26 thg 7, 2020

CÂY CẦU SẮT PHAN THIẾT TRONG KÝ ỨC TÔI

          
            Hồi mới đến sống tại Phan Thiết,tôi lạ lẫm và khó chịu với mùi nước mắm bởi nó hiện diện khắp mọi nơi trong thành phố. Đi từ Sài Gòn ra, mới đến “Căng” (tên cũ chỉ một doanh trại có từ thời Pháp ) ,thuộc địa phận phường Đức Long bây giờ ,tôi đã ngửi thấy mùi nước mắm rồi. Nhưng thời gian đã giúp tôi quen dần, không chỉ chấp nhận chung sống mà còn cảm nhận đó là cái mùi thơm rất đặc trưng chỉ có ở thành phố biển Phan Thiết và mỗi khi đi xa tôi lại thấy …nhớ.
        Nhưng cây cầu sắt Phan Thiết mới để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên hơn cả.Sau này lớn lên,tìm hiểu qua sách báo,tôi được biết cầu sắt Phan Thiết đã đi vào lịch sử của thành phố và là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn thi sĩ cùng khách du lịch.
        Thuở bé học tại trường Nam tiểu học Phan Thiết,mỗi ngày tôi phải đi qua cầu sắt bắc ngang sông Cà Ty.Cây cầu sắt kiên cố nhưng dầm cầu lót bằng những thanh gỗ từng gây cho tôi cảm giác ơn ớn mỗi khi đi qua.Nguyên do bởi những chiếc bù loong qua lâu ngày mưa gió bị sét rỉ lỏng ra khiến những thanh gỗ xộc xệch kêu lọc xọc mỗi khi xe cộ chạy ngang.Gặp lúc có ô tô chạy, khung cầu sắt rung rung ,tôi nín thở nhìn phía trước mà đi chẳng dám ngó xuống sàn cầu bởi chúng được lót bằng những thanh gỗ rời cách nhau vài phân mét nhìn xuyên thấu xuống tới mặt nước sông.
          Những ngày nghỉ học,tôi hay đến chơi dưới chân cầu vì nhà tôi ở cách cầu không bao xa,trong hẻm 150 Nguyễn Hoàng ,ngay sau Kho bạc thành phố.Tôi thường mò mẫm các hốc đá lượm vỏ sò hoặc bắt còng.Hôm nào có mồi, tôi leo lên tảng đá cao gần chân cầu câu cá. Đồ nghề của tôi chỉ là mươi thước dây cước quấn quanh cái lon sữa bò và mồi là những con giun đất đào ngay trong vườn bông,mé sau Tháp nước cao vợi mà thời bấy giờ chúng tôi cứ gọi theo tiếng Tây là “Sa-tô-đô“ ( Château d’eau ). Trên lưỡi câu tôi cột một cái khoen bù lon,nắm chặt chiếc lon,huơ tay lấy đà rồi quăng mồi câu ra xa.Khi nghe tiếng tõm, thấy dây cước căng là việc quăng câu hoàn tất ,tôi ung dung ngồi ngắm cảnh xe cộ qua cầu hoặc thả hồn theo dòng nước sông Cà Ty lững lờ trôi.Chờ đến khi dây câu căng giật vài ba cái, tôi mới đứng lên kéo mạnh dây và cuộn thật nhanh để kéo cá vào.Thành quả thu được không giá trị lắm vì cá mắc câu đa phần là cá chốt, cá lòng tong nhỏ…Vui là chính nên tôi thường thả chúng xuống sông trước khi ra về . Hoạ hoằn hôm nào, được con cá bống hay cá đối, tôi mới hý hửng mang về khoe mẹ.
        Thuở mới đến Phan Thiết ,tôi được một ông lão hàng xóm kể rằng trước đây thành phố duy nhất chỉ có một cây cầu bắc qua con đường cái quan huyết mạch giữa thành phố với tên gọi cầu Quan.Cầu Quan ban đầu làm bằng gỗ.Sau bị trận lũ lịch sử năm Thìn 1952,cầu gỗ bị cuốn trôi ra biển. Một cây cầu sắt dầm cầu lót gỗ được dựng lên thay thế.Ban đầu chưa có lối đi dành cho người đi bộ.Lòng cầu hẹp chỉ một chiều đổi phiên qua lại dưới sự chỉ huy của cảnh sát đứng ở hai đầu cầu.Mấy năm sau ,hai lối đi dành cho người đi bộ được cơi nới ở hai bên thành cầu.Nó tồn tại hơn chục năm sau ngày đất nước được thống nhất.
           Trong thời kỳ Phan Thiết đổi mới, năm 2002 tỉnh Bình Thuận đã cho xây một cây cầu mới hiện đại hơn. Cầu được làm bằng bê tông cốt thép,thiết kế kiểu cách dây văng hiện đại. Cầu được đặt tên mới là cầu Lê Hồng Phong, cùng tên với con đường nối nhịp cầu đi qua.
        Ngoài cầu Lê Hồng Phong, dòng Cà Ty còn có cầu Trần Hưng Đạo và cầu Dục Thanh. Cầu Trần Hưng Đạo được xây dựng vào năm 1972 và tồn tại cho đến bây giờ. Còn cầu Dục Thanh ,người dân địa phương vẫn thường gọi là cầu Mỹ vì do công binh Mỹ xây dựng từ trước năm 1975. Sau giải phóng,tỉnh Bình Thuận xây lại, đặt tên mới là cầu Dục Thanh.
          Tôi xa Phan Thiết giữa năm 1963, năm học cuối của tôi tại trường trung học Phan Bội Châu. Gần 60 năm trôi qua ,Phan Thiết có biết bao thay đổi ,trường xưa còn đó nhưng thầy cô xưa,bạn bè cũ chẳng còn mấy người .Cây cầu sắt Phan Thiết không còn nữa nhưng hình ảnh cây cầu đó sẽ còn sống mãi t
rong ký ức tôi .
          Những năm gần đây,mỗi lần ghé qua Phan Thiết trên đường đi Đà Lạt nghỉ mát với gia đình ,tôi thường chọn mấy quán ăn bờ sông gần cầu Lê Hồng Phong để dùng cơm và nghỉ trưa. Dùng bữa xong,tôi ra bờ sông phóng tầm mắt ra xa ôn lại những kỷ niệm ngày xưa . Tháp nước vẫn còn đó ,nó không hề đổi thay nhưng cây cầu sắt ngày  nào đã được dựng lại theo lối kiến trúc mới .Lòng tôi tràn dâng nỗi xúc động và nhung nhớ. Cảnh vật, cuộc sống con người Phan Thết hôm nay có quá nhiều đổi khác.Bùi ngùi xót xa trước cảnh biển dâu tôi chợt nhớ đến câu “Tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền” của người xưa .Bên tai tôi như vẳng nghe tiếng lòng của nhà thơ Trần Tế Xương vọng về : 
                                                     Sông kia rày đã nên đồng
                  Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai  
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
            Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

                                                       (Sông Lấp )
           
                      Mru Thăng
                                                                                               

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..