28 thg 12, 2018

CHƠI BÀI TỔ TÔM VÀ ĐÁNH CHẮN

 CHƠI BÀI TỔ TÔM     

                  Làm trai biết đánh Tổ Tôm 
          Uống chè mạn hảo, xem nôm Thuý Kiều   


Chơi bài tổ tôm một thú chơi tao nhã

Chơi bài Tổ tôm là thú chơi đã có từ lâu đời của người Việt Nam. Lối chơi này được du nhập từ Trung Hoa vào ta rồi dần dần trở nên Việt Nam hóa, được người xứ ta yêu mến bởi đây là một trò chơi trí tuệ, tao nhã, lại rất bài bản và không có nhiều yếu tố may rủi như một số trò chơi khác. Bởi thế, nó được dân gian coi như thú chơi tập thể, kể cả việc dùng người thay cho con bài hoặc quân cờ. Và vì vậy, chơi Tổ tôm đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân ta, nó khác hoàn toàn với lối chơi cờ bạc đỏ đen của những kẻ xấu đã và đang làm vẩn đục xã hội.
Lối chơi Tổ tôm phong phú và hấp dẫn giúp rèn luyện trí óc và sức bền tinh thần, có cao thấp rõ ràng và sau cùng, thú chơi Tổ tôm đã được đi vào văn chương cùng ngôn ngữ dân tộc. Nếu cờ Tướng có bài thơ Đánh Cờ Người của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thì Tổ Tôm có loạt bài Phú Tổ Tôm (Văn Đàn Bảo giám) với các tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ… Những cụm từ “Gàn Bát Sách”, “Phỗng tay trên”, “Một ly Ông Cụ", “Lính Cửu Vạn”… của đời thường đã được lấy ra từ ngôn ngữ của Tổ Tôm

Xuất xứ của bài Tổ tôm
Tổ tôm được đi vào nhiều văn thơ ca dao, tục ngữ Việt Nam và được xem là môn giải trí giân dan được yêu thích nhất. Người Việt xưa thường nhìn vào lối chơi bài tổ tôm của một người và đánh giá tác phong quân tử, do trong luật chơi bài thể hiện rõ nét được chiến lược của và đề cao trí thông minh của người chơi, do đó đa số người chơi tổ tôm là nam giới. Bài tổ tôm còn được gọi là Tụ tam tức là dùng để chỉ Văn, Sách, Vạn trong chơi bài. Bài tổ tôm được người Việt chơi từ rất nhiều năm trước và đến ngày nay thì cũng còn rất nhiều trai làng yêu thích trò đánh bài này và thường được chơi trong những dịp Lễ, Tết. Cũng có tài liệu nói rằng Tổ Tôm xuất phát từ Nhật Bản do các hình vẽ đều là hình vẽ theo kiểu của Nhật, theo lối tranh mộc bản (mokuhan) đơn giản và tất cả các nhân vật đều mặc "Kimono" thời Edo (trước khi Nhật hoàng Minh Trị lên ngôi và trị vì 1868-1912), trong số này có 18 hình đàn ông (có 8 người bó chân), 4 hình phụ nữ và 4 hình trẻ em. Các hình cá chép, trái đào, thành, thuyền cũng là những hình ảnh rất Nhật.Tuy nhiên đây chỉ là sự phỏng đoán mà chưa có bất kỳ tài liệu nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ của trò chơi này là từ Nhật Bản

Hướng dẫn chơi bài tổ tôm

Bộ bài tổ tôm gồm có 120 lá bài, những lá bài được làm từ bìa cứng có mặt sau giống hệt nhau để tránh người chơi phân biệt bài của nhau. Tổng cộng quân bài có 40 quân mỗi loại Vạn, Văn và Sách, mỗi lá bài đều được viết bằng chữ Nho (không phải chữ Tàu đâu nhé bạn), kiểu chữ Nho hiện nay không còn thịnh hành nên người chơi có thể học theo người xưa cách ghi nhớ là “Vạn vuông, Văn chéo và Sách thì loằng ngoằng” nhé, theo câu này thì bạn có thể dễ dàng hình dung, nói chung mỗi quân bài được viết Vạn (萬), Văn (文), Sách (索) như vậy đây này,
Cách chơi, luật chơi tổ tôm dành cho người mới - Hình 2

Luật chơi Bài Tổ tôm


Trong khi chơi Tổ tôm, những người có học, hay chữ còn thả thơ, lẩy Kiều... khi đánh 1 quân bài. Tỷ như khi đánh quân Ngũ sách (có vẽ hình 1 chiếc thuyền buồm ) thì đọc:
Thuyền tình vừa ghé tới nơi
Thì đà trâm gẫy, bình rơi mất rồi

Hay khi đánh quân bài Nhị vạn (có vẽ hình 1 cành đào) thì đọc:
Dấn thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung

Người chơi còn tâm đắc kể cho nhau nghe giai thoại về Cao Bá Quát đánh tổ tôm với vua như sau:
Chuyện kể rằng vì mến tài văn chương của Thánh Quát nên vua Tự Đức hay cho gọi Quát vào cung hầu tổ tôm, nói chuyện văn thơ. Một bữa, khi quân chi chi vừa dậy; vua vỗ đùi hô to:"Chi nẩy!".Các quan trong hội tổ tôm đều kinh hãi nhận ra vua hô nhầm. (Theo luật Tổ Tôm :-Ù chi nẩy chỉ xảy ra khi duy nhất bài chỉ chờ đúng 1 tiếng chi chi thôi. Nhưng lần này, bài của vua còn chờ cả tiếng Ngũ sách nữa. Đúng ra, vua chỉ được hô :"Có lèo" thôi). Mọi người biết vậy nhưng không ai dám bắt lỗi vua. Duy chỉ có Cao Bá Quát vốn tính khảng khái quyết chỉ ra lỗi bắt vua phải:"Chèo đò"là lỗi ù nhỏ hô to (Một lỗi nặng trong luật Tổ Tôm là bị xóa hết điểm đã được từ đầu hội và cả ván ù tiếp theo nữa mới được trả đò. Ví như lỗi thẻ đỏ trong bóng đá). 
        Tất nhiên, trước sự bình đẳng trong bài bạc, vua phải chấp hành nhưng trong bụng không vui.Ít lâu sau, Quát làm chủ khảo bị phạm trường quy tại Quy Nhơn đã để cho 1 thí sinh giỏi nhưng bài bị phạm húy được ưu ái chấm đỗ. Lỗi ấy lẽ ra chỉ bị tội đồ (nọc ra đánh rồi đày đi biệt xứ). Nhưng Cao Bá Quát bị tống ngục rồi xử trảm. Ngồi trong ngục, Quát dò lại nguyên nhân chính dẫn đến mình bị tăng án quá nặng là bài Tổ Tôm ngày nào hầu vua và ghi lại như sau:

Vạn tam đáo cửu, song lục thất
Sách bát hoàn tam ngũ chí không
Văn tam tứ tứ dư lục thất
Độc cụ vô thang, khởi binh đao

Trừ 3 từ cuối là nguyên nhân việc chém chết mình còn cả bài thơ là bài Tổ Tôm của vua hôm đó:
- Hàng vạn có từ tam vạn đến cửu vạn, trong đó có 2 quân lục vạn và thất vạn
- Hàng sách có từ bát sách đến tam sách nhưng không có ngũ sách
- Hàng văn có tam văn, 2 quân tứ văn và thừa ra lục thất văn
- Hàng yêu có 1 quân ông cụ, không có thang thang
Thế chẳng phải là Tổ Tôm quá độc đoán và phong kiến sao? Các thông tin trên tôi sưu tầm được từ Đại tá Đặng Ngọc Lâm-Hiệu trưởng Trường Văn hóa Quân khu II khi tôi còn tại ngũ làm công tác giảng dạy ở đó. Số là những năm 80, Ban Giám hiệu trường VHQKII có Trung tá Hoàng Trung Hiếu - Hiệu phó nghỉ hưu làm thiếu mất 1 chân trong hội Tổ Tôm của họ, thế là tôi được huấn luyện để thế vào chân ấy. Nhằm gây hứng thú cho tôi học luật, thủ trưởng bèn kể những cái hay, cái thú của Tổ Tôm. Nó rất thú vị và chặt chẽ kể như các vị quan tâm xem luật của nó sau đây.

Giới thiệu quân bài Tổ Tôm

Kết quả hình ảnh cho chÆ¡i tổ tôm là gì Một cỗ quân bài Tổ Tôm gồm có 120 quân bài. Nhưng thực ra chỉ gồm 30 loại vì mỗi loại có 4 quân bài giống nhau.Các quân bài được ghi tên bằng chữ Hán, viết cách điệu theo lối thảo (Cách viết thêm râu, thêm nét trông như rễ búi cỏ). Tên 1 quân bài được cấu thành bởi 2 chữ ghép lại: gồm hoa và số.
- Trước hết nói về hoa:gồm có 3 hoa là Văn, Vạn, Sách
- Về số gồm 9 số từ nhất, nhị, tam... đến cửu.
Hai thành tố trên ghép lại thành 27 loại quân bài từ nhất văn, nhị văn, tam văn... đến bát sách, cửu sách.
Ngoài ra còn có 3 loại quân bài đặc biết gọi là yêu: Đó là: 
-Thang thang: có hình vẽ người đàn bà cho con bú
- Ông cụ :có hình người già chống gậy
- Chi chi:có hình người cầm 2 quả chùy.
Tên gọi các quân bài Tổ Tôm từ trái qua phải:
- hàng thứ nhất: Ông Cụ, Thang Thang, Chi Chi (hàng yêu); Nhất Vạn, Nhất Sách, Nhất Văn; Nhị Vạn, Nhị Sách, Nhị Văn; Tam Vạn, Tam Sách, Tam Văn.
- hàng thứ nhì: Tứ Vạn, Tứ Sách, Tứ Văn; Ngũ Vạn, Ngũ Sách, Ngũ Văn; Lục Vạn, Lục Sách, Lục Văn; Thất Vạn, Thất Sách, Thất Văn.
- hàng thứ ba: Bát Vạn, Bách Sách, Bát Văn; Cửu Vạn, Cửu Sách, Cửu Văn.
- Theo tiếng Hán Việt thì Nhất = Một, Nhị = Hai, Tam = Ba,...Cửu = Chín. Những cây Yêu như Ông Cụ, Thang Thang, Chi Chi được xem như tương đương với các cây Nhất.

Các khái niệm của bài Tổ tôm

1-Phu:
 là 1 bộ quân bài thường tập hợp từ 3 quân bài trở lên được sắp xếp theo 3 quy tắc sau đây:
_Phu dọc: gồm các quân bài cùng hoa nhưng có số liên tiếp.
Ví dụ như:
- Nhất sách, nhị sách, tam sách....
- Tứ văn, ngũ văn, lục văn, thất văn...
- Ngũ vạn, lục vạn, thất vạn, bát vạn, cửu vạn..
_Phu ngang (còn gọi là phu bí):Gồm các quân bài cùng số nhưng khác hoa.
VD:
- Nhị văn, nhị vạn, nhị sách
- Tứ văn, tứ vạn, tứ vạn, tứ sách..
- Lục văn, lục vạn, lục sách, lục sách...
_ Các quân yêu cũng là phu
2-Khàn
Gồm 3 quân bài giống nhau cùng loại nhận được khi chia bài
3-Thiên khai
gồm 4 quân bài cùng loại được khi chia bài
4-Lưng:
 là phu đặc biệt được quy định như sau:
-Có đủ 3 hoa nhưng tổng số hàng văn cao hơn so với số cuả hàng vạn sách bằng 10
- Cửu văn, nhất vạn, nhất sách
- Bát văn, nhị vạn, nhị sách
- Thất văn, tam vạn,tam sách (còn được gọi là tôm)
-Nhất + nhị + tam văn
-Cửu vạn, bát sách, chi chi (còn được gọi là lèo)
-Cửu vạn, cửu sách, thang thang
-Cửu sách, thang thang, ông lão
-Khàn
-Thiên khai
5. Cạ: 
Là 1 bộ thiếu 1 quân nữa mới thành phu (Quân thiếu ấy gọi là chờ). Tỷ dụ như:
- Nhất sách, tam sách (chờ nhị sách)
- Tứ vạn, lục vạn, thất vạn (chờ ngũ vạn)
- Cửu sách, thang thang (chờ cửu vạn,hoặc chờ ông cụ)
- Ngũ văn, lục văn, bát văn, cửu văn (chờ thất văn-Trường hợp chờ thành phu dọc 5 quân tương tự như thế này gọi là chờ xuyên 5 gian)
- Thất sách, thất sách (trường hợp chờ phỗng tương tự như thế này hoặc chờ 1 quân bài cuối cùng gọi là bạch thủ)
6.Bài chờ
:là bài có toàn bộ các quân đã vào phu gần hết chỉ còn 1 cạ cuối cùng để hoàn thành và có đủ 3 lưng
7.Bài thành:
 là bài có toàn bộ các quân bài đã vào phu và có đủ 3 lưng chỉ còn chờ quân sắp ra nằm trong các phu (gọi là chạm thành)
8.Bài ù:
 là bài hội của 2 điều kiện cần và đủ sau đây:
-Điều kiện cần: Toàn bộ các quân bài đã vào phu và có từ 3 lưng trở lên
-Điều kiện đủ: Quân bài vừa lên thì bài thành hoặc chạm thành như đã nói ở mục 6.7
9.Tôm
Như đã nói ở tiết 4.1
10.Lèo:
 Như đã nói ở tiết 4.3
11.Thông:
 là ván ù liên tiếp từ lần thứ 2 trở đi
12.Thập điều 
(còn gọi là thập hồng): Bài ù chỉ có 10 quân đỏ
13.Bạch định
-Bài ù chỉ toàn quân trắng
14.Kính cụ
-Bài ù chỉ có quân ông cụ là đỏ còn lại là quân trắng
15-Kính tứ cố:
 Bài ù chỉ có 4 quân ông cụ là đỏ còn lại là quân trắng
16.Chi nẩy:
 Bài ù khi chi chi ở nọc mới lên. Thêm điều kiện bài chỉ chờ 1 tiếng như đã nói ở mục Nhập môn.
CÁC QUY TẮC KHI CHƠI BÀI Tổ tôm
1. Số người chơi:
Một hội Tổ Tôm nhất thiết phải có 5 người chơi. Nếu thiếu sẽ không thành. Trường hợp bất đắc dĩ chỉ có 4 người chơi thì chỉ chơi tạm (gọi là bí tứ). Khi đó phải bỏ 1 phần bài sẽ mất hay.
2. Chia bài:
Vào hội, mọi người tôn trọng người cao tuổi nhất trong hội được mời rút 2 quân bài để tính tổng rồi chia đồng dư 10 nhằm chọn người chia bài (Tỷ dụ cụ rút được quân thất vạn và quân ngũ văn thì có tổng 12 chia 10 dư 2; sẽ đếm từ tay phải cụ (vì chơi tổ tôm theo thứ tự vòng tròn đến người thứ 2 sẽ được chia bài)
Bài được chia thành 6 phần theo vòng tròn và được úp sấp. Chia xong, người chia bốc 1 phần bất kỳ, rút ra 2 quân để tính phần bài cho mỗi người theo thứ tự. Sau đó phần bài đó được úp lên đĩa nọc.
3. Xếp bài trên tay:
Tùy cách xếp cho tiện việc đánh và theo dõi (thường xếp theo hình nan quạt. Quân yêu được xếp thụt xuống tâm, 2 quân giống nhau chồng và rút cao hơn cho dễ nhìn để "phỗng". Các quân đã và sắp thành phu xếp cạnh nhau) nhưng nhất thiết phải tuân theo quy tắc sau:
a-Khàn phải úp sấp xuống chiếu cho đến khi có quân thứ 4 ra mới dậy khàn. Trường hợp tính thấy lợi khi khàn kéo theo được 2 phu thì được để trên tay ,nhưng phải hô: "Có 1 khàn bất thực" và xin cho 1 chiếc chén úp sấp trước mặt để đánh dấu. Nếu có quân trong khàn ra phải hô: "Dậy khàn"và lật ngửa chén. Khi ù phải hô: "Bất thực 3 con (quân gì) ăn cả (nếu đã đánh đi thì hô:"Ăn 2 đánh 1"trả chén làng!". Nếu không sẽ bị phạt lỗi thiếu quân "Khê khàn".
b-Thiên khai: Phải úp sấp xuống chiếu nhưng khi thấy có người bắt đầu đánh quân bài đầu tiên sẽ hô "Thiên khai 4 quân (gì) đồng thời lật ngửa quân bài dưới chiếu lên.
c-Khi ăn quân có cùng loại thì phải hạ quân bài trên tay xuống chiếu kẻo phạm lỗi:"Treo tranh trái vỉ"
4. Xếp bài dưới chiếu:
-Khi mới bắt đầu chơi, phần chiếu trước mặt gồm có các khàn, thiên khai (nếu có như đã nói ở trên). Có thể úp các quân yêu xuống nếu thấy nhớ được.
-Khi ăn quân phải hạ các quân trên tay xuống theo phu. Trường hợp có quân trùng với quân được ăn phải xếp lên trên hoặc xuống dưới cùng kẻo phạm lỗi "Kẹp cổ"
5. Đánh bài:
-Trước khi đánh bài, việc đầu tiên phải làm đó là:"-Tiền điểm binh, hậu điểm bối" có nghĩa là đếm số quân bài xem có đủ 20 quân không (kẻo khi ù thừa hoặc thiếu quân sẽ bị phạt rất nặng) rồi mới đánh.
-Khi sắp ù phải xem có quân nào dư (bất thành phu) không ? Đã có đủ 3 lưng chưa? để tránh lỗi chèo đò.
-Đánh quân bài nào thấy có lợi (quân bài dư hoặc tính người dưới cửa không ăn được hoặc người khác không ù được....) cho người liền kề bên tay phải.
-Khi quân bài của người bên trái đánh cho nếu không ăn được thì hô: "-Xin 1 quân" để người phụ trách nọc rút cho quân khác. Nếu ăn được quân mới có quyền đánh còn không thì sẽ mất lượt.
6.Trường hợp ưu tiên (cướp cái):
-Phỗng: Khi thấy quân bài trùng với 2 quân bài trên tay, phải hô:"Phỗng" và được ăn không theo cửa (như trường hợp “chíu” trong đánh Chắn). Nếu trùng với khàn bất thực, phải hô: "-Phỗng tái kiến, trả chén làng" đồng thời hạ quân trên tay, ăn quân và lật ngửa chén.
Dậy khàn: Khi thấy quân bài thứ tư trùng với 3 quân bài đang úp khàn của mình phải hô:"Dậy khàn" đồng thời lật ngửa các quân bài úp khàn dưới chiếu lên kẻo mắc lỗi khê khàn.
Ù: Khi thấy quân bài vừa ra bất cứ là do người khác đánh hay là bốc dưới nọc lên ở cửa nào mà thỏa mãn điều kiện ở tiểu mục 8 thì phải hô:"Ù" và hạ bài.
7.Quy tắc hô ù:
-Chỉ được hô "Ù"khi các quân bài đều hạ hết xuống chiếu và đồng thời các quân khàn úp dưới chiếu đã được ngửa lật lên hết.(tránh bị lỗi thiếu quân). Khi bài ở tình trạng 6.3. thì chỉ được hô"-Xin làng cho xem quân....hoặc "Nhờ"
-Bài ù kèm theo cước sắc cũng hô kèm:
- Thông: có ván trước
- Có tôm, có lèo
- Bạch thủ (quân gì); xuyên 5 gian; thập hồng; bạch định...
- Kính cụ và tính tứ cố thì vừa hô vừa đưa 2 tay quân ông cụ ra giữa chiếu cho cả hội xem
- Chi nẩy vừa hô vừa vỗ đùi
NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ
Phong tục mỗi nơi có kiêng kỵ khác nhau,nhưng tôi thấy ở 2 địa phương Phú Thọ và Tuyên Quang có mấy điều kiêng kỵ giống nhau sau đây:
1. Hội tổ tôm trong đám cưới:
Gia chủ sẽ rất vui khi đầu hội có ù "Thập điều" vì cho là điềm may mắn cho đôi trẻ. Nhưng rất kiêng ù "Bạch định", nếu bạn thấy bài như thế phải đánh xén phu đi để ăn quân đỏ hoặc bỏ ù
2. Hội tổ tôm trong đám tang:
Kiêng ù "Kính tứ cố" và "Kính cụ". Nếu gặp phải xử lý, như kiêng ù "Bạch định" nói ở mục 1 trên đây.
KIỂM TRA VÁN BÀI
Tuân theo nguyên tắc"Tả hữu biên hành sự"Nghĩa là khi cso người ù thì trách nhiệm kiểm tả và chia bài ván sau là của 2 người ngồi 2 bên người vừa ù.Nội dung kiểm tra theo các tiêu chí sau:
1. Kiểm số quân: Đếm lại xem bài có thừa hoặc thiếu quân không (Đề phòng người chơi vô tình hay cố ý nhầm lẫn thừa hay thiếu bài. Nếu thiếu bị phạm lỗi "Chèo đò"
2. Điều kiện cần và đủ để ù
-Có quân bài nào bất thành phu không?
-Đủ số lưng theo quy định không?
3. Có bỏ ù không:
-Soát lại các quân bài mới ra gần đây có đủ điều kiện để ù không (Nhất là trường hợp bài chạm thành)
4. Kiểm tả quy tắc hô:
+Hô đã đúng lúc chưa? (Khi hạ hết bài xuống chiếu, lật hết các quân khàn, lấy quân chạm thành về....)
+Hô đúng cách chưa? Đã trả chén bất thực ,ăn mấy con? Đánh mấy con trong khàn hoặc bất thực thiên khai?
+Hô đúng cước sắc không? (tránh ù nhỏ hô to)
PHẠM LỖI
1. Chèo đò: là lỗi nặng nhất (Như thẻ đỏ) phải hủy bỏ toàn bộ điểm đã giành được từ đầu hội và ván đang ù. Ngoài ra ván ù tiếp theo cũng không được tính điểm (gọi là trả đò);không được tính là ván ù thông. Hình phạt bổ sung còn vẽ thêm 1 hình con thuyền cạnh tên người phạm lỗi để cảnh cáo (chỉ đến khi trả được đò mới xóa). Các vi phạm sau đậy sẽ bị phạt lỗi "Chèo đò"
-Thừa thiếu quân như đã nói ở tiết 1,6
-Bất thành phu, thiếu lưng
-Ù nhỏ, hô to
2-Đeo kính: là lỗi kỹ thuật nhỏ, không được tính điểm ván thắng hiện tại và không được hô thông ở ván ù tiếp theo. Bị vẽ hình 1 cái kính bên cạnh tên người phạm lỗi để nhắc nhở lần sau nhìn cho rõ.Lỗi này áp dụng cho các vi phạm sau:
-Treo tranh trái vỉ như đã nói ở tiết 3.3
-Kẹp cổ như đã nói ở mục 4
-Bỏ ù như đã nói ở tiết 6.3
TÍNH ĐIỂM THẮNG
Người có bài ù được coi là người thắng duy nhất trong ván bài và được tính điểm theo nhiều cách tùy mỗi nơi mỗi khác.Ví dụ như suông 2 dịch 1; suông 4 dịch 2....
Cách ghi điểm cũng có thể do thư ký cuộc chơi chép vào giấy hoặc có thể dùng đũa, hạt ngô, hạt lạc.....để nhớ điểm đều được. Thông thường quy định điểm thắng như sau:
.1-Ù suông (hay còn gọi là ù thường) không có cước sắc gì : 2 điểm
.2-Ù thông: có ván trước +1
.3-Có tôm +1
.4-Bạch thủ +1
.5-Xuyên 5 gian +1
.6-Có lèo +2
.7-Thập điều (Thập hồng) +3
.8-Kính cụ +6
.9-Bạch định +8
10-Kính tứ cố +10
Điểm 1 hội theo quy tắc suông 2 dịch 1 có tổng điểm bằng 25
Nếu theo quy tắc suông 4 dịch 2 thì tổng điểm là 50
Khi thấy trong tổng đạt >24 hoặc 48 thì tuyên bố kết thúc hội. Kiểm số điểm trong hội, ai là người có số điểm cao nhất là người thắng.

                                     ĐÁNH CHẮN 
Hình ảnh có liên quan
 

CHẮN : một lối chơi  ăn theo bài Tổ Tôm 
Chơi Tổ Tôm khá là khó, và cách biến hóa cũng nhiều nên thường được nam giới và người già chơi, thanh niên và phụ nữ thời xưa ít chơi. Cũng vì khó, nhưng thú vị, nên từ cách chơi Tổ Tôm đã sinh ra một cách chơi khác dễ hơn là "Chắn" dành cho thanh niên và phụ nữ.
Có hai cách chơi đánh chắn, trong dân gian gọi là Bí tứ : chơi chắn 4 người và Bí ngũ : chơi chắn 5 người. Mục đích của trò chơi này là làm tròn bài thông qua chắn và cạ cùng với việc ăn bài theo giá trị của các hàng quân mà bài của mỗi người có thể tiến tới ù.
Bộ bài Tổ Tôm sẽ bị bỏ bớt đi hàng Nhất và hàng Yêu (quân Thang Thang và Lão). Như vậy, bộ bài bây giờ chỉ còn 100 quân, gồm các quân có số Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục, Thất, Bát, Cửu (mỗi số đều có 3 hàng Vạn, Văn, Sách, mỗi hàng 4 quân) và Chi Chi (chính là hàng Nhất Văn, có 4 quân). Trong 100 quân có 20 lá bài đỏ (các quân Bát Sách, Bát Vạn, Cửu Sách, Cửu Vạn và Chi Chi) và 80 lá bài trắng (các quân bài còn lại).
Chắn : là hai lá bài giống hệt nhau cả về hàng lẫn số. Ví dụ : hai lá bài lục Vạn tạo thành 1 chắn lục Vạn, hai lá bài thất Sách tạo thành 1 chắn thất Sách.
Cạ : là hai lá bài giống nhau về số nhưng khác hàng. Ví dụ : hai lá bài tam Văn và tam Sách tạo thành cạ tam Văn-Sách.
Ba đầu : là ba lá bài cùng số nhưng khác hàng. Ví dụ : tam Văn, tam Sách, tam Vạn được gọi là ba đầu tam.
Cửa trì: là cửa ở bên tay phải người chơi. Đây là cửa người chơi được ưu tiên khi ăn quân và ù.
Tríu: Khi có một người nào đó đánh một quân, mà trên tay người chơi cùng đã có 3 quân cùng tên, cùng số thì người này có quyền lấy lá bài đó về và đánh trả lại một bài khác vào cửa đó. Trong trường hợp này quyền ưu tiên ăn quân ở cửa trì không áp dụng.
Thiên khai: trên bài có 4 quân giống nhau.
Ăn bòn: từ một chắn trên bài, tách ra, ăn thêm được hai chắn để dưới bài. Trường hợp, ăn thêm một chắn mà ù thì gọi là ù bòn.
Lá què : là những lá bài không thể xếp lại với nhau thành chắn hoặc cạ.
Tôm: Là một nhóm quân gồm thất văn, tam sách, tam vạn
Lèo: là một nhóm quân gồm cửu Vạn, bát Sách, Chi Chi
Ù bạch thủ: khi đã có 5 chắn, và ăn thêm được 1 chắn nữa để ù. Với lá bài chờ ù là Chi Chi, thì chỉ được chờ bạch thủ. Có nghĩa là khi ù, tính cả chắn ù, là 6 chắn và còn lại là 4 cạ.
Bạch định : là bài không có một quân đỏ nào.
Tám đỏ: khi ù, bài có 8 quân màu đỏ.
Thập thành : là khi ù, bài ù có 10 chắn.
Tôm : Là một nhóm quân gồm thất văn, tam sách, tam vạn.
Ù thông: khi ù ván thứ hai liên tiếp.
Hoa rơi cửa Phật : là trường hợp khi bài dưới chiếu có một chắn ngũ Vạn hoặc cạ ngũ trong có ngũ Vạn, người chơi lại bốc lên được lá bài nhị Vạn (hình cánh hoa đào) đúng ở cửa trì.
Hiện nay ở một vài địa phương phía Bắc vẫn còn chơi môn bài này.
Chơi đánh chắn, phải đủ bốn người (Mấy người máu me thiếu người vẫn chơi bí tam (Ba nguời) hay bí nhị (Hai người) có điều như thế chẳng có gì là hay nữa
Chỗ ngồi
Chơi chắn thường ngồi trên mặt phẳng , người chơi xếp bằng, thường ngồi trên chiếu . ở giữa có cái đĩa nông đặt quân Nọc cho dễ bốc. Hai người ngồi có vị trí đối mặt nhau gọi là chéo cánh .
Chéo cánh có ý nghĩa chung là không phải chia bài khi một trong hai người thắng “ Ù “Cửa ở bên tay phải người chơi. Đây là cửa người chơi được ưu tiên khi ăn quân và ù gọi là “ Cửa chì “ ngoại trừ khi quân ăn được bị người cửa khác “ Tríu “ đọc trệch là chíu hay chiếu cũng được.
Chia bài
Sau khi tráo bài , bộ bài được chia làm 5 phần bằng nhau. Một trong bốn người chơi chọn lấy một phần và nhặt mỗi phần trong 4 phần còn lại mỗi phần 1 lá bài gộp lại dùng để làm bài “ Nọc “
Phần nọc này để trong một cái đĩa , tâm điểm so với vị trí 4 người chơi.Lần chia bài đầu tiên ai chia cũng được nhưng có một thứ luật bất thành văn là người ít tuổi sẽ chia (để cho nhanh thường hai người cùng chia.) Sau ván chơi đầu tiên hai nguời kế bên người thắng “ Ù “ phải chia bài
Bắt cái
Bốn phần bài để vuông vắn ,người bắt cái lấy một quân bất kỳ trong phần nọc cho vào một trong 4 phần còn lại để bắt cái. Lá bài bắt cái lật lên có được đếm theo thứ tự theo kim đồng hồ tương ứng với số thứ tự trên lá bài.
Người có cái là người rơi vào số cuối cùng bài cái được chuyển cho người đó và các bài còn lại cũng phải thứ tự chuyển dịch theo chiều của bài cái. ( Thường không phải đếm vì đã sẵn công thức Nhất ngũ , cửu , chi . Nhị , lục tiến . Tứ , bát lùi . Tam thất chéo cánh )
Người bắt cái đầu tiên ai cũng được nhưng có một thứ luật bất thành văn là người lớn tuổi nhất sẽ là người bắt cái ván đầu tiên .Người có cái có 20 lá bài hơn 3 người cùng chơi 1 lá bài và là người ra bài trước.Lần bắt cái kế tiếp thuộc quyền người thắng “ Ù “
_______________________________________________________________
ĐỌC THÊM : 
Tổ Tôm Trong văn học Việt Nam
Trong văn học Việt Nam, trò chơi Tổ Tôm cũng được nhắc đến rất nhiều.
Phạm Duy Tốn với truyện ngắn "Sống chết mặc bay" trong chúng ta chắc nhiều người còn nhớ đoạn:
... Ngài quay vào hỏi thầy đề :
- Thầy bốc quân gì thế ?
- Dạ, bẩm con chưa bốc.
- Thì bốc đi chứ !
Thầy đề tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút một con bài, lật ngửa, xướng rằng :
- Chi chi !
Quan lớn vỗ tay xuống sập, kêu to :
- Ðây rồi !... Thế chứ lại !
Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười vừa nói :
- Ù ! thông tôm, chi chi nẩy !... Ðiếu, mày ! ...
Tất nhiên trong khi đê vỡ, dân đen thì kêu khóc chạy loạn mà "quan phụ mẫu" vẫn còn mê say trong cơn Tổ Tôm thì coi dân như cỏ rác. Ở đây chỉ muốn nói lên cái thú vị của trò chơi.
Hay như Nguyễn Công Trứ. Lúc thiếu thời, Nguyễn Công Trứ đã từng được người đời liệt vào hàng các tay đổ bác có tiếng. Ông say mê bài bạc, trong khi thơ văn thì siêu quần bạt chúng. Trong cơn đen đỏ, ông thắng cũng nhiều mà thua chẳng ít. Một lần đi đánh tổ tôm bị thua rồi mang nợ. Chủ nợ là một ông già, đến đòi năm lần bảy lượt mà Nguyễn Công Trứ cũng vẫn không có tiền giả.
Sau ông lão đòi rát quá, Nguyễn Công Trứ đành phải đi lục lọi rương hòm xem có gì đáng giá để đem cầm đợ mà lấy tiền trang trải. Nhưng khốn thay, lục mãi mà vẫn chẳng khui ra được gì ngoài mấy quyển sách nát. Túng thế, Nguyễn Công Trứ mới đọc liều cho ông già một bài thơ để xin khất nợ. Thơ rằng:
Thân "bát văn" tôi đã xác vờ
Trong nhà còn biết "bán chi" giờ
Của trời cũng muốn "không thang" bắc
Lộc thánh còn mong "lục sách" chờ
Thiên tử "nhất văn" rồi chẳng thiếu
Nhân sinh "tam vạn" hãy còn thừa
Đã không "nhất sách" kêu chi nữa
"Ông lão" tha cho cũng được nhờ !

Nghe qua cả bài thấy thơ hay mà khéo quá, câu nào cũng có tên một quân bài Tổ Tôm, mà đồng thời lại nói lên được cái cảnh học trò kiết không tiền nên ông lão nghĩ thương tình và mến tài, bằng lòng cho Nguyễn Công Trứ khất nợ.
Nhà thơ "bình dân" Nguyễn Khuyến cũng đâu có thể bỏ qua trò chơi này trong văn thơ của ông:
Cũng chẳng giầu mà cũng chẳng sang
Chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng
Cờ đương giở cuộc không còn nước
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng
Mở miệng nói ra gàn bát sách
Mềm môi chén mãi tít cung thang
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ

Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng

17 thg 12, 2018

ĐŨA MỐC : SÁT THỦ GÂY BỆNH UNG THƯ - 3 LOẠI ĐŨA KHÔNG NÊN SỬ DỤNG

Đũa mốc : Sát thủ gây bệnh ung thư

Dua moc: Sat thu gay benh ung thu hinh anh 1

Theo bác sĩ Đoàn đũa mốc có khả năng gây ra ung thư.

   Bác sĩ Huỳnh Liên Đoàn, Hội Y học TP.HCM, cho biết sau
3-6 tháng sử dụng, đũa sẽ đổi màu đậm hoặc nhạt hơn. Nếu
 quá thời gian trên, đũa sẽ trở thành nơi sản sinh ra các loại 
vi khuẩn nấm mốc gây bệnh.
Trong môi trường ẩm, những loại đũa làm từ gỗ trở thành nơi sinh trưởng cho nấm aspergillus flavus - một trong những loại nấm có chứa độc tố gây ung thư.Nhiều người dân không có thói quen phơi khô đũa. Sau khi rửa, họ cất khi đũa vẫn còn ướt.
Nghiêm trọng hơn, theo Tổ chức Y tế thế giới, đũa mốc còn sinh ra aflatoxin loại chất độc gây ung thư với độc tính mạnh gấp 68 lần thạch tín, gấp 10 lần kali xyanua và mang tính phá hoại cực mạnh đối với tế bào gan.
Chỉ cần hấp thu quá 1 mg aflatoxin người ăn cũng có nguy cơ mắc ung thư gan ở mức độ nặng. Bác sĩ Đoàn ví dụ một người có cân nặng khoảng 70 kg, nếu hấp thu quá 20 mg aflatoxin có thể dẫn đến tử vong.
Đối với các loại đũa gỗ, bác sĩ khuyến cáo người dân nên thay mới sau 4 tháng sử dụng để tránh nấm mốc

BS khuyến cáo không dùng những loại đũa nầy

Đũa là vật dụng không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình, nhưng chúng cũng là nơi chứa "mầm bệnh" rất nguy hiểm mà chúng ta chưa để ý. Đây là các loại đũa độc hại nên tránh.

Đũa là món đồ dùng hàng ngày của mỗi người, trong gia đình bạn hẳn sẽ có ít nhất một loại đũa thường dùng, và có thể có nhiều loại đũa khác nhau, mua ở những thời điểm khác nhau. Vì là dụng cụ phổ biến không thể thiếu, nên nó có sự ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của mỗi người.
Nhưng việc chọn đũa thế nào để sử dụng hàng ngày mà không có hại cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Những loại đũa bạn không nên mua về sử dụng, dù với bất kỳ lý do gì, nếu đã mua, đừng tiếp tục dùng

1. Đũa sơn
Loại đũa được sơn phủ kín hoàn toàn chất liệu lõi là một trong những loại đũa đầu tiên bạn không nên mua, và càng không nên sử dụng.
Loại đũa này khi sử dụng một thời gian, chúng sẽ bị bong tróc sơn. Trong quá trình sử dụng, lớp vỏ sơn này không ngừng bong ra, chúng ta ăn uống, vô tình sẽ ăn phải những phần sơn bong này ở mức độ ít nhiều khác nhau.
2. Đũa nhựa
Đây cũng là loại đũa khá phổ biến, nhiều người sử dụng vì sự tiện lợi và cảm giác sạch sẽ. Tuy nhiên loại đũa này lại không phải là một đồ dùng bạn có thể sử dụng hàng ngày. Đa số món ăn chúng ta ăn đều ở trạng thái nóng, thậm chí là rất nóng, chẳng hạn như khi nấu ăn.
Vì vậy, nhiệt độ cao của thức ăn sẽ làm chất nhựa trong đũa thôi ra đồ ăn, không an toàn.

3. Đũa inox hình tròn
Loại đũa này thường là hình tròn, có những vòng tròn rãnh nhỏ ở đầu vào cuối đũa để làm nhám, giúp cho việc giữ thức ăn chặt hơn, không bị rơi trong quá trình gắp. Nhưng loại đũa này trên thực tế cũng rất khó sử dụng, trơn trượt, khó vệ sinh các kẽ, dẫn đến có thể bị nhiễm khuẩn, thiếu an toàn cho sức khỏe.
Hiện tại, nhà bạn đang dùng loại đũa nào?
Các cơ sở sản xuất đũa hiện nay không ngừng sáng tạo ra rất nhiều loại đũa, đa chủng loại, đa màu sắc, đa chất liệu và kiểu dáng, vì vậy bạn sẽ rất khó để chọn cho nhà mình một loại đũa tốt nhất, an toàn nhất.
Những loại đũa làm bằng thép không rỉ sẽ được phun ở ngoài một lớp chất rắn giúp ổn định kết cấu gồm màng bảo vệ Crom oxide (màng bảo vệ) được hình thành trên bề mặt đũa, để ngăn chặn sự xâm nhập liên tục của các nguyên tử oxy, chống oxy hóa.
Nhưng nếu inox tiếp xúc với axit, kiềm và muối trong một thời gian dài, màng oxit bề mặt có thể bị phá hủy. Vì vậy đũa thép không gỉ, bao gồm các loại đồ dùng bằng thép không gỉ, nên tránh tiếp xúc lâu dài với axit, kiềm, dung dịch muối, hoặc các kim loại nặng như niken và crom, vì chúng có thể đi vào cơ thể, gây ra mối nguy hiểm cho sức khỏe.
Các loại đũa nhựa thường dễ giòn hơn và độ cứng không đủ lý tưởng. Nó dễ bị biến dạng sau khi được đun nóng và tạo ra các chất có hại cho cơ thể con người, do đó, có những hạn chế nhất định trong việc sử dụng loại đũa này.
Các loại đũa được làm bằng chất ngà hoặc xương có kết cấu tốt, nhưng chúng dễ thay đổi màu sắc và giá thành tương đối đắt. Nếu bị gãy hỏng sẽ rất lãng phí, tốn kém.

Đôi đũa nào được xem là thực tế và lành mạnh?

Đũa tre và đũa gỗ nên ưu tiên sử dụng.
Các chuyên gia cho rằng, đũa tre và đũa gỗ là hai loại không độc hại và thân thiện với môi trường hơn các loại đũa khác. Đây là loại đũa bạn nên ưu tiên sử dụng.
Ngoài những loại đũa nêu trên, chuyên gia khuyên bạn không chọn mua đũa chất liệu sơn mài để ăn uống hàng ngày vì trong chất liệu sản xuất sẽ chứa các kim loại nặng như chì sơn và dung môi hữu cơ như benzen và các chất có thể gây ung thư khác, từ đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, đặc biệt là ở nhóm người già, trẻ em.
Nhược điểm của đũa tre, gỗ là dễ bị ẩm mốc, bám bẩn, nhiễm khuẩn có thể gây hại cho sức khỏe nếu bạn không giữ vệ sinh sạch sẽ, khô ráo. Dùng loại đũa này nên chú ý vệ sinh để đảm bảo an toàn khi sử dụng bằng cách khử trùng và thay mới thường xuyên.
Do giá thành rẻ hơn nên bạn có thể thường xuyên thay đổi và mua mới các loại đũa gỗ, đũa tre trong gia đình mình.
Hãy cẩn thận với những đôi đũa dùng một lần, đũa công cộng
Vì sự tiện lợi trong ăn uống, chúng ta thường xuyên sử dụng loại đũa ăn một lần hoặc đũa ở nơi công cộng, quán ăn, nhà hàng được găm sẵn ở trong các hộp đũa. Thực tế cho thấy, nhiều người đã bỏ qua những mối nguy hiểm cho sức khỏe khi vô tư sử dụng các loại đũa này mà không xem xét kỹ.
Theo các xét nghiệm, một đôi đũa dơ bẩn có thể mang hàng chục ngàn hoặc thậm chí hàng trăm ngàn vi khuẩn và vi-rút. Một khi sử dụng đũa như vậy, rất dễ bị các bệnh liên quan như viêm gan, kiết lỵ, sốt thương hàn, viêm dạ dày ruột cấp tính và những bệnh tương tự.
Khi nhiều người trên bàn ăn sử dụng đũa để gắp vào cùng một món ăn, những vi sinh vật gây bệnh này sẽ lây lan qua đũa, gây nhiễm trùng chéo.
Các nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, có một nửa số người được kiểm tra phát hiện trong cơ thể có mầm bệnh dạ dày, viêm loét hoặc nhiễm khuẩn Helicobacter pylori. Hầu hết các vi khuẩn này được truyền qua kênh gia đình, và đũa là một trong những phương tiện truyền bệnh quan trọng.
Nhiều người nghĩ rằng, đã là thành viên trong một gia đình thì nên được thoải mái và tự do trong khi ăn, vì vậy nhiều người sử dụng đũa gắp chung vào các món ăn (đũa ăn nhúng vào bát canh) khiến cho vi-rút và vi khuẩn bị lây nhiễm chéo.
Hầu hết những người mắc bệnh truyền nhiễm đều có tính chất liên quan đến yếu tố gia đình, điều đó có nghĩa là cơ hội lây nhiễm cao hơn cho gia đình nếu một người có bệnh mà ăn chung như vậy.

Để phòng bệnh tốt, bạn nên có một đôi đũa hoặc muôi, thìa để gắp và múc thức ăn từ bát chung vào bát riêng của mình, tránh dùng đũa cá nhân gắp trực tiếp vào các phần thức ăn chung trên mâm cơm.
.............................................................................................................................................................
  • 6

5 thg 12, 2018

TÌNH MUỘN VẪN LÀ TÌNH

Hình ảnh có liên quan
Những ý nghĩ không có thật về nhu cầu và khả năng ái ân của người cao tuổi đã quá phổ biến không những trong dân chúng, mà ngay cả trong y giới, chuyên môn.Nào là nỗi ham muốn và sự hấp dẫn tình dục giảm đi với số tuổi tăng. Nào là khi về già, cơ thể không còn nhu cầu đòi hỏi hoặc nhu cầu đáp ứng dục tính, làm như là tới tuổi này thì “thôi là hết, chia ly từ đây” với chuyện gối chăn. Lại còn được răn đe rằng, già màrồi còn ái ân thì có hại cho sức khỏe, mệt tim; rằng già rồi mà còn bầy đặt yêu đương, bầy trẻ chúng cười cho. Hoặc những lời nói khôi hài về các cụ cao niên “hết xí quách”, “xụm bà chè” khi đè cập đến vấn đề tình dục . Y giới chuyên môn một thời đã không được huấn luyện cho nên họ cảm thấy bối rối khi đề cập tới vấn đề này. Cũng đã có những thời gian mà chuyện tình dục của người già không được nhắc tới. Truyền hình, sách báo chỉ nhắm vào sự trẻ trung, hấp dẫn, đầy sinh khí của lứa tuổi chưa già. Tài liệu về đời sống tình ái ngưỡi cao tuổi rất ít. Ngay trong cả ngàn trang nghiên cứu của Kinsey hay Masters & Johnson, cũng chỉ dành có vài trang để đề cập tới vấn đề này.
Ngày nay, vấn đề tình dục của người cao tuổi đã được lưu tâm hơn, sự thảo luận cũng dễ dàng, tự nhiên, cởi mở hơn. Một phần quan trọng trong đời sống của lớp tuổi này đã được chăm lo, cung ứng thỏa đáng .
Trong những lúc trà dư, tửu hậu với mấy vị vong niên, một vài thắc mắc tình trường được mang ra để mạn đàm. Chúng tôi thấy cũng có phần lý thú nên xin chia xẻ cùng hải nội chư niên trưởng. Và cũng mong quý niên trưởng nam nữ cho những người muốn an hưởng tuổi vàng được lãnh hội kinh nghiệm bản thân trong các vấn đề của tuổi hạc, đặc biệt câu chuyện ái ân hôm nay .
Tới tuổi nào thì tình dục của con người giảm hay mất đi ?
Nhiều chuyên viên về vấn đề hấp dẫn giới tính đều đồng ý là sự đòi hỏi và khả năng hành động tình dục của con người tồn tại suốt đời, trừ khi bị bệnh hoạn. Hoặc theo quan niệm cũ xưa, tự cho là khi về già mình sẽ hết tình.
Từ năm 1926, Raymond Pearl đã nhận ra rằng 4% những người tuổi từ 70 tới 79 đều làm tình ba ngày một lần, 9% thì mỗi tuần một lần.
Theo nghiên cứu của Alfred Kinsey vào năm 1948 và 1953 thì số những lần giao hợp của nam giới giảm dần, nhưng đa số đều giữ được khả năng tình dục tới tuổi 70, 80; còn ở nữ giới thì không có thay đổi mấy với tuổi già.
Master & Johnson, một cơ quan có uy tín về vấn đề tình dục, cũng có cùng nhận định như A. Kinsey: đời sống tình dục ở người cao tuổi vẫn mạnh cho tới tuổi 80 hay hơn nữa, mặc dù nó sẽ thưa thớt dần và không vũ bão như lúc còn trẻ.
Ta biết rằng tình dục mạnh nhất vào tuổi 18, 20. Thống kê cho hay ở tuổi này, họ có thể yêu nhau một tuần 3, 4 lần, đến lúc 40 tuổi thì 2 lần rồi một tuần một lần, cho tới tuổi 60, 70 thì khi này khi khác, nhưng không mất hẳn.
Có người đã ví làm tình như đi xe đạp: đã biết đi xe đạp thì chẳng bao giờ quên được, ngoại trừ không có xe mà đi hoặc xe đổi kiểu. Đang đi xe ghi đông cao, mà đổi sang xe cuốc, xe đua, thì phải thích nghi với kiểu xe mới. Chỉ có một điều khác là, ngược lại với động tác làm tình, ta phải bơm bánh xe bẹp trước khi cưỡi nó. Còn làm tình thì cưỡi xe rối mới bơm.
Năm 1981, Starr và Wiener nghiên cứu về tính dục cuả 800 người trên 60 tuổi, đưa ra kết quả như sau: 99% trả lời vẫn còn muốn có tình dục; 62% nói khi nhìn hình ảnh gợi tình thì cũng động lòng cao hứng; 75 % thấy đời sống tình dục tốt đẹp hơn lúc trung niên vì không phải lo lắng gì; 88% than phiền là chưa bao giờ được chỉ dẫn về tính dục lúc còn bé.
Theo bác sĩ Domeena C. Renshaw, giáo sư Thần Kinh Tâm Trí trường Đại học Y khoa Loyala, Chicago, thì đời sống tình dục cuả con người tồn tại cho tới khi chết và không có gì là bất thường khi bệnh nhân cần sự giúp đỡ về vấn đề này.
Còn GS Fran E Kaiser, chuyên khoa người già của đại học St Louis, cho rằng: “Thật là kỳ thị người cao tuổi khi gọi họ là già dịch chỉ vì họ tiếp tục muốn có đời sống tình dục” .
Năm 2000, phụ trang Parade đã thực hiện vịêc thăm dò về đời sống tình ái của những vị lớn tuổi: 40% quý vị trên 75 tuổi trả lời còn rất sung mãn về vấn đề này; 45% nói vẫn còn tận hưởng lạc thú làm tình.
Kinh Cựu Ước có ghi: “Moses chết vào tuổi 120 mà nhãn quan vẫn tinh tường, khả năng tình dục không giảm.”
Tục ngữ, ca dao ta có câu
“Gìa thì già tóc già tai;
Già răng già lợi, đồ chơi không già” hoặc
“ Càng già, càng dẻo, càng dai .
Càng gẫy chân chõng, càng sai chân giường.”
Vậy thì khi về già có những thay đổi gì không? như là về cơ quan sinh dục, khả năng làm tình .
Khi về già, tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều thay đổi, không nhiều thì ít, cả về cấu tạo lẫn chức năng. Cơ quan sinh dục cũng chịu cùng số phận.
1-Trưóc hết xin liếc mắt nhìn qua sự thay đổi ở nữ giới.
Khi sanh ra, trong noãn sào có chừng 1 triệu rưởi noãn cầu. Tới khi 40, 50 tuổi chỉ còn khoảng 11,000. Mỗi lần có kinh, một noãn cầu được đẩy ra để làm công việc nối dõi tông đường nếu may mắn được hội ngộ với chú tinh trùng.
Khi tắt kinh, vào tuổi 45, 50, thì người đàn bà hết khả năng cao quý này, đồng thời noãn sào cũng ngưng sản xuất kích thích tố estrogen. Estrogen ất cần thiết cho sự nẩy nở, cho chức năng cuả bộ phận sinh dục và hành động tình ái. Hậu quả là âm đạo thu ngắn, không đàn hồi, mỏng hơn, và trở nên khô vì tuyến nhờn bớt hoạt động. Âm vật nhỏ laị, nhũ hoa mềm nhũn, nhăn nheo, teo tóp. Âm mao lưa thưa, cứng. Đại và tiểu âm thần vừa nhăn vưà mỏng vì mất tế bào mỡ. Quý bà có những triệu chứng như bồn chồn, lo sợ, bẳn tính, buồn phiền, kém ăn, kém ngủ, nhức đầu, mặt bốc nóng phừng phừng.
Về phương diện sinh lý, ta phân biệt hai sự việc :
a- Khả năng đáp ứng tình dục : Trong giai đoạn này, sự khơi gợi để có kích thích nhiệt tình và nhờn ướt âm bộ chậm xuất hiện; âm thần và tử cung không vươn lên; thời gian cực khoái mau heat; tử cung đã ít co bóp lại còn gây đau. Thủ thuật kích âm vật cần được sử dụng lâu hơn để gây nguồn cảm hứng.
b- Sự háo hức, quan tâm tới tình dục: Liệu những thay đổi sinh học trên có ảnh hưởng gì tới sự quan tâm tình dục không?
Câu trả lời rất phấn khởi là KHÔNG. Nhiều nghiên cứu còn chứng minh là quý bà càng quan tâm thích thú hơn, nhất là ở lứa tuổi từ 69 tới 76 mà lại có chồng. Đôi khi cũng có sự không thích thú nhưng hầu hết do lòng mình hững hờ trước thái độ hay vóc dáng của đối tượng. Góa phụ thường ít hứng thú hơn người có chồng. Mà khi vì lý do nào đó người chồng lại lạnh nhạt trong việc gối chăn thì vợ cũng bị lạnh nhạt theo.
Nói chung chung thì sự hóa già chỉ làm mất khả năng sinh con nhưng vẫn tôn trọng khả năng yêu đương xác thịt của các bà.
2-Ở nam giới, sự thay đổi nhẹ nhàng hơn : khả năng sinh sản chỉ giảm chứ không mất vì tinh trùng tiếp tục được sản xuất với số lượng ít và vẫn thụ tinh được. John J. Medina kể trường hợp một lão niên đã được chứng nhận là sanh con cuối cùng lúc 94 tuổi. Thực là lão bạng sinh châu.
Tinh dịch, chế biến ở nhiếp hộ tuyến, bớt khối lượng. Nam kích thích tố ít, nhưng sự giảm thiểu này không ảnh hưởng gì tới khả năng giao hợp. Lão nhân sẽ cần nhiều thời gian hơn để có cương dương, (bốn món ăn chơi tha hồ được biểu diễn ), đồng thời nó cũng mau mềm; thời kỳ bình ổn lâu, sự xuất tinh chậm lại ( âu yếm, vuốt ve nhau kéo dài ); tột đỉnh vu sơn lâu được một, hai giây với vòi tinh khí ít và yếu. Muốn có cương dương trở lại, phải chờ cả mấy tiếng đồng hồ .
Như vậy, tình muộn không những vẫn là tình mà còn trưởng thành, kinh nghiệm. Nó thân thiết hơn trong cảm giác, khơi động hơn trong mơn trớn. Hai người như thư thả hơn, kiên nhẫn cho nhau, chia sẻ cảm giác cho nhau.
Tình yêu bây giờ không phải chỉ là số lần, là sự lên mau, vào sâu, mà là sự trang trọng lẫn nhau, sự thắm thiết cam kết với nhau. Nó không vội vàng, hối hả như ở cặp vợ chồng trẻ, quá bận rộn, nên chỉ chiếu lệ, cho xong. Nó không bị gián đoạn bởi tiếng đập cửa kêu “ Mẹ ơi, thằng Vinh nó ăn cục kẹo cuả con .” Nó cũng không mang một thoáng ưu tư về tăng nhân số trong gia đình.
Càng sống lâu với nhau, càng yêu nhau thì giao hợp sẽ là một nhu cầu để diễn đạt sự cần thiết nhau, sự chia sẻ với nhau, sự làm vừa lòng nhau. Nó không phải là một cuộc thi đua mà phải quan tâm đến tài nghệ diễn xuất hay sức mạnh tráng niên. Nó ngả nhiều về phẩm chất hơn là số đếm.
Và, có thể như Alex Comfort, tác giả cuốn The Joy of Sex, lạm bàn là chậm lên, lâu ra có khi tốt vì “chạy chậm đỡ tốn săng” (more miles per gallon). Lại không tốn tiền mua mắt dê, tam tinh hải cẩu, bổ thận hoàn…
Hơn nữa:
“ Nghiã đã thâm sâu càng thắm thiết;
Tình tuy chay tịnh, đỡ tơi bời.” Ông Già Bách Độc .
Tôi nghe nói đàn ông hay bị bất lực, sự bất lực này có liên hệ gì tới tuổi cao không ?
Sự bất lực mà ta thường nói tới, chủ yếu là tình trạng không cương của dương cụ, mà văn hoa ra, ta gọi là Rối Loạn Cương Dương (LCD). Đấy là mức độ cương của dương cụ không đáp ứng được nhu cầu vào sâu và kéo dài thỏa đáng động tác giao hợp.
Sự cương là do kết qủa phối hợp giữa dục vọng, một hóa chất (Cyclic GMP), hệ thần kinh và huyết quản.
Bình thường, khi có khêu gọi, tín hiệu thần kinh khiến tiết ra hóa chất GMP có tác dụng làm giãn mở cơ thịt ở dương cụ, máu động mạch tràn ngập cơ quan này làm nó cương lên, ép vào tĩnh mạch, ngăn sự thất thoát máu. Hậu quả là dương cụ tiếp tục cương cho tới sau khi giao hợp, xuất tinh.
Ở người Loạn Cương Dương, cơ thịt của dương cụ không giãn nở tới mức chặn được sự thoát máu vì thiếu hoá chất kể trên, cho nên cơ quan mềm nhũn. Một số người lâu lâu mới bị, một số khác thì thường xuyên gặp trở ngại. Trên nước Mỹ, có cả hơn ba chục triệu người mắc chứng quỷ quái này. Việt Nam ta chắc cũng có khá nhiều.
Bất cứ nguyên nhân nào làm suy yếu mạch máu đều có thể gây ra rối loạn này.
a-Nguy cơ thông thường nhất là do tác dụng phụ của một vài loại dược phẩm trị bệnh cao huyết áp, kinh phong, thần kinh tâm trí, thuốc ngủ, thuốc đau bao tử.
b- Rồi đến tác dụng của rượu, cần sa, ma tuý;
c- Biến chứng một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp.
d-Tâm thần bất an, không tập trung, buồn phiền, mặc cảm là mình kém tuyệt chiêu hoặc bị đối tượng coi nhẹ tài năng, cũng gây trở ngại cương dương.
e- Giải phẫu nhiếp tuyến gây tổn thương cho dây thần kinh điều khiển sự cương cứng.
Sự lão hoá không phải là thủ phạm của Loạn Cương Dương vì tình dục không có “ ngày hết hạn dùng ” (Expiration date) như dược phẩm, thực phẩm.Cũng không có mốt cũ mốt xưa như quần áo, trang sức. Và chẳng bao giờ có cương khi mà không có kích với thủ thuật, hương thơm, dáng yêu, lời ngọt của người nằm kế bên…
Trước đây, giới cao niên ít quan tâm tới việc tìm thầy chữa chạy, một phần vì tin rằng mình già thì nó cũng già, phần khác nghĩ rằng chẳng có thuốc tiên.
Ngày nay, đã có nhiều tiến bộ trong việc điều trị Loạn Cương Dương, đồng thời y giới cũng chú tâm hơn đến nhu cầu của người già. Giải phẫu bộ phận sinh dục, thuốc chích, thuốc nhét, thuốc uống…chẳng thiếu gì. Sự xuất hiện của Viagra cách đây ít lâu đã mang lại nhiều nguồn cảm hứng, với « lão ông uống, lão bà khen ».
Mà nếu quý vị chê tây y nóng, thì ta lại trở về, bảo tồn văn hóa dân tộc, với mấy toa thuốc gia truyền của tiền nhân, biết đâu chẳng hào hùng nhất dạ, lục giao, hoặc đêm bẩy, ngày ba, vào ra không kể …
Thế ông có điều gì nhắn nhủ mấy mụ già này không ?
Làm sao chúng tôi dám lơ là với mấy bà chị, vì quên thì thất lễ mà cũng ngại cảnh ngủ ngoài phòng khách, ăn khoai mì thay cơm. Trước hết xin mừng quý bà chị là, tới một tuổi nào đó, sau nhiều lần mang nặng đẻ đau, chăm lo cho con cái, thì tạo hóa cũng thương tình cất cho quý vị cái trách nhiệm góp phần nối dõi tông đường. Nhưng vẫn ban cho mấy bà chị niềm vui tận hưởng sự khoái lạc của tình dục. Cho tới những năm khi, « vừa chùi răng, vừa ngậm ô mai ». Và, mái tóc đầu tháng lương thì đen, mà cuối tháng trở lại muối tiêu.
Khoái lạc này cũng không thay đổi dù dạ con, buồng trứng đã từ giã bà chị ra đi. Duy có điều kích thích tố estrogen được sản xuất ít nên một vài thay đổi trong cơ thể làm giảm vẻ duyên dáng cuả bà chị.
Gò má bớt đầy, da nhăn nheo và khô, mí mắt sệ. Ngực không những đã không no tròn, mà còn chẩy xệ xuống vì mỡ mềm đã thế chỗ của tế bào tuyến vú. Mỡ cũng chen vào vùng bụng, mông, cổ, bắp chân, tay.
Các thay đổi này nói vậy cũng chẳng ăn nhằm gì. Chồng vẫn yêu, ta vẫn du dương. Vả lại thẩm mỹ bây giờ nó « hiện đại » lắm, bà chị ạ: năm nhăm, sáu chục đổi ra đôi tám, hai mươi mấy hồi.
Cơ quan nghiên cứu Masters & Johnson cũng như Kinsey đều quả quyết là nếu quý bà có đời sống tình dục tốt đẹp trong thời kỳ mầu mỡ sanh đẻ thì khi tắt kinh, sẽ không có gián đọan trong quan hệ hưởng thú yêu đương. Có điều là ở giai đoạn này, quý bà cần sự chu đáo, sự kiên nhẫn, thông cảm hơn của đức lang quân để sớm khám phá nhiệt tình tham gia.
Vài bà chị thắc mắc là mình tuổi cao mà nuôi kép nhí, liệu có hại gì không?
Về thể xác chắc chắn không sao vì sức chịu đựng dẻo dai của nữ giới, cố gắng một chút cũng bắt kịp vào nhịp điệu của tráng niên.
Nhưng sợ là có những không hòa đồng về tính tình, lối sống, do đó ta cần cân nhắc động lực thương yêu. Có phải vì chân tình hay phúc lợi kinh tế, ưu tiên xã hội. Điểm này được nêu ra là vì, theo kết quả nghiên cứu của Duke University, vào một tương lai gần đây, 3 trong 4 bà vợ sẽ trở thành góa vì trẻ hơn chồng lại thọ hơn chồng, việc kiếm bạn đồng sàng cùng lứa tuổi sợ gặp khó khăn ( ấy là nói về phụ nữ tây phương thôi ). Mà sự thoả màn tình dục dường như tùy thuộc vào sự có thường xuyên hay không, vì, càng thường xuyên càng hài lòng hơn.
Kết luận
Người viết còn quá nhiều điều muốn thưa với quý bà chị, cũng như mạn đàm về tình dục tuổi già thì nó tràng giang đại hải. Nhưng cứ e ngại bài dài, đọc lâu, còn đâu thì giờ để cho người ta hành sự.
Nên xin tạm thời ngưng ý với lời tâm sự sau đây của một ông già 100 tuổi ở vùng Azerbaijan bên Trung Á:
Ông ta mới lấy bà vợ thứ bẩy được ba năm. Có người hỏi hạnh phúc không, ông ta đáp: “ Sáu bà vợ trước của tôi thật là toàn hảo. Mụ vợ bây giờ nó sung sức quá, tôi đã già đi ít nhất là 10 tuổi từ khi cưới bả. Nếu mình có một người vợ tốt, dịu dàng thì sống đến tuổi một trăm dễ như chơi.”
Và lời nhận xét cuả BS Robert N. Buttler, chuyên viên danh tiếng Hoa Kỳ về khoa Người Già. Khi nói đến Tình Yêu và Tình Dục sau tuổi 60, bác sĩ Buttler góp ý: “Tuổi trẻ là thời gian để hồ hởi thám hiểm, thăm dò và phát hiện khả năng của mình; trung niên để thu lượm tuyệt chiêu kỹ thuật; tuổi già để mang kinh nghiệm cả đời và triển vọng những năm còn lại vào nghệ thuật yêu đương

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
www.bsnguyenyduc.com

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..