12 thg 7, 2020

PHAN THIẾT - QUÊ TÔI, NGÀY BÉ THƠ LỚN LÊN ( Phần I & II )

 Phần I 


        Hồi còn trai trẻ thời Trung học, thầy Thuận dạy Pháp văn cứ nói hoài : 
Il ne faut jamais remettre au lendemain ce qu’on peut fair le jour même” 
để nhắc nhở tính không ham học của tôi, nhưng thế nào vẫn nấy, đã hơn bốn chục năm rồi, có gì thay đổi đâu, vẫn cứ để đến ngày mai những gì có thể làm ngày hôm nay. Từ rất lâu trong tâm, kỷ niệm cứ thôi thúc ký ức hãy nghĩ về, ít nhất một lần sống lại thời niên thiếu xa xôi mộng mị. Rồi thời gian âm thầm qua đi như bóng câu, như nước chảy dưới cầu. Bây giờ ngồi lại đây mò mẫm đường về năm xửa năm xưa mà cứ an ủi “thà có còn hơn không”.
       Vẫn biết “không đâu đẹp bằng quê hương”, bây giờ đã đan mờ dây thời gian và bụi cát phong trần còn đó, mà tuổi hoa niên vàng son thì đâu rồi, còn chăng huyễn hoặc, hồng hoang!?. Cha mẹ già đã người thiên cổ, vẫn còn bên tai lời giáo huấn “ sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, không bao giờ quên “ thờ lúc đã chết cũng giống như thờ lúc còn sống”. Bà con, bè bạn…phong ba kẻ còn người mất. Cảnh cũ tích xưa gom lại còn bao nhiêu vết rêu phong mờ mờ nhân ảnh!?. Thôi thì, về nhặt nhạnh những vụn vỡ thuở xưa hiễn hiện trong từng tế bào não bộ khi mà, chưa tay rờ, chưa chân đạp lại “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” xa rồi thời học trò quần xanh áo trắng.


       Tôi sống trong thành phố Phan Thiết, theo tí tách kim đồng hồ trưởng thành. Thời Phan thiết dần mất đi tên những con đường Pháp là lạ: “Rue des Pêcheurs”, “Quai de la Saumure”, “Rue de cá Nục”, “Rue de cá Mòi”… và một Nhà hàng ông Tây cụt tay thích săn voi, ngay ngã năm chân đầu cầu Quan, có phải “Marceau” không? rồi thành vườn bông thời Tỉnh trưởng Lưu Bá Châm để, có nơi cho những thằng nhỏ chúng tôi mệt chân dạo phố đêm, ngồi tâm sự chuyện đời bá láp. Thời mà những ông Tây đen, Tây trắng nhậu nhẹt la hét om sòm trong ngày lễ Ðộc lập “Cắt-to Ruy-dzê” ( Quartoze Juillet ) của Pháp, lính Lê dương bắn lộn với lính Partisan, làm khiếp đãm khắp phố, đến hồi thị xã nầy giữa thập niên 1970, dân số xấp xỉ 80 ngàn. Phan thiết cách Sài Gòn 198 cây số về hướng Ðông-bắc, có chiều dài 7 cây số, trước có tên Chàm là “Hamu Lithit”, theo nghĩa: hamu là xóm ruộng bằng phẳng và lithit là ở gần bờ biển.
        Phan Thiết trở thành thị xã chưa minh định ranh giới từ năm 1898, thời vua Thành Thái, nằm trong tỉnh Bình thuận đặt tại Phú tài. Năm 1910, Toàn quyền Ðông dương A.Khobukowski mới định hình địa lý và năm 1918, Khâm sứ Trung kỳ Charles tách Phú hài ra khỏi Phan thiết. Thành phố có con sông Cà ty chảy qua làm Phan Thiết đẹp, hữu tình, thơ mộng. Khúc tiếp biển Thương Chánh gọi là sông Mường Mán. Trên sông có cây cầu Quan làm từ thời Pháp năm 1928, cây cầu đúc Trần Hưng Ðạo, do công binh thời Ðệ nhị Việt nam Cộng hòa làm và cây cầu Mỹ, loại cầu gổ dã chiến, nối liền hai đường Võ Tánh bên Ðức nghĩa và Trần Cao Vân bên Phú trinh lại với nhau, do Mỹ làm. Tôi còn nhớ, thầy tướng số Huỳnh Liên nói: “chừng nào Phan thiết có ba cầu, thì dân Phan thiết phát giàu phát sang”. Chẳng thấy giàu cũng chẳng thấy sang gì hết. Mấy ông tướng số, nói dzậy mà không phải dzậy !.


          Phải nói thêm về cây “Cầu Quan”, cây cầu gần như hằng ngày, hằng đêm, tôi bên hữu ngạn phải qua bên tả ngạn đi học, đi chơi, đi làm, đầy vơi kỷ niệm. Người Phan thiết sẽ không bao giờ quên nạn lụt quá hãi hùng năm Nhâm thìn 1952. Cầu dẫu trên cao vẫn bị trôi ra biển như thường và thành phố là biển nước cuồn cuộn cuốn người, tài sản, nhà cửa vào chốn tiêu tán, tang hoang!. Như là chưa đủ, một lần nữa, người yêu của bạn tôi, không biết tại làm sao, thân gái nhẹ dạ vậy mà cả gan tự tử, đứng trên thành cầu “plonger” xuống giòng nước thăm thẳm đang lừng khừng ra biển xa sóng động!. Ngày xưa, đâu cuối thế kỷ XVIII, nó chỉ là một cây cầu gổ dài 161 mét có tên là Thắng kiều, do những tráng đinh xã Ðức thắng làm nên, nối liền hai bờ Nam-bắc con đường cái quan. Có phải vậy không, cầu có tên là cầu Thắng rồi là cầu Quan?.


        Bên bờ sông tả ngạn, lừng lững là “Tháp nước”, chúng tôi cứ gọi theo tiếng Tây là “Sa-tô-đô“ ( Château d’eau ) cao đến 32 mét, là một biểu tượng đặc trưng và hãnh diện của người dân Phan thiết. Tháp được thiết kế bởi Hoàng thân Xouphanouvong, thời làm cho sở Công chánh Trung kỳ ( Travaux publics ) ở Nha trang?, sinh năm 1909 và mất năm 1995, tốt nghiệp Kỹ sư cầu cống từ trường Pháp “École National Des Ponts Et Chaussées” năm 1937, Chủ tịch nuớc Cộng hòa Nhân dân Lào từ năm1975 đến1997, có một người vợ Việt nam là bà Nguyễn thị Kỳ Nam, sau đổi tên Lào là Vienkham. Tháp được xây dựng bởi nhà thầu Ưng Du, một Hoàng tộc nhà Nguyễn, khởi công từ năm 1928 và đến năm 1934 thì xong.         Ngang đây, tôi cũng thắc mắc là, làm sao tháp nước đã xúc tiến và hoàn thành từ 1928 đến 1934, trước khi ông Xuphanuvong tốt nghiệp bằng kỹ sư năm 1937 và làm việc cho sở Công chánh Trung kỳ tại Nha trang?. Nhìn quanh “Château d’eau”, chúng ta thấy bốn chữ vòng tròn “U.E.PT” bao quanh bồn nước trên cao, ghép bằng mẽng sành, mẽng sứ cổ, viết tắt từ chữ “Usine Des Eaux De Phan Thiết “. Phan thiết là tỉnh lỵ nhưng mang đặc trưng hầu hết tính cách của con người, của đất đai tỉnh Bình thuận, cho nên nói hết những gì của Bình thuận là nói cho Phan thiết. Nói hết những gì của Phan thiết là nói cho Bình thuận. 
          Không lạ gì, khi người hỏi: “anh chị ở đâu?”, người trả lời: “tôi ở Hòa đa”, “tôi ở sông Lũy” hay “tôi ở Ma lâm”, “tôi ở Ðức thắng”…Chúng tôi đều xuề xòa: “cùng dân Phan thiết cả”. 
      Thân thương là chỗ đó! Lạ lùng là chỗ đó! Cũng như, tôi sẽ nói tới những địa danh nổi tiếng của Bình thuận như Lầu Ông Hoàng, Tà cú, Mủi né, Phú quý…có phải của Phan thiết đâu, nhưng là của Phan thiết đó quý vị ạ. Người ta biết Phan Thiết hơn là biết Bình Thuận mà.

 

       Ðiều tôi muốn nhắc đến đầu tiên là ngôi trường cũ Trung học Phan Bội Châu Phan thiết. Ngôi trường mà học sinh được vào ngồi ghế không dễ chút nào. Niên khóa 1956-1957, sau kỳ thi tuyển vô cùng cam go mà, cả một phần phường Lạc đạo, cả phường Ðức long, cả thôn Phú phong, cả Gò bồi, cả Văn phong, Văn lâm và có thể là cả Mương mán nữa, chỉ có hai người thi đậu. Nhà trường được thành lập theo lệnh Thủ hiến Phan Văn Giáo năm 1950 với tên là trường Trung học Bình thuận. Những niên khóa đầu tiên từ năm 1951 đến 1953 phải học nhờ trong các trường Tiểu học Ðức thắng, Nam Tiểu học Phan thiết. Ðến niên khóa 1954-1955, có cơ sở tạm trên đường Trần Hưng Ðạo, sau khi mướn được căn nhà của ông bà Hồng Hưng, trường mới có tên là trường Trung học Phan Bội Châu.
          Năm 1956, trường dời về địa điểm chính thức nằm trên đường Nguyễn Hoàng thuộc phường Phú trinh, một khu đất hoang, mua rẻ của bà Hồ Thị Liệt. Vài lớp vẫn còn ở lại học năm chót trường cũ, trong đó có lớp mới vào của tôi. Hiệu trưởng đầu tiên là thầy Lê Tá, từ 1956 đến 1963 , kế theo là các thầy Hiệu trưởng Ðào Trữ, từ 1963 đến1966, Nguyễn Tiến Thành, từ 1966 đến 1968, Nguyễn Thanh Tùng từ 1968 đến 1973, Lê Khắc Anh-Vũ từ 1973 đến 1975.

 

     Khởi đầu, nhà trường có 2 lớp Ðệ thất 110 học sinh, đến niên khóa 1956-1957 tôi học, đã lên 540 và trong niên khóa 1974-1975 có đến 72 lớp học Ðệ nhất cấp với 4092 học sinh và 25 lớp học Ðệ nhị cấp với 1337 học sinh.



       Những năm dài từ Ðệ nhất đến Ðệ nhị cấp, biết bao kỷ niệm “đời-học-sinh-phấn-trắng-bảng-xanh-hoa-phượng-đỏ”. Có những lần ngồi trong quán nước đá của ông bà Chương người Huế bên kia đường, học đòi “phì phèo điếu thuốc tàn, tàng tàng ly cà phê đá”…mê mệt những bộ áo dài trắng bay bay của các nữ sinh mưa phà, gió phủi…cũng đủ là những nguồn thơ vô tận: “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường”, cũng đủ là những thọt lét tình lãng mạn trai gái và tính nghình nghịch bọn “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”: “tháng Bảy trời mưa, trời mưa không dứt, trời không mưa anh cũng lạy trơì mưa”. 
          Phan thiết có các trường Trung học Tư thục Bạch vân, trước nằm trong khuôn viên chùa Bà, góc đường Triệu Quang Phục và Ngô Sĩ Liên, dưới những tàn cây bàng mát bóng, phường Ðức thắng, thời tôi còn mài đũng quần ở trường Nam Tiểu học Phan thiết gần đó, thường chia phe đá banh, sau trường dời qua phường Phú trinh, trên đường Hải Thượng Lãn Ông, sát bệnh viện và sân vận động Quang trung Phan thiết. 

  • Trường Trung học Tư thục Tiến đức của thầy Ðặng Vũ Tiễn, ban đầu ở đường Ðồng Khánh, nơi có hai cây nhãn bị “bọn quỷ, bọn yêu” phá quá, chưa bao giờ thấy có trái ăn, nằm trước mặt nhà ông bà Trần Thiện Hải, song thân các ca sĩ Nhật Trường và Như Thủy, sau dời về nơi tạm của trường Phan Bội Châu ngày trước, nằm giữa ty Thông tin và ty Tiểu học vụ.
  • Trường Trung học Tư thục Bồ đề, nằm bên kia đường với trường Nam Tiểu học Phan thiết, trên đường Nguyễn Du, trước mặt là đường Triệu Quang Phục với chợ than, chợ mía, khu cỏ hoang, sau lập thành dãy phố lầu khang trang, có rạp hát “Lilas” lớn nhất Phan thiết của ông bà Hứa Văn.
  • Trường Trung học Tư thục Chính tâm của cha Nguyễn Viết Khai, được đổi tên từ trường Trung học Tư thục Ngô Ðình Khôi sau năm 1963, thầy Nguyễn Quốc Biền làm Hiệu trưởng. Trường nằm trên đường Huyền Trân Công chúa hướng xuống bải tắm Thương chánh, đầu địa phận phường Bình hưng.
  • Trường Trung học Bán công Phan Chu Trinh, bên kia đường và kế cận trường Phan Bội Châu, cùng trên đường Nguyễn Hoàng, những năm đầu, các thầy Bùi Hữu Huân, Ðào Trữ làm Hiệu trưởng. Nơi mà, một lần thi Tú tài I, tôi phải chạy xe đạp bán mạng về nhà lấy cho kịp căn cước bỏ quên, đến nơi sắp khui đề thi. May năm đó đậu, tiếp tục con đường học vấn lên Ðại học, không thì toi mạng, Ðồng đế là chắc.
      Tất cả các trường Trung học trong thị xã đã tạo cho thành phố một khuôn mặt thật dễ thương chi lạ, nhất là vào những giờ tan trường, bay bay những tà áo trắng nữ sinh qua cầu Quan, bên kia, “Châtaux d’eau” cao vòi vọi, lấp lánh bóng dưới nước trong xanh, lững lờ ra biển. Ði xa ra hướng Mũi né là lầu Ông Hoàng của Công tước De Montpensier, cháu nội vua cuối cùng nước Pháp nằm trong địa phận Phú hài, cách Phan thiết chừng 7 cây số hướng Ðông bắc. Lầu xây ngày 21/2/1911, có diện tích khoảng 500 mét vuông trên đồi Bà nài có độ cao chừng 15 mét so với mặt biển, kế bên có tháp Chàm Pôsahnư là con của vua Parachanh và hoàng hậu Pônagar ở vào thế kỷ XIV, có mộ Nguyễn Thông xây năm 1884, chùa cổ Bửu sơn xây năm 1900, núi Cố…và biển xanh, cát trắng. Lầu nguy nga với tất cả tiện nghi, văn minh Pháp thời bấy giờ: có tháp nước, có máy phát điện, có phòng ốc sang trọng và khung cảnh hữu tình khoáng đạt, được đạt tên là “Nid d’Aigle -Tổ Ó”. Về sau có thêm hotel Ngọc lâm bên cạnh của một người Pháp tên Bell.


lầu Ông Hoàng 

        Cả lầu Ông Hoàng và hotel Ngọc lâm được chính phủ Phápmua lại để cho công chức cao cấp nghỉ mát, đến tháng 12 năm1933, biếu lại hay bán lại? cho vua Bảo Ðại. Lầu bị chiến tranh phá hủy vào ngày 14/6/1947 và trở nên điêu tàn, hoang phế từ đó. Nơi đây để lại một mối tình vừa rất đẹp lại vừa rất buồn của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm làm ta ai không khỏi ngậm ngùi những câu thơ sầu bi ai : 


“Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang,
 nơi đã khóc, đã yêu thương da diết.
            Ôi trời ơi! là Phan thiết! Phan thiết!... 
 Hởi Phan thiết! Phan thiết! 
               Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu. 
                             Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư”. 


       Ðôi cặp trai gái yêu đương buổi đầu nào sống trong Phan thiết lại không tới đây một lần để lại dấu vết một thời. Tôi cũng vậy, đến đây vài lần với nàng, rồi cũng chia tay.
   “Say thôi lại muốn Nàng nâng đỡ,
      nhưng Nàng xa từ thuở vu qui.
           Nhớ thôi lòng những sầu bi, 
                         lệ rơi vào rượu, hàng mi lờ đờ”. 

            Bên kia, cụ Nguyễn Thông nằm đó, chắc cũng thương cho sấp nhỏ, không nói một lời. Ông sinh năm 1927 tại Long an, đậu Cử nhân năm 1849, làm Ðốc học Vĩnh Long, rồi Ðốc học Bình thuận năm 1881, sống và mất năm 1884 tại Phan thiết, thọ 57 tuổi. Con ông, ông Nguyễn Trọng Nội tham gia Phong trào Ðông du của cụ Phan Bội Châu, lập ra trường Dục thanh, nơi có “Ngọa Du Sào” của thân phụ làm chỗ đọc sách, ngâm thơ lúc còn sống. Con của ông là Nguyễn Trọng Nội, cháu của ông là Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Quý Môi mà Phan thiết thời đó không ai là không biết, ngay cả chúng tôi còn bé tí tẹo. Chắt của ông là Nguyễn Minh Luật, rể nhà văn Bình Nguyên Lộc.
           Phan Thiết là một hội nhập hữu duyên của những người miền Trung: từ Quảng Bình, Quảng trị, người của chúa Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Lan bắt được, đến Quảng nam, Quảng ngãi, Phú yên, người của nhà Tây sơn, vua Gia Long bắt được đem hết vào đây khai phá vùng đất mới với dân Chàm địa phương. Sau Hiệp định Genève năm 1954, dân Hà tỉnh, Nghệ an sống nghề biển vào vùng cồn cát Thương chánh, Ðầm, lập ra ấp Vĩnh thủy, Vĩnh phú và sống nghề trồng trọt, ruộng nương thì khai hoang vùng Hàm thuận lập ra ấp Văn phong ở Mương mán và Văn lâm ở Phú lâm. Dân Ba làng, Thanh hóa ở cầu Ké lập ra xã Thanh hải. Thanh hải xưa là một vùng “động”, “sở thùng” hoang liêu những cây mù u, bồn bồn, xương rồng, lưởi long, cây keo, dây gai…cát và cát. Những năm Ðệ thất, Ðệ lục…chúng tôi thường năm, bảy đứa đèo xe đạp ra đây bắn chim , tắm sông, bắt dòm. Như một phép màu, vài thập niên sau, tính cần cù, thông minh, đoàn kết…người dân Ba làng đã lập ra một Thanh hải, phố phường giàu có, sầm uất, những “xóm đạo” thuần túy và tiêu biểu.

 
       
         Ðã một lần được theo trường Phan Bội Châu leo dốc lên cắm trại ở lầu Ông Hoàng và xuống dốc, đi qua “Ðá Ông Ðịa” cắm trại ở Rạng, cách Mủi né chừng 5 cây số và Phan thiết 17 cây số. Ðồi cát, rặng dừa, biển xanh... khiến lòng ai cũng cảm thấy nhè nhẹ, chơi vơi, mênh mông!. Bắt “dông”, ăn mãn cầu dai, uống nước dừa, tắm biển, tuột cát…với bạn gái mới chớm tình yêu đương đầu đời thì thần tiên quá chừng!. Làm người mộng du về tìm dĩ vãng những nơi một thời dấu chân kỷ niệm, không phải nhà biên khảo ngúy ngoáy hết những “cái có”, “cái của” Phan thiết, Bình thuận. Tôi mò mẩm về vạn Khánh Long trong phường Ðức long, nơi ê a lớp Tư với thầy Thính, lớp Ba với thầy Lê năm 1953,1954 ngay trong vạn và sống gần cả thời son trẻ. Trưa hè theo bạn, đong đu qua lại hai cây bông sứ màu vàng trắng, chơi “năm mười mười lăm”, đánh “đáo lạc”, làm “Hoa kỳ anh Hoa kỳ em” và nhất là, coi lễ “Ông lụy”, xem “múa bóng”, xem hát bội đêm ngày 15, 16, 17 tháng 6 Âm lịch hằng năm trong kỳ lễ “Thần Nam Hải”, còn gọi là “Lệnh Sanh Ông” mà người thường gọi là cá voi. .
         Làm sao mà quên cho đành, vào niên khóa 1954-1955 học lớp Ba, nhờ đứng nhất toàn trường Tiểu học Ðức long về học lực và hạnh kiểm mà phần thưởng được Trung tá Tỉnh trưởng Thái Quang Hoàng phát cho quá nhiều đến nổi, tôi và ba tôi phải đi xích lô mang về. Vạn là làng của những người sống nghề đánh cá ven biển, ven sông, có tính cách nghề nghiệp. Vạn Nam nghĩa thuộc phường Ðức nghĩa. Vạn Nam hải thuộc phường Hưng long. Vạn Khánh long thuộc phường Ðức long…Lớn nhất và có tính lịch sử nhất là Vạn Thủy tú nằm trong địa phận phường Ðức thắng, trên đường Ngư ông có nhiều ổ gà, mặt hướng ra biển gần đó, xây dựng từ năm 1762, cổ nhất Phan thiết. Vạn Thủy tú vẫn còn những di chỉ, sắc phong thời Tự Ðức, Ðồng Khánh, Duy Tân…và bộ xương cá voi lớn nhất nước.
         Vì là xóm biển, bên cạnh vạn còn có làng. Làng tôi có khi kêu là Hộ Ðức long, có khi là Ấp Ðức long, có khi là Phường Ðức long với mái đình là đình Ðức long, xưa thường gọi là đình Tú long, cũng gần nhà nhưng không thân. Vạn Khánh long là làng của những ngư dân xóm Câu, phường Ðức long và xóm Ghẹ, phường Lạc đạo hợp lại. Nhà tôi trọn lỏn trong thẻo đất chưa đầy một cây số giữa biển Ðức long và sông Cà ty. Chuyện xấp nhỏ chết đuối là thường. Một lần cả đời không quên, may nhờ anh bạn Bé bơi ra cứu, không thì chết đuối tại khúc sông “Mả lở” từ năm xửa, năm xưa.
         Hồi đó khoảng những năm 1950, ở đây kín mít những mả vôi to lớn, chắc chắn của ngưòi Hời xa xưa, xen lẫn mả đất, mả xây sau nầy của người Việt và một ít của người Tàu trên động cát ngà ngà, chạy dài lên tới đồn chữ Y, tới Mả lạn, tới Căn, đầy những hang ổ rắn, chuột, chồn, mèo, chó hoang, cây gai lưởi long, xương rồng, cây keo, cây me và cây mù u xanh lơ, cây bồn bồn bạc thếch, dây leo, cỏ dại chằng chịt, cô liêu vài chục gia đình lơ thơ, quạnh quẻ. Nơi cho chúng tôi thả giàn dang nắng bắn chim sẻ, bắt dế đá, bẩy “dông thềm”, đôi khi đánh lộn nhau rồi ôm bụng cười huề và có lúc thì, bị “chó đẻ” rượt chạy trối chết. “Dế lửa mạnh càng, dế than mạnh thúc, dế hang chịu húc, dế trục không thua ai”, chúng tôi thường kháo nhau như vậy và khoái dế tại đây lắm, đá thắng hết cả dế Lạc đạo, dế Ðức nghĩa, dế Ðức thắng, có lẻ “tụi nó” quen “chiến đấu” trong vòng “lửa đạn”. “Dông thềm” con nào con nấy đỏ ối, to lớn dềnh dàng, có thua gì dông ở Mủi né, ở Lương sơn?.


         Nói thì nói, gia đình tôi chưa ai “dám” ăn thịt dông bao giờ. Ở đây, vào những ngày tháng Chạp, lễ Thanh minh, người ta đi dẫy mả, cúng mộ, đông hơn ngày hội, từ ba bốn giớ sáng đến chiều tối, cũng là nơi hằng ngày tôi phải chứng kiến tận mắt những đám tang hiu hắt buồn và người ta than khóc thảm thiết. Ðêm đổ xuống như lãng đãng đâu đây hồn ma bóng quế nhát người yếu bóng vía. Lũ trẻ chúng tôi lỡ chơi khuya về, phải hai tay nắm thật chắc, vừa chạy thật nhanh vừa hét thật to “án ma ni bát nhị hồng”, mà không biết ý nghĩa gì ráo. Sau được nghe nói: “Án Ma ni Bát nhị Hồng” là câu chú “Lục tự Ðại minh Chân ngôn” tiếng Phạn của người Tây tạng thuở xưa, cầu Quán Thế Âm Bồ Tát, viết theo âm chữ La tinh là “Om Mani Padme Hum”. 
          Trong làng thôn hiu hắt nầy thuở đó, nổi tiếng nhiều ma, nào là “ma Gáo”, “ma Hời”, “ma Trơi”, “ma Chó”, ngán nhất là “Ó Ma Lai” nửa đêm rút đầu ra khỏi thân người, mang theo khúc ruột lòng thòng tìm ăn phân người. Ai chẳng may “ịn” cái của mình ra đó bị nó ăn, trước sau gì cũng chết. Ai cũng kể, mỗi người khác nhau thêu dệt có có không không đến hãi hùng. Tôi chưa bao giờ thấy hay “bị nhát.
       Trừ nhà ông Cữu Mạnh bán thuốc Bắc thuốc Nam văn minh giàu có, thời đó dám đúc 3 cột đèn “béton armé” dẫn điện từ đường cái quan vào tận nhà trong xóm xa gần biển, còn lại hết thảy nơi đó là, những bạn chài, những dân vùng khác về, những lao động tay chưng, những thợ mộc, thợ hồ, thợ cưa lặt vặt…sống cơ cầu. Trách gì già trẻ trai gái, cứ tự nhiên không mắc cở chút nào, ra bờ sông thoải mái xả “cái nợ đời” dưới hàng cây bần, cây mắm đang reo cười trong gió. Và không tránh khỏi chúng tôi, có khi phải tắm trên giòng sông lềnh bềnh “cái nợ đời” của ai đó.


      Trong khu phố nhỏ nhoi, nghèo nàn nầy vào những năm khai thiên lập địa như vậy đó, không thể không có “Thím Bảy Bánh Căn”, má của anh bạn Sáu ngoẻo. Tôi cứ phải ngồi trên cái “đòn” bệt sát đất trước nhà ông Tửng mỗi sáng, chờ bánh căn nóng hổi ra khuôn. Thím vừa quạt lò, vừa múc bột đổ vào khuôn, đậy, dở nắp “dung”, cạy bánh ra, một cái chấm hành mở, một cái không, kẹp vào nhau thành cặp, để vào tô, chang nước mắm hay nước cá kho, nhanh như máy cho tôi ăn kịp đi học. Nước mắm đo đỏ, mằn mặn, chua chua, cay cay…và nước cá nục hay cá ngừ kho mía lau đen đen, lạt lạt, beo béo, ngòn ngọt, thơm thơm mùi tỏi ớt. Bây giờ nhớ lại mà thèm.
     Nhà tôi không giàu nhưng ngon lành hơn ai trong “Xóm Ngũ Hành” nầy, có cái máy hát lên dây thiều và gắn kim, hiệu Columbia mà bà con quen gọi là “Cô lum da, con chó có cái loa” và cây đèn “măng sông” đọc theo tiếng “manchon” của Tây do ông Carl Auer von Welsback, người Áo sáng chế từ năm1887. Nhờ hai bửu bối nầy mà tôi còn nhỏ xíu và anh kế cũng chẳng lớn hơn bao nhiêu, được mời hết đám cưới nầy đến đám hỏi kia để “hát cho vui” và “sáng cửa sáng nhà” giùm cho người ta “xôm tụ”. Anh tôi canh lên dây thiều cho đúng, đừng yếu, đừng đứt; Canh cây manchon cháy sáng cho ngon lành, đừng tối, đừng tắt. Tôi mài kim cũ, lau dĩa, đừng để ông Út Trà Ôn, cô Lệ Liễu… “hát cà lăm” hay “kéo nhựa”:

“Ôi!, nhìn trời hiu quạnh, màn đêm sương gió lạnh,
hướng quê nhà, lòng thêm chạnh tủi niềm riêng. 
Em Lan ơi, muôn dặm xa xăm, xin em giữ trọn hương nguyền, 
để cho người cô lữ khỏi phải mang niềm tủi hận…”
hay là 
“Chính giữa cái mả cao, hai bên cái mả thấp,
chú ấy đem chôn lấp xác bướm với cành lan…”

        Cũng thời đó, an cư lạc nghiệp lắm, chưa thấy chiến tranh, đi chỗ nào cũng nghe Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết giọng lờ lợ Huế-Quãng trị qua cái “radio ấp chiến lược”:
“Trong đêm trăng, tiếng chày khua, 
ta hát vang trong đêm trường mênh mang.

Ai đang xay, chày buông rơi nghe tiếng vơi tiếng đầy…” 
hay
“Đêm nay bao con thuyền về đậu xuôi mái.
Ai ca dưới trăng ngà, gần xa vắn dài, 
Mái chèo khoan thai,trên sông hai màu, con thuyền về đâu.  
Ô hay!, sao trăng rụng xuống cầu?...” 

mà thương cho thời tuổi trẻ qua mau quá!, đất nước thanh bình ngắn ngủi quá!...
Hồi đó, tôi cứ áo thun, quần xà loỏng, cái nạn thun lội khắp Xà khòm, chùa Ông Rau, cầu Bốn mươi, Lò tỉn, Mả lạn, Căn, Phú long, Phú hội, Phú hài, Xung phong, Ðại nẫm, Vĩnh phú, Vĩnh thủy, Thanh hải… “người đen thủi đen thui như Hời” - má tôi thường nói vậy . 
         Lũ chúng tôi: Hùng cận, Tăng dịt, Cẩm ná…và tôi, thường được sư bà chùa Mã lạn, còn gọi là chùa Long hải, nằm trên những bậc thềm cao, đối diện là chùa Bảy đầu rồng mới làm, do ông Biện Thành Nhơn người Phú yên đứng coi cất năm 1960, thầy Giác Thạnh trụ trì. Gần như lúc nào cũng vậy, Sư bà vừa phơi bông sứ làm nước uống vừa lấy chè, xôi, chuối…cho chúng tôi mà nói: “ăn no đi các con” và khuyên thật nhiều rằng:” đừng bắn chim, tội lắm!”. Dạ dạ, rồi lại đi bắn. 
     Chúng tôi chưa làm theo lời dạy một lần. Tội nghiệp Sư bà!. Dễ ghét và lạ đời mấy thằng nhỏ !?. Từ năm Ðệ ngũ trở đi, mới biết chút “mèo mỡ”, ngâm nga thư tình, rong chơi những cuộc hẹn hò, lang thang những đường phố vắng. 


( Hết phần I )
Phần II
             Từ Phú hài theo hương lộ, băng qua Xóm lụa, nơi hợp lưu của các con sông Cạn, sông Cái, sông Quao, cũng là nơi người ta họp thành xóm, vừa mua tơ, mua tằm ở “Xóm tằm” ngoài vùng “Chợ lầu”, lại trồng thêm dâu, nuôi tằm, ươm tơ đủ để dệt lụa bán tứ xứ. Dẫu bây giờ tên gọi chinh thức là Phú long, nhưng ai ai cũng còn quen gọi tên xưa kỷ niệm “Xóm lụa”. Phú long, nổi tiếng lòng heo bánh hỏi, “Ai về Phan thiết cho theo, Phú long bánh hỏi lòng heo, nhớ hoài”.


Bánh hỏi lòng heo Phú Long

      Nơi khi xưa gia đình tôi tản cư đến, trong một lần chạy trốn Tây đi “patrouille”, ba má tôi đã bỏ quên tôi đang ngủ trên “đòn bào” giữa nhà. Nơi hồi nhỏ thấy ông thầy ngãi đạp, bóp, nhai vỏ chai beer lớn mà trị “bịnh đàng dưới” cho bà chị họ. Nơi vẽ vời phơi phới kỷ niệm với người bạn gái từ Sài gòn ra. Mỗi khi ra chơi vùng nầy, có lên, xuống dốc lầu Ông Hoàng thì, chúng tôi nhất thiết cũng phải ghé vào chợ Phú hài làm một ly đá chanh muối dưới tàng me già kín nắng, rồi mới tiếp tục lên đạp xe đạp, chứ không nổ máy Mobylette, Candy, Sach, Goebel hay Puch như mấy bạn con nhà khá giả thời bấy giờ. Trên đường băng qua Phú long, có lúc chúng tôi chạy vào thăm, thắp nhang “Mộ Thần Thái Giám” xa xa bên kia đường trên hương lộ Phước Thiện Xuân nầy. Mộ to, lùm lùm tròn, rêu phong, nứt nẻ, bên cạnh có con ngựa đúc, sụp quì như tỏ lòng tôn kính và trung thành. Nghe kể: “ngài đi ngựa xuôi Nam, đem theo hài cốt vua Quang Trung trốn cuộc truy sát của quan quân vua Gia Long vào năm 1802, bị tử thương, mất đầu. Con ngựa cứ mang xác ngài chạy mãi, chạy mãi đến đây, ngày xưa gọi là Sơn Thủy, đuối sức, chết. Lịch sử là sự phơi trần xương, máu, chết chốc, nước mắt, điêu linh…mà nơi đây, Phan thiết, Bình thuận ngày xưa là những bãi chiến trường khốc liệt Việt-Chiêm, Gia long-Nguyễn Huệ người giết người ghê gớm!. Oan hồn, uổng tử vật vờ làm “…ma Bình thuận”.

        Qua cầu Phú long về hướng Phan Thiết là Kim ngọc. Ở đây có nhà thờ cổ Kim ngọc, được cha Pháp Bennattat dựng sơ sài năm 1748, là một trong bốn nhà thờ đầu tiên, xưa nhất ở Bình thuận: nhà thờ Lạc đạo, nhà thờ Kim ngọc, nhà thờ Tầm hưng và một nhà nguyện ở sông Lũy. Ðến những năm 1833-1890 bị đốt, phá nhiều lần bởi lệnh cấm đạo, bởi Phong trào Văn thân, bởi “Bình Tây Sát Tả”…Sau do cha Nguyễn Thông Lý cất lại năm 1919 cũng bị chiến tranh Việt Pháp tàn phá.Sau bao lần hưng phế, “Nhà Thờ Mới” khang trang, kiểu cách giống nhà thờ Ðức Bà Sài gòn được hoàn thành ngày 09/11/2006 sau hơn bảy, tám lần trùng tu, dời đổi, làm mới.

 nhà thờ Lạc Đạo
          Nhưng nói về kỷ niệm thì, nhà thờ Lạc Đạo mới là nơi để lại trong tôi sâu đậm nhất dấu vết một thời. Nhà thờ cất lại năm 1890, bên kia khu Mã tây trên đường Trần Quý Cáp, từ một nhà nguyện vách tre mái tranh, khoảng những năm 1875-1880 cố Sáng, một người Pháp tên Việt đã xây thành nhà gạch mái ngói. Các cố Mossard, Masseron mở thêm nhà xứ cho các vị Thừa sai, sau sẽ là Chánh xứ lần lượt là cố Henrisson, cố Hiền, cố Ba đều là những người Pháp lấy tên Việt, cố Brugidou…cho đến cố Victor Caillon là vị Thừa sai sau cùng. Linh mục đầu tiên làm Chánh xứ là Cha Giuse Nguyễn Minh Chiến. Năm 1992, Cha Giuse Nguyễn Tiến Hinh đại tu giáo đường, ngôi nhà giáo lý, trường học giáo lý…Ngày 17/1/1975 giáo phận Phan thiết được thành lập dưới sự cai quản của Ðức Giám mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi. Nhà thờ giáo xứ Lạc đạo được nâng lên thành Giáo Xứ Chánh Tòa và bên kia đường là Tòa Giám Mục Phan thiết. Ở đây có cây keo cao lớn nhất Phan thiết, đến mùa trái chín đỏ, vòng cong trên cành cao là lúc các chim sáo sậu, cưởng trâu, cưởng bông.. ở đâu về thả giàn vui thú mà thiện nghệ ná thun như chúng tôi chưa bao giờ bắn được con nào. Lạ thật!. Cũng tại đây có cây me già sum sê nằm bên kia đường trong khuôn viên ngôi nhà cổ trở thành tòa nhà Giám mục. Me dốt đầy cành mà không làm sao vào được. Các cô chịu chảy nước miếng!. Cây me, cây keo, nhà thờ nầy chứng kiến từng ngày tôi qua lại, lớn lên và những đêm về một mình với nỗi sợ ma Bình thuận, khi mà xe phở bắc của anh Bắc Kỳ trước nhà thờ đợi khách khuya về bán “xúi quách” và vài “chuyện trời ơi” không được nữa, đã dọn về. Ngày đó Noel vui lắm, thánh lễ, rước kiệu, Chúa sinh và đặc biệt chờ ăn “réveillon” với bồ.
      Rẽ trái đường Ðồng Khánh, đi một chút là chùa Phật Học mới xây năm 1940 với tên An Nam Phật Học Hội. Năm 1950, chùa thành lập Gia Ðình Phật Tử đầu tiên ở Phan thiết cũng là trụ sở Tăng Già Bình Thuận từ những năm 1951 đến 1964. Dù không cổ kính như các chùa Phật Quang, còn gọi là chùa Cát xây năm 1736 ở Bình hưng, chùa Liên Trì xây năm 1756 ở Ðức nghĩa, chùa Bửu Quang xây năm 1762 ở Phong nẩm, chùa Bửu Sơn xây năm 1800 ở Phú hài, cạnh lầu Ông Hoàng,…nhưng chùa Phật Học được xem là chùa Tỉnh Hội của Phật giáo toàn tỉnh Bình thuận. Là một Phật tử nhưng tôi ít đi chùa, đọc kinh và sám hối, nhưng rõ ràng là, trong tâm khảm tôi, chùa để lại biết bao kỷ niệm thời trai trẻ. Nhớ những đêm thuyết pháp của các thầy Thích Tâm Châu, Thích Hộ Giác, Thích Giác Ðức thời biểu tình chống Ngô đình Diệm, người là người. Nhớ những đêm văn nghệ ngày Phật đản, ngày Vu Lan…thuở còn nhỏ, đông quá là đông người, phải leo cây, leo rào, leo tường…bị la, bị rượt, bị đuổi làm sao mà quên!?


 



     Phan Thiết không ai không biết “Lễ Nghinh Ông” cứ 2 năm một lần của các bang người Hoa tại chùa Ông thờ quan Thánh đế quân trong ba ngày: lễ Thỉnh kiệu bà Thiên hậu ( bên chùa Bà ), lễ Thỉnh nước , lễ Thỉnh kinh, lễ Quan thánh xuất du và “hè nia”, “xô giàn”, cả thành phố như trẩy hội tưng bừng, rồng, lân, phèn la, chập chả…và người y như thể tuồng hết ra ngoài đường chen lấn mà tôi không thấy ở đâu có. Chùa Ông còn gọi là “Quan Ðế Miếu” thờ Quan công, do người Tàu lập ra từ năm 1770. Chùa có hình chữ Kim, còn lưu giữ những chuông cổ giá tri thời nhà Thanh. Hồi đâu 17, 18 tuổi, chúng tôi khác gì những thằng a dua đến chùa ngộp thở khói nhang, khói pháo Giao thừa, bày đặt xin xăm, coi quẻ, đoán vận mạng với vài thằng bạn, đôi khi với một cô bạn, cũng hay hay, vui vui, khó quên!.


Khu du lịch Tà Cú

        Năm nào ngày mồng hai Tết, chúng tôi trai gái y như hẹn, rủ nhau đi “Chùa Núi”, thắp nhang lạy Phật là phụ, chính là để rong chơi những cuộc hẹn hò. Dù leo đèo, leo đồi dài hơn 2 cây số, có lúc dốc đứng 45 độ và ngoắt ngoéo như cùi chỏ mà vui, không mệt. Bây giờ nghe nói có dây cáp, chắc mất thú vị nhiều lắm, nhất là đâu còn nắm tay bồ nóng hổi mà dắt, mà dìu, mà kéo, mà lôi, mà…có khi ôm nữa. 
       Chùa ở độ cao 400 mét trên núi Tà cú, cao khoảng 650 mét, cách Phan thiết chừng 28 cây số về phía Nam. Năm 1872, thầy Thông Ấn, thế danh là Trần Hữu Ðức, người Phú yên, sinh năm 1812 và mất năm1887, lên tu trong một hang đá, sau gọi Ià Hang Tổ. Năm 1880 thầy có công trị lành bệnh cho Hoàng Thái hậu Từ Dũ, được vua Tự Ðức ban danh là “Ðại Lão Hòa Thượng” và chùa là “Linh Sơn Trường Thọ Tư”. Ngày 5/10 Âm lịch năm 1887, Ðại lão Hòa thượng Thông Ấn viên tịch, ngày nầy trở thành ngày Giổ Tổ. Thầy Tâm Hiền kế vị, lập thêm chùa phía dưới là chùa Long Ðoàn theo mẫn ý của Ðại lão Hòa thượng lúc sinh tiền. 
         Linh Sơn Trường Thọ Tư có tượng Phật nằm, dài 49 mét và cao 7 mét bê tông cốt sắt, sơn trắng, do điêu khắc gia Trương Ðình Ý, tốt nghiệp khóa điêu khắc trường Mỹ thuật Ðông dương năm 1935, đang ở Sài gòn, năm 1960 tự nguyện “bỏ phố lên rừng”, trần ai hơn 3 năm trời mới làm xong pho tượng nổi tiếng khắp vùng Ðông nam Á nầy vào thời thầy Thích Vĩnh Thọ trụ trì. Phía dưới là các tôn tượng “tam thế Phật”: A di đà, Quán thế âm và Ðại thế chí. Hồi còn nhỏ, nghe mấy bà mẹ ru con “cô kia tóc bới đuôi tiên, ghe bầu đi cưới một thiên cá mòi, không tin giở hộp ra coi, rau răm ở dưới, cá mòi ở trên”. Ngày đó, cá mòi dầu ở Phan thiết sao mà nhiều thế!?. Cá mòi dầu kho măng, cá mòi dầu kho hành ớt…ai không ăn, không thèm, không nhớ…đến nỗi “văn chương không bằng xương cá mòi”. Bây giờ đâu còn nữa!.

       Thời bấy giờ, thỉnh thoảng văn nghệ trong thị xã nghe Chí Tòng ,Trần Công Khai, Thu Nhi, Trang Mỹ Hạnh, Lâm Minh Văn, Trần Thiện Thanh…hát, vợ chồng La Tú Mỹ- Ngọc Thu, đờn Accordion và Violon, lúc mà hai người là Trưởng ban nhạc ty Thông tin Bình thuận. Trần Công Khai tức ca sĩ Anh Khoa, sinh năm 1948 tại Ðức thắng, Phan thiết trong một gia đình đông anh chị em. Năm 1962, mới 14 tuổi với bài “biệt kinh kỳ” đã đoạt giải nhất toàn quốc nam ca sĩ mầm non, cuộc sống lang bạt Nha trang, Ban mê thuột, Phan thiết… , sau đó nhiều năm, theo Jo Marcel chơi nhạc và trở thành ca sĩ nổi tiếng trong các phòng trà Tự do, Queen bee ở Sài gòn với những “bài không tên…” của Vũ Thành An. Bạn tôi rất thân, Trần Khánh Thiện là anh cả của Anh Khoa, dạy Anh văn trường bán công Phan Chu Trinh Phan thiết, đẹp trai, thanh nhả, phong lưu một thời trước năm 1975.

 



         Nói đến Phan thiết, làm sao không nhắc tới Trần Thiện Thanh, sinh năm 1942 tại Phú trinh, một nhạc sĩ tài ba cũng là một ca sĩ danh tiếng. Tôi biết sơ về ảnh từ ngày lảnh giải nhất ca sĩ toàn tỉnh đâu khoảng năm 1958,1959 gì đó, tại vườn bông thị xã, nhưng biết nhiều trên sân cỏ Quang Trung và Lạc đạo, dáng gầy, nhỏ con, thường với cái áo thun đỏ dài tay, luôn đứng trong khung thành giữ gôn, bị “dzô” 1 trái là nước măt chảy dài. Anh ta chơi trong đội những người lớn, còn tôi với những anh em nhỏ hơn, cho nên tôi cứ nghĩ, ảnh phải sinh trước năm 1942 Nhâm ngọ của tôi. Dẫu sao, lời nhạc Trần Thiện Thanh và giọng ca Nhật Trường cũng làm tôi cảm xúc thật nhiều thuở học trò cũng như thời chinh chiến: “thôi em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, để anh buồn như anh chàng làm thơ. Em có hay trời buồn, trời chuyển mưa đó không. Biết yêu em là biết nghe chờ mong…”, làm thơm lây tôi người Phan thiết. 
       Thời mà Trần Thiện Thanh ôm banh ra sân, thường là sân Lạc đạo. Nói là sân, thật ra chỉ là khu đất không còn cỏ, bao quanh là nhà người ta ở, cũng là lúc mà những thằng nhỏ chúng tôi 14, 15 tuổi ở Ðức long lập ra đội banh Thiếu niên Ngôi Sao Sáng. Ðội banh có anh em thằng Lê Ðinh Bính, Lê ÐìnhThường, Ung Văn Ðức, Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Văn Hà…mỗi tuần xin ba má 3 đồng, đậu cho ông thủ quỷ Bính. Vậy mà, mua được trái banh hiệu Hungary và 2 con vịt, nải chuối, nhang đèn…cúng ra quân. Trận đầu tiên đấu với bọn thằng Trúc, thằng Tùng…bên Văn thánh trên sông Cà ty, thua 0-7, tất cả đều khóc, to nhất vẫn là Ung Văn Ðức. Trái banh được anh em thằng Bính giữ kỷ lắm, không cho ai ngoài hội đá, bị mang tiếng “đem để bàn thờ mà cúng” là vậy đó. 


Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn

        Ðầu năm 1992, tôi gặp Nguyễn Bắc Sơn ngang phòng răng Nha sĩ Quãng bên Phú trinh, sau phòng ngủ Trần Nam Hưong, có khác đi nhiều hồi đó. Chúng tôi cùng học trường Phan Bội Châu, quen biết nhau, không thân nhau từ những năm 1958 khi Nguyễn Văn Hải ( tên thật của Nguyễn Bắc Sơn ) học bên Pháp văn, tôi bên Anh văn. Hải, chúng tôi thường gọi là “Hải móm”, nhỏ hơn tôi 2 tuổi, dáng nhỏ thó mà lanh lợi, thường lên xóm Ghẹ tập võ với Sáu Lựu, với Thời…
      Bẵng vài chục năm tao loạn mới gặp lại, thì ra Nguyễn Văn Hải mạnh dạn ngày xưa bây giờ là thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn tóc dài biếng chải, lừ đừ, thích rượu, làm thơ. Không hiểu làm sao, anh ta lại làm được thông dịch viên tiếng Anh cho Lực lượng Ðặc biệt ở trại Phi hổ chợ Lầu, Bình thuận đến lúc đóng cửa vào háng 3 năm 1964 để nhập vào Tiểu khu Bình thuận, khi mà anh ta học tiếng Pháp cả thời Ðệ nhất cấp ở trường Phan Bội Châu Phan thiết... 
    Dù không phải là một quân nhân thuần túy, nhưng anh thực sự là một người lính “chiếng” , từ đó ta có những vần thơ Nguyễn Bắc Sơn “bất cần đời”, “xã láng”, “bạc mạng” thật hay và dễ thương…:”Mai ta đụng trận, ta còn sống. Về ghé sông Mao phá phách chơi. Tiêu hết nỗi sầu cùng gái điếm. Ðốt tiền mua vội một ngày vui” hay “Khi tao đi lấy khẩu phần. Mầy đi mua rượu đế Nùng cho tao. Chúng mình nhậu để trừ hao. Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng “ ( “Chiến tranh Việt nam và tôi” năm 1962 ).



nhạc sĩ Dzũng Chinh
        Ngang đây cũng không thể không nhắc đến tên một nhạc sĩ lính tài ba của Phan Thiết mà bản nhạc của anh đúng thời tôi thi Tú tài I ở Nha trang vào Hè 1963, nhạc sĩ Dzũng Chinh với “Những đồi hoa Sim”. Anh tên thật là Nguyễn Bá Chính, người Bình hưng, Phan thiết, con ông Trưởng ty Bưu điện Phan thiết Nguyễn Xuân Hước, sinh hoạt văn nghệ trong Gia đình Phật tử Tỉnh hội Phật học Bình thuận. Ðại đội trưởng ( ? ), thuộc Trung đoàn 45 Sư đoàn 23 Bộ binh, tử thương tại An phước, Ninh thuận, táng tại Nghĩa trang Quân đội Nha trang, Khánh hòa. Những bản “Hận Tha la”, “Tha la xóm Ðạo” của anh không sắc nét nỗi niềm éo le, u uất như “Những đồi hoa Sim” đã “mê hoặc” tấc lòng trai gái thời binh lửa, nghe buồn tê tái, thúi ruột!. 
       Chúng tôi, những thằng trai vài ba đứa đời lính trước mắt, lang thang hết ngõ phố đêm Phan thiết nghêu ngao “những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt…” vào những quán kem Khánh long, Liên hưng và nhất là Mỹ Vũ… bắt chước đốt môi điếu thuốc tàn, kéo đời tháng ngày héo hắt!. Không làm sao quên đuợc thằng Ðặng Văn Nghê ở Ðức long, thi rớt Tú tài I cứ tự nhiên lên học Ðệ nhất với người ta, đi Ðồng đế sống dai, mà chết mau theo lon Chuẩn úy, khi nỗi nhọc nhằn nơi trường Bộ binh Thủ đức chưa hết và chưa mòn lệnh “đứng dậy các tân Sĩ quan”. 
       Không làm sao quên đuợc thằng Nguyễn Văn Hùng ở Tầm hưng đậu Tú tài I, đã ghi danh học khóa Sĩ quan Trừ bị Thủ đức, lại từ bỏ bồ Cao Thị Minh Tâm, chun đầu vô rừng chết mất tiêu theo “ông già tao làm Huyện ủy Phan rang” bởi có thể rừng thiêng nước độc mà cũng có thể từ một viên đạn của thằng bạn học nào đó!. 
      Ôi, những con đường Phan thiết nhỏ đến nỗi đứng phố nầy gọi “ới” thì phố kia “ơi” mà chất ngất kỷ niệm trùng trùng. Con đường Gia long, con đường có “ngã tư quốc tế” mà bên hông “Vạn Quần Trà Gia” là mái hiên che làm “tiêm chè không tên” của người Tàu bán chè đậu trắng, chè đậu đỏ, chè đậu xanh ngon lắm, cho chúng tôi, những thằng Trúc, thằng Hải, thằng Nghĩa, thằng Hùng tàng tàng phố đêm, được ngồi đỡ chân mệt, lại còn được thưởng thức món “giải nhiệt” đặc sắc, đả cái miệng hết sức!. Con đường nầy hồi đó làm sao quên được những đêm chợ Tết đi “quậy” những đứa con gái nhà ai với mấy thằng cúng cơm: Tài nhỏng, Hùng cận, Hòa thợ hồ, Nghê nhà quê…vui quá chừng .


ông Huyền Vũ 

         Và thử hỏi ai người Phan thiết không nhớ những chiều ông Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh các trận túc cầu Việt nam đấu với Nam hoa, Hương cảng…hay A.J.S đấu với Tổng tham mưu, Quan thuế đấu với Ngôi sao Gia định…làm cho người, xe đạp, xe gắn máy, ngay cả xe hơi, cả quang gánh nữa, bu kín mít hết khu phố, đâu còn đường xe chạy. Ông Huyền Vũ, tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh tại Phan thiết, nghe nói ở Mũi né (? ) năm 1915 và mất vào tháng 8 năm 2005 tại Hoa kỳ, thọ 90 tuổi. Ông viết báo từ năm 1936, năm 1951 làm ký giả thể thao lần lượt cho Ðài Phát Thanh Pháp-Á ( Radio France-Asie ) rồi Ðài Phát Thanh Sài Gon cho đến 1975, tròn 24 năm. Ông có giọng phóng sự thật hào sảng, linh hoạt, kích động…mê hoặc người nghe, ngay cả khi ngồi coi trận đấu trực tiếp trên sân Cộng hòa, trong túi tôi cũng có cái radio transistor nhỏ xíu mở hết volume nghe ông truyền thanh. Bên kia cầu Quan, những cây vông to lớn, gốc bộng, sù sì quanh “Château d’eau” cao ngất có từ thuở tôi chưa sinh, đỏ rực bông với bông không một cái lá, sau những ngày cuối tháng Hai đầu tháng Ba, dịp tiết Nguyên tiêu rồi chim hót, ve sầu vang vang, rộn ràng những ngày Hè nắng nóng… và tôi thẩn thờ làm thơ với thẩn. 
Ðã có anh bạn nào, có lẽ người Phan thiết, chạnh lòng: 

“thương hàng cây cũ vườn bông,
mùa hoa vông nở rực hồng bình minh. 
Thương em gái nhỏ vô tình, 
đạp lên hoa đỏ, lặng thinh tới trường”

     Ðêm qua cầu, văng vẳng câu hát xưa: 

“Trên Mường giang,nắng đẹp một chiều,nào thuyền ai lướt trôi
Lắng không gian theo nhịp chèo êm êm nhạc khúc yêu đời …”

 mà nhớ Ðoan Thanh, người cho tôi bài hát để đời thời niên thiếu. 
 Nghe Thanh Thúy ca giọng liêu trai, muốn “giả từ vũ khí”.Chiều đến Thương Chánh, đếm từng con sóng vỗ lao xao,ngóng Ðiệp ở “Hòn” về, thấy lòng nhớ thương vời vợi. Nầy những công viên chiều xuống,chờ bước chân rã rượi những thằng lãng tử đi tới đi lui hết phố phường nhỏ chút xíu, ngồi phiếm chuyện trên trời dưới đất. 
       Mùa Hè, mưa thì xối xả, nắng thì chang chang. Ðông đến, những ngọn gió Bấc ngang tàng thốc cát vào mặt đau rát, “bét” cả mắt, mịt mùng đường đi và xe đạp thì hết đạp nổi.

 



            Có phải vì nắng mưa khắc nghiệt mà thành phố chỉ có bốn rạp hát mà ba cứ phải thay tên đổi dạng luôn?: Rạp Modern lâu đời nhất nằm trên đường Gia Long của bà Bảy Ðẹt, vợ ông cựu Thị trưởng Phạm Ngọc Thìn, sửa sang lại đổi ra Ngọc Thúy. Rạp Bình thuận nằm ngay ngã bảy của ông Thất Ngàn làm lớn lên, đẹp hơn đổi ra Ánh Sáng. Rạp Hồng Kim trên đường Trần Hưng Ðạo, giống nhà kho của ông Hóa mập, con ông Thất Ngàn, chỉnh lại cho có vẻ rạp Ciné một chút và bề thế một chút , thay tên là Hồng Lợi. Chỉ rạp Lilas quá trẻ, chưa cần trau chuốt mới còn chữ trinh Lilas?. Có ai thời học sinh lai không ít nhất một lần “coupe course”, trốn học với bồ, hú hí trong các rạp ciné Modern, Bình thuận hay Hồng kim, Ánh sáng…,coi xuất “permanent” để bị “consigne” một mình rồi bị người yêu “quịt tình”, đau chết điếng!. Các rạp Ciné hồi đó, dù chiếu xuất hay chiếu permanent cũng phải “nghiêm chỉnh” chào cờ: “Nầy công dân ơi!, Quốc gia đến ngày giải phóng, đồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống…”, trên màn ảnh tung bay lá cờ vàng ba sọc đỏ, tiếp theo sau, bài suy tôn Ngô Tổng tống: “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người. Cứu đất nước, thề tranh đấu cho tự do. Người cương quyết chống cộng, bài phong kiến bốc lột, diệt thực dân đang rắc gieo tàn phá…”.
           Những lần ngang qua trường Nam Tiểu học, trường Trung học Tiến đức, ty Thông tin, trường Tiểu học Ðức thắng…đang chào cờ, làm sao tôi không dừng lại, giở nón, yên lặng, đứng nghiêm. Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc thiều thẩm thấu vào lòng tôi từ hồi nào tấm bé như vậy đó, đố bây giờ làm sao nhạt phai?. Cây phượng vĩ trồng năm 1952, ngày mình bắt đầu đi học trường làng ở xóm Bánh tráng Lạc Đạo, bây giờ cao quá, xum xuê quá, xanh biếc lá mùa Xuân, đỏ rực, tươi thắm ngày tháng Hè cả một góc đường vào sân banh Lạc đạo, mới biết mình gần đất xa trời!. Nỗi buồn kỷ niệm xa xăm bay về, lòng bỗng ngẩn ngơ: 

“Nhật mộ hưong quan hà xứ thị. 
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.
“Quê hương khuất bóng tà dương,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ”.

        Thật, “không nơi nào đẹp bằng quê hương”. Quê hương ở đây của tôi không phải nơi chôn nhau cắt rún ở tận ngoài Huế. Khi tôi chưa biết gì đã theo cha mẹ gồng gánh vào đây, đến bây giờ cũng đã mấy chục năm, thời mà Phan thiết đìu hiu, rồi từng ngày khác đi và tôi lớn lên. Tất cả đổi dời “thương hải tang điền” mới có Phan thiết bấy giờ mà tôi nhận làm quê hưong, mà thưong nhớ. Nước sông, sóng biển, vườn bông, rạp hát, chùa chiềng, nhà thờ, mồ mả, con đường, trường lớp, chợ búa, đồng ruộng, xóm làng, bà con, bạn bè, bồ bich, chớp bể, mưa nguồn, gió cát, rong chơi…không giống ở đâu đâu, đó là quê hương. 
       Quê hương không đơn giản và chung chung là chùm khế ngọt. Chùm khế ngot ở đâu cũng có. Ở đâu cũng không có “Château d’eau”, cũng không có giòng Mường giang, cũng không có cây Cầu Quan…chỉ có quê tôi Phan thiết. Quê hương là nơi ta tắm cả một đời người mưa nắng, muôn vạn buồn vui, sống chết từng thời khắc đi qua như mây bay, mây bay vẽ tranh “Vân Cẩu” trên cõi trời cao vô cùng, không nơi nào có được!. Bây giờ ngồi ngậm ngùi nhớ cảnh cũ, người xưa, vương vấn mong manh đâu đây, thèm thời nhật ký lưu niệm cho nhau. Người ta chỉ có một quê hương đời người một lần. Người ta không có quê hương thứ hai, thứ ba…. Quê hương của tôi là Phan Thiết mà Huế là nguyên quán và Mỹ là đất tạm cư, dù đã sống ở đây gần hai mươi năm và còn lâu bao nhiêu đi nữa mãn đời phù sinh./. 


NGUYỄN THỪA BÌNH 

(Kansas City, Missouri, 16. 8 .2009)





HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..