15 thg 12, 2022

NGHÉO GIÒ ÔNG SỂN



                “Mười giờ tàu lại Bến Thành.
                Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao”
Một status hay ,dí dỏm và sâu sắc viết về Sài Gòn xưa mà hậu duệ thời nay có thể nhiều người chưa biết.)
***
Sển đây là ông Vương Hồng Sển (1902-1996) Là người Sóc Trăng, ông Sển mang 3 dòng máu: Việt, Hoa, Miên. Cha là Hoa, mẹ là Việt lai Miên. Thế nên tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Miên, ông Sển đều biết.Rồi năm 1919, sau 4 năm theo học trường Chasseloup Laubat (mà ổng gọi là trường ‘Xách Lu’), ông đậu được cái bằng Thành Chung. Cái bằng Thành Chung nầy chứng tỏ tiếng Tây ông cũng rành sáu câu vọng cổ.
Ông Vương Hồng Sển sống tới 94 tuổi, gần trọn thế kỷ XX. Tất ông đã chứng kiến biết bao nhiêu là biến cố trong lịch sử Miền Nam Việt Nam.Là nhà biên khảo, am tường văn hóa, lại khoái sưu tầm đồ cổ nên nhiều lần hai trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Huế có mời ông đến thuyết giảng.
Tóm lại ông Vương Hồng Sển là một cây đa, cây đề của cái đất Sài Gòn. Người viết thiệt trong bụng là hổng dám đôi co, cãi cọ với ông Vương Hồng Sển rồi. Nhưng không cãi thì cũng tức ‘anh ách’ trong bụng! Phần cái chuyện bàn luận về văn chương, đâu có cái vụ già trẻ, chiếu trên, chiếu dưới trong cái đình văn học, tùy theo ai nổi tiếng nhiều hay ít chen vô ở đây?
Nên tui đã không ‘kính cụ’ mà còn bạo gan, xăm mình, uống thuốc liều, đưa cái lập luận nầy ra để làm cái cù nèo ngoéo giò học giả Vương Hồng Sển một cái cho vui vậy mà !
***
Chẳng qua có cái chuyện vầy nè: Bà con mình ở Miền Nam và nhứt là ở cái đất Bến Nghé Sài Gòn chắc ai ai cũng đã từng biết địa danh Bến Thành là:
1. Bến Thành là một bến sông.
2. Bến Thành là một cái chợ.
3. Bến Thành là một cái ga xe lửa Sài Gòn đi Mỹ Tho
Một tên Bến Thành mà đặt cho ba địa điểm có chức năng hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế mà đến ngay cả học giả Vương Hồng Sển cũng lẫn lộn cũng là điều dễ hiểu.
Ông Vương Hồng Sển lẫn lộn cái gì?
Ca dao quê mình có câu: “Bên dưới có sông; bên trên có chợ! Ta với mình chồng vợ nên chăng?”
Bà con để ý thử coi Miền Nam của tụi mình cái chợ bao giờ cũng nằm trên một bến sông.Tại sao vậy? Chẳng qua để tiện giao thông, buôn bán hàng hóa, khi đường bộ còn chưa phát triển, thì đường thủy, đường sông là chọn lựa trước tiên?
Theo các nhà Sử Địa cho biết về Chợ Bến Thành như sau: “Nguyên thủy, chợ Bến Thành đã có trước khi người Pháp xâm chiếm đất Gia Định. Ban đầu, chợ nằm trên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và lính tráng vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành. Trên Bến cũng có một cái chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.”
Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước nữa.
Tháng Hai, năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố. Tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy.
Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860, người Pháp đã cho cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (thời Việt Nam Cộng Hòa là Tổng Nha Ngân khố trên đường Nguyễn Huệ). Ngôi chợ được xây bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá.
Đến tháng Bảy, năm 1870, chợ bị cháy mất một gian, phải cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói. Chợ có tất cả 5 gian: thực phẩm, cá, thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa.
Vào năm 1887, thực dân Pháp cho lấp con kinh và sát nhập hai con đường lại làm một, thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm na là đường Kinh Lấp (nay là Đại lộ Nguyễn Huệ). Khu chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp làm chủ
Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người Pháp bèn lựa chọn một địa điểm khác để xây cất một khu chợ mới, lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển.
Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (sau là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.
Năm 1955, thời Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, phía trươc mặt là: Bùng binh Chợ Bến Thành. Ba con đường còn lại quanh chợ này được đổi tên thành: đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và đường Phan Châu Trinh.
Rồi ông Vương Hồng Sển (1902-1996) có chép lại câu ca dao:
“Mười giờ tàu lại Bến Thành.
Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao”.
Và ông cắt nghĩa là: “Mười giờ có một chuyến xe lửa từ Mỹ Tho lên, đỗ ga ‘Bến Thành’ thì kéo còi ….” (sic). (Tui chép nguyên văn của ổng)
Tui cho rằng ông Vương Hồng Sển cắt nghĩa như vậy là trật lất? Trật chỗ nào? Thưa bà con đây là lập luận của tui: Ông Vương Hồng Sển là người Sóc Trăng nhưng lại cắt nghĩa chữ tàu đây là tàu hỏa theo kiểu Bắc Kỳ?! (Tui không có phân biệt vùng miền gì ở đây hết ráo nhe bà con. Tui chỉ nói về từ địa phương mà thôi).
Theo tui, tiếng miền Nam gọi là xe lửa chớ không ai gọi là tàu hỏa cả. Mười giờ, lúc có đồng hồ, thì chắc câu ca dao này là thời Tây thuộc địa rồi. Nhưng động từ ‘lại Bến Thành’ để chỉ chiếc xe lửa vào ga thì nghe không có lý. ‘Lại’ chỉ chiếc tàu vô, cặp bến thì có lý hơn?!
Còn ‘súp lê’ theo ông nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958) cắt nghĩa rất rõ và rất chi tiết rằng: Súp lê, ông Hồ Biểu chánh viết bằng chữ ‘s’ thay vì chữ ‘x’ như ông Vương Hồng Sển.
+ Súp lê, soufler, thổi còi tàu.Tàu được phép cho hơi nước thoát qua ống khói nên có âm thanh như tiếng thụt ống bễ của lò rèn.
+ Síp lê, siffler, thổi còi xe lửa. Xe lửa không được phép cho hơi nước thoát xuyên hết qua ống khói vì sẽ gây ô nhiễm (bụi than) chỉ được một phần thôi nên nó có âm thanh như tiếng huýt sáo.
Như vậy theo ông Hồ Biểu Chánh cắt nghĩa thì ‘súp lê’ là của tàu, ‘síp lê’ mới là của xe lửa.
Thế nên theo ông Hồ Biểu Chánh cắt nghĩa sự khác nhau giữa hai động từ, một dành cho tàu thuyền, một dành cho xe lửa thì câu ca dao nầy có nghĩa là lúc 10 giờ, tàu (thuyền) chạy bằng máy hơi nước mới vừa cặp vô bến Bến Thành. Chưa gì đã vội thổi súp lê, chuẩn bị tách bến; nên bộ hành lao xao hỏi sao kỳ vậy cà?
Còn hiểu theo ông Vương Hồng Sển: “Mười giờ tàu lại Bến Thành. Súp lê vội thổi bộ hành lao xao” là chiếc tàu hỏa (chiếc xe lửa) vô ga Bến Thành là hiểu trật lất.
Còn cái chuyện bộ hành lao xao, theo ý tui đoán, là nó có liên quan tới cuộc binh biến đêm 14, rạng ngày 15, tháng Hai, năm 1916 tại cái đất Sài Gòn.
Khuya đêm đó, có khoảng vài trăm nghĩa quân ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, tất cả đều mặc áo đen, quần trắng, cổ quấn khăn trắng, bí mật từ ghe, thuyền cập bến đang neo đậu ở chân cầu Ông Lãnh tràn lên để cứu Phan Xích Long. ( Phan Xích Long là một lãnh tụ hội kín đang bị nhốt trong khám lớn Sài Gòn sau cuộc khởi nghĩa bất thành vào năm 1913).
Vì những nghĩa quân nầy đã từ tàu khách đổ bộ lên bến nước gây binh biến; nên thực dân Pháp sau khi đã dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu hồi rạng sáng, chúng siết chặt an ninh bằng cách đuổi tàu khách không cho vào cặp bến. Chính vì chuyện bất thường như vậy mới làm hành khách lao xao vì không biết chuyện gì đã xảy ra?
Thế nên bà con ơi! Chỉ có một câu lục và một câu bát, một câu ca dao có tổng cộng chỉ 14 chữ mà ông bà mình kể lại một thiên anh hùng ca của những người dân Việt bất khuất. Những nghĩa quân đó thà chết; chớ không chịu sống đời nô lệ ngoại bang vào đầu thế kỷ thứ 20, ở Bến Thành, cái đất Sài Gòn yêu dấu của chúng ta.
Đoàn Xuân Thu ( Melbourne )
Tranh của Bảo Huân.


NGƯỜI TRĂM NĂM CŨ

 Tản mạn về một người thầy

Người Trăm Năm Cũ” là tên một cuốn tiểu thuyết của Hoàng Khởi Phong, kể chuyện lịch sử thời Đề Thám chống Pháp. Tôi nhớ cái tựa đề này khi đến thăm nhà văn Linh Bảo, gặp cả nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã tới trước. Hai người đều gần 100 tuổi. Bà Linh Bảo thì còn trẻ, mới 95. Ông Doãn Quốc Sỹ mấy lần nói mình đã 100 tuổi. Doãn Cẩm Liên cải chính: Bố mới 98. Cụ cứ nói mình đã 100, mấy lần, cô con gái đành chịu thua!
Doãn Quốc Sỹ bắt đầu quên từ hơn 10 năm nay. Trí nhớ cụ được xóa bớt dần dần những chuyện vụn vặt. Mươi năm trước, gặp nhau cụ còn hỏi: “Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan hay Hoàng Cầm nhỉ?” Hoặc, “Quê Toàn ở Bắc Ninh phải không? Bà mẹ cụ Nguyễn Du cũng quê Bắc Ninh.” Doãn Quốc Sỹ nhớ bút hiệu Tô Giang Khách, vì nhà ở gần sông Tô Lịch. Rồi kể sau này về thăm, con sông Tô đã biến mất. Lại đọc thơ Trần Tế Xương: “Sông kia nay đã nên đồng – Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô, khoai ...” Trong mười mấy năm, trí nhớ cứ thế nhẹ dần, nhẹ dần; giờ không nghe Doãn Quốc Sỹ hỏi đến Màu Tím Hoa Sim, đến Bắc Ninh nữa.
Nhưng có một chuyện Doãn Quốc Sỹ lâu lâu vẫn nhắc lại. Đó là hai câu thơ của Tú Mỡ có đủ tên tám người con. Doãn Quốc Sỹ lấy người con thứ ba của nhà thơ trào phúng trong Tự Lực Văn Đoàn. Trước ngày cưới, ông bố vợ hỏi nhỏ chàng rể: Anh có biết lễ không? Câu thơ Tú Mỡ viết: “Năm trai, ba gái, tám con – Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vỹ, Cường.” Doãn Quốc Sỹ ngậm ngùi: “Bây giờ chỉ chú Cường còn sống, ở Hà Nội.” Mấy năm sau, ngậm ngùi hơn: “Chú Cường cũng mất rồi.”
Ngày hôm qua thấy Doãn Quốc Sỹ còn nhớ nhiều lắm. Tôi hỏi trong hồi ký Cát Bụi Chân Ai “Tô Hoài nói anh đã dùng tên hiệu Quan Sơn, đúng không?” Ông nhớ liền: Quan Sơn. Dương Quan Sơn, vì có ba chữ DQS giống như tên thật. Tô Hoài kể “Doãn Quốc Sỹ người Cầu Giấy, gần làng tôi. Chúng tôi quen nhau khi mới cầm bút.” Thời 1970 Tô Hoài phụ trách một mục “địch vận” mang tên “Thư Hà Nội” trên đài phát thanh. Tô Hoài viết thư cho Quan Sơn, đó là tên Doãn Quốc Sỹ ký trên báo Tiểu Thuyết Thứ Năm khi đăng truyện ngắn đầu tiên.
Những người trăm năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Doãn Quốc Sỹ nhiều lần nhắc lại tác giả hai câu thơ trên, Vũ Đình Liên, là một thầy giáo dạy mình thủa nhỏ.
Thực ra không cần đi đâu tìm linh hồn những người trăm năm cũ. Họ vẫn còn sống. Chúng ta vẫn thấy họ, ở quanh mình. Lắm lúc tôi nhìn trong gương, tự hỏi trên mặt mình có những nét nào giống bố lúc về già không. Năm tôi 30 tuổi mẹ tôi vẫn xoa đầu tôi nói, “Hói, lại giống Thầy ngày xưa.” Nhưng tôi nhớ bố nhất mỗi khi đắn đo trong việc cư xử trong cuộc đời. “Mình làm như vầy thì bố mình có vui hay không? Hay là sẽ buồn?”
Người Việt mình không dành mỗi năm một ngày mừng “Ngày Của Cha” như phong tục người Mỹ. Tôi không đếm coi mỗi tháng, mỗi năm tôi nhớ đến bố mình bao nhiêu lần, nhưng chắc là nhiều. Tôi mồ côi khi chưa đầy 5 tuổi nên biết rất ít về cụ. Mẹ tôi thường kể chuyện. Mẹ không bao giờ nói về thầy như “ông ấy,” “ông cụ,” hay “thầy các con;” mà lúc nào cũng như chúng tôi, gọi là Thầy. “Với các con lớn bao giờ Thầy cũng gọi là anh, là chị. Thầy không bao giờ mày, tao, thằng này, con kia. Nói chuyện với ai Thầy cũng “vâng,” và “dạ.”
Khi gặp những người gần 100 tuổi mà tôi quen gọi là anh, là chị, như anh Doãn Quốc Sỹ, chị Linh Bảo, ngẫm cuộc đời họ đã sống, nhìn cách họ nói năng, cư xử, tôi vẫn yên tâm. Những người trăm năm cũ sẽ còn với chúng ta mãi mãi.
Ngô Nhân Dụng

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..