợt biểu tình phản đối tình trạng bạo hành của cảnh sát đối với người da màu gần đây vẫn chưa lắng xuống. Công tố viện có vẻ muốn cáo buộc tội sát nhân cho cô hơn là ngộ sát để làm dịu bớt những làn sóng phẫn nộ. Trong suốt phiên xử Genny tránh cái nhìn từ phía những người thân của Bruce. Cô tin là họ căm ghét cô và chỉ muốn cô phải chịu bản án nặng nhất.
Công tố viện đề nghị bản án 28 năm tù giam, bằng con số tuổi của Bruce vào ngày sinh nhật của anh ta trong tháng này nếu như anh còn sống. Genny đã lấy đi những năm tuổi đẹp nhất của anh ta và cô phải trả lại đúng số năm ấy.
Sau nhiều giờ nghị án của bồi thẩm đoàn, Genny sau cùng nhận phán quyết chung thẩm là 10 năm tù giam và có thể xin được ân xá sau 5 năm ngồi tù.. Những nguời thân trong gia đình nạn nhân được phép lên tiếng. Alice, mẹ của Bruce, chỉ sụt sùi kể lể, không nói được gì nhiều. Beck, ông bố, lắc lắc đầu tỏ dấu không muốn lên tiếng. Mọi người hướng về Ben, em trai của Bruce, người nói những lời sau cùng. Chàng trai 18 tuổi, mặc bộ vest đen chỉnh tề, đeo kính trắng, khuôn mặt có nét từa tựa ông anh cậu.
“Tôi không ghét chị, cho dù chị đã làm chúng tôi phải xa lìa Bruce.” Ben cất tiếng sau ít giây im lặng. Cậu đưa mắt về phía Genny, nói chậm rãi. “Tôi thực lòng mong muốn những điều tốt lành cho chị. Tôi cũng không muốn chị phải vào tù một ngày nào. Và tôi tin là Bruce, anh tôi, cũng muốn như vậy. Tôi hiểu Bruce hơn ai hết. Anh ấy rất mau quên và dễ tha thứ, anh ấy không muốn chị phải vào tù đâu. Anh ấy chẳng oán ghét ai bao giờ, và cũng chẳng muốn làm ai buồn khổ. Những gì tôi nói ra đây là những điều tôi học được từ Bruce. Giá như anh ấy có ở đây thì anh ấy cũng sẽ nói giống như tôi vậy. Việc đã rồi, chị đâu có muốn như thế, phải không? Chẳng ai muốn như thế cả.”
Ben ngừng lại. Phòng xử không một tiếng động. Mọi người im lặng, chờ nghe cậu nói tiếp. Ben nhìn thật lâu vào đôi mắt Genny đỏ hoe.
“Anh ấy chắc chắn tha thứ cho chị. Chị cũng cần tha thứ cho chị.” Ngừng một chút, Ben nói tiếp, “Nếu chị không làm được vậy, chị hãy tìm đến với Chúa. Một khi chị biết lỗi và hối lỗi thì Chúa sẽ tha thứ cho chị. Phần tôi…, tôi cũng tha thứ cho chị.”
Ben lại ngừng một chút, rồi cậu hướng cái nhìn về bà thẩm phán Tammie.
“Liệu tôi có thể dành cho chị ấy một cái ôm không?”
Không có tiếng trả lời.
“Tôi có được phép ôm chị ấy không?” Ben hỏi lại lần nữa, giọng khẩn khoản. “Tôi được phép chứ? Xin cho tôi…”
“Được,” bà thẩm phán nói, sau ít giây bối rối.
Ben rời bàn, bước xuống. Phía bên kia, Genny đưa mắt nhìn viên cảnh sát bên cạnh cô. Anh ta đứng lặng yên, không nói năng gì. Cô bước ra khỏi hàng ghế tiến về phía Ben. Khi tới gần Ben, cô dang rộng cánh tay, lao vào ôm chầm lấy cậu. Hai cánh tay cô quấn chặt cổ cậu.
Mọi người nghe rõ tiếng khóc nức lên của hai người.
Ben ôm lấy tấm lưng Genny, hai bàn tay cậu xòe rộng xoa xoa, vỗ dọc lưng cô.
“Em tha thứ cho tôi?” Genny thì thầm. “Tôi không nghe lầm chứ? Tôi muốn được nghe lại một lần nữa. Xin làm ơn…”
“Tôi tha thứ cho chị.” Ben khẽ nói. “Bruce muốn tôi làm việc đó. Anh ấy và tôi tha thứ cho chị.”
Genny áp mặt vào ngực Ben. Cô buông lỏng đôi tay, rồi cô lại ôm chặt lấy Ben lần nữa.
“Thế còn những người khác trong gia đình em?”
“Tôi không rõ, tôi tin mọi người rồi sẽ tha thứ cho chị.” Ngừng một chút, Ben nói, “Tin tôi đi, khi tìm đến với Chúa, chị sẽ được bình an thôi. Hãy can đảm lên, chị hứa với tôi đi.”
“Tôi hứa, tôi hứa…” Genny nghẹn lời. Khuôn mặt cô đầm đìa nước mắt.
“Peace be with you,” Ben thì thầm lời cuối trong lúc chậm rãi buông cô ra.
Không một ai trong phòng nghe được họ nói gì. Viên cảnh sát dìu Genny về lại chỗ ngồi.
Ben quay nhìn Genny trong một thoáng trước khi rời phòng xử.
Ted, luật sư biện hộ cho Genny, chìa tay bắt tay bố của Ben khi hai người cùng bước ra ngoài hành lang.
“Cậu bé này tốt hơn chúng ta rất nhiều, bản thân tôi phải học nhiều ở cậu. Chỉ có chiếc ôm ấy mới chữa lành được những vết thương.”
“Đúng thế,” Beck khẽ gật gật đầu.
Rồi ông quay nhìn con trai mình đứng phía sau, đưa ngón tay cái lên. Hai bố con cùng bước xuống những bậc thang cấp của tòa án.
“Vậy là xong,” Beck siết chặt vai cậu, nói. “Bố cám ơn con. Bố yêu con, Ben. Bây giờ Bố cảm thấy nhẹ nhõm. Tạ ơn Chúa, giờ đây Bố Mẹ vẫn có con bên cạnh. Tất cả rồi sẽ qua đi. Chúng ta cần phải sống. Mọi người cần phải sống. Chúng ta không để bất cứ thứ gì đè nặng trái tim mình.”
Ben im lặng, cậu cũng nghĩ như bố.
“Mỗi người một phần số,” Beck nói tiếp. “Chúng ta không làm khác đi được, nhưng chúng ta có thể làm nhẹ bớt phần nào những gánh nặng. Ai cũng cần một vòng tay ôm.”
Ben vẫn im lặng. Cậu hít sâu và thở ra một hơi dài. Cậu cũng cảm thấy nhẹ nhõm như Bố.
Chiều xuống dần. Hai bố con sánh đôi bên nhau. Beck lại bóp nhẹ mấy cái vào vai Ben. Và ông choàng hẳn tay qua vai cậu, rồi khoác vai cậu bước đi thân mật như hai người bạn.
“Bố nói đúng,” Ben thầm nghĩ. “Ai cũng cần một vòng tay ôm.”
Lê Hữu
(Viết phỏng theo The Dallas Morning News, 2/10/2019)

25 thg 11, 2019

THƯƠNG NHỚ PHAN THIẾT


PhanThiết Quê hương - Đất nước - Con người 

            Trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, chiếc tàu "Thống-Nhất" lưu thông theo lộ trình thường xuyên thì phải ngừng lại ở tại nhà ga Mương-Mán cách thành phố Phan-Thiết 12km, để phục vụ đón đưa những hành khách đi đường từng đã hoặc sẽ đặt dấu chân kỷ niệm lên miền quê hương nước mắm. Nói cách khác, kể từ ngày Phan-Thiết biết cựa mình thức giấc để phát triển, mở mang trở thành một vùng đất du lịch, thì giờ đây, đã có thêm hơn hàng con số triệu du khách bốn phương tìm dịp đến nơi nầy để tham quan các thắng cảnh nổi tiếng bằng với những lộ trình, và bằng với nhiều phương tiện khác nhau. 
             Ngược dòng thời gian, nếu ngày xưa phần đông người ta thường nói hình ảnh của cái tĩn nước mắm là biểu tượng cho vùng đất Phan-Thiết, thì ngày nay biểu tượng đó đã bị thay đổi vào bằng với những màu sắc kỳ quan đa dạng khác mang tính chất thiên nhiên có vẻ đẹp nên thơ, thừa sức để quyến rũ được thị hiếu của rất nhiều người. Theo tổ chức hành chánh vào năm 1999, thì thị xã Phan-Thiết đã được nâng cấp trở thành thành phố trung tâm của tỉnh Bình-Thuận, và gồm có 14 phường, 4 xã. Về địa lý, thì nó nằm ở miền duyên hải cực Nam của miền Trung có diện tích tự nhiên là 206,45km2 (đang dự trù mở rộng lên thêm 276,270km2 vào năm 2015 cùng con số đầu người tăng theo ước lượng là 312.000) với chiều dài ven bờ biển là 57,40km, và chiều dài của quốc lộ 1A xuyên qua địa phận là 7km. Phan-Thiết nằm cách Nha-Trang chừng 250km, cách Hồ-Chí-Minh chừng gần 200km và cách Hà-Nội 1518km theo đường bộ. Ngoài ra, Phan-Thiết còn có quốc lộ 55 đi tới Vũng-Tàu, quốc lộ 28 nối liền với miền đất ở cao nguyên. Và nếu muốn nói theo cách khác, thì vùng đất Phan-Thiết cũng nằm cùng trên vĩ độ với rặng núi đoạn cuối cùng của dãy Trường-Sơn ở tận xa về phía Tây.

          Và như ai cũng biết, tỉnh Bình-Thuận xưa kia vốn là dải đất cuối cùng của vương quốc Chămpa nhưng về sau lại được sáp nhập vĩnh viễn vào Đại-Việt. Do vậy, cho nên bây giờ những di tích của các ngôi tháp Chàm còn ở quanh vùng chính là dấu ấn rực rỡ biểu tượng cho nền văn minh, văn hóa ở địa phương từng đã có một bề dày lịch sử vàng son trong thời kỳ quá khứ. Tuy nhiên, chừng nửa thế kỷ trước đây thì ít có ai có thể nghĩ ra rằng trong tương lai, thì các ngôi tháp Chàm đó sẽ là một kho tàng quý hiếm để thu hút con số du khách ở khắp mọi nơi tìm đến để vui thú tham quan.




Tháp Chàm Po-Sah-Inư ỏ cạnh núi Ngọc-Sơn

          Và cũng không được biết có phải là do sự ngẫu nhiên nào mà sau một sự kiện nhật thực hi hữu, thì người ta mới nhận thấy ra rằng tiềm năng du lịch của mảnh đất Phan-Thiết rất là phong phú. Ngày nhật thực toàn phần ấy xảy ra vào ngày 24-10-1995, lúc bấy giờ, các nhà khoa học về thiên văn được biết chính xác là nếu đứng quan sát ngay tại toạ độ địa dư Mũi Né, hoặc núi Tà-Dôn thì sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn bất cứ chỗ nào hết.Để có thể dễ dàng theo dõi, từ những phút giây hồi hộp diễn biến vô cùng ngoạn mục về hiện tượng tuần hoàn của thiên nhiên kỳ ảo. Và ngày đặc biệt đó cũng là ngày đầu tiên, mà Phan-Thiết đã có dịp được đón nhận một số thành phần du khách người nước ngoài (gồm cả các nhà khoa học, phóng biên bào chí) đến quan sát, nghiên cứu, cùng với hàng vạn người trong nước háo hức kéo nhau đến Mũi Né để quan chiêm.
          Từ đó về sau, cái tên của mảnh đất Phan-Thiết đột nhiên bắt đầu được người ta chú ý tìm thấy trong các chương trình quảng bá rầm rộ về du lịch tại những tháp Chàm, các cồn cát trắng tinh hoặc đỏ, đến bãi biển êm đềm có cảnh quan sinh hoạt thuyền chài nhộn nhịp ở tại địa phương nầy. Nơi, mà từ xưa nay từng đã được nổi danh với những làng nghề truyền thống chuyên làm nước mắm.



Các thùng làm nước mắm ngày nay

          Hiện giờ, tại những nhà sản xuất làm nước mắm có thương hiệu lớn thì người ta đã cải thiện rất nhiều về điều kiện trong quy trình chế biến theo đúng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Và cũng như cách phối trí dụng cụ bên ngoài sạch sẽ, làm giảm thiểu rất nhiều về các mùi hôi xông ra từ trong các nhà thùng. Tùy theo bí quyết áp dụng khác nhau của các thương hiệu mà người ta cần phải dùng đến những phụ gia để làm tăng thêm hương vị, sắc màu của nước mắm. Như nào là thính, củ riềng, ớt, quả thơm, nước màu, thậm chí còn có cả ruốc hay ruột cá để thâu ngắn được thời gian trong công đoạn chế biến thành nước mắm. Tuy nhiên, nói chung không riêng gì ở Phan-Thiết mà trong cả nước ta hiện nay, thì nghề làm nước mắm cũng vẫn hãy còn đang áp dụng với phương thức cổ truyền bằng quy trình chế biến thô sơ, kéo dài thời gian cho nên hiệu quả về kinh tế có thể nói là quả thực còn thấp kém.



 
Tỉn đựng nước mắm ngày xưa

        Đối với người VN, nước mắm là một loại ẩm thực quốc túy của dân tộc đã có từ lâu đời vả chủ yếu được làm bằng nguyên liệu hải sản cá và muối. Tuy nhiên, người ta thường dùng những loại cá cơm than vì nó có thân hình nhỏ dễ dàng bị phân rữa mau lẹ, lại thơm ngon và có độ đạm rất cao so với các loại cá khác. Tùy theo công thức chọn lựa trộn pha theo tỉ lệ giữa cá và muối để trong thùng, và khi xong rồi người ta gọi đó là chượp. Phần trên của chượp, thì người ta phủ lên cá kè đã được kết lại thành hình như một tấm chiếu. Kế tiếp, lại rải phủ thêm một lớp muối nữa trước khi cài lên lớp vỉ tre, và sau cùng dùng vật nặng thường là tảng đá để đè xuống. Sau một thời gian gần cả năm, có khi phải chờ đợi lâu hơn nữa để cho thủy phân xong xương cá, thì người ta mới lấy hết được nước mắm ở trong thùng hay trong lu. Nước mắm chảy ra đợt đầu gọi là nước mắm nhỉ, thì lúc nào cũng thơm ngon hơn là các đợt về sau. Hiện nay, tại Phan-Thiết có ba khu vực làng nghề nước mắm ở tại phường Thanh-Hải, phường Hàm-Tiến - Mũi Né và khu chế biến nước mắm có tầm vóc quy mô hơn ở Phú-Bài.




Làng chài ở Mũi Né

      Ngày trước, khi người ta có dịp đến Phan-Thiết thì họ sẽ không bao giờ quên lợi dụng ngay cơ hội để mua một vài chai nước mắm đem về nhà. Còn bây giờ thì khác, người ta lại phải tự mình đi tìm đến với Phan-Thiết bằng nhiều phương tiện rồi ở lại đó để nghỉ ngơi, tham quan các thắng cảnh địa phương nổi tiếng ở quanh vùng duyên hải. Đất Phan-Thiết ngày nay đã có những quần thể du lịch thể thao, vượt sóng, leo núi, câu cá, đánh gôn cùng với những khu nghỉ dưỡng hiện đại, các khách sạn cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho mọi thành phần du khách.





Bãi biển Hòn Rơm

           Đặc biệt, là hình ảnh của khách sạn bốn sao Novotel Phan-Thiết giờ đây bất ngờ được hàng chục triệu người nghe biết tới. Vì nơi đó đã phát sinh ra nguyên nhân cho một câu chuyện tình éo le, trắc trở, và đã trở thành một đề tài thời sự sinh hoạt xã hội vô cùng lý thú, hấp dẫn. Để cho hầu hết mọi người nào thích tò mò, muốn tìm hiểu về cuộc đời của một cậu bé tí hon ở tại địa phương, nay bỗng dưng trong một sớm chiều thì đã trở thành một nhà đại tỉ phú của Việt-Nam hiện đang sinh sống trên đất nước Hoa-Kỳ...





Đây là khách sạn Novotel Phan-Thiết*

         Trở lại sự hình thành của dải đất Bình-Thuận kể từ khi được sáp nhập vào Đại-Việt cho đến bây giờ, cho dù đã từng có nhiều nhân vật anh hùng hào kiệt xả thân làm đẹp quê hương, nhưng người ta rất tiếc là đã rất khó tìm thấy chứng tích còn lại được ghi chép một cách rõ ràng trong danh sách người hiền sở tại. Ngoại trừ trường hợp của Nguyễn-Thông (1827-1884), là một nhà danh sĩ trí thức nhiệt tình yêu nước từng giữ chức Phó Đề-Đốc chống giặc xâm lăng Pháp dưới triều vua Tự-Đức. Ông cũng là người từng treo ấn từ quan, vì bất mãn bọn gian thần nhưng vẫn được triều đình trọng dụng lại mời ra phục chức.
          Vào năm 1881, sau cùng ông được bổ nhiệm đi làm làm Phó sứ điển nông kiêm Đốc-học tỉnh Bình-Thuận. Các tác phẩm chính của ông để lại cho đời sau gồm có: Việt sử thông giám cương mục khảo lược, Khâm Định nhân sự kim giám, Dương chính lục, Kỳ xuyên thi sao, Kỳ duyên văn sao và Ngọa du sào tập. Ông là người sinh ra ở Gia-Định nhưng qua đời ở tại Bình-Thuận, mộ phần của ông bây giờ nằm ở trên đồi Ngọc-Lâm, dưới chân núi Ngọc-Sơn đối diện với tháp Po-Sah-Inư.
          Mặt khác, hầu hết phần đông du khách đến tham quan Phan-Thiết thì chỉ thường được nghe qua nhiều hơn về lịch sử của vương quốc Chămpa hiện còn in dấu ấn bằng những ngôi tháp rêu phong. Nói chung trong toàn tỉnh Bình-Thuận, thì hình như hầu hết mọi người dân đều đã từng làu thông lịch sử văn hóa lâu đời của người Chămpa với nhóm di tích tháp Po-Sah-Inư, đền thờ Po-Klong-Mơhnai và hàng trăm bảo vật cung đình của vua Chăm và hoàng hậu hiện còn lưu lại sau cùng.



 
Nghệ sĩ Chăm trình diễn văn nghệ

          Lịch sử của Chămpa đã có từ năm 192, và sau khi đã trải qua bao thời kỳ hưng phế cho đến thế kỷ thứ 19, thì chỉ có trong giai đoạn (1627-1651) khi chúa Chăm là Po-Rome xưng vương và cưới công chúa Ngọc-Hoa con gái của chúa Nguyễn-Phúc-Nguyên, thì quan hệ ngoại song phương giữa Việt-Chăm được diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài tiếp nối đó thì lại cũng đã có xảy ra nhiều sự xung đột lẫn nhau, và mãi cho đến khi dưới triều đại của vua Minh-Mạng, thì đúng vào năm 1832 chính là cột mốc cuối cùng mà vương quốc Chămpa không còn tồn tại.

Lãnh thổ Chămpa trải qua nhiều thời kỳ

Chămpa
năm 1000
Chămpa
năm 1471
Chămpa
năm 1832

      
          Phan-Thiết ngày nay đang trên đà khởi sắc nhờ lợi thế có ven biển sạch đẹp, có khí hậu quanh năm nắng ấm, có thắng cảnh thiên nhiên và trục giao thông thuận tiện. Cho nên ngay từ đầu thập niên trong thiên niên kỷ thứ ba, thì chính quyền nơi đây cũng đã kịp thời dấy lên một phong trào kêu gọi nhiều dự án đầu tư du lịch. Và nhờ vậy, mà bây giờ bộ mặt thành phố Phan-Thiết đã hoàn toàn khác lạ hơn xưa với nhiều công trình chỉnh trang thành phốkhang trang, mới mẻ như mở rộng được không gian dễ nhìn với hình ảnh náo nhiệt quen thuộc hằng ngày của ba thành phần sắc dân chính là Việt-Chăm-Hoa hòa đồng sinh hoạt nơi phố phường chợ búa. Phần đông du khách người nước ngoài đến đây, thì họ thường thích đi tham quan thành phố bằng xe xích lô đạp. Còn du khách trong nước, thì họ sẽ không bỏ qua dịp để đến tìm thú vui ở khu phố Tây lạ mắt đã dần được thành hình trên con đường Nguyễn-Đình-Chiểu ở khu Hàm-Tiến. Và tìm đến các quán ăn hải sản ngay tại trong châu thành, để thưởng thức các đặc sản như mực một nắng chấm với nước mắm, trái thanh-long, bánh căn, bánh rế, cốm hộc, dông cát nướng sa tế, cùng với các loại gỏi cá mai, cá đục, cá suốt pha trộn theo kiểu địa phương.
         Ngoài ra, họ sẽ còn có dịp để được nghe người dân địa phương kể chuyện, giới thiệu ra những ưu thế về con số kỷ lục trên quê hương Bình-Thuận của họ mà không ở nơi nào có.



 
Bộ xương cá ông dài nhất ở VN

           Chẳng hạn như ở đây, là nơi có con số resort và khách sạn nằm trải ra thật dài theo ven biển. Là nơi, có xương cá ông dài 22m, nặng 65 tấn được đánh giá là lớn nhất của VN và của cả vùng Đông-Nam-Á. Là nơi, có thương hiệu nước mắm đầu tiên ở trong nước. Là nơi, có diện tích trồng thanh-long nhiều nhất ở VN. Là nơi, có nước suối khoáng nổi tiếng Vĩnh-Hảo. Là nơi, có bãi đá Cổ-Thạch với nhiều hình dạng sắc màu v.v.




Bãi đá Cổ-Thạch

          Sau cùng, là nơi có những đồi cát Mũi Né xinh đẹp luôn luôn thay hình đổi dạng bên cạnh bể khơi màu xanh lục quyện cùng trời đất bao la.




Đồi cát bay ở Mũi Né

        Từ lâu, có rất nhiều du khách từng đi ra tham quan Phan-Thiết nhưng họ chỉ biết có Mũi Né chứ chưa hề lê gót chân vào thành phố Phan-Thiết bao giờ. Sự kiện nầy thực ra cũng chẳng có gì là lạ, vì họ chỉ đi theo tour ngắn một ngày, cho nên họ cần phải cố tranh thủ thời gian để tìm hiểu, mục kích về các thắng cảnh ở quanh vùng hơn là có nhu cầu cần phải đi vào thăm viếng thành phố. Hơn thế nữa, vì một khi đã đến với Mũi Né rồi thì họ kể như đã bị lôi cuốn vào trong các cảnh quan thiên nhiên bên cạnh bầu không khí trong lành. Theo vị trí địa hình, thì Mũi Né nằm ở về phía Đông-Bắc của Phan-Thiết và cách trung tâm thành phố 22 km. Từ một nơi duyên hải hoang vắng, lác đác chỉ có vài xóm dân chài nghèo cùng với những đồi cát đỏ không thuận tiện về mặt giao thông. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, Mũi Né đã vươn mình phát triển rất nhanh và trở thành một trung tâm du lịch nổi tiếng hàng đầu ở Phan-Thiết, và cũng là một địa điểm du lịch có tầm vóc quốc gia được rất nhiều du khách kể cả người nước ngoài tìm đến để nghỉ ngơi, thư dãn. Mũi Né ngày nay được coi như là một đứa con cưng, và cũng là một phường giàu có nhất của thành phố Phan-Thiết.





Bãi biển Đồi Dương cạnh trung tâm thành phố Phan-Thiết

            Và bây giờ nói riêng về mặt khác, tuy ngày nay đặc sản của địa phương là nước mắm Phan-Thiết từng đã bị nước mắm Phú-Quốc cạnh tranh ráo riết trên thương trường. Nhưng lợi thế của nước mắm Phan-Thiết là đã có mặt lâu đời, và ở trên đất liền có trục giao thông thuận tiện, nên đã có dịp gần gũi hơn đối với thành phần du khách nước ngoài biết tới nhiều hơn dù họ không mua. Ngoài ra, còn đối với du khách trong nước trước khi du hành tới Phan-Thiết, thì họ lại biết thêm chi tiết còn có nhiều chỗ khác nữa mà họ sẽ tìm đến tham quan như nào là: tháp nước Phan-Thiết, tháp Po-sah-Inư, tháp Chăm Phố-Hài, mộ tiền hiền Nguyễn-Thông, trường Dục-Thanh, lầu ông Hoàng, bãi đá ông Địa, ngọn hải đăng Kê-Gà, Hòn Rơm, đồi cát Mũi Né, núi Tà-Cú, suối nước khoáng Vĩnh-Hảo, đảo Phú-Quý v.v. Và họ cũng đã từng có nghe qua về giai thoại của một câu chuyện tình buồn ngày xưa ở địa phương nầy của nhà thơ Hàn-Mạc-Tử, mà bây giờ xác thân của ông hiện an nghỉ nghìn thu ở tại tận Ghềnh-Ráng, Qui-Nhơn.





Ngọn hải đăng Kê-Gà

            Hơn thế nữa, họ còn biết cả thời điểm nào để chọn đi tham quan đúng vào các dịp có xảy ra lễ hội mừng Xuân ở trên sông Cà-Ty của người Kinh, lễ hội Nghinh Ông của người Hoa và lễ hội Katê của người Chăm ở tại địa phương nầy.





Lễ hội Katê của người Chăm

         Theo nguồn tin thống kê của sở VHTTDL tại địa phương, thì trong năm 2012 vừa rồi, toàn tỉnh Bình-Thuận đã đón nhận được 3,141 triệu lượt du khách, đạt doanh thu 4.358 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 341.160 lượt du khách nước ngoài, chủ yếu họ chỉ đến Phan-Thiết và khu vực Mũi Né.




Biển ở đảo Phú-Quý

            Ngoài ra, từ gần thập niên trở lại đây thì Bình-Thuận cũng đã thực hiện kế hoạch khai thác tốt đẹp ngành công nghiệp dầu khí trên các mỏ dầu Emerald, Ruby, Rạng Đông, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen và còn đang tiếp tục thăm dò tìm các mỏ dầu khác ở quanh vùng. Riêng mỏ dầu Sư Tử Đen, thì có trữ lượng dầu rất lớn nhất và hiện nay mỗi ngày có thể khai thác lên tới 90.000 thùng dầu thô.




Giàn khoan dầu

             Còn về đảo Phú-Quý từ lâu cũng được nằm trong khu quy hoạch xây dựng lên một hệ thống chế biến dầu, dự trữ dầu thô và nhựa làm đường. Hơn thế nữa, tuy thời điểm bén nhạy nầy làm cho ngành nghề đánh bắt hải sản thường gặp phải ít nhiều trở ngại khó khăn, nhưng người dân chài địa phương cũng quyết liên kết bám biển thành lập các tổ, đội để hỗ trợ cho nhau khi gặp phải vấn đề. Và cảng Phú-Quý hằng ngày đều tập nập, với các hình ảnh sinh hoạt quen thuộc của những tổ, đội ngư dân lướt sóng ra khơi. Tuy nhiên, nếu tách riêng ra từng địa phương thì Phan-Thiết là một ngư trường lớn của Bình-Thuận được thiên nhiên ưu đãi về vùng có khí hậu tự nhiên phù hợp lý tưỏng với công nghệ nghề làm nước mắm ngon, có hương vị đặc trung nổi tiếng từ lâu. Do vậy, mà Phan-Thiết lại còn có thêm những nguồn lợi tức chính thâu được đem về từ trên biển cả. Đó là chưa kể đến những ruộng muối truyền thống, ngành nghề canh tác nuôi trồng thủy sản tôm, mực, sò điệp, sò lông v.v. Thêm nữa, về khoáng sản thì địa lý quanh vùng Phan-Thiết (nói riêng) như Hàm-Tiến còn có mỏ Imenít-Zircon, đá Mico-granít ở Lầu Ông Hoàng, mỏ cát thủy tinh ven biển có trữ lượng đến khoảng 18 triệu tấn chưa được khai thác đúng mức.
         Phan-Thiết ngày nay mặc dù không thể so bì được với những thành phố du lịch phát triển tiến bộ đàn anh, nhưng người ta vẫn có thể nói bây giờ Phan-thiết là một dải đất giàu có, đang trên đưòng khởi sắc với một tương lai đầy hứa hẹn.




Hình ảnh Phan-Thiết về đêm

         Trở lại câu chuyện như đùa, là một cậu bé tí hon ở Phan-Thiết đột nhiên trở thành vị đại gia với tài sản kếch sù từng một thời đã được hầu hết báo chí trong nước lẫn hải ngoại lấy làm đề tài khai thác rất ăn khách trong một thời gian kỷ lục. Và mọi tình tiết nầy, không khỏi đã phải làm cho rất nhiều người lấy làm vô cùng ngạc nhiên khi thích thú theo dõi đến nỗi phải vui hứng, và đặt ra thành câu nói tiếu lâm rằng là bạc tiền mà cũng biết phù thịnh chớ chẳng phù suy! Vì Phan-Thiết hiện nay là một trong những thành phố sung túc, phát triển rất nhiều so với các thành phố còn nghèo khác.
        Năm 2009, trong liên hoan phim Tribeca trình chiếu tại Hoa-Kỳ, nhà đạo diễn Alexis Spraic có cho ra mắt về một tài liệu "Shadow Billionaire"(Tỉ phú ẩn mình) dài 90 phút, ghi lại cảnh huyên náo về pháp lý diễn ra sau cái chết của Larry Lee Hillblom (1943-1995). Đây là một đoạn phim được nhiều người quan tâm chia sẻ về tính công khai đi qua mọi sự tranh cãi, về mối quan hệ huyết thống cha con trong chứng tích khoa học chủng tử di truyền. Và mới đây, vào khoảng đầu năm 2012, nhà văn James Duncan Scurlock cũng cho phát hành một cuốn sách có tựa đề "King Larry: The life and Ruins of a Billionaire Genius" ("Vua Larry: Cưộc đời và sự đổ nát của một nhà tỉ phú thiên tài") nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà tỉ phú Larry Hillblom đã qua đời vào ngày 21-5-1995 trong một tai nạn thủy phi cơ giữa biển khơi ở gần đảo Saipan. Và mãi cho đến nay, vẫn chưa tìm được thi hài.
           Vậy câu chuyện của nhân vật Larry Hillblom ở tận Mỹ-Châu nói trên có liên quan gì đến giai thoại của cậu bé Lory dưới đây, từ một đứa bé quê nghèo bỗng dưng đã được trở thành một nhà đại tỉ phú Việt-Nam ở tại Phan-Thiết? Lẽ dĩ nhiên, câu giải đáp tiếp theo sẽ không kém phần lý thú và hấp dẫn để cho người ta có dịp nghiệm lại về cuộc sống trăm năm trong cõi người ta với ý nghĩa vô thường theo lẽ đạo.
          Trước đây hơn bốn thập niên qua, thì cũng đã có một vụ ông Hoàng-đế xứ Trung-Phi (Centrafricaine) tìm lại được đứa con rơi là Martine ở tại Gia-Định, trong lúc mà nàng công chúa đang làm nghề bốc vác bao xi măng trong nhà máy xi măng Hà-Tiên ở tại Thủ-Đức. Sau đó 23 năm thì vào năm 1995 cũng có xảy ra câu chuyện ngược lại, là một cậu bé tí hon Việt-Nam bị bỏ rơi đi nhờ pháp lý truy tìm nguồn gốc của cha là một nhà tỉ phú Mỹ vừa mới qua đời để khiếu kiện, để xin được quyền thừa hưởng gia tài.




Đây là hình của cậu bé Lory,
là một trong những người giàu có nhất
trong cộng đồng người VN ở nước ngoài.

(Ảnh chụp cùng mẹ là Nguyễn-Thị-Bé)

         Và người cha của Nguyễn Bé Lory không ai khác hơn là ông Larry Lee Hillblom, một doanh nhân người Mỹ thành đạt công danh và đã trở thành tỉ phú. Cách nay hơn hai mươi năm, Larry Hillblom từng có đến nhiều nơi ở VN để điều nghiên về tiềm năng phát triển du lịch địa phương, sau cùng ông đã chọn hai địa điểm là Đà-Lạt và Phan-Thiết để đầu tư vào ngành dịch vụ khách sạn và vui chơi giả trí. Nói riêng tại Phan-Thiết, vào năm 1992 ông mua lại khách sạn Vĩnh-Thủy và đổi tên lại là Novotel sau khi đã tân trang đẹp đẽ đạt tiêu chuẩn nâng cấp thành loại 4 sao. Khoảng thời gian 1992-1993, trong lúc đang còn đứng ra trực tiếp đôn đốc thực hiện hoàn hảo công trình, thì ông có để ý quan tâm đến một nhân viên phục vụ trong khách sạn tên là Nguyễn-Thị-Bé lúc ấy vừa tròn 18 tuổi. Và hậu quả sau cùng, là Nguyễn-Thị-Bé đã bị mang thai và sinh ra Nguyễn-Bé Lory.
          Câu chuyện chỉ có vậy tưởng chừng như đã được kết thúc vào trong sự lãng quên, vì khi bé Lory ngày càng lớn lên thì đã biết sống an phận cuộc đời bên cạnh những cồn cát, bể khơi êm ả vắng người. Lúc ấy thì hình bóng của người cha, thì Lory chưa hề được một lần nhìn thấy. Còn mẹ, là Nguyễn-thị-Bé cũng đã làm lại cuộc đời và hạnh phúc có con bên cạnh người chồng mới sau nầy. Tuy nhiên, không ngờ sau khi cái chết của ông chủ Novotel được tung ra, thì mẹ của Lory là Nguyễn-Thị-Bé mới hay tin nên liền tìm bằng mọi cách để nhờ trung gian liên lạc chứng minh rằng bé Lory chính là con của máu huyết của nhà tỉ phú Hillblom. Lúc bấy giờ, hầu hết các báo chí VN đều nhảy vào bắt đầu nhập cuộc bằng với những thiên phóng sự kéo dài thật ly kỳ, hấp dẫn và đã lôi cuốn được rất nhiều sự hiếu kỳ của hàng triệu độc giả.
            Còn ở tại Mỹ, sự qua đời của H illblom cũng đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi rất lâu dài về quyền thừa kế của những đứa con rơi của ông. Hơn thế nữa, vì khó khăn trong việc tìm kiếm ADN cho nên thời gian đành phải tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, cuối cùng nhờ có thêm kẽ hở của luật pháp (ở địa phận Saipan thừa nhận quyền thừa kế của những đứa con rơi có cùng gen với cha mẹ) mà Lory đã cùng với ba đứa trẻ khác. Là một đứa ở Guam và hai đứa ở Phi-Luật-Tân đều được phán quyết của Tòa-án liên bang Hoa-Kỳ chấp nhận cho hưởng quyền thừa kế, để chia gia tài của Larry Hillblom ngoài phần di chúc của người quá cố. Riêng phần của Nguyễn-Bé Lory vào đúng năm 2013 thì đã đến 18 tuổi trưởng thành, và sẽ có đầy dủ tư cách pháp nhân để được hưởng toàn bộ số tiền thừa kế là 60.000.000 dollars sau khi trừ thuế lợi tức và thuế liên bang. Hiện nay Lory và mẹ đều nhập quốc tịch Hoa-Kỳ, hiện đang cư ngụ tại thị trấn Mariana thuộc đảo Saipan nước Mỹ.
                  Giờ đây, đối với xã hội Việt-Nam thì Nguyễn-Bé Lory của Phan-Thiết được coi như là mộtkẻ đương thời đang nắm trong tay một sự nghiệp khổng lồ. Và hiện nay Nguyễn-Bé Lory không còn là một trẻ thơ nữa, mà cậu đã lớn lên trở thành một người thanh niên học thức có tầm hiểu biết, để suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa cuộc đời trong xã hội. Nói riêng, là về hoàn cảnh định mệnh của cá nhân mình xuất thân ra từ ở một nơi xóm nhỏ góc làng ven biển cả.
             Vả lại, là trong năm 2011 thì Nguyễn-Bé Lory cũng đã có trở về thăm lại quê hương, bùi ngùi khi nhìn lại từng cảnh vật mến yêu kỷ niệm ngày thơ ấu. Và đã có những lời thổ lộ tâm tình cảm động, với hoài bảo sẽ thực hiện ở mai sau...

                                                                                           An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
                                                                                                         (Paris)

26 thg 10, 2019

THƯƠNG NHỚ BẠN XƯA - BÁC SĨ NGUYỄN SĨ ĐỨC ĐÃ ĐI XA.......


       Do những nguyên nhân ngoài ý muốn,Mru tôi hay hung tin Bs Nguyễn Sĩ Đức, cựu học sinh PBCPT, đã đột tử tại nhà riêng số 99 Trần Quang Diệu Quận 3 thành phố Hồ Chí Minh quá trễ vì Đức mất sáng sớm ngày 09/10 nhưng chiều 24/10 tôi mới biết qua cú phôn của bạn Lê Quang Chiêu . Tôi gọi ngay cho bác sĩ Lê Thiệu Hùng ,bạn thân PBC tốt nghiệp Y khoa cùng khoá với Sĩ Đức.Hùng xác nhận tin xấu và cho hay do gia đình hạn chế thông báo nên bạn cũng vào Sài Gòn trễ không kịp dự tang lễ.



      Sáng 25/10,đến nhà riêng của Sĩ Đức ,tôi không gặp bà xã của Đức nhưng được con gái lớn tiếp chuyện rất chân tình ,cảm động. Cháu kể lại cái chết của bố đến rất bất ngờ : " Ăn sáng xong, bố kêu choáng váng,đo thấy huyết áp cao nên uống thuốc cho hạ .Uống xong vẫn hoa mắt ,mệt mỏi bèn đi nằm nhưng cứ lịm đi và lạnh người .Cháu nghe ngực thấy hình như tim bố ngừng đập,hoảng quá vội cùng mẹ chở bố tới Bệnh viện An Sinh ,số 10 Trần Huy Liệu gần nhà nhất, nhưng rất tiếc bác sĩ bệnh viện chịu thua bảo bố đã tử vong do vỡ mạch máu não..."
      Hỏi thăm tình hình sức khỏe gần đây,con gái Đức cho hay sau lần té gãy chân lần 2,gãy cả 2 chân ở phần xương ống, Đức rất được gia đình chú ý bồi dưỡng và chăm sóc đi đứng cẩn thận hơn nửa năm trời ,lần lượt bỏ được xe lăn rồi cả chống nạng tưởng sẽ rất tốt đẹp nhưng nào có ai học được chữ ngờ...
       Hỏi về mặt tinh thần, con gái Đức đồng ý với tôi " Những năm sau này, bố cháu tâm không an. Đúng như bác nói,từ sau vụ bị địa phương ngăn trở hành nghề bác sĩ tư tại nhà rồi bị Sở Y Tế thành phố đòi phạt cả trăm triệu mới được cấp giấy phép nên bố lúc nào cũng trầm mặc, phần ưu tư về công việc ,phần buồn không lo được chi phí "đầu tiên" cho đứa con út theo học y khoa trong nước hầu nối nghiệp cha phải đưa nó sang Úc học nghề đầu bếp bất đắc dĩ. Lại còn buồn vì nó bảo tốt nghiệp xong sẽ xin việc tại chỗ , không muốn trở về nước "
        Tôi chào con gái Đức rồi cáo từ vì ngồi khá lâu mà chị Đức chưa thấy về nhà.Trước khi từ giã, tôi bảo cho bác chụp tấm ảnh bàn thờ bố cháu làm kỷ niệm .
       Trên đường về,lòng tôi nao nao, buồn và thương xót người bạn già. Sĩ Đức ra đi không một lời trối trăng với vợ con,đứa con út đang học tại Australia không kịp về nhìn bố lần cuối trước giờ lâm chung. Một dấu hỏi đến với tôi trong buổi nói chuyện hôm nay khi con gái Sĩ Đức cho hay Nguyễn Thị Minh Ngọc, cô em gái ruột ,văn sĩ,nghệ sĩ,diễn viên nổi tiếng một thời với đủ thứ giải thưởng văn chương, điện ảnh, truyền hình, sân khấu chuyên nghiệp trong và ngoài nước cũng không có mặt trong đám tang.



        Nhớ lại năm nào chung lớp đệ nhất B ( Sĩ Đức chuyển từ 1 tỉnh Bắc Trung phần thi ngang vào trường PBCPT), tôi và bạn bè mến Đức ở tính hiền lành, chân thật, tốt bụng. Khi ra đời bạn là 1 bác sĩ giỏi có y đức được nhiều bệnh nhân ca ngợi. Có điều chỉ vì mảnh giấy hành nghề mà bạn làm ăn trắc trở, kinh tế gia đình khó khăn .Bạn bè PBC đồng khoá hiểu Sĩ Đức, đều rất thông cảm ,chẳng ai trách bạn không về Phan Thiết họp mặt truyền thống tối Mồng Bốn Tết hoặc ít khi tham dự Họp nhóm với bạn bè PBCPT thường trú tại Sài Gòn.
Hôm nay Sĩ Đức đã đi xa...

Đi trước bạn bè ....
Tuổi già hạt lệ như sương...
Muôn nhớ nghìn thương...
Bạn ơi có biết.........

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..