27 thg 8, 2010

Chuyện ông lão bán báo ven đường

( Bài viết này đã đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần số 34 ngày 29.8.2010 )

Sáng chủ nhật trời mưa rả rích.Tôi khoác áo mưa đi đến lò bánh mì Dona chỉ cách nhà không đầy 5 phút đi bộ.Mua xong thì mưa đã tạnh,tôi ghé sang bên kia đường mua số báo Tuổi Trẻ cuối tuần.Một hình ảnh nao lòng đập vào mắt tôi : ông lão bán báo đứng co ro cạnh cột điện bên đường . Những tờ báo bầy la liệt thường ngày trên lề đường giờ đã được cuốn lại thành bó để trên bóp-ba-ga xe đạp.Tôi cảm thông nỗi buồn của ông lão :cơn mưa kéo dài thì báo bán rất chậm và báo ế bây giờ không còn được trả lại như thuở trước.
Vừa nhác thấy tôi ,ông lão không đợi hỏi đã lục trong xấp báo lấy ra đưa .Tôi lấy tiền trả ông và an ủi :” Hôm nay chắc nhiều người ngại mưa lười đi mua báo ha ông ?” Ông cười giả lả:”Tôi không lo báo ế đầu chú ơi ! Đa phần khách mua báo của tôi là khách quen .Tạnh mưa thế nào họ cũng đến lấy.Mà hôm nào báo có đọng lại nhiều tôi đem gửi nhờ những xạp báo ở bệnh viện 115 bán dùm .Mấy chỗ này bán suốt ngày , ế cũng chẳng bao nhiêu.”Như để chứng minh cho lời giải thích của ông ,vừa ngớt mưa liên tục có người ghé mua báo .Ai cũng ra đi chóng vánh vì họ vừa dừng xe là ông đã cầm sẵn những tờ báo trong tay rồi .
Ông lão chìa tờ giấy bạc 10 ngàn và bảo tôi :” Cái ông nhà giáo về hưu này thương tôi lắm .Ngày nào cũng lấy 2 tờ TT và TN và đưa tiền chẵn ,không khi nào nhận 2 ngàn thối lại.Tôi nhớ mãi cái hôm ông giáo mua báo lần đầu đưa tôi tờ 5 chục ngàn rồi đi luôn .Tôi gọi lại trả ông giáo mới hay mình đưa lộn tiền.À, để tôi cho chú coi cái này .” Ông lui cui lục trong chiếc túi nhỏ giơ cho tôi xem cái thiệp cưới mầu đỏ và cười :” Hà hà !...Chú xem này, hôm qua một ông bác sĩ bệnh viện 115 mua báo quen từ mấy năm trước gửi cho tôi thiệp mời dự tiệc đám cưới con trai ở nhà hàng BV quận nhất .Nghe đâu tiệc đặt ở đây sang lắm sợ phải đi tiền nhiều ,tôi không dám nhận nhưng ông bác sĩ nói tôi đừng ngại tốn kém gì cả .Tiền mừng không thành vấn đề .Chỉ cần tôi có mặt là ông vui lắm rồi .”Đợi tôi mở xem xong chiếc thiệp ,ông lão cất lại cẩn thận vào chiếc túi rồi ngước mắt nhìn tôi phân bua :” Ông ta nói thế chứ tôi tính rồi ,sẽ bỏ phong bì đúng mức để không ai xem thường mình .”Vừa lúc đó trời mưa trở lại có phần nặng hạt hơn .Tôi chào ông ra về .
Hình ảnh ông lão bán báo ven đường thật thà,vui tính được nhiều người yêu mến còn đọng lại trong tâm trí tôi suốt cả đoạn đường .

20 thg 8, 2010

Tôi tham dự Buổi giao lưu tri ân bạn đọc Tuổi Trẻ




............Tôi hơi bất ngờ khi nhận được thiệp của ban biên tập Tuổi Trẻ mời tham dự buổi giao lưu tri ân bạn đọc tổ chức tại toà soạn sáng chủ nhật 15-8 nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập báo.Cầm thiệp tôi phân vân do dự bởi sáng chủ nhật trùng với ngày giỗ bà mẹ vợ.Nhưng bà xã tôi thông cảm bảo:”Mình cứ tham dự buổi giao lưu đi. Lúc về nhớ ghé bên ngoại thắp nhang bàn thờ là được rồi.”Lớn tuổi thường hay quên nên tôi dặn đứa con trai ngày chủ nhật nhắc bố đi họp.Nhưng việc lo xa đó là thừa bởi toà soạn Tuổi Trẻ khá chu đáo : trước 1 ngày gọi điện thoại hỏi tôi đã nhận được thư mời chưa và nhắc lại giờ giấc dự họp .Nào đã xong đâu, sáng sớm 15.8 tôi còn nhận được thêm một cú phôn dặn đến toà soạn sớm để có thời gian chụp hình lưu niệm .

........... .. .................................Bạn đọc giao lưu

........Sáng 15.8 khi đến toà soạn ,tôi được nhân viên lễ tân chào đón ngay từ tam cấp .Họ hướng dẫn tôi vài khách mời khác dùng thang máy đi lên hội trường lầu 4 là địa điểm tổ chức buổi lễ . Ra khỏi thang, khách được mời ngồi nghỉ tạm trên những chiếc ghế salon nệm mềm nhiều mầu sắc.Tôi ngó quanh thấy hội trường báo Tuổi Trẻ rộng thênh thang và bề thế nếu so sánh với hội trường của một ,hai tờ báo khác mà tôi có dịp ghé qua.Hội trường chia làm 3 phần :hành lang nối thẳng từ thang máy ra phía trước là chỗ tập kết khách mời.Khu vực bên trái rộng nhất có nhiều dãy ghế xếp theo hình chữ U hướng vế sân khấu .Khu vực bên phải chắc dành làm nơi liên hoan vì tôi thấy có bát và ly úp sẵn trên những bàn tròn phủ khăn .
........Lúc ấy mới hơn 8 giờ rưỡi ,nhìn cả hội trường tôi thấy chưa quá 2 chục người hiện diện .Trong thời gian chờ đợi ,tôi làm quen với một bác lớn tuổi ngồi ghế bên cạnh mình .Bác niềm nở bắt tay và tự giới thiệu mình là Đỗ Chỉn Chía .Tôi chợt nhớ ra đây chính là nhân vật được giới thiệu trên báo là người đang giữ một kho lưu trữ đồ sộ các báo Tuổi Trẻ cũ mà tờ phát hành lâu nhất là số báo Tuổi Trẻ ra ngày thứ sáu 1-10-1975.Trong câu chuyện ,bác cho biết mình năm nay 68 tuổi ,có quán bán cà phê ở Hốc Môn .Tôi mỉm cười hỏi cho vui:” Có phải bác đã mắng vợ té tát vì bả lỡ lấy mấy tờ báo cũ để học cắt may ?” Bác Chỉn Chía gật đầu cười :”Quả có vậy.Cũng vì tui quý báo Tuổi Trẻ .”Bác bộc bạch thêm :”Đọc Tuổi Trẻ, tôi khoái mục Chuyện thường ngày lắm .Cái ông Bút Bi viết chơi mà như thật ,thật mà như chơi, rất sâu sắc.”
.

............................... ...................... . ... Ông Đỗ Chỉn Chía

.........Đang nói chuyện ,hai nhân viên toà soạn bước lại chỗ chúng tôi ngồi.Một người nói :” Cháu mời 2 chú ra chụp hình .”Tôi và bác Chỉn Chía đi theo chỉ dẫn ra một góc hội trường thấy từng người khách được mời đứng cạnh tấm panô lớn vẽ logo báo Tuổi Trẻ ở bên trên ,hàng chữ Giao lưu tri ân bạn đọc ở giữa và phù điêu Tuổi Trẻ 35 năm ở dưới .Tôi nhường bác Chỉn Chía chụp trước , đứng ngó các tranh vẽ khổ lớn dàn dựng nối tiếp nhau quanh hội trường .Mỗi tấm mang nội dung phản ánh các chủ đề bài viết trên báo .Có tấm ghi số liệu cùng ngày tháng .Có tấm chỉ vẽ hình ảnh . Tấm nào ra tấm nấy phản ánh từng chặng đường phát triển của báo Tuổi Trẻ .

.....................................Góp ý với báo ban biên tập Tuổi Trẻ

.........Chúng tôi chụp hình xong thì cũng vừa lúc loa phóng thanh vang lên mời mọi người vào hội trường ổn định chỗ ngồi để chuẩn bị khai mạc buổi họp mặt.Tôi và bác Chỉn Chía ngồi cạnh nhau ở dãy ghế hàng ngang đầu tiên ngó lên sân khấu.Trên mặt bàn ,tại mỗi vị trí ghế đã bầy sẵn tự bao giờ chai nước lọc ,đĩa trái cây.Nhác trông toàn cảnh hội trường ,tôi thấy có khoảng hơn 50 người tham dự ,đa phần đều lớn tuổi ,nam nhiều hơn nữ.Liền trước mặt tôi ,có hai vợ chồng bạn đọc lớn tuổi cùng đến dự.Họ có lẽ nhiều tuổi nhất trong buổi giao lưu .Tôi xin phép chụp tấm hình ,cụ ông mỉm cười gật đầu .Sau đó cụ tự giới thiệu tên mình là Nguyễn Thừa Nghiệp,87 tuổi ,có người anh rất nổi tiếng là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. .


.............................................Vợ chồng cụ Nguyễn Thừa Nghiệp

........Mở đầu buổi giao lưu là tiểu phẩm thể hiện bài báo “Bà cụ mong một lần tới thăm tòa soạn”.Cụ bà Lê Thị Liên - nhân vật thực ngoài đời nhiều năm đọc báo Tuổi Trẻ cho chồng, tới ngày cụ ông mất, vẫn giữ thói quen đọc báo và đặt báo Tuổi Trẻ lên bàn thờ ông mỗi ngày- được mời lên sân khấu giao lưu khi phần diễn xuất kết thúc . Cụ đã rất xúc động khi nghe người dẫn chương trình đọc lại 2 câu thơ mình viết trong những dòng ai điếu khi cụ ông Lê Văn Sâm (chồng của cụ Liên) qua đời cách đây một tháng :
........................................... .. ........Ly cà phê sữa để kia,
..................................... .... ...Tờ báo Tuổi Trẻ ai nghe bây giờ ? .

....................................................Cụ bà Lê Thị Liên

...........Tiếp tục buổi giao lưu ,toà soạn Tuổi Trẻ giới thiệu một số bạn đọc thân thiết tiêu biểu đã đồng hành gắn bó với báo suốt mấy chục năm qua . Có thể kể ông Đỗ Chỉn Chía, ông Phạm Tiến Thuật, PGS.TS Lê Chí Hiệp, thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng Hai,cô giáo Lê Thị Thanh, đạo diễn Nguyễn Tường Phương,chị Trương Bạch Ngọc…Xen kẽ có tiểu phẩm ”Tặng cả gia sản cho Tuổi Trẻ “ thể hiện tấm lòng của cố luật sư Đinh Lâm tặng toàn bộ 500 đầu sách trong thư viện của mình cho toà soạn qua người em trai tên Đinh Hải.Nghệ sĩ Thế Vinh và ca sĩ Thủy Tiên làm ấm thêm cuộc hội ngộ với ca khúc Hãy yêu nhau đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
.
........Buổi giao lưu sôi động linh hoạt hẳn lên khi bước sang phần thứ hai với các ý kiến đóng góp xây dựng cho Tuổi Trẻ .Tất cả bạn đọc khi phát biểu đều thể hiện những tình cảm rất quý mến, trân trọng dành cho Tuổi Trẻ. Nhà giáo Nguyễn Thanh Hùng Hai là người đầu tiên góp ý. Thầy đã làm cho cuộc giao lưu sôi nổi hẳn lên khi cứ “xin thêm ít phút”.Thầy Hùng Hai trích dẫn một câu mà ông tâm đắc trong bài viết của ông Diệp Văn Sơn “ Làm người trung bình thì cuộc đời tròn trịa hơn là kẻ xông pha, hào kiệt. Nhưng dù có va vấp tôi vẫn mong Tuổi Trẻ không bao giờ là người trung bình.” để kết luận : “Tôi cũng mong Tuổi Trẻ không là người trung bình”.Ông Phan Trọng Hiền, viết cho Tuổi Trẻ từ năm 1976 đến giờ, nói một câu cảm động : “Tôi cộng tác với Tuổi Trẻ đã lâu, trước giờ những bài tâm đắc nhất tôi đều dành gửi cho Tuổi Trẻ, nhưng hiện nay những bài tôi viết thường gai góc, Tuổi Trẻ ít đăng”. Ông mong Tuổi Trẻ cần xem lại việc biên tập của mình, cần mạnh dạn hơn để Tuổi Trẻ xung kích đi đầu, chứ đừng lui về vị trí trung bình.Cùng một quan điểm , đạo diễn Nguyễn Tường Phương cho biết: “Xưa nay tôi có thói quen bắt đầu một ngày với tờ Tuổi Trẻ và ly cà phê, gần đây phân vân nên đọc Tuổi Trẻ hay tờ nào khác”. Và vì vẫn yêu Tuổi Trẻ nên ông nói “rất mong Tuổi Trẻ trở lại như trước.”

................................ ....Phòng làm việc của các phóng viên Tuổi Trẻ

...........Kết thúc buổi giao lưu, tổng biên tập Phạm Đức Hải nói: “Tuổi Trẻ chỉ có thể đạt được những kết quả như thông tin nhanh, thông tin nhiều, số lượng phát hành lớn, doanh số cao khi có được sự tin tưởng, yêu quý của bạn đọc. Chúng tôi hiểu phải mang những sản phẩm báo chí tốt, hay, độc đáo đến bạn đọc thì mới xứng đáng với tình yêu thương ấy. Và mong bạn đọc sẽ luôn đồng hành cùng Tuổi Trẻ.Chúng tôi luôn lắng nghe những đóng góp của bạn đọc. Gần đây Tuổi Trẻ có lúc phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng có những chuyện Tuổi Trẻ vẫn theo đến cùng. Chúng tôi đang cố gắng hết sức. Trong phần quà gửi tặng bạn đọc hôm nay có hai quyển sách “Chung một con đường” và “Những ngòi bút lửa”, hai thông điệp đó của chúng tôi là dù chúng ta ở đâu, nghề gì đều chung một con đường làm cho đất nước, xã hội chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Tất nhiên làm báo phải có tính dự báo, phải sắc sảo... nhưng nếu lỡ Tuổi Trẻ có đi chậm một chút, vì bị té, bị nạn thì cũng xin bạn đọc thương mà đừng trách...”

..............................................Quà tặng các bạn đọc thân thiết

..........Tiếp nối chương trình ,toà soạn Tuổi Trẻ mời các bạn đọc thân thiết lên sân khấu để tặng quà và chụp hình lưu niệm .Mỗi người được ông Tổng biên tập trao tận tay một bó hoa tươi và kỷ niệm chương .Ông mời toàn thể mọi người cùng chụp chung với mình tấm ảnh đánh dấu ngày hội ngộ đáng nhớ hôm nay .
.


.........Sau phần chụp hình lưu niệm ,các bạn đọc thân thiết được phân làm 2 nhóm đi theo hướng dẫn viên tham quan toà soạn Tuổi Trẻ .Có lẽ đây là cơ hội hiếm có để được nhìn tận mắt cơ ngơi một tờ báo lớn hàng đầu tại Việt Nam từng được phong tặng là tờ báo 4 nhất (Thông tin nhanh nhất – Nhiều tin tức nhất – Số lượng phát hành lớn nhất – Doanh thu lớn nhất ) nên ai cũng hồ hởi tham gia.Chỉ tiếc rằng hôm nay nhiều phòng đóng cửa nên người xem không thấy được các mắt xích của guồng máy Tuổi Trẻ chạy đồng bộ ra sao để kịp cho ra mấy trăm ngàn số báo trước 3 giờ sáng.Những nơi tôi dừng lâu để quan sát là thư viện và phòng làm việc của phóng viên.Thư viện thật đồ sộ với những kệ sách nhiều tầng chứa đủ mọi loại mục để các phóng viên khi cần tra cứu thì có ngay.
.............Tôi hơi thất vọng khi tham quan nơi làm việc của các phóng viên. Tưởng hôm nay được có cơ hội gặp gỡ trao đổi với các cây bút gạo cội của Tuổi Trẻ nhưng hóa ra chẳng thể .Hôm đó tôi chỉ tiếp cận được với một phóng viên khá xông xáo ngoài thực tế cuộc đời khi tham quan bàn làm việc của chị Thủy Cúc .Toan nói đôi điều cảm thông khâm phục nhưng mới mở lời hân hạnh được gặp ,từng đọc bài viết của chị trên Blog…thì chị đã vội lắc đầu phủ nhận nên cụt hứng chả biết nói gì thêm.Dẫu sao tôi cũng còn chút an ủi khi chụp được vài tấm hình ghi lại những công đoạn làm báo trước lúc lên khuôn.
. .................................Bản nháp một trang báo Tuổi Trẻ trước khi lên khuôn

..........Cũng vì thời gian buổi giao lưu lố giờ nên tiệc liên hoan bị chậm trễ.Phải đến gần 1 giờ trưa mọi người mới ngồi vào bàn .Tôi và bác Chỉn Chía lại ngồi cạnh nhau .Tổng biên tập Phạm Đức Hải cũng chung bàn với chúng tôi .Tôi không bỏ qua dịp gần gũi này để nêu những cảm nghĩ của mình mà lúc giao lưu chưa kịp nói :”Tuổi Trẻ chưa đi đến tận cùng một vài vấn đề trong số có cả vấn đề chính mình khai phóng .Tuổi Trẻ còn né tránh những việc khó khăn ,nhạy cảm …Đơn cử trong một bài góp ý trước đây tôi có đề xuất Tuổi Trẻ nên có phóng sự điều tra về những tiêu cực trong việc gọi thanh niên thành phố đi nghĩa vụ quân sự nhưng không thấy hồi âm.”Đáp lại ,Tổng biên tập nói:"Không phải Tuổi Trẻ không nhìn thấy nhưng vấn đề này chúng tôi đang tìm hiểu khi thuận tiện sẽ làm."

............................................... Tiệc liên hoan cuối buổi giao lưu

........Trong buổi tiệc liên hoan cuối giao lưu,một vài bạn đọc tiếp tục làm thơ tặng báo Tuổi Trẻ . Một bạn đọc ở thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương là bà Ngọc Loan đọc 4 câu thơ nói lên tình cảm gắn bó và mong mỏi của mình với Tuổi Trẻ :
.... .................... ...... .........Ba lăm Tuổi Trẻ ngọt bùi
...................... ...... ......... ..Mượn dòng thơ tặng cho bùi sáu câu
.[................... ...... . ..... .....Không mong nhà trệt nhà lầu
......................... ............ .. Chỉ mong Tuổi Trẻ đi đầu thông tin .

........Gần 2 giờ chiều bữa tiệc mới tàn.Trước lúc chia tay ,Tổng biên tập thay mặt toà soạn nói lời cảm ơn và tặng quà đợt 2 cho mọi người .Ai cũng tươi tắn tay xách nách mang nhiều hộp quà khi bước vào thang máy.Tôi không ngờ hôm nay Tuổi Trẻ tặng quà cho bạn đọc nồng hậu như thế này.Tôi nghe một người nào đó đứng phía sau mình phát biểu :”Hôm nay chúng ta “được ăn ,được nói ,được gói mang về.Hẹn gặp lại sang năm các bạn nhé !” Nhưng nào đã hết đâu bởi khi ra đến cổng ,anh bảo vệ lại trao thêm mỗi người một cái giá để báo bằng gỗ gõ gồm 6 mảnh tháo rời đựng trong một cái hộp carton khá lớn.Báo hại ông già tuổi đã “cổ lai hy” như tôi mệt lử người mới chở được hộp quà cồng kềnh này về đến nhà . ...


................................ .............Quà nhận lúc ra cổng : Cái giá để báo

..........Trên đường về, tôi thầm nghĩ phần lớn bạn đọc Tuổi Trẻ đến với buổi giao lưu mái tóc đã điểm sương.Họ khác nào những chiếc lá vàng trước gió ,biết sang năm còn đủ khi gặp lại hay không ? Nhưng với họ, ngày 15.8 hôm nay thật đặc biệt vô cùng. Nhiều người không ngại đường sá xa xôi đến dự buổi họp mặt. Ai cũng có tấm lòng với tờ báo mình ưa thích .Biết nhau qua trang báo , gặp nhau trong buổi giao lưu ,ra về trong lưu luyến .Họ hoà chung niềm vui trong buổi họp mặt có nhạc ,có thơ ,chan hòa những tiếng cười nói cảm thông.Ngày hôm nay toà soạn Tuổi Trẻ thật đông vui và đáng nhớ.Họ chia tay trong lưu luyến.Có bạn đọc nói :"Giá như mình có được danh sách ,địa chỉ mọi người tham dự thì hay biết mấy !" Thiết nghĩ đó không phải là một ý kiến dở .Bản thân tôi lại mong ước nhân dịp giao lưu đáng nhớ này ,toà soạn nên làm một tập kỷ yếu ghi lại quá trình hình thành phát triển của báo Tuổi Trẻ suốt 35 năm qua.Một chặng đường dài biết bao gian khó ,không ít lần vấp té nhưng cũng rất đáng tự hào khi nhìn lại các thành quả đã đạt được.

____________________________________________________
Click Xem video buổi Giao lưu
----------------------------------------------------------------------------



16 thg 8, 2010

“Cần có nhiều người như chị Xuyến”

Bài viết theo chủ đề "Tuổi Trẻ và Tôi "" nhân báo Tuổi Trẻ tròn 35 tuổi Thêm Ảnh

. .....Từ ngày về hưu ,ông Nguyễn dùng thời gian nhàn rỗi viết lách xem đó như thể cách tiêu khiển tuổi già .Thỉnh thoảng có được một hai bài viết được đăng báo ông vui vui vì nghĩ ngòi bút của mình cũng chưa tà.Trong những báo phát hành ở Sài Gòn ,ông Nguyễn ưng bụng tờ Tuổi Trẻ nhất bởi tờ báo quan tâm nhiều đến các lĩnh vực dân sinh ,có nội dung thông tin đa dạng, trung thực và phong cách chuyên nghiệp.”Bạn đọc viết” là trang mục trên báo ông tham gia thường xuyên. Những năm đầu ,hàng tháng ông có bài viết được đăng .Các năm gần đây,do bân bịu việc sửa nhà cửa ,chuyện con cái lập gia đình ,phần cũng do con số độc giả gửi bài cho mục ”Bạn đọc viết”ngày càng đông đảo ,bài của ông chỉ còn xuất hiện lai rai.Nhưng những bài “Góp ý xây dựng Tuổi Trẻ “ mà ông gửi đều đặn mỗi năm nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập báo đã được ban biên tập ghi nhận và trân trọng gửi lời cám ơn ,đôi khi còn tặng quà gửi đến tận nhà.Mỗi năm Tết đến ,ông cảm động khi cầm tấm thiệp xuân do Tổng biên tập thay mặt toà soạn chúc mừng năm mới.
..........Năm nay nhân dịp báo Tuổi Trẻ kỷ niệm tờ báo tròn 35 tuổi ,ông viết vài kỷ niệm về người phát nhuận bút
.
........................................ .................. ......***
........ ...Nhân viên ở toà soạn Tuổi Trẻ mà ông Nguyễn có dịp tiếp xúc nhiều nhất là chị Xuyến (phụ trách trả nhuận bút) .Tuy đọc báo Tuổi Trẻ rất sớm nhưng tham gia viết mới được dăm năm nên ông không rõ chị làm ở đây tự bao giờ .Chỉ đến khi có bài Bạn đọc viết đầu tiên "Sao chẳng là lúc cách mạng ngành đường sắt ?",ông Nguyễn mới có dịp tiếp xúc và làm quen với chị Xuyến . Ngay từ lần đầu đó,chị đã để lại ấn tượng khó quên trong tâm trí ông .
...........Hôm ấy đang bận nghe điện thoại ,thấy ông Nguyễn đến chị không rời máy nhưng giơ tay chỉ ghế ra dấu mời ngồi chờ.Khi xong ,với giọng ôn tồn hiền hòa của người phụ nữ miền Nam, chị hỏi ông :”Xin vui lòng cho biết chú nhận nhuận bút loại báo nào cùng tựa đề và ngày đăng để cháu kiếm ? Nghe chị Xuyến hỏi ,ông Nguyễn ngạc nhiên vì tuổi chị đã trạc ngũ tuần mà xưng cháu với mình .Nhưng sang lần thứ hai ,ba ...cũng thế .Riết rồi nghe quen đi , ông Nguyễn bụng bảo dạ rằng có lẽ cái tướng tá “mô phạm” của mình lộ liễu quá nên mới ra cớ sự.Một lần gặp người bạn cũng đi lãnh nhuận bút ,ông hỏi thăm thì anh cho hay :” Bà Xuyến phát nhuận bút báo Tuổi Trẻ này tử tế , ăn nói đàng hoàng lắm ,không khó khăn ,nguyên tắc như các nhân viên cùng vai trò ở một vài báo khác .Ai gặp bà một lần cũng có cảm nghĩ như anh, nhưng xưng hô chú – cháu thì còn tùy .”Ông Nguyễn cũng nghiệm thấy ngoài phong cách ăn nói niềm nở ,lịch sự , chị Xuyến còn là người dễ chịu ,biết khéo léo đáp ứng để làm vui lòng khách đến ,vừa lòng khách đi .Ông nhận ra điều này qua việc mình đi lãnh nhuận bút báo ngày nhưng lại muốn nhận báo biếu bằng Tuổi Trẻ cuối tuần. Lần nào cũng thế , vừa nghe ông Nguyễn đề xuất chị Xuyến gật đầu nhỏ nhẹ : "Dạ được !" và bước đến kệ báo lấy ngay ra tờ TTCT số mới nhất có đóng sẵn mấy chữ "Báo Tuổi Trẻ kính biếu"mầu đỏ để lên mặt quầy.
.........Con người tốt bụng đó bên cạnh vai trò người phát nhuận bút còn kiêm nhiệm thêm công việc tiếp bạn đọc bởi đôi lần ông Nguyễn đến toà soạn chứng kiến chị Xuyến ngồi giảng giải với vài người đem hồ sơ thắc mắc khiếu nại đến trình bầy . Ai phải trả lại hồ sơ ,giọng chị nhẹ nhàng vỗ về như muốn an ủi nỗi buồn của những người đã tin cậy uy tín báo Tuổi Trẻ tìm đến nhờ vả nhưng lại ngoài phạm vi và khả năng giúp đỡ của toà soạn .
..........Một lần chính bản thân ông Nguyễn cũng thừa hưởng sự tốt bụng và mối quan hệ tốt của chị Xuyến .Ông còn nhớ hôm đó là ngày thứ sáu 16.1.2009 ,nhân đi lãnh nhuận bút Bạn đọc viết ,ông hỏi chị :” Nghe nói hôm nay ở đây phát vé xem chương trình văn nghệ lễ trao giải "Cù nèo vàng 2008 " do báo Tuổi Trẻ Cười tổ chức vào tối 20-1 nhưng sao tôi không thấy chỗ nào phát cả ?”Chị trả lời :”Thưa chú ,đúng ra đã phát ngay từ sáng sớm nay rồi nhưng đông quá và có nhiều “phe “ vé lẫn vào tranh giành xô đẩy mất trật tự nên mấy ảnh tạm ngưng phát .Chú ra chỗ cổng hỏi mấy anh bảo vệ may chừng họ thông cảm sẽ phát cho chú .”Ông Nguyễn đi ra chỗ cổng nói muốn xin vé xem văn nghệ phát giải "Cù nèo vàng" thì một anh bảo vệ trẻ tuổi lắc đầu : “ Hôm nay ngưng phát rồi chú ơi ! Sáng sớm mai sẽ phát lại.”Chẳng lẽ về không, một suy nghĩ loé lên trong đầu .Ông Nguyễn đáp:"Hôm nay chú đi lãnh nhuận bút .Hồi nãy cũng mới được chị Xuyến cho biết việc này nhưng chị chỉ ra đây nói mình là cộng tác viên của Tuổi Trẻ thế nào cũng được tặng vé .”Vừa nói xong ,một nhân viên bảo vệ đứng tuổi từ trong trạm bước ra tay nhìn ông Nguyễn rồi nói :”Thôi , trường hợp chú đây thông cảm được.”Niềm vui của ông nhân đôi vì được trao một cặp vé mời .Ông đã tính nếu chỉ nhận được một vé thì phải năn nỉ xin thêm để bà xã đi cùng .
.........Một lần khác đi lãnh nhuận bút,ông Nguyễn không thấy chị Xuyến có mặt ở quầy.Một cô gái ngồi ở quầy kế cận cho ông hay :"Chị nghỉ ốm ,có thể tuần tới mới đi làm trở lại ".Trên đường về nhà ,lòng ông váng vất buồn thương y thể có người thân đang ốm đau vậy.Ông Nguyễn thầm tiếc không hỏi cô gái số điện thoại của chị Xuyến để gọi hỏi thăm .Đợi 2 tuần ,ông mới trở lại toà soạn để chắc chắn được gặp chị .Quả đúng như ông Nguyễn tính ,hôm đó chị Xuyến đang có mặt ở toà soạn .Nghe những lời hỏi thăm của ông Nguyễn ,chị cảm động và cám ơn sự quan tâm bất ngờ này.Chị (vẫn xưng hô chú-cháu) cho biết mình mới ra viện tuần trước.Chị hỏi han ông Nguyễn về tuổi tác, ngành nghề .Nghe ông nói đã về hưu ,nét mặt chị thoáng buồn :”Cháu cũng lớn tuổi ,sắp về hưu như chú thôi .”
...... ..Năm vừa qua ,ông Nguyễn thưa đến toà soạn vì số bài đăng giảm nhiều .Vừa nhác thấy ông , chị Xuyến nói :”Độ này hình như chú ít viết bài ?”Ông hơi ngượng ,cười giả lả :”Người già thời ngòi bút cùn theo .”
..........Cách đây vài tuần đến toà soạn lãnh tiền bài viết đăng trênTTCT,ông Nguyễn được người phát nhuận bút mới cho biết chị Xuyến đã nghỉ hưu.Nghe xong,tâm trạng ông Nguyễn hụt hẫng như vừa hay tin một người bạn rất gần gũi với mình đã đi xa.Lòng nhen một một nỗi buồn mênh mang khó tả,ông lê những bước chân nặng nề ra khỏi toà soạn quên cả việc lấy báo biếu .Trên đường về ,nhìn đâu ông Nguyễn cũng thấy nhạt nhòa,lạnh tanh .Phải chăng lòng người không vui nên cảnh cũng đeo sầu? Mãi lúc về gần tới nhà ,lòng ông mới nguôi ngoai được phần nào khi nhớ đến hai câu thơ trong bài "Chữ nhàn" của Nguyễn Công Trứ : .

............................................... ...Ngã kim nhật tại tọa chi địa
....................................................Cổ chi nhơn tằng tiên ngõa tọa chi

.... ...Ông Nguyễn tự nhủ tại sao mình phải buồn khi mà mọi việc trên đời chả có gì mới cả .Chị Xuyến không còn ngồi ở quầy phát nhuận bút là chuyện tất yếu ,một quy luật tự nhiên .Mấy chục năm làm việc hết mình ,giờ đã đến lúc con người tận tụy đó được nghỉ ngơi .Báo Tuổi Trẻ đang cần rất nhiều người tiếp bước làm tốt như chị Xuyến đã làm .Những ”chị Xuyến” tương lai không chỉ góp phần đưa báo Tuổi Trẻ ngày càng đi lên vững mạnh ,đáp ứng nhiều hơn những mong muốn của bạn đọc mà còn là những viên gạch không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng một nền báo chí Việt Nam lành mạnh , hiện đại khả dĩ đồng hành cùng đất nước trên con đường tiến tới một xã hội dân chủ, văn minh tiến bộ .

8 thg 8, 2010

CÓ NÊN GIỄU CỢT BÀI THI CỦA HỌC SINH ?


........Ngày 18.06.2010 ,báo SGTT mở Diễn đàn “Có nên giễu cợt bài thi của học sinh?” với lời kêu gọi :
..... ..LTS.: "Đến hẹn lại lên, cứ khi vừa có kết quả chấm thi tốt nghiệp PTTH môn văn thì dư luận lại có dịp mua vui với những câu văn được cho là “sai kiến thức, ngớ ngẩn, cười ra nước mắt” của học sinh, do các thầy cô chấm thi kể lại. Xung quanh việc này, có nhiều ý kiến cho rằng phản giáo dục, xúc phạm học sinh, để học sinh ra nông nổi đó lỗi trước tiên là ở người thầy. Một số ý kiến khác thì cho rằng cần thiết phải làm như vậy để gióng lên hồi chuông về chất lượng môn văn trong nhà trường. Nhận thấy đây là vấn đề cần có sự cọ xát đa chiều, để từ đó có thể rút ra những chuẩn ứng xử đúng đắn hơn cho cả thầy cô và báo chí trong các mùa thi tới, chúng tôi mở ra diễn đàn này. Mời bạn đọc cùng tham gia ý kiến."
.........Trong số các ý kiến tham gia có bài "Trước khi cười nhạo, hãy xem lại mình" của PGS.TS Trần Hữu Tá .Ông bộc lộ sự khó chịu của mình trước hiện tượng “những bài văn dễ sợ”, “những bài văn dở cười dở mếu”… mà năm nào báo chí cũng nêu.Tán đồng quan điểm của PGS.TS Trần Hữu Tá ,tôi cũng xin góp đôi ý nhỏ với các bạn đọc khác .

.....................-----------------------------------------------------------------------------------


.........................................Người thầy có tâm huyết với nghề
..................................không ai nỡ giễu cợt bài thi của học sinh

...................................................... ................ .. . ..Nguyenuthang@...
............................................................ ........ .............. .( Giáo viên hưu trí )

........Theo dõi những bài viết đăng trên diễn đàn trong thời gian qua , tôi thấy nhiều bạn đóng góp ý kiến rất xác đáng.Tuy nhiên không phải ai cũng đồng quan điểm về nguyên nhân dẫn đến vấn nạn thi cử đáng buồn ở nước ta .Có bạn cho rằng “ Những lỗi đó phần lớn là ở những học sinh không chịu học hành nghiêm túc “.Cũng có ý kiến nói “Cái gốc của hiện tượng này thuộc về phương pháp và về chương trình thi, đề thi không tập trung …”Đáng ngạc nhiên hơn là quan điểm tưởng như trái ngược của một tác giả khác “Cũng đáng cười lắm chứ …không công khai thì chẳng khác nào chúng ta bao che để các em không nhận thấy trách nhiệm của mình.”Nhưng khách quan mà nói nếu không nêu ra những sai sót điển hình của học trò thì lấy cơ sở nào mà phân tích ,lý giải vấn đề ? Theo ý kiến riêng tôi sau mỗi đợt chấm thi, người thầy không nên đem những bài văn sai sót nhếch nhác ra để giễu cợt mà thay vào đó nên tranh thủ thời gian tìm hiểu vì sao tệ trạng văn chương nhếch nhác của học sinh trong các kỳ thi ngày một nhiều để từ đó đề ra phương sách khắc phục .Những bước tuần tự nên làm đó cũng là trình tự nội dung của bài viết này.

..........• Không nên giễu cợt bài thi của học sinh

.........Khi đã bước chân vào ngành sư phạm ,hẳn ai cũng có tâm huyết đem hết khả năng và lòng yêu nghề ra cống hiến cho sự nghiệp giáo dục .Đã là người thầy mang trọng trách khó khăn nhưng cũng không kém phần vẻ vang ,đặc biệt với những người dậy văn ,chẳng ai nỡ đem bài thi của học sinh ra giễu cợt ? Trong nhà trường ,những tiết trả bài làm văn cho học trò bao giờ không khí lớp học cũng sinh động .Những học sinh khá giỏi vui và hồi hộp với hy vọng được điểm cao,được thầy khen .Ngược lại các em yếu kém rất hồi hộp lo âu sợ bài bị điểm kém ,sợ bị đưa ra phê bình.Mặt khác bản lĩnh và lương tâm của người thầy thể hiện rất rõ trong tiết lên lớp này : biết tinh tế và khoan dung khi nêu ra các sai sót sẽ có tác dụng tốt (học trò sẽ tiến bộ) ; ngược lại nếu nêu các sai sót của học trò ra để giễu cợt sẽ phản tác dụng ( học trò chán nản ,tự ti mặc cảm,khó vực lên được ).Trong các kỳ thi, nếu có tiếng cười trong phòng chấm, tôi nghĩ đó chẳng qua là những giây phút cười vui không mong muốn đến từ các lời văn ngây ngô, các dẫn chứng bịa đặt hoặc cách lý giải kỳ quái không thể tưởng tượng nổi trong bài làm của thí sinh . Sau những giây phút cười vui chưa khỏa lấp sự căng thẳng , mệt nhọc của công việc được bao nhiêu thì trong lòng những người thầy lại dấy lên nỗi buồn da diết, thấm thía từ việc văn chương học trò ngày càng đi xuống .Không nói ra nhưng thầy cô nào cũng hiểu bởi các “tác phẩm” văn chương nhếch nhác đó lại chính là sản phẩm do chính họ dạy dỗ ,đào tạo ra . Người thầy chấm văn vui sao được khi chất lượng văn học trò cứ mỗi năm một đi xuống và khi rời hội đồng chấm thi ra về ,đầu óc họ thường trĩu một nỗi buồn chung :âu lo cho tương lai tiếng Việt và ngao ngán cho con đường nghiệp dĩ còn lại của mình .

  • Tại sao văn chương nhếch nhác của học sinh ngày một nhiều ?

.......Tiếng Việt của chúng ta giàu đẹp và kho tàng văn học Việt Nam rất phong phú . Không ai có thể phủ nhận điều này .Lẽ ra đang sống trong hoàn cảnh quê hương hoà bình và đất nước đang trên đà phát triển thì học sinh phải yêu thích tiếng Việt và ham thích học tập văn chương nước mình mới đúng .Thế nhưng học sinh hiện nay lại ngán ngẩm môn văn, lười học văn , làm bài yếu kém và văn chương nhếch nhác trong các kỳ thi . Tại sao chúng ta lâm vào tình cảnh đáng buồn này ? Trước tiên nhìn lại bảng phân phối chương trình văn , người ta thấy bất kỳ cấp học nào cũng ôm đồm hoặc quá tải đối với cả giáo viên lẫn học sinh .Bài nhiều nhưng thời gian giảng dậy lại gò bó cứng ngắc theo tuần,theo tiết khiến cho giáo viên phải chạy theo chương trình cũng đủ mệt thì còn thời gian đâu để uốn nắn,rèn luyện kỹ năng làm bài cho các em .Trong khi đó áp lực thành tích thi đua lại đè nặng trên vai : học sinh thi lại nhiều ,rớt nhiều sẽ đồng nghĩa với khiển trách và tiền thưởng ít .Áp lực này đã khiến giáo viên giảng ít ,đọc chép là chủ yếu dù biết dạy như thế không sinh động và học sinh tiếp thu kém.Về phần học sinh ,một khi mang tâm lý ngán ngẩm môn văn , các em sẽ học theo cách đối phó .Thay vì phải chuẩn bị bài kỹ ,đọc tác phẩm ,tìm hiểu và trả lời một số câu hỏi trước , để đến lớp có thể tiếp thu tốt lời giảng của thầy, thì các em bỏ qua tất cả các bước ,lấy sách “học tốt” ra sao chép qua mắt thầy .Tập làm văn không cần học phương pháp làm bài ,chỉ thuộc lòng các bài văn mẫu ,”văn thầy “ là đủ. Cuối năm ,các em không lo bị ở lại lớp vì xem việc học thêm với thầy văn là một thứ “bùa lên lớp” .Trong kỳ thi tốt nghiệp,các em trông chờ vào “tủ ” hoặc “phao “chứ không phải bằng thực học .Một khi “tủ “ bị bể, “phao” bị vô hiệu hoá thì đây là lúc văn chương nhếch nhác của các em được tung ra . Chiêu thức “van xin nhỏ phúc” cũng được các em thêm vào bài cho dù biết chẳng tác dụng bao nhiêu. Để học sinh học và thực hành văn chương tiếng Việt như thế , cho dù quy lỗi tại ai ,cũng là một việc rất đáng tiếc cho xã hội .

...• Phải làm gì để xoá bỏ tệ trạng ?

..........Để làm được việc này,thiết nghĩ không thể một sớm một chiều , mà cần phải có thời gian cùng sự quyết tâm của tất cả mọi người trong xã hội .Yêu quý tiếng Việt ,chúng ta phải trân trọng và bảo vệ tiếng Việt ở mọi cương vị mà Bộ GD cần đi đầu trong công cuộc này.Chương trình văn phải chọn lọc, giảm thiểu cho vừa với thời lượng giảng bài của thầy và thích hợp với trình độ tiếp thu của trò.Phải làm sao để ngay từ lớp vỡ lòng các em nhỏ đã yêu quý và ham thích học tiếng Việt .Phải kích thích và khuyến khích các em ham đọc sách như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói : “Phải đọc thật nhiều ,đọc gấp mấy lần những điều ông thầy giảng dậy ở lớp…”. Phía trường sư phạm ,bất kỳ trường cấp nào từ sư phạm mẫu giáo cho đến đại học sư phạm , phải tuyển chọn cho được những sinh viên yêu nghề , mến trẻ ,có khả năng chuyên môn thật sự, chứ không nên tuyển vào loại sinh viên “ chuột chạy cùng sào...”. Thang điểm bộ môn văn trong các kỳ thi tốt nghiệp phải chú trọng phần làm văn hơn là câu hỏi giáo khoa bởi khi đưa câu hỏi giáo khoa ngày càng nhiều thì dụng ý muốn nâng cao tỷ lệ thi tốt nghiệp của Bộ giáo dục lộ khá rõ.Thế nhưng chất lượng bộ môn văn lại đi xuống vì tỷ lệ nghịch với lối đánh giá một bài văn theo tiêu chí chấm đểm như vậy. Mặt khác ,giáo viên khi chấm văn cần khuyến khích sự sáng tạo của học sinh thay vì gò bó cứng ngắc vào yêu cầu của đề .Các bậc cha mẹ cần lưu tâm uốn nắn sai sót cách phát âm, dùng từ của các em ngay từ lúc trẻ chưa đến trường .Nếu tất cả mọi người trong gia đình , ngoài xã hội không phân biệt ngành nghề ,tuổi tác ,ai cũng đồng lòng nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt thì hiện tượng văn chương nhếch nhác trong thời gian không xa sẽ biến mất trong các kỳ thi.Có người Việt Nam nào yêu nước mà không yêu tiếng mẹ đẻ của mình .Nhưng phải làm sao để những ca từ “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…” không chỉ là lời hát suông nghe cho vui và cụm từ “Tôi yêu Việt Nam ...“thường nghe trong các gameshow trên TV, trước hết phải là câu nói cửa miệng của người Việt yêu quý tiếng Việt ,yêu thích văn chương nước mình. Mong lắm thay !

7 thg 8, 2010

Chuyện lá cờ rách

.......Bây giờ trong thành phố đi đâu cũng thấy Khu phố văn hóa .Nhiều Khu phố văn hóa đến nỗi người ta có cảm tưởng như Sài Gòn là thành phố có các khu dân cư đạt chỉ tiêu sống văn minh cao nhất nước .Thế nhưng có những khu phố chỉ chưa đầy một năm sau lễ tuyên dương tổ chức thật trang trọng đã trở lại không ít những biểu hiện không đẹp mắt y như thời gian trước lúc được tuyên dương và gắn bảng Khu phố văn hoá .Không chỉ là chuyện xả rác ,vứt xác chuột trong các con hẻm mà còn có cả hành vi thiếu ý thức động chạm đến quốc thể nhưng vẫn tồn tại trêu ngươi trước bao con mắt của những người qua lại khu phố.Điển hình là chuyện lá cờ nước đã bạc mầu và rách bươm nhưng vẫn treo hoài trên cao tại một đại lý của Viettel telephone tại khu phố 5 phường 12 quận 10.


.........Từ hồi treo lá cờ lên đến bây giờ chả ai tháo nó xuống cả !” Một người dân sống tại khu phố đã nói với tôi như vậy.Nếu như chỉ là bỏ quên vài ngày hay dăm ba tuần thì không nói làm gì .Thế nhưng treo lá cờ nước suốt cả năm trời mà không hề tháo xuống và đến độ lá cờ đã rách tả tơi vẫn cứ để nguyên thì không thể chấp nhận được .( Xem ảnh đính kèm)





..........Không phải chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả những ai qua lại con hẻm đều chung cảm nghĩ : đại lý cửa hàng Viettel telephone nọ đã rất tắc trách.Trải qua mưa nắng dãi dầu hơn một năm trời , lá cờ đỏ tươi rực rỡ ngày nào nay đã bạc phếch thành mầu nâu nhạt xoắn thành một đùm và sau mấy trận mưa đầu mùa thời gian gần đây đã sờn rách nom rất thảm thương . Thiết nghĩ lá quốc kỳ không phải là mảnh vải vô hồn mà là biểu tượng của quốc gia ,tượng trưng cho hồn thiêng sông núi, cho giải giang sơn mà tổ tiên ta đã đổ biết bao mồ hôi và xương máu trong việc dựng nước và giữ nước.Thế nên treo lá cờ đã rách và bạc mầu là hành vi thiếu ý thức không thể chấp nhận được .Có điều địa điểm trên không cách trụ sở UBND phường , Công an phường bao xa khiến người đi đường không khỏi thắc mắc sao một hình ảnh gây phản cảm như thế lại không hề được ai quan tâm nhắc nhở .
......... Rõ thật là :
......... Nọ lá quốc kỳ thử đứng xem
..........Biết bao đẹp đẽ khi còn mới
..........Mà đến bây giờ rách tả tơi
.........Than ôi treo thế coi sao được !
............... ( Mượn ý thơ VBDĐR của Tản Đà)

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..