29 thg 3, 2024

MƯỚP ĐẮNG TRONG TRẮNG NGOÀI XANH…

 Tản Mạn

****
Quả dưa gang trong vàng ngoài trắng
Quả mướp đắng trong trắng ngoài xanh…
(Ca Dao Việt Nam)


Vợ tưới bón bụi thanh long thế nào không biết mà bỗng dưng từ gốc thanh long mọc lên một dây leo. Cái dây leo thân thì khẳng khiu mà lá lại toả rộng rất tươi mát. Trông nó yếu ớt thế mà một ngày kia tôi khám phá ra không những nó phủ gần kín bụi thanh long mà còn leo đầy cánh cổng vườn khiến cổng không mở được.
Hơn thế nữa, nó lại tìm cách chui qua một cái khe tường rất hẹp để phát triển thành một dây nữa phía bên kia tường, cũng xanh tươi không kém cái thân chính bên ngoài.
Hai vợ chồng bàn cãi xem đây là cây gì. Chồng bảo đây là cây dại. Vợ cãi: “Dại gì mà dại! Nó tinh khôn như thế mà bảo là dại à?” Chồng bảo: “Vậy chắc nó là cây mướp.” Vợ lại cãi: “Mướp gì mà mướp! Cái lá nó bé tí hĩn thế này thì làm sao mà mướp được!” Chồng thua, ngồi im. Vợ mơ màng: “Đây là một thứ cây đặc biệt, Trời cho. Chắc là sẽ ra quả quý, trần gian ít thấy!”
Chồng để yên cho vợ tha hồ mà mơ tưởng… hão.
Chẳng bao lâu, dây leo nở hoa vàng. Rồi cũng chẳng bao lâu sau đó, hoa kết thành quả; mà là quả mướp đắng, bà con miền Nam kêu là trái khổ qua! Quả mướp đắng phát triển thần tốc, đến một ngày chồng ra thăm nó, thấy nó to tướng, mới kêu “ối” lên một tiếng.
Vợ tưởng chồng gặp tai nạn gì, thí dụ như bị sâu rụng xuống đầu hay kiến cắn ngón chân (chồng nhát như cáy) bèn chạy ù ra cứu, hoá ra là quả mướp đắng; liền nguýt chồng một cái rồi trịnh trọng rước mướp đắng vào nhà. Vợ thấy cái quả này to quá, mới lấy thước ra đo. Chồng giằng ngay lấy quả mướp đắng, đem so nó với chai rượu, thấy nó dài và to hơn cả chai rượu. Khiếp! Dài gì mà dài thế! To gì mà to thế!
Ai trong chúng ta cũng biết: Mướp đắng là khổ qua. “Khổ” có nghĩa là “đắng.” Còn “qua” có nghĩa là “quả dưa.” Bởi thế “mướp đắng” mới được gọi là “khổ qua.” Người xưa dạy rằng, xét về vị thì có bốn vị chính, là “tân, toan, cam, khổ.” Tân là cay. Toan là chua. Cam là ngọt. Khổ là đắng. “Tân toan cam khổ” là “cay chua ngọt đắng.”
Đó là vị thức ăn mà cũng là hương vị cuộc đời. Xem vậy thì đời người ta ba phần buồn đau, chỉ có một phần hạnh phúc, chứ không phải “một chiều khổ cực bốn chiều say” như Hoàng Cầm viết trong “Huyền Sử – Hội Yếm Bay.”


Với ai thì không biết, nhưng “ba phần buồn đau, một phần hạnh phúc” xem ra rất đúng với cuộc đời Mẹ tôi. Cả một đời bà hy sinh cho chồng con. Một tay bà chôn không biết bao nhiêu người nằm xuống, cả bên nhà mình lẫn bên nhà chồng. Thế mà lúc nào bà cũng tươi cười, lúc nào cũng mở rộng bàn tay chia sẻ. Bà chia sẻ cho đến giây phút cuối, tươi cười cho đến giây phút cuối, khi Chúa gọi bà về năm bà 103 tuổi.
Mẹ tôi, người nhỏ bé, vậy mà ý chí và sức mạnh nội tâm của bà thật phi thường. “Quả mướp đắng trong trắng ngoài xanh,” câu ca dao này có hai hướng cắt nghĩa khác nhau, hướng tích cực và hướng tiêu cực.
Với Mẹ tôi, câu này được cắt nghĩa theo hướng tích cực: Đừng nghĩ người bà nhỏ bé thì nghị lực bà yếu đuối, cũng như đừng nghĩ bên ngoài quả khổ qua màu xanh thì ruột nó cũng xanh. Bố tôi mất sớm, một tay Mẹ tôi nuôi dạy chúng tôi, như dây khổ qua nuôi quả khổ qua. Quả càng lớn thì dây càng héo hắt. Khi tất cả quả đã to lớn đẫy đà thì cũng là lúc dây khổ qua tàn héo. Mẹ tôi và các bà mẹ Việt Nam đều là dây khổ qua cả.


Chiều hôm nay vợ tôi nấu canh khổ qua nhồi thịt. Khi bổ trái khổ qua “lớn hơn chai rượu” ra thì chúng tôi mới biết nó đã bắt đầu già. Ruột khổ qua trắng, nhưng khi già nó chuyển sang màu đỏ. Các bà mẹ Việt Nam càng già thì lòng càng son càng thắm.
Vợ chồng chúng tôi ăn canh khổ qua mà thổn thức nghĩ đến Mẹ chúng tôi.
Quyên Di

14 thg 2, 2024

“DÂU TÂY’’ GÓP Ý VỀ THÓI XẤU CỦA NGƯỜI VIỆT KHI ĂN TẾT




     ***

          Tôi là một cô gái đến từ nước Úc. Vì yêu chồng là người Việt Nam nên tôi theo anh về đây “làm dâu”, mọi người gọi tôi là “dâu tây”.“Dâu tây” rất hay bị để ý nhưng không thường xuyên bị ne nét, góp ý như “dâu ta”.

Có lẽ vì thế tôi cũng có thời gian quan sát lại những người thân của chồng, những con người nơi quê hương chồng và thấy rằng, ngày Tết, người Việt bộc lộ thật nhiều thói xấu.

      Thói xấu thứ nhất là họ đòi hỏi phụ nữ trong nhà phục vụ nhiều điều quá. Mấy chị em dâu bên chồng tôi thức từ 3 giờ sáng để làm cơm, làm cỗ tiếp đãi họ hàng ngày Tết với mẹ chồng.

        Tôi không thể dậy từ giờ đó nên cứ mặc họ xủng xoảng xoong nồi bát đĩa dưới bếp, ôm chồng ngủ tiếp đến sáng sớm hôm sau. Đó cũng là một trong những nguyên do họ gọi tôi là “dâu tây”.

          Không biết những gia đình khác thế nào, bên nhà chồng tôi dâu tây cũng dễ được bỏ qua, nhưng nếu là một chị em dâu khác giờ đó chưa dậy sẽ bị bóng gió là “lười chảy thây”, có khi sáng mùng 1 đã bị mẹ chồng mặt nặng mày nhẹ. Nhiều nàng dâu vì không muốn gặp cái sự mặt nặng mày nhẹ này nên cố dậy từ sớm cho xong, chứ họ cũng chẳng thích gì công việc này.

        Tôi thì không cố được, tôi có niềm tin riêng của tôi, tôi tin rằng việc đày đọa bản thân như vậy chỉ để chứng minh mình đảm đang tháo vát hay để người khác hài lòng là điều không cần thiết. Suốt cả những ngày Tết, phụ nữ trong nhà sẽ bận tối mắt lên xuống với làm cơm nấu cỗ, dọn cỗ, phục vụ khách khứa đến nhà dùng cơm.

        Trong khi tới lúc ngồi vào ăn họ lại phải ngồi “mâm dưới”, với toàn đám trẻ con hoặc đàn bà với nhau, nhấp nha nhấp nhổm vừa ăn vừa chạy đi phục vụ cho đám đàn ông đang khề khà uống rượu nói chuyện mồm mép chứ tuyệt nhiên không thấy giúp đỡ gì cho người phụ nữ của họ.Đi lấy thêm đồ ăn - phụ nữ lấy. Đi lấy thêm bát nước mắm - phụ nữ lấy. Đồ ăn trên bàn nguội lạnh cần đem đi hâm nóng - cũng là phụ nữ làm. Như vậy thật xấu xí.

       Bàn tiệc nên có sự điểm xuyết, đàn ông phụ nữ ngồi bên nhau, và phụ nữ được nhận lời cảm ơn, sự trân trọng về bữa cơm rất công phu họ đã nấu, được người đàn ông của họ phục vụ, chăm chút lại, thế mới đúng là ngày đoàn viên, vui vẻ đầm ấm cho tất cả mọi người.

       Những bữa cơm là nỗi kinh hoàng của tôi khi mẹ chồng chưa xong bữa này đã lên kế hoạch cho bữa sau và tất cả các nàng dâu bắt đầu quay trở lại bếp từ 2 giờ chiều để chuẩn bị cho bữa ăn buổi tối. Cho nên quanh quanh quẩn quẩn, ngày Tết là ngày phụ nữ cắm mặt vào bếp.

     Một thói quen xấuxí nữa của người Việt là “nhậu”.

Đàn ông Việt xấu kinhkhủngkhiếp trên bàn nhậu. Mặt mũi nhamnhở, đỏ tưng bừng, họ nói chuyện vô nghĩa vì rượu nói chứ họ không nói, họ chuốc nhau và uống để nâng cao sĩ diện chứ không thực sự dùng rượu như ý nghĩa thanh lịch vốn có của loại đồ uống này..

         Trên bàn tiệc, đàn ông ép nhau bằng những lời khích tướng hoa mỹ, họ hả hê khi ép được nhau uống, người lịch sự từ chối bị cho là không “hết mình”, không nể mặt người mời rượu.

        Chỉ trong vài ngày Tết, số đàn ông Việt nhập viện cấp cứu vì bia rượu lên đến hàng nghìn, những người phải nhập viện vì đánhnhau (cũng do không làm chủ được bản thân do rượu) cũng là hàng nghìn.Thật xấu xí!

           Ngày Tết là dịp gia đình quây quần, gặp gỡ họ hàng hàn huyên, thật ra cũng là dịp để họ tụ tập nói xấu nhau.Nhà người này người kia năm qua có chuyện gì, kiếm được bao nhiêu, thua lỗ thế nào cũng được mang ra thì thào bình phẩm hết. Như vậy thật tọc mạch.

       Tôi tin tài chính, những chuyện nội bộ gia đình là những chuyện riêng tư, không phải đề tài để ai đó khác mang ra “làm mồi nhậu”, đặc biệt khi họ chẳng giúp được gì.

         Khi mới sang đây tôi rất thích văn hóa lì xì của quê hương chồng trong ngày Tết.Một chút tiền trong chiếc phong bao nho nhỏ màu đó mang ý nghĩa mang tới may mắn cho người được lì xì.

        Nhưng sự thích thú nhanh chóng biến thành mất hứng khi tôi chứng kiến có những bà mẹ già tranh thủ gặp con này nói xấu con kia, trách móc nó không mừng tuổi mình hoặc mừng tuổi không nhiều, hoặc mang ra so sánh người này mừng nhiều người kia mừng ít.

       Tôi nói với chồng tôi, đất nước của anh rất xinh xắn, tươi đẹp, con người thân thiện, hiếu khách, nhưng hóa ra cũng còn thật nhiều điểm xấu, hơi… kém văn minh.Anh lại cười gọi tôi là “dâu tây” - như cách rất nhiều người Việt đã ứng xử lại với tôi mỗi khi tôi cư xử khác họ.

      Tôi không thỏa mãn với câu trả lời này, bởi xét cho cùng, dâu “loại” nào đi chăng nữa, thì cũng là vợ, là mẹ, họ lấy chồng và mong muốn một cuộc hôn nhân mang lại cho mình hạnh phúc, bình đẳng - chẳng phải vậy sao?

Sưu tầm

3 thg 2, 2024

HƯƠNG VỊ NGÀY XUÂN

 


***

        Mùa xuân đang đến trên khắp mọi miền quê hương . Cứ mỗi dịp xuân về lại gợi trong ký ức tôi những kỷ niệm khó quên về Tết thuở còn thơ.

      Hai tuần trước Tết, tôi và đứa em gái thường theo bố đi chợ hoa Sài Gòn, chợ hoa Tết chạy dài trên đường Nguyễn Huệ từ khúc đường Lê Lợi thẳng về gần bờ sông Sài Gòn. Chợ hoa thì gồm đủ loại hoa từ các nơi mang về. Sắp Tết nên chợ hoa có nhiều hoa đẹp, nào là những chậu hoa cúc vàng rộ đang khoe sắc trong nắng mai. Những cánh hoa lan muôn màu bay bay trong gió kiêu kỳ nhưng thanh nhã. Dừng lại ở một cửa hàng bán hoa mai, hoa đào. Bố tôi cẩn thận chọn mua những cành mai vàng và những nhánh đào tươi thắm. Tôi thấy bố tôi chỉ chọn nhành mai có nhiều búp vì bố tôi nói như vậy mới chưng được cả tuần lễ Tết để đón lộc may và thưởng ngoạn mai. Bố tôi giải thích thêm, nếu muốn nụ mai sớm nở, chúng ta chỉ cần hơ lửa gốc mai, thế là hôm sau hoa mai nở rộ bởi khi hơ lửa nóng, nhựa trong thân cây sẽ tăng độ chuyển về ngọn để các búp mai buộc nở hoa. Những lộc lá non trên cành hoa mai màu xanh lục, màu lam như quyện lấy những búp mai chớm nở tỏa ra vẻ đẹp e ấp nhưng thanh tao như cô thiếu nữ vừa chớm tuổi xuân thì.

       Cô bán hoa duyên dáng, mời khách, vui vẻ giải thích từng loại mai có nhiều màu khác nhau như Hoàng mai, hồng mai, và bạch mai. Mai có các loại như mai tứ quý , quế diệp hoàng mai, mai chiếu thủy...    

       Hoa đào cũng lắm loại khác nhau, hầu hết hoa đào đều có hoa kép. Ðào có 4 giống: Ðào bích có màu hồng thẫm, sai hoa là một loại đào dùng để cắm chơi trong các ngày Tết. Ðào phai hoa màu hồng nhạt cũng sai hoa và thường được trồng để lấy quả. Ðào bạch ít hoa hơn, khó trồng. Ðào thất thốn cây thấp nhỏ, hoa nhỏ và nhiều màu, màu đỏ thẫm. Hồng mai là hoa đào hay mơ, nở hoa dịp đầu xuân. Cuối cùng bố tôi chọn một cành đào bích có màu hồng thẫm để cắm chơi trong các ngày Tết.

      Hoa đào và hoa mai đã trở thành loài hoa quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam nên hầu như gia đình nào cũng chưng hai loại hoa này trong ngày Tết bên cạnh những bông cúc đại thọ vàng rực rỡ. Mai và đào chính ra cùng dòng họ, nhưng về sau các nhà thực vật học nghiệm thấy đào  hay mơ , mận và anh đào là loại ra quả, nên tách riêng dòng họ mai ra.      

      Có người cho rằng xem hoa đào hoa mai nở hoa để đoán mệnh tài lộc trong năm mới. Đêm Giao Thừa cho tới mùng một Tết, nếu hoa đào trổ bông, hoa có ba lớp trên đài, màu đỏ thắm thì việc làm ăn của gia đình trong năm mới sẽ được thuận lợi hoặc bất ngờ nhận được nhiều tài lộc. Về hoa mai, sau Giao thừa đến sáng mùng một Tết, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may, vì người xưa có câu "Hoa khai phú quý". Đặc biệt, nếu xuất hiện bông hoa 6 cánh thì chắc chắn sang năm mới sẽ có nhiều điều tốt lành đến với gia đình.

      23 Tết là ngày đón và cúng ông Táo hay thần Thổ Công, mẹ tôi đi chợ mua gà, hoa quả, hương đèn và hoa.  Tôi còn nhỏ nên chưahiểu về nguồn gốc của phong tụcnày, theo mẹ tôi kể thìTáo Quân là từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa thành sự tích hai ông một bà và thờ cúng Ông Táo với hy vọng ba vị Táo Quân sẽ giúp họ giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc, ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng.

     Ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.

        Tối 30 tết, bố tôi cùng ông nội tôi lên chùa lễ phật, xin xâm, hái lộc, rồi trở về xông nhà sau 12 giờ theo tục lệ xông nhà.  Vừa bước vào nhà, bố tôi cùng ông nội đi thẳng vào bàn thờ ông bà, khấn nguyện và mời ông bà về ăn Tết.

     Trong lúc chờ bố tôi và ông nội về xông nhà, mọi người ngồi nghỉ mệt vàcoi trực tiếp truyền hình chương trình lễ Phật tại Chùa. Mẹ tôi nói việc xông nhà rất quan trọng, bà tin rằng người nào bước vào nhà mình sau 12 giờ đêm, tức là sau giao thừa thì họ sẽ đem cái tốt hay xấu đến cho gia đình trong suốt cả năm. Năm nào mẹ tôi cũng chọn bố tôi và ông nội tôi xông nhà vì mẹ tôi bảo tính ông nội hiền lành, thương con cháu, tính bố tôi vui vẻ, có việc làm chắc chắn, có hiếu, tử tế, thương gia đình, v.v...Vả lại, mẹ tôi nói để tỏ lòng kính trọng ông nội và nhường cho bố xông nhà, bố sẽ cảm thấy vui sướng.Mẹ tôi giải thích thêm,chúng ta có thể chọn bất cứ ai xông nhà cho mình, miễnlà những người đó có tính tình vui vẻ, nhân hậu,tử tế, có nghề nghiệp là được.

       Qua giao thừa khoảng 15 phút, tiếng chuông cửa reo lên, chúng tôi chạy ùa ra cửa đónbố tôi và ông nội tôi. Năm nào cũng thế, tôi thấy trên tay mỗi người nào là nhánh lộc đầu năm, nào là trái cây trên chùa phát lộc. Bước vào nhà, cả ông nội lẫn bố tôi cười vui, chúc tụng, chúc gia đình êm ấm, hạnh phúc, mạnh khỏe, an vui. Những đứa cháu tôi reo lên mừng tuổi ông cố nội,ông nội. Bố tôi đến bên cạnh mẹ tôi, ôm và hôn nhẹ lên tóc vợ, nói rất nhỏ, "Chúc hai ta mãi mãi hạnh phúc" rổi ông ôm các con cháu vào lòng "Chúc gia đình hạnh phúc,các con thành công và các cháu ngoan ngoãn".

     Ông bà nội, bố mẹ tôi bước hẳn vào phòng khách, tiến đến trước bàn thờ Phật, đốt nhang đưa cho mỗi người một cây, xong bốn người cùng khấn nguyện rồi lậy Phật, kế đến là anh em chúng tôi.  Cúng tổ tiên xong, mọi người ngồi xuống mâm cỗ giao thừa đã xếp sẵn cùng ăn mừng đón năm mới và trò chuyện vui vẻ. Bữa tiệc đón giao thừa kéo dài 3 giờ sáng.

         Sáng mồng một Tết, bố mẹ tôi gọi anh em chúng tôi dậy sớm và chuẩn bị chúc thọ ông bà nội, hôm ấy cũng chẳng khác hơn mọi ngày cho lắm, từ sáng sớm, ông bà nội và bố mẹ tôi đã dậy sớm.  Cái khác là mọi người đều mặc quần áo mới, ông nội và bố thì mặc bộ đồ tây với áo jacket, thắt cà-vạt mầu đỏ. Bà nội và mẹ tôi mặc áo dài nhung màu đỏ đậm và đeo chuỗi hạt trai mầu trắng ngà ở cổ. Mẹ tôi trang điểm giản dị nhưng trông bà trẻ, đẹp và sang. Sáng nào Ông bà nội và bố mẹ tôi cũng muốn uống trà nóng vớibánh đậu xanh, hôm nay có thên bánh, mứt, hạt dưa, v.v...Bình trà sen bốc lên mùi thơm dìu dịu, pha lẫn cái vị ngọt của bánh mứt, khiến không khí của ngày Tết tràn ngập cả căn nhà.

         Khi mọi người đã sẵn sàngvà ai cũngmặc quần áo mới, mầu sắc tươi sáng thật đẹp. Tết năm nay anh em chúng tôi bàn nhau mặc theo y phục cổ truyền Việt Nam để làm ngạc nhiên cả nhà khiến bố mẹ tôi vừa nhìn thấy các con, cháu trong y phục áo dài khăn đống thì vui lắm.  Ông nội và bố tôi đang cầm tách trà trên tay vội đặt xuống bàn, đầu gật gù, cười lớn ra vẻ vừa lòng. Bà nội và tôi mẹ tôi đang nói chuyện cũng ngưng lại,reo lên trong vui sướng.

- Chao ôi, các con tôi xinh đẹp quá.

      Anh em chúng tôi lần lượt tiến lên chúc thọ ông bà nội và bố mẹ sống lâu trăm tuổi, khỏe mạnh và được ông bà lì xì để lấy may.  Chúc tuổi ông bà cha mẹ xong, gia đình chúng tôi chuẩn bị đi qua nhà chú Luân tôi để mừng tuổi ông bà nội ngoại, tiện thể mời ông bà nội ngoại và gia đình chú qua ăn Tết ở nhà tôi.

       Bữa tiệc của ngày mồng một Tết rất vui và đông người ở nhà tôi vì tất cả các cô chú hai bên nội ngoại đều tụ họp và về Tết ông bà nội và bố mẹ vì ông nội tôi là trưởng họ.Người thì mang bánh chưng, giò chả, hoa trái, bánh ngọt, v. v... Mấy đứa nhỏ dànhnhau mời khách, thay phiên chúc Tết để lấy tiền lì xì.  Năm nào cũng vậy, khi mọi người đã đến đông đủ, bố tôi thường chụp một tấm hình lưu niệm, chụp hình xong, mọi ngườivào bếp phụ anh em chúng tôi bóc bánh chưng và xếp mâm cỗ Tết.

        Mồng Hai là ngày lên Chùa lễ Phật, xin sâm, thăm mộ Ông Bà và họp nhau ở nhà họ ngoại tức nhà của ông chú. Anh em chúng tôi thích ngày mồng hai Tết nhất vì tiền lì xì đã có sẫn và chú hay tổ chức chơi "Bầu cua cá cọp" rất vui. Sau khi ăn tiệc xong, ông bà nội ngoại và các chú, cậu ra phòng khách dùng trà và nói chuyện, còn các cô thì ngồi nói chuyện về quần áo, nữ trang, son phấn, v.v.... Chú tôi năm nào cũng hô hào, rủ rê mọi người và xung phong làm chủ xòng...

      Thế là mọi người lớn, nhỏ đều ngồi quây quanh bàn bầu Cua Cá Cọp, kể cả các chú, tiếng la hò, cười lớn reo lên từng đợt... Mấy đứa nhỏ sợ thua hết tiền nên đòi ngồi chung với người lớn, không khí ngày Tết thật vui và căn nhà tràn ngập tiếng cười...

       Mồng Ba Tết là ngày cúng tiễn Ông Bà về Trời và đi thăm bạn bè. Từ xưa đến nay, bữa cơn gia đình vô cùng quan trọng đối với bố mẹ tôi, nên từ khi các con còn nhỏ, bố mẹ tôi bó buộc các con dù có bận rộn thể nào đi nữa, bữa cơm gia đình nhất là bữa cơn chiều cũng phải về nhà để ngồi chung với nhau.  Vì bố mẹ tôi cho rằng đây là sợi dây buộc chật sự liên hệ giữa cha mẹ, vợ chồng và con cái và cũng là nền tảng của hạnh phúc.

Sau khi cúng tiễn Ông Bà về Trời và bữa điểm tâm cùng gia đình, anh em chúng tôi mới được phép đi chơi với bạn bè.

         Thấm thoát đã 45 năm trôi qua từ ngày xa quê hương, ngày ấy tôi ra đi trong vội vã bỏ lại sau lưng nhiều kỷ niệm. Anh chị em chúng tôi mỗi đứa một phương trời, dư hương của ngày xưa êm ấm chỉ còn là trong ký ức của những ngày hạnh phúc bên gia đình, bạn bè. Xuân tha hương ở đây cô quạnh quá, lòng tôi cứ mãi cô đơn mỗi độ xuân về, thời gian hỡi, hãy trả lại cho tôi những ngày xưa thân ái...

Tân niên, an bình phú lộc đáo

Hỉ xuân, thắng lợi phát tài lai.

Hồng đào thịnh vượng vạn nhật hỉ

Hoàng mai như ý bách niên an

Khánh Lan

25 thg 1, 2024

NHỚ BẠN HIỀN









NHỚ BẠN HIỀN
***
Mỗi năm mai vàng nở
Ông đồ Cẩn lại về
Thăm cô con gái nhỏ
Và gặp bạn bè xưa
Bao nhiêu người tấm tắc
Thầm khen ông bạn già
Chẳng nề hà tuổi tác
Bay từ nước Úc xa
Về Việt Nam ăn Tết
Hẹn nhau đúng mồng hai
Họp mặt các bạn cũ
Hàn huyên chuyện lai rai
Trường xưa vẫn còn đấy
Thầy cô đã đi xa
Bụi tre già ủ rũ
Cổng trường cũng đổi thay
Năm nay mai vàng nở
Không thấy ông đồ già
Người bạn thân năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

BÀI THƠ HOA ĐÀO

 


***
Đất nước đang vào xuân ,Tết Giáp Thìn đã cận kề. Nhìn hoa đào, hoa mai rộ nở khắp nơi, Mru tôi chợt nhớ một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hộ vào thời Đường xưa của Thôi Hộ ,bài “Đề tích sở kiến xứ”. Bài thơ có hai câu cuối rất hay từng được thi hào Nguyễn Du đem vào Truyện Kiều để diễn tả mối tương quan sâu sắc giữa cảnh quan thiên nhiên và tâm tư tình cảm con người .Trong lần trở lại vườn Thúy tìm Kiều, Kim Trọng buồn man mác vì người xưa vắng bóng, chỉ thấy cảnh cũ hoa đào cười trước gió đông ngày xuân :
“ Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông ”
“Đề tích sở kiến xứ” còn có tên khác là “Đề Đô Thành Nam Trang“. Nguyên tác như sau :
題 都 城 南 莊 - ( 題昔所見處 )
去 年 今 日 此 門 中,
人 面 桃 花 相 映 紅。
人 面 不 知 何 處 去?
桃 花 依 舊 笑 春 風。
Dịch âm
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
– Thôi Hộ –
Dịch nghĩa:
Ngày này năm ấy tại cửa này đây,
Hoa đào thắm sắc má ai ửng hồng.
Má hồng nay ở đâu sao chẳng thấy,
Đào hoa năm trước vẫn cười gió đông.
***
Bài thơ chỉ bốn câu sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt, tuy ngắn gọn nhưng súc tích, hàm ý sâu xa. Nội dung bài thơ kể về một mối tình si ,tơ duyên ngắn ngủi nhưng làm người ta nhớ mãi khôn nguôi.
Chuyện kể rằng vào tiết thanh minh năm ấy, có một chàng trai dạo chơi ở phía nam Đô thành. Trông thấy một trang viên hoa đào nở rộ, sắc hoa tươi thắm, chàng ta bèn lấy cớ vào xin nước uống để ngắm kĩ hơn.
Chàng trai gõ cửa,bước vào bắt gặp một thiếu nữ thanh tú. Người con gái mang nước mời chàng trai uống, cử chỉ vừa dịu dàng vừa kín đáo làm người khách nao lòng. Uống nước xong, chàng trai cảm tạ rồi cáo biệt. Khi về nhà, chàng trai vẫn nhớ mãi hình dáng hôm ấy của người con gái, cô có đôi má hây hây hồng tựa như cánh hoa nào.
Tròn một năm trôi qua, chàng trai trở lại chốn xưa, hy vọng gặp lại cố nhân. Nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi mà chẳng thấy ai. Vấn vương ,tức cảnh sinh tình, chàng trai đề một bài thơ trên cánh cổng trước khi về.
Không lâu sau thấy lòng bồn chồn,chàng trai trở lại nghe tiếng khóc vọng ra từ trang viên. Một ông lão bước ra, vẻ mặt tiều tụy hỏi chàng trai kia có phải là người đã đề thơ lên cổng.Thì ra người con gái con của ông lão đọc xong bài thơ, nhớ thương đến bỏ ăn bỏ ngủ rồi ốm chết. Chàng trai đến ngồi cạnh xác người con gái .Nàng đã tắt thở nhưng vẻ mặt vẫn phớt hồng như hoa đào năm trước .Chàng xúc động ,cảm thương ,trách tạo hóa trớ trêu thay cho mối duyên con người .
Cũng có lời truyền rằng. Người con gái chưa hồn lìa khỏi xác, nghe tiếng khóc than của người thương thì tỉnh dậy. Từ đó hai người trở thành vợ chồng, cùng sống hạnh phúc ở đào hoa viên. Cũng từ điển tích này mà người ta hay ví gương mặt người con gái đẹp giống như hoa đào.

QUÊ TÔI Ở CHẮC CÀ ĐAO

 



Chuyện kể rằng trong một tuồng cải lương nổi tiếng, một danh hài khi được hỏi quê ở đâu, bèn đáp gọn: “Tui ở Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng”.
Câu trả lời khôi hài vậy mà lại khiến nhiều người nhớ. Nó có duyên đến mức nhiều người chưa biết Chắc Cà Đao ở đâu cũng hay đáp “Quê tôi ở tận Chắc Cà Đao” để nói rằng nhà ở xa xôi, hẻo lánh lắm. Nhưng hỏi Chắc Cà Đao là gì thì không ai giải thích được. Vậy Chắc cà đao bắt nguồn từ đâu? Chắc Cà Đao ở đâu ? Nó có phải là một địa danh nào đó ở Việt Nam hay không?
Thật ra Chắc Cà Đao có thực và là tên một địa danh thuộc Thị trấn An Châu, huyện Châu Thanh, tỉnh An Giang. Nếu bạn đi trên Quốc lộ 91 theo hướng Long Xuyên lên Châu Đốc thì đi khoản 9km gặp cầu Chắc Cà Đao. Cầu này bắt qua con kênh cùng tên. Đi qua cầu, bên phải là chợ Chắc Cà Đao (ngày nay là chợ An Châu) và các cơ quan hành chính huyện. Bên trái là làng nghề làm gập chuột và khu dân cư.
Ngày xưa, cụm từ “Chắc Cà Đao” ngoài việc được dùng để chỉ một xứ sở xa lơ xa lắc ở đâu đó tuốt dưới miền Tây, còn được ám chỉ một nhân vật “quê mùa, thô kệch” lắm . “Mặc Cần Dưng” cũng vậy, tưởng như ba cái từ để trêu chọc qua lại, ấy vậy mà nó có thật.
Thường hai cụm từ trêu ngươi ấy luôn đi liền với nhau bởi nó là hai địa phương cũng chẳng xa nhau lắm đâu :
Làng quê tên Mặc Cần Dưng
Hướng lên Châu Đốc nửa chừng cầu cao.
Dưới kia là Chắc Cà Đao,
Cách tám cây số không sao lạc đường.
Thực tế là Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng là một địa phương có từ lâu đời của tỉnh An Giang, hai địa phương này chỉ cách Long Xuyên trong khoảng 10km trở lại. Sau 1975, cả hai đều thuộc huyện Châu Thành. Mặc Cần Dưng là xã Bình Hòa, huyện Châu Thành. Sau này Bình Hòa chia thành 2 xã Bình Hòa và An Hòa. Còn Chắc Cà Đao trước là Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành. Nay là thị trấn An Châu, tuy tên không còn nhưng chiếc cầu ngay thị trấn vẫn còn tên Chắc Cà Đao, như để hoài niệm về một thời xưa cũ.
Về nguồn gốc tên gọi Chắc Cà Đao có nhiều giả thiết. Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị quốc âm miền Nam nói có hai cách lý giải:
– Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Chắc Cà Đao là do tiếng Khmer “chắp kdam” nghĩa là “bắt cua” vì vùng này xưa kia có nhiều cua.
– Nhà nghiên cứu Sơn Nam nói Chắc Cà Đao là từ tiếng Khmer “prek pedao”. “Prek” là rạch, “pedao” là một loại dây mây (trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam thì Sơn Nam nói prek pedao là rạch có cây rừng mọc).
Cụ Vương Hồng Sển cho rằng ý kiến ông Nguyễn Văn Đính đúng hơn. Có lẽ vì so với Chắc Cà Đao thì “chắp kdam” gần âm hơn là “prek pedao”. Tuy nhiên, theo cách nói của ông Nguyễn Văn Đính thì ta biết “chắp kdam” là một động từ, mà trong việc đặt tên cho các địa danh, người ta ít sử dụng động từ mà thường sử dụng danh từ hơn. Do đó, cách lý giải của nhà nghiên cứu Sơn Nam lại nghe có vẻ hợp lý hơn.
Năm mươi năm đi qua, ai không biết An Giang hiện nay là vựa lúa của miền Tây. Những chàng “Chắc cà đao” ngày nào không còn tồn tại. Vào thời buổi kinh tế thị trường, những anh nông dân An Giang đã trở thành những “cậu hai Long Xuyên” ăn chơi không kém “anh Hai Sài Gòn”. Có dịp về ngang vùng Long Xuyên, ghé lại một nhà hàng bên đường, thưởng thức những món đặc sản vùng nước nổi như ốc, rắn, chuột đồng hoặc thịt trâu hấp hèm… bên cạnh những cọng hẹ mỏng tang, cọng bông súng giòn rụm, lại được nghe tiếng đàn kìm và sáu câu vọng cổ đặc sệt Nam bộ mới thấy sự thay đổi của xứ sở này như thế nào…
Những ai đi Châu Đốc thường ngang qua địa danh này ,khởi từ Long Xuyên theo quốc lộ 91 đến thị trấn An Châu thuộc huyện Châu Thành, chỉ hơn 6 cây số sẽ gặp một cây cầu tên là cầu Chắc Cà Đao, bắc ngang qua con kênh cùng tên. Vùng đất hai bên con kênh dài hơn 15 cây số này được gọi là làng Chắc Cà Đao, nhưng bây giờ ít ai dùng địa danh có nguồn gốc Khơme ấy nữa, người ta thích dùng tên “sang” và hiện thực hơn, tùy vị trí, khi là thị trấn An Châu, khi là xã Hòa Bình Thạnh, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Tóm lại, không chỉ có thật, Chắc Cà Đao còn là vùng cửa ngõ trung tâm của huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, với tên gọi thị trấn An Châu.
.

MÙA XUÂN TRONG KÝ ỨC TÔI

 

     


                      

                                                                                                                            Nguyenuthang

        Tôi xa Hà Nội sau khi ăn Tết Giáp Ngọ 1954 .Tôi còn nhớ tháng chạp năm đó, trời tự dưng trở rét . Những ngày cuối năm thời tiết càng lạnh hơn, ngủ đắp hai lớp chăn bông vẫn còn rét. Sáng dậy bước xuống giường lạnh cóng chân tay,tôi không dám rửa mặt mà chỉ lấy khăn nhúng vào nước nóng vắt nhẹ rồi lau.Sau đó súng sính chiếc aó len dài tay mà bà nội tự tay mặc cho, tôi chạy ra cửa chùa Bà Ngô gần nhà tìm mua quà sáng.

      Trước cổng chùa, vỉa hè rất thoáng nên có nhiều hàng rong tụ họp .Thường ngày tôi hay ăn xôi. Hôm nào rủng rỉnh tiền ,tôi mới dám chạy sang bên kia đường làm tô phở .(Trời rét mà ăn quà ở Hà Nội,thì theo tôi không món nào ngon hơn phở). Móc trong túi ra những đồng hào dành dụm gom nhặt cả tuần, tôi gọi một tô chín nạm vè. Trong lúc chờ đợi, tôi thích dõi mắt nhìn ông hàng phở.Tay ông thoǎn thoắt như múa: đầu tiên ông trụng bánh phở vào nồi nước đang sôi ,xóc xóc vài cái đổ ra bát, bốc thịt bò, rắc hành ngò, chan nước dùng nóng hổi... Khi bát phở đã dọn ra trước mặt ,thằng bé tôi không ăn ngay mà ngồi hít hà mùi thơm quyến rũ của phở ,cho hương vị phở lan tỏa khắp ngũ tạng rồi mới cầm đũa .

         Thông lệ, chiều 27 tết , bà nội mới phát lệnh gói bánh chưng. Nhà nội tôi trở lên nhộn nhịp hơn bao giờ hết vì các cô chú tụ về gom gạo thịt,lá dong…để nấu chung. Đông người nên thùng nấu bánh rất lớn .Bếp nấu là những viên gạch thẻ xếp thế kiềng ba chân đặt ở sân giữa ,phía trước cây hương .Bánh nấu suốt đêm ,đến sáng mới vớt ra bày từng cặp trên cái bàn ăn lớn .Ông nội cho để một  tấm ván to lên trên và dùng hai cái cối đá to đùng để ép cho bánh ráo nước .Sau tám tiếng ,bánh chưng mới được phân chia cho những người góp nấu mang về nhà. Bao giờ tôi cũng  là người nếm bánh chưng tết đầu tiên vì cuối buổi gói ,thế nào bà nội cũng nhín tay ưu aí gói cho riêng cho thằng cháu đích tôn một cái nhỏ với nhân bánh rất đặc biệt, ngon khỏi chê .

         Sáng hôm sau,tức 28 tết ,lúc gần trưa thì bố mẹ tôi và mấy đứa em từ Hải Phòng mới đến bằng tàu hoả .Đây là cơ hội anh em tôi tụ họp chơi đùa cùng nhau . Tôi đưa mấy đứa em đi dạo chơi ngoài Giám ( Quốc Tử Giám ). Nhà ông bà nội tôi ở cuối phố Sinh Từ ( Nguyễn Khuyến bây giờ ) nên chỉ đi bộ dăm phút là tới. Ngó mãi mấy cái bia đặt trên các con ruà khắc những chữ nho ngoằn ngoèo hay chạy đuổi bắt mấy con chuồn chuồn ngô hoài chẳng được cũng chán,tôi dẫn chúng đến cái miếu nhỏ nằm ở cuối Giám .Ngôi miếu nhỏ nhưng đầy người .Chỉ nhìn qua là tôi biết đang có người lên đồng .Len lách mãi tôi cũng dắt các em lọt qua hàng rào người đứng ngồi chen chúc quanh chiếc chiếu hoa trước bàn thờ, nơi có “cô đồng “đang ngồi lắc lư  với chiếc khăn đỏ chùm trên đầu .Chúng tôi chờ cả nửa giờ thì “ cô “mới “thăng” .”Cô” nhảy tưng tưng ,múa tay vung vẩy theo tiếng đàn í e réo rắt và tiếng chiêng chập chập ,cheng cheng .Sau cả mười lăm phút ,dáng chừng mỏi “cô” mới ngồi xuống .Đây là giây phút mà tôi chờ đợi vì “cô “sẽ ban phát lộc , tức là những đồng tiền giấy mới toanh được gấp xoắn thành những chiếc quạt hay con bướm ,con chim ...Mọi người xúm lại nịnh để “cô” phát lộc cho mình .Hôm ấy “cô” vui hoặc anh em chúng tôi gặp hên hay sao mà khi hết lộc rồi “cô’ còn mở tráp lấy ra một xấp tiền mới phát thêm.Thế là nhiều người xem bữa đó ngồi gần đều có lộc trong số có tôi. Có tiền ,tôi dắt các em ra trước Giám làm mấy đĩa gỏi bò khô ,thứ quà Hà Nội ăn chơi mà ngon đáo để .Sau này ăn ở miền Nam tôi không thấy người  nào bán món gỏi bò khô có mùi vị hấp dẫn như thế. Chỉ cần nghe những tiếng kéo cắt thịt bò khô cách cách từ xa là tôi đã thèm ứa nước dãi đầy miệng .

       Sống với ông bà nội ,tôi nhận ra trong các công việc chuẩn bị đón Tết, quan trọng nhất là cúng giao thừa. Bàn thờ lễ giao thừa phải đặt ở ngoài sân . Hai bên bát nhang có hai ngọn nến trung màu đỏ. Lễ vật gồm có con gà, bánh chưng, mứt , kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu và không thể thiếu được giấy bạc, giấy tiền, vàng mã. Đặc biệt gà cúng phải là gà trống thiến và bao giờ ông nội tôi cũng tự tay cắt tiết và làm gà .Khi kim đồng hồ chỉ đúng 12 giờ, tức thì tiếng chuông chùa Bà Ngô đổ liên hồi, rồi pháo nổ không ngớt từ nhà này sang nhà khác.Ông nội tôi khăn áo chỉnh tề,bước ra trước  bàn thờ thắp nhang khấn lễ cầu xin đất trời, thần thánh phù hộ cho gia đình có một năm may mắn, bao nhiêu sự không may của năm trước hãy đi qua. Bà nội ,bố mẹ tôi và các cô chú khác lần lượt nối tiếp nhau ra đứng khấn vái , mỗi người đốt một nén nhang .

         Sau lễ giao thừa ,ông nội tôi mở một quyển sách lịch toàn chữ Tàu để chọn giờ, chọn hướng cho việc xuất hành lễ chùa và hái lộc đầu năm .Chỉ có bà nội và một vài người lớn được cho đi theo .Ông tôi vào nhà soạn bút mực chuẩn bị khai bút mừng xuân .Còn tôi và các em được mẹ dắt vào phòng , bắt phải ngủ .Mẹ bảo ngủ để ngày mai mới có sức dậy sớm chúc tết ông bà ,cha mẹ đúng giờ,nếu không dậy trễ thì “dông” cả năm .

         Năm nay xuân lại về trên khắp mọi miền đất nước .Không khí tết bây giờ khác xưa, không có tiếng pháo nổ vang nhưng trong tôi vẫn rạo rực cảm nhận sự chuyển mình của thiên nhiên , vạn vật .Tất cả đang xao động đổi thay trước thềm xuân mới .          

      Hồi tưởng lại hình ảnh những ngày tết Hà Nội năm xưa , tôi thấy lòng mình se lại. Ông bà ,cha mẹ không còn nữa nhưng tôi vẫn hình dung ra từng lời nói ,việc làm của các người mỗi khi năm hết,tết đến .Dù cho cuộc sống có thay đổi, phát triển đến mức độ như thế nào, nhưng những tập tục ,lề thói của cha ông vẫn cần được lưu giữ và truyền lại cho con cháu và trở thành truyền thống cho thế hệ mai sau. Mỗi năm trôi qua có nhiều chuyện buồn để lại nhưng cũng có biết bao cái được ,cái mới đáng nâng niu trân trọng.Vậy thì sao chúng ta không lạc quan tin yêu vào tương lai thay vì  phải buồn trước sự đột biến quá nhanh hoặc cái phản diện lai căng nào đó trong cuộc sống muôn mặt của thế giới hôm nay  ?

 

 

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..