5 thg 9, 2008

Hoài cảm xuân ( Tuổi Trẻ Online)



. ..Tết đang đến thật gần. Những ngày này đường phố trở nên chật chội với khối người đông đảo hối hả ngược xuôi suốt từ sáng sớm cho đến tối khuya. Dường như ai cũng tranh thủ thời gian cố hoàn tất những công việc còn lại của năm cũ để nhẹ lòng khi bước vào năm mới.
. ...Hòa chung không khí hối hả rộn ràng đó, tiệm may áo dài của con gái tôi cũng rất đông khách. Con bé tươi cười vồn vã đón khách đến, chào khách đi. Nhìn con say mê với công việc, hình ảnh người mẹ thân yêu của tôi bỗng chập chờn hiện ra trong tâm trí .
. ...Trước đây khi mẹ còn sống, hàng năm cứ từ đầu tháng 10 âm lịch đổ đi, cả nhà lại xúm nhau phụ mẹ kết nút áo cho kịp kỳ hẹn trả. Nhiều người khen mẹ cắt khéo, ôm người lại may kỹ .Từng xấp vải lụa, dù là hàng nội hay ngoại, một khi đã qua tay mẹ đều biến thành những chiếc áo dài duyên dáng làm hài lòng khách, ngay cả những người khó tính.
.... Nhớ lại năm đầu khi mới vào Sài Gòn, bố tôi đứng tên môn bài xin mở một tiệm may âu phục. Tiệm mở ra trên nửa năm trời nhưng vẫn thưa khách khiến bố đâm chán nghề. Nguyên nhân nào đây? Do địa điểm không thuận lợi hoặc bố chưa gặp thời? Tôi lan man suy đoán vì hồi ở Phan Thiết, tiệm của bố cũng vào loại đông khách.
. ....Thấy nghề không nuôi nổi vợ con, bản thân lại không thích sống gò bó, chật chội trong những ngôi nhà phố bít bùng không một tấc đất làm sân, bố sinh ra bực dọc, cáu kỉnh. Vốn không nghiện rượu nhưng rồi ông hay sang hàng xóm nhâm nhi đến say khướt mới về. Và ba năm sau, thảm họa xảy đến với gia đình tôi khi bố qua đời sau một cơn bạo bệnh, để lại cho mẹ gánh nặng phải nuôi bảy đứa con ăn học, mà đứa bé nhất chưa đầy ba tuổi .
.....Không biết nhờ trời thương hay do "cái khó ló cái khôn", mẹ tôi sau nhiều đêm trăn trở đã đem hết tư trang dành dụm bán đi lấy tiền nuôi con chứ không bán đi dàn máy may của bố để lại. Sau đó mẹ dùng hết thời gian có được để đi học may áo dài. Nhờ có quyết tâm cùng lòng kiên nhẫn, mẹ đã thành công. Tiệm mở ra ban đầu chỉ rất khiêm tốn với tấm bảng bảng nhỏ ghi dòng chữ: “Nhận may áo dài". Nhưng từng ngày, từng tháng khách lui tới ngày một nhiều, và không phải chỉ những người trong khu phố...
. ....Năm tháng dần trôi, mẹ tôi đường hoàng lên bảng hiệu như một người may áo dài chuyên nghiệp. Chưa đầy năm năm, mẹ tôi đã gầy dựng được một tiệm may khá bề thế với cả chục cô thợ may được mướn thêm. Mỗi khi bước vào ngôi nhà mới khang trang nhiều tiện nghi do một bàn tay mẹ xây dựng lại, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động và tự hào, bởi đó là những cái mà trước đây dù nằm mơ, chúng tôi cũng không dám nghĩ đến.
Khi các em tôi ra riêng hết thì mẹ tôi cũng đã già. Bà chỉ đứng tên trên giấy tờ, còn mọi chuyện đều do tay vợ tôi lo liệu. Nhưng mẹ cũng chỉ sống với vợ chồng tôi được bốn năm sau ngày đất nước thống nhất.
. .....Thời kỳ đó, ai cũng nghĩ nghề may áo dài sẽ mai một. Chiếc áo dài truyền thống bấy lâu giúp người phụ nữ Việt Nam có nét đẹp duyên dáng bỗng trở thành thứ y phục mang tính “tiểu tư sản". Vợ tôi dẹp tiệm chuyển sang bán tạp hóa sống qua ngày. Nàng buồn lắm, những tưởng sẽ mãi mãi xa rời việc may áo dài, cái nghề truyền thống của gia đình. Mẹ tôi cũng buồn không kém nhưng trước những lời than thở của nhà tôi, bà chỉ ngồi im lặng đưa ánh mắt mông lung nhìn về hướng bàn thờ bố.
. ......Mẹ ra đi bất ngờ vào một ngày cuối năm khi tiết trời đột chuyển lạnh. Trước khi mất, bà dặn dò vợ tôi phải cố gắng duy trì nghề may áo dài nếu sau này hoàn cảnh cho phép .
May thay, giai đoạn khó khăn rồi cũng qua đi. Đời sống người dân sau những năm chật vật bươn chải để sinh tồn, đã tốt đẹp lên khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới. Theo quy luật tự nhiên, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp vẫn là việc đầu tiên con người nghĩ đến khi cuộc sống khấm khá.
Nhưng phải mất thêm vài năm, nghề may áo dài mới được hồi sinh. Số người mặc áo dài tăng dần lên. Ban đầu chỉ là các nữ giáo viên và nữ sinh các trường trung học. Dần dà , những tà áo dài xuất hiện ngày nhiều lên trên đường phố, trong đám cưới hoặc lễ hội. Những năm gần đây ,áo dài mới thực sự trở lại vị trí ngày xưa. Chỉ có một điểm khác là khi áo dài sống lại thì nó được tôn vinh như một biểu trưng mang đậm bản sắc Việt Nam và được nhiều du khách nước ngoài ngưỡng mộ. Không ít người đã đặt may một hai chiếc áo dài mang về nước làm quà tặng người thân.
Tiệm may áo dài của vợ tôi hồi sinh như một phép lạ. Phần do khách quen còn nhớ tìm đến , phần cũng do áo dài may đẹp và giá may tương đối phải chăng nên thu hút khách. Việc làm ăn phát đạt khiến vợ tôi vui hẳn lên, tưởng như được sống lại thời kỳ vàng son thuở trước .
...... Bây giờ, con gái lại tiếp nối vai trò của mẹ tôi năm xưa. Vợ tôi vào ra phụ giúp con gái điều hành tiệm may như mẹ tôi lúc trước từng làm với nàng. Các cháu gái tôi lại đính những nút bấm, nút nhựa nhiều màu sắc trên các áo dài do mẹ chúng may. Và hôm nay, trong không khí tết đã gần kề, nhìn các cô thiếu nữ duyên dáng bước ra khỏi nhà với tấm áo dài thướt tha, bất giác tôi lại nghĩ đến mẹ với nỗi nhớ da diết khôn nguôi...
. .........................................................................................................Nguyenthang


----------------------------

Dòng thời gian (www.vnthuquan.net)



Tặng các bạn hữu TH Phan Bội Châu Phan Thiết (1955-1962)
Đã đăng trên mạng Vietnam thư quán :http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=253505
Nguyenuthang

.... ..Đúng bốn mươi năm sau ngày ra trường , tôi mới có dịp gặp lại nhạc sĩ Lê Hoàng Chung , thầy dạy nhạc thuở còn học trường Phan Bội Châu Phan Thiết . Hôm đó thầy ra mắt tuyển tập nhạc “ Dòng thời gian “ đồng thời giao lưu với những học trò cũ cuả mình tại thành phố Hồ Chí Minh .Buổi họp mặt diễn ra vào 8 giờ 30 tối tại một căn phòng nhỏ nằm trong khuôn viên của khu triển lãm “Ngày Hội sách” thành phố .
.......Vừa bước vào, không khí êm ắng ,ấm cúng trong phòng khiến tôi cảm thấy khoan khoái dễ chịu ngay .Tôi đã trút bỏ được cái ồn ào , náo nhiệt đang diễn ra ở cuộc triển lãm bên ngoài. Có khỏang trên 60 người tham dự , phần đông là các cựu học sinh Phan Bội Châu . Nhạc sĩ Lê Hoàng Chung , thầy cũ cuả tôi ngày nào , đang lúi húi ký tên vào những tập nhạc . Xa cách đã mấy chục năm nhưng tôi còn nhận ra người thầy năm xưa của mình : vẫn khổ người cao , gầy với khuôn măt xương xương và cái dáng ung dung, nhẹ nhàng không thể lẫn với ai được .Tôi lại bên chào thầy và giới thiệu mình .Thầy vồn vã đưa tay cho tôi bắt và bảo rất mừng được gặp lại học trò cũ lâu năm . Nhìn ánh mắt rạng rỡ và nụ cười tươi tắn nở trên khuôn mặt nhiều nét nhăn cuả một người thầy đã ngòai bẩy mươi, tôi thấy lòng mình nhen lên một niềm vui xao xuyến khó tả .
. ....Mở đầu chương trình , chị Ngọc Yến ,một học sinh cũ khoá sau,bước lên bục giới thiệu lý do buổi họp mặt và đề nghị mọi người cùng hát bài “Phan Bội Châu hành khúc “ .Đây là bài hát do thầy Chung sáng tác năm mới về trường . Nó thường được hát tiếp sau quốc ca trong các buổi chào cờ nên rất quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh PBC .Chị Yến trân trọng mời thầy Chung bắt nhịp . Thầy mời một số bạn ngồi hàng ghế đầu lên đứng cạnh cùng hát. Hình ảnh thầy Chung đứng “vẽ bùa” cho học sinh hát trong các buổi lễ chào cờ trước sân trường những năm nào như đang tái hiện trước mắt , kéo tôi trở lại thời còn đi học .Tiếng hát ban đầu nhỏ do nhiều người còn hơi bỡ ngỡ hoặc quên lời nhưng sau đó đã to dần lên toát ra khí thế mạnh mẽ , hào hùng , cuồn cuộn như một dòng suối tắm mát tâm hồn những người học trò gặp lại thầy xưa sau nhiều năm xa cách . Bài hát gợi tôi nhớ biết mấy những kỷ niệm da diết , khó quên cuả tuổi học trò .Căn phòng như căng phồng lên bởi những tiếng hát cuả bao trái tim đang hoà chung nhịp đập :
. ...............Học sinh Phan Bội Châu tiến lên đi !
. .............. Đường trường xa vai sánh vai không ngại gì !
. ...............Học sinh Phan Bội Châu chí cương kiên !
.. ....Sau bài hát , buổi giao lưu thầy trò mới thực sự diễn ra .Thầy Chung bước lên bục cầm mi-crô trong tiếng vỗ tay giòn giã cuả mọi người .Bằng giọng nói chân thành đầy xúc động , thầy tâm sự với chúng tôi về cuộc đời mình trong mấy chục năm qua .Thầy cho biết dù đi đâu ,ở đâu, cũng không sao quên được hình ảnh những học trò thân yêu trong thời gian dạy tại trung học Phan Bội Châu Phan Thiết , ngôi trường thầy phục vụ ngay từ niên khoá 1952-1953, năm học khai sinh của trường.Những tình cảm đó được thầy cô đọng lại trong tuyển tập “Dòng thời gian“ và có thể đây sẽ là tập nhạc cuối cùng của đời mình .Nghe thầy nói mà tôi bỗng nao nao ,cay cay đôi mắt. Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa bỗng ùa về .Tôi quên thế nào được những giờ học nhạc với thầy Chung. Thầy là một trong những nam giáo viên ăn mặc giản dị , nhã nhặn nhất trong trường.Thầy là hình ảnh tương phản với hai thầy Đoàn Mậu (dạy họa) và thầy Thế Viên (dạy văn ), những người thầy ăn mặc“ mốt “ nhất trong trường thời đó. Khi lên lớp ,thầy lúc nào cũng nghiêm trang ,chững chạc với chiếc cặp da mầu nâu xách ở tay.Thầy dạy chúng tôi rất kỹ về xướng âm đến độ ai ra trường rồi cũng vẫn còn thuộc lòng bài “Đồ mi đồ ,đồ mi sol sol...”. Học sinh rất thích những giờ nhạc cuả thầy bởi lẽ đấy không chỉ là những giờ học nhạc mà còn là những khoảnh khắc giao lưu thân mật , cởi mở giữa thầy trò . Ở thầy , đi kèm với sự tận tâm còn là sự nghiêm khắc đúng mức. Với những học trò lười biếng hay thiếu lễ phép , thầy thẳng tay kỷ luật không có sự khoan nhượng. Có lần , một lớp hát chào cờ sai nhịp làm buổi lễ mất đi tính cách nghiêm túc đã bị thầy phạt ngồi dưới sân hết một tiết mới cho lên lớp học .
. ......Ra trường rồi , tôi vẫn nhớ những bài hát thầy dạy . Bài nào cũng thắm đượm sâu sắc tình yêu quê hương , đất nước . Tuyển tập “ Dòng thời gian “ ra mắt hôm nay bao gồm những bài hát thầy Chung sáng tác khi giảng dạy ở trường Phan Bội Châu và một số bài khác được sáng tác sau khi về hưu. Qua những bài hát đó , tôi cảm nhận được thầy đã gửi gấm lòng mình. Mỗi bài đều gợi lại trong tôi những kỷ niệm khó quên cuả thời áo trắng :
. ................Trường ơi , bất chợt sớm mai nào
. ................Em lạc bước vòm xanh lá sao.
. ................Ngẩng đầu gặp một trời ngói đỏ
. ................Là biết rằng em đứng trước trường .
. .................................................................( (Trường ơi ! )
.......... Đã hơn bốn mươi năm qua đi nhưng những sáng tác mới cuả thầy vẫn gần gũi , thắm đượm tình cảm với quê hương :
. .........Đây Phan Thiết bao ân tình chan chứa với ngàn lời ca.....

...............................................................................(Tình ca Phan Thiết)
. ....Sau những lòi tâm sự , thầy Chung hát liên tiếp ba bài .Tuy tuổi đã vào loại “ nhân sinh thất thập cổ lai hy “ mà giọng hát cuả thầy vẫn mạnh mẽ , truyền cảm , đầy sức cuốn hút khiến chúng tôi rất cảm động .Một người bạn không cầm được lòng mình đã chạy lên bục xiết chặt tay thầy và thốt lên :” Thầy hát hay lắm ! Giọng thầy còn rất khoẻ . Em mong muốn “Dòng thời gian “sẽ không phải là tập nhạc cuối đời như lời thầy nói hồi nãy. ” Thẩy cảm động choàng hai tay ôm xiết tấm lòng học trò . Sau phần phát biểu và hát cuả thầy Chung , đại diện nhóm cựu học sinh Phan Bội Châu ở thành phố lên tặng quà lưu niệm. Các học trò cũ nhiều khóa khác nhau cũng lần lượt lên trao cho thầy những bó hoa tươi tắn , thắm đượm nghĩa tình .
. ......Buổi giao lưu tiếp diễn với những giọng ca học trò. Chị Ngọc Yến xung phong lên hát trước với hai bài " Nỗi nhớ “ và “ Khúc nhạc ngày xuân ” .Giọng chị ấm áp ,khoẻ khoắn ,chan chứa tình cảm khiến mọi người bồi hồi ,xúc động . Anh Gia Hoà lên tiếp sau đó với giọng hát trẻ trung , cuốn hút . Anh được mọi người lên tiếng yêu cầu sôi nổi nên đã hát ba bài liền : “Hoa và em”, “Gặp lại người xưa”,”Về Phan Thiết “. Người thứ ba , anh Phước, khi được thầy Chung giới thiệu là học trò ruột, đã đề xuất ý kiến xin được hát nhạc tiền chiến để thay đổi không khí .Được cả phòng vỗ tay tán thưởng ,anh hát hai bài ”Thu quyến rũ “ và “Em đến thăm anh một chiều mưa". Nghe anh hát ,cả một khung trời mơ thuở sinh viên thuở nào bỗng chập chờn trở lại trong tôi . Tiếc rằng mình không thể có phép màu làm cho bánh xe thời gian quay lui được . Chương trình giao lưu trở nên sôi nổi, hấp dẫn hơn khi nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên , trước đây cũng có một thời gian dạy nhạc tại trường Phan Bội Châu, tham gia chương trình văn nghệ với bài “Thuyền em đi trong đêm”do chính mình sáng tác. Cuối buổi , mọi người còn được thưởng thức tài năng của giọng hát trẻ Đông Quân , người đoạt giải ba tiếng hát truyền hình năm trước . Thật thú vị khi có ai đó ngồi phiá sau tôi bật mí rằng Đông Quân chính là con trai cuả nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên .
........ Buổi giao lưu kết thúc khi chuông báo hiệu giờ đóng cửa cuả Ngày Hội sách thành phố vang lên . Mọi người ra về với bao nỗi bịn rịn , luyến lưu . Một số xúm lại quanh thầy Chung ,cố xin cho được chữ ký. Cầm tập nhạc, tôi thầm nghĩ thầy đã tuổi cao,sức yếu như ngọn đèn trước gió , biết bao giờ còn dịp gặp lại , thì tập nhạc này sẽ trở thành kỷ vật vô cùng quý báu. “Dòng thời gian ” không chỉ là tuyển tập những bài hát hay noí lên tình cảm thắm thiết giữa con người và quê hương mà còn là tấm lòng cuả một người thầy tận tụy yêu nghề , yêu học trò và cũng là món quà chân tình , thiết tha cuả thầy Chung tặng cho trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập trường .

Vĩnh biệt Lucky



Bài đã đăng trên Khoahoc.net :
http://www.khoahoc.net/baivo/nguyendinhthang/060607toidithieucho.htm

..........Tôi nuôi Lucky đã hơn 10 năm .Đó là một con chó đen "bốn mắt" , mõm và cổ đốm vàng ,bốn chân cũng màu vàng. Tôi "chấm" nó ngay từ cái nhìn đầu tiên khi đảo một vòng qua các gian hàng ở khu chợ chó mèo thành phố năm đó.Theo lời người bán, nhờ phối giống chó Việt với chó Berger thuần chủng nên Lucky rất đẹp mã ngay từ lúc mới sinh ra .Quả thực là nó rất bắt mắt người nhìn ở cái vóc khỏe khoắn , ức nở , bụng thon , tướng đi oai vệ .Đặc biệt ,hai con mắt Lucky xanh ve , lung linh trong đêm tối nom rất kỳ lạ.
.........Tôi thương Lucky chẳng khác nào một đứa con vì ngoài vẻ đẹp , nó còn rất khôn , khôn hơn bất kỳ con chó nào tôi đã nuôi . Có một lần , kẻ gian lén bỏ thức ăn trộn thuốc độc vào nhà toan tính khử nó để đêm đến dễ bề lẻn vào nhưng Lucky linh tính sao đó không hề đụng đến .Chỉ sáng ra ,khi người nhà quét dọn nhìn thấy mới hay sự việc . Có một lần khác , nó đã dũng cảm chống trả lại bọn bắt chó trộm khiến chúng hoảng sợ vứt lại đồ nghề là cây gậy với cái vòng xiết cổ chế bằng sợi dây thắng để chạy thoát thân . ”Chiến tích ” đó càng làm cho tôi thương và quý con Lucky hơn. Có người bạn thân ngỏ ý muốn mua nó với giá hai triệu nhưng tôi quyết không bán . Nhưng tuần qua , Lucky phát bạo bệnh tiểu tiêu ra toàn máu đỏ tươi.Chỉ sau năm ngày thì nó chết dù tôi đã nhờ trạm thú y gần nhà tìm hết phương cách cứu chữa.Với con vật cả gia đình hết sức thương yêu lại có nghĩa tình, tôi không thể nhẫn tâm chờ đêm khuya quẳng xác Lucky vào thùng rác công cộng như người ta thường làm được mà quyết định đưa nó đi thiêu .

Ban đầu tôi cứ nghĩ các trạm thú y chuyên trách chữa trị bệnh cho thú vật thì hẳn cũng có quan hệ với lò thiêu súc vật . Nhưng hóa ra không phải thế ,các nơi này đều lắc đầu không nhận thiêu chó .May được một cô y tá trạm thú y chỉ dẫn , bảo tìm đến Trung tâm thú y vùng ở quận 8 .Tôi hỏi số ĐT để tìm hiểu trước khi đem Lucky đi nhưng cô ta không biết .Đang lúng túng , tôi chợt nhớ đến “những trang vàng”của Bưu điện thành phố . Nhờ vậy ,tôi mò ra được số ĐT 8568223 của TTTY vùng thành phố HCM ở 124 Phạm Thế Hiển , phường 2 , quận 8 . Tôi gọi tới hỏi thăm thì quả đúng nơi đây có lò thiêu xác thú vật của thành phố. Về thể lệ , người trực máy cho biết đem xác chó đến lúc nào cũng được và giá biểu thì chó lớn 100.000 , chó nhỏ 50.000. Tôi mừng quá .Thế là yên chí Lucky sẽ được thiêu .
Ngồi đằng sau xe Honda do thằng con trai lớn lái , tôi mang con Lucky đã được ”tẩm niệm” kỹ trong hai lớp bao gạo loại 45 ký đến điạ chỉ nọ. Đến nơi ,tôi mới thấy Trung tâm này khá lớn, cơ sở khang trang rộng rãi hơn các trạm thú y quận huyện mà tôi từng lui tới . Thoáng thấy chúng tôi vừa dừng xe với cái túi lớn phong bao cẩn thận , người bảo vệ áng chừng đã quen việc, bước ra bảo thằng con tôi lái xe đi thẳng vào trong sân , quẹo trái rồi quẹo phải để đến lò thiêu .
Trái với vẻ bế thế ,đẹp đẽ ngoài mặt tiền ,trước mắt tôi là một cảnh ‘’ ngổn ngang gò đống ’’ của tro than ,củi , gạch cùng rác rưởi .Một cái mùi rất đặc biệt đang ngự trị ở đây . Đập vào mắt tôi là hai lò thiêu trông giống như các khối vuông bằng bê tông mỗi cạnh 1,5m ghép lại ,với ống khói cao chưa quá 5m tính từ chân lò .Cửa lò mở toang cho thấy bên trong có mấy thanh sắt đan ngang làm bệ để phẩm vật .Nhìn quanh tôi thấy cả khu lò diện tích chưa quá 100 mét vuông nằm sát nhà dân nhưng tường bao quanh rất thấp khiến tôi không hiểu nổi vì sao người ta lại thiết lập một lò thiêu xác thú vật luộm thuộm không đạt yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường như vậy ? Đang lúc đó, người bảo vệ khi nãy xuất hiện .Ông ta bảo hãy để xác chó lại vì đến 5 giờ chiều mới thiêu.Ông mời chúng tôi ra phòng bảo vệ làm thủ tục .Tôi thấy ông vào trạm gác lấy ra một cuốn biên lai và hỏi họ tên,địa chỉ của tôi .Sau một hồi lúi húi viết ,ông đưa cho tôi một tờ biên nhận .Tôi lấy tờ 100.000 đưa cho ông .Tưởng chó của mình nhỏ sẽ được thối lại nhưng tôi thấy ông điềm nhiên cất tiền vào ngăn kéo và nói :“ Ông muốn đến xem hoặc lấy cốt chó thì 5 giờ chiều trở lại ."

Chiều cùng ngày ,do bị kẹt xe vì đang giờ tan sở , gần 5 giờ 30 tôi mới trở lại .Không có ai gác cổng , tôi lái xe gắn máy đi thẳng vào chỗ lò thiêu. Người bảo vệ đang có mặt ở đó. Một trong hai lò thiêu đang đốt lửa .Ông ta cầm một cây sắt đưa vào trong lò chỉ cho tôi một con và bảo :"Hôm nay thiêu 3 con chó và một con mèo.Con chó của ông bao màu đen nằm giữa ,con sát bên ngòai cửa là chó Berger lớn hơn ."Chợt nhớ lại cái biên lai hồi sáng , tôi ướm lời :"Chắc các con chó lớn thế thiêu phải tốn công lắm hả bác ?" Người bảo vệ giọng vẫn điềm nhiên : "Thì hẳn rồi, mất công và cũng tốn củi hơn. Muốn khỏi lỗ ,các chó lớn phải lấy tiền thêm vì đốt chúng phải trên 2 tiếng mới xong . Thiêu mèo khỏe hơn vì mau nhất .Con mèo thiêu hôm nay nhỏ , chủ nó để sẵn chiếc hộp sơn mài cho tôi để nhờ bỏ cốt vào.Mai họ sẽ đến nhận .” Ông bước lại bên đống củi toàn gỗ xây dựng phế thải ,lấy ra 2 thanh bỏ thêm vào lò . Vài phút sau , lửa trong lò bùng cháy to ,khói tỏa thành cột đậm đen trên đầu ống khói . Mùi lông ,mùi thịt cháy thoát ra từ lò thiêu khiến tôi lợm giọng . Nghe tiếng xèo xèo do mỡ bốc cháy,lòng tôi bùi ngùi thương cảm Lucky .

Bất chợt ,dù không muốn nghĩ đến nhưng một cái mùi đặc trưng rất Việt Nam không thể lầm lẫn được cứ xông vào mũi khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh những con chó thui thỉnh thoảng trông thấy bên lề đường vùng Hố Nai Biên Hòa . Tôi hỏi người bảo vệ :"Có khi nào mấy quán "cờ tây" cho người tìm đến đây không bác ?" Ông ta liếc nhẹ tôi như thể thăm dò rồi mới nói :"Có chứ nhưng tôi không giải quyết đâu .Tội lỗi lắm . Ông cứ nghĩ mà xem , tôi không làm việc thất đức đó đâu bởi chó được đem đến đây thường là chó chết bịnh hay chết vì thuốc độc do bọn ăn trộm bỏ bả giết chó trước khi vào nhà . Cũng có khi mấy người ở trạm thú y quận huyện đến năn nỉ tôi xin biên nhận vì họ lỡ nhận thiêu chó với tư cách cá nhân nhưng người chủ lại muốn có biên nhận thiêu của thú y thành phố.
...........Tôi đỡ lời : " Thế nhỡ họ đem bán cho mấy người “hạ cờ tây” thì sao bác ? " "À ,cái đó thì tôi không biết .Nhưng đâu phải ai cũng đòi hỏi biên nhận vì có một số người đem xác chó đến đây chờ tôi nhận xong là đưa tiền và cám ơn rối rít rồi phóng xe đi ngay như sợ tôi trả lại .Nếu không có lương tâm thì có thể có trường hợp lọt ra các quán thịt chó." Được thể tôi hỏi tới :" Tôi hỏi khí không phải , bác làm việc ở đây ...lương có khá không ?" Người bảo vệ chép miệng , lắc đầu : "Không bao nhiêu , lương căn bản bảo vệ thấp lắm .Có 800.000 với kiêm nhiệm việc này thêm được 400.000 nữa . Khi nào ai lấy cốt thì họ bồi dưỡng thêm cho chút đỉnh .Tỷ như chủ con mèo nhỏ này cho 20.000 .Cốt mèo nhỏ lắm dễ lọt khe lẫn vào cốt chó nên tôi phải cột dây kẽm để riêng ra." "Vậy một ngày trung bình bác thiêu mấy con ? " Ông ta nhìn về hướng cửa lò rồi mới trả lời: "Không chừng đâu . Có khi phải sử dụng cả hai lò để thiêu . Ngày ít quá một con mà khi nó đã hôi rồi không đợi thêm được thì cũng phải thiêu nhưng lỗ tiền củi .Củi thước giờ giá 130.000 làm sao mua nổi trong khi kinh phí đốt xác tôi chỉ được cấp 450.000 cho một tháng .Tôi phải mua gỗ phế thải từ cốt-pha của các người thầu xây dựng mới chịu nổi." Tôi chỉ tay về phía những đụn tro than nhấp nhô : " Mấy đống tro than này bác giải quyết ra sao ? Chắc bán cho mấy người trồng cây mua về làm phân bón ?" Ông ta lắc đầu :"Không đâu . Tro này vẫn còn cốt lẫn trong đó và đạm gắt lắm bón thẳng vô gốc là cây chết hết.Tôi gom lại , khi nào nhiều thì thuê người ta đến xúc đổ đi, mất 200.000 một lần chứ không ít." Tôi đắn đo một vài giây rồi nói :"Thành phố HCM bây giờ đã văn minh tiến bộ hơn xưa mà sao lò thiêu súc vật nhếch nhác,nom kém vệ sinh quá .Theo tôi ,lò xây dựng sát liền khu dân cư mà ống khói cao chưa quá 5m tránh sao khỏi việc gây ô nhiễm môi trường chung quanh ,phải không bác ? " Người bảo vệ chặc lưỡi : " Chà , điều này tôi chẳng hiểu nổi . Nhưng làm việc ở đây lâu rồi ,tôi thấy cơ sở này ban đầu chỉ là nơi đốt các phẩm vật mẫu trong ngành thú y . Mỗi khi kiểm tra ngộ độc thực phẩm xong hay thu giữ các thứ thịt thà nghi ngờ trong mùa dịch bệnh thì đều đem về đây đốt . Sau này do nhu cầu đòi hỏi, mọi xác thú vật trong nội thành đều quy về đây .Căn buồng nhỏ kế bên lò thiêu là lò đốt điện đó nhưng ít sử dụng vì lò nhỏ lắm . Mời ông vào xem cho biết ."
.........Ông ta móc xâu chìa khoá mở cửa cho tôi vào xem bên trong . Lò điện quả là nhỏ ,chỉ đủ chứa xác một con mèo con . Nhìn thấy bình gasol ở kế cận lò ,tôi tò mò hỏi :" Sao lò điện dùng dầu hả bác ?" "À, không đâu , điện chỉ dùng để khởi động đốt lò và phun dầu trong khi đốt thôi .Cơ bản vẫn là đốt bằng dầu. Nhưng như tôi đã nói, bây giờ cái lò này ít dùng tới ."Tôi vội bước ra khỏi căn phòng vì thấy ngộp thở quá .Có lẽ do lâu ngày nó không được ai mở cửa . Bên ngoài , lửa trong lò thiêu vẫn đang cháy hừng hực. Người bảo vệ lấy một thanh gỗ đẩy củi vào sâu trong lò thêm rồi nói : "Thiêu mấy con Berger càng lớn càng đỡ tốn củi hơn vì mỡ nhiều .Chính mỡ của chúng lại thiêu xác chúng."
..........Nhìn đồng hồ đã hơn một tiếng trôi qua,tôi cám ơn bác bảo vệ để ra về vì có công việc ở nhà.Trên đường về nhà ,hình ảnh xác Lucky ngùn ngụt cháy trong lò thiêu cứ lởn vởn trong đầu .Tôi thoáng có ý nghĩ sao mình không lấy cốt Lucky nhưng chợt nghĩ lại lấy đem về để đâu ? Còn chuyện đem cốt con vật lên chùa thì viển vông quá . Đành vĩnh biệt Lucky ở chốn này thôi ! Dẫu sao thiêu được xác con chó, tôi nghĩ mình cũng đã thể hiện được nghĩa tình với con vật trung thành nhiều năm gắn bó với mình và thiêu xác chó là việc làm đúng phù hợp nếp sống văn minh .Chỉ mong sao sau này lò thiêu xác thú vật của thành phố được di dời xa khu dân cư để bảo đảm an toàn môi trường cho xã hội .
-----------------------------------------------------------------------------------------------

PHÓNG SỰ TRÊN BÁO SGTT từ bài viết trên đây

" HÓA THÂN CHO CHÓ"

..........Trong một lá thư gửi báo Sài Gòn Tiếp Thị, một bạn đọc ký tên là email nguyenuthang@... kể chuyện đi thiêu con chó cưng tên Lucky của mình bị bệnh chết vì không thể nhẫn tâm quẳng xác nó vào thùng rác công cộng. TP.HCM cũng chỉ có một chốn "Bình Hưng Hoà" cho chó, mèo ở tận Trung tâm thú y quận 8, 124 Phạm Thế Hiển. Độc giả nguyenuthang@ kể lại cảm nghĩ sau vụ hoả táng được thực hiện:

"Tôi thoáng có ý nghĩ sao mình không lấy cốt Lucky nhưng lại thôi, không biết đem về sẽ để đâu. Nhà không có sân đất để vùi còn đem lên chùa thì viển vông quá. Đành vĩnh biệt Lucky ở chốn này. Thiêu được xác nó, tôi nghĩ mình đã thể hiện việc làm phù hợp với nếp sống văn minh.Chỉ mong sau này lò thiêu xác thú vật của thành phố được di dời xa khu dân cư để bảo đảm an toàn môi trường".

Từ phát hiện của độc giả này, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã tường thuật lại dịch vụ lò thiêu bằng phóng sự ảnh hóa thân cho chó.Để xem phóng sự ảnh này,các bạn bấm vào đường link dưới đây :
http://www.sgtt.com.vn/Detail21.aspx?ColumnId=21&NewsId=18902&fld=HTMG\2007\0530\18902


---------------------------------------------------

3 thg 9, 2008



Nhung nhớ khôn nguôi...

(Viết nhân kỷ niện 6 năm ngày mất của TCS - Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ online :
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=194273&ChannelID=10 )

.........Thỉnh thoảng theo dõi những bài hát thiếu nhi trên ti vi, tôi tìm được cho mình những phút thư giãn nhẹ nhàng cho tâm hồn. Hôm nay, nghe lại bài Em là bông hồng nhỏ, lòng tôi bỗng bồi hồi. Tôi tin rằng ai đã từng một lần tắm hồn mình trong nhạc của Trịnh Công Sơn, thì dù có hôm nào “thức dậy không còn thấy loài người", vẫn không khỏi nhung nhớ khôn nguôi người nhạc sĩ thiên tài nàỵ
Tuy chỉ “gõ đầu trẻ“ vỏn vẹn hai năm nhưng tình cảm anh dành cho thiếu nhi rất thân thương, cảm động. Anh viết khá nhiều cho các em, từ tuổi nhi đồng cho đến cả tuổi mới lớn. Bài Mẹ đi vắng viết cho các cháu mầm non có âm điệu vui tươi, dí dỏm:
Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng
Con sang chơi nhà bạn ( í a)
Con cầm cây đàn con hát
Hát cho mẹ về với con…
..........Các cháu nhi đồng rất thích hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ của mình được ca ngợi trong bài
Khăn quàng thắp sáng bình minh :
................................Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh
................................Từng cánh tay măng non đang xây ngày mai hồng
.................................Đoàn thiếu nhi em là hy vọng ngày mai…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không bỏ quên lứa tuổi ô mai vừa bước vào ngưỡng cửa trường trung học. Anh dành cho các em những giai điệu thật trong sáng, mộng mơ:
...............................Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng
........................ ......Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me
.......................... ....Em và lá tung tăng như lòai chim đến
...................... ........Và đã hót giữa những phố nhà…
Nhưng một bài hát được đông đảo các em ưa thích vẫn là bài Em là bông hồng nhỏ mà nếu tôi không lầm thì đây là bài hát đã được thiếu nhi cả nước bình chọn là 1 trong 50 bài hát hay nhất cuả thế kỷ 20.
.........Hôm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi thấy lòng mình se lại. Những hồi ức về người nhạc sĩ thiên tài kéo tôi về với những ngày tháng đong đầy kỷ niệm xa xưa. Làm sao quên được những ngày bỏ học ở giảng đường Văn khoa Sài Gòn kéo nhau ra tụ tập dưới gốc cây chỉ để được nghe chính giọng hát của Trịnh Công Sơn - người tạo nên hiện tượng đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam suốt mấy năm đầu của thập niên 1970 khắp cả miền Nam, thầm kín ở miền Bắc và tỏa lan cả ở nước ngoài. Làm sao quên được những buổi tối không hẹn mà quán Văn chỉ có ghế gỗ, mái lá, nền xi măng mà vẫn chen chúc khách ngồi thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn. Có lẽ những bài tình ca của anh đã có ma lực quyến rũ rất mãnh liệt. Sau ngày giải phóng, chính Trịnh Công Sơn từng tâm sự: ”Mỗi bài hát cuả tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống”.
..........Những năm tháng đó, Trịnh Công Sơn trở thành người được mến mộ vượt lên trên cả lớp nhạc sĩ thành danh trong thời tiền chiến. Anh được phong tặng danh hiệu “Kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận”. Không chỉ yêu nhạc Trịnh Công Sơn, nhiều người còn yêu thơ, yêu tranh, yêu văn, yêu tiếng hát của anh nữa.
...........Tận đáy lòng, tôi tâm phục nhạc Trịnh Công Sơn có sức xoáy sâu vào lòng người, vào con tim của nhiều thế hệ. Sự thành công cuả Trịnh Công Sơn có lẽ là vì người nghe đã tìm được “cái tôi “ của mình trong bài hát của anh. Nghe nhạc của anh buồn mà vẫn thích vì có mấy ai dám phủ nhận rằng cuộc đời này buồn nhiều hơn vui? Thế nhưng nhạc Trịnh Công Sơn lại không dẫn người ta vào con đường bi luỵ. Khi “cuộc đời gần như niềm tuyệt vọng “ thì chính anh cũng lại lại cất tiếng: "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”.
...............Nói sao cho hết tình cảm của bao người dành cho một con người đã nên tạo nên được một hiện tượng hiếm có trong âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20: hiện tượng nhạc Trịnh Công Sơn. Chỉ biết, mỗi 1-4 về, lại nhung nhớ khôn nguôi...
...................................................................................................Nguyenuthang

“Vua quà sáng” ở Montreal


         Tháng bảy vừa qua tiệm phở Chez Tau Bay ở số 745 đường Jean Talon est,
Montreal (Canada) khai trương. Trong tuần lễ đầu tiên khách ăn một tô sẽ được tặng tô thứ hai miễn phí.
           Không biết có phải do quảng cáo quá ư hấp dẫn chăng mà bàn nào cũng không còn ghế trống. Khách đông, cả người Việt mình lẫn người nước ngoài, nên ngồi ăn không được mát mẻ cho lắm dù có máy lạnh. Tuy vậy, tôi thấy ai cũng ăn ngon lành chẳng kể đến việc ngồi chật chội và nóng. Tôi kêu tô “xe lửa” đặc biệt.
         Tôi ăn nhiều tiệm phở ở nước ngoài rồi nhưng thành thật mà nói phở ở Chez Tau Bay nấu rất ngon: nước lèo trong, ngọt thanh, không gây mùi bò, không có cảm giác bừng bừng nơi gò má do người nấu lạm dụng bột ngọt.
           Tôi ưng ý nhất là khoản thịt: nhiều, mềm, thái vừa ăn, không dày quá hay mỏng quá. Dù đang phải giảm cân nhưng do đói bụng và ngon miệng quá, tôi cũng làm hết veo hai tô xe lửa đặc biệt! Lúc trả tiền, cô chủ tiệm còn trẻ, rất dễ thương đến tận bàn nói: “Em chỉ tính anh một tô thôi” (một tô 7 đôla Canada, hơn 90.000 đồng VN).
          Trước khi có phở Chez Tau Bay thì Montreal có phở Liên ở Cotes-Des-Neiges nổi tiếng ngon được rất nhiều người biết, khách đông đến độ muốn ăn phải xếp hàng mới vào quán được. Nhưng sau chất lượng phở xuống dốc nên khách dần dà không còn đông nữa. Montreal còn có hàng chục tiệm khác song không nổi tiếng lắm, tôi đã đến ăn các quán ấy nhưng rồi “một đi không trở lại”. Thế mới biết nấu phở cho ngon, có đông khách ăn chẳng dễ chút nào.
        Theo một số Việt kiều thường về nước đều đặn thì những năm gần đây phở nấu ở nước ngoài có vẻ ngon không thua gì phở ở VN. Nhận định như thế có hơi chủ quan nhưng thật tình mà nói phở Việt ở nước ngoài lúc sau này chất lượng có chuyển biến hơn. Nếu trước đây chỉ có phở tái, phở chín thì nay các tiệm phở do Việt kiều đứng nấu cũng đủ thứ không thua gì phở trong nước.
        Phở bên này mở ngày càng nhiều, và khi phở trở nên món quà sáng nổi tiếng khắp thế giới thì nhiều chủ tiệm đã cử người về nước “tầm sư” để học nấu phở kiểu truyền thống thật ngon hòng cạnh tranh với những tiệm khác. Để thu hút thực khách, các tiệm phở mới mở thường đăng quảng cáo trên các báo phát miễn phí tại các khu phố có đông người Việt làm ăn buôn bán.
           So với nhiều nước trên thế giới, số tiệm phở ở Canada không nhiều bằng nhưng giới Việt kiều ở đây rất đỗi tự hào rằng họ đã từng bước nâng cao chất lượng phở để giờ đây nó trở thành món ăn ngon hấp dẫn nhiều người bản địa.
        Riêng tôi cứ nhớ mãi lời khen của J.T., một anh bạn Canada làm chung công ty, sau khi được tôi mời ăn hồi mới qua đây, rằng: “Phở rất ngon, giàu dinh dưỡng lại còn rất bình dân. Phở là “vua” của các quà sáng trên thế giới”. Nghe anh khen, lòng tôi bỗng trào dâng một niềm vui khó tả, sung sướng, tự hào mình là người VN !
...............................................................................................
Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần (19/08/2006)

Khoảnh khắc cuộc đời


Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ :

http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=160061&ChannelID=194

.......... Bố tôi là một công chức trong chế độ cũ. Tôi là con trai cả nên việc học hành rất được ưu ái. Bố ước vọng cho tôi học đến xong đại học. Hiểu được lòng bố, tôi hết sức chăm lo học hành. Những năm ở bậc tiểu học, tôi đều học giỏi. Nhưng lên trung học, sức học của tôi không duy trì được ở những năm đệ nhị cấp. Đó là hậu quả của việc tôi chọn ban không đúng khả năng. Lẽ ra chọn ban A (ban sinh vật) hay C (văn chương) thì tôi lại chọn ban B (toán). Vất vả lắm tôi mới đậu tú tài 1. Nhưng năm sau tôi rớt tú tài 2 ngay từ đợt thi viết.
.........Hôm tôi xem kết quả trở về gặp lúc gia đình đang ăn cơm trưa, bố tôi buông bát, hỏi: “Được vào vấn đáp không?”. “Dạ, con không có tên…” - tôi lí nhí đáp. Bố tôi trừng mắt: “Thằng ăn hại!”, tức thời tôi nghe một tiếng “xoảng” rồi bát đĩa rơi tung tóe trên nền nhà.
Sau đó, bố dắt xe đạp ra khỏi nhà đi đến tối mịt mới về, người nồng nặc mùi rượu. Suốt mấy hôm gia đình tôi như địa ngục. Nét chán chường hằn lên trên mặt mọi người. Tôi buồn tủi vô cùng. Vì tôi mà không khí gia đình trở nên u ám, mù mịt.
.........Mỗi buổi sáng nhìn mẹ tất bật gánh hàng ra chợ, tôi không khỏi nao lòng, tủi hổ. Đến bữa ăn, cổ họng tôi cứ nghèn nghẹn, không nuốt trôi miếng cơm. Ba tiếng “thằng ăn hại” luôn lởn vởn trong đầu tôi như một lời kết án nghiêm khắc .
.........Một buổi chiều tôi đạp xe loanh quanh thành phố. Khi dừng lại ở một nơi sửa xe bên lề đường, tôi chợt nghe tiếng ai gọi giọng quen quen: “Phải T. đó không?”.
........Tôi nhận ra cô Biên, giáo viên dạy tôi năm lớp nhất (lớp cuối bậc tiểu học). Tôi mừng lắm vì không ngờ được gặp lại cô giáo cũ trong tình huống thế này. Mới hôm qua, khi xếp dọn lại tủ sách, tôi đã ngồi trầm ngâm đọc lại dòng chữ cô đề tặng trên trang đầu một quyển sách: “Thương tặng em, người học trò mà cô tin yêu. Cô mong em sẽ ngoan chăm mãi mãi”.
Cô mời tôi vào nhà, cô trò kể bao nhiêu chuyện. Và tôi đã thành thật nói cho cô hay hoàn cảnh của mình. Cô Biên nghe xong, đưa bàn tay ấm áp đặt nhẹ vào vai tôi, dịu dàng nói: “Em cần bình tĩnh lại để chọn hướng đi thỏa đáng. Với mảnh bằng tú tài 1, sao em không thi vào Trường sư phạm Sài Gòn. Học chỉ hai năm nhưng ra trường chỉ số lương cũng cao bằng nhiều đại học khác. Cô khuyên em nên suy nghĩ kỹ...”.
........Tôi trở về thao thức suốt đêm với những lời cô nói. Sáng hôm sau, tôi đến Trường sư phạm Sài Gòn “xem thử ra sao” thì vừa may gặp lúc trường đang phát đơn thi tuyển.
May mắn hay số phận chăng, kỳ thi đó tôi trúng tuyển lại còn đậu thứ hạng cao. Cha mẹ tôi rất vui mừng khi tôi báo tin đã đậu sư phạm. Nhìn nét rạng rỡ của hai đấng sinh thành và các em, tôi chợt nghĩ về cô Biên. Tôi vô vàn biết ơn cô.
........Tôi đến với nghề giáo trong một khoảnh khắc không ngờ. Tưởng rằng nó chỉ là cái bệ phóng trên con đường tiến thân của mình nhưng rồi càng lúc càng yêu nghề, mến trẻ, tôi không sao dứt bỏ được nghề. Cái nghề tôi không định trước này đã đeo đuổi tôi suốt mấy chục năm qua.
Sau tháng 4-1975, tôi vẫn tiếp tục dạy học. Tôi không được gặp lại cô Biên lần nào nữa. Có thể cô đã đi xa hoặc đã mất. Nhưng trong tôi, hình ảnh của cô mãi mãi vẫn còn in sâu.
........Hai đứa con tôi lớn lên tôi sẽ khuyên chúng vào ngành sư phạm. Tôi muốn các con cũng như tôi, đi theo đường cô đi, một cách tôi thể hiện tấm lòng biết ơn với cô.
.......................................................Nguyenuthang@...

NHỚ AI MỘT CÕI ĐI VỀ



...Bài đã đăng trên vnthuquan.net :
.
.
.........Năm nay, kỷ niệm 6 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh có một nét mới : đó là sự xuất hiện của nhiều ca sĩ hải ngoại quen thuộc với thế hệ U40 ,U50 về trước . Nghe trở lại những giọng ca vang bóng một thời này, tôi thấy lòng mình xao động . Nỗi nhớ thương về người nhạc sĩ thiên tài ,nặng tình với quê hương và con người Việt Nam bỗng chốc bồng bềnh nổi trôi trong tâm trí kéo tôi trở lại những ngày tháng đong đầy kỷ niệm thuở còn là sinh viên . Làm sao tôi quên được những ngày bỏ học ở giảng đường Văn khoa Sài Gòn kéo nhau ra tụ tập dưới gốc cây chỉ để được nghe chính giọng hát của Trịnh Công Sơn , người đã tạo nên hiện tượng đặc biệt trong âm nhạc Việt Nam suốt mấy năm đầu của thập niên 1970 khắp cả miền Nam , thầm kín ở miền Bắc và toả lan cả ở nước ngoài .Làm sao tôi quên được những buổi tối cố công đi sớm mà ra quán Văn ,chỉ có ghế gỗ, mái lá ,nền xi măng, thế mà vẫn khó tìm được một chỗ ngồi trong đám khách chen chúc đến trước mình tự hồi nào .Dù đứng ngoài rào lắng nghe nhưng tôi cảm nhận những bài tình ca cuả Trịnh Công Sơn vẫn có sức quyến rũ rất mãnh liệt.Nhiều bạn bè đồng ý với tôi về điểm này.Họ bảo những bài hát Trịnh Công Sơn như có ma lực.Ai nghe cũng say mê ngay,dù chỉ một lần. Sau này, khi được gặng hỏi về nguyên nhân nào khiến anh sáng tác ra được những bài hát đi sâu vào lòng người như vậy ,Trịnh Công Sơn đã thổ lộ :”Mỗi bài hát cuả tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống .” Những năm tháng đó , Trịnh Công Sơn trở thành người được mến mộ ,sủng ái vượt lên trên cả lớp nhạc sĩ thành danh trong thời tiền chiến. Anh được phong tặng danh hiệu “Kẻ du ca về tình yêu , quê hương và thân phận.”
.
........Có thể hôm nay nghe nhạc anh ,một số người không còn thấy lôi cuốn ,thú vị bằng ngày xưa ,ngày mà hình ảnh quê hương , thân phận con người Việt Nam được Trịnh Công Sơn phản ánh sát sao theo nhịp rơi của đạn bom ,chết chóc để rồi một số người đã gọi nhạc của anh là nhạc phản chiến :

........................"Đại bác đêm đêm dội về thành phố
.........................Người phu quét đừơng dừng chổi đứng nghe…

.........................Hằng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng

.........................Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn...”

.......... Sau ngày 30.4.75, có một thời gian dòng nhạc Trịnh Công Sơn chững lại và người ta cũng không thấy xuất hiện trên sân khấu hay các tụ đểm ca nhạc.Nhiều người hâm mộ nuối tiếc vì tưởng người nhạc sĩ tài năng đó sẽ vắng bóng mãi mãi. Nhưng họ đã lầm vì Trịnh Công Sơn sau đó đã xuất hiện trở lại với một sức sáng tác mới vẫn mạnh mẽ ,say mê như thuở nào.Anh không chỉ viết những bài tình ca mà còn viết khá nhiều cho các em thiếu nhi.Lứa tuổi "ô mai" ,tuổi mới lớn ,vừa bước vào ngưỡng cửa trung học cũng không bị Trịnh Công Sơn bỏ quên .Anh dành cho các em những giai điệu thật trong sáng ,mộng mơ:

.....................Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng

....................Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me

....................Em và lá tung tăng như lòai chim đến...
........ Dù nghe nhạc dòng nhạc nào ,trong tận cùng đáy lòng ,tôi vẫn tâm phục nhạc Trịnh Công Sơn có sức xoáy sâu vào lòng người,vào con tim cuả nhiều thế hệ.Sự thành công cuả Trịnh Công Sơn có lẽ là ở điểm những người nghe tìm được “cái tôi “ cuả mình trong các bài hát cuả anh .Nghe nhạc của anh , nhiều người bảo :" Sao buồn quá ! Buồn nhưng mà thích." Cũng đúng thôi, vì nhạc hay thường buồn và có mấy ai dám phủ nhận cuộc đời này buồn nhiều hơn vui ? Thế nhưng nhạc Trịnh Công Sơn tuy buồn lại không dẫn người ta vào con đường bi lụy .Khi ai đó có “Cuộc đời gần như niềm tuyệt vọng “ thì anh lại cất tiếng khuyên can :“ Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Người ta nghe nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn để sống lại quá khứ đong đầy kỷ niệm của mình .Nghe nhạc của anh , người ta tìm được những phút thư giãn quý báu giúp họ quên đi nỗi vất vả lo toan kiếm sống .

...........Ngày 1.4.2001,Trịnh Công Sơn đã đi xa trong nỗi tiếc thương của đông đảo những người yêu nhạc : đủ mọi lứa tuổi ,đủ mọi thành phần trong xã hội, ở cả trong lẫn ngoài nước . Có thể không quá cường điệu ,khi nói rằng từ trước đến nay tại Việt nam ,chưa hề có một người nghệ sĩ nào khi mất đi đã để lại trong lòng mọi người những tình cảm yêu thương ,trân trọng ,sâu đậm đến như vậy.Chỉ nhìn vào hình ảnh từng đòan người lũ luợt nối đuôi ,xếp hàng đông đảo chờ tới lượt mình để được đặt từng bông hoa , bó hoa ,vòng hoa thương tiếc và để được nhìn mặt Trịnh Công Sơn lần cuối ,cũng đã đủ minh chứng điều này .Tình cảm đó rất xứng đáng với một con người đã nên tạo nên được một hiện tượng hiếm có trong âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20 : hiện tượng "nhạc Trịnh".

...........Sáu năm trôi qua ,mỗi lần kỷ niệm ngày mất của Trịnh Công Sơn ,tôi lại có dịp nghe những bài hát quen thuộc của anh và tìm lại chính mình ngày xưa với bao cảm hoài sâu lắng tận đáy lòng.Mỗi lần như thế ,tôi thường tự hỏi :Không biết đến bao giờ đất nước ta có lại được một Trịnh Công Sơn thứ hai ? Hay phải chăng, chỉ những người sống ở thế hệ sau họ mới có duyên được gặp lại Trịnh Công Sơn như lời anh nói lúc sinh thời :
.
..................................................." Kiếp sau tôi vẫn là nghệ sĩ .”


.......................................................................................nguyenuthang
.

Tặng em giọt mưa đêm nay !

..Bài đã đăng trên PN chủ nhật số 32.2005 và edu.net : http://edu.net.vn/forums/p/46553/311520.aspx#311520
.........Mưa đêm .Mưa mãi .Mưa hoài . Đã lâu lắm thành phố mới có được cơn mưa đêm dai dẳng thế này. Anh nghe gió lồng lộng rít trên các cành cây cao lề đường .Gió uà vào tận phòng làm cho anh cảm thấy lạnh .Cái lạnh của cơn mưa cuối hè không thể bằng cái lạnh buốt của giá rét mùa đông nhưng cũng đủ để sớm mai đây , anh sẽ có dịp ngắm những cô gái Sài Gòn đua khoe những chiếc áo gió ,áo lạnh thời trang đủ màu .Nhìn những hạt mưa lất phất dưới ánh đèn ,anh miên man suy nghĩ ,buông thả tâm tư mình trở về dĩ vãng .

.........Đâu rồi bóng hình em, người con gái dấu yêu năm xưa . Cũng vào một đêm mưa , em đã cùng anh đứng bịn rịn bên nhau trưóc lúc theo gia đình ra nước ngoài . Em chià đôi tay nhỏ nhắn ,mềm mại hứng những giọt mưa thoăn thoắt rơi rồi nhỏ nhẹ nói với giọng thật dịu và thanh của người con gái Huế : “ Trời cũng u sầu cảm thông cảnh chia tay của chúng mình , anh hỷ ! “. Sau buổi tối chia tay đó , anh không bao giờ gặp lại em nữa .Năm tháng trôi qua ,em không một lá thư cũng chẳng một lời nhắn . Nhưng cứ mỗi lần mưa đêm ,nhìn những giọt nưa lất phất rơi ,nỗi nhớ lại tràn đầy trong tim anh.

.........Đêm nay ,ngoài trời mưa vẫn lạnh lùng rơi, gió vẫn vô tình đùa trên các khóm lá .Trong căn phòng trống vắng, anh thả hồn mình chìm vào những kỷ niệm êm đềm ngày xưa .Nhìn những giọt mưa vô tình tí tách rơi ,anh hình dung ra em đang ở đâu đó rất gần với giọng nói ngọt ngào , êm dịu đêm nào . Bất giác không đừng được , anh bước ra ngoài thềm ,vum tay hứng những giọt nước mưa rơi từ mái nhà xuống .Anh đưa hai bàn tay lên cao rồi nghiêng đi cho nước nhiễu xuống . Qua những giọt nước long lanh rơi, anh thấy bóng hình em đang ẩn hiện .Anh nghe giọng mình thì thầm : ” Tặng em giọt mưa đêm nay ! “

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..