31 thg 5, 2020

CHUYỆN TÌNH HỒNG TRONG HOÀNG HÔN

***
Đôi lời giới thiệu

        Thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng với con người.Thời gian là vô tận nhưng cuộc đời mỗi người lại là hữu hạn, nếu không biết tận dụng thời gian sẽ trôi qua vô ích và khi nhìn lại con người chỉ thấy sự tiếc nuối ,ân hận.Thời gian có thể làm con người thay đổi nhiều thứ nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó chính là tình yêu .Tình yêu tuổi già không còn lãng mạn,sôi nổi như thời còn trẻ mà thay vào đó là tình thương, sự tôn trọng và sự cảm thông. Không gì hạnh phúc hơn khi tuổi già mà vẫn có thể đi với nhau đến cuối cuộc đời .
       Câu chuyện dưới đây là một minh chứng hùng hồn cho tình yêu và tuổi già, yếu tố thời gian trong câu chuyện là liệu pháp trị liệu xoá bỏ những nỗi sầu đau cuộc đời và là chất xúc tác giúp tình yêu tuổi già mau chóng cảm thông, hoà hợp.Có thể bạn không tin nhưng câu chuyện xây dựng trên những tình tiết có thật. Đôi bạn già đang sống bên nhau và được con cái tôn trọng.Tuổi đã già nhưng tình của họ vẫn còn trẻ mãi.
                                                                                                             Mru Thang
***
Câu chuyện 
 Tình Hồng Trong Hoàng Hôn 
.
Xin cho tôi một vài sợi nắng
Của tình yêu bé bỏng đầu đời
Từ trái tim non khi vừa hé nở
Đón tình yêu trong nắng nhạt nhoà

Xin cho tôi một vài giọt đắng
Của tình yêu yếu ớt đơn côi 
Thêm sức sống những chiều nhạt nắng
Để ngày trôi qua chẳng thiệt thòi
Xin cho tôi một mùa xuân ấm áp
Cánh hoa lòng hé nở đón sương mai
Tình đơn phương hay tình yêu dang dở
Trong cuộc tình u uẩn nhớ thương ai

                                                       (Giọt đắng tình yêu - Nguyễn Thế Tân )

       Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng châu thổ sông Hồng. Quê hương tôi là một làng nông nghiệp nhỏ lâu đời ở cửa sông chảy ra biển, huyện Tiền hải, tỉnh Thái bình.
        Quê tôi có cánh đồng lúa ngút ngàn thẳng cánh cò bay ,có rừng phi lao gió mát, có bãi biển Đồng Châu cát trắng nước trong . Người dân trong làng sống bằng nghề đánh cá , trồng lúa, dệt cói, đan mây. Từ bao đời được hấp thụ bởi một nền văn hoá truyền thống nên dân làng ai cũng hiền lành, chất phác,khiêm tốn, quanh năm suốt tháng chăm chỉ làm ăn.
      Làng tôi có luỹ tre xanh dày bao bọc,ở cạnh ngôi đền cổ kính rêu phong , có cây đa cổ thụ đứng sừng sững phủ bóng mát quanh năm, có bến nước con đò nằm bên tả ngạn một nhánh sông nhỏ, chạy qua làng. Nơi đây vài chục ngôi nhà ngói cũ lớn năm gian, hoặc ba gian hai chái của những người trung nông từ thời Pháp thuộc còn in dấu , còn hầu hết là những mái nhà tranh vách đất của nông dân nghèo .Dù giàu nghèo ,ai cũng cố gắng nuôi trâu bò để làm sức kéo tăng năng suất lao động và nuôi lợn, gà, vịt làm kinh tế phụ .Hầu hết trước mỗi nhà có đều sân phơi và cối chày giã gạo, chung quanh nhà thường trồng dâm bụt chen lẫn với hàng giậu trúc .
       Những buổi trưa hè, dân làng thường hay ra ngồi bên bờ sông giặt giũ, tắm, hoặc câu cá… Phía xa xa dưới cây cao bóng cả , các bé trai tụ tập từng nhóm nhỏ, đánh khăng, thả diều, đá bóng…; các bé gái xúm nhau ngồi chơi ô ăn quan,đánh đũa, nhảy dây, lò cò… thi thoảng đâu đó vang lên những tiếng cười nói hồn nhiên vui vẻ.
      Vào những đêm trăng sáng,bóng chị nguyệt tròn vẹn lan toả ánh vàng khắp thôn trang, dân làng thường thức đến quá nửa đêm cùng nhau lao động ca hát.Nhưng vui nhất là trong những ngày được mùa, mọi người xay lúa giã gạo nói cười suốt đêm. Những ngày Tết Nguyên Đán và những ngày lễ hội ở đình thần bà con đều tề tựu đến đây để gói bánh làm lễ vật cúng bái. Lúc này sân đình lại nhộn nhịp đông đúc hơn, đình làng thuê những đoàn lân, hát bội ở xa đến, các ban tế tự cũng tụ họp về, tiếng đàn ca, tiếng trống , tiếng phèng la inh ỏi, trộn với tiếng cười nói xôn xao, vui nhộn cả đình làng, rồi từng đoàn người, từng hội đoàn, thứ tự nghiêm trang mang lễ vật vào trong đình , xá lạy cầu xin những điều may mắn, tốt lành. Đôi khi cũng có những dân làng kế cận khác theo thông lệ truyền thống cũng được mời đến đây tập trung cùng dân làng ăn uống,vui chơi rồi cùng nhận lộc do ban tổ chức của làng ban phát. Những ngày đó rất vui và dân làng ai cũng nghỉ việc đồng áng tham gia .Sau bữa ăn thì mọi người hay tụ nhau tại góc đình để chơi tam cúc, xóc đĩa, bầu cua…
        Làng tôi thời ấy vẫn còn giữ được nếp đẹp đến từ văn hoá nho giáo lưu truyền lâu đời,nhưng những lề thói tập tục về hôn nhân và quan hệ nam nữ luyến ái rất được tuân theo bởi những cụ bô lão trong làng luôn bảo thủ.Tục tảo hôn vẫn giữ . Gái trai không được ăn cùng mâm và không được nằm cùng chiếu khi hội hè .Văn hoá nho giáo với quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” và “tứ đức tam tòng” đã khiến cho thân phận người phụ nữ mờ nhạt, nhỏ bé , thua thiệt ,không chủ động được trong tình cảm lứa đôi, dẫn đến hạnh phúc gia đình mong manh dễ vỡ.



           Tôi là con thứ một gia đình trung nông, đông anh em (2 trai , 5 gái). Trong nhà,tôi là một người con gái hiền lành gặp nhiều may mắn vì được trời đã ban cho một nhan sắc trội hơn hẳn các chị em khác . Với một thân hình cao thon,thanh tú, làn da trắng hồng, mái tóc huyền dợn sóng xoả đến tận thắt lưng và dáng đi khoan thai ,tôi đã khiến cho đám thanh niên ,trai tráng trong làng vừa thoáng nhìn đã phải ngẩn ngơ, thầm yêu trộm nhớ.
       Nhưng thời thế đổi thay quá mau,nhiều thanh niên trong làng khá giả ,giỏi giang ngày một vơi đi do phải lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ non sông. Những trai làng còn lại thì đã có gia đình hoặc thuộc loại nhút nhát thiếu nam tính tới mức độ không dám bông đùa, chọc ghẹo một người con gái nào.Họ là bọn con trai hèn nhát hay do lũ con gái chúng tôi thời đó quá khép mình trong khuôn khổ lễ giáo? Dù nguyên cớ nào thì theo suy nghĩ của tôi ,cái nghèo cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho thân phận người phụ nữ từ xưa đã phải gánh chịu nhiều thiệt thòi trong việc mưu cầu hạnh phúc đôi lứa cho mình.Nỗi khổ của họ đã được Tản Đà phản ánh khá chân thực trong thơ ca :

“  Con nhà nghèo có nhiều khi vất vả
    Ngoài học đường thư thả được đâu
    Khi thì gánh nước tưới rau
    Chợ tan đón thúng theo sau mẹ về


          Trong nhà, bố mẹ tôi rất nghiêm khắc và thủ cựu trong việc dạy dỗ con cái.Bất luận làm công việc gì cũng phải đúng lễ giáo ,gia phong .Hệ quả là ngay những người hàng xóm cũng ngần ngại thăm viếng, còn người xa lạ ít dám lân la giao tiếp, nói chi bọn trai làng lại càng không dám bén mảng.
        Xã hội thủa trước vốn dĩ theo lề thói “nữ thập tam,nam thập lục”,chuyện lấy vợ ,gả chồng cho con cái thường diễn ra rất sớm.Thế nhưng duyên phận chăng mà người con gái nhan sắc không thua kém ai như tôi đến năm 18 tuổi rồi vẫn chưa có ai thèm ngó ngàng . Bà con hàng xóm lời ra nói vào tới tai mẹ tôi: “ Con gái chị lớn chồng ngồng rồi mà không chịu gả chồng, muốn cho nó ở giá hay sao?” Thậm chí có người còn cay nghiệt hơn :” Hũ mắm treo đầu giường ,giữ mãi không tốt đâu !“ Mẹ tôi im de không biết trong đầu bà đang suy tính gì chăng nhưng tôi nghe những lời soi mói về mình thì lòng dạ không nguôi.
        Bỗng sau đó vài hôm, vào một buổi sáng chúa nhật đẹp trời, trong lúc đang lúi húi làm bếp tôi chợt nghe tiếng chó sủa ở đầu ngõ. Vội ngó ra cổng tôi nhìn thấy một cụ ông quắc thước, da trắng, đầu tóc bạc phơ cùng đi với cụ bà, hai cụ có lẽ tuổi hơn lục tuần tiến về nhà tôi , đi sau lưng cụ bà là một thanh niên tuấn tú, cao ráo, da trắng, mặt mày sáng sủa , có đôi mắt sáng, dáng điệu rụt rè, tay bưng một khay có bọc vải đỏ.
       Ba mẹ tôi và chị tôi, hình như đã biết trước ,ra tận cửa tiếp đón, ai nấy mặt rạng rỡ,miệng nở nụ cười vui, cùng nhau sóng bước vào nhà.
        Mọi người khi đã an vị xong, mẹ tôi gọi tôi bưng nước và trầu cau ra để chào tiếp khách . Sau khi cúi đầu chào khách và rót nước mời, tôi bước vào nhà bếp để tiếp tục dọn dẹp và cùng các chị tôi nấu bếp để đãi khách ăn trưa. Đứng nép phía sau bức rèm cửa, tôi lén nhìn người thanh niên lạ ấy, anh ta đứng khoanh tay khép nép dựa cột, rụt rè im lặng với nét mặt đăm chiêu .
        Sau bữa cơm trưa thân mật với các món ăn khá thịnh soạn ngon miệng, khách được mời uống nước trà và ăn bánh ngọt tráng miệng.Cuối cùng sự việc tôi nôn nóng chờ mới diễn ra :cụ ông cao tuổi mở tấm vải đỏ che khay , tự tay rót rượu vào hai chén.Cụ giữ lại một chén, chén kia cầm lên đưa mời cha tôi. Uống xong hai nhà chính thức bàn bạc hoạch định việc kết nghĩa thông gia.Tất cả đồng ý đúng một tháng sau bên đàng trai tiến hành làm đám hỏi và sau hai tháng sẽ làm lễ cưới và đón dâu.Chồng tôi là con trai độc nhất trong dòng tộc nên bên họ đàng trai rất cẩn trọng trong việc tìm vợ cho con. Theo đó nàng dâu ngoài tiêu chuẩn dung hạnh còn phải có tầm vóc khoẻ mạnh hầu mong sau này sanh con trai nối dõi tông đường .Dưới mắt mọi người bên phía đàng trai, tôi là người con gái đạt đầy đủ những yêu cầu đó.
      Đám cưới chúng tôi được tổ chức rất linh đình, đông đủ bà con xóm làng tham dự.Hai họ tham dự ai nấy đều hài lòng vì môn đăng hộ đối.Mọi người vui mừng,hoan hỷ chúc phúc cho đôi trai tài gái sắc được “long phụng hoà duyên, trăm năm hạnh phúc”. 
       Tiệc cưới xong xuôi ,một ngày bận rộn nhưng êm đẹp.Mọi người kể cả cha mẹ và họ hàng bên nhà gái đều ra về hết.Chỉ còn mình tôi ở lại bên nhà chồng.
       Hoàng hôn khuất dần, màn đêm buông xuống.Tôi vào phòng ngồi ở góc giường,tay ôm chiếc gối ghì chặt vào lòng, không cầm được nỗi cô đơn và nhớ nhà , thút thít khóc.Chồng tôi bước vào phòng ,anh ngập ngừng ngồi bên nhỏ nhẹ vỗ về song nỗi buồn ngày đầu vu quy của tôi vẫn không vơi.Anh không dám làm tôi phật lòng chỉ nhỏ nhẹ " Khóc nữa đi em.. Thiếu nữ vu quy nhật mà ...Rồi anh lên giường ,nằm quay mặt vào sát vách ngủ. Cuối cùng tôi cũng mệt mỏi, co mình quay mặt ra phía ngoài thiếp đi lúc nào không hay .
         Sáng hôm sau mẹ chồng tôi cho phép chúng tôi dắt nhau về thăm cha mẹ tôi. Trên đường về bờ ruộng lúa quanh co gập ghềnh, chồng tôi phải cầm tay tôi dẫn đường chỉ lối. Đây là lần đầu tiên trong đời tiếp xúc với người đàn ông đã đem lại một cảm giác lạ lâng lâng chạy khắp châu thân,toả luồng hơi ấm nồng nàn vào tận cùng trái tim tôi. Tôi bắt đầu có thiện cảm với chồng và cảm thấy mình phải tìm ra cách gần gũi chồng thân mật hơn.
       Hôm sau chúng tôi trở về nhà chồng. Chồng tôi luôn ở sát bên tôi  phụ làm việc nhà , tham gia cả việc bếp núc với tôi. Thời giờ rảnh rang, chúng tôi dắt nhau đi chùa và cùng tham quan cảnh đẹp. Rất mau, tôi đã hoà hợp với chồng và có được hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. Đáp lại việc chồng tôi hết mực yêu thương chiều chuộng,tôi đã sinh cho anh một đứa con gái kháu khỉnh đầu lòng và ba thằng con trai kế tiếp. Gia đình lúc này thật hạnh phúc ,trong ngôi nhà luôn có tiếng khóc, tiếng cười dễ thương của trẻ thơ.
        Chúng tôi hạnh phúc chẳng được bao lâu thì chồng tôi nhận được giấy nhập ngũ. Những năm chiến tranh,tôi sống trong âu lo,hồi hộp vì rất nhiều gia đình tôi quen biết đã chịu cảnh đau thương mất mát vì con cái họ đã hy sinh ngoài chiến trường .

        Ngày đất nước  thống nhất, tôi thật mừng và hạnh phúc vì chồng tôi may mắn trở về nguyên vẹn . Chồng tôi làm đơn xin giải ngũ để cuộc sống bình thường như bao người khác sau khi đã làm tròn bổn phận với non sông.
          Nhưng cuộc đời không phẳng lặng như nhiều người mong muốn .Năm 1978 ,vợ chồng tôi cũng như nhiều gia đình khác trong làng được lệnh của nhà nước phân công vào miền Nam xây dựng khu tiền trạm kinh tế mới ở tỉnh Bình Phước. Đây là một tỉnh mới thành lập ở miền Nam tách ra từ tỉnh Sông Bé .Tỉnh  mới dân cư còn thưa thớt, đa số du nhập từ nhiều địa phương khác trong cả nước phân bổ về.Dân Bình Phước gốc gác trước 1975 đã bỏ xứ di tản đi các nơi khác sau những trận đánh bom khốc liệt .Cơ sự như vậy  mới dẫn đến việc có những người như chúng tôi đến vùng đất mới hoang sơ này lập nghiệp.Chồng tôi được phân công tổ trưởng bảo vệ, còn tôi đi làm phu cạo mủ cao su ở công ty Phú Riềng. Cuộc sống những năm đầu rất khó khăn .Do thiếu thốn lương thực, hàng ngày gia đình chúng tôi phải ăn độn khoai, sắn, củ nần, củ chụp…Sống kham khổ nhưng tình yêu gia đình bù đắp lại ,chồng tôi chờ mong một ngày mai tươi sáng hơn .Tôi sanh thêm cho anh 3 đứa con trai. 
        Đến năm 1986 do không hợp với thổ nhưỡng ở đây,vùng đất chuyên canh cao su lâu đời có môi trường sống không tốt cho những người yếu sức khỏe.Chồng tôi suy kiệt cơ thể thấy rõ và rồi anh đã chết vì căn bệnh sốt rét ác tính.Sau đó đến phiên tôi cũng bị nhiễm chứng bệnh nguy hiểm này.Nhưng nhờ bác sĩ giỏi ,điều trị sớm và may mắn gặp lúc bệnh viện có thuốc đặc trị nên tôi thoát khỏi tay tử thần.Trong thời gian ốm đau,tất cả việc nhà tôi đều phó thác cho đứa con gái đầu lòng quán xuyến.Ơn trời ,không phụ lòng mong mỏi của tôi,nó đảm đang chăm sóc và dạy dỗ các đứa em rất chu đáo.
         Năm đó tôi mới tròn 36 tuổi mà đã trở thành goá phụ, một mình nuôi bầy con dại. Nhiều đêm thao thức ngủ không yên giấc ,tôi ứa nước mắt thầm trách trời xanh, sao ông nỡ đoạ đầy thân con cơ khổ thế này.
       Một thời gian sau đó không lâu,sự rủi ro xảy đến, trong lúc cạo mủ cao su tôi bị tai nạn nghề nghiệp công ty phải cho nghỉ việc.Không thể nhìn đàn con chết đói, tôi chuyển nghề công nhân sang buôn bán rau quả ở chợ. 
         Việc làm ăn mới không ngờ diễn tiến thuận lợi vì tôi được các bạn hàng trong chợ thông cảm giúp đỡ.Họ cảm thương tôi có hoàn cảnh bất hạnh chồng chết sớm lại ở vậy nuôi bầy con dại nên mến thương và nhiệt tình hỗ trợ.Chẳng bao lâu cửa hàng của tôi khách ngày thêm đông,việc mua bán trở nên phát đạt. Tôi cho đứa con gái đầu lòng ra điều hành công việc phụ mình . Những đứa con trai lớn, tôi cho đi học nghề ở các tiệm nổi tiếng ở Sài gòn với hy vọng mai sau khi thành tài ra nghề được ngay và đứa lớn sẽ truyền dạy công việc lại đứa bé.
       Hai năm sau,đời tôi biến chuyển khi tôi quyết định tái giá.Ông chồng thứ hai này gốc bộ đội phục viên. Tôi quê mùa ít giao tiếp đàn ông sống trong hoàn cảnh goá bụa lâu ngày nên có thể tâm hồn cô quạnh của tôi dễ bị cuốn hút bởi cái tài khéo ăn nói, lối trò chuyện duyên dáng,và những những lời đường mật ngọt ngào mà một người phụ nữ quê mùa, chất phác như tôi chưa từng nghe. Sự khác lạ từ những nét mới ở người đàn ông ấy như một thứ bùa mê chết người làm tôi điêu đứng.Ông chồng thứ hai này cũng gốc miền Bắc nên tôi rất tin tưởng, nuôi hy vọng sẽ là người đàn ông tốt hết lòng thương vợ con như người chồng quá vãng của tôi đã sớm lìa đời . 
       Nhưng thật không may vì phải sau một thời gian khá dài chung sống, đến lúc sinh thêm hai đứa con trai, tôi mới nhìn ra bộ mặt thật của người chồng mới : hắn chỉ là một gã bạc tình đúng cả nghĩa đen, nghĩa bóng khi nhẫn tâm bỏ vợ ra đi ôm cầm thuyền mới không một lời từ giã,bỏ mặc cả hai đứa trẻ thơ vô tội do mình tạo ra .

       Nỗi đau sai lầm từ bước thứ hai cuộc đời đã khiến tôi chua xót thấm thía mà thời gian không thể xoá nhoà bởi đã 28 mùa xuân đã lặng lẽ trôi qua tôi vẫn sống trong tâm trạng căm ghét kẻ đàn ông phản bội.Thời gian trôi qua cũng giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống nếu không có tình yêu sẽ trở nên nhàm chán và tẻ nhạt. Nếu ai một lần bị phản bội, sẽ thấy cuộc đời như sụp đổ, mất phương hướng…Cảm xúc đó không thể nào tránh được, ít ra là với tôi sau khi bị tên sở khanh lường gạt quất vó truy phong .
         Bị những biến cố làm điên đảo cuộc đời,những khó khăn dồn dập xô đảy nhưng không hiểu sao tôi vẫn trụ vững được.Mỗi lần vấp ngã ,tôi tự nhủ phải cố gắng đứng dậy vì đàn con,phải đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Ơn trời,tôi đã vượt qua mọi giông bão cập bến bình an.Hiện nay,tất cả con cái của tôi đều đã nên người.Mỗi đứa có nghề nghiệp,có nhà riêng, đứa nào cũng yên bề gia thất, cuộc sống khá giả.Riêng đứa con gái cả đầu lòng có trang trại chăn nuôi lớn với cả ngàn con lợn, gà vịt cũng đầy đàn.
        28 năm sau khi bị gạt tình, tôi vào chùa xin qui y, tu học tại gia, ăn chay niệm Phật. Cuộc sống ổn định không lo khó khăn hoặc lệ thuộc về vật chất vì các con tôi đứa nào cũng có cơ ngơi riêng. Nhà của chúng quây quần rải rác chung quanh nơi tôi ở nên khá thuận lợi trong việc thăm viếng và cung cấp những tiện nghi đời sống thường ngày cho tôi .
        Về mặt nội tâm,vết thương trong lòng tôi vẫn chưa lành,như con chim hãi sợ cành cong nên những năm sau này tôi rất ngại tiếp xúc với bất kỳ người đàn ông nào.Tôi tự nhủ nay mình đã tuổi ngoài 60 ,con cái lớn khôn thì lo tu học và làm từ thiện để tâm hồn thanh thản là hay hơn cả.Với định hướng cho mình như vậy, tôi từ khước những lời đề nghị tiếp bước xây gia đình của những người đàn ông goá vợ.Tôi biết trong ánh mắt họ mình vẫn còn nét duyên thầm với vóc dáng ưa nhìn , đầy đặn trẻ trung…
        Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua,  những tưởng cuộc đời mình đã an bài thế nhưng một sự kiện bất ngờ xảy đến đã làm thay đổi cuộc đời tôi một lần nữa .
       Sự cố bắt nguồn từ việc tôi có một vài thửa đất bị chức quyền địa phương qui kết là đất chiếm dụng, rồi ra lệnh trưng thu.Thật bất công cho tôi vì thật ra số diện tích đất này là hợp pháp vì đã được nhà nước cấp phép giao cho khi gia đình chúng tôi sử dụng từ năm 1978 khi mới vào Nam lập nghiệp theo đường lối chủ trương những năm đầu của Đảng sau khi đất nước thống nhất “ nhằm thực hiện chiến lược phân bố lại các vùng dân cư để phát triển hài hòa, cân đối, bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia”.Tuy chính quyền hiện nay có bồi thường những thửa đất đó nhưng giá cả đền bù không hợp lý so với thực tế. Dù tôi không đồng ý, nhưng những mảnh đất của tôi vẫn bị địa phương áp đặt và ra quyết định trưng dụng.Không thể cam chịu sự bất công vì sự việc đã quá sức chịu đựng nên tôi nhất quyết ra Hà nội khiếu kiện với mong muốn sẽ đòi lại được lẽ công bằng.
       Tôi đến Hà nội bằng máy bay Việt nam Airline vào giữa tháng 10-2018. Người cùng tôi đi khiếu kiện và tôi chọn làm hướng dẫn cho mình là một lão ông lớn tuổi. Chúng tôi nhập vào đoàn dân oan tỉnh Bình Phước ,cùng mướn chung nhà trọ để tá túc,sinh hoạt .Khu nhà trọ có nhiều phòng, mỗi phòng đủ cho 5 người ở.Do phương tiện có hạn nên nhóm dân oan nhiều tỉnh thành có thể tá túc chung với nhau để tiết giảm chi phí vì không ai có thể lường trước được thời gian khiếu kiện là bao lâu .Vì không muốn ở chung nên tôi mướn riêng một phòng cho mình.Có thể vì vậy mà tôi là tâm điểm sự chú ý của nhiều người trong khu nhà trọ.Thực ra không khó để nhận ra nguyên cớ bởi ai mà không hoài nghi khi thấy người phụ nữ đã ngoài 65 mà nhan sắc vẫn còn mặn mà và trẻ hơn nhiều so với lứa tuổi.Tôi không còn khép kín trong phòng như trước mà sẵn sàng giao tiếp với những người xung quanh. Chẳng bao lâu thấy tôi ăn nói dễ thương hay giúp đỡ người khác nên những người trong khu nhà trọ đã thay đổi thái độ,họ niềm nở hỏi han không còn nhìn tôi với ánh mắt tò mò hoặc khó chịu như trước nữa .
     Chúng tôi ở đã đây hơn một tháng,nhưng việc khiếu kiện vẫn dậm chân tại chỗ.Ông lão đi khiếu kiện và cũng là người dẫn đường cho tôi đã nản chí vì chờ đợi lâu mà đơn không được giải quyết nên đã tự ý bỏ về quê.Không còn người hướng dẫn nữa đã khiến tôi có cảm giác hụt hẫng một thời gian và cảm nận nỗi bơ vơ thân phận của một người goá phụ trẻ sống một mình nơi đất khách,quê người.Nỗi buồn thêm sâu sắc khi hàng ngày tôi phải tự đi chợ, tự nấu ăn và ngủ một mình tại căn phòng trọ lạnh lẽo.Nỗi cô đơn tủi phận tràn ngập tâm trí khiến tôi nhiều đêm không ngủ được nhất là những đêm mưa dầm gió bấc.
      Ở khu nhà trọ một thời gian, tôi chú ý đến một người đàn ông lớn tuổi có lẽ tuổi đã qua 70, ông có có vầng trán cao, đôi mắt sáng, khuôn mặt hiền lành, dáng người mảnh khảnh, thấp hơn tôi một chút hay ra vào gần phòng tôi đang tá túc.Ông ăn nói từ tốn, chuẩn mực, cuộc sống thanh đạm, hàng ngày hay dùng bữa tại quán cơm chay.Nhìn cách sinh hoạt và giao tiếp của người đàn ông này,tôi nảy sinh cảm tình và tiến tới việc làm quen
         Tôi khá dễ dàng kết bạn với người đàn ông do tính tình ông ta cởi mở và cách xã giao thân thiện.Chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi đã kết thân và tôi đã xin được xưng hô bằng anh.Tôi được anh T ( tên đầy đủ là Nguyễn Thế T ) cho hay quê anh ở Phan thiết, nhưng hiện sống ở Bà rịa Vũng Tàu. Cũng vì mảnh đất gia đình ở quê hơn 25 năm bỏ nhiều công sức canh tác bỗng dưng bị chiếm dụng bất công nên anh không quản thân già vượt trên cả ngàn cây số ra Hà Nội khiếu kiện.Đồng cảnh tương lân,chúng tôi dễ cảm thông và gần gũi mỗi ngày một thân.
        Nhân một bữa rảnh rang,anh cho tôi xem tuyển tập “ Hoài niệm một thoáng quê hương “ bảo của mình viết và đã được post lên blog ,cả Face-book nữa.Trong tuyển tập đó, tôi chú ý có một bài thơ tình cảm phản ánh khá sâu sắc cuộc sống lay lất ,vất vả trăm chiều suốt 3 năm dòng dã của anh T khi đi ra Bắc khiếu kiện .
      Bài thơ là hồi âm của anh viết từ Hà Nội gởi về miền Nam tặng người bạn nào đó mang bút hiệu “Mỹ Duyên” :


“Tôi viết bài thơ tặng Mỹ Duyên
Đáp lại vần thơ của bạn hiền
Lâu lắm không về thăm đất mẹ
Lỗi hẹn quê nhà lắm truân chuyên
Một mình đơn độc nơi đất bắ
Nóng lạnh bốn mùa rét lắm phen
Mỗi tuần bảy bữa ăn đạm bạc
Cả tháng chay trường dạ cũng quen
Chấp nhận quãng đời nơi đất khách
Đi tìm chân lý cái mong manh
Dai dẳng ba năm rồi lỗi hẹn
Còn chút hơi tàn cũng đấu tranh
Bỏ xác quê người đành chấp nhận
Phũ phàng số kiếp vận quá đen
Tôi viết bài thơ tặng Mỹ Duyên
Đáp lại vần thơ của bạn hiền
Tri kỷ cuộc đời nơi viễn xứ
Thân tàn đất khách tựa thiên kim

                      Hà nội 16-3-2018

       Tôi dù ít học nhưng tôi lại thích gần gũi với những người trí thức có tâm hồn thanh cao để giao lưu , học hỏi nên việc được quen biết anh T, đối với tôi là một điều may mắn .Tôi thầm nhủ  mình “hữu duyên’ nên ‘hạnh ngộ” chăng ? Trong tình cảm bạn bè rất đáng trân quý đó, tôi đặt niềm tin nơi anh T,xem như người anh cả của mình.Hàng ngày giao tiếp, tôi luôn nhận được những nụ cười trìu mến , những ánh mắt thân thương của một người anh trai  có tấm lòng bao dung ,chở che…Hình như niềm hạnh phúc nào đó đang đến với tôi ,nó còn mờ nhạt nhưng tốt đẹp hay chỉ là viển vông thời tôi chưa biết được .
       Một ngày vào đông, sự cố bất ngờ xảy đến với tôi.Không biết có phải ăn nhằm thức ăn khó tiêu, hay bị trúng độc do ăn rau cải có thuốc trừ sâu mà hôm đó tôi đau bụng dữ dội từng cơn .Tôi nhờ một chị ở phòng gần bên ra nhà thuốc tây mua dùm 3 liều thuốc .Uống hết 2 liều nhưng tôi không thấy bớt mà bịnh coi mòi còn trầm trọng hơn.Suốt đêm bị những cơn đau quặn hành hạ, tôi chỉ mong cho trời mau sáng để đi khám bệnh.
         Trời chưa sáng hẳn, tôi đến phòng gặp anh T nhờ đưa đi bệnh viện. Anh đón xe buýt đưa tôi đến một bệnh viện lớn ở Hà Đông. Có vrành về thủ tục khám bệnh nên anh hoàn tất việc đăng ký rất nhanh.Tôi được bác sĩ cho đi siêu âm, thử máu .Sau khi có kết quả,bác sĩ khám rồi khuyên tôi nên nằm viện để truyền nước biển.Bác sĩ giải thích bệnh tình do trước đây tôi uống lầm thuốc tự mua nên bị tác dụng phụ gây phản ứng nghiêm trọng.Ông khuyên tôi từ nay về sau không nên uống loại thuốc này nữa.Tôi ngại ngần thầm nghĩ mình chẳng có ai thân thuộc trông nom nên không dám nằm viện.
        Ra về ngó ngoài đường tôi thấy xe cộ đã chạy tấp nập, phố sá tấp nập,đâu cũng vang tiếng nói cười của những người đi mua sắm.Nhìn màu sắc những món quà trên tay họ, tôi mới hay hôm đó đã là 24 tháng12,ngày người dân thành phố Hà Nội đang nô nức chuẩn bị đón mừng ngày Chúa Giáng sinh.
        Về đến nhà trọ,tôi nằm nghỉ nhưng trong người cảm thấy người rất mệt, toàn thân đau nhức ,mắt lờ đờ, đầu óc quay cuồng…Đang hết sức âu lo thì vừa lúc anh T đi ăn cơm về sang thăm.Nghe kể bệnh tình thay vì đưa đến bệnh xá như tôi yêu cầu ,anh nhất quyết đưa tôi trở lại bệnh viện Hà Đông để được cấp cứu ngay.
       Anh dìu tôi xuống cầu thang bằng cả hai tay,rất gượng nhẹ để tôi không đau.Anh gọi xe ôm rồi bồng tôi lên xe, tôi ngồi giữa, anh ngồi sau ôm tôi chặt để tôi không bị ngã dọc đường.Anh lái xe ôm chạy rất mau nên chẳng mấy chốc đã tới phòng cấp cứu của bệnh viện. Anh dìu tôi vào, để tôi ngồi nhẹ xuống giường bệnh.Lúc này tôi bị choáng cao độ, mắt tối xầm toàn màu đen, ngất xỉu trên giường bệnh không còn biết gì nữa.Sau này nghe anh kể lại,ban đầu anh cũng hoảng nhưng trấn tĩnh ngay được và tức tốc chạy đi tìm bác sĩ cấp cúu.Rất may , bác sĩ đến liền và cho y táo đo huyết áp ngay.Nhìn số đo huyết tôi là 19/8,bác sĩ lắc đầu cho tôi được vào phòng cấp cứu khẩn cấp.Khi truyền nước biển,bác sĩ kê toa bảo người nhà ra ngoài mua thứ thuốc mà tôi không nhớ tên để pha vào nước biển vì ở bệnh viện không có loại thuốc này.
         Anh T chạy đi ngay và một giờ sau mới mua được thuốc đem về, vì anh phải đi bộ gần 4 cây số mới mua được. Khi anh về đến bệnh viện thì tôi đã được truyền hết 2 chai nước biển,thuốc chỉ được pha vào chai thứ 3.Khoảng 15 phút sau,tôi tỉnh táo và khoẻ lại, mở mắt ra thấy anh đang đứng bên chăm chăm nhìn từng giọt nhỏ xuống từ chai nước biển.Tôi thấy lòng xúc động nhưng không nói được lời nào.
        Đang truyền nước biển tôi ra hiệu muốn đi vệ sinh,nhạy cảm hiểu ngay và gượng nhẹ dìu tôi ngồi vào xe lăn, một tay đẩy xe, tay kia cầm chai nước biển dơ cao lên đưa tôi đi vào phòng vệ sinh. Tôi nhớ rõ đêm đó tôi đi vệ sinh đến 3 lần.Lần nào anh cũng chân tình giúp đỡ không chút biểu hiện phiền hà gì cả.Tôi cũng không nói năng được gì chỉ âm thầm ghi nhận tấm lòng của anh qua ánh mắt và nhịp đập con tim.
      Những bệnh nhân và người thăm nuôi chung phòng cấp cứu thấy anh T chăm sóc tôi chu đáo, ai cũng nghĩ anh là chồng tôi.Có lẽ anh cũng biết cảm quan của họ như tôi nhưng, chúng tôi, cả hai không ai muốn phủ nhận.
      Nhìn lên tường tôi thấy đồng hồ đã chỉ 23 giờ 50, tiếng chuông nhà thờ từ xa chợt vang lên,giây phút đón mừng Chúa giáng sinh sắp đến rồi .Lúc này tôi đã tỉnh táo, cảm thấy khoẻ hơm nhiều, nhìn sang cửa sổ bên hông nhà hướng ra phía đường cái, tiếng xe cộ đã dịu bớt,nhưng tiếng kinh cầu nguyện trong các nhà thờ vang lên đâu đó qua TV hoặc từ những ngôi nhà lân cận nào chăng,tôi không khẳng định được nhưng những âm thanh đó làm lòng tôi xao động…Động lực nào chẳng rõ đã khiến tôi chấp tay ,miệng thầm cầu nguyện cho thế giới hoà bình,cho loài người sống yên bình, cho con cháu tôi đươc an vui hạnh phúc. Tôi không quên nguyện cầu cho người đàn ông đã đưa tôi đi cấp cứu.Giữa đêm Nô-en lòng tôi như chùng lại ,con tim se thắt khi nhớ lại hình ảnh người đàn ông đã tận tình chăm sóc mình chân tình, không chút e dè quản ngại mọi mặt từ vật chất đến tinh thần.Phải có một tấm lòng,một tình thương yêu bao dung, rộng mở mới làm được như vậy.Từ những rung cảm tận đáy lòng,tôi nhận ra mình bắt đầu thương mến anh T.
        Bên ngoài bệnh viện ,những tiếng nẹt pô xe máy chát chúa vang như xé tai khiến tôi thót tim sợ hãi.Thì ra vừa dứt những hồi chuông nhà thờ thì những yêng hùng xa lộ theo thông lệ lại rủ nhau đua xe quậy phá trên đường phố.Thấy tôi ôm ngực ,vẻ mặt tái nhợt,anh T vội bấm chuông gọi trực phòng. Bác sĩ và y tá lại đến đo tim mạch cho tôi. Anh đứng bên cạnh chăm chú lắng nghe những lời bác sĩ.Nét mặt anh vui hẳn lên và bảo cho tôi biết không có vấn đề gì vì nhịp tim và đường huyết đã trở lại bình thường.Bác sĩ nói tôi có thể xuất viện sau khi nhận toa thuốc của bệnh viện .
      Bác sĩ thấy anh T lúc nào cũng túc trực bên tôi và có vẻ quan tâm lo lắng với bệnh nhân nên ông đến gần bắt tay anh và nói :” Thật tình tôi thấy ông là người đàn ông tuyệt vời, một người chồng thông minh, chu đáo .Ông chăm sóc bà rất đúng cách khi xử dụng thời gian ban đầu quý như vàng để đưa bà đến bệnh viện đúng lúc, nhờ vậy mới giúp bà qua cơn nguy kịch.Mong khi về nhà ông cho bà nghỉ ngơi, bồi dưỡng thì một thời gian ngắn thôi bà sẽ bình phục hẳn “.
       Trước khi rời khỏi phòng ông vỗ vai T và khen anh một lần nữa. Tôi thấy đôi má anh vẫn còn hơi ửng hồng sau khi nghe những lời khen chân tình lúc nãy của bác sĩ .Thú thật thoạt mới nghe ông ta khen tặng anh T là “một người chồng chu đáo” tôi không phiền mà bỗng nhen lên một niềm vui trong lòng.Tôi chú ý xem thái độ ,vẻ mặt của anh ra sao.Tôi hài lòng vì thấy anh không cải chính,trong phòng ngoài tôi không để ý việc này.Anh T lại sát bên ông bác sĩ ,xiết chặt tay ông rồi nói :” Tôi trân trọng cám ơn bác sĩ và các y tá phòng cấp cứu ,những người bằng cả tấm lòng đã tận tâm ,tận sức cứu chữa bệnh nhân kịp thời ngay từ ban đầu, nhờ thế bà… nhà tôi mới vượt qua thoát khỏi tình thế hiểm nghèo mau khỏi bệnh và sớm ra viện ”.
       Bác sĩ và y tá vừa bước ra khỏi phòng, anh vội vã cầm toa đi mua thuốc và đóng viện phí. Tôi nằm tại phòng chờ anh làm thủ tục chuẩn bị xuất viện, đầu óc suy nghĩ mông lung.
       Những hình ảnh xảy ra trong ngày cứ chập chờn hiện ra lần lượt trong tâm trí tôi như một cuốn phim quay chậm .Hình dung lại cảnh tôi đau bụng được anh T dìu tôi lên xe ôm ,cảnh anh đưa tôi nhập viện ,cảnh anh âu lo đứng chăm sóc tôi bên giường…tôi thấy lòng xốn xang thương cảm,cay cay nơi mắt .Có lẽ trong suốt cuộc đời còn lại ,tôi không thể nào quên được những giây phút xúc động và hạnh phúc đó.
           Anh T vẫn chưa trở lại, tôi lấy điện thoại mở nhạc ra nghe.Tiếng hát của đệ nhất danh ca Thái Thanh vang lên bài ” Người đi qua đời tôi “ thơ của Trần Dạ Từ được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc :



Người đi qua đời tôi, trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai, gió mù lên mấy trời

Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên
...
Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người
Mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời
Người đi qua đời tôi, đường xưa đầy lá úa
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên

          Đầu óc tôi lâng lâng ,tâm trí cuốn hút vào từng lời ca lúc trầm ,lúc bổng mang đậm nỗi niềm vương vấn nuối tiếc đau thương chia lìa của một cặp tình nhân nào đó.Giáng sinh là mùa lễ hội đón mừng năm mới, nhưng những bài hát Giáng sinh hay nhất thường là những bài hát buồn.Bài hát tôi đang nghe rất phù hợp tâm trạng mình.Tôi nhớ ai đó từng khuyên “khi cảm thấy cô đơn,bạn hãy nghe nhạc”.Lúc này âm nhạc đúng là một liều thuốc an ủi tinh thần cho tôi ,nó giúp tôi quên đi mọi quá khứ u buồn để lạc quan nhìn vào tương lai .Tôi rưng rưng nước mắt lấy hai bàn tay che mặt và thầm nói lời cầu nguyện “ Lạy chúa con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao .Con cầu xin Chúa ban phước lành cho người đàn ông đã hết lòng chăm sóc cho con hôm nay, giúp cho con qua cơn bạo bệnh. Hôm nay cánh cửa yêu thương một lần nữa lại được mở ra đón nhận tình hồng trong tuổi hoàng hôn trong tình cảm đơn phương của con.Nếu được anh đáp lại tình hồng này hợp theo ý Chúa thì đây là duyên số, con nguyện yêu anh suốt đời, anh sẽ là người chồng yêu quí cuối cùng của đời con…”.
        Trời còn lờ mờ sáng, bên ngoài gió rét lạnh thổi từng cơn, anh nắm tay dìu tôi đi chầm chậm ra cổng đón xe taxi đi về nhà trọ.Thật may, anh gặp một tài xế taxi tốt bụng đang từ bệnh viện chạy ra.Xe này cũng chở người bệnh xuất viện về nhà, do đi cùng đường nên anh đồng ý cho chúng tôi quá giang không lấy tiền.
           Về đến nhà trọ mọi người còn say ngủ, chủ nhà trọ ra mở cửa, anh cám ơn nói chào hỏi rồi lại dìu tôi nhè nhẹ bước lên lầu.Tôi nghe tiếng gà gáy sáng từ nhà ai vang lên.Một đêm dài nhớ đời của tôi vừa chấm dứt.Một ngày mới đang ló rạng.
         Ở Bình Phước khi nghe tin tôi bị bệnh nặng, mấy đứa con tôi vội vã gọi điện là sẽ ra Bắc để chăm sóc tôi, nhưng tôi không đồng ý lấy lý do miền Bắc xa xôi, lại không biết chỗ ở của tôi, vả lại tôi cũng đã có người chăm sóc rất chu đáo rồi. Kể từ hôm đó, tôi nấu thêm phần ăn của anh, chúng tôi bắt đầu ăn chung bàn, ngủ chung nhà nhưng vẫn không vượt qua đạo lý.
      Từ mối quan hệ này , tôi và anh đi đâu cũng liền đôi, nắm tay nhau cùng đi ngắm cảnh đẹp của Hà thành, cùng ngồi bên nhau trong giáo đường lãnh quà cứu trợ… Rồi sau đó chúng tôi quyết định trao nhau những nụ hôn nồng nàn ,đặt dấu ấn cho mối duyên tình vừa chớm nở giữa mùa Giáng sinh .
        Thời gian qua mau,nhìn lịch thấm thoát đã 22 âm lịch, ngày mai đã là ngày đưa ông Táo về trời .Chúng tôi cùng ra ga mua vé về Sài gòn, vé chỉ còn ít, chỉ mua đươc vé giường nằm, một vé ở tầng một, một vé ở tầng ba, leo lên, leo xuống rất khó khăn.
       Chuyến tàu về Nam bằng tàu nhanh nên chỉ đi có 2 ngày một đêm tới Sài gòn bình yên. Chúng tôi đi xe taxi về nhà người con trai út của tôi có tiệm uốn tóc ở đây.Tôi vào nhà nghỉ lại còn anh đi tiếp về nhà mình .Tôi ở chơi nhà con tôi hai ngày,sau đó thì về Bình Phước.
         Chừng một tuần , tôi trở lên Sài gòn, nhờ anh T đưa đi chữa mắt. Một thời gian sau, tôi lại lên Sài gòn tái khám.Chuyến đi này ghi dấu một biến chuyển lớn trong cuộc đời tôi bởi đã suy nghĩ rất kỹ ,có cả hội ý với con cái trước khi quyết định.Tôi rất hồi hộp,mừng vui,âu lo lẫn lộn...Rồi việc phải đến đã đến .Trong bữa cơm chan hoà tình cảm yêu thương, ngồi kề sát và nắm chặt tay anh ,tôi đề nghị anh T về Bình Phước sống với tôi. 


       
         Ba năm trôi qua ,tôi và anh chung sống rất mực thương yêu,hoà hợp.Anh ở tại một căn hộ nhỏ đủ tiện nghi mà tôi đã chuẩn bị trước .Tôi vẫn ở nhà riêng của mình nhưng thường ngày lui tới,có khi ở lại đôi ngày .Tình yêu của chúng tôi không sôi nổi cháy bỏng như tuổi đôi mươi nhưng vẫn chan hoà yêu thương nồng thắm.Chúng tôi trân quý tình yêu  tuổi già ,biết gìn giữ cho nhau và nhất là tôn trọng lẫn nhau vì ai cũng có con cái .Chúng tôi hiểu rằng con cái thời nay có sự hiểu biết hơn thời chúng tôi ,chúng có lối sống mới,tư duy mới ,biết quan tâm đến tình cảm của các bậc sinh thành.Chỉ cần thấy cha mẹ sống vui vẻ, lạc quan và sống thọ cũng đủ mãn nguyện rồi . Chính nhờ con cái chấp nhận và ủng hộ mà ngôi nhà chúng tôi luôn vang tiếng cười hạnh phúc.
Tình hồng đã đến với chúng tôi trong tuổi hoàng hôn .

                                                                                          Phạm Thị Phượng




22 thg 5, 2020

THẾ GIỚI BÊN KIA – CÕI VÔ HÌNH


Đã đọc nhiều bài về thế giới bên kia hay cõi vô hình, nhưng tôi thấy bài này hay và có lý nhất.Trong bài chúng ta sẽ được nghe giải thích về quan niệm thiên đàng,địa ngục cũng như đời sống sau khi chết ra sao khá lô-gich của một nhà chuyên môn nhiều năm nghiên cứu về cõi vô hình .
Bài hơi dài nhưng dù tin hay không tin các bạn cũng nên đọc cho hết status trên trang Facebook và cùng suy gẫm xem những điều giảng hợp lý hay không hợp lý của vị Pháp sư này (Ông tên Hamud, đã tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý ở Đại học Oxford).

****



        Hamud là một pháp sư có kiến thức rất rộng về cõi vô hình, ông này không phải người Ấn mà là một người Ai cập. Ông sống một mình trong căn nhà nhỏ, xây dựa vào vách núi.
Hamud không hề tiếp khách, nhưng trước sự giới thiệu của bác sĩ Kavir, ông bằng lòng tiếp phái đoàn nghiên cứu thần học do giáo sư Walter Yeeling Evans-Wentz cầm đầu trong một thời gian ngắn. Vị pháp sư có khuôn mặt gầy gò, khắc khổ và một thân hình mảnh khảnh. Ông ta khoác áo choàng rộng và quấn khăn theo kiểu Ai cập.
       Giáo sư Evans-Wentz vào đề :
- Chúng tôi được biết ông chuyên nghiên cứu các hiện tượng huyền bí…
Pháp sư thản nhiên :
- Đúng thế, tôi chuyên nghiên cứu về cõi vô hình.
- Như thế ông tin rằng có ma…
Vị pháp sư nói bằng một giọng chắc chắn, quả quyết :
- Đó là một sự thật không những ma quỷ hiện hữu mà chúng còn là đối tượng nghiên cứu của tôi.
- Bằng cớ nào ông tin rằng ma quỷ có thật ?
- Khắp nơi trên thế giới đều có các giai thoại về ma, vì con người thường sợ hãi cái gì mà họ không thể nhận thức bằng các giác quan thông thường nên họ đã phủ nhận nó. Sự phủ nhận này mang đến niềm sợ hãi. Từ đó họ thêu dệt các giai thoại rùng rợn, ly kỳ, không đúng sự thật. Nếu chúng ta chấp nhận ma quỷ hiện hữu như một con voi hay con ngựa thì có lẽ ta sẽ không còn sợ hãi. Các ông đòi hỏi một chứng minh cụ thể chăng ?
- Dĩ nhiên, chúng tôi cần một bằng chứng hiển nhiên …
- Được lắm, các ông hãy nhìn đây.
Vị pháp sư mở ngăn kéo lấy ra một cặp que đan áo, một bó len và mang ra góc phòng để xuống đất. Ông ta thong thả :
- Chúng ta tiếp tục nói chuyện, rồi các ông sẽ thấy.
Mọi người ngơ ngác, không hiểu ông muốn nói gì, giáo sư Mortimer nóng nảy :
- Nếu ông nghiên cứu về cõi vô hình,xin ông giải thích về quan niệm thiên đàng,địa ngục cũng như đời sống sau khi chết ra sao ?
Vị pháp sư nghiêm giọng :
- Đó là một quan niệm không đúng, sự chết chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp chứ không phải là hết. Vũ trụ có rất nhiều cõi giới, chứ không phải chỉ có một cõi này.
- Khi chết ta bước qua cõi trung giới và cõi này gồm có bảy cảnh khác nhau. Mỗi cảnh được cấu tạo bằng những nguyên tử rất thanh mà ta gọi là “dĩ thái”. Tùy theo sự rung động khác nhau mà mỗi cảnh giới một khác. Tùy theo vía con người có sự rung động thanh cao hay chậm đặc, mà mỗi người thích hợp với một cảnh giới, đây là hiện tượng “đồng thanh tương ứng” mà thôi. Khi vừa chết, thể chất cấu tạo cái vía được sắp xếp lại, lớp thanh nhẹ nằm trong và lớp nặng trọc bọc phía ngoài, điều này cũng giống như một người mặc nhiều áo khác nhau vào mùa lạnh, áo lót mặc ở trong, áo choàng dầy khoác ngoài. Vì lớp vỏ bọc bên ngoài cấu tạo bằng nguyên tử rung động chậm và nặng nề, nó thích hợp với các cảnh giới tương ứng ở cõi âm, và con người sẽ đến với cảnh giới này. Sau khi ở đây một thời gian, lớp vỏ bao bọc bên ngoài dần dần tan rã giống như con người trút bỏ áo khoác bên ngoài ra, tùy theo các lớp nguyên tử bên trong mà họ thích ứng với một cảnh giới khác. Cứ như thế, theo thời gian, khi các áp lực vật chất tan rã hết thì con người tuần tự tiến lên những cảnh giới cao hơn. Điều này cũng giống như một quả bóng bay bị cột vào đó những bao cát; mỗi lần cởi bỏ được một bao thì quả bóng lại bay cao hơn một chút cho đến khi không còn bao cát nào, thì nó sẽ tự do bay bổng. Trong bảy cảnh giới của cõi âm, thì cảnh thứ bảy có rung động nặng nề, âm u nhất, nó là nơi chứa các vong linh bất hảo, những kẻ sát nhân, người mổ sẻ súc vật, những cặn bả xã hội, những kẻ tư tưởng xấu xa, còn đầy thú tánh. Vì ở cõi âm, không có thể xác, hình dáng thường biến đổi theo tư tưởng nên những kẻ thú tánh mạnh mẽ thường mang các hình dáng rất ghê rợn, nửa người, nửa thú. Những người thiếu kiến thức rõ rệt về cõi này cho rằng đó là những quỷ sứ. Điều này cũng không sai sự thật bao nhiêu vì đa số những vong linh này luôn oán hận, ham muốn, thù hằng và thường tìm cách trở về cõi trần. Tùy theo dục vọng riêng tư mà chúng tụ tập quanh các nơi thích ứng, dĩ nhiên người cõi trần không nhìn thấy chúng được. Những loài ma đói khát quanh quẩn bên các chốn trà đình tửu quán, các nơi mổ sẻ thú vật để tìm những rung động theo những khoái lạc vật chất tại đây. Khi một người ăn uống ngon lành họ có các rung động, khoái lạc và loài mà tìm cách hưởng thụ theo tư tưởng này. Đôi khi chúng cũng tìm cách ảnh hưởng, xúi dục con người nếu họ có tinh thần yếu đuối, non nớt. Những loài ma dục tình thì quanh quẩn nơi buôn hương bán phấn, rung động theo những khoái lạc của người chốn đó, và tìm cách ảnh hưởng họ. Nếu người sống sử dụng rượu, các chất kích thích thì ngay trong giây phút mà họ không còn tự chủ được nữa, các loài ma tìm cách nhập vào trong thoáng giây để hưởng một chút khoái lạc vật chất dư thừa. Vì không được thoa? mãn nên theo thời gian các dục vọng cũng giảm dần, các nguyên tử nặng trọc cũng tan theo, vong linh sẽ có các rung động thích hợp với một cảnh giới cao hơn và y sẽ thăng lên cõi giới tương ứng. Dĩ nhiên, một người có đời sống trong sạch, tinh khiết sẽ không lưu ở cõi này, mà thức tỉnh ở một cõi giới tương ứng khác. Tùy theo lối sống, tư tưởng khi ta còn ở cõi trần mà khi chết ta sẽ đến những cảnh giới tương đồng, đây chính là định luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Toàn thể phái đoàn im lặng nhìn nhau, vị pháp sư Ai cập đã diễn tả bằng những danh từ hết sức khoa học, chính xác, chứ không mơ hồ, viễn vông. Dù sao đây vẫn là một lý thuyết rất hay, nhưng chưa chứng minh được. Có thể đó là một giả thuyết của những dân tộc nhiều tưởng tượng như người Á châu chăng ?
Hamud mỉm cười như đọc được tư tưởng mọi người :
- Nếu các ông biết rằng tôi cũng là một tiến sĩ vật lý học tốt nghiệp đại học Oxford …
Giáo sư Harding giật mình kêu lên :
- Oxford ư ? Ông đã từng du học bên xứ chúng tôi sao ?
- Chính thế, tôi tốt nghiệp năm 1864, và là người Ai cập đầu tiên tốt nghiệp về ngành này.
(Ghi chú của giáo sư Spalding : Phái đoàn đã phối kiểm chi tiết này và hồ sơ đại học Oxford ghi nhận có một tiến sĩ người Ai cập tên là Hamud El Sarim nhập học năm 1856 và tốt nghiệp năm 1864 với bằng Tiến sĩ Vật lý).
- Nhưng làm sao ông biết rõ được cõi giới này ? Ông đã đọc sách vở hay dựa trên những bằng chứng ở đâu ?
- Tôi đã khai mở các giác quan thể vía, nhờ công phu tu hành trong nhiều năm. Ngay khi còn là sinh viên tôi đã say mê môn Vật lý siêu hình (metaphysics). Tôi dành nhiều thời giờ nghiên cứu sách vở khoa học, nhưng đến một lúc thì khoa học phải bó tay. Sự nghiên cứu dẫn dắt tôi đến với Khoa Huyền Bí học. Tôi học hỏi rất kỹ về môn này, khi trở về Ai cập tôi may mắn gặp được các vị đạo sư uyên bác, nên sự nghiên cứu càng ngày càng tiến bộ. Sự nghiên cứu dẫn dắt tôi sang Ấn độ, và Tây Tạng. Tại đây tôi gặp một Lạt Ma chuyên nghiên cứu về cõi âm, tôi đã học hỏi rất nhiều với vị này. Sau đó, tôi tu nhập thất trong 10 năm liền, và khai mở được một vài giác quan đặc biệt. Từ đó, tôi tha hồ nghiên cứu cõi âm vì tôi có thể sang tận đây học hỏi và cõi này trở nên quen thuộc, tôi kết bạn với rất nhiều sinh vật siêu hình, chúng giúp đỡ tôi rất nhiều.



Giáo sư Evans- Wentz ngập ngừng :
- Ông muốn nói rằng ông kết bạn với ma ?
- Dĩ nhiên, vì tôi dành trọn thời giờ hoạt động bên cõi này, nên tôi có rất đông bạn bè, phần lón là vong linh người quá cố nhưng cũng có một vài sinh vật có đường tiến hoá riêng, khác với loài người, có loài khôn hơn người và có loại không thông minh hơn loài vật là bao…
- Giao thiệp với chúng có lợi ích gì không ?
- Các ông nên biết cõi âm là một thế giới lạ lùng, phức tạp với những luật thiên nhiên khác hẳn cõi trần. Sự đi lại giao thiệp giúp ta thêm kiến thức rõ ràng…..
- Như thế có nguy hiểm không?
- Dĩ nhiên, có nhiều sinh vật hay vong linh hung ác, dữ tợn…Một số thầy phù thuỷ, thường liên lạc với nhóm này để mưu cầu lợi lộc, chữa bệnh hoặc thư phù, nguyền rủa….
- Ông có thể làm như vậy không ?
Vị pháp sư nghiêm mặt :
- Tất cả những việc gì có tính cách phản thiên nhiên, ngược luật tạo hoá đều mang lại hậu quả không tốt. Mưu cầu lợi lộc cho cá nhân là điều tối kỵ của ai đi trên đường đạo. Tôi không giao thiệp với những loại vong linh này, vì chúng rất nguy hiểm, hay phản phúc và thường giết chết kẻ lợi dụng chúng bất cứ lúc nào. Các ông nên nhớ tôi là một khoa học gia chứ không phải một thầy pháp hạ cấp hay một phù thuỷ chữa bệnh.
- Xin ông nói rõ hơn về những cảnh giới cõi âm.
- Các ông nên biết dù ở cõi nào, tất cả cũng không ra ngoài các định luật khoa học. Thí dụ như vật chất có ba thể : thể lỏng, thể đặc và thể hơi, thì bên cõi này cũng có những thể tương tự. Luật thiên nhiên cho thấyvật nặng sẽ chìm xuống dưới và vật nhẹ nổi lên trên thì cõi vô hình cũng thế. Nguyên tử cõi âm rung động với một nhịp độ khác với cõi trần, các nguyên tử rung động thật nhanh dĩ nhiên phải nhẹ hơn các nguyên tử nặng trược. Tóm lại, tùy theo nhịp độ rung động mà tạo ra những cảnh giới khác nhau, có bảy loại rung động nên có bảy cõi giới. Các nguyên tử rung động chậm chạp phải chìm xuống dưới vì nếu ta mang nó lên cao, sức ép sẽ làm nó tan vỡ ngaỵ Thí dụ ta đặt một quả bóng xuống nước nếu đến một độ sâu nào đó sức ép của nước sẽ làm nó vỡ tan. Loài cá cũng thế, có loại sống gần mặt nước, có loại sống tận đáy đại dương. Nếu loại sống gần mặt biển bị mang xuống đáy nó sẽ bị sức ép mà chết, ngược lại nếu loài sống ở dưới đáycũng không thể lên sát mặt nước vì đã quen với sức ép khác nhau. Cảnh giới thứ bảy lúc nào cũng tối tăm, nặng nề với các vong linh hình dáng ghê rợn, nhưng hoàn toàn không có vụ quỷ sứ tra tấn tội nhân. Bị lưu đày ở đây đã là khổ sở lắm rồi, các ông hãy tưởng tượng bị dụcvọng hành hạ mà không thể thoa? mãn thì còn khổ gấp trăm lần bị tra tấn. Vong linh thèm muốn nhưng không so thoa? mãn được, như đói mà không thể ăn, khát không thể uống. Do đó, theo thời gian y sẽ học bài học chịu đựng, nhẫn nhục cho đến khi dục vọng giảm bớt và tan ra thì y sẽ thăng lên cảnh giới thứ sáu. Cõi giới thứ sáu, có sự rung động rất giống như cõi trần, tại đây các vong linh ít còn thèm muốn vật chất như ăn uống, dục tình, nhưng bận tâm với những nhỏ nhen của cuộc sống như thoa? mãn bản ngã, ích kỷ, ghen tuông, hờn giận, v…v… Đa số có hình dáng giống như người cõi trần, nhưng lờ mờ không rõ. Vì sự rung động của nguyên tử gần giống như cõi trần nên họ hay trở về cõi này, họ thường nhập vào đồng cốt, các buổi cầu cơ, cầu hồn để chỉ dẫn bậy bạ, nói chuyên vu vơ nhằm thoa? mãn tự ái, bản ngã cá nhân. Vì đa số vong linh khi còn sống rất ham mê danh vọng, chức tước, uy quyền nên khi họ nhập vào đồng cốt, họ thường tự xưng là các đấng này, đấng nọ. Theo thời gian, các rung động ham muốn, các cố chấp về bản ngã, danh vọng cũng tan biến nên họ thăng lên cảnh giới thứ năm. Cõi thứ năm có sự rung động thanh nhẹ hơn cõi trần nên vong linh có thể biến đổi sắc tướng rất nhanh chóng. Đây là một thế giới với những âm thanh màu sắc lạ lùng dễ bị mê hoặc. Các vong linh ở đây đã bớt ham muốn về cá nhân, nhưng còn ham muốn về tư tưởng, kiến thức. Đây là nơi cư ngụ của những kẻ đạo đức giả, những kẻ bảo thủ nhiều thành kiến, những người trí thức tự phụ, v…v… Đây cũng là cõi có những sinh hoạt của loài Tinh linh. Loài Tinh linh là những sinh vật vô hình có hình dáng hao hao giống như người mà ta thường gọi là Thiên tinh (sylphs), Thổ địa (gnome), Phong tinh (elves), v…v… Một số bị thu phục bởi các phù thuỷ, pháp sư để làm ảo thuật hay luyện phép. Cõi này còn có sự hiện diện của những “hình tư tưởng”. Các ông nên biết, khi một tư tưởng hay dục vọng phát sinh thì chúng sử dụng tinh chất cõi này tạo nên một hình tư tưởng thích hợp. Đời sống của chúng tùy theo sức mạnh của tư tưởng mạnh hay yếu. Vì đa số tư tưởng con người còn mơ hồ nên hình tư tưởng chỉ tạo ra ít lâu là tan rã ngaỵ Một người tập trung tư tưởng có thể tạo ra một hình tư tưởng sống lâu trong vài giờ hay vài ngày. Một pháp sư cao tay có thể tạo ra các hình tư tưởng sống đến cả năm hay cả thế kỷ, không những thế hình tư tưởng này còn chịu sự sai khiến của ông tạ Các phù thuỷ luyện thần thông đều dựa trên nguyên tắc cấu tạo một sinh vật vô hình để sai khiến. Hình tư tưởng không chỉ phát sinh từ một cá nhân mà còn từ một nhóm người hay một quốc gia, dân tộc. Khi một đoàn thể, dân tộc cùng một ý nghĩ, họ sẽ tạo ra một hình tư tưởng của đoàn thể, quốc gia đó. Hình tư tưởng này sẽ tạo một ảnh hưởng vô cùng rộng lớn đối với tình cảm,phong tục, thành kiến của quốc gia, dân tộc. Ta có thể gọi đó là “Hồn thiêng sông núi” hay “dân tộc tính”. Khi sinh ra tại một quốc gia, ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của hình tư tưởng này, dĩ nhiên chúng chỉ ảnh hưởng lên thể vía, nghĩa là tình cảm của dân tộc đó, chứ không ảnh hưởng đến lý trí. Một người sống nhiều bằng lý trí sẽ ít chịu ảnh hưởng như người bình thường. Điều này giải thích tại sao một dân tộc có tâm hồn mơ mộng như thi sĩ khi dân tộc khác lại có đầu óc thực tế mặc dù trên phương diện địa lý, họ không ở cách xa nhau mấy và ít nhiều chia sẻ một số quan niệm về tôn giáo, phong tục, tập quán. Cảnh giới cõi thứ tư sáng sủa hơn và dĩ nhiên nguyên tử cõi này rung động rất nhanh. Phần lớn những vong linh tiến hoá, thánh thiện, những nhà trí thức trầm mặc nhưng còn quyến luyến một ít dục vọng khi chết đều thức tỉnh ở cảnh giới này. Đa số đều ý thức ít nhiều, nên họ bắt đầu cởi bỏ những ham muốn, quyến luyến. Đây cũng là chỗ họ học hỏi và ảnh hưỏong lẫn nhau, và đôi khi kêt những liên hệ để cùng nhau tái sinh trong một gia đình hay quốc gia. Cõi giới thứ ba chói sáng, có những rung độgn nhẹ nhàng. Tại đâu có những linh hồn từ tâm nhưng vụng về, những tu sĩ thành tâm nhưng thiếu trí tuệ, những nhà lãnh đạo anh minh nhưng thành kiến. Đây cũng là một cảnh giới của một số thần linh (devas) như Cảmđục thiên thần (Kamadeva), Hữu sắc thiên thần (Rupadeva), và Vô sắc thiên thần (Arupadeva). Các thần linh này có đời sống và tiến hoá cao hơn trình độ của nhân loại. Cõi giới thứ hai và thứ nhất cấu tạo bằng những nguyên tử hết sức thanh thoát, rung động rất nhanh và tràn đầy ánh sáng. Đây là cõi giới mà những người tiến hoá rất cao, rất tệ nhị không còn dục vọng, ham muốn, lưu lại để học hỏi, trao đổi kinh nhigệm, phát triển ccác đức tính riêng trước khi siêu thoát len cảnh giới cao hơn.
- Như thế người chết thường lưu lại ở cõi Trung giới bao nhiêu lâu ?
- Thời gian lưu lại đây hoàn toàn tùy thuộc vào dục vọng con người, có người chỉ ghé lại đây vài giờ, lập tức đầu thai trở lại. Có kẻ ở đây hàng năm và có kẻ lưu lại đây hàng thế kỷ… Để siêu thoát, thể vía phải hoàn toàn tan rã hết thì mới lên đến cõi Thượng thiên hay siêu thoát. Tóm lại danh từ như thiên đàng hay địa ngục chỉ là những biểu tượng của những cảnh ở cõi Trung giới (Kamaloka). Tùy theo sự sắp xếp của thể vía khi chết, mà ta thức tỉnh ở một cảnh giới tương ứng.
Mọi người yên lặng nhìn nhau, những điều Hamud giải thích hoàn toàn hợp lý và hết sức khoa học, không hoang đường chút nào. Nhưng làm sao chứng minh những điều mà khoa học thực nghiệm không thể nhìn thấy được ? Dù sao Hamud cũng là một Tiến sĩ Vật lý tốt nghiệp đại học nổi tiếng nhất Âu châu chứ không phải một phù thuỷ vô học chốn hoang vu, ít nhiều ông ta cũng có một tinh thần khách quan vô tư của một khoa học gia chứ không mê tín dễ chấp nhận một lý thuyết vu vơ, không kiểm chứng. Nhưng làm sao có thể thuyết phục những người Âu Mỹ vốn rất tự hào, nhiều thành kiến và tin tưởng tuyệt đối ở khoa học .
Hamud mỉm cười tiếp tục :
- Sự hiểu biết về cõi vô hình rất quan trọng, vì khi hiểu rõ những điều xảy ra sau khi chết, ta sẽ không sợ chết nữa. Nếu có chết chỉ là hình hài, xác thân chứ không phải sự sống, và hình hài có chết đi, thì sự sống mới tiếp tục tiến hoá ở một thể khác tinh vi hơn. Đây là một vấn đề hết sức hợp lý và khoa học cho ta thấy rõ sự công bình của vũ trụ. Khi còn sống, con người có dục vọng này nọ, khi dục vọng được thoa? mãn, nó sẽ gia tăng mạnh mẽ, đồng thời các chất thô kệch, các rung động nặng nề sẽ bị thu hút vào thể vía. Sau khi chết, dục vọng này trở nên mạnh mẽ vì không còn lý trí kiểm soát nữa, chính thế nó sẽ đốt cháy con người của tạ Sự nung đốt của dục vọng chẳng phải địa ngục là gì ? Giống như đức tính, phẩm hạnh khi còn trẻ, quyết định điều kiện sinh sống lúc tuổi già, đời sống cõi trần quyết định đời sống bên kia cửa tử. Luật này hết sức hợp lý và dễ chứng minh. Khi còn trẻ ta tập thể thao, giữ thân thể khoẻ mạnh, thì khi về già ta sẽ ít bệnh tật, khi còn trẻ ta chịu khó học hỏi, có một nghề nghiệp vững chắc thì khi về già đời sống được bảo đảm hơn, có đúng thế không ? Những người nào chế ngự được dục vọng thấp hèn, làm chủ được đòi hỏi thể xác, thì các dục vọng này không thể hành hạ khi ta chết. Luật thiên nhiên định rằng khi về già thể xác yếu dần, đau ốm, khiến cho ta bớt đi các ham muốn và nhờ thế, dục vọng cũng giảm bớt rất nhiều nên thể vía cũng thanh lọc bớt các chất nặng nề, ô trượt để khi chết, sẽ thức tỉnh ở cảnh giới cao thượng hơn. Trái lại những người còn trẻ, lòng ham muốn còn mạnh mẽ, nếu chết bất đắc kỳ tử thường đau khổ rất nhiều và phải lưu lại cõi Trung giới lâu hơn. Nếu hiểu biết như thế, ta cần phải duyệt xét lại đời sống của mình ở cõi trần để khỏi lưu lại những cảnh giới thấp thỏi, nặng nề bên cõi âm. Những người lớn tuổi cần chuẩn bị để dứt bỏ các quyến luyến, ràng buộc, các lo lắng ưu phiền, các tranh chấp, giận hờn, phải biết xả ly, dứt bỏ mọi phiền não để mau chóng siêu thoát. Một sự chuẩn bị Ở cõi trần sẽ rút ngắn thời gian bên cõi âm và chóng thúc đẩy thời gian lên cõi giới cao hơn.
- Nhưng còn các ma quỷ thì sao ?
- Các ông cứ cho rằng ma quỷ là một thực thể thế nào đó, khác hẳn loài người. Thật ra phần lớn chúng là những vong linh sống ở cảnh giới thứ bảy, thứ sáu mà thôi. Chúng còn lưu luyến cõi trần, còn say mê dục vọng không sao thoát ra khỏi cảnh giới này… Luật thiên nhiên không cho phép chúng trở lại cõi trần, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, khiến người cõi trần trong một thoáng giây có thể nhìn thấy chúng…Khoan đã, các ông hãy xem kìa, người bạn của tôi đã làm xong việc.
Hamud chỉ vào góc phòng nơi ông ta để bó len và cây kim đan áo. Mọi người bước đến gần và thấy một chiếc áo len đan bằng tay đã thành hình từ lúc nào không ai rõ. Chiếc áo đan tay rất vụng, không khéo léo nhưng trên ngực có thêu tên giáo sư Mortimer. Vị pháp sư giải thích :
- Con ma này rất nghịch, và thường quanh quẩn ở đây. Tôi yêu cầu hắn đan chiếc áo len cho các ông để làm bằng chứng. Để tránh việc các ông cho rằng tôi làm trò ảo thuật, tráo vào đó một chiếc áo len khác, tôi yêu cầu hắn thêu tên người nào trong phái đoàn có nhiều nghi ngờ nhất. Các ông đều biết rằng từ khi gặp gỡ tôi không hề hỏi tên các ông, và nếu chiếc áo này không đan riêng cho các ông thì còn ai nữa ?
Qủa thế, vị pháp sư gầy gò không thể mặc chiếc áo đan to tướng , rất vừa vặn cho giáo sư Mortimer, một người Âu mà kích thước đã rất ư quá khổ, so với những người Âu khác, đó là chưa kể vòng bụng khổng lồ, rất hiếm có của ông này. Hơn nữa, áo này cũng không thể may sẵn để bán vì đường kim mũi chỉ rất ư vụng về, nếu có bán, cũng chẳng ai muạ Tại nơi hoang vu, không có ai ngoài vị pháp sư và phái đoàn, sự kiện này quả thật rất lạ lùng.
Giáo sư Evans-Wentz thắc mắc :
- Như vậy ông có thể sai khiến ma quỷ hay sao?
- Tôi không phải là một phù thuỷ, lợi dụng quyền năng cho tư lợi; mà chỉ là một người có rất nhiều bạn hữu vô hình bên cõi âm. Tôi hiểu rõ các luật thiên nhiên như Luân hồi, Nhân quả, và hậu quả việc thờ cúng ma quỷ để mưu cầu một cái gì. Tôi chỉ là một khoa học gia nghiên cứu cõi vô hình một cách đứng đắn. Sự nghiên cứu những hiện tượng siêu hình là một khoa học hết sức đứng đắn, chứ không phải mê tín dị đoạn. Nhiều người thường tỏ ý chê cười khi nói đến vấn đề ma quỷ, nên những ai có gặp ma, cũng chả dám nói vì sợ bị chê cười hay cho là loạn trí. Nếu người nào không tin hãy nghiên cứu và chứng minh một cách khoa học rằng ma quỷ chỉ là những giả thuyết tưởng tượng, còn như phủ nhận không dám chứng minh chỉ là một cái cớ che dấu sự sợ hãi. Điều khoa học chưa chứng minh được không có nghĩa là điều này không có thật, vì một ngày nào đó, khoa học sẽ tiến đến mức mà họ có thể chứng minh tất cả. Những phương pháp thông thường như cầu cơ, đồng cốt, thường gặp sai lầm vì như tôi đã trình bày, các vong linh nhập vào phần lớn cũng có kiến thức giới hạn ở cảnh giới nào đó. Đôi khi họ cũng trích dẫn vài câu trong “Thánh kinh”, hoặc sách vở, kinh điển để nâng cao giá trị lời nói, điều này có khác nào những nhà chính trị khi diễn thuyết. Phương pháp khoa học chính xác nhất là phải tự mình qua hẳn thế giới đó nghiên cứu. Các ông nên biết thân thể chúng ta không phải môi trường duy nhất của linh hồn và giác quan của nó cũng không phải phương tiện duy nhất để nghiên cứu ngoại cảnh. Nếu ta chấp nhận rằng vũ trụ có nhiều cõi giới khác nhau và mỗi thể con người tương ứng với một cõi, thì ta thấy ngay rằng thể xác cấu tạo bằng nguyên tử cõi trần nên chỉ giới hạn trong cõi này được thôi. Các thể khác cũng có giác quan riêng của nó và khi giác quan thể vía được khai mở, ta có thể quan sát các cõi giới vô hình dễ dàng. Khi từ trần, thể xác tiêu hao, các giác quan không còn sử dụng được nữa thì linh hồn sẽ tập phát triển các giác quan thể vía ngaỵ Nếu biết cách khai mở các giác quan này khi còn sống, ta có thể nhìn thấy cõi âm một cách dễ dàng.
Giáo sư Allen ngập ngừng :
- Nhưng có một quan niệm lại cho rằng, sau khi chết linh hồn sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục vĩnh viễn, điều này ra sao ?
Hamud lắc đầu :
- Đó là một quan niệm không hợp lý, vì điều này cho rằng khi chết linh hồn sẽ đổi thay toàn diện. Sau khi chết, linh hồn sẽ mất hết tính xấu để trở nên toàn thiện, trở nên một vị thiên thần vào cõi thiên đàng hoặc là linh hồn có thể mất hết các tính tốt để trở nên xấu xa, trở nên một thứ ma quỷ bị đẩy vào địa ngục. Điều này vô lý vì sự tiến hoá phải từ từ, chứ không thể đột ngột được. Trên thế gian này, không ai toàn thiện hay toàn ác. Trong mỗi chúng ta đều có các chủng tử xấu, tốt do các duyên, nghiệp từ tiền kiếp để lại; tùy theo điều kiện bên ngoài mà những chủng tử này nẩy mầm, phát triển hay thui chột, không thể phát triển. Một người tu thân là một người biết mình, lo vun xới tinh thần để các nhân tốt phát triển, giống như người làm vườn lo trồng hoa và nhổ cỏ dại. Thực ra, khi sống và chết, con người không thay đổi bao nhiêu. Nếu khi sống họ ăn tham thì khi chết, họ vẫn tham ăn, chỉ có khác ở chỗ, điều này sẽ không còn được thoa? mãn vì thể xác đã hư thối, tan rã mất rồi. Sau khi chết, tìm về nhà thấy con cháu ăn uống linh đình mà họ thì không sao ăn được, lòng ham muốn gia tăng cực độ như lửa đốt gan, đốt ruột, đau khổ không sao tả được.
- Như ông đã nói, loài ma đói thường rung động theo không khí quanh đó, như thế họ có thoa? mãn không ?
- Khi người sống ăn ngon có các tư tưởng khoái lạc thì loài ma đói xúm quanh cũng tìm cách rung động theo tư tưởng đó, nhưng không làm sao thoa? mãn cho được. Điều này ví như khi đói, nghĩ đến món ăn ngon ta thấy khoan khoái, ứa nước bọt nhưng điều này đâu có thoa? mãn nhu cầu bao tử đâu. Các loại ma hung dữ, khát máu thường tụ tập nơi mổ sẻ súc vật, lò sát sinh để rung động theo những không khí thô bạo ở đó. Những người giết súc vật trong nhà vô tình mời gọi các vong linh này đến, sự có mặt của họ có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu, nhất là cho nhũng người dễ thụ cảm.
- Đa số mọi người đều cho rằng ma quỷ thường xuất hiện ở nghĩa địa, điều này ra sao ?
- Sự hiện hình ở nghĩa địa chỉ là hình ảnh của thể phách đang tan rã, chứ không phải ma quỷ, vong linh. Khi ta chết, thể xác hư thối thì thể phách vốn là thể trung gian giữa thể xác và thể vía cũng tan rã theo. Thể phách được cấu tạo bằng những nguyên tử tương đồng với nguyên tử cõi trần. Nhưng trong đó có nhiều nguyên tử 'dĩ tháí, nên nhẹ hơn, nó thu thập các sinh lực còn rơi rớt trong thể xác, để cố gắng kéo dài sự sống thêm một thời gian nữa. Vì đang tan rã nên thể phách không hoàn toàn, do đó, đôi khi ta thấy trên nghĩa địa có những hình ảnh người cụt đầu, cụt chân, bay là là trên các nấm mồ, người không hiểu thì gọi đó là mạ Theo sự hiểu biết của tôi, thì việc thiêu xác tốt đẹp hơn việc chôn cất, vì để thể xác tan rã từ từ làm cho linh hồn đau khổ không ít và thường ở trong một giai đoạn hôn mê, bất động một thời gian rất lâu. Thiêu xác khiến vong linh thấy mình không còn gì quyến luyến nữa nên siêu thoát nhanh hơn nhiều.
- Ma quỷ thường thuộc thành phần nào trong xã hội ?
- Chúng thuộc đủ mọi thành phần, tùy theo dục vọng khi còn sống. Người chết bất đắc kỳ tử thường lưu lại cõi âm lâu hơn người chết già vì còn nhiều ham muốn hơn. Những kẻ sát nhân bị hành quyết vẫn sống trong cảnh tù tội, giận hờn và có ý định trả thù. Một người tự tử để trốn nợ đời cũng thế, y sẽ hôn mê trong trạng thái khổ sở lúc tự tử rất lâu. Định luật cõi âm xác nhận rằng, “Chính cái dục vọng của ta quyết định cảnh giới ta sẽ đến và lưu lại ở đó lâu hay mau.”
- Số phận của những người quân nhân tử trận thì ra sao ?
- Họ cũng không ra ngoài luật lệ đó, tùy theo dục vọng từng cá nhân. Tuy nhiên, người hy sinh tính mạng cho một lý tưởng có một tương lai tốt đẹp hơn, vì cái chết cao đẹp là một bậc thang lớn trong cuộc tiến hoá. Họ đã quên mình để chết và sống cho lý tưởng thì cái chết đó có khác nào những vị thánh tử đạo. Dĩ nhiên không phải quân nhân nào cũng sống cho lý tưởng và những kẻ giết chóc vì oán thù và chết trong oán thù lại khác hẳn.
- Như ông nói thì người chết vẫn thấy người sống ?
- Thật ra phải nói như thế này. Khi chết các giác quan thể xác đều không sử dụng được nữa, nhưng người chết vẫn theo dõi mọi sự dễ dàng vì các giác quan thể vía. Không những thế họ còn biết rất rõ tư tưởng, tình cảm liên hệ; mặc dù họ không còn nghe thấy như chúng tạ Nhờ đọc được tư tưởng, họ vẫn hiểu điều chúng ta muốn diễn tả.
- Như vậy thì họ Ở gần hay ở xa chúng ta ?
- Khi mới từ trần, người chết luôn quanh quẩn bên gia đình, bên những người thân nhưng theo thời gian, khi ý thức hoàn cảnh mới, họ sẽ tách rời các ràng buộc gia đình để sống hẳn ở cõi giới của họ.
- Như thế có cách nào người sống tiếp xúc được với thân nhân quá cố không ?
- Điều này không có gì khó. Hãy nghĩ đến họ trong giấc ngủ. Thật ra nếu hiểu biết thì ta không nên quấy rầy, vì làm thế chỉ gây trở ngại cho sự siêu thoát. Sự chết là bước vào một đời sống mới, các sinh lực từ trước vẫn hướng ra ngoài, thì nay quay vào trong, linh hồn từ từ rút khỏi thể xác bằng một bí huyệt trên đỉnh đầu. Do đó, hai chân từ từ lạnh dần rồi đến tay và sau cùng là trái tim. Lúc này người chết thấy rất an tĩnh, nhẹ nhàng không còn bị ảnh hưởng vật chất. Khi linh hồn rút lên óc, nó sẽ khơi động các ký ức, cả cuộc đời sẽ diễn lại như cuốn phim. Hiện tượng này gọi là “hồi quang phản chiếu” (Memory projection). Đây là một giây phút hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cõi bên kia. Sợi dây từ điện liên hệ giữa thể xác và thể phách sẽ đứt hẳn. Đây là lúc người chết hoàn toàn hôn mê, vô ý thức để linh hồn rút khỏi thể phách và thể vía bắt đầu lo bảo vệ sự sống của nó bằng cách xếp lại từng lớp nguyên tử, lớp nặng bọc ngoài và lớp thanh nhẹ Ở trong. Sự thu xếp này ấn định cõi giới nào vong linh sẽ đến.
- Ông du hành sang cõi âm thế nào ?
- Nói như thế không đúng lắm, vì ám chỉ một sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Các cõi thật ra ở cùng một nơi chỉ khác nhau ở chiều không gian và thời gian. Sang cõi âm là sự chuyển tâm thức, sử dụng giác quan thể vía để nhận thức chứ không phải đi đến một nơi nào hết. Sở dĩ cõi trần không thấy cõi âm vì nguyên tử cấu tạo nó quá nặng nề, rung động quá chậm không thể đáp ứng với sự rung động nhanh của cõi âm. Quan niệm về không gian cũng khác vì đây là cõi tư tưởng, nghĩ đến đâu là ta đến đó liền, muốn gặp ai chỉ cần giữ hình ảnh người đó trong tư tưởng ta sẽ gặp người đó ngaỵ Khi di chuyển ta có cảm giác như lướt trôi, bay bỗng vì không còn đi bằng hai chân như thể xác.
- Những người chết nhận thức về đời sống mới ra sao ?
- Trừ những kẻ cực kỳ hung dữ, ghê gớm, đa số mọi người thức tỉnh trong cảnh giới thứ năm hoặc thứ sáu, vốn có rung động không khác cõi trần là bao. Lúc đầu họ còn bỡ ngỡ, hoang mang nhưng sau sẽ quen đi. Tùy theo tình cảm, dục vọng mà họ hành động. Tôi đã gặp vong linh của một thương gia giàu có, ông này cứ quanh quẩn trong ngôi nhà cũ nhiều năm, ông cho tôi biết rằng ông rất cô đơn và đau khổ. Ông không có bạn và cũng chả cần ai. Ông trở về căn nhà để sống với kỷ niệm xưa nhưng ông buồn vì vợ con ông vẫn còn đó nhưng chả ai để ý đến ông. Họ tin rằng ông đã lên thiên đàng, vì họ đã bỏ ra những số tiền, tổ chức các nghi lễ tôn giáo rất lớn, một tu sĩ đã xác nhận thế nào ông cũng được lên thiên đàng. Tôi khuyên ông ta nên cởi bỏ các quyến luyến để siêu thoát nhưng ông ta từ chối. Một vài người thân đã qua đời cũng đến tìm gặp, nhưng ông cũng không nghe họ. Có lẽ ông ta sẽ còn ở đó một thời gian lâu cho đến khi các lưu luyến phai nhạt hết. Tôi đã gặp những vong linh quanh quẩn bên cạnh cơ sở mà họ gầy dựng nên, họ vô cùng đau khổ và tức giận vì không còn ảnh hưởng được gì, họ rất khổ sở khi người nối nghiệp, con cháu có quyết định sai lầm, tiêu phá cơ nghiệp. Tôi đã gặp những người chôn cất của cải, phập phồng lo sợ có kẻ tìm ra, họ vẫn quanh quẩn gần đó và đôi khi tìm cách hiện về doa. nạt những người bén mảng đến gần nơi chốn dấu. Vong linh ghen tuông còn khổ sở hơn nữa; họ không muốn người họ yêu mến chia sẻ tình yêu với kẻ khác. Đôi khi họ điên lên khi chứng kiến sự âu yếm của người họ yêu mến và người khác. Dĩ nhiên họ không thể làm gì được nên vô cùng khổ sở. Những nhà lãnh đạo, những vua chúa, những người hống hách quyền uy thì cảm thấy bất lực khi không còn ảnh hưởng gì được nữa, nên họ hết sức đau khổ. Hãy lấy trường hợp một vong linh chết đuối, vì y không tin mình đã chết, nên cứ ở trong tình trạng lúc chết, nghĩa là ngộp nước. Vì đầu óc hôn mê, nên y không nhìn thấy cõi âm, mà vẫn giữ nguyên hình ảnh cõi trần, dĩ nhiên nó chỉ nằm trong tư tưởng của y mà thôi. Nói một cách khác, thời gian như ngừng lại, y cứ thế hôn mê trong nhiều năm. Tôi đã cố gắng thuyết phục nhưng nói gì y cũng không nghe, tôi bèn yêu cầu y trở về nhà, đầu óc y hôn mê quá rồi, nên cũng không sao trở về được. Nhờ các bạn bè cõi vô hình, tôi tìm được tên tuổi, và địa chỉ thân nhân vong linh. Tôi tiếp xúc với họ và yêu cầu lập một nghi lễ cầu siêu để cảnh tỉnh vong linh. Nhờ sức chú nguyện mãnh lực của buổi cầu siêu, tôi thấy vong linh từ từ tỉnh táo ra, nghe được lời kinh. Y trở về nhà và chứng kiến buổi cầu siêu của con cháu gần 60 năm sau khi y qua đời. Sau đó y chấp nhận việc mình đã chết và siêu thoát…
- Ông cho rằng sự cầu nguyện có lợi ích đến thế sau ?
- Cầu siêu cho vong linh là một điều hết sức quan trọng và ích lợi , vì nó chứa đựng một sức mạnh tư tưởng vô cùng mãnh liệt. Oai lực lời kinh và âm hưởng của nó thật là vô cùng ở cõi âm nếu người ta tụng niệm chú tâm, sử dụng hết cả tinh thần. Tiếc thay, người đời chỉ coi tụng niệm như một hình thức. Họ chỉ biết đọc các câu kinh trên đầu môi, chót lưỡi chứ không biết tập trung tinh thần, nên mất đi phần nào hiệu nghiệm. Sự cầu nguyện có một sức mạnh kinh khủng, có thể dời núi lấp sông, đó là bí huyết khoa “Mật tông Tây Tạng”.
- Như ông nói thì tôn giáo Tây Tạng có hiệu nghiệm nhiều hay sao ?
- Vấn đề cầu nguyện cho người chết không phân biệt tôn giáo và cũng không cần theo một nghi thức, nghi lễ nào nhất định, mà chỉ cần tập trung tư tưởng, hết sức chú tâm cầu nguyện. Theo sự hiểu biết của tôi thì tôn giáo nào cũng có những nghi lễ riêng và nghi lễ nào cũng tốt nếu người thực hành thành tâm.
- Như vậy nghi lễ rửa tội trước khi chết có ích lợi gì không ?
- Một số người tin rằng, hạnh phúc vĩnh cữu của con người tùy thuộc tâm trạng y lúc từ trần. Nếu lúc đó y tin rằng mình được cứu rỗi thì như được một vé phi cơ lên thiên đàng, còn không y sẽ xuống địa ngục. Điều này gây nhiều sợ hãi, lo âu vô ích. Nếu một người chết thình lình thì sao? Phải chăng họ sẽ xuống địa ngục ? Nếu một tín đồ hết sức ngoan đạo nhưng chết ngoài trận mạc thì sao ? Họ đâu được hưởng nghi lễ rửa tội ? Sự chuẩn bị hữu hiệu nhất là có một đời sống thanh cao, nếu ta đã có một đời sống cao đẹp, thì tâm trạng khi chết không quan trọng. Trái lại, ta không thể ao ước một tương lai tốt đẹp dù tang lễ được cử hành bằng các nghi lễ to lớn, linh đình nhất. Dù sao, tư tưởng chót trước khi lìa đời cũng rất hữu ích cho cuộc sống mới bên kia cửa tử . Nó giúp vong linh tỉnh táo, dễ thích hợp với hoàn cảnh mới hơn. Một cái chết thoải mái, ung dung phải hơn một cái chết quằn quại, chết không nhắm mắt được. Theo tôi thì sự hiểu biết về cõi vô hình, sự chuẩn bị cho cái chết là điều hết sức quan trọng, cần được phổ biến rộng rãi, nhưng tiếc là ít ai chú ý đến việc này.
- Vậy theo ông, chúng ta cần có thái độ gì ?
- Đối với người Âu tây, đời sống bắt đầu khi lọt lòng mẹ, và chấm dứt lúc chết, đó là một quan niệm cần thay đổi. Đời sống cõi trần chỉ là một phần nhỏ của chu kỳ kiếp sống. Chu kỳ này được biểu hiện bằng một vòng tròn mà sự sống và chết là những nhịp cầu chuyển tiếp giữa hai cõi âm, dương, giữa thế giới hữu hình và vô hình. Trên con đường tiến hoá, còn hằng ha sa số các chu ký, các kiếp sống cho mỗi cá nhân. Linh hồn từ cõi thượng giới cũng phải qua cõi trung giới. Phần ở cõi trần chỉ là một phẩn nhỏ của một kiếp sống mà thôi. Trong chu kỳ này, phần quan trọng ở chỗ vòng tròn tiến sâu vào cõi trần và bắt đầu chuyển ngược trở lên, đó là lúc linh hồn hết tha thiết với vật chất, mà có ý hướng về tâm linh. Các cổ thư đã vạch ra một đời sống ở cõi trần như sau : 25 năm đầu để học hỏi, 25 năm sau để lo cho gia đình, đây là giai đoạn tiến sâu vào trần thế, 25 năm sau nữa phải từ bỏ việc đời để lo cho tâm linh, đó là thời điểm quan trọng để đi ngược lên, hướng về tâm linh, và 25 năm sau chót phải từ bỏ tất cả, chỉ tham thiền, quán tưởng ở nơi rừng sâu, núi thẳm. Đối với người Á châu thì 50 tuổi là lúc từ bỏ vật chất để hướng về tâm linh, nhưng người Âu châu lại khác, họ ham mê làm việc đến độ mù quáng, cho đến già vẫn tranh đấu hết sức vất vả, cho dục vọng, cho bản ngã, cho sự sống còn, cho sự thụ hưởng . Do đó, đa số mất quân bình và khi chết hay gặp các nghịch cảnh không tốt. Theo ý tôi, chính vì sự thiếu hiểu biết về cõi âm nên con người gây nhiều tai hại ở cõi trần. Chính vì không nhìn rõ mọi sự một cách tổng quát, nên họ mới gây lầm lỗi, chứ nếu biết tỷ lệ đời sống cõi trần đối với toàn kiếp người, thì không ai dồn sức để chỉ lo cho 1/3 kiếp sống, mà sao lãng các cõi trên. Nếu con người hiểu rằng quãng đời ở cõi trần rất ngắn ngủi, đối với trọn kiếp người và đời sống các cõi khác còn gần với chân lý, sự thật hơn thì có thể họ đã hành động khác đi chăng ? Có lẽ vì quá tin tưởng vào giác quan phàm tục, nên đa số coi thế giới hư ảo này là thật và cõi khác là không có…
- Nhưng nếu ông cho rằng các cõi kia còn gần với sự thật hơn, thì tại sao ta lại kéo lê kiếp sống thừa ở cõi trần làm gì ? Tại sao không rũ nhau đi sang cõi khác có tốt hơn không ?
Hamud mỉm cười :
- Tuy cõi trần hư ảo, nhưng nó có những lợi ích của nó, vì con người chỉ có thể tìm hiểu, và phát triển xuyên qua các rung động thô thiển này thôi. Cõi trần có các bài học mà ta không tìm thấy ở đâu khác. Chính các bậc chân tiên, bồ tát trước khi đắc quả vị đều phải chuyển kiếp xuống trần, làm các công việc vĩ đại như một thử thách cuối cùng. Muốn khai mở quyền năng, con người phải tiếp nhận các bài học ở cõi trần, nhờ học hỏi những bài học này, họ mới trở nên nhạy cảm với các rung động ở cõi trên
.



_________________________________________________________________________
Chú thích của người post .
Walter Yeeling Evans-Wentz (1878 - 1965 ) là một nhà nhân học và nhà văn người Mỹ, người tiên phong trong nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng , và truyền Phật giáo Tây Tạng sang thế giới phương Tây, được biết đến nhiều nhất khi xuất bản cuốn sách về người chết của Tây Tạng năm 1927.

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..