18 thg 4, 2017

TÔI ĐI THĂM ĐỀN THỜ LÝ THƯỜNG KIỆT


                        Viết tặng các bạn : Uthang,Chiêu,Ph.Y.
                                                       
---
"Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng"

Tôi khởi hành từ Hà Đông bằng chuyến xe buýt số 2 . Khi xe chạy đến khu phố sầm uất ở đường Nguyễn Lương Bằng - quận Đống Đa, từ xa tôi đã thấy những lá cờ ngũ sắc tung bay phất phới trước cổng đình như  báo hiệu cho ngày lễ hay ngày hội lớn sắp hoặc đang diễn ra… Hình ảnh rực rỡ nhiều màu sắc đã lôi cuốn tôi  tập trung chú ý. Khi xe chạy đến gần ,nhìn trên cổng lớn hàng chữ “Đình Nam Đồng, nơi thờ Quốc công - Thái úy Lý Thường Kiệt”  đập vào mắt tôi. A, đúng đúng đây rồi ! Tôi vội vàng xin tài xế cho xuống xe ở trạm gần đó rồi mang hành trang đi bộ ngược lại chừng  200m để vào Đình.



Một cảm xúc khoan khoái tuyệt vời chạy khắp châu thân khi thấy Đền thờ Lý Thường Kiệt đang ở trước mắt mình , ngôi đền mà bao lâu ở miền Nam tôi từng ao ước, mong mỏi có dịp thăm viếng nhưng tiếc là trong những lần ra  Bắc trước đây  chưa có thời gian  ghé qua.
Việc đầu tiên của tôi là tìm gặp người giữ đền để tìm hiểu cặn kẽ về nguồn gốc. Đó là một ông lão tuổi khoảng thất tuần có gương mặt hiền lành, đầu chít khăn đống màu đen cổ truyền.


Qua chất giọng từ tốn và ấm áp, ông nói như người kể chuyện cho tôi nghe về lai lịch của đền.Thì ra ngôi đền này trước đây tọa lạc tại làng Thái Hòa, sau đó được chuyển về Ấp Nam Đồng . Ngày xưa Đình chỉ là một đền thờ nhỏ nằm ở giữa cánh đồng hoang vắng.Thủa ấy khung cảnh còn hoang sơ với những mảnh ruộng lúa, ao, chuôm…rải rác.Sau này chúng được san lấp và cải tạo thành mặt bằng rộng lớn để xây cất nhà cửa, chợ búa, dinh thự, nhà tập thể kiên cố như bây giờ .Những năm tháng dài đằng đẵng trôi qua đến nay tính ra đã hơn 300 năm.
Khuôn viên đền trước đây có chiều rộng chừng 150m và dài độ 250m. Trải qua thời gian cùng với các biến cố của chiến tranh, đất đền thờ bị dân làng lấn chiếm để xây dựng nhà cửa, cứ hẹp dần cho đến ngày  nay diện tích hiện hữu của đền còn rất hẹp.


Cổng đền thờ Lý Thường Kiệt tiếp giáp với đường Nguyễn Lương Bằng.Hai trụ cổng được xây cao 5m bằng gạch  có trạm trổ hoa văn. Một tấm bảng dài đúc bằng xi măng bắt ngang qua hai trụ cách nhau khoảng 6m, trên đó được gắn các hàng chữ lớn màu vàng đậm in trên nền đỏ rất đẹp. Cạnh cổng đền có một cây đa cổ thụ tỏa ra bóng mát dễ chịu, các rễ phụ mọc um tùm treo lơ lửng từ các cành trên không trải xuống gần mặt đất. Giữa sân đền có một lư hương lớn để mọi người thắp nhang chiêm bái. Tiếp đó là hai cây đèn đá đặt ở hai bên. Trước đây có thiết kế bóng đèn điện, nay đã hỏng chưa được trùng tu nên ngày lễ hội phải thắp tạm bằng đèn cầy.
Phía sau có hai con Nghê (linh vật có 4 chân) bằng đá vôi ở thế nằm giữ đền. Trước đây hai con Nghê này bằng đá đen xanh, loại đá quý,nhưng lúc trùng tu do sơ suất nào đó không rõ đã khiến cho chúng bị đổi chác thành đá vôi như bây giờ. Một sự thất thoát cổ vật thật đáng tiếc của ngôi đền.
Hai dãy nhà trệt có thờ các bài vị thần linh chạy dài, song song trên mỗi dãy ghi "Uống nước nhớ nguồn", còn dãy kia thì ghi "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Trên vách phải đền có một bảng lớn ghi Thần tích Thành Hoàng làng Nam Đồng - Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.
Một bức tranh cực lớn bên trái vách có hình tượng vị tướng Lý Thường Kiệt oai nghi ngồi trên lưng ngựa, tay cầm đao. Bên cạnh có 4 câu thơ thần ở bờ sông Như Nguyệt (Sông Cầu). Đây cũng là bản tuyên ngôn độc lập siêu kinh điển đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

      Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.



Bên trong đền:

Hai hàng cột song song, mỗi hàng có 6 cây, tổng cộng tất cả 12 cây cột gỗ cực lớn quý hiếm từ ngàn xưa có đường kính một người ôm không xuể.

Ở chính giữa điện thờ:

- Có bàn thờ Trình quan thần linh, các bài vị được sơn son thiếp vàng.
- Hai bên trưng bày các loại vũ khí (thương, đao…) của Thần Sấm Sét.
- Con ngựa đỏ có long bào trên lưng.
- Bên phải là kiệu rồng, có 2 cái lộng che để cung thỉnh kiệu rước tướng quân đi vi hành hay công tác.
- Trên cột có các câu đối để tôn vinh tướng quân:
                                         Thánh cung vạn tuế
                                         Thánh thọ vô cương
           Thượng đẳng tối linh
Bàn thờ trình các quan thần linh. Đây là nơi để khách thập phương chuẩn bị lễ vật cúng tế và trình diện các thần linh.
- Bên trái có con ngựa trắng (bạch mã) cùng với các vũ khí của thần sấm sét.
- Cùng các bài vị các bậc tiền nhân anh hùng và những người có công với tổ quốc.
Ở hậu cung, bàn thờ chính diện thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, tượng ngài cao độ 3m sơn son thiếp vàng, trước bàn thờ có lư hương và hai con chim hạc. Bên trái có thần thiện cầm đao, bên phải có thần ác cầm thương để bảo vệ ngôi đền. Cảnh giới thật trang nghiêm và oai nghi, càng làm cho mọi người phải kính cẩn nghiêng mình trước oai lực của đình thờ.
Để có tài liệu thật chính xác, tôi xin trích lục các dữ liệu được ghi trên bảng Thần tích Thành Hoàng làng Nam Đồng - Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt tại quận Đống Đa - Hà Nội, cũng như tri ân các ý kiến chọn lọc của thân hào nhân sỹ, các giáo sự chuyên gia đầu ngành văn hoá và xã hội đã đêm biết bao nhiêu kiến thức và óc mỹ thuật cùng nhau đóng góp để có kết quả hoàn thiện và tuyệt với như ngày hôm nay.
Tóm lược lịch sử, chiến công của Ngài được Tổ quốc  và lịch sử ghi công.
"Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự, chính trị kiệt xuất thời Lý. Sinh năm Kỷ Mùi (1019), mất tháng 6 năm Ất Dậu (1105). Sử cũ ghi nơi quê ông ở phường Thái Hòa, nhưng công trình nghiên cứu mới cho rằng" đó là nơi sau khi ông đã làm quan và nổi tiếng. Còn chính quê ở làng An Xã cũ, huyện Quảng Đức tức khu vực phía Nam thành Thăng Long (khu làng An Xã sau dời ra bãi Sông Hồng, quanh bãi Phúc Xá ngày nay đổi tên là Cơ Xá nay thuộc Hà Nội).
Vào triều từ năm 23 tuổi với chức Hoàng Môn Chi Hậu, trải chưa đầy một kỳ, nổi tiếng khắp nội đình. năm 1061 nhận lệnh cầm quân đi trấn yên Thanh Nghệ. Năm 1069 được phong chức nguyên soái Đại Tướng chỉ huy đội tiên phong trong cuộc tấn công dài ngày vào các vùng phía Nam do Vua Lý Thánh Tông thân chinh. Sau khi toàn thắng được vua ban các chức Phụ Quốc Thái Phó và Phụ Quốc Thượng Tướng quân. Ít lâu sau ông lại thăng Thái úy Đồng Trung Thủ môn Hạ Bình Chương Sự là chức danh thứ hai trong triều. Năm 1072 vua Lý Thánh Tông mất, Lý Thường Kiệt tích cực đứng về phía mẹ nguyên phi Ỷ Lan và con là Lý Nhân Tông đánh bại phe Thái Hậu Thượng Dương và Thái Sư Lý Đạo Thành được gia phong chức Đôn Quốc Thái Úy Đại Tướng quân, Đại Tư Đồ và tước hiệu Thượng Phụ Công nắm toàn quyền cả văn và võ.
Nhờ nhìn xa trông rộng ông đã kịp thời giải hòa với nguyên Thái Sư Lý Đạo, xây dựng lại đoàn kết trong triều đình, mở khoa thi nho học. Năm 1075, trước âm mưu xâm lược ráo riết và những việc khiêu khích của triều đình nhà Tống, Lý Thường Kiệt chủ động tấn công lên mặt Bắc, phá tan đồn lũy các châu Khâm, Liêm, Ung Bạch và Dung và các trại Vĩnh Bình, Thái Bình Thiên Long, Cổ Vạn, tiêu hủy phần lớn những căn cứ hậu cần và những lực lượng do Tống dự trữ ở đây để xâm lược Đại Việt. Năm 1077 ông lại tổ chức thắng lợi phòng tuyến sông Như Nguyệt (tức Sông Cầu), bẻ gãy cuộc hành binh cướp nước ta của tướng Quách Quỷ nhà Tống buộc phải rút quân.
Truyền thuyết kể lại rằng: Một đêm bên bờ sông Như Nguyệt từ đền Thần Tam Giang (thờ Thần Trương Hống, Trương Hát) thấy vang lên lời thơ Thần :

  "Nam quốc Sơn Hà Nam đế cư
  Tuyệt nhiên định phận tại Thiên Thư
  Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
  Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Nguyên bản chữ Hán

南 國 山 河

      
      
      
      

Nghĩa là:
               "Sông núi nước Nam Vua Nam ở
              Rành rành định phận ở sách trời
                  Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
                  Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời"

Nghe thơ binh sĩ ta thêm nức lòng, tinh thần chiến đấu càng cao.
Tháng 3 - 1077 quân Tống bị đánh tan. Sau chiến thắng Lý Thường Kiệt lo việc nội trị, tu bổ đê điều, cải tổ lại bộ máy hành chính trong toàn quốc.
 Từ năm 1082 - 1101 ông thôi giữ chức Tể Tướng và trông coi Trấn Thanh Hóa. Đầu niên hiệu Long Phú (1101) ông được gọi trở về lại Triều Đình. Những năm cuối đời Ngài còn cầm quân đi đánh Lý Giác Diễn Châu (1103) dẹp quân Chiêm quấy nhiễu ở Bố Chính (1104). Tổ chức lại bộ máy quân đội, duyệt đổi lại các đơn vị từ cấm binh đến dân quân. Với công lao hiển hách của mình Lý Thường Kiệt đã từng được cả Triều Đình nhà Lý quý trọng. Ngay lúc ông còn sống Lý Nhân tông đã cho làm bài hát để tán dương công trạng. Ông được lịch sử công nhận là một Anh hùng dân tộc kiệt xuất, một con người đã hiến dâng tất cả tâm hồn, sức lực cho một sự nghiệp duy nhất. Sự nghiệp độc lập Tổ quốc ở buổi đầu thời tự chủ. Tài năng quân sự đột xuất của ông đã làm kẻ thù khiếp phục. Bốn câu thơ Thần: Nam quốc sơn hà là xuất hiện trên phòng tuyến sông Cầu đã kết tinh từ lòng yêu nước và căm thù giặc của dân tộc ta chất chứa trong hàng nghìn năm. Bài thơ đó như một sức nén của ngôn từ, đã có một âm vang đặc biệt dội vào tâm hồn nhiều thế hệ, có cái khí thế của người Anh hùng đè bẹp kẻ thù.
Theo các cụ lão thành kể lại rằng: "Ngài được nhân dân Nam Đồng tôn là Thành Hoàng Nam Đồng" vì không những Ngài có công với nước với dân là anh hung dân tộc nước Việt mà Ngài còn là người đã đưa dân đến đây lập trại, dạy bảo dân làm ăn.
Trước đây nơi này gọi là Nam Đồng Trại thuộc Tổng An Hạ, huyện Hàn Long, tỉnh Hà Đông; nay là làng Nam Đồng thuộc đường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đình làng Nam Đồng là nơi thờ Ngài đã nhiều thế kỷ qua. Hàng năm mở hội vào ngày 17/2 và ngày 2/6 âm lịch để tưởng niệm Ngài. 
                                    *****
Tôi trở lại thăm đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt thêm một lần nữa vì quá ngưỡng mộ và muốn nói lên lòng chân thành biết ơn tiền nhân của tôi.
Đứng trước bàn thờ thiêng liêng, tôi quỳ xuống dưới chân Ngài, hai tay cầm nén hương, khói bay nghi ngút để lễ bái, tâm trí tôi tập trung hết vào bốn chữ "Uống nước nhớ nguồn", ôn lại lịch sử để thấy xuyên suốt công ơn to lớn của Ngài đối với đất nước ,Tổ quốc và lịch sử Việt Nam.
- Lý Thường Kiệt là một vị tướng kiệt xuất, tài giỏi, mưu lược. Ngài nhìn xa thấy rộng, đã hiến dâng trọn vẹn cả đời mình cho Tổ quốc. Từ  tuổi thanh xuân (23 tuổi) Ngài đã vào triều phục vụ cho đến tuổi cổ lai hy (86) . Tuy tuổi già nhưng phong cách Ngài vẫn oai nghi, can trường tay cầm đao, ngồi trên mình ngựa điều khiển ba quân viễn chinh phá Tống  bình Chiêm .
- Ngài còn là một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà đạo đức có tấm lòng vị tha và khoan dung. Biết phò tá lập minh quân Lý Nhân Tông.Biết xây dựng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thành một khối bằng lòng vị tha quân tử, hòa hợp với các đối thủ trong triều đình, quên mối thù riêng mà xây dựng đại nghĩa.
- Ngài là một nhà kinh tế đại tài, làm cho dân giàu nước mạnh. Ngài cho xây dựng thêm thôn làng, tu bổ đê điều, khai hoang lập ấp trấn giữ phần đất Thanh Nghệ để mở mang bờ cõi về phía Nam, ngăn chặn quân Chiêm Thành, kẻ thù sách nhiễu.
- Bốn câu thơ Thần bên bờ sông Như Nguyệt là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam đã làm cho kẻ thù mất vía và run sợ.
Gương của tiền nhân sáng tỏ, vĩ đại như vậy lẽ nào thế hệ chúng ta ngày nay sao không lấy đó soi chung, để cùng nhau xây dựng đất nước.
       Bài viết xin được kết thúc ở đây.Qua bài viết,tôi mạnh dạn bày tỏ đôi điều suy nghĩ,cảm xúc, có thể còn nông cạn, sơ sót nhưng là thành ý .Mong nhận được hồi âm từ bạn bè và thân hữu dù là chia sẻ, đồng tình hay phản biện ?

                        Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2017
                             Nguyễn Thế Tân - Vũng Tàu ba lô                                           (thetan1944@gmail.com)

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..