........Ngày 18.06.2010 ,báo SGTT mở Diễn đàn “Có nên giễu cợt bài thi của học sinh?” với lời kêu gọi :
.....................-----------------------------------------------------------------------------------
.........................................Người thầy có tâm huyết với nghề
..................................không ai nỡ giễu cợt bài thi của học sinh
...................................................... ................ .. . ..Nguyenuthang@...
............................................................ ........ .............. .( Giáo viên hưu trí )
........Theo dõi những bài viết đăng trên diễn đàn trong thời gian qua , tôi thấy nhiều bạn đóng góp ý kiến rất xác đáng.Tuy nhiên không phải ai cũng đồng quan điểm về nguyên nhân dẫn đến vấn nạn thi cử đáng buồn ở nước ta .Có bạn cho rằng “ Những lỗi đó phần lớn là ở những học sinh không chịu học hành nghiêm túc “.Cũng có ý kiến nói “Cái gốc của hiện tượng này thuộc về phương pháp và về chương trình thi, đề thi không tập trung …”Đáng ngạc nhiên hơn là quan điểm tưởng như trái ngược của một tác giả khác “Cũng đáng cười lắm chứ …không công khai thì chẳng khác nào chúng ta bao che để các em không nhận thấy trách nhiệm của mình.”Nhưng khách quan mà nói nếu không nêu ra những sai sót điển hình của học trò thì lấy cơ sở nào mà phân tích ,lý giải vấn đề ? Theo ý kiến riêng tôi sau mỗi đợt chấm thi, người thầy không nên đem những bài văn sai sót nhếch nhác ra để giễu cợt mà thay vào đó nên tranh thủ thời gian tìm hiểu vì sao tệ trạng văn chương nhếch nhác của học sinh trong các kỳ thi ngày một nhiều để từ đó đề ra phương sách khắc phục .Những bước tuần tự nên làm đó cũng là trình tự nội dung của bài viết này.
..........• Không nên giễu cợt bài thi của học sinh
.........Khi đã bước chân vào ngành sư phạm ,hẳn ai cũng có tâm huyết đem hết khả năng và lòng yêu nghề ra cống hiến cho sự nghiệp giáo dục .Đã là người thầy mang trọng trách khó khăn nhưng cũng không kém phần vẻ vang ,đặc biệt với những người dậy văn ,chẳng ai nỡ đem bài thi của học sinh ra giễu cợt ? Trong nhà trường ,những tiết trả bài làm văn cho học trò bao giờ không khí lớp học cũng sinh động .Những học sinh khá giỏi vui và hồi hộp với hy vọng được điểm cao,được thầy khen .Ngược lại các em yếu kém rất hồi hộp lo âu sợ bài bị điểm kém ,sợ bị đưa ra phê bình.Mặt khác bản lĩnh và lương tâm của người thầy thể hiện rất rõ trong tiết lên lớp này : biết tinh tế và khoan dung khi nêu ra các sai sót sẽ có tác dụng tốt (học trò sẽ tiến bộ) ; ngược lại nếu nêu các sai sót của học trò ra để giễu cợt sẽ phản tác dụng ( học trò chán nản ,tự ti mặc cảm,khó vực lên được ).Trong các kỳ thi, nếu có tiếng cười trong phòng chấm, tôi nghĩ đó chẳng qua là những giây phút cười vui không mong muốn đến từ các lời văn ngây ngô, các dẫn chứng bịa đặt hoặc cách lý giải kỳ quái không thể tưởng tượng nổi trong bài làm của thí sinh . Sau những giây phút cười vui chưa khỏa lấp sự căng thẳng , mệt nhọc của công việc được bao nhiêu thì trong lòng những người thầy lại dấy lên nỗi buồn da diết, thấm thía từ việc văn chương học trò ngày càng đi xuống .Không nói ra nhưng thầy cô nào cũng hiểu bởi các “tác phẩm” văn chương nhếch nhác đó lại chính là sản phẩm do chính họ dạy dỗ ,đào tạo ra . Người thầy chấm văn vui sao được khi chất lượng văn học trò cứ mỗi năm một đi xuống và khi rời hội đồng chấm thi ra về ,đầu óc họ thường trĩu một nỗi buồn chung :âu lo cho tương lai tiếng Việt và ngao ngán cho con đường nghiệp dĩ còn lại của mình .
- Tại sao văn chương nhếch nhác của học sinh ngày một nhiều ?
.......Tiếng Việt của chúng ta giàu đẹp và kho tàng văn học Việt Nam rất phong phú . Không ai có thể phủ nhận điều này .Lẽ ra đang sống trong hoàn cảnh quê hương hoà bình và đất nước đang trên đà phát triển thì học sinh phải yêu thích tiếng Việt và ham thích học tập văn chương nước mình mới đúng .Thế nhưng học sinh hiện nay lại ngán ngẩm môn văn, lười học văn , làm bài yếu kém và văn chương nhếch nhác trong các kỳ thi . Tại sao chúng ta lâm vào tình cảnh đáng buồn này ? Trước tiên nhìn lại bảng phân phối chương trình văn , người ta thấy bất kỳ cấp học nào cũng ôm đồm hoặc quá tải đối với cả giáo viên lẫn học sinh .Bài nhiều nhưng thời gian giảng dậy lại gò bó cứng ngắc theo tuần,theo tiết khiến cho giáo viên phải chạy theo chương trình cũng đủ mệt thì còn thời gian đâu để uốn nắn,rèn luyện kỹ năng làm bài cho các em .Trong khi đó áp lực thành tích thi đua lại đè nặng trên vai : học sinh thi lại nhiều ,rớt nhiều sẽ đồng nghĩa với khiển trách và tiền thưởng ít .Áp lực này đã khiến giáo viên giảng ít ,đọc chép là chủ yếu dù biết dạy như thế không sinh động và học sinh tiếp thu kém.Về phần học sinh ,một khi mang tâm lý ngán ngẩm môn văn , các em sẽ học theo cách đối phó .Thay vì phải chuẩn bị bài kỹ ,đọc tác phẩm ,tìm hiểu và trả lời một số câu hỏi trước , để đến lớp có thể tiếp thu tốt lời giảng của thầy, thì các em bỏ qua tất cả các bước ,lấy sách “học tốt” ra sao chép qua mắt thầy .Tập làm văn không cần học phương pháp làm bài ,chỉ thuộc lòng các bài văn mẫu ,”văn thầy “ là đủ. Cuối năm ,các em không lo bị ở lại lớp vì xem việc học thêm với thầy văn là một thứ “bùa lên lớp” .Trong kỳ thi tốt nghiệp,các em trông chờ vào “tủ ” hoặc “phao “chứ không phải bằng thực học .Một khi “tủ “ bị bể, “phao” bị vô hiệu hoá thì đây là lúc văn chương nhếch nhác của các em được tung ra . Chiêu thức “van xin nhỏ phúc” cũng được các em thêm vào bài cho dù biết chẳng tác dụng bao nhiêu. Để học sinh học và thực hành văn chương tiếng Việt như thế , cho dù quy lỗi tại ai ,cũng là một việc rất đáng tiếc cho xã hội .
...• Phải làm gì để xoá bỏ tệ trạng ?
..........Để làm được việc này,thiết nghĩ không thể một sớm một chiều , mà cần phải có thời gian cùng sự quyết tâm của tất cả mọi người trong xã hội .Yêu quý tiếng Việt ,chúng ta phải trân trọng và bảo vệ tiếng Việt ở mọi cương vị mà Bộ GD cần đi đầu trong công cuộc này.Chương trình văn phải chọn lọc, giảm thiểu cho vừa với thời lượng giảng bài của thầy và thích hợp với trình độ tiếp thu của trò.Phải làm sao để ngay từ lớp vỡ lòng các em nhỏ đã yêu quý và ham thích học tiếng Việt .Phải kích thích và khuyến khích các em ham đọc sách như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói : “Phải đọc thật nhiều ,đọc gấp mấy lần những điều ông thầy giảng dậy ở lớp…”. Phía trường sư phạm ,bất kỳ trường cấp nào từ sư phạm mẫu giáo cho đến đại học sư phạm , phải tuyển chọn cho được những sinh viên yêu nghề , mến trẻ ,có khả năng chuyên môn thật sự, chứ không nên tuyển vào loại sinh viên “ chuột chạy cùng sào...”. Thang điểm bộ môn văn trong các kỳ thi tốt nghiệp phải chú trọng phần làm văn hơn là câu hỏi giáo khoa bởi khi đưa câu hỏi giáo khoa ngày càng nhiều thì dụng ý muốn nâng cao tỷ lệ thi tốt nghiệp của Bộ giáo dục lộ khá rõ.Thế nhưng chất lượng bộ môn văn lại đi xuống vì tỷ lệ nghịch với lối đánh giá một bài văn theo tiêu chí chấm đểm như vậy. Mặt khác ,giáo viên khi chấm văn cần khuyến khích sự sáng tạo của học sinh thay vì gò bó cứng ngắc vào yêu cầu của đề .Các bậc cha mẹ cần lưu tâm uốn nắn sai sót cách phát âm, dùng từ của các em ngay từ lúc trẻ chưa đến trường .Nếu tất cả mọi người trong gia đình , ngoài xã hội không phân biệt ngành nghề ,tuổi tác ,ai cũng đồng lòng nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt thì hiện tượng văn chương nhếch nhác trong thời gian không xa sẽ biến mất trong các kỳ thi.Có người Việt Nam nào yêu nước mà không yêu tiếng mẹ đẻ của mình .Nhưng phải làm sao để những ca từ “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…” không chỉ là lời hát suông nghe cho vui và cụm từ “Tôi yêu Việt Nam ...“thường nghe trong các gameshow trên TV, trước hết phải là câu nói cửa miệng của người Việt yêu quý tiếng Việt ,yêu thích văn chương nước mình. Mong lắm thay !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét