25 thg 8, 2019

ĐỜI - C’EST LA VIE - CÁI GÌ QUÝ NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI

     ***
 Thuở còn học bậc trung học ,tôi được thầy Tường, thầy dạy môn Pháp văn của tôi dưới mái trường PBC PT ,giảng rất kỹ câu tán thán : “Đời - C’est la vie“ - “Đời mà ! Đời là thế !" Thầy minh họa cho chúng tôi bằng những thực tế trong cuộc sống và tóm kết bằng câu :”Đó là cuộc đời”. 


Sau năm 1975 , thế hệ học sinh dưới chế độ xã hội chủ nghĩa được mở rộng tầm hiểu biết về cái cao quý nhất của con người là sự sống câu nói nổi tiếng của nhân vật Paven trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế ấy” :
Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng : Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. 
Câu châm ngôn này đến nay vẫn được rất nhiều người ưa thích. 
_Vậy thì cái gì quý nhất trong cuộc đời ? Muốn trả lời câu hỏi này trước hết chúng ta hãy tự hỏi mình rằng kiếp sống con người sướng hay khổ ? 
Ông cha ta thủa trước từng khẳng định rằng cuộc sống con người khổ nhiều hơn sướng bởi từ bao đời nay con người đều khóc ngay từ ngày đầu mới sinh ra đời như cụ Nguyễn Công Trứ đã viết :

“Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì “


Thế nên đã sống trên đời rồi ai cũng sẽ phải có những trận mưa to xối xả vào cuộc sống của mình . Nhưng, nếu bạn cứ ngẩng đầu kiên định ,bất chấp khó khăn thì sẽ vượt qua tất cả.Nếu có trượt ngã và bổ nhào xuống đất bu đầu chảy máu, hãy gượng dậy ,đừng gục ngã,cứ hành động, cứ bước đi.Rồi sẽ qua đi,khó khăn nhất sẽ ở phía sau miễn bạn làm hết sức ,hết khả năng của mình. Và cuối cùng..." Thất bại là mẹ thành công". Như vậy cuộc sống con người có sướng có khổ .Ai muốn cuộc sống sung sướng thì phải chịu khổ trước đã.Song đó không phải là quy luật sống bất di bất dịch bởi không ít người lao động vất vả mà suốt cuộc đời vẫn không thoát khỏi cảnh sống cơ hàn .Nỗi khổ của họ chỉ có thể giải thích rằng “Đời là thế - Đời , C’est la vie“ hoặc trách cứ " Trời không có mắt ".
     Ấy vậy cũng không thiếu cảnh ngộ éo le cuộc đời có những người vì sống khổ quá nên không muốn sống nữa .Họ không cầu trời khấn Phật xin sống lâu,sống thọ mà xin cử thần chết mau đến với mình vì "Sống thế này thà chết sướng hơn". Không biết tự bao giờ "Câu chuyện con muỗi đực kiện Thượng đế " đã trở thành truyện ngụ ngôn trong văn học Việt Nam nhưng nó lý giải có lý có tình câu nói "Thà chết sướng hơn".Nguyên văn câu chuyện dài nhưng người viết xin được tóm tắt thế này :  

*** Câu chuyện con muỗi đực kiện Thượng đế 
Một con muỗi đực đang tà tà bay qua, bay lại thì bất ngờ, bị người kia xòe bàn tay đập cái chát.Chết, dẹp lép.Quá uất ức, linh hồn muỗi không siêu thoát được mà lại bay vút lên trời xanh, tìm đến Thượng Đế khóc lóc:
_ Thưa ngài,con có làm chi nên tội đâu mà bị loài người đập chết thẳng tay như vậy. Xin ngàicứu xét cho con được hồi sinh.
- Thế anh có chích người ta không.
_Thưa không. Hoàn toàn không. Đám muỗi đực tụi con là dân “chay trường”. Suốt đời chỉ sống nhờ mật hoa mà thôi.
Thượng đế mềm lòng:
- Thôi được, ta có thể cho anh sống lại với một điều kiện.
- Điều kiện gì, thưa ngài?
- Anh sẽ không bao giờ được “chích” muỗi cái nữa.
Anh có bằng lòng không?
Muỗi đực cúi đầu, suy nghĩ một lát, lẩm bẩm:
- Nếu vậy …thà chết sướng hơn !.!.!...! 
         Nghe chơi cho vui thôi ,tưởng là thế chứ ngãm lại xem ý sâu sắc lắm các bạn ạ . Sống trên đời người ta thiên về khuynh hướng tìm sướng bởi sống mà không sướng thì sống làm gì.Ở một vài nước nào đó trên thế giới ,được biết qua sách báo ,còn có ân huệ cho tử tội (nam) trước giờ lên máy chém ngoài bữa ăn ngon còn được phép "lên giường" với vợ hoặc một người phụ nữ bất kỳ để sướng lần cuối cuộc đời .Ở nước ta đâu đó vẫn còn có tập tục ( hay hủ tục) người vợ cưới hầu non phục vụ cho ông chồng già của mình hoặc người con trai hiếu thảo (?) dẫn bố đi chơi gái "giối già".Những sự việc ấy há chẳng phải di lụy từ lối sống hay nhân sinh quan phong kiến tích lũy lâu đời ảnh hưởng hay sao ?
      Nhưng chúng ta nỗ lực cả một đời, rốt cuộc là vì điều gì? Thực sự để hiểu được câu nói đó lại không phải là chuyện dễ dàng. Rất nhiều người ,kể cả những người nổi tiếng trên thế giới, khi sa cơ lỡ vận, tới phút cuối đời mới chợt hiểu ra mình sống vì điều gì. Câu hỏi cho vấn đề này, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đang truy tìm lời giải đáp.

      _ Chuyện về Alfred Nobel 


Cách đây rất nhiều năm, có một người đàn ông đang ngồi đọc báo buổi sáng. Chợt ông kinh ngạc tột độ khi nhìn thấy tên của mình trong mục... tin cáo phó. Hóa ra, tờ báo nọ đã có một sự nhầm lẫn khủng khiếp. Ông càng sốc hơn khi thấy tên mình xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo. Khi lấy lại được sự bình tĩnh, ông bắt đầu đọc để xem người ta viết gì về mình. 
Bản tin cáo phó đã mô tả rằng "Vua của thuốc nổ đã chết", hay "Ông ấy là thương nhân tử thần". Vì ông là người phát minh ra thuốc nổ, nên việc người ta đặt cho ông những danh hiệu ấy không có gì là lạ. Tuy nhiên, cái tên "Thương nhân tử thần" đã khiến ông phải suy nghĩ. 
"Đây là cách mình sẽ được nhớ đến ư?", người đàn ông tự hỏi bản thân. Chẳng lẽ trong mắt người đời, ông chỉ là kẻ buôn bán cái chết thôi sao? Không thể phủ nhận rằng công việc đó đem lại cho ông nhiều tiền, nhưng điều đó có nhiều ý nghĩa không, khi nhắc đến ông, người ta chỉ nghĩ ngay tới thuốc nổ, tới sự chết chóc, sự tang thương? 
       Ông quyết định rằng mình sẽ không thể để mọi chuyện diễn ra như vậy, đây không phải là điều ông muốn người ta nhớ đến ông sau khi ông từ giã cõi đời. Người đàn ông quyết định thay đổi. 
Từ hôm đó trở đi, ông bắt đầu nỗ lực hết mình để đem lại hòa bình trên thế giới. Ông viết di chúc, đem tài sản của mình để lại cho hậu thế, để vinh danh và cảm ơn những người đã có các công trình nghiên cứu vĩ đại, phục vụ cho lợi ích của nhân loại. Giờ đây, chẳng một ai trên thế giới lại không biết đến ông, đến tên của ông. Và đọc đến đây chắc hẳn quý bạn đã đoán ra người đàn ông ấy là ai rồi. Ông tên Alfred Nobel (1833 - 1896), nhà hóa học, nhà phát minh, kỹ sư, thương nhân người Thụy Sĩ, người đã khai sinh ra Giải thưởng Nobel. 
Ai sống trên đời, dù giàu hay nghèo, rồi cũng đều sẽ có ngày nhắm mắt xuôi tay, trở về với cát bụi, chẳng thể mang theo bất cứ thứ gì. Duy chỉ có một điều khác biệt, đó là hình ảnh của họ trong mắt những người còn lại. Những ký ức đó sẽ là bất tử. 
      _Chuyện về ông chủ hãng phim Kodak 
Xin được kể với các bạn một câu chuyện khác .Trên thế giới, nơi nào cũng có hiệu bán máy chụp hình và phim Kodak. Nếu các tiệm ở Đông phương đóng thì ở Tây phương mở cửa bán, tiệm ăn còn đóng cửa chứ phim Kodak thì không bao giờ nghỉ.
Ở trên tầng lầu cao nhất của tòa nhà tại New York, ông chủ hãng phim Kodak ngồi nghĩ đến các ngân hàng lớn dều có tiền của mình ký gởi, trương mục tài chánh kết sù của ông muốn lấy ra lúc nào cũng được. Tài khoản thâu nhập của ông không tính theo mỗi năm, mỗi tháng mà tính theo mỗi giây dồng hồ. Ông muốn gì cũng được cả, và có nhiều thế lực. Người nào muốn ra tranh cử ngay cả tổng thống Mỹ cũng đều phải nhờ vào sự hậu thuẩn, giúp đỡ tiền bạc của ông. Mọi thứ trên đời nầy ông dều có, mọi người thấy ông vui mừng nhưng có lần ông cho biết ông có rất nhiều sự đau khổ và bất an.
Sau cùng ông đi du lịch khắp thế giới dể khuây khỏa và hy vọng tìm được một sự bình an nào đó cho chính mình. Kết thúc chuyến du lịch vòng quanh thế giới rồi mà buồn khổ hình như lại càng nặng thêm. Tuyệt vọng và nản lòng nên tư tưởng dại dột hiện dến với ông. Trên đường trở về lại Mỹ quốc, ông đã nhảy xuống biển tự tử.
          _Xin thêm vào bài viết câu chuyện vui vui có liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn.
Một ông trùm người Trung Quốc qua đời, để lại cho vợ 1,9 tỉ đô trong ngân hàng. Bà vợ ông sau đó đã lấy người lái xe của chính ông. Người lái xe nói: "Tôi đã nghĩ tôi phải làm việc cho ông chủ mình. Nhưng giờ đây tôi mới nhận ra rằng cả đời ông chủ làm việc vất vả nhưng không phải cho ông mà là cho tôi."
     _Qua 3 câu chuyện trên đây ,các bạn thử dành một khoảng thời gian suy nghĩ và thành thật trả lời câu hỏi sau đây cho chính bản thân mình :"Điều gì thật sự quý nhất trong cuộc đời ? Sanh hay bệnh, lão, tử ? Tiền tài hay danh vọng, vật chất, tình yêu ? “
Để trả lời câu hỏi này có thể phải đề ra một câu hỏi khác mang tính định hướng :” Điều gì quan trọng trong cuộc sống của bạn ? “ Câu trả lời tương ứng được đưa ra đó chính là mục đích sống của bạn. Nếu mục đích sống của bạn là sự giàu có thì tiền bạc là quan trọng nhất. Nếu mục đích sống của bạn là có địa vị cao trong cuộc sống thì sự thăng tiến trong sự nghiệp là điều quan trọng nhất. Còn nếu đó là hạnh phúc thì gia đình và tình yêu là quan trọng nhất…Thế nhưng các bạn ơi,“Đời - C’est la vie“ - “Đời mà ! Đời là thế !" Cho nên nếu người ta hỏi một người trong cơn đói, đó sẽ là thực phẩm. Với một kẻ nào đang lạnh, đó sẽ là hơi ấm. Và nếu một ai đang cam chịu cô đơn, chắc chắn đó sẽ là sự gần gũi với người khác.
       _Thật ra, trên đời này có rất nhiều điều quý giá, khi ta đang có chúng, ta không cảm thấy gì cả, chỉ khi mất đi, ta mới nhận ra giá trị thật sự của chúng. Vì thế, điều quý giá nhất trên đời là thứ đã mất đi hoặc sắp mất đi. Chính vì thế chúng ta phải biết nâng niu, biết trân trọng những gì con đang có trong tay, biết giá trị thật sự của chúng, biết trân trọng những giây phút hiện tại và những trải nghiệm quý giá có được mỗi ngày, không để chúng mất đi rồi mới thấy hối tiếc. 
*** 
     Kết thúc bài ,người viết xin mượn "Câu chuyện bán đá" của hai thầy trò tiểu hòa thượng để chúng ta cùng ngẫm suy và rút ra bài học cho mỗi người . 
( Mời Click xem video đính kèm  bên dưới )


22 thg 8, 2019

CAO SƠN LƯU THỦY - Tuyệt phẩm được Nasa gửi vào không gian vũ trụ.





        Vào một ngày đẹp trời năm 1977, có một kiệt tác âm nhạc đã được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) gửi phát vào không gian vũ trụ qua các con tàu thám hiểm vũ trụ là Voyager 1 và Voyager 2.

Đó là tuyệt phẩm nào vậy?  
      Mời các bạn cùng chúng tôi thực hiện một chuyến du ngoạn về một vùng đất thanh khiết nhất, một nơi trong trẻo nhất không vướng chút bụi trần. Đó là tinh hoa của trời đất, của tình người tri cố, của những tâm hồn cô độc tìm thấy nhau giữa cuộc đời nhiều oan trái. Để rồi mỗi sáng thức dậy sẽ lại thấy lòng mình thanh thản và nhẹ tênh. Và lại thấy như có tiếng đàn vẫn réo rắt, du dương ngay trong chính tâm hồn mình…

Trần gian lỡ đọa ta không tiếc, 
chỉ tiếc trên trần thiếu tri âm…
     Dường như trong sâu thẳm nội tâm mỗi con người, chúng ta ít nhiều có lúc cảm thấy đột nhiên rất cô độc trong cõi hồng trần này. Chúng ta có thể có nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân nhưng ngoài tình yêu thương của người thân và chia sẻ thông thường của bạn bè thì dường như trong sâu thẳm nội tâm của con người đều có một “vùng đất thiêng” của riêng mình mà không phải ai cũng có thể đặt chân tới được.
Đó là vùng đất cất giữ bí mật riêng tư của phẩm giá, đức hạnh và cao quý, bản chất nhất của linh hồn, nhưng cũng chính vì vậy nên nó không tùy tiện được bộc lộ trong sự hỗn độn của thế gian. Chúng ta khao khát được chia sẻ nó nhưng tuyệt đối không phải vì sự ràng buộc tầm thường của cuộc sống, mà nó đòi hỏi một sự đồng điệu thiêng liêng trong tâm hồn.
Chẳng thế mà có nhà văn từng nói “Trần gian lỡ đọa ta không tiếc, chỉ tiếc trên trần thiếu tri âm”. Một người bạn tri âm chính là người hiểu được phẩm chất tốt đẹp nhất trong ta, đánh thức được nó dậy và ở cạnh họ khiến ta thấy mình là chính mình nhất.
Tìm về với Kiệt Tác Thế Giới, ngày hôm nay Đại Kỷ Nguyên dành tặng quý độc giả một kiệt tác âm nhạc, một câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử khắc họa chân thực, sâu sắc cho chúng ta hiểu thế nào là  tri âm.
Đó chính là “Cao sơn lưu thủy”, tuyệt phẩm được diễn tấu bởi nghệ nhân Thất huyền cầm nổi tiếng - Quan Bình Hồ, kiệt tác mà vào năm 1977, NASA (Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ) đã gửi phát vào không gian vũ trụ thông qua các tàu thám hiểm Voyager 1 và Voyager 2, như một ước vọng thiết tha của loài người gửi lên Thượng Đế…

Thế nào là tri âm? Câu chuyện về sự ra đời của tuyệt tác
Từ trước đến nay, ai trong chúng ta cũng nghĩ mình hiểu được tri âm là gì… Là người có thể hiểu được ta, đồng điệu với tâm hồn ta một cách sâu sắc nhất và đi mãi cùng ta trong suốt cuộc đời…
Tuy nhiên, đi sâu hơn, Tri âm - trong tiếng Hán, “tri”- hiểu biết, “âm”- âm nhạc, tức là người hiểu được âm nhạc của mình. Và khái niệm đó lại xuất phát từ chính câu chuyện lịch sử kinh điển của Kiệt tác Cao Sơn Lưu Thủy này về mối tri âm thiêng liêng giữa Bá Nha – Tử Kỳ.
Theo sách Lã thị xuân thu: “Bá Nha cổ cầm, Chung Tử Kỳ tại ngoại thiết tính chi viết: nguy nguy hồ như thái sơn, dương dương hồ như lưu thủy” (Bá Nha gảy đàn, Chung Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm, khen rằng: ngun ngút như núi Thái Sơn, cuồn cuộn như dòng nước chảy.)
Vào lúc Tấn, Sở đang giao hảo nhau. Bá Nha là người nước Sở, nhưng lại làm quan đến chức Thượng đại phu của nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một phong lưu mặc khách, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời; ngày liền đêm, Bá Nha không bao giờ rời cây Dao cầm thiết thân của mình.
Ngày liền đêm, Bá Nha không bao giờ 
rời cây Dao cầm thân thiết của mình…

         Năm ấy, trên đường từ Sở về lại Tấn sau sau chuyến công cán, Bá Nha cho thuyền đỗ lại bến Hàm Dương vào một đêm trăng thanh gió mát. Bá Nha cho đồng tử đốt lư trầm trước thuyền, rồi lấy Dao cầm ra so phím thử dây. Dưới ánh trăng trong, tiếng đàn quyện lấy hương trầm đang cất vút lên cao giữa đêm thu thanh vắng, bỗng một tiếng ” bựt ” khô khan, dây tơ đồng đứt. Bá Nha nghĩ dây đàn đứt ắt có quân tử nào nghe lén đây, bèn sang sảng cất tiếng:
– Có cao nhân nào trên bờ lắng nghe tiếng đàn của tại hạ, xin vui lòng ra mặt.
Từ trên vách núị có tiếng vọng xuống:
– Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành.


Bá Nha cười lớn:
– Tiều phu nào mà lại dám nói chuyện nghe đàn với ta?
Tiếng nói từ trên núi lại đáp lại:
– Đại nhân nói vậy, kẻ hèn này trộm nghĩ là không đúng. Há đại nhân không nhớ câu nói của người xưa: “Thập nhất chi ấp tất hữu trung tín” (Trong một ấp có mười nhà ắt có người trung tín). Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa ắt có người quân tử đến…
Bá Nha có vẻ ngượng khi nghe câu nói của người tiều phu. Biết mình lỡ lời, ông tiến sát đến mũi thuyền nói lớn:
– Nếu thật là người trên bờ biết nghe đàn, thì xin cho biết lúc nãy tại hạ đã đàn khúc gì?.
Giọng trên bờ bình thản vọng xuống:
– Đó là Khổng Vọng Vi, Đức Khổng Tử khóc trò Nhan Hồi. Phổ vào tiếng đàn, lời rằng:
Khả liên Nhan Hồi mệnh tảo vong
Giáo nhân tư tưởng mấn như sương
Chỉ nhân lậu hạng đan biều lạc
Hồi nãy, đại nhân đang đàn thì đứt dây, nên còn thiếu mất câu bốn là:
 Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.
Tạm dịch thơ:
Nhan Hồi mất sớm thật đau thương,
Tư tưởng dạy người tóc bạc sương.
Ngõ hẹp nước bầu cơm giỏ hẩm
Danh hiền lưu mãi cõi trần dương.


        Nghe xong, Bá Nha thấy lòng phơi phới lạ, vội sai tùy tùng lên bờ rước người tiều phu xuống thuyền. Bá Nha trân trọng đón tiếp:
– Quý hữu biết nghe đàn, vậy chắc cũng rõ được xuất xứ của cây Dao cầm?
Tiều phu không ngập ngừng:
– Nghe nói, thuở xưa vua Phục Hy tình cờ trông thấy có năm sắc sao rơi xuống cụm ngô đồng và chim phượng hoàng đến đó đậu. Vua biết cây ngô đồng là thứ gỗ quý, hấp thụ tinh hoa của trời đất, có thể dùng để làm nhạc khí được, liền cho người hạ cây, cắt làm ba đoạn Đoạn ngọn, tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoạn  giữa tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được.
Nhà vua cho ngâm đoạn giữa thân cây giữa dòng nước, đúng bảy mươi hai ngày đêm, vớt lên phơi trong mát cho thật khô rồi gọi người thợ giỏi Lưu Tử Kỳ đẽo thành cây Dao cầm. Dao cầm dài ba thước sáu tấc, một phần án theo ba trăm sáu mươi mốt độ chu thiên, mặt trước rộng tám tấc, án theo tám tiết, mặt sau rộng bốn tấc án theo bốn mùa, bề dày hai tấc án theo lưỡng nghị Đàn gồm mười hai phím, tượng trưng cho mười hai tháng trong năm , lại có thêm một phím phụ tượng trưng cho tháng nhuận.
Đàn có năm dây án theo ngũ hành tượng trưng cho năm âm: cung, thương, giốc, chủy, vũ. Xưa, vua Thuấn gảy đàn Ngũ huyền, thiên hạ thái bình. Khi vua Văn Vương bị ngồi tù nơi Dũ Lý, Bá Ấp Khảo thêm một dây oán, gọi là văn huyền (dây văn). Về sau, khi Vũ Vương đánh nước Trụ, thêm môt dây nữa gia tăng kích động gọi là vũ huyền (dây vũ). Do đó, Dao cầm lúc đầu có năm dây, sau có bảy dây.
Dao cầm có bốn điều kỵ là: rét lớn, nắng lớn, gió lớn và tuyết lớn; và bảy điều không nên là: không đàn ở đám tang, không đàn lúc lòng rối loạn, không đàn lúc lòng không thanh bạch, không đàn lúc bận rộn nhiều việc, không đàn lúc y trang không chỉnh tề, không đàn lúc không có trầm hương và không đàn lúc không có bạn tri âm.

Không đàn lúc không có tri âm…

      Bá Nha nghe nói, biết tiều phu là bậc kỳ tài, đem lòng kính thương:
– Hiền hữu quả là người tinh thông nhạc lý. Xưa kia, Khổng Tử đang gảy đàn, Nhan Hồi bước vào, nghe thanh âm sao mà u trầm, biết là trong tâm Khổng Tử đang dao động. Hỏi ra, mới hay là trong khi Khổng Tử đàn, thấy con mèo đang bắt chuột, nên tâm tư đã chùng tiếng tơ đồng. Trước kia, Nhan Hồi nghe tiếng đàn mà biết được lòng người thầy, còn ngày nay, nghe tiếng đàn Bá Nha này, hiền hữu có biết lòng ta đang tư lự gì không?
– Xin đại nhân cho nghe một vài khúc nhạc nữa.
Bá Nha thay dây đàn, gảy khúc Ý tại non cao.
Tiều phu ngẩng mặt mỉm cười:
– Tuyệt thay, ý chí cao vút. Ý tại non cao.

Tuyệt thay! Ý chí cao vút. Ý tại non cao

       Bá Nha giật mình ngưng đàn. Một lúc sau gảy thêm khúc Ý tại lưu thủy.Tiều phu khua tay xuống dòng nước:
– Trời nước bao la. Ý tại lưu thủy.
Bá Nha thất kinh, nhìn người tiều phu không ngớt mắt, sao lại có người cảm thấu được tiếng đàn của mình như vậỵ Ông sai người hầu dẹp trà, bày tiệc rượu. Xong, ông đứng lên trước mặt người tiều phu, kính cẩn hỏi:
– Dám hỏi tiên sinh quý danh và quê quán. Tiều phu vội đứng lên, chắp tay thi lễ:
– Tiện dân họ Chung, tên Tử Kỳ, người thôn Tập Hiền gần núi Mã Yên này. Còn đại nhân, chẳng hay cao danh quý tánh là gì, hiện đi trấn nhậm nơi đâu mà ghé thuyền lại đây vãng cảnh.
– Tại hạ họ Du tên Thụy, là Đại phu nuớc Tấn, nhân đi sứ nước Sở về, thấy cảnh Hàm Dương trăng thanh gió mát, nên ghé thuyền thưởng lãm. Tại hạ chỉ là một kẻ tài hèn đức bạc mà thôi, còn như tiên sinh đây học thức uyên bác cớ sao không xuất thân lập công danh, phò vua giúp nước, mà lại sống ẩn dật chốn núi non hẻo lánh này?


– Tôi còn cha mẹ già, không có anh em, phận làm con phải lo tròn chữ hiếu, dẫu cho công hầu khanh tướng cũng không thể đổi được một ngày báo hiếu của tại hạ.
Tử Kỳ hai mươi bảy tuổi, Bá Nha trân trọng nói:
– Tiện chức hơn tiên sinh những mười tuổi. Nếu tiên sinh không chê tôi đức mọn tài hèn thì xin kết làm anh em để khỏi phụ duyên tri âm.
Chung Tử Kỳ khiêm nhường đáp:
– Đại nhân là bậc công khanh nơi triều đình, tại hạ là kẻ áo vải chốn sơn lâm thì làm sao kết bạn với nhau được, xin đại nhân miễn cho.
– Giá trị con người đâu ở chỗ giàu sang phú quý, mà ở đức hạnh tài năng. Nay nếu tiện sinh chịu nhận làm anh em thì thật là vạn hạnh cho tiện chức.
Bá Nha đã có thành tâm, Tử Kỳ không từ chối nữa. Bá Nhà sai người hầu đốt lò hương mới, lập hương án trước thuyền, cùng Tử Kỳ lạy trời đất tám lạy, nhận nhau làm anh em khác họ, rồi hai bạn cùng đối ẩm chuyện trò với nhau rất chi là tương đắc.
Đến lúc ánh trăng nhạt nhòa, tiếng gà eo óc gọi ánh nắng mai, đôi bạn đành phải chia taỵ Bá Nha giọng run run, nhìn Tử Kỳ:
– Lòng huynh quá cảm mộ, chưa nỡ rời hiền đệ, hiền đệ có thể cùng huynh đi thêm một đoạn đường để thêm được một khúc chuyện trò cho thỏa mối tâm tình.
Chung Tử Kỳ cũng không giấu được xúc động:
– Theo lễ, tiểu đệ phải tiễn hiền huynh vài dặm đường mới phải, ngặt vì song thân của tiểu đệ đang trông ngóng ở nhà, xin hiền huynh thứ lỗi.
– Vậy thì hiền đệ về nhà xin với song đường qua nước Tấn thăm chơi, chắc là sẽ được nhận lời.
– “Phụ mẫu tồn, bất khả viễn du”, làm sao Tử Kỳ có thể rời cha mẹ để vui chơi cùng bạn được.
Cuối cùng, Bá Nha nắm tay Tử kỳ, giọng khẩn thiết:
– Sang năm, cũng vào giờ này, xin hẹn hiền đệ tại đây.
Đến lúc ánh trăng nhạt nhòa, tiếng gà eo óc 
gọi ánh nắng mai, đôi bạn đành phải chia taỵ…
       Rồi lấy ra hai nén vàng, hai tay dâng cao lên trước mặt:
– Đây là món lễ vật mọn của ngu huynh làm quà cho bá phụ, bá mẫu, đã xem nhau là cốt nhục xin hiền đệ chớ từ chối.
Cảm tình tri ngộ, Tử Kỳ không từ chốị Lưu luyến chia tay, đôi bạn bịn rịn không thốt lên nỗi lời tạm biệt.
Thấm thoắt một năm qua, ngọn gió heo may từ phương Bắc về đem mùa thu đến. Bá Nha vào triều kiến vua Tấn xin được phép về Sở thăm quê nhà. Thuyền đến bến Hàm Dương, Bá Nha cho dừng lại dưới núi Mã Yên. Lòng bồn chồn trông ngóng. Vừng kim ô đã ngả bóng xuống lòng sông, khói sóng dâng lên nghi ngút, sao mãi vẫn không thấy bạn tri âm.
Bá Nha cho đồng tử đốt lò hương, rồi lấy Dao cầm đàn một khúc. Trong cơn gió nhẹ đầu thu, Bá Nha bỗng nghe tiếng đàn của mình sao mà ai oán, não nùng. Bá Nha thất kinh, ngừng tay đàn, tâm thần rối bời; cung thương bỗng nghe sầu thảm như thế này thì chắc là Chung Tử Kỳ gặp nạn lớn rồi.
Cả đêm, Bá Nha trăn trở, nhớ thương và âu lo cho bạn. Trời chưa sáng, Bá Nha đã khoác cây Dao cầm lên lưng, bỏ vào túi mười nén vàng ròng rồi cùng vài tên hầu tìm đến chân núi Mã Yên. Dọc đường gặp một ông lão, tay xách giỏ mây, tay cầm gậy trúc. Bá Nha lễ phép thưa:
– Xin lão trượng chỉ đường đi đến Tập Hiền thôn.
– Có Tập Hiền thôn thượng, Tập Hiền thôn hạ. Tiên sinh cần đến thôn nào ?
– Thưa lão trượng, người Tử Kỳ họ Chung ở thôn nào?
Vừa nghe nhắc đến tên Chung Tử Kỳ, lão ông sa sầm nét mặt, đôi mắt trũng sâu chảy dài hai hàng lệ. Lão ông sụt sùi, giọng ngắt đoạn:
– Chung Tử Kỳ là con lão. Năm ngoái cũng vào ngày này, nó đi củi về, gặp một vị quan nước Tấn tên là Bá Nha và kết nghĩa huynh đệ vì chỗ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Lúc chia tay, vị quan có tặng cho vợ chồng lão hai nén vàng. Ở nơi núi non heo hút thế này, vợ chồng lão chưa cần đến số vàng đó, nên con lão đã dùng đổi lấy sách, đọc bất kể ngày đêm, giờ giấc , ngoài việc đốn củi mưu sinh. Có thể vì quá lao nhọc, con lão đã lâm bệnh mà qua đời…
Chưa kịp nghe hết lời, Bá Nha đã bật òa khóc, ôm chầm lấy ông lão, hậu sinh này chính là người bạn kết giao của Chung Tử Kỳ đây. Ông lão thảng thốt, trời ơi!


– Mang ơn đại nhân không chê trách cảnh bần cùng, đã cùng con lão kết nghĩa tâm giao. Lúc lâm chung, con lão đã trối trăn lại: ” Sống không trọn đạo làm con, chết xin được chôn dưới chân núi Mã Yên để trọn đạo nghĩa với bạn, nằm bên triền dốc chờ đúng lời hẹn mùa thu này” Con đường mà đại nhân vừa đi quạ phía bên phải có nấm đất nhỏ là ngôi mộ của Tử Kỳ. Hôm nay đúng một trăm ngày mất, lão vừa đi viếng mộ con về thì gặp đại nhân.
Trước mộ Tử Kỳ, Bá Nha vừa lạy bạn xong, truyền đem đàn đến, ngồi trên tảng đá tấu khúc “Thiên thu trương hận“. Tiếng đàn đang réo rắt bỗng trầm hẳn xuống. Tiếng gió ngàn rít mạnh, bầu trời trở màu tối sẩm và tiếng tiếng chim từ xa vọng về nghe u uất não nùng. Bá Nha ngưng đàn. Gió ngừng rít, trời trong sáng trở lại, chim ai oán lặng tiếng. Bá Nha nhìn Chung lão thưa:
– Tử Kỳ đã về đây chứng giám cho lòng thành của tiểu sinh. Cháu vừa đàn khúc đoản ca để viếng người tri âm tài hoa mệnh yểu, và xin đọc thành thơ đoản ca này:
Ức tính khi niên xuân
Giang thượng tằng hội quân
Kim nhật trùng lai phỏng
Bất kiến tri ân nhân
Đản kiến nhất phân thổ
An nhiên thương ngã tâm
Bất giác lệ phân phân
Lai hoan khứ hà khổ
Giang ban khởi sầu vân.
Tử Kỳ, Tử kỳ hề!
Nhĩ, ngã thiên kim nghĩa
Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ
Thử khúc chung hề bất phụ đàn
Tam xích Dao cầm vị quân tử

Dịch thơ:
Từ nhớ đến muà thu năm trước
Bến trường giang gặp bạn cố nhân
Năm nay lại đến Giang Tân
Dòng sông lạnh ngắt cố nhân đâu rồi
Buồn chỉ thấy nấm mồ bên núi
Cõi ngàn năm chia cắt đau lòng
Ôi thương tâm, ôi thương tâm
Sụt sùi lai láng bao hàng lệ rơi
Mây sầu thấp thoáng chân trời
Đêm vui đổi lấy một đời khổ đaụ
Tử Kỳ ơi, Tử Kỳ ơi!
Ngàn vàng khôn chuộc được bầu tâm can
Thôi từ nay, thôi phím đàn
Ngàn thu thôi hết mơ màng cố nhân…

        Lời thơ vừa dứt, Bá Nha nâng Dao cầm lên cao, đập mạnh xuống tảng đá. Dao cầm vỡ tung từng mãnh, trụ ngọc, phím đồng rơi lả tả. Lão ông hoảng kinh, sao đại nhân lại đập vỡ đàn quí. Bá Nha đáp lời bằng bài thơ tứ tuyệt:
Thốt đoái Dao cầm phượng vĩ hàn
Tử Kỳ bất tại, hướng thùy đàn?
Xuân phong mãn diện giai bằng hữu
Dục mịch tri âm, nan thượng nan

Dịch thơ:
Dao cầm đập nát đau lòng phượng
Đã vắng Tử Kỳ đàn với ai
Gió xuân bốn phía bao bè bạn
Khó thay tìm được bạn tri âm

Bốn câu thơ là bài văn tế cho bạn. Bá Nha quay lại phía lão ông, sụp quỳ xuống:
– Bá Kỳ Tử Nha đã y lời hẹn đến đây rồi. Nay tiểu sinh có đem theo ít nén vàng, xin thành tâm dâng lên bá phụ cùng bá mẫu để cung dưỡng tuổi già và tạo mươi mẫu ruộng làm tự cho Tử Kỳ. Bốn năm nữa hạ quan sẽ dâng biểu từ quan, về đây chung sống với bá phụ bá mẫu, với người bạn tri âm.
Chung lão không từ chối Bá Nha lạy Chung lão, lạy tạ từ bạn rồi quay xuống cho thuyền nhổ sào, trở về nước Tấn.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng những phút giây quý giá của cuộc gặp gỡ đó đã được lưu lại ngàn năm. Tình bạn của họ đã được khắc họa trong một bản nhạc kinh điển nhất của nhạc cổ Trung Hoa - Cao Sơn Lưu Thủy - bản nhạc mà Bá Nha đã chơi vào ngày gặp Tử Kỳ, được lưu truyền và được hậu nhân những người mến mộ hoàn thiện như bản nhạc đang có hiện nay.

Trong dòng đời như cát bụi, tìm đâu được người tri kỷ?

     Câu chuyện của họ đã đi vào lịch sử văn hóa, ảnh hưởng sâu sắc đến ý thức hệ của xã hội trong những năm dài của lịch sử, đã đi vào lòng người biết bao thế hệ sau này.

Vẻ đẹp vĩnh hằng của kiệt tác Cao Sơn Lưu Thủy
Mời các bạn giữ một tâm hồn tĩnh lặng để lắng nghe những tiếng lòng đồng điệu tri âm trong kiệt tác Cao Sơn Lưu Thủy.
Lắng nghe khúc nhạc, nếu thật sự không nhập tâm và tinh tế thì chúng ta không thể thấy hết cái hay cái đẹp của nó. Khúc nhạc bắt đầu bằng những thanh âm nhẹ nhàng và chậm rãi. Tiếng đàn đưa ta đến một không gian cao, rộng và thoáng đãng và mơ màng.
Ta như thấy lại hình ảnh Bá Nha năm nào đang đưa người theo điệu nhạc, đôi mắt nhắm lại và mơ về một nơi xa nào đó. Chỉ có đôi tay người nghệ sĩ lướt nhẹ trên phím đàn khi trầm khi bổng, dặt dìu, êm ái. Xung quanh là con sông chảy hiền hòa ôm vào lòng nó những dãy núi mù sương… Có lẽ đây là không gian mà ta gọi là “Cao sơn”.

                                 Ta như thấy lại hình ảnh Bá Nha năm nào...

       Rồi bỗng nhiên, nhịp đàn nhanh dần, réo rắt những dịp dồn dập nhau. Tưởng chừng như cả trái tim người nghệ sĩ cũng rung lên với nhịp thở gấp gáp. Ta lại như thấy mình giữa một khung cảnh sơn thủy hữu tình, một ngọn núi xa xa, một dòng thác chảy mạnh mẽ. Dòng nước cuộn sóng tung bọt trắng xóa.
Con nước chảy từ trên cao hòa mình vào dòng nước lớn. Khung cảnh ấy có thể hình dung là “lưu thủy”. Kết lại bản nhạc vẫn là những điệu âm réo rắt rồi nhỏ dần nhỏ dần như dòng chảy đang dần về một nơi xa lắm.
Bản nhạc không chỉ đẹp ở giai điệu mà còn đẹp như một bức tranh hữu tình. Đôi khi giữa dòng đời hối hả, dành ra một khoảng lặng để lắng nghe “Cao sơn lưu thủy“, ta lại thấy tiếng đàn như rót vào tim những thanh âm trong trẻo nhất.
Một chút gì đó hoàn toàn thanh khiết không vướng bụi trần. Đó là tinh hoa của trời đất, của tình người tri cố, của những tâm hồn cô độc tìm thấy nhau giữa cuộc đời nhiều oan trái. Để rồi mỗi sáng thức dậy sẽ lại thấy lòng mình thanh thản và nhẹ tênh. Và lại thấy như có tiếng đàn vẫn réo rắt, du dương ngay trong chính tâm hồn mình…

Mời các bạn bấm vào hình dưới để thưởng thức tiếng đàn “Cao sơn lưu thủy“ réo rắt đó :

Cao sơn lưu thủy 高山流水 - Bá Nha - YouTube
Cao sơn lưu thủy
Thiên Kim - Hà Phương Linh
Theo https://www.dkn.tv/

7 thg 8, 2019

ĐI CHÙA HƯƠNG

      Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp hơn sáu mươi năm trước, diễn tả cuộc hành trình chùa Hương bằng tâm tình ngây thơ của cô thiếu nữ mười lăm tuổi. Theo gót ông, tôi cũng đi thăm viếng chùa Hương, một giấc mơ xưa mà tôi ngỡ rằng chẳng bao giờ thành sự thật.Trang bị không phải túi thơ bầu rượu mà bằng một cái ba lô nặng trĩu, gồm hai cái máy hình, mấy ống kính và phim đủ loại. Tôi hy vọng sẽ chụp được vài tấm hình, đem về xứ Mỹ, khoe với bạn bè những hình ảnh quê hương xinh đẹp.


         Hôm qua, chân ướt chân ráo đến Hà Nội, chúng tôi đi thăm Văn Miếu. Thấy có bán mấy bộ áo tứ thân, yếm đào, thắt lưng thiên lý, khăn vành nhung tím với cái đuôi gà ngộ nghĩnh. Diễm, cô bạn đồng hành trẻ tuổi thích quá, vòi vĩnh chồng mua cho mình một bộ, để ngày mai diện đi chùa Hương, mặc vào chụp ảnh. Ẩn, anh chàng bác sĩ trẻ, hiền như bụt, lúc nào cũng cười cười, chiều vợ nên móc tiền ra chi. Thấy Diễm hồn nhiên vui vẻ, lòng tôi cũng phấn khởi vô vàn. Trí tôi tưởng tượng ra biết bao nhiêu là cảnh đẹp chùa Hương, có Diễm làm một cô người mẫu xinh đẹp. Mắt cô đen tròn, môi cô mọng. Da cô trắng như trứng gà bóc, dáng cô mình hạc xương mai... Cô thật là yêu kiều trong chiếc áo tứ thân với cái đuôi gà phất phơ bên má. Tôi sẽ có dịp tạo ra nhiều tác phẩm nhiếp ảnh để đưa cô bé chùa Hương từ thế giới thi ca, đi vào thế giới nhiếp ảnh. Mặc dầu trí óc tôi phần lớn dành riêng để mơ những giấc mộng hão huyền, nhưng giấc mộng tạo hình cô bé chùa Hương này thật đầy hy vọng. Ðêm ấy, sau khi kiểm soát đầy đủ những dụng cụ trong ba lô, tôi hy sinh, không tham dự cuộc đi chơi đêm Hà Nội. Tôi cần gìn giữ sức khỏe để ngày mai chịu đựng cuộc hành trình vất vả.

       Tôi cư ngụ gần trung tâm thành phố, khách sạn nhỏ nhưng lịch sự, sang trọng và tiện nghi không kém gì những khách sạn xứ Mỹ. Tắt đèn phòng, tôi luyến tiếc mở màn cửa sổ, dí mũi vào cửa kính nhìn ra đường để thưởng thức một chút hương vị của Hà Nội về đêm. Bên kia công viên, người đã vắng. Trên hè phố, một vài gánh hàng rong còn qua lại. Dưới đường, xe đạp, xe gắn máy không còn đông đảo như ban ngày. Ngắm phố một lúc, tôi không muốn đi ngủ nữa, đồng hồ mới chỉ chín giờ đêm, tôi lò mò khóa cửa phòng, xuống phố đi dạo một mình. Vừa bước ra khỏi thang máy, cô nhạc sĩ dương cầm nhìn lên mỉm cười, hai bàn tay trắng như ngó sen, thoăn thoắt dạo trên những phím ngà quen thuộc. Ban chiều, sau khi cô đàn bản "Lara's song" theo lời tôi yêu cầu, tôi nán lại bên cô nói chuyện tầm phào, biết được cô là giáo sư dạy nhạc, ban đêm chơi đàn cho khách sạn. Thấy cô vui vẻ, dễ chịu, các bạn tôi đã kéo đến yêu cầu cô đàn hết bản này đến bản nọ. Chú gác cửa khách sạn, mặc bộ đồng phục màu xanh biển, mũ đồng màu, trên áo có những hạt nút vàng bóng nhoáng trông ngộ nghĩnh như những chú lính trong tuồng "nutcracker". Thấy tôi bước ra, chú chạy tới chào, mở cửa cho tôi ra đường.

     Ði vòng vo qua vài khu phố, tôi kiếm được khu bán trái cây ở cuối phố hàng Giầy. Mấy chị bán hàng thấy tôi chào mời rối rít. Trái cây đủ loại bày trên những cái mẹt lớn. Nhãn lồng thơm phức cột từng chùm. Những trái thanh long đỏ hồng ngày xưa là sản phẩm đặc biệt của Nha Trang bây giờ đầy đường Hà Nội. Măng cụt, mãng cầu, sầu riêng, cam, quít và trái mơ chồng chất lên nhau. Tôi chỉ thích nhãn nên mua mấy ký, hí hửng xách về khách sạn. Sau khi ăn một bụng đầy trái nhãn, tôi lại thay áo quần, chải răng, thoải mái bò lên giường. Lim dim đôi mắt, tôi thả hồn theo ông Trang Tử, hóa thành cánh bướm trắng, chập chờn bay vào giấc mơ hoa. *
Tiếng chuông đồng hồ báo thức reo chát chúa làm tôi bàng hoàng tỉnh giấc. Mỗi buổi sáng khác, thế nào tôi cũng bịt tai, kéo chăn che kín đầu, ỉ ôi rên rỉ một hồi lâu mới lồm cồm bò dậy. Hôm nay, tôi hăng hái nhảy xuống giường, lôi tấm mền khỏi người anh Tuấn hối thúc:
"Dậy lẹ lên đi ăn sáng không thôi trễ!"
Anh hé một con mắt ra nhìn:
"Mệt quá, phải chi hồi tối đừng đi Karaoke thì đỡ biết mấy!"
Tôi ngạo nghễ nhìn anh:
"Hối hận thì đã trễ rồi, tí lên xe ngủ tiếp để có sức mà vác máy hình."
Anh giẫy nẩy:
"Thôi hôm nay anh không chụp hình, đi chơi tay không cho khỏe."
Nghe câu anh nói, lòng tôi áy náy buồn bã lắm. Tôi tiếc giùm anh những cơ may hãn hữu, sợ anh mất đi những tấm hình đẹp. Nhiều lúc anh nghe lời tôi năn nỉ, mang máy theo, bị nặng nề khó chịu, than đau lưng, đau cổ, mặt mày méo xẹo, tiu nghỉu mất vui, nên lần này tôi không dám nói năng gì cả. Tôi lẳng lặng thay y phục, khoác ba lô xuống phòng ăn. Hôm nay khách sạn chìu khách, dọn thức ăn điểm tâm từ ba giờ sáng. Thức ăn đầy đủ như mọi buổi sáng khác chỉ thiếu có món phở.            Ãn sáng xong, tôi ngồi trước phòng khách, chờ một hồi lâu không thấy Ẩn và Diễm. Tôi tự nghĩ, chắc cô bé sửa soạn kỹ quá nên giờ này vẫn chưa xong. Chỉ còn mấy phút nữa là xe tới, chị hướng dẫn áy náy đi lui đi tới trước cửa thang máy, anh Tuấn đòi chạy lên phòng ngủ để kiếm. Cửa thang máy vừa mở thì thấy Ẩn và Diễm lọt tọt chạy ra. Cô bé chùa Hương áo lụa, đuôi gà chả thấy đâu, chỉ thấy một cô bé hốt hoảng, hốc hác, bơ phờ vì mới ngủ dậy. Cô nhìn chúng tôi, bẽn lẽn:
"Bọn em quên để đồng hồ báo thức."
Ẩn thì cứ cười cười chả nói năng gì.
Xe vừa mới đến, anh Tuấn xách mấy trái chuối và phó mát đưa cho Diễm:
"Ðây, cô cầm lên xe ăn cho đỡ đói."
        Anh Tuấn dễ thương như vậy đó, khi đi chơi chung, anh không những chỉ săn sóc cho vợ mà còn lưu tâm đến tất cả mọi người.
Thấy Diễm không có thì giờ trang điểm và mặc áo tứ thân để đi chùa Hương tôi cũng hơi buồn. Diễm bây giờ mặc quần tây, áo cánh, mái tóc thề rủ dài mướt như một tấm lụa phủ ngang lưng. Mặt mày cô xanh xao thiếu ngủ, buồn xo. Cô giống như cô Nga, người thiếu nữ trong bài thơ Nguyên Sa:


Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
như con mèo ngái ngủ trên tay anh...
đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình...


       Rõ ràng là chỉ vài phút sau khi trèo lên xe, Diễm dựa đầu vào vai Ẩn, ngái ngủ như một chú mèo con.Tôi và Tuấn trèo ra tận băng cuối, không ai thích ngồi băng cuối vì sợ đường xấu xe dằn, trừ hai đứa tôi ra. Tôi và Tuấn là những kẻ phiêu lưu, chúng tôi đưa nhau đi chơi đầu ghềnh cuối bể nên chẳng sợ gì một chút xíu nhọc nhằn. Ghế trên chúng tôi nhường cho nữ nhi yếu đuối và các cụ thâm niên. Ngồi sau tôi dễ dàng quan sát những điều xảy ra trước mắt.
         Trong lúc chờ xe chuyển bánh, tôi quan sát Hà Thành bừng tỉnh giấc nồng qua cửa kính. Bên vỉa hè, những người bán hàng rong bắt đầu đến, quang gánh nhịp nhàng trên đôi vai. Một bà cụ già tóc bạc trắng, đặt hai chiếc thúng lớn bên đường. Bà lấy ra cái mẹt, xếp đặt từng bó hành ngò tươi xanh mơn mởn. Trong tiệm, sau lưng bà, một bà cụ đang làm bánh cuốn. Bà cụ này mặc áo nâu, tóc bạc quấn trong chiếc khăn vành nhung đen, quanh cổ đeo một chuỗi ngọc xanh, những hạt ngọc lớn bằng viên bi giữa ngực. Tôi nhớ rằng ngày xưa thuở nhà còn khá giả, mẹ tôi cũng có một chuỗi ngọc xanh tương tự. Sau ngày tôi di cư sang Mỹ, ba tôi mất, mẹ phải bán chuỗi ngọc để nuôi các em tôi, cho đến ngày tôi bắt được liên lạc, có thể gởi chút ít tiền về giúp đỡ gia đình. Bà cụ này chắc cũng khá giả vì có được một gian nhà ngay phố chính để làm tiệm ăn.

       Bà thoăn thoắt đổ vá bột lên tấm vải căng trên miệng nồi hấp. Tráng bột thật mỏng và đậy cái vung lại. Trong vòng ba mươi giây, bà lấy một thanh tre dài, nâng tấm bánh mỏng tanh, đặt lên cái khay nhôm. Bà lấy chút xíu nhân thịt, bỏ vào giữa tấm bột, cuốn lại tròn trĩnh. Diễn tả thì lâu lắc thế nhưng động tác của bà rất là nhanh nhẹn. Chỉ trong vòng năm phút, bà đã làm ra cả chục cái bánh cuốn trên dĩa. Nóng hổi, thơm phức mùi hành chiên. Bà mỉm cười, hàm răng đen nhánh, đặt dĩa bánh trước mặt một người khách đang kiên nhẫn chờ đợi. Có lẽ bụng đang kêu rột rột và nước dãi đang ứa đầy mồm, như cảm giác tôi đang có.



        Trên đường, các cô gái bán hoa tươi bắt đầu đến từ một chợ hoa nào đó. Các cô đạp xe đạp, mặc áo bà ba, đội nón lá. Sau lưng cô là một thúng hoa đầy. Hoa cúc vàng, hoa huệ tây, hoa hồng, thược dược. Các cô nhanh nhẹn, len lỏi qua dòng xe cộ khắp ngả đường đã tràn ngập người đi.

         Xe bắt đầu chạy, chốc lát đã ra ngoại ô Hà Nội. Dọc đường lộ, có những khu chợ nhỏ, tụ họp đông đảo. Tôi chăm chú nhìn những món hàng bày ra trên đất. Xe chạy chậm để tránh những rổ rá, gồng gánh bạn hàng bày cả ra đường. Rau cải, bầu bí, thịt tươi, cá sống, gà vịt và cả mấy con lợn nằm ọt ẹt trong rọ tre. Qua khỏi khu chợ, ruộng lúa, ao đầm trải dài hai bên xa lộ. Trời tờ mờ sáng, sương mù giăng trắng xóa, xa xa, những con đường đất nhỏ chạy giữa đám ruộng xanh. Dọc đường, hàng cây cao, thân mỏng manh, lá lăn tăn rủ lướt thướt như cây lệ liễu, nhạt nhòa trong sương sớm.
Xe chạy vun vút trên đường gập ghềnh. Lòng tôi đảo điên bối rối vì chỉ mong được dừng lại để chụp mấy tấm hình. Mỗi lần thấy mặt mày tôi nhăn nhó đau khổ, anh Tuấn lại đưa tay lên miệng ra dấu cho tôi yên lặng, đừng xin xe ngừng sợ làm phiền kẻ khác. Sau một hồi lâu, chịu không nổi nữa, tôi nói nhỏ với chị hướng dẫn nếu thuận tiện cho xe ngừng vài phút để tôi chụp mấy tấm ảnh. Anh tài gãi gãi cái đầu bờm xờm.
"Ðể tôi lui lại cái cầu hồi nãy, có mấy bụi tre, chỗ đó đậu xe rộng rãi!"
       Lòng mừng khấp khởi, tôi mở ba lô, lấy cái máy hình đeo lên cổ, len lỏi ra hàng ghế trước đứng sẵn chờ xe ngừng. Xe vừa ngừng, tôi nhảy xuống chạy một mạch lên chiếc cầu bắc ngang sông. Hai đầu cầu tre xanh mọc rậm rạp.


      Dưới sông, một cái chòi tranh nho nhỏ, nổi cao trên mặt nước, nâng đỡ bằng những nhánh tre khô. Chắc đây là chòi đựng lưới hoặc những dụng cụ làm chài. Một anh ngư phủ mặc áo quần rách rưới, chống chiếc thuyền nan nho nhỏ từ từ tiến đến bên chòi. Nghe tiếng người, anh ngoảnh mặt nhìn lại chỗ tôi đứng. Tôi nâng máy hình, bấm thật nhanh mấy tấm rồi lật đật trở lên xe. Lòng tôi buồn buồn trước cảnh quê nghèo, tôi lẩn thẩn nghĩ đến tấm áo rách vai và ánh mắt của chàng ngư phủ. Từ khi trở về quê hương, biết bao lần tôi phải nhìn những bờ vai áo rách, những chiếc nón xơ vành, những bàn chân bùn lầy nứt nẻ để xót thương cho thân phận nhược tiểu của dân tộc mình.Xe lại chạy bon bon trên đường thiên lý, chả mấy chốc trời đã sáng hẳn. Người hướng dẫn dặn dò:
"Ai có hỏi anh chị từ đâu đến thì cứ nói là ở miền Nam ra tham quan chứ đừng nói thêm gì nữa. Ai có mời mọc mua sắm gì, nếu không có ý định mua thì đừng nhìn hoặc trả giá. Dân ở đây họ hay dây dưa lắm."
       Nghe tiếng đối thoại ngoài cửa xe, nhìn ra, tôi thấy có người cỡi xe Honda, đi kèm theo xe chúng tôi, đang kêu gọi điều gì đó với anh tài xế. Chị hướng dẫn giải thích: những người chủ ghe, chạy ra tận đường lộ để tranh giành khách.
Ðến bến Ðục, chúng tôi được đưa xuống một chiếc thuyền gỗ nhỏ chút xíu, phải lót thêm mấy tấm ván ngang mới có đủ chỗ ngồi. Chúng tôi ai nấy đều hồi hộp vì thấy thuyền quá khẳm.


      Ghe rời bến Ðục, trôi ra giữa dòng nước lênh đênh. Nhà cửa hai bên bắt đầu thưa thớt. Trên dòng nhiều chiếc thuyền con lướt nhanh thoăn thoắt, mỗi chiếc chèo bởi một chị đàn bà. Các chị đội nón lá, có chị bịt mặt, chỉ chừa hai con mắt. Những người này làm việc trên dòng suối Én. Họ chuyên chở những tảng đất sét lớn, nạy lên từ dưới lòng sông bởi những chàng thanh niên đang dìm mình tận bụng trong dòng nước. Sau khi các cô cập chiếc thuyền đầy những tảng đất sét ấy vào bờ suối, một toán thanh niên khác nâng đất ra khỏi thuyền để đắp lên bờ suối. Chú lái đò cho tôi biết rằng sau một ngày làm việc, mỗi nhân công ấy được lãnh lương chừng độ một đồng rưỡi tiền Mỹ kim.Thuyền cập bến chùa Trình. Người hướng dẫn mời chúng tôi lên bờ, cúng Trình để xin phép vào chùa Hương. Các anh chị Phật tử mua hương hoa, đi van vái các bàn thờ Phật. Tôi xách máy hình rảo quanh chùa, ngắm mấy cây đa, rể dài lòng thòng, tàng lá rậm rạp. Tôi lững thững đi ngược bờ sông, dừng lại ngắm những người đắp đê. Họ cười nói huyên náo mặc dù lao lực mệt mỏi dưới nắng. Trông họ đầy sức sống, đầy nghị lực, đang vươn lên tìm sự sinh tồn.

      Trở lại bên chùa Trình, thấy mọi người hoang mang chờ thuyền. Chị hướng dẫn bảo chúng tôi:"Chủ ghe muốn đòi thêm tiền nên làm khó dễ, bắt đi bằng hai chiếc thuyền nhỏ."
Nhìn xuống bến, hai chiếc thuyền rỉ sét, nằm cạnh bên nhau, mỗi chiếc chở chừng độ bốn người, trong khi đoàn tôi gồm mười tám mạng. Chủ ghe bảo rằng mỗi chiếc thuyền nhỏ ấy chở được mười người. Chiếc thuyền lớn kia phải chở tới "ba mươi nhăm người mới lấy lại vốn." Chị hướng dẫn một lần nữa lại phải kỳ kèo, mặc cả. Sau khi điều đình tiền bạc xong thì chiếc thuyền lớn trở lại rước chúng tôi lên đường.



         Lênh đênh trên dòng suối Én, tuy gọi là suối nhưng dòng nước lớn như một con sông. Từ chùa Trình trở đi, nước bắt đầu trong như lọc, nhìn được cả rong rêu dưới đáy. Trong lòng suối có nhiều mảnh đất sói, tròn như cái mâm. Chú lái đò cho biết rong rêu những chỗ ấy bị chết vì người ta cắm điện xuống lòng suối để giết cá. Hai bên bờ suối, những rặng núi thấp, cây cối xanh tươi, lác đác vài ngôi chùa nho nhỏ, mái cong rêu phủ, ẩn hiện sau đám cây. Một rặng núi chạy dài, uốn khúc như lưng con rồng nổi trên mặt nước. Từ bờ suối đến chân núi đồng ruộng xanh tươi, chú bé phụ lái đò mới có mười tuổi nhưng tinh khôn lắm, chỉ cho tôi cách phân biệt ruộng lúa tẻ và lúa nếp. Chú nói chuyện láu lỉnh, vì chú đã ra đời sớm, sống lẫn lộn trong kiếp thương hồ, tiếp xúc với người hành hương bốn phương tám hướng.

      Thuyền trôi chầm chậm trên dòng, gió hiu hiu thổi, tiếng nước róc rách qua mạn chèo, phong cảnh tuyệt vời như những bức tranh thủy mạc.
Thỉnh thoảng tôi thấy một người câu cá, đứng đơn độc trên con thuyền nhỏ. Một chị đàn bà ngồi giặt chiếu bì bõm, trên chiếc thuyền vắt đầy những chiếc chiếu cạp điều. Thấy cảnh đẹp, tôi đứng giữa lòng thuyền để chụp hình, thuyền tròng trành làm thiên hạ la lên oai oái:
        "Coi chừng lật thuyền người ta, có cái thân bồ tượng mà
        không chịu ngồi yên, chết cả đám bây giờ.
"
        Tôi phì cười, nhìn xuống đáy suối, nước chỉ sâu chừng hơn một thước, nhưng tôi đành ngậm cười ngồi xuống. Chỉ vì đi với một đám người nhát gan mà tôi không có nhiều hình ảnh suối Én, một dòng suối thơ mộng nhất trong cuộc đời du lịch của mình.

    Tôi ngồi yên trên thuyền, nắng mai ấm trên da, thò tay ra khỏi mạn thuyền, dòng nước lùa qua kẽ tay mát rượi. Đàn chim nhỏ trong rừng ríu rít, chỉ nghe tiếng mà không thấy hình. Có những dòng lạch tách ra từ suối chính, vòng quanh co, biến mất sau rừng cây. Trong một nhánh lạch, sen hồng khoe sắc trước ngôi cổ tự. Một cặp vịt đi lạch bạch trên bờ, chợt nhảy tòm xuống nước, duỗi cánh đập nước tung tóe. Đàn vịt con theo gương mẹ, vội vã nhảy theo, có chú lật đật, trượt chân lăn cù xuống nước, những chú vịt con cũng vẫy vẫy cặp cánh nhỏ, thưa thớt lông vũ, lội quanh quẩn bên mẹ, rúc cái đầu vàng tơ óng xuống nước tìm mồi.
Thấy tôi say sưa nhìn đàn vịt, chú bé lái thuyền chỉ tay vào dãy núi xa xa, nơi có những căn lều tranh lụp xụp:
     _Dân trong ấy chuyên nuôi vịt để sống, còn trồng trọt thêm khoai, sắn, chuối để ăn.
        Một bức tranh quê đang vẽ ra trước mắt tôi. Nơi đây sông hồ lớn rộng, chim bay, cá lặn, gió thổi mây ngàn, hồn lãng tử của tôi tha hồ tung hoành, phiêu bạt.
Thuyền đi qua nhiều ngọn núi. Chú lái thuyền chỉ hòn núi nhỏ, có đám cây um tùm trên ngọn, bảo đây là "oản gà xôi." Quả thật, trái núi tròn vun như một mâm xôi, những chùm cây um tùm trên ngọn trông giống như một con gà luộc.


        Tôi bảo Tuấn:
         "Thơ ông Nguyễn Nhược Pháp có câu :  ' Qua núi oản gà xôi, bao nhiêu là khỉ ngồi...'
                                 oản gà xôi phía bên kia còn đám khỉ thì đang ngồi trên thuyền này."

          Anh Tuấn lườm tôi, ra dấu bảo đừng nói lớn, sợ các cụ nghe được thì mất lòng. Tôi cụt hứng, không ba hoa nữa, tiu nghỉu ngắm núi "con voi phục," lòng thầm khen ông Nhược Pháp, ông đặt ra được một bài thơ tuyệt vời lại chính xác địa hình địa vật. Bài thơ này có thể dùng làm tài liệu hướng dẫn chuyến hành hương thơ mộng này. Mặt trời đã lên cao, không khí bắt đầu nóng nực, thuyền cũng vừa cập bến chùa Hương.


              Dọc bờ suối, san sát những sạp hàng bán nước, thức ăn và của tế lễ. Bạn hàng thấy khách đến, nhao nhao mời mọc. Anh Tuấn mua cho tôi một chai nước uống, tôi khoác ba lô lên vai rảo bước theo các bạn đồng hành tiến lên con đường lát đá, cắt ngang một cánh rừng thưa.Ngoài cổng chùa, một dãy nhà nhỏ, trống trải, có những sạp gỗ trải chiếu hoa. Đây là dãy nhà trọ cho khách ngủ qua đêm. Mùa hội chùa Hương đã hết nên khung cảnh êm ả, vắng lặng. Tôi đi vòng quanh chùa, tò mò quan sát nhiều gian phòng thờ khác nhau, đại khái gian nào cũng có lư hương, bàn thờ, nhang đèn, tượng Phật, tượng Thần, Quan Âm Bồ Tát, ông Di Lặc, ông Quan Công, bà Thị Mầu, Thị Kính... không biết đâu mà kể cho hết! Tôi hì hục leo lên mấy chục bậc cấp, len lỏi vào các ngõ ngách quanh co. Tình cờ tôi thấy một nhà sư trẻ, ngồi lắt lẻo trên một bức tường thấp bên hông chùa. Thầy chăm chú dùng kim chỉ, vá tấm áo cà sa bạc thếch của mình. Tôi nấp trong bụi cây, kéo ống kính dài, len lén chụp hình thầy. Dường như có linh tính, thầy ngẩng mặt lên nhìn phía bụi cây tôi núp. Bị bắt quả tang, tôi bấm vội tấm hình, mỉm cười vẫy tay chào, nhảy ra khỏi lùm cây, chạy vội xuống đường chính, trước khi bị quở. Chụp hình bên xứ này tôi hay bị phê bình hoặc quở trách. Tính tôi thích chụp hình nên thấy cái gì cũng chụp, lâu ngày tánh tình trở nên lì lợm, da mặt trở nên dày dạn chai đá. Cách đây mười phút, có tên rỉa rói:

"Ðồ quỷ sứ, ăn mày đẹp đẽ gì mà cũng chụp."
       Tôi mặt mày tỉnh bơ, giả bộ mình là người Đại Hàn, chả biết thằng cha khỉ mốc kia nói cái gì mà nhi nhô loạn xị!
     Ðường từ từ lên dốc, đá mòn nhẵn, tảng thấp tảng cao, có tảng lắc lư xiêu vẹo, màu đá nâu nhạt, xám nhạt hoặc hồng, vân đá bạc chạy chằng chịt rất đẹp. Đến gần chùa Giải Oan, tôi bắt đầu cảm thấy nóng nực và mệt mỏi. Ẩn và Diễm nhảy thoăn thoắt trên mấy bậc thềm kêu tôi:
"Cô lên chùa này coi, có suối nước mát rửa mặt cho khỏe."
        Tôi nghĩ đến những bậc cấp lên chùa, lắc đầu không muốn bước. Nghỉ mệt xong, tôi cương quyết đứng lên, tiến về hướng động Hương Tích. Thỉnh thoảng tôi dừng bước, vừa nghỉ vừa ngắm cảnh núi non hùng vĩ chung quanh. Từ đường lộ chính, rẽ ra nhiều con đường nhỏ, khi lên đồi, khi xuống dốc, dẫn đưa tới những ngôi chùa xa xôi, chênh vênh, hiểm trở trên sườn núi, ẩn hiện lờ mờ trong khói sương. Tôi dừng lại quán nước bên đàng, uống trái dừa tươi, đãi chị hướng dẫn một chén chè khoai mài. Giải khát xong, tôi uể oải đứng dậy, anh Tuấn thương hại tôi mỏi mệt, tình nguyện đeo ba lô. Tôi giữ một cái máy hình bên ngoài, lâu lâu thấy cảnh đẹp, gắng gượng sức tàn, nâng máy lên bấm cò mấy cái.
      Gần đến động Hương Tích, chị hướng dẫn đứng lại bên một sạp hàng. Sau cái bàn gỗ thấp kê sát đường, một thầy đồ mặc áo dài the đen, đầu đội khăn đóng, đeo kính lão, chòm râu bạc, phất phơ đạo mạo, đang ngồi viết chữ Tàu. Tôi ngồi xuống tảng đá bên đường, nhìn những tờ sớ vàng đỏ treo trên vách trong lúc chị hướng dẫn nhờ ông viết sớ. Tôi nhớ lại bài thơ "Ông đồ già" của thi sĩ Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua...


        Vì ảnh hưởng của bài thơ này, xót xa cho ông đồ già tội nghiệp ấy, không muốn để cho "mực đọng trong nghiên sầu," tôi bèn xin anh Tuấn tiền, nhờ anh thuê ông đồ viết giùm tôi mấy lá sớ để tôi cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe cho mẹ tôi. Trong lúc anh ngồi trước mặt thầy, tôi lợi dụng "nước đục thả câu," bấm cò máy ảnh nhanh như gió.
        Rời ông đồ già, tôi cầm ba lá sớ đỏ chi chít chữ Tàu, hớn hở quên cả mệt, trèo thêm mấy trăm bực cấp nữa. May thay, đây là chặng đường cuối, qua một cái cổng đá, cửa Ðộng Hương Tích hiện ra đen ngòm dưới dốc. Trên đường xuống động, thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại, chụp hình giùm cho những khách thập phương khác.


         Ngoài động, nhan nhản những sạp hàng bán hương đèn, hoa quả, tràng hạt. Trong động, khói hương mù mịt, thạch nhũ như những giọt nến khổng lồ chảy xuống từ trên trần cao, tạo thành những hình thù kỳ bí. Không rành cung cách lễ Phật, tôi đi theo chị hướng dẫn. Thấy chị lạy; tôi cũng lạy; thấy chị vái, tôi cũng vái; thấy chị để mấy lá sớ trên bàn thờ, thắp nhang, kê lên trán lâm râm cầu nguyện, tôi cũng lật đật làm theo. Trong lúc tinh thần bối rối, tôi chỉ nhớ cầu Trời Phật cho được trúng lô độc đắc của California. Cầu xong, tôi đứng dậy, lòng tràn đầy hy vọng, bước theo chị ra đốt sớ trong một cái lò than đen đủi đặt ngay ngoài cửa động.
Trước khi rời động, tôi nhìn lên dốc, thấy bóng anh Tuấn in lên nền trời, giữa một vùng ánh sáng chan hòa. Ánh sáng viền trên những bậc đá đen chạy dài xuống tận nơi tôi đứng, tôi đưa máy ảnh lên, vội vàng thu lấy tấm hình trước mặt. Hình ảnh anh đứng trong nguồn sáng ấy có thể là câu trả lời của Trời Phật, nhắc cho tôi biết rằng mình nên vui hưởng sự bình an trước mặt, trong vòng tay che chở và săn sóc của anh chăng?

       Ðường xuống núi, mọi người vui vẽ chuyện trò, ai cũng sung sướng thỏa mãn vì trong đời mình, ít nhất cũng một lần thăm được Động Hương Tích. Anh Tuấn rất hãnh diện thấy tôi đã chiến thắng được tất cả sự mệt mỏi, lười biếng, nóng nực để hoàn thành cuộc hành hương. Anh luôn miệng khen ngợi tôi làm cho tôi rất khoái chí vì ngỡ rằng mình giỏi thật. Chúng tôi có ngừng lại nghỉ ngơi vài chặng, chiêm ngưỡng những người dân quê, gánh gồng tre, củi, tranh, nặng nề di chuyển xuống núi. Chuyện trò với du khách từ Bắc Âu hoặc châu Úc đến và giả vờ điếc khi bị một anh chàng bán chim kiểng càu nhàu vì chúng tôi không dừng lại mua chim cho hắn.Xuống thuyền rời bến chùa Hương, một lần nữa chúng tôi lại lững lờ trôi trên dòng suối Én. Tôi ngắm lần cuối cùng những rặng núi thấp chung quanh. Mùi nắng nồng nàn thơm da thịt, mồ hôi mặn chảy trên mắt môi. Gió chiều hiu hiu thổi làm mọi người buồn ngủ, mắt lờ đờ. Không ai hào hứng trò chuyện nữa vì đã thấm mệt. Tôi cất máy vào ba lô lặng lẽ ngắm những cô thiếu nữ chèo thuyền thoăn thoắt xuôi ngược trên dòng. Tôi liên tưởng đến những con dã tràng miệt mài xe cát, những con kiến lửa cặm cụi kéo hạt cơm, thời còn bé tôi thường say sưa nhìn ngắm. Đời những con dã tràng và con kiến ấy sẽ đi về đâu? Đời những người con gái ấy sẽ đi về đâu.



     Ngày mai, tôi đi về khung trời mênh mông khác, hành trang là kỷ niệm, và xấp hình ảnh quê hương. Một ngày nào đó trong đời, nhìn lại mấy tấm ảnh xưa, chắc thế nào lòng tôi cũng xao xuyến não nề, vẩn vơ tự hỏi:

              Hỡi người muôn năm cũ
              Hồn ở đâu bây giờ?

       Hình ảnh cô bé chùa Hương vẫn là một bóng hình bất diệt trong tâm tư tôi. Ngày xưa, cô đi đôi guốc cao trên lối đời mộng tưởng. Ngày nay tôi đi giày Reebok, vai đeo máy hình, tha thẩn mấy dặm đường quê. Tôi cũng như cô, nhưng mỗi người dệt riêng một giấc mộng.
______________________________________________________________
Mời Nghe Bài hát "Em đi chùa Hương"
https://www.youtube.com/watch?v=iAm47PwPmRI

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..