15 thg 10, 2020

TRẦU CAU ,BAO ĐIỀU ĐỂ NHỚ...



             Trong các loại thảo mộc, không có cây nào để lại cho dân tộc ta cả một kho tàng văn hóa khổng lồ trong tập tục, văn chương, triết lý như trầu cau.Hơn thế nữa ,trong giao tế hàng ngày, miếng trầu luôn luôn là đầu câu chuyện, miếng trầu thường đi đôi với lời chào khi đón khách nên người xưa đi đâu cũng có túi trầu, gặp nhau là mời trầu là cách giao tiếp đặc thù của người Việt :

Gặp nhau ăn một miếng trầu,
Gọi là chút nghĩa vế sau mà chào.

Xưa kia có biết ai đâu,
Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen.

          Nhưng sâu sắc hơn cả là trong đời sống tinh thần của người Việt, ăn trầu không đơn thuần là một thói quen, tập tục, mà còn là yếu tố cấu thành những giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau như đồ sính lễ nhất thiết không thể thiếu trong cưới hỏi, lấy vợ lấy chồng, giao tiếp, ứng xử :

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn thơ

         Trầu cau không chỉ đóng vai trò lễ vật trong các nghi lễ truyền thống mà còn trở thành hình ảnh đặc trưng cho văn hóa Việt, xuất hiện thường xuyên trong văn học dân gian, ca dao, dân ca, lễ hội...Nhưng theo thời gian Trầu cau như một món ăn đã lụi tàn với bao điều để nhớ.Đây cũng là tựa đề một bài viết được Mru trích đăng trong phần dưới lấy từ nội dung “Du Khảo Đông Nam Á” đăng trongTập San Việt Học của Gs Lạp Chúc Nguyễn Huy.

*****
        Tục ăn trầu khi cưới hỏi, tiếp đãi khách được ghi trong Nam châu bát quận chỉ và Nam phương thảo mộc trạng (thế kỷ III) và được giải thích trong một truyện cổ tích thời Hùng Vương thứ Tư .Truyện tích của Trần Thế Pháp trong Lĩnh Nam Chích Quái được biên soạn khoảng năm 1370 có ghi:

      ” Hùng Vương thứ tư có hai anh em rất thương yêu nhau. Người anh là Tân lấy vợ rồi thì ít thương người em nên Lang bỏ nhà ra đi đến bên bờ suối thì chết vì mệt rồi hóa thành tảng đá vôi. Người anh đi tìm em rồi cũng đến bờ suối và chết vì mệt rồi hóa ra cây cau bên tảng đá vôi. Vợ Tân cũng bỏ đi tìm chồng, đến bên bờ suối tựa vào cây cau mà chết hóa thành cây trầu leo lên cây cau. Đi tuần qua đó nghe câu chuyện này, vua Hùng dạy cho dân Việt hãy dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh em, vợ chồng»

            Từ đó, mâm trầu cau mang tính ước lệ, biểu trưng cho một nét phong tục tập quán đẹp từ thời tiền sử. Trong đời sống văn hóa của người Việt, trầu cau ẩn tàng một triết lý tình nghĩa vợ chồng, cưới hỏi, tế lễ, lễ mừng thọ …..

       Trong lễ cầu hôn, chạm ngõ, cưới hỏi, nghi thức bắt buộc của người xưa cũng như nay là mang trầu cau đến nhà gái, và nhận trầu cau là siêu ngôn ngữ của sự nhận lời.

        Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường, tỉnh Tiền Giang, khay lễ trầu cau dùng trong đám hỏi, đám cưới làm sính lễ là cái khay vuông gọi khay trầu rượu, trong đó có 2 cái hộp, cái lớn tượng trưng cho chồng, cái bé cho vợ, trong khay có hai cái chung (chén). Trong lễ chạm ngõ ngoài Bắc, lễ vật là vài gói trà, vài chai rượu, một nhánh cau, xấp lá trầu (tất cả phải là số chẵn). Trong Nam thì trà rượu, bánh mứt, một khay lễ trên bầy hai chung rượu, 1 nậm rượu, 1 cơi trầu têm sẵn 4 miếng để mời anh chi sui.

Lễ vật của lễ ăn hỏi là trầu cau, rượu trà, cặp đèn cày làm lễ gia tiên. Nhà gái chia phần trầu cau, bánh kẹo với họ hàng.

Mâm trầu cau gồm một buồng cau nõn 105 trái tượng trưng cho 100 năm hạnh phúc theo câu chúc «Bách niên giai lão» (100 năm cùng già) hay 60 quả theo ví von 60 năm tức một thế kỷ hạnh phúc; mỗi quả cau đi kèm hai lá trầu xanh nguyên cuống vẹn đuôi cho có đôi.

         Trong giao tế hàng ngày, « Miếng trầu là đầu câu chuyện » đi đôi với lời chào, đón khách nên người xưa đi đâu cũng có túi trầu, gặp nhau là mời trầu là cách giao tiếp đặc thù của người Việt từ thời Hùng Vương.
Gặp đây ăn một miếng trầu,
Chẳng ăn cầm lấy cho anh bằng lòng.

Xưa kia có biết ai đâu,
Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen.

Gặp nhau ăn một miếng trầu,
Gọi là chút nghĩa vế sau mà chào.

Từ ngày ăn miếng trầu anh,
Cho nên má đỏ, tóc xanh đến giờ.

Miếng trầu ăn nặng bằng chì,
Ăn rồi em biết lấy gì đền anh.

Ngôn ngữ của têm trầu

           Ngày xưa đi xem mặt nàng dâu, nhà trai đòi cô gái ra têm trầu để phán đoán phong cách tính nết, nền nếp giáo dục gia đình. Nhìn miếng trầu biết được tính nết người têm, giản dị hay cầu kỳ, đậm đà hay nhạt nhẽo do lượng vôi bôi trên lá (quệt nhiều vôi là tính hoang phí), đậm quế thơm cay, trầu nhỏ cau to (không biết tính toán).

Trầu cau còn là ngôn ngữ tỏ tình.

       Miếng trầu tỏ tình bắt đầu bằng:

Vào vườn hái quả cau tươi,
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu.

Rồi cô gái mời chàng ăn trầu với ý nghĩ thầm kín là:
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Ăn vào cho đỏ môi mình, môi ta.

Trầu này trầu tính trầu tình,
Trầu loan, trầu phượng, trầu mình lấy ta
.

Trầu cau còn là ngôn ngữ giao duyên:

       

   Miếng trầu giao duyên thì phải có lá trầu quệt vôi, miếng cau mới hòa quyện làm nên cái mùi vị thơm cay, cái hơi men nóng bừng, cái sắc đỏ đẹp tươi biểu trưng cho tình nghĩa vợ chồng :
Trầu này thực của em têm,
Trầu phú, trầu quí, trầu nên vợ chồng.

Trầu này bọc khăn tơ hồng,
Trầu này kết nghĩa loan phòng từ đây.

Miếng trầu ăn kết làm đôi,
Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng
.

«Khẩu trầu dải yếm» là miếng trầu được «ém» trong dải yếm đem ra mời người tình. Khi chàng trai hợp nhãn đến chơi thì cô gái mời trầu để mở đầu câu chuyện :
Trầu em têm tối hôm qua,
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng.

       Nàng có 3 loại trầu: trầu túi (trầu đựng trong túi), trầu khăn (trầu gói trong khăn), trầu dải yếm (trầu ém trong dải yếm) và hỏi chàng rằng:
Trầu này trầu túi, trầu khăn,
Cùng trầu dải yếm anh ăn trầu nào ?

         Nếu chàng trai chọn trầu trong túi trong khăn tức ẩn ý chỉ là bạn hữu. Nếu chàng trai chọn trầu dải yếm tức khẩu trầu dải yếm có nghĩa đã thuận tình nhau mong cùng nàng kết nhân duyên thì cô gái mở gói trầu buộc ở dải yếm đem ra mời chàng. Ăn xong miếng trầu thì nàng mới hỏi:
Trầu em buộc dải yếm đào,
Hỏi người tri kỷ ăn vào có say?

Từ ngày ăn phải miếng trầu,
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.

Một thương, hai nhớ, ba sầu,
Cơm ăn chẳng được ăn trầu cầm hơi
.

      Miếng trầu là ngôn ngữ tình cảm của yêu, ghét. 

Khi cậu trai mời trầu mà cô gái không nhận thì trách móc:
Đi đâu cho đổ mồ hôi,
Chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn.

Đó là vì nhận trầu của cậu trai là tỏ ý ưng thuận :

Thưa rằng bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Miếng trầu ăn nặng bằng chì,
Ăn rồi em biết lấy gì đền ơn.

Tình cảm yêu hay ghét được bày tỏ bằng cách bổ cau.
Yêu nhau cau sáu bổ ba,
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười,

Thi nhân cũng lấy trầu cau để bày tỏ tương tư:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?

Thơ Nguyễn Bính

Yêu nhau mà không lấy được nhau thì chẳng khác gì;
Có trầu, có vỏ, không vôi,
Có chăn, có chiếu, không người nằm chung.

Yêu nhau chẳng lấy được nhau,
Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già.

Các dụng cụ của ăn trầu là dao bổ cau xẻ lá, khay trầu, bình vôi, cối giã trầu (cho người già), ống nhổ…

Các loại trầu :

         Các loại trầu thì có trầu quế, trầu hồi, trầu cay, trầu hôi; cau thì có cau tươi, non, già, khô . Mỗi khẩu trầu là một lá trầu xanh, quệt chút vôi, một miếng cau một lát vỏ mỏng của cây chay (shorea guiso). Khẩu trầu cho vị ngọt của cau, cay cay thơm thơm của lá trầu (tinh dầu trong lá trầu), chát chát của hạt và vỏ (tanin), vị nồng của vôi. Tất cả trộn lẫn với nhau cho cảm giác nong nóng, đầu hơi choáng váng, say say vì hạt cau có chất arecoline kích thích thần kinh. Nếu đệm thêm quế, thuốc lào (trầu thuốc) thì sẽ làm say say, bớt lạnh, hồng đôi má, thêm duyên, câu chuyện cởi mở, khí huyết lưu thông. Muốn có miếng trầu ngon thì phải biết kén chọn quả cau, lá trầu:
Mua cau chọn những buồng sai,
Mua trầu chọn những trăm hai lá vàng.

          Vì hễ buồng nào có quả cau ngon là cả buồng đều ngon. Cau ngon có dáng trái đào, vỏ xanh mã lụa, cùi mềm thịt trắng nõn và dầy, hạt thì phơn phớt màu tôm.
Trầu ngon là trầu vàng, trầu ngọt, trầu nguồn có lá màu xanh ,ngả vàng là trầu non mọc gần ngọn ăn sẽ thơm, cay dịu. Trầu cay thì lá xanh xì, lá già mọc gần gốc ăn sẽ cay.

       Ngoài ra, muốn chọn trầu cau ngon thì tìm nơi cung cấp thí dụ như các bà ở Huế thì:
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu, 
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh .
Trầu chợ Dinh với cau Nam Phổ,
Non vôi cũng đỏ, thiếu vỏ cũng ngon.

Mùi vị của trầu

            Ăn trầu để thưởng thức vị cay, thơm của lá trầu , vị chát của vỏ chay , vị ngọt bùi của cau, vị nồng của vôi… hòa quyện với nhau cho ra mầu đỏ sẫm .Theo gs Thái Công Tụng ,ông giải thích như sau về màu đỏ của quít trầu : Lá trầu có chất sắt, khi quệt vôi (Ca(OH)2) vào thì trở nên kiềm làm pH cao hơn. Chất sắt của nước lá trầu trong môi trường kiềm nên đổi thành mầu đỏ. Nhìn miếng trầu têm, màu sắc xanh (vỏ cau, lá trầu), trắng (thịt cau, vôi), vàng tươi (hạt) tổng hợp 3 mầu khi nhai thì cho một nước đỏ tươi.

        Thế nên ,màu đỏ của quít trầu là biểu tượng sự quấn quít keo sơn trong tình nghĩa vợ chồng :
Tách riêng thì đắng thì cay,
Hòa chung thì ngọt, thì say lòng người.
Tách riêng xanh lá, bạc vôi.
Hòa chung đỏ thắm máu người lạ chưa.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

 (Hồ Xuân Hương)

Dấu ấn văn hoá trong cách têm trầu

            Têm trầu là cả một sự khéo léo rất mỹ thuật như trầu cánh kiến, cánh quế, mũi mác. Cách têm trầu mang dấu ấn văn hóa vùng, miền thí dụ cách têm trầu cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc biểu trưng liền chị-người gái quê Kinh Bắc. Trầu têm cánh phượng têm bằng cau tiễn chũm lòng đào, chọn lá trầu quế vừa tầm để tỉa cánh phượng, chọn vỏ đỏ dày để trang trí phần đuôi (thêm miếng vỏ, cánh hoa hồng cho đẹp, tạo thành đuôi phượng). Trầu cánh phượng được bày trên đĩa có tình cách trang trí, hoặc đầu cau gắn vào một que tre dài 20cm cắm trong lọ hoặc ly thủy tinh (bên trong đựng gạo).

          Trầu têm cánh phượng (trầu cô Tấm) là hình ảnh đẹp gợi truyện cổ tích Tấm Cám về ông hoàng tử đi qua quán nước, bà lão mang trầu, nước dâng hoàng tử. Hoàng tử nhìn thấy trầu têm cánh phượng là sáng tạo của vợ hoàng tử ngày trước nên hoàng tử nhận ra được người têm trầu là Tấm, vợ ngày trước của hoàng tử :
Trầu têm cánh phượng xinh xinh,
Chở trao cho thắm môi mình, lòng say.

           Mâm trầu cau mang tính ước lệ, biểu trưng cho một nét phong tục tập quán đẹp từ thời tiền sử. Trong lễ cầu hôn, chạm ngõ, cưới hỏi, nghi thức bắt buộc của người xưa cũng như nay là mang trầu cau đến nhà gái, và nhận trầu cau là siêu ngôn ngữ của sự nhận lời. 

          Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường, tỉnh Tiền Giang, khay lễ trầu cau dùng trong đám hỏi, đám cưới làm sính lễ là cái khay vuông gọi khay trầu rượu, trong đó có 2 cái hộp, cái lớn tượng trưng cho chồng, cái bé cho vợ, trong khay có hai cái chung (chén). Trong lễ chạm ngõ ngoài Bắc, lễ vật là vài gói trà, vài chai rượu, một nhánh cau, xấp lá trầu (tất cả phải là số chẵn). Trong Nam thì trà rượu, bánh mứt, một khay lễ trên bầy hai chung rượu, 1 nậm rượu, 1 cơi trầu têm sẵn 4 miếng để mời anh chi sui.

Lễ vật của lễ ăn hỏi là trầu cau, rượu trà, cặp đèn cày làm lễ gia tiên. Nhà gái chia phần trầu cau, bánh kẹo với họ hàng.

Mâm trầu cau gồm một buồng cau nõn 105 trái tượng trưng cho 100 năm hạnh phúc theo câu chúc «Bách niên giai lão» (100 năm cùng già) hay 60 quả theo ví von 60 năm tức một thế kỷ hạnh phúc; mỗi quả cau đi kèm hai lá trầu xanh nguyên cuống vẹn đuôi cho có đôi.

Lạp Chúc Nguyễn Huy

 


HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..