24 thg 6, 2011

Chuyện trước cổng chùa

.........Người đi chùa thường có thói quen bố thí tiền cho những kẻ ăn xin.Vợ tôi cũng không ngoại lệ. Nàng lý giải :”Người đi chùa lòng phải từ bi hỷ xả. Có mở lòng từ tâm thì con cháu mới mong hưởng phước đức...”Thế nên lần nào cũng vậy,vừa đến cổng chùa là vợ tôi mau mắn lấy tiền (chuẩn bị sẵn từ nhà) ra cho.Số tiền này bao gồm tiền xu các loại 200, 500,1000 đồng và những tờ giấy bạc mệnh giá nhỏ 200,500 đồng. Để tiền bố thí được nhiều,vợ tôi góp nhặt tiền lẻ ít xài đến của mọi người trong gia đình.Từ hơn một năm nay,nàng không thu gom tiền lẻ nữa bởi những loại tiền mệnh giá nhỏ ngày càng khó sử dụng và người ăn xin cũng chẳng muốn nhận chúng.Bây giờ đến chùa,vợ tôi thường bố thí bằng tờ giấy bạc 10 ngàn hoặc 20 ngàn.đồngNàng bảo đưa tiền chẵn để những người ăn xin chia nhau là tiện nhất vì cho tiền lẻ từng người không những đã mất công có khi còn bị họ níu kéo.

.......Một hôm vào chùa lễ phật xong,tôi vừa lấy xe máy ra khỏi cổng thì một người đàn bà bồng đứa con nhỏ chạy theo chìa tay :”Ông bà cho xin ký gạo làm phước ! Sáng giờ con tôi chưa có gì để ăn ! »Tôi nói : »Sao chị không ngồi ở cổng chùa để cùng được chia tiền với mấy người kia ? » Người đàn bà lắc đầu : » Chùa này có băng nhóm,con mới đến họ không cho ngồi.»Vợ tôi xót xa:”Rõ khổ !”Nhưng lục túi chỉ còn hai ngàn lẻ,nàng lắc đầu chép miệng : »Tôi thật tình hết tiền lẻ rồi.Chị thông cảm,cầm đỡ đi ! »Người đàn bà đứng lần khân định nài nỉ thêm nhưng thấy mấy người ăn xin từ cổng chùa xáp lại thì vội bồng con bỏ đi .


.......Nhìn theo dáng đi tất tả của người đàn bà,tôi thầm nghĩ người ăn xin này thật bạo miệng:xin hẳn một ký gạo chứ không xin 1-2 ngàn như những người khác.Không biết bà ta xin được mấy ký gạo mỗi ngày?Với giá gạo hiện nay khoảng 10 ngàn một ký nếu ngày xin được 2 ký thôi thì tính ra cũng đã vượt “chuẩn nghèo”(dựa trên mức chuẩn nghèo mới,sắp được ban hành,với 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng ở thành phố) rồi.Như thế những người ăn xin chưa hẳn là nghèo.Chuyện kể tiếp dưới đây càng minh chứng điều này.


......Trong các ngôi chùa ở thành phố Sài Gòn,Linh Quang Tịnh Xá (quận 8) là chùa vợ chồng tôi hay đến nhất.Chùa có tiếng linh thiêng nên khách thập phương đến lễ phật rất đông cho dù là ngày thường.Bản thân tôi dị ứng với mùi khói nhang và thán khí chốn đông người nên khi đến chùa chỉ ghé vào chánh điện khấn lễ xong là ra ngoài ngay chứ không ngồi lại cùng vợ đọc kinh và nghe thầy thuyết giảng.Thời gian này tôi thường sử dụng để thơ thẩn vãn cảnh chùa,tìm phút thư giãn cho tâm hồn.


......Đến chùa vài lần,tôi làm quen được một người bán vé số lâu năm ở đây.Đó là một thanh niên tuổi ngoài 30,một chân bị liệt phải sử dụng xe lăn để di chuyển. Anh thường ngồi ở phía sau cổng chùa gần vị trí của người bảo vệ kiêm quản lý bãi gửi xe máy.Mỗi lần đến đây tôi đều mua giúp 2 tấm vé số và ngồi cạnh để nghe tâm sự của anh.


........Qua lời kể,tôi được biết trước đây anh là nhân viên văn phòng cho một xí nghiệp tư và đã có gia đình .Chân anh thế này do tai biến sau lần bất ngờ đột quỵ.Phải nghỉ việc anh buồn phiền một thời gian rồi quyết định đi bán vé số vì không muốn là gánh nặng cho vợ.Mỗi ngày bán được chừng 70 tấm vé số, trừ tiền thuốc lá (anh cố bỏ mà chưa được) thì chiều về anh cũng phụ giúp thu nhập cho gia đình khoảng 50 ngàn đồng.Tôi hỏi :”Mang về chừng đó chắc anh phải kiếm được 100 ngàn một ngày mới đủ trang trải các khoản chi phí ”Anh lắc đầu:”Mỗi tấm vé số cháu lời có một ngàn. Số dư chỉ đủ tiền thuốc lá.Còn buổi trưa,cháu ăn nhờ cơm trưa miễn phí của chùa.Bữa nào trời mưa coi như lỗ sở hụi .”


........Sáng chủ nhật vừa qua khi đến Linh Quang Tịnh Xá,tôi không thấy người bán vé số ngồi trên xe lăn tại chỗ cũ như mọi lần.Ngó quanh quất tôi phát hiện ra anh ngồi trên chiếc ghế nhỏ nơi cổng chùa cạnh bên mấy người ăn xin tôi đã quen mặt.Ngay lúc ấy có một người bước vào cổng chùa móc túi bố thí.Tôi thật ngạc nhiên ngó thấy anh cũng chìa tay nhận một phần tiền như những người ăn xin khác.

.. ....Khi việc chia tiền của họ đã xong xuôi,tôi bước lại gần hỏi nhỏ anh :”Hôm nay không bán vé số sao ?”Anh cười đứng dậy rút từ trong người xấp vé số ra chìa cho tôi xem và đáp:”Có chứ chú,chả ngày nào cháu nghỉ bán cả !”


.......Tôi dìu người bán vé số lại bên chiếc xe lăn,chọn mua 2 tấm vé số như thường lệ rồi nêu thắc mắc của mình :”Sao hôm nay anh lại ngồi chung chỗ với mấy người ăn xin ?” Tôi vô tình buột miệng theo lô-gích quán tính của sự việc ,thấy khác lạ thì hỏi chứ không có ý phê phán gì.Nhưng nào hay vừa dứt lời tôi thấy vẻ mặt người bán vé số xầm lại.Anh ta dõi mắt xa xăm nhìn ra ngoài đường,giọng buồn buồn :”Cháu cũng biết ngồi xin ở cổng chùa như thế là không được,thấy thẹn với chính mình lắm ! Song mấy hôm nay mưa, bán vé số ế quá mà ở nhà vợ đang đau ốm, kẹt tiền mua thuốc nên đành dấn thân chấp nhận làm chuyện ‘Gà què ăn quẩn’ như chú đã thấy.Nhưng chính nhờ vậy mà cháu phát hiện ra rằng người ta ngồi ăn xin ở cổng chùa thu nhập một ngày còn nhiều tiền hơn cháu !”


......Nghe người bán vé số nói,tôi tròn mắt ngạc nhiên: ”Anh vừa nói gì ? Ngồi ăn xin còn kiếm tiền khá hơn đi bán vé số à ?”Anh ta mở nắp chai nước để bên mình ngửa cổ tu một hơi rồi chậm rãi nói tiếp :”Đó là sự thật chú không thể ngờ được đâu.Họ kiếm sống dễ dàng lắm,cứ có mặt ngồi hàng ngày ở cổng chùa là có tiền.Ngày thường thu vào chừng 7- 8 chục ngàn đồng.Chủ nhật,ngày rằm,mùng một hoặc ngày vía phật có đông người viếng chùa hơn thì số thu nhập mỗi người có thể lên đến trên trăm ngàn đồng.Cháu xen vào ngồi chung được với mấy người ăn xin là nhờ đã bán vé số lâu năm ở chùa này.Họ hiểu rõ hoàn cảnh mình nên thông cảm cho ngồi,chứ người lạ không được đâu !Nhưng cháu cũng chỉ mong được ngồi trong những ngày bán vé số ế ẩm thôi !”


........Người bán vé số nói chuyện với tôi nhưng mắt vẫn dòm chừng về phía cổng chùa.Vưà thoáng thấy có người đang bố thí bèn đứng dậy chào,xin phép tôi ra đó ngồi.Tôi dìu anh ra tận nơi.Anh đỏ mặt lúng túng thốt lời cám ơn.Tự dưng tôi thấy lòng mình nao nao khi đứng trước cảnh nghèo của người bán vé số chân thật này.Tôi vỗ vai anh nói nhanh:”Chú hiểu cháu mà.Chú có giúp được gì cho cháu đâu.Hẹn gặp lại !”


.......Lúc đó buổi thuyết giảng trong chùa cũng vừa xong.Vợ tôi xuất hiện trong đám đông người đang ùa tan từ những bậc tam cấp nơi chính điện.Nàng khoe hôm nay được thầy chủ trì thăm hỏi và tặng một quyển kinh nhật tụng mới vừa được một thí chủ ấn tống cúng dường tam bảo.


.......Chúng tôi lên xe ra về trong tiếng chuông chùa chậm rãi ngân nga tiễn biệt.Mọi lần nghe tiếng chuông chùa,tôi thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản,bao ưu phiền như tan biến hết.Nhưng hôm nay trong tâm trí tôi cứ lởn vởn những lời kể lể của người bán vé số :Người ta ngồi ăn xin ở cổng chùa thu nhập một ngày còn nhiều tiền hơn cháu !”


........Thuở bé,nhìn những người mặc quần áo rách rưới ngồi ngả nón,chìa tay lang nơi đầu đường xó chợ, tôi đinh ninh những người cùng khổ lắm mới phải đi ăn xin.Lớn lên cùng vận nước nổi trôi,lịch sử sang trang, tôi thấy cuộc sống con người Việt Nam có đi lên song bóng dáng người ăn xin vẫn đổ dài trên khắp nẻo đường quê hương.Tôi nghĩ:”Tại đất nước mình còn nghèo.”Gần đây thỉnh thoảng đọc báo thấy có những người táng tận lương tâm tổ chức chăn dắt người già hoặc con nít buộc phải đi ăn xin,tôi vẫn nghĩ người ăn xin chỉ là nạn nhân tội nghiệp.Thế nhưng chứng kiến cảnh ăn xin diễn ra hàng ngày nơi các cổng chùa, lòng trắc ẩn của tôi không còn như xưa.Có lẽ đã đến lúc những người đi chùa cần cân nhắc lại việc làm bố thí của mình.Làm phước nếu không đúng đối tượng không chỉ dung túng cách kiếm sống bất chính của những người khỏe mạnh nhưng lười lao động mà còn gây bất công với những người nghèo lảm việc vất vả suốt ngày song thu nhập không bằng những người ăn xin.

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..