3 thg 9, 2008



Nhung nhớ khôn nguôi...

(Viết nhân kỷ niện 6 năm ngày mất của TCS - Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ online :
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=194273&ChannelID=10 )

.........Thỉnh thoảng theo dõi những bài hát thiếu nhi trên ti vi, tôi tìm được cho mình những phút thư giãn nhẹ nhàng cho tâm hồn. Hôm nay, nghe lại bài Em là bông hồng nhỏ, lòng tôi bỗng bồi hồi. Tôi tin rằng ai đã từng một lần tắm hồn mình trong nhạc của Trịnh Công Sơn, thì dù có hôm nào “thức dậy không còn thấy loài người", vẫn không khỏi nhung nhớ khôn nguôi người nhạc sĩ thiên tài nàỵ
Tuy chỉ “gõ đầu trẻ“ vỏn vẹn hai năm nhưng tình cảm anh dành cho thiếu nhi rất thân thương, cảm động. Anh viết khá nhiều cho các em, từ tuổi nhi đồng cho đến cả tuổi mới lớn. Bài Mẹ đi vắng viết cho các cháu mầm non có âm điệu vui tươi, dí dỏm:
Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng
Con sang chơi nhà bạn ( í a)
Con cầm cây đàn con hát
Hát cho mẹ về với con…
..........Các cháu nhi đồng rất thích hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ của mình được ca ngợi trong bài
Khăn quàng thắp sáng bình minh :
................................Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh
................................Từng cánh tay măng non đang xây ngày mai hồng
.................................Đoàn thiếu nhi em là hy vọng ngày mai…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không bỏ quên lứa tuổi ô mai vừa bước vào ngưỡng cửa trường trung học. Anh dành cho các em những giai điệu thật trong sáng, mộng mơ:
...............................Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng
........................ ......Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me
.......................... ....Em và lá tung tăng như lòai chim đến
...................... ........Và đã hót giữa những phố nhà…
Nhưng một bài hát được đông đảo các em ưa thích vẫn là bài Em là bông hồng nhỏ mà nếu tôi không lầm thì đây là bài hát đã được thiếu nhi cả nước bình chọn là 1 trong 50 bài hát hay nhất cuả thế kỷ 20.
.........Hôm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi thấy lòng mình se lại. Những hồi ức về người nhạc sĩ thiên tài kéo tôi về với những ngày tháng đong đầy kỷ niệm xa xưa. Làm sao quên được những ngày bỏ học ở giảng đường Văn khoa Sài Gòn kéo nhau ra tụ tập dưới gốc cây chỉ để được nghe chính giọng hát của Trịnh Công Sơn - người tạo nên hiện tượng đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam suốt mấy năm đầu của thập niên 1970 khắp cả miền Nam, thầm kín ở miền Bắc và tỏa lan cả ở nước ngoài. Làm sao quên được những buổi tối không hẹn mà quán Văn chỉ có ghế gỗ, mái lá, nền xi măng mà vẫn chen chúc khách ngồi thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn. Có lẽ những bài tình ca của anh đã có ma lực quyến rũ rất mãnh liệt. Sau ngày giải phóng, chính Trịnh Công Sơn từng tâm sự: ”Mỗi bài hát cuả tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống”.
..........Những năm tháng đó, Trịnh Công Sơn trở thành người được mến mộ vượt lên trên cả lớp nhạc sĩ thành danh trong thời tiền chiến. Anh được phong tặng danh hiệu “Kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận”. Không chỉ yêu nhạc Trịnh Công Sơn, nhiều người còn yêu thơ, yêu tranh, yêu văn, yêu tiếng hát của anh nữa.
...........Tận đáy lòng, tôi tâm phục nhạc Trịnh Công Sơn có sức xoáy sâu vào lòng người, vào con tim của nhiều thế hệ. Sự thành công cuả Trịnh Công Sơn có lẽ là vì người nghe đã tìm được “cái tôi “ của mình trong bài hát của anh. Nghe nhạc của anh buồn mà vẫn thích vì có mấy ai dám phủ nhận rằng cuộc đời này buồn nhiều hơn vui? Thế nhưng nhạc Trịnh Công Sơn lại không dẫn người ta vào con đường bi luỵ. Khi “cuộc đời gần như niềm tuyệt vọng “ thì chính anh cũng lại lại cất tiếng: "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”.
...............Nói sao cho hết tình cảm của bao người dành cho một con người đã nên tạo nên được một hiện tượng hiếm có trong âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20: hiện tượng nhạc Trịnh Công Sơn. Chỉ biết, mỗi 1-4 về, lại nhung nhớ khôn nguôi...
...................................................................................................Nguyenuthang

“Vua quà sáng” ở Montreal


         Tháng bảy vừa qua tiệm phở Chez Tau Bay ở số 745 đường Jean Talon est,
Montreal (Canada) khai trương. Trong tuần lễ đầu tiên khách ăn một tô sẽ được tặng tô thứ hai miễn phí.
           Không biết có phải do quảng cáo quá ư hấp dẫn chăng mà bàn nào cũng không còn ghế trống. Khách đông, cả người Việt mình lẫn người nước ngoài, nên ngồi ăn không được mát mẻ cho lắm dù có máy lạnh. Tuy vậy, tôi thấy ai cũng ăn ngon lành chẳng kể đến việc ngồi chật chội và nóng. Tôi kêu tô “xe lửa” đặc biệt.
         Tôi ăn nhiều tiệm phở ở nước ngoài rồi nhưng thành thật mà nói phở ở Chez Tau Bay nấu rất ngon: nước lèo trong, ngọt thanh, không gây mùi bò, không có cảm giác bừng bừng nơi gò má do người nấu lạm dụng bột ngọt.
           Tôi ưng ý nhất là khoản thịt: nhiều, mềm, thái vừa ăn, không dày quá hay mỏng quá. Dù đang phải giảm cân nhưng do đói bụng và ngon miệng quá, tôi cũng làm hết veo hai tô xe lửa đặc biệt! Lúc trả tiền, cô chủ tiệm còn trẻ, rất dễ thương đến tận bàn nói: “Em chỉ tính anh một tô thôi” (một tô 7 đôla Canada, hơn 90.000 đồng VN).
          Trước khi có phở Chez Tau Bay thì Montreal có phở Liên ở Cotes-Des-Neiges nổi tiếng ngon được rất nhiều người biết, khách đông đến độ muốn ăn phải xếp hàng mới vào quán được. Nhưng sau chất lượng phở xuống dốc nên khách dần dà không còn đông nữa. Montreal còn có hàng chục tiệm khác song không nổi tiếng lắm, tôi đã đến ăn các quán ấy nhưng rồi “một đi không trở lại”. Thế mới biết nấu phở cho ngon, có đông khách ăn chẳng dễ chút nào.
        Theo một số Việt kiều thường về nước đều đặn thì những năm gần đây phở nấu ở nước ngoài có vẻ ngon không thua gì phở ở VN. Nhận định như thế có hơi chủ quan nhưng thật tình mà nói phở Việt ở nước ngoài lúc sau này chất lượng có chuyển biến hơn. Nếu trước đây chỉ có phở tái, phở chín thì nay các tiệm phở do Việt kiều đứng nấu cũng đủ thứ không thua gì phở trong nước.
        Phở bên này mở ngày càng nhiều, và khi phở trở nên món quà sáng nổi tiếng khắp thế giới thì nhiều chủ tiệm đã cử người về nước “tầm sư” để học nấu phở kiểu truyền thống thật ngon hòng cạnh tranh với những tiệm khác. Để thu hút thực khách, các tiệm phở mới mở thường đăng quảng cáo trên các báo phát miễn phí tại các khu phố có đông người Việt làm ăn buôn bán.
           So với nhiều nước trên thế giới, số tiệm phở ở Canada không nhiều bằng nhưng giới Việt kiều ở đây rất đỗi tự hào rằng họ đã từng bước nâng cao chất lượng phở để giờ đây nó trở thành món ăn ngon hấp dẫn nhiều người bản địa.
        Riêng tôi cứ nhớ mãi lời khen của J.T., một anh bạn Canada làm chung công ty, sau khi được tôi mời ăn hồi mới qua đây, rằng: “Phở rất ngon, giàu dinh dưỡng lại còn rất bình dân. Phở là “vua” của các quà sáng trên thế giới”. Nghe anh khen, lòng tôi bỗng trào dâng một niềm vui khó tả, sung sướng, tự hào mình là người VN !
...............................................................................................
Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần (19/08/2006)

Khoảnh khắc cuộc đời


Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ :

http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=160061&ChannelID=194

.......... Bố tôi là một công chức trong chế độ cũ. Tôi là con trai cả nên việc học hành rất được ưu ái. Bố ước vọng cho tôi học đến xong đại học. Hiểu được lòng bố, tôi hết sức chăm lo học hành. Những năm ở bậc tiểu học, tôi đều học giỏi. Nhưng lên trung học, sức học của tôi không duy trì được ở những năm đệ nhị cấp. Đó là hậu quả của việc tôi chọn ban không đúng khả năng. Lẽ ra chọn ban A (ban sinh vật) hay C (văn chương) thì tôi lại chọn ban B (toán). Vất vả lắm tôi mới đậu tú tài 1. Nhưng năm sau tôi rớt tú tài 2 ngay từ đợt thi viết.
.........Hôm tôi xem kết quả trở về gặp lúc gia đình đang ăn cơm trưa, bố tôi buông bát, hỏi: “Được vào vấn đáp không?”. “Dạ, con không có tên…” - tôi lí nhí đáp. Bố tôi trừng mắt: “Thằng ăn hại!”, tức thời tôi nghe một tiếng “xoảng” rồi bát đĩa rơi tung tóe trên nền nhà.
Sau đó, bố dắt xe đạp ra khỏi nhà đi đến tối mịt mới về, người nồng nặc mùi rượu. Suốt mấy hôm gia đình tôi như địa ngục. Nét chán chường hằn lên trên mặt mọi người. Tôi buồn tủi vô cùng. Vì tôi mà không khí gia đình trở nên u ám, mù mịt.
.........Mỗi buổi sáng nhìn mẹ tất bật gánh hàng ra chợ, tôi không khỏi nao lòng, tủi hổ. Đến bữa ăn, cổ họng tôi cứ nghèn nghẹn, không nuốt trôi miếng cơm. Ba tiếng “thằng ăn hại” luôn lởn vởn trong đầu tôi như một lời kết án nghiêm khắc .
.........Một buổi chiều tôi đạp xe loanh quanh thành phố. Khi dừng lại ở một nơi sửa xe bên lề đường, tôi chợt nghe tiếng ai gọi giọng quen quen: “Phải T. đó không?”.
........Tôi nhận ra cô Biên, giáo viên dạy tôi năm lớp nhất (lớp cuối bậc tiểu học). Tôi mừng lắm vì không ngờ được gặp lại cô giáo cũ trong tình huống thế này. Mới hôm qua, khi xếp dọn lại tủ sách, tôi đã ngồi trầm ngâm đọc lại dòng chữ cô đề tặng trên trang đầu một quyển sách: “Thương tặng em, người học trò mà cô tin yêu. Cô mong em sẽ ngoan chăm mãi mãi”.
Cô mời tôi vào nhà, cô trò kể bao nhiêu chuyện. Và tôi đã thành thật nói cho cô hay hoàn cảnh của mình. Cô Biên nghe xong, đưa bàn tay ấm áp đặt nhẹ vào vai tôi, dịu dàng nói: “Em cần bình tĩnh lại để chọn hướng đi thỏa đáng. Với mảnh bằng tú tài 1, sao em không thi vào Trường sư phạm Sài Gòn. Học chỉ hai năm nhưng ra trường chỉ số lương cũng cao bằng nhiều đại học khác. Cô khuyên em nên suy nghĩ kỹ...”.
........Tôi trở về thao thức suốt đêm với những lời cô nói. Sáng hôm sau, tôi đến Trường sư phạm Sài Gòn “xem thử ra sao” thì vừa may gặp lúc trường đang phát đơn thi tuyển.
May mắn hay số phận chăng, kỳ thi đó tôi trúng tuyển lại còn đậu thứ hạng cao. Cha mẹ tôi rất vui mừng khi tôi báo tin đã đậu sư phạm. Nhìn nét rạng rỡ của hai đấng sinh thành và các em, tôi chợt nghĩ về cô Biên. Tôi vô vàn biết ơn cô.
........Tôi đến với nghề giáo trong một khoảnh khắc không ngờ. Tưởng rằng nó chỉ là cái bệ phóng trên con đường tiến thân của mình nhưng rồi càng lúc càng yêu nghề, mến trẻ, tôi không sao dứt bỏ được nghề. Cái nghề tôi không định trước này đã đeo đuổi tôi suốt mấy chục năm qua.
Sau tháng 4-1975, tôi vẫn tiếp tục dạy học. Tôi không được gặp lại cô Biên lần nào nữa. Có thể cô đã đi xa hoặc đã mất. Nhưng trong tôi, hình ảnh của cô mãi mãi vẫn còn in sâu.
........Hai đứa con tôi lớn lên tôi sẽ khuyên chúng vào ngành sư phạm. Tôi muốn các con cũng như tôi, đi theo đường cô đi, một cách tôi thể hiện tấm lòng biết ơn với cô.
.......................................................Nguyenuthang@...

NHỚ AI MỘT CÕI ĐI VỀ



...Bài đã đăng trên vnthuquan.net :
.
.
.........Năm nay, kỷ niệm 6 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh có một nét mới : đó là sự xuất hiện của nhiều ca sĩ hải ngoại quen thuộc với thế hệ U40 ,U50 về trước . Nghe trở lại những giọng ca vang bóng một thời này, tôi thấy lòng mình xao động . Nỗi nhớ thương về người nhạc sĩ thiên tài ,nặng tình với quê hương và con người Việt Nam bỗng chốc bồng bềnh nổi trôi trong tâm trí kéo tôi trở lại những ngày tháng đong đầy kỷ niệm thuở còn là sinh viên . Làm sao tôi quên được những ngày bỏ học ở giảng đường Văn khoa Sài Gòn kéo nhau ra tụ tập dưới gốc cây chỉ để được nghe chính giọng hát của Trịnh Công Sơn , người đã tạo nên hiện tượng đặc biệt trong âm nhạc Việt Nam suốt mấy năm đầu của thập niên 1970 khắp cả miền Nam , thầm kín ở miền Bắc và toả lan cả ở nước ngoài .Làm sao tôi quên được những buổi tối cố công đi sớm mà ra quán Văn ,chỉ có ghế gỗ, mái lá ,nền xi măng, thế mà vẫn khó tìm được một chỗ ngồi trong đám khách chen chúc đến trước mình tự hồi nào .Dù đứng ngoài rào lắng nghe nhưng tôi cảm nhận những bài tình ca cuả Trịnh Công Sơn vẫn có sức quyến rũ rất mãnh liệt.Nhiều bạn bè đồng ý với tôi về điểm này.Họ bảo những bài hát Trịnh Công Sơn như có ma lực.Ai nghe cũng say mê ngay,dù chỉ một lần. Sau này, khi được gặng hỏi về nguyên nhân nào khiến anh sáng tác ra được những bài hát đi sâu vào lòng người như vậy ,Trịnh Công Sơn đã thổ lộ :”Mỗi bài hát cuả tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống .” Những năm tháng đó , Trịnh Công Sơn trở thành người được mến mộ ,sủng ái vượt lên trên cả lớp nhạc sĩ thành danh trong thời tiền chiến. Anh được phong tặng danh hiệu “Kẻ du ca về tình yêu , quê hương và thân phận.”
.
........Có thể hôm nay nghe nhạc anh ,một số người không còn thấy lôi cuốn ,thú vị bằng ngày xưa ,ngày mà hình ảnh quê hương , thân phận con người Việt Nam được Trịnh Công Sơn phản ánh sát sao theo nhịp rơi của đạn bom ,chết chóc để rồi một số người đã gọi nhạc của anh là nhạc phản chiến :

........................"Đại bác đêm đêm dội về thành phố
.........................Người phu quét đừơng dừng chổi đứng nghe…

.........................Hằng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng

.........................Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn...”

.......... Sau ngày 30.4.75, có một thời gian dòng nhạc Trịnh Công Sơn chững lại và người ta cũng không thấy xuất hiện trên sân khấu hay các tụ đểm ca nhạc.Nhiều người hâm mộ nuối tiếc vì tưởng người nhạc sĩ tài năng đó sẽ vắng bóng mãi mãi. Nhưng họ đã lầm vì Trịnh Công Sơn sau đó đã xuất hiện trở lại với một sức sáng tác mới vẫn mạnh mẽ ,say mê như thuở nào.Anh không chỉ viết những bài tình ca mà còn viết khá nhiều cho các em thiếu nhi.Lứa tuổi "ô mai" ,tuổi mới lớn ,vừa bước vào ngưỡng cửa trung học cũng không bị Trịnh Công Sơn bỏ quên .Anh dành cho các em những giai điệu thật trong sáng ,mộng mơ:

.....................Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng

....................Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me

....................Em và lá tung tăng như lòai chim đến...
........ Dù nghe nhạc dòng nhạc nào ,trong tận cùng đáy lòng ,tôi vẫn tâm phục nhạc Trịnh Công Sơn có sức xoáy sâu vào lòng người,vào con tim cuả nhiều thế hệ.Sự thành công cuả Trịnh Công Sơn có lẽ là ở điểm những người nghe tìm được “cái tôi “ cuả mình trong các bài hát cuả anh .Nghe nhạc của anh , nhiều người bảo :" Sao buồn quá ! Buồn nhưng mà thích." Cũng đúng thôi, vì nhạc hay thường buồn và có mấy ai dám phủ nhận cuộc đời này buồn nhiều hơn vui ? Thế nhưng nhạc Trịnh Công Sơn tuy buồn lại không dẫn người ta vào con đường bi lụy .Khi ai đó có “Cuộc đời gần như niềm tuyệt vọng “ thì anh lại cất tiếng khuyên can :“ Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Người ta nghe nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn để sống lại quá khứ đong đầy kỷ niệm của mình .Nghe nhạc của anh , người ta tìm được những phút thư giãn quý báu giúp họ quên đi nỗi vất vả lo toan kiếm sống .

...........Ngày 1.4.2001,Trịnh Công Sơn đã đi xa trong nỗi tiếc thương của đông đảo những người yêu nhạc : đủ mọi lứa tuổi ,đủ mọi thành phần trong xã hội, ở cả trong lẫn ngoài nước . Có thể không quá cường điệu ,khi nói rằng từ trước đến nay tại Việt nam ,chưa hề có một người nghệ sĩ nào khi mất đi đã để lại trong lòng mọi người những tình cảm yêu thương ,trân trọng ,sâu đậm đến như vậy.Chỉ nhìn vào hình ảnh từng đòan người lũ luợt nối đuôi ,xếp hàng đông đảo chờ tới lượt mình để được đặt từng bông hoa , bó hoa ,vòng hoa thương tiếc và để được nhìn mặt Trịnh Công Sơn lần cuối ,cũng đã đủ minh chứng điều này .Tình cảm đó rất xứng đáng với một con người đã nên tạo nên được một hiện tượng hiếm có trong âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20 : hiện tượng "nhạc Trịnh".

...........Sáu năm trôi qua ,mỗi lần kỷ niệm ngày mất của Trịnh Công Sơn ,tôi lại có dịp nghe những bài hát quen thuộc của anh và tìm lại chính mình ngày xưa với bao cảm hoài sâu lắng tận đáy lòng.Mỗi lần như thế ,tôi thường tự hỏi :Không biết đến bao giờ đất nước ta có lại được một Trịnh Công Sơn thứ hai ? Hay phải chăng, chỉ những người sống ở thế hệ sau họ mới có duyên được gặp lại Trịnh Công Sơn như lời anh nói lúc sinh thời :
.
..................................................." Kiếp sau tôi vẫn là nghệ sĩ .”


.......................................................................................nguyenuthang
.

Tặng em giọt mưa đêm nay !

..Bài đã đăng trên PN chủ nhật số 32.2005 và edu.net : http://edu.net.vn/forums/p/46553/311520.aspx#311520
.........Mưa đêm .Mưa mãi .Mưa hoài . Đã lâu lắm thành phố mới có được cơn mưa đêm dai dẳng thế này. Anh nghe gió lồng lộng rít trên các cành cây cao lề đường .Gió uà vào tận phòng làm cho anh cảm thấy lạnh .Cái lạnh của cơn mưa cuối hè không thể bằng cái lạnh buốt của giá rét mùa đông nhưng cũng đủ để sớm mai đây , anh sẽ có dịp ngắm những cô gái Sài Gòn đua khoe những chiếc áo gió ,áo lạnh thời trang đủ màu .Nhìn những hạt mưa lất phất dưới ánh đèn ,anh miên man suy nghĩ ,buông thả tâm tư mình trở về dĩ vãng .

.........Đâu rồi bóng hình em, người con gái dấu yêu năm xưa . Cũng vào một đêm mưa , em đã cùng anh đứng bịn rịn bên nhau trưóc lúc theo gia đình ra nước ngoài . Em chià đôi tay nhỏ nhắn ,mềm mại hứng những giọt mưa thoăn thoắt rơi rồi nhỏ nhẹ nói với giọng thật dịu và thanh của người con gái Huế : “ Trời cũng u sầu cảm thông cảnh chia tay của chúng mình , anh hỷ ! “. Sau buổi tối chia tay đó , anh không bao giờ gặp lại em nữa .Năm tháng trôi qua ,em không một lá thư cũng chẳng một lời nhắn . Nhưng cứ mỗi lần mưa đêm ,nhìn những giọt nưa lất phất rơi ,nỗi nhớ lại tràn đầy trong tim anh.

.........Đêm nay ,ngoài trời mưa vẫn lạnh lùng rơi, gió vẫn vô tình đùa trên các khóm lá .Trong căn phòng trống vắng, anh thả hồn mình chìm vào những kỷ niệm êm đềm ngày xưa .Nhìn những giọt mưa vô tình tí tách rơi ,anh hình dung ra em đang ở đâu đó rất gần với giọng nói ngọt ngào , êm dịu đêm nào . Bất giác không đừng được , anh bước ra ngoài thềm ,vum tay hứng những giọt nước mưa rơi từ mái nhà xuống .Anh đưa hai bàn tay lên cao rồi nghiêng đi cho nước nhiễu xuống . Qua những giọt nước long lanh rơi, anh thấy bóng hình em đang ẩn hiện .Anh nghe giọng mình thì thầm : ” Tặng em giọt mưa đêm nay ! “

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..