30 thg 8, 2021

CHUYẾN ĐI THỜI COVID

              Status chia sẻ từ một người bạn sống ở nước ngoài ,Mru post để bạn bè đọc và cảm thông nỗi gian khổ mà một một nữ Việt kiều ,gốc nhà giáo, tuổi đã cao ,giữa thời Covid vẫn quyết định về thăm quê hương. Chuyến đi lần này bà đã phải trả giá rất đắt ,không chỉ đắt theo nghĩa đen (do giá vé một chiều tăng gấp mười lần giá vé bình thường ) mà còn đắt theo nghĩa bóng, với bao nhiêu vất vả nhiêu khê có lẽ chỉ có một lần trong đời gặp phải.

-***
01-
Sau bao nhiêu trăn trở: Về hay ở? Tôi quyết định trở về Việt Nam vì còn một số việc tôi cần phải giải quyết. Tiếng là Việt kiều Mỹ, nhưng thực tế tôi chỉ là Việt kiều năm mươi phần trăm. Cụ thể là mỗi năm tôi chỉ sống ở Mỹ một nửa thời gian, nửa còn lại tôi về Việt Nam. Chỉ có chuyến đi Mỹ đầu tháng bảy năm ngoái ( 2020 ) tôi bị kẹt lại cho đến cuối tháng bảy năm nay( 2021).
Tháng bảy năm ngoái tôi đi Mỹ trong lúc Covid đối với Việt Nam chả là gì ghê gớm lắm, trong lúc đó nước Mỹ là tâm dịch lớn nhất thế giới. Từ giã một nơi không nguy hiểm để đến một nơi nguy hiểm là một việc làm ngu ngốc nhưng tình thế bắt buộc, vì tôi đã hết thời gian có thể ở lại Việt Nam. Năm nay- ngược lại – tình thế đã thay đổi, - bảy mươi phần trăm người Mỹ đã chích những loại vắc xin tốt nhất thế giới ( trừ những người ngoan cố không chịu chích, mặc cho mọi khuyến dụ của chính phủ ) nước Mỹ đã phần nào khống chế được Covid. Cuộc sống đã trở lại bình thường. Người Mỹ đã gỡ bỏ khẩu trang, họ đi du lịch, đi xem hòa nhạc...tôi lại đi ngược chiều trở về Việt Nam. Khi biết tôi trở về trong lúc quê nhà đang điên đảo vì Covid, các bạn của con gái tôi ở Mỹ phản đối ầm ĩ. Đại khái ai cũng nói sao lại để bà ngoại về trong lúc nguy hiểm như thế. Tôi đã đi ngược chiều, và ai cũng có lý do của riêng mình, người ngoài cuộc không thể nào hiểu được.
Ra đi lần này tôi đã phải trả giá rất đắt cho một chuyến đi. Không chỉ đắt theo nghĩa đen ( giá vé đến 5,700 USD – một chiều, gấp mười lần giá vé bình thường ) mà còn đắt theo nghĩa bóng, với bao nhiêu vất vả nhiêu khê có lẽ chỉ có một lần trong đời gặp phải.
Mặc dù đã chích đầy đủ hai mũi vắc xin, nhưng trước khi đi một ngày tôi phải đi test Covid lại theo yêu cầu của chuyến bay. Sáng test, chiều có kết quả, nhưng trong ngày hôm đó tôi không thể không hồi hộp. Nếu có vấn đề, tôi sẽ mất 5,700 USD vì vé đã bán rồi. Có thể công ty sẽ trả lại chút ít tiền cách ly tại khách sạn, còn tiền vé coi như mất trắng. Nhưng may quá, kết quả âm tính. Sáng hôm 22/7 trước khi ra phi trường tôi còn phải khai báo y tế trên mạng, quét mã QR lưu vào điện thoại. Việc này phải làm trước khi bay 24 giờ. Thường thì mỗi khi bay, tôi chỉ phải đem theo vé máy bay. Đàng này phải đem theo một hồ sơ khá dày gồm có: Phiếu chích ngừa vắc xin, kết quả test Covid trước 72 giờ, kết quả khai báo y tế trên mạng ( quét mã QR ) 24 tiếng trước ngày đi, danh sách chuyến bay, tờ cam kết cách ly tại resort New World Hội An, 3 vé máy bay của 3 chặng: Denver – Los Angeles, Los – Incheon, Hàn Quốc – Đà Nẵng, giấy phép chuyến bay của bộ Ngoại Giao VN. Giấy phép tổ chức cách ly của địa phương của tỉnh Quảng Nam...y như một bộ hồ sơ phỏng vấn.
Đến phi trường Los ( California ) lúc 3g 30 chiều 22.7, trong lúc 23g khuya chuyến bay mới khởi hành, tôi gặp khá nhiều đồng hương VN từ nhiều tiểu bang khác của nước Mỹ cùng ngồi chờ chuyến bay. Phần lớn là du học sinh trở về, người Việt đi du lịch bị kẹt lại từ năm ngoái, người đi du lịch thăm thân nhân kết hợp tiêm vac xin Việt kiều về thăm quê hương...Nói chung gặp đồng hương trên đất Mỹ ai cũng vui mừng như gặp bà con quyến thuộc. Tôi bị ám ảnh bởi bộ đồ bảo hộ chất liệu bằng nilon ( áo mưa ) mà hành khách các chuyến bay về VN khác đã mặc. nên thở phào nhẹ nhõm khi thấy máy bay đã cất cánh mà mình vẫn mặc đồ y phục của chính mình.
Đến phi trường Incheon Hàn quốc lúc 3g sáng, phi trường vắng tanh, chỉ có duy nhất chuyến bay này với phần lớn là người Việt với một số ít người Hàn từ Mỹ về nước. Quá cảnh tại cổng 43 đến sáu giờ sáng thì nhân viên phi trường bắt đầu kiểm tra giấy khai báo y tế, kết quả test Covid rồi phát cho mỗi người một bộ đồ áo mưa xanh may theo kiểu pilot mà các bác sỹ, y tá thường mặc. Mặc bộ đồ đặc biệt nóng này mới thấy thương những người làm ngành Y thời Covid. Những người bạn tôi mới quen trên chuyến bay được một phen cười nói, gọi nhau í ới chụp hình khi mặc bộ đồ đặc biệt này.
Chuyến đi từ Hàn về Đà Nẵng chúng tôi đi máy bay Bamboo của VN, được nghe tiếng Việt phát thanh trong chuyến bay mới thấy ấm lòng, thay vì tiếng Anh như thường lệ vẫn nghe trên các chuyến bay quốc tế. Một chuyến bay 300 hành khách mà một trăm phần trăm là người Việt từ Mỹ và Canada. Máy bay trên độ cao mười ngàn mét thường là rất lạnh nhưng vì bộ đồ áo mưa mà ai nấy đều quạt phành phạch. Nóng và rít rất khó chịu. Bay chuyến bay từ Mỹ về Hàn quốc 12 giờ mà tôi không mệt bằng chuyến bay từ Hàn về VN chỉ có 4g 30 phút. Nguyên nhân chỉ vì bộ quần áo ni lông gây cảm giác khó chịu, nóng bức. Thương nhất là các em bé ba, bốn tuổi cũng phải mặc bộ đồ này.
Đến phi trường Đà Nẵng lúc một giờ chiều. Cái nóng của trưa mùa hè ở Đà Nẵng gay gắt cộng với cái nóng của bộ quần áo ni lông làm ai cũng chảy mồ hôi nhễ nhại. Phi trường Đà Nẵng cũng vắng tanh như phi trường Hàn quốc. Không có máy điều hòa, ba trăm hành khách với mấy chục nhân viên phi trường đều mặc đồ bảo hộ bằng ni lông cùng chịu nóng. Lại có cảnh sắp hàng qua hải quan mất mấy tiếng đồng hồ, lại chen chúc nhận hàng, lại chen chúc chờ xe chở về khu resort. Mười hai chiếc xe lớn chở ba trăm hành khách về khu resort New World ở Hội An. Lại phải dừng lại trước cổng resort chờ test Covid. đến khi nhận phòng xong thì đồng hồ đã chỉ bảy giờ tối. Thật là một chuyến đi vất vả nhiêu khê có một không hai trong đời chỉ có trong thời đại dịch Covid.
Dù sao cũng có an ủi đôi chút ở chỗ khu resort 5 sao dùng để tổ chức cách ly khá đẹp và khá lớn. Resort New World gồm mấy tòa cao ốc mười mấy tầng, có thể chứa cả ngàn người, nằm cô lập một mình trên một cánh đồng rộng, phía đông giáp bờ biển Hội An. Phòng ngủ của tôi nhìn ra biển, phía trước có lan can khá rộng, có để một bộ bàn ghế nhìn ra biển. Từ đây có thể nghe tiếng sóng vỗ rì rào vì biển chỉ cách resort chừng hơn trăm mét. Dĩ nhiên là “tù nhân “ cách ly không được ra khỏi phòng, nhưng được ra lan can hít thở khí trời, ngắm nhìn biển cả cũng thú vị rồi. Ngày ba bữa khi nào nghe có tiếng chuông thì mang khẩu trang vào để ra lấy thức ăn. Phòng được trang bị đầy đủ mọi phương tiện vật chất để có thể đủ dùng trong một tuần. Mỗi tuần nhân viên khách sạn sẽ cung cấp tiếp để hạn chế việc ra vào.
Thôi thì cứ thi vị hóa cuộc cách ly này như đang đi du lịch, đi nghỉ dưỡng, đi trại sáng tác ...để thêm chút lãng mạn cho đời.
NHẬT KÝ CÁCH LY
TRỞ VỀ KHU RESORT NEW WORLD
*Ngày 24.7.2021
Lên xe về khu cách ly New World tại Duy Hải, Duy Xuyên, sát nách Hội An, lại gặp cảnh sắp hàng đứng trước cổng chờ test Covid. Cô bác sỹ là Việt kiều Mỹ ngồi bên tôi nhăn nhó nói:” Lại bày đặt nữa rồi. Người ta mới test tại Mỹ một ngày trước khi lên máy bay, bây giờ lại test nữa làm gì. Chưa đủ 72 tiếng, bây giờ có test lại cũng âm tính thôi.” Có trời mới hiểu họ test để làm gì. Khách ngồi trên xe bắt đầu nhăn nhó vì đói, khát nước. Cả ngày hôm nay ai cũng chỉ mới ăn một bữa ăn “ gió thổi bay “ lúc mười giờ sáng trên máy bay Bamboo, chịu đựng cả ngày thì quá đói rồi.
Ở Mỹ tôi đã test Covid hai lần, một lần đi du lịch Hawaii và một lần trước khi lên máy bay về nước. Cả hai lần đều nhẹ nhàng. Người ta chỉ ngoáy rất nhẹ phần ngoài của mũi. Ở đây ngoáy rất sâu và rất đau. Cô bác sĩ cũng test một lần với tôi hét to phản đối: “ Test gì mà sâu dữ vậy? Chảy máu mũi người ta thì sao?”. Quả thật tôi cũng thấy rất đau.
Về đến phòng lúc bảy giờ đêm. Từ khi hạ cánh ở phi trường đến khi yên vị ở phòng riêng đã mất 6 tiếng linh tinh. Cậu nhân viên khách sạn đẩy hành lý vào phòng, vừa chỉ hộp bánh ngọt trên bàn nói: : Cô ăn đỡ bánh ngọt, vì hôm nay ăn cơm hơi muộn”. Hơn tám giờ tối mới có cơm. Khổ thay không biết có phải vì khách đến quá đông và muộn hay sao mà cơm lại khô và sống. Dẫu cơm sống, nhưng vì quá đói nên tôi cũng ráng nuốt khoảng nửa chén. Lúc đem cơm ra cửa bỏ vào thùng rác tôi gặp cậu phục vụ, sẵn đó nói với cậu cơm sống quá, bữa sau nhớ rút kinh nghiệm. Không ngờ nửa giờ sau cậu đem lên phòng cho tôi một phần cơm khác, đại khái nói với tôi là tổ phục vụ đền bữa cơm khác vì sợ tôi đói. Tôi cảm ơn và bảo cậu ta đem về, vì dù cơm sống tôi cũng đã ăn qua loa rồi.
*Ngày 25.7.2021
Ngày hôm nay cơm đã dẻo hơn, dĩ nhiên là không sống sít như ngày đầu. Mỗi bữa có năm món nhưng tiếc là kỹ thuật nấu dưới mức trung bình. Mỗi ngày có hai lần nhân viên khách sạn gõ cửa đo thân nhiệt. Bữa sáng ăn trễ quá. Gần chín giờ mới đem thức ăn đến phòng.
*Ngày 26.7.2021
Buổi sáng ra lan can tập thể dục. Lan can khá rộng nhưng vì tôi tập Suối nguồn tươi trẻ nên động tác quay 21 vòng hơi lấn cấn. Nắng tràn ngập lan can vì phòng ngủ quay về hướng đông. Biển rì rào trước mặt. Ở trong phòng dù ngồi ở bàn viết hay nằm trên giường vẫn nhìn thấy biển, vì vách tường mặt tiền bằng kính. Biển ở đây rất ít sóng, chỉ thấy một ít bọt trắng sát mé chân bờ cát. Đây là khu resort năm sao nên tất cả tiện nghi đều đạt yêu cầu.
Hồ bơi ngay phía dưới lan can phòng tôi ở. Khu vườn của resort khá rộng, nhiều cây cảnh. Không khí ở đây rất trong lành vì nằm giữa một cánh đồng của xã Duy Hải, sát nách Hội An. Làng xóm cách đây khá xa. Nếu không phải vì cách ly, được đi bộ ra biển thì tuyệt quá.
*Ngày 27.7.2021
Bữa sáng hôm nay được ăn mì Quảng, món ăn đặc trưng của Quảng Nam. Tôi sống ở Đà Nẵng gần 40 năm, dạy ở trường cấp 3 Phan Châu Trinh Đà Nẵnghơn 30 năm. Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ hai, nên tôi rất ghiền món mì Quảng. Mấy hôm nay buổi sáng chỉ toàn bánh mì, xíu mại, hoặc bánh mì ốp la, hôm nay được ăn một món có chút nước. Rất tiếc là món mì Quảng gà không được ngon lắm, lại hơi nguội. Cũng thông cảm cho dịch vụ nấu ăn vì họ phải phục vụ đông người quá, mà phòng tôi lại ở lầu tám. Họ đẩy xe lên tới đây thì thức ăn cũng vừa nguội.
Mấy hôm nay bạn tôi gọi điện thoại hoặc nhắn tin động viên rất nhiều.
03-
CUỘC CHIẾN VÔ HÌNH
*Ngày 30.7.2021
Mấy ngày vừa rồi bị cảm nhẹ nên mệt quá, không viết gì. Nguyên nhân tại cái máy điều hòa trong phòng. Ở VN dù mùa nóng Sài Gòn thật kinh khủng, nhưng mình vẫn chỉ dùng quạt máy. Phòng ngủ của mình có gắn máy lạnh nhưng rất ít dùng, trừ khi có mấy nhóc cháu nội ở lại chơi. Bọn nhóc mở máy lạnh suốt ngày đêm, lúc đó mình lại ra ngủ ở phòng khách. Mình dễ bị viêm họng vì máy lạnh. Ở Mỹ lại khác. Bang Colorado nơi mình ở, mùa lạnh thì tuyết rơi, nhưng mùa nóng cũng thật nóng. Nhà ở của người Mỹ quanh năm đóng cửa kính im ỉm, vì mùa nóng thì chạy máy lạnh 24/24, mùa lạnh thì chạy máy head. Tiểu bang Colorado, nhà nào cũng có tầng hầm, máy lạnh và máy head là một máy tổng, đặt dưới tầng hầm, tỏa hơi lạnh hoặc hơi ấm cho cả nhà, nên mình ít bị ảnh hưởng của nó. Còn ở VN thì máy lạnh đặt trực tiếp trong phòng nên mình hay bị viêm họng. Cô bạn cách ly cùng phòng chịu nóng không nổi, lúc nào cũng để 23 độ. Có khi mình bấm đưa lên 26 độ, một lát mình ngủ thì cô này lại bấm nhiệt độ hạ xuống. Sau hai đêm đầu mình đã có triệu chứng viêm họng, đến ngày cách ly thứ năm thì chuyển qua cảm, ho, sổ mũi. Nhưng đặc biệt là mình không sốt. Ngày nào nhân viên khu resort cũng đi đo thân nhiệt từng phòng hai lần sáng và chiều, nhiệt độ mình bao giờ cũng cỡ 36 độ. Mình gọi cho bác sĩ Tuấn – một học sinh cũ của mình -Tuấn là học sinh lớp mình chủ nhiệm năm 1983 ở trường cấp 3 PCT Đà Nẵng- Tuấn bây giờ là Tiến sỹ bác sỹ đang làm cho một bệnh viện lớn ở Sài Gòn, Tuấn cho toa gửi qua tin nhắn cho mình. Mình gửi cô nhân viên hàng ngày vẫn đưa cơm lên phòng nhờ cô này mua giúp. Cô này bảo “ Ở đây có bác sĩ, cô cứ gọi xuống lễ tân bảo cần gặp bác sĩ, họ sẽ cho thuốc.” Ok, vậy là ổn rồi. Bác sĩ khám bệnh cho mình qua điện thoại và cho người mang thuốc lên phòng. Có kháng sinh là xong ngay ấy mà. Uống lần đầu đã thấy khỏi 50%. Đêm đó mình ngủ được, hết ho.
*Ngày 31.7.2021
Ngày hôm nay uống thuốc tiếp, bệnh cảm hầu như đã lui hẳn, mặc dù ngày mai mới hết thuốc. Mừng quá, cứ nghĩ đến cảnh ngày ra phi trường về Sài Gòn mà ho sù sụ, hắt xì giữa đám đông người thì chắc người ta ghê sợ lắm. Trước khi ra khỏi khu cách ly, sẽ test Covid lần thứ ba nên dù cảm cũng không có lý do gì không được lên máy bay.
Hôm nay đọc messenger thấy tin nhắn của HKO. Bạn nhắn mình ở khu cách ly có cần gì không để bạn nhờ một người bạn ở Hội An mua dùm rồi nhờ shipper mang đến. Nhắn qua lại một lúc thì HKO gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp. Ở khu cách ly này thức ăn thì đầy đủ nhưng trái cây tráng miệng thì chỉ có vài ba trái táo tàu da xanh vừa chua vừa chát, hoặc vài ba trái nhãn, trái chôm chôm. Toàn là loại trái cây nóng. Chưa bao giờ thấy một trái chuối, dù chuối cũng rẻ. Nhưng mình nói với HKO là mình rất cảm kích tấm lòng của bạn nhưng mình sợ phiền cô bạn của bạn. Vả lại, đây là khu cách ly, ngoài nhân viên khu resort thì người ngoài muốn vào cũng phải qua sự xét hỏi của một chốt an ninh khu vực. Thôi thì ráng chịu vài ba bữa nữa rồi về nhà muốn ăn trái cây gì cũng được.
*Ngày 02.8.2021
Hôm nay bệnh cảm đã đỡ nhiều. Đêm qua ngủ được từ chín giờ đêm đến ba giờ rưỡi sáng. Vậy là có tiến bộ. Vì từ khi về VN đến nay, trừ đêm đầu tiên đến khu cách ly là mình ngủ suốt đêm, vì quá mệt và mất ngủ trên máy bay. Còn lại đêm nào cũng chỉ ngủ đến hai giờ sáng là thức giấc. Đồng hồ sinh học trong con người mình thật giống y như một cái đồng hồ báo thức, đúng hai giờ sáng là mở mắt và không ngủ tiếp được nữa. Lần nào cũng thế, khi mình đi từ VN sang Mỹ và ngược lại, khoảng hai tuần đầu bao giờ mình cũng bị mất ngủ vì trái múi giờ. Cứ mỗi đêm chỉ ngủ đến hai giờ sáng là hết ngủ được. Thế là lại ngồi dậy, ngồi máy tính, hoặc ra ban công ngắm biển đêm. Khu resort thắp đèn sáng rực ngoài vườn và khu gần bờ biển. Ban đêm khu resort đẹp mờ ảo. Ngồi ở đấy đến năm giờ thì trời sáng hẳn. Mặt biển buổi sáng màu xám nhạt, mây trời cùng màu với biển. Nếu không có đường chân trời xa xa, thì biển liền một mảng với trời. Biển buổi sáng thật yên tĩnh hầu như không có sóng, không còn thấy một đường viền màu trắng sát bờ cát. Biển ơi, ta ở thật gần người mà lại xa xôi quá. Nếu không có cuộc chiến vô hình này thì làm sao cấm được ta. Một cuộc chiến kinh hoàng nhưng kẻ thù thì vô hình, “ Hãy nhắm thẳng quân thù mà bắn “ lời hô hào đó đã không còn tác dụng nữa trong thế chiến thứ ba này. Bởi kẻ thù đã tàng hình rồi, làm sao nhắm thẳng mà có thể bắn được. Có sáu loại virut biến thể Covid nữa, chỉ mới xuất hiện có hai loại mà đã làm điên đảo cả thế giới này rồi. Con gái mình bên Mỹ nói dân Mỹ sắp chích ngừa mũi vaccine thứ ba cho các biến thể của Covid. VN mình thì mũi thứ nhất còn chưa được chích đại trà...Từng đoàn người lũ lượt sơ tán về quê bằng tất cả mọi phương tiện, có em bé mới sinh chín ngày cũng phải theo cha mẹ đi di tản bằng xe máy. Bạn mình nói cuộc chiến sinh học này còn khó khăn hơn chiến tranh súng đạn nhiều. Vì chiến tranh súng đạn còn biết chỗ nào đang đánh nhau mà tránh, còn đàng này kẻ thù vô hình giăng bẫy khắp nơi. Sơ suất một tí là sập bẫy. Có một gia đình nọ gồm hai người, cả mấy tháng trời không ra khỏi nhà, chỉ tiếp xúc với người giao hàng mà cũng bị dính Covid. Cuộc chiến này rồi sẽ đi về đâu?...
04-
ĐƯỜNG VỀ SAO QUÁ NHIÊU KHÊ
*Ngày 04.8.2021
Hôm qua nghe nói máy bay ngày 6.8 và 8.8 bị hủy, chỉ còn lại ngày 7.8 với chuyến bay VN 129 bay từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Đúng chuyến bay mình đi rồi. Mừng quá, xem như mình may mắn. Suốt ngày vui vì mình sắp được về nhà. Lúc còn ở Mỹ, mình đã nghe nói phi trường Tân Sơn Nhất đã bị tê liệt rồi, không những máy bay quốc tế, mà máy bay nội địa cũng đã không được sử dụng. Bạn của con gái mình chở mấy tấn cá nục đã kho sẵn từ Đà Nẵng vào hỗ trợ cho Sài Gòn mà không có máy bay, phải thuê xe đông lạnh chở. Bây giờ về đây thấy đăng ký máy bay được thì mừng phải biết. Cách đây hai hôm, nhân viên khách sạn đi từng phòng phát cả đống giấy tờ cho bọn mình điền vào, trong đó có một cam kết không được ở lại Đà Nẵng quá mười hai giờ sau khi hết hạn cách ly. Trong khi bạn mình ở Đà Nẵng ai cũng bảo mình ở lại Đà Nẵng vài ngày uống cà phê. Mình nghĩ địa phương họ đã yêu cầu như vậy thì họ phải can thiệp cho một chuyến bay chở người cách ly về Sài Gòn.
Sáng nay mới hơn bảy giờ, một người quen bán vé máy bay từ Sài Gòn gọi điện báo tin: “ Cô ơi, chuyến bay VN 129của cô ngày mùng 7.8 cũng hủy rồi. Phải sau ngày 16.8 khi Sài Gòn hết giãn cách mới có chuyến.” Thế là xong. Cả ngày mình loay hoay với điện thoại. Gọi cho công ty bán vé máy bay Vietmy Travel xem họ giải quyết cách nào cho khách của họ về Sài Gòn. Giám đốc công ty nói: “ Cô cứ bình tĩnh, không có máy bay thì công ty sẽ hợp đồng xe cho khách về SG.” Nghe chuyện đi bằng phương tiện xe khách mình oải quá. Lâu nay di chuyển đi đâu mình cũng chỉ chọn hai phương tiện, một là máy bay, hai là tàu hỏa. Dù sao thì độ an toàn của nó cũng cao hơn nhiều. Buổi chiều mình gọi cho đường dây đăng ký mua vé tàu hỏa của ga Đà Nẵng. Cô nhân viên bảo mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu suốt duy nhất. Ngày 7.8 tàu SE7 sẽ đến ga Đà Nẵng lúc mười hai giờ khuya. Và tàu chỉ được phép chạy đến ga Dĩ An – Bình Dương thì dừng lại, vì không được phép vào ga Sài Gòn. Mình hỏi: “ Vậy thì từ ga Dĩ An về Sài Gòn khách phải đi bằng phương tiện gì? Vì tất cả mọi phương tiện xe bus, xe taxi đều đã cấm chạy.” Cô nhân viên bán vé nói: “ Chịu.” Mình thở dài đánh sượt. Sao mà nhiêu khê dữ vậy trời? Mình gọi cho con trai, hỏi nó có thể lái xe lên Dĩ An đón được không. Nó bảo không ai được ra khỏi Sài Gòn nếu không trình bày được lý do chính đáng. Thế là xong. Con gái mình ở Mỹ nói: “ Sao mà giống chiến tranh dữ vậy trời!”
*Ngày 05.8.2021
Cả đêm qua thao thức mãi đến khuya mới ngủ được cũng vì chuyện trở về. Tối qua Công ty Vietmy Travel đã nhắn tin cho mình, họ đã hợp đồng được một chiếc xe 16 chỗ, cho một danh sách 12 người, trong đó có tên mình. Giám đốc công ty nói tài xế sẽ được test Covid trước khi đi, xe đã được phun thuốc khữ khuẩn. Xe có hai tài thay phiên nhau. 300 khách cách ly ở đây sẽ đi theo nhiều chuyến xe khác nhau, tùy theo họ mua vé máy bay của công ty nào. Vậy là không có sự lựa chọn nào khác. Đành chấp nhận số mệnh vậy.
Chuyến đi này chắc sẽ là một chuyến đi khác thường. Đường sá sẽ vắng tanh, Hàng quán sẽ đóng cửa hết. Liệu tài xế có vì vậy mà phóng nhanh? Khách đi xe phải chuẩn bị thức ăn, vì xe sẽ không dừng, và vì chẳng có ai bán thức ăn dọc đường. Bọn mình thì đang ở tình trạng cách ly, không thể ra ngoài mua thức ăn.
Thật là vô vàn nhiêu khê. Menu của khu resort này thì giá cả cắt cổ không thương tiếc. Một ổ bánh mì chưa biết có ngon không nhưng nghe hét giá 180.000 đồng. Nhưng dù sao thì bọn mình phải mua bánh mì, chuối sấy khô, xoài sấy khô – cũng đắt đỏ không kém – để đem theo. Nước uống nhà xe cũng không chuẩn bị. Mua một chai nước uống dung lượng 750 ml ở khách sạn này để đem theo có giá 150.000 đồng. Xe chỉ chạy đến Thủ đức là dừng. Từ đó sẽ đi xe trung chuyển với giá cả thời Covid: Từ Thủ Đức về Gò Vấp mình sẽ phải trả 800.000 đồng.
Còn hai ngày nữa mình sẽ khởi hành một “chuyến đi thời Covid “ thứ hai. Lần này là đi đường bộ - một đoạn đường từ Đà Nẵng về Sài Gòn dài gần 1000 cây số. Mọi chuyện còn ở phía trước.
Cảm ơn các bạn đã đọc.
05-
DỌC ĐƯỜNG SỐ 1 THỜI COVID
*Ngày 07.8.2021
Rời khỏi khu cách ly lúc bốn giờ chiều 7.8. Một đoàn xe 45 chỗ, với tám xe về Hà Nội, và bảy xe về tp HCM lên đường trong cái nắng chói chang gay gắt của mùa hè ở Hội An. Làm thủ tục check out, nhận lại passport, giấy hoàn tất cách ly, giấy test Covid ba lần âm tính xong mình lên xe số sáu. Cũng may là 300 người từ Mỹ về đều âm tính ba lần. Nếu có một người dương tính thì cả đoàn sẽ thành F1. Và chắc chắn là cả đoàn phải ở lại thêm 14 ngày nữa. Hú vía.
Vì khu resort 5 sao New World nằm giữa cánh đồng của xã Duy Hải nên bác tài cho xe chạy loanh quanh trong khu làng mạc gần đó để kiếm chỗ mua nước uống cho cả đoàn. Dĩ nhiên là với hai tài xế từ Sài Gòn mới ra miền Trung làm sao mà rành đường, họ vừa đi vừa hỏi thăm đường ra quốc lộ. Cho đến khi thấy kẹt vào đường hẻm mới loay hoay quay đầu xe. Hành khách trên xe một phen hú hồn khi thấy chung quanh là ruộng nước, ao rau muống, một chiếc xe dài 45 chỗ đâu dễ quay đầu. Tưởng thế nào chiếc xe cũng nhào xuống ao rau muống, mình đã lâm râm cầu nguyện Phật Bà, may quá chiếc xe quay đầu được. Trên đường ra quốc lộ, qua nhiều làng mạc thấy cuộc sống ở đây yên bình quá. Cũng có chợ búa, háng quán ăn uống mở cửa bình thường. Nào mì Quảng, bánh xèo, cháo vịt, cháo gà, bún bò, trứng lộn...Không thiếu món gì. Cả một bọn vừa cách ly xong ai cũng ước ao được dừng xe vào hàng quán ăn uống cho đỡ nhớ món ăn đường phố. Nhưng bác tài nói xe này là xe chở người cách ly, không được phép dừng dọc đường. Trong nội quy cũng thấy có nói điều này. Ngay cả việc dừng lại để đi vệ sinh ( từ Hội An vào Sài Gòn ) cũng chỉ được một lần. Bà con trên xe nhao nhao: " Bác tài ơi, vậy phải phát cho mỗi người một cái bĩm! " Tài xế cũng không vừa: " Lo gì. Mỗi hành khách nữ sẽ được phát 1 cái bao ni lông to, còn hành khách nam thì được phát mỗi người một cái chai." Cả đoàn khách đi xe cười rầm rầm. Đúng là 49 gặp 50.
Đi qua thành phố Tam Kỳ, tp Quảng Ngãi thấy cuộc sống ở đây cũng rất thanh bình như khu làng mạc Hội An. Dọc đường xe cộ tấp nập, phố xá mở cửa đông vui. Các quán nhậu cũng đông người. Hình như không có một dấu hiệu gì của thời Covid cả. Qua các quán Don của tp Quảng Ngãi thấy nhớ quá tô don màu vàng nhạt, bánh tráng nướng giòn tan, trái ớt sim màu xanh non cay xè đầu lưỡi...Ở đây thanh bình quá, không thấy không khí Covid đậm đặc như ở Sài Gòn. Ai cũng nói không biết bao giờ Sài Gòn mới được như thế này.
Sáng hôm qua học trò mình ở Đà Nẵng gọi điện thoại động viên: " Cô đừng lo, đường bộ bây giờ không phải như ngày xưa. Đèo Cù Mông và đèo Cả đã có đường hầm xuyên núi rồi, không qua đèo nữa đâu nên cũng an toàn lắm ". Nghe vậy mình cũng an tâm. Đèo Cù Mông không cao nhưng đã một thời gây ra nhiều tai nạn chết người cho nhiều phương tiện đường bộ. Nhiều giai thoại ma quái truyền tai nhau nghe rùng rợn. Cách đây hơn 20 năm có lần mình đi du lịch có qua đèo một lần vào ban đêm. Qua đèo giờ này bao giờ cũng thấy hương khói nghi ngút. Tài xế xe khách đi một chút lại dừng lại đem hoa quả vào cúng bái thắp hương tại các miếu thờ người bị tai nạn chết ven đường. Cũng đã mấy chục năm mình không còn đi đường bộ nữa nên cũng không biết là đã có đường hầm.
Xe chạy vài ba tiếng, khi qua thành phố Quảng Ngãi thì trời đã vào đêm. Chương trình đi đường 16 tiếng. Dự kiến 9.30 sáng mai mới đến Sài Gòn. Như vậy chủ yếu là chạy đêm. Có hai tài xế thay phiên nhau nên mình cũng đỡ lo. Cô bạn cùng phòng của mình ngồi sau lưng tài xế nói chuyện liên tục để tài xế khỏi ngủ gục. Mình ngủ không được, cô bạn tên Lan ngồi củng dãy ghế cũng ngủ không được trong khi cả xe đều ngủ. Có người còn ngáy to nữa. Mỗi người ngồi hai ghế để giãn cách nên có thể dựa vào ghế ngủ gà ngủ gật. Mười giờ đêm thay tài. Tài xế chính bắt đầu ngã lưng vào ghế. ngủ. Qua câu chuyện với tài xế phụ, mình được biết cả hai tháng nay họ chưa về nhà. Công ty điều đi chở người cách ly từ nước ngoài về suốt thời gian qua. Mười lăm chiếc xe khách này phải chạy xe không từ Sài Gòn ra, đón khách từ Hội An vào. Họ lấy giá 1.800.000 đồng mỗi người là đúng. Vì mỗi người ngồi hai ghế, đó là chưa kể phí tổn cho chuyến chạy ra Hội An phải chạy xe trống.
Mặc dù cô bạn cùng phòng order được thức ăn từ Hội An đem vào khu cách ly: bánh mì và nửa ký chả lụa, một ít bánh quế và thịt chà bông. Tuy ngồi phía trước, nhưng xe chạy lắc như nhảy điệu Samba nên mình mệt và nhức đầu, chả ăn được gì. Đến 9 giờ đêm vì cần uống huyết áp nên mới cố ăn một chút. Bộ đồ bảo hộ màu xanh lần nầy được dán bằng một loại giấy xốp đặc biệt nên không nóng như lần đi máy bay từ nước ngoài về VN. Về khuya mình phải tất máy lạnh vì thấy lạnh. Chắc các nhân viên y tế cũng mặc loại này, nếu không làm sao chịu nổi cái nóng mùa hè. Dọc đường cứ khoảng vài chục cây số thì qua một chốt kiểm soát. Tài xế mở cửa xe nói với nhân viên trực chốt: “ Xe chở Covid.” Hành khách trên xe cười: “ Bọn tôi thuộc loại vô trùng bác tài ơi, ở nước ngoài đã chích ngừa hai lần, trước khi lên máy bay test Covid một lần. Cách ly 14 ngày test ba lần nữa. Vậy mà bác nói bọn tôi là Covid hả?” Bác tài cười hề hề: “ Nói vậy để họ sợ, họ cho đi cho mau.”
Từ Bình Định vào, đêm đã khuya. Qua đèo Cù Mông xe bắt đầu chui hầm. Đoạn đường hầm đẹp quá. Đèn sáng choang. Đường hầm dài khoảng năm cây số. Cảm ơn những người đã đổ mồ hôi, công sức và cả máu để xây dựng nhằm giảm thiểu bao nhiêu tai nạn khi xe khách phải qua đèo. Làng xóm sống ở chân đèo còn truyền nhau câu chuyện: Đêm nào nghe tiếng trẻ con khóc ở trên đèo là sáng hôm sau có tai nạn xe khách. Nghe mà nổi da gà. Nhưng dân gian thì còn bao chuyện ma cỏ nhảm nhí, hơi đâu mà tin cho mệt.
Lúc xe qua hầm đèo Cả mình có thiếp đi một lát nên không thấy đường hầm này. Hơi uổng vì có bao giờ mình chủ động đi đường bộ, trừ chuyến đi đặc biệt này.
*Ngày 08.8.2021
Tám giờ sáng xe đến Ngã Ba Dầu Giây. Đây là cửa ngõ vào tp HCM. Tài xế bảo hành khách phải xuất trình Passport và 2 loại giấy nơi cách ly đã cấp: Giấy hoàn tất cách ly và kết quả test Covid ba lần âm tính. Sài Gòn chỉ còn cách mình vài ba cây số. Xin chào Sài Gòn thân yêu.
Đường phố Sài Gòn vắng tanh. Thỉnh thoảng chỉ có một vài chiếc xe máy. Cả một đoạn đường dài gần nghìn cây số dọc đường số một đưa mình đi qua hơn một nửa chiều dài của đất nước, trong một thời kỳ đặc biệt. Đây là một chuyến đi kết thúc một cuộc trở về đầy gian nan trắc trở. Có một anh bạn đồng hành trên chuyến xe đã nói hành trình này cũng gian nan như Christopher Columbus đi tìm Châu Mỹ.
Về đến bến xe, lấy hành lý xong mình về nhà trên một chiếc xe con thuộc công ty xe khách. Chuyến xe này con trai mình ở Phú Nhuận đã đặt trước với giá 800.000 đồng cho một chuyến đi rất gần: từ Thủ Đức về Gò Vấp, mà phải chuyển tiền qua tài khoản trên mạng chứ họ không lấy tiền mặt. Đúng là giá cả thời Covid. Cậu tài xế nói : " Bọn con đã chích ngừa Covid hai lần rồi. Cứ ba ngày phải test Covid một lần mới được ngồi vào vô lăng lái xe." Đến chung cư thì đã thấy cô em họ chờ sẵn để chuyển đồ vào thang máy. Trước khi về mình cũng đã được báo chung cư đã hết phong tỏa ngày hôm qua, vì hai người F0 đã âm tính và ra viện mấy hôm rồi. Vậy là chung cư chỉ phong tỏa hơn một tuần. Mệt quá, tắm rửa xong, cô em họ đã nấu sẵn một nồi lá xông gồm sả, vỏ bưởi, hành tím, dầu gió xanh. Xông xong là ngủ một giấc đến bốn giờ chiều, vì đêm hôm trước đi xe hầu như thức trắng.
*Ngày 09.8.2021
Sáng nay sau một đêm ngủ li bì, mình thấy đã khỏe hơn nhiều. Ngồi vào máy tính thì nghe điện thoại reo. Cô bạn mới quen trên đường bay từ Mỹ về, cách ly bên cạnh phòng mình báo tin, trên đường đi xe từ TP.HCM về Kiên Giang để chờ tàu ra đảo Phú Quốc cô bị chặn lại tại một chốt. Họ không cho cô vào TP.Kiên Giang. Sau khi năn nỉ và đưa hết các loại giấy tờ ra, vẫn không làm họ đổi ý, cô phải gọi cho một người quen có vai vế tại đây. Cuối cùng họ cho đi với một điều kiện cô phải vào một khách sạn cách ly tiếp hai tuần nữa! Trời ạ, đúng là oan Thị Kính. Có gì khổ hơn thế không hả trời? Tyna ơi, cố lên. Lần này chỉ có mình bạn đơn độc chiến đấu thôi đấy.
***
Vương Hoài Uyên xin chân thành cảm ơn các bạn, các em học sinh cũ đã chia sẻ chân tình những dòng Nhật ký cách ly lịch sử này. Trong chuyến đi đặc biệt chỉ có một lần trong đời này đã có bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu học trò chúc mình thượng lộ bình an. Hôm nay mình đã bình an trở về một phần cũng nhờ ơn Trời Phật, một phần nhờ những lời chúc, những lời chia sẻ, động viên chân tình của các bạn.
XIN CÁC BẠN NHẬN NƠI ĐÂY LÒNG BIẾT ƠN CHÂN THÀNH CỦA MÌNH.
VƯƠNG HOÀI UYÊN
Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và trong nhà
Maria Nguyen, Nguyễn Tố Quyên và 4 người khác
6 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

30 thg 7, 2021

XUÂN, HẠ, THU, ĐÔNG… RỒI LẠI XUÂN

‎           Status này đã chia sẻ trên 
          Facebook để Tưởng niệm
          Kim Ki Duk , một đạo diễn 
          phim Hàn nổi  tiếng chết 
          tháng 12/2020 vì Covid-19.

         

          Kim Ki-duk là một‎đạo diễn và nhà biên kịch phim Hàn Quốc, nổi‎ tiếng với các tác phẩm điện ảnh nghệ thuật đặc trưng của mình. Các giải thưởng liên hoan phim lớn của ông bao gồm Sư tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 69 cho Pietà, Giải Sư tử bạc cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 61 cho 3-Iron, một con gấu bạc cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 54 cho Cô gái Samaritan và giải un certain regard tại Liên hoan phim Cannes 2011 cho Arirang. Tính năng được biết đến rộng rãi nhất của ông là Mùa xuân, Mùa hè, Mùa thu, Mùa đông... và Spring (2003), bao gồm trong các bộ phim tuyệt vời của nhà phê bình phim Roger Ebert. Hai trong số các bộ phim của ông đóng vai trò là bài dự thi chính thức cho Giải Oscar cho Phim truyện quốc tế hay nhất với tư cách là tác phẩm Hàn Quốc. Ông đã đưa kịch bản cho một số cựu trợ lý đạo diễn của mình bao gồm Juhn Jai-hong (Beautiful and Poongsan) và Jang Hoon (Rough Cut). ‎
     Với tác phẩm "Cá sấu" ra mắt năm 1996, ông Kim Ki Duk là đạo diễn Hàn Quốc duy nhất giành chiến thắng tại cả 3 liên hoan phim lớn của châu Âu gồm Cannes, Venice và Berlin.Kim Ki Duk từng giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 2012 với Pieta cũng với một kịch bản căng não và nhiều hình ảnh, thông điệp… chỉ dành cho khán giả trưởng thành. Ngoài ra, ông còn giải Gấu bạc với Samaritan Girl và giải Un Certain Regard tại Liên hoan phim Cannes 2011 với Arirang.


            Vị đạo diễn 60 tuổi này qua đời do biến chứng phức tạp do COVID-19 gây ra tại một bệnh viện ở Latvia vào ngày 11-12-2020.Giám đốc Liên hoan phim quốc tế Busan, Jeon Yang-joon, cho rằng sự ra đi của ông Kim Ki Duk là một mất mát lớn của ngành điện ảnh Hàn Quốc.
 Kim Ki Duk ra đi để lại cho điện ảnh thế giới những chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc đời đầy sâu sắc thông qua tác phẩm “Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân”.
      Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân (2003) là bộ phim từng nhận về vô vàn giải thưởng, như C.I.C.A.E., Don Quixote, giải thưởng của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Locarno, giải thưởng Khán giả bình chọn của Liên hoan phim quốc tế San Sebastian, giải Đại Chung Phim xuất sắc nhất 2004.
1. Xuân, hạ, thu, đông - bài học về một kiếp người

      
           “Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân” đưa khán giả đến với một ngôi chùa lênh đênh giữa hồ, nơi có một chú tiểu và sư phụ của chú. Ở đây, khán giả sẽ chứng kiến cuộc đời của chú tiểu, với mỗi mùa xuân - hạ - thu - đông ứng với từng giai đoạn tuổi tác, cách biệt từ vài năm đến cả chục năm. Trong suốt hành trình đó, chúng ta sẽ được nhìn bằng lăng kính Phật giáo cùng học thuyết “Tứ Diệu Đế”, tức “4 chân lý màu nhiệm”: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Từ đó, câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời mà chính đạo diễn Kim Ki Duk đặt ra sẽ dần được lý giải.


       Ở mùa xuân, hạ, thu, chúng ta lần lượt đi qua triết lý về Khổ đế, Tập đế và Diệt đế, tức là quá trình nếm, ngộ ra nguyên nhân và chấm dứt hoàn toàn cái khổ. Trong đó, vào mùa xuân, chú tiểu khi chỉ mới non xanh đã nghịch ngợm buộc hòn đá vào ba con vật cá - ếch - rắn rồi khoái trá nhìn chúng khổ sở. Người thầy thấy vậy không lập tức la mắng mà mang về một hòn đá rồi lén cột lên lưng chú vào ban đêm. Sáng hôm sau, ông bắt chú tiểu đeo hòn đá đó đi tìm ba con vật để giải thoát cho chúng cùng lời dặn: "Nhưng nếu bất cứ một con vật nào chết, thì con sẽ mang theo hòn đá này trong tim đến hết cuộc đời." Tuy nhiên, con cá và rắn đã chết. Đó là cái khổ thứ nhất, cũng là cái khổ mang tính báo hiệu về tương lai hạ, thu.


       Mùa hạ, chú tiểu bước vào tuổi mới lớn rồi đem lòng yêu thương một cô gái. Họ si mê rồi quan hệ tình dục với nhau. Sư phụ phát hiện ra và đuổi cô gái ra khỏi chùa. Chú tiểu không chấp nhận được, mang theo tượng của Di Lặc Bồ Tát rồi trốn đi. Đây là tội lỗi thứ hai để dẫn cái khổ thứ ba được báo hiệu bằng lời nhà sư dặn: “Ham muốn đánh thức khao khát chiếm hữu, từ đó đánh thức ý định sát sinh”. Và quả thật lúc 30 tuổi, anh trở về chùa để chạy trốn tội lỗi giết hại người phụ nữ anh yêu - người đã bỏ anh đi theo gã khác. Anh quyết định tự sát ,nhờ sư phụ phát hiện kịp thời mà anh ta không chết, chỉ nhận được một trận đòn nhừ tử. Đó là cái khổ thứ ba.
           Điều đáng nói là cả 3 cái khổ của chú tiểu không chỉ là cái khổ của một người mang theo chấp niệm gạt bỏ bụi trần mà nương nhờ cửa Phật, đó là cái khổ của cả nhân gian. Theo Tập đế - chân lý về nguyên nhân cái khổ, sự đau đớn này xuất phát từ vô minh, không biết được đâu là sự thật, là đúng sai, là bản chất của mọi thứ. Vì vậy nên trong mùa xuân, chú vô tình gắn hòn đá lên lưng những sinh mạng bé nhỏ mà không biết chúng sẽ bị giết chết, mùa hạ chú rơi vào lưới tình không biết tình yêu không bao giờ là mãi mãi, và mùa thu chú quyết định chạy trốn tội lỗi của mình bằng cách tự sát mà không biết “giết người thì có dễ nhưng giết mình không dễ đâu”. Vì thân xác chết nhưng tội ác và tâm tính của con người thì còn mãi.


          Vì thế nên đạo diễn Kim Ki Duk đưa con người ta đến quá trình diệt đế và đạo dế ở cuối mùa thu cũng như xuyên suốt mùa đông. Diệt đế là diệt khổ, chấm dứt cái khổ. Quá trình này được thể hiện qua phân đoạn người đàn ông 30 tuổi mặc đồ sư rồi khắc bài kinh bài kinh Bát-nhã lên sàn ngôi chùa, theo vết mực sư phụ viết mẫu, bằng chính con dao gây tội của mình. Nó khởi đầu bằng sự thiếu tập trung, vì sự sợ hãi hai vị cảnh sát, từ tiếng súng bắn và từ thiên nhiên. Nhưng với sự hỗ trợ, uốn nắn của sư phụ, anh có thể yên tâm trở về khắc kinh. Cho đến sáng hôm sau, khi anh tỉnh dậy và thấy ánh mặt trời rực rỡ, không gian yên bình và thậm chí cả phần việc còn lại đã được hai cảnh sát đi cùng phụ giúp. Nếu xem phần khắc kinh là quá trình tu luyện, những người bình thường xung quanh là tạp niệm xoay quanh nhân vật trung tâm thì có thể thấy, tạp niệm dần biến mất chuyển hóa thành sự tin tưởng, cảm thông còn nhân vật trung tâm thì hiểu rõ bản thân đã làm gì, sẽ phải chịu gì. Đó là khi anh đã diệt được khổ. Để rồi trong mùa đông, lúc anh đã thụ án xong và quay về, anh bước vào Đạo đế, tu luyện để đắc đạo, chấm dứt hoàn toàn cái khổ để không bao giờ phải khổ nữa.
         Có thể thấy, một vòng đời xuân, hạ, thu, đông của chú tiểu ít nhất có 3 hành trình đầu ta đã thấy ta. Thấy ta vì ham thích, vì yêu, vì tham lam rồi vì căm thù mà làm nên nhưng sai lầm to lớn. Còn mùa đông mà Kim Ki Duk gửi gắm là mùa đông muốn con người ta hướng đến, mùa đông mang tính dẫn dắt người xem. Để người xem nhận ra đời là vô thường, không gì kéo dài mãi mãi. Chỉ có ta là ta, một sinh thể duy nhất với bản ngã riêng biệt. Từ đó nhìn về ánh sáng mà sống cho trọn đạo lý. Đó là ý nghĩa của cuộc đời. Cũng là cái nhân văn của Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân.


2. Ngôn ngữ điện ảnh được sử dụng một cách điêu luyện, vượt ngưỡng “đẹp” để càng trở nên hoàn mỹ.
            Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân mở ra cho ta một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về ngôi chùa giữa hồ, về rừng cây và sông suối, về những tán lá, hang động và những âm thanh tự nhiên trong trẻo, đơn thuần. Cái “đẹp” trải dài xuyên suốt bộ phim, khiến người xem phải không ngừng rung động. Nhưng với Kim Ki Duk, đẹp thôi là chưa đủ, đẹp là thứ hiển nhiên và thậm chí là tầm thường. Vì ông gửi gắm nhiều hơn cả đẹp vào từng khung hình.
            Đầu tiên, ta bàn về chú tiểu. Chú tiểu không hề được gọi tên. Chú lớn lên và đi qua vòng tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông để trở nên đắc đạo. Sau đó, ta gặp một chú tiểu mới, mở ra một vòng tuần hoàn mới - “rồi lại xuân”. Chú tiểu là đại diện cho chúng sinh, cứ hết thế hệ này đến thế hệ khác sinh ra, gặp phải sai lầm rồi được chỉ dạy để giác ngộ. Sự chỉ dạy đó cần một người thông thái, đó là khi ta hướng ánh nhìn về sư phụ. Phân đoạn đáng nhớ nhất hẳn là khi vị sư phụ sau khi tiễn đồ đệ của mình đi đã chọn tiếp tục cuộc đời bằng cái chết. Ông đẩy thuyền ra giữa hồ, xếp củi lên thuyền; dán chữ "BẾ" vào mắt, mũi, miệng và tai; đặt một ngọn nến dưới đống củi và bắt đầu hành động tự thiêu. Cái chết của vị sư khác với cái chết đồ đệ, ông không trốn chạy bất cứ tội lỗi nào cả. Cái chết đó được mở ra khi ông đạt đến trạng thái Niết Bàn và giác ngộ xong người đồ đệ. Chẳng còn gì phải vương vấn với cuộc sống đầy sân si, ông rời đi như cách Quán Thế Âm Bồ Tát làm. Bồ Tát sẽ nhập Niết-bàn sau khi thực hiện xong hạnh nguyện.
            Có thể thấy, ngôi chùa có một chiếc thuyền nhưng người sư phụ không bao giờ dùng nó. Chiếc thuyền ấy chỉ để đưa đón đồ đệ về và khách đến thăm - những người còn vướng phải tạp niệm trần gian. Thậm chí, khi vị đồ đệ rời đi theo hai cảnh sát, chỉ khi người thầy vẫy tay thì thuyền mới chạy. Thuyền là vật đại diện cho người còn chấp ngã, không cần thuyền, thậm chí là điều khiển được thuyền là khi hiểu và bỏ qua được những cám dỗ cuộc đời. Đó là trạng thái mà sau này người đồ đệ cũng tìm đến được khi anh trở về sau khi thụ án.
       Trong phim chúng ta thấy có ba bức tượng. Đầu tiên là bức tượng Phật to lớn, thô sơ, bằng đá vôi trên núi - nơi chú tiểu vẫn trèo lên ngày nhỏ để ngắm cảnh. Bức tượng đại diện cho giáo lý Phật giáo nguyên thủy - một thứ cao siêu mà cậu bé chỉ có thể hiểu một cách non nớt trên bề mặt. Thứ hai là bức tượng Quán Thế Âm trong chùa. Bức tượng này bằng đá, đại diện cho những gì sư phụ giác ngộ được từ giáo lý nguyên thủy và truyền dạy cho đệ tử của mình. Cuối cùng là bức tượng Di-lặc bằng đồng, tuy chỉ xuất hiện ở đoạn cuối nhưng lại là bức tượng quan trọng nhất. Nó đồng hành cùng người đàn ông trên con đường đi lên đỉnh núi, thực hành "Bát chính đạo" để đạt tới Niết-bàn. Bức tượng Di-lặc nhỏ nhắn và tinh xảo, thể hiện sự giác ngộ Phật pháp hoàn toàn ở người đàn ông. Đây là hình tượng lớn nhất, tầm vóc nhất mà Kim Ki Duk sử dụng để thể hiện quá trình trưởng thành của chú tiểu ngày nào.
             Có thể thấy, Xuân, Hạ, Thu, Đông…. Rồi Lại Xuân không chỉ có những góc máy tuyệt vời. Những khung hình của bộ phim là thứ ngôn ngữ điện ảnh đỉnh cao góp phần đẩy câu chuyện đến với người đọc một cách sâu sắc, hoàn hảo nhất. Và đó là điều khiến tác phẩm này đáng được ngưỡng mộ đến như vậy.
3. Kim Ki Duk và mùa đông của quái kiệt đáng nể xứ Hàn
        Hình ảnh, âm thanh xuất sắc, diễn xuất của các diễn viên trọn vẹn, điều này góp phần giúp bộ phim trở thành siêu phẩm kinh điển của điện ảnh xứ Hàn. Thế nhưng, để đạt được tầm vóc đó, sự tài hoa, tâm huyết của vị đạo diễn Kim Ki Duk mới là thứ đáng nói nhất. Chính ông đã khởi sinh ra bộ phim từ ý tưởng về câu hỏi: “Ý nghĩa của cuộc đời là gì?”. Sau đó lý giải nó một cách sâu sắc nhất, thuyết phục nhất bằng cả 3 cuộc đời (sư thầy, chú tiểu và một chú tiểu mới ở cuối phim). Ông không giải quyết câu hỏi một cách thờ ơ, hời hợt mà đặt tâm huyết vào từng hình ảnh, câu thoại. Để con ếch, con cá, con rắn, cái cây cũng có ý nghĩa riêng của nó. Sự tài hoa của Kim Ki Duk, dù vị đạo diễn có vướng phải vô số tranh cãi về nhân cách, cũng khó có thể phủ nhận. Bởi tới nay khi nhiều phim chỉ có thể dừng ở cái đẹp, cái giật gân, cái hấp dẫn, cái hoành tráng thì Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân đã vượt xa cái ngưỡng đó. Để không cầu kì, không kịch tính hóa nhưng người xem thời đại nào xem rồi vẫn thấy đúng, vẫn gật gù chiêm nghiệm.


           Kim Ki Duk ra đi vì Covid-19, chúng ta không biết vị đạo diễn này đã chạm được tới mùa đông, tới Niết Bàn hay chưa. Và nếu nhìn khách quan có khi ta vẫn biết rõ là chưa. Vì những tạp niệm, vì bao tai tiếng xung quanh ông vẫn nhiều. Nhưng những tác phẩm của ông hẳn vẫn là đỉnh cao trong nền điện ảnh, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn là cả thế giới. Minh chứng cho điều đó là những lời khen, tràng vỗ tay, giải thưởng mà khán giả dành cho Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân dù là phương thức, thời điểm họ xem là lúc nào.
 
( Nguồn tư liệu và ảnh: Tổng hợp ST )
.................................................................................................................................................................
MỘT THOÁNG "XUÂN ,HẠ ,THU ,ĐÔNG...rồi lại  XUÂN "




HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..