28 thg 7, 2023

TÔI LÀ THẦY TƯỚNG SỐ

 

***

Người già, mấy ai bảy, tám chục tuổi còn thích xem tướng số. Đã đi quá nửa đời người, số mệnh thế nào, bản thân họ rõ nhất. Người như thế nào mới phải tìm đến bói toán? Đương nhiên, đều là những người thấy vận số mình đen đủi, thường gặp tai bay vạ gió, hoặc người đang bị ức chế, áy náy trong lòng do làm những việc trái với lương tâm.
Nắm được điểm này, các thầy bói cũng dễ bề “tác nghiệp”. Nếu người trẻ tuổi hoặc trung niên đến xem, chỉ việc nói: “số anh Tiền vận không được tốt lắm, mệnh phạm Tai sát (xung khắc), phải ngoài 35 hoặc 40 tuổi mới khởi Đại vận, đến khi về già Hậu vận tốt ,sống an nhàn tự tại.Bói thế ai mà chẳng thích. Qua Status dưới đây ,Mru tôi xin giới thiệu với những ai tò mò muốn tìm hiểu về tướng số một trích đoạn trong “ Tôi là thầy tướng số “ , tác phẩm khá nổi tiếng trong văn học Trung quốc, của tác giả Dịch Chi do Hương Nhiên dịch thuật. Bối cảnh câu chuyện là xã hội Trung quốc cận đại nhưng đọc và suy ngẫm bạn sẽ thấy có khác chi xã hội Việt Nam …
***
Trên đời này làm gì có ma quỷ, tôi biết chứ, rõ ràng Tổ Gia đã mất cách đây 46 năm, nhưng quả thật vừa rồi chính mắt tôi đã trông thấy ông! Giật mình, suýt ngã ngửa ra sau, khi đứng vững lại không thấy bóng đen trước mặt đâu nữa! Tôi sợ toát mồ hôi, mí mắt trái giật mạnh, một dự cảm không lành chạy dọc sống lưng.
Sách vở bày bán khắp hè phố vẫn nói: “Giật mắt trái sẽ gặp tai ương, giật mắt phải là điềm được của”, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, giật mắt nào cũng không phải chuyện hay.
Đến các thầy tướng số cũng dùng cách bói máy mắt rất kỳ lạ mà người xưa truyền lại này để đối chiếu với lời phán của mình khi đoán điềm cát hung. Đầu tiên, cần phải phân rõ bói mắt trái và bói mắt phải, trái là dương, phải là âm, sau đó phải xem giờ bị máy mắt vào giờ Tứ chính (Tý–Ngọ–Mão–Dậu) ; giờ Tứ thiên (Thân–Dần–Tỵ–Hợi) hay giờ Tứ mộ (Thìn–Tuất–Sửu–Mùi), còn có bài khẩu quyết thế này: “Thập nhị thời thần thập nhị cung, ngũ hành bát quái tàng kỳ trung, Tý Ngọ Mão Dậu đa ẩm thực, Thân Dần Tỵ Hợi tai họa chí.”.
Hồi còn trẻ, khi sống ở Đường khẩu, chúng tôi từng dùng trò tâm dịch đoán buộc cổ “lũ gà béo” (người dễ bị moi tiền) ngốc nghếch. Mọi hoạt động sinh lý bất bình thường như: máy mắt, giật cơ, ù tai, nóng tai, ngứa bàn tay… đều được đem ra để luận đoán cát hung. Thậm chí còn có vài “con gà béo” dễ lừa đến nỗi chỉ vì hắt hơi vài cái vào sáng sớm mà cũng chạy đến hỏi xem lành dữ thế nào. Đối với bọn “Nhất ca” như mắc bệnh tâm thần này, không lừa chúng thì thật không phải với chúng.
Tôi như người mất hồn quay vào phòng, đồng hồ đã chỉ 12 giờ đêm. Tiết Thanh minh vừa qua, lại đúng nửa đêm giờ Tý, lẽ nào tôi vừa gặp ma thật? Vợ tôi cũng tỉnh giấc theo, mang áo đến khoác lên người tôi, hỏi: “Sao ông còn chưa ngủ?”
“Tôi… vừa rồi hình như đã trông thấy Tổ Gia… đứng ngay ngoài cửa.” Tôi thất thần nói.
Vợ tôi nhìn ra khoảng không đen như mực ngoài cửa sổ, từ nhỏ bà ấy đã gan lỳ nên không sợ, chỉ cười nói: “Cái ông này, bị hoa mắt thì có, Tứ gia vừa mất, tại ông lại nghĩ đến phái Giang Tướng đấy thôi…”
Nghe vợ nói thế, tôi cũng nghĩ chắc là mình đã nhìn nhầm.
“Ngủ đi ông.” Vợ tôi ân cần nói.
Nửa đêm, trời nổi gió to, từng cơn gào rít ghê rợn bên ngoài. Nằm co người trong chăn, tôi mơ hồ dự cảm sắp có chuyện chẳng lành.
Tôi không sao ngủ được, nhìn gương mặt vợ đã chìm vào giấc ngủ say mà lòng chợt đầy chua xót. Người phụ nữ này đã cùng tôi đi quá nửa đời người, từ lúc còn là một cô nhóc cho đến cái tuổi trung niên này, không một lời oán than hay tỏ ý hối hận vì lấy tôi, vẫn luôn đi bên tôi, bầu bạn cùng tôi. Nay, tóc dần điểm bạc, chúng tôi đều đã già rồi, cuộc đời mà!
Tôi trở mình, đưa tay lùa vào mái tóc bà ấy, bất giác nhói lòng. Đột nhiên, tôi nghĩ đến cái chết. Con người ai chẳng phải một lần chết, Tổ Gia đi rồi, Tứ Bá đầu cũng đi rồi, tôi đã ngần này tuổi, 70 sống được bao năm, 80 sống được bao tháng, một ngày nào đó rồi cũng sẽ chết, sau khi chết sẽ đi về đâu, liệu kiếp sau còn gặp bà ấy, gặp phái Giang Tướng, gặp Tổ Gia, gặp các huynh đệ nữa hay không? Tôi ôm chặt vợ trong lòng, dòng suy nghĩ trôi mãi về những ngày tháng xa lắc.
Năm 1966, Cách mạng Văn hóa nổ ra, trong thị trấn nổi lên cuộc đấu tố, phê bình. Người đầu tiên phải hứng chịu chính là một ông giáo già – hiệu trưởng một trường trung học. Bọn tạo phản gọi ông là lão giáo thối, bắt ông phải thẳng thắn nhận tội, ông nói mình chẳng làm gì mà phải thẳng thắn nhận tội hết. Kết quả, ông bị một thằng nhãi ranh đi lên vả cho hai cái vào miệng, rồi túm tóc, nói: “Mày phải nhận tội trước mọi người.” Nó còn hỗn hào, láo toét dám cởi giày đánh vào mặt ông giáo già đến chảy cả máu.
Thằng đó có biệt danh là “Nhị Bản Tử” – bởi lúc bé từng học đánh trúc bản, tính cách lỳ lợm. Có lần, người trong thị trấn xì xào rằng, có ma trơi ở ngôi mộ sau núi, có người nhìn thấy cả con hồ li ôm quả cầu lửa chạy băng băng lúc chập tối, khiến các xã viên hợp tác xã không ai dám ra sau núi khi trời tối. Thế mà thằng này lại cuỗm được một quả lựu đạn từ chỗ đám dân quân, tối đến hắn ra sau núi, thấy đúng là có đám lửa màu xanh nho nhỏ bốc lên khỏi mộ thật, liền chửi: “Mẹ mày!” Rồi cứ thế ném thẳng quả lựu đạn vào nấm mộ. “Bùm” một tiếng, ánh lửa tóe ra xung quanh, hài cốt bắn tứ tung trên mặt đất.
Vào thời đó, kiến thức khoa học chưa được phổ cập, kỳ thực, thứ mà họ gọi là ma trơi kia chính là hiện tượng hợp chất phốt-pho trong xương người và sinh vật thoát ra từ những nấm mộ lâu ngày không được chăm nom, tu sửa, gặp không khí thì bốc cháy thành lửa màu xanh nhạt. Mọi người lại nhầm tưởng đó là lũ quỷ ma hiện lên quấy phá, hù dọa.
Sau đó, Nhị Bản Tử lại lôi chuyện ma quỷ nhằm vào cô con gái cả của ông giáo già, hắn hô hào mọi người phê bình đấu tố “giày rách”. Ông giáo già có ba người con gái và một con trai. Chồng của cô con gái cả chết sớm, về sau, cô lại gặp được một thanh niên trí thức, hai người đều yêu thương nhau, nhưng cô gái lại bị chụp cho cái tội danh “giày rách”. Ai mang tội danh này sẽ bị đưa đi diễu phố, phải quàng lên cổ đôi giày rách, trước ngực còn đeo một tấm biển to viết hai chữ: “Giày rách”.
Cô gái này bị đưa đi diễu phố suốt hai ngày liền, cô chẳng còn mặt mũi nào trước những cái nhìn chòng chọc của hàng trăm con mắt trên phố. Sau khi trở về nhà, cô tắm rửa, gột sạch nước bọt và những thứ bẩn thỉu, ô uế trên người rồi mặc bộ quần áo ngày xuất giá, nhân lúc cha mẹ đang ngủ, thắt cổ tự tử trong phòng. Khi người nhà phát hiện ra thì cô đã tắt thở.
Hai vợ chồng ông giáo già thương con, khóc đến chết đi sống lại. Trái tim con người đâu phải sắt đá, hay tin cô gái đã thắt cổ tự tử, người trong thị trấn đều lặng đi, chẳng còn ai nghe thằng Nhị Bản Tử nữa. Ủy ban Cách mạng cũng vội vàng tuyên bố, thanh minh: “Dùng văn đấu tố, không dùng vũ lực! Không được gây chết người!” Thế mà thằng Nhị Bản Tử chẳng hề cắn rứt lương tâm, vẫn già mồm: “Cách mạng phải triệt để! Loại giày rách này, đáng ra phải chết từ lâu rồi mới phải!”
Ông giáo già cả đời dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò, nay lại rơi vào tình cảnh như thế này, thật khiến người ta thương xót! Ngày chôn cất con gái, trời đang nắng bỗng nhiên lại có sét, đám mây đen kịt ùn ùn từ phía Đông Nam kéo đến, ngay sau đó mưa như trút nước, trận mưa như những giọt nước mắt nức nở bi thương của cô gái từ trời cao đổ ào xuống, cũng là tiếng khóc tiễn đưa cô về cõi quạnh quẽ, thê lương.
Sự việc về sau càng được phủ lên một màu sắc vô cùng thần bí. Mấy công nhân lò gạch ở ngoại thành kể, khi tan ca đêm về, họ thường thấy có bóng người đu đưa trước mộ phần của cô gái, còn nghe có tiếng người khóc, suốt mấy ngày liền đều như vậy. Ban ngày, mấy xã viên to gan đã đến đó xem xét mà không phát hiện ra điều gì bất thường, nhưng cứ đêm đến, cảnh tượng ấy lại tiếp diễn.
Nhị Bản Tử nghe vậy thì phùng mang trợn má: “Ông mày đếch tin! Sống ông còn chẳng sợ, chết rồi làm gì được ông?”
Mấy hôm sau, vào một tối khi đang định đi nằm thì Nhị Bản Tử nghe thấy tiếng gõ cửa, liền hỏi: “Ai đấy?” Không có tiếng trả lời, nhưng tiếng gõ cửa vẫn vang lên.
Hắn ta bèn khoác áo vào rồi ra mở cửa, vừa thò đầu ra thì bỗng một thứ gì đó từ trên trời rơi xuống, quấn ngay vào cổ khiến hắn giật bắn người. Lấy đèn soi thì thấy đó là một đôi giày thêu hoa đỏ! Đó chẳng phải chính là đôi giày mà cô gái bị đem ra đấu tố đã đi khi còn sống đây sao? Hắn sợ xanh mặt, hốt hoảng kêu lên: “Ma!”
Ngày hôm sau, người trong thị trấn xôn xao bàn tán, việc đôi giày kia được chôn theo cô gái bao nhiêu người đều trông thấy, nay bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống, chắc chắn là oan hồn cô về tìm Nhị Bản Tử rồi. Không ai hay biết rằng, mọi việc đều do một A Bảo hoàn lương đạo diễn.
Một tối, sau ngày cô gái chết một tuần, tôi đang định đi nằm, đột nhiên có tiếng gõ cửa khe khẽ. Muộn thế này rồi, là ai được nhỉ? Mở cửa ra, thấy ông giáo già nọ, tôi không khỏi giật mình. Bấy giờ, không ai trong thị trấn dám qua lại, tiếp xúc với người có tên trong sổ đen như ông, bởi sợ rước họa vào thân.
Ngó ra sau lưng ông lão, thấy không có ai, tôi liền mời ông vào nhà. Ông giáo già ngồi xuống ghế im lặng một lúc lâu, mãi sau mới lên tiếng: “Nghe nói, ngày trước anh từng xem bói cho người ta, liệu anh có…”
Tôi vừa nghe thấy thế đã sợ tái mặt: “Lão tiên sinh đừng nói liều như vậy! Đó đều là sai lầm của tuổi trẻ, tôi đã được cải tạo rồi! Bây giờ tôi quyết tâm đấu tranh trước thói mê tín dị đoan!” Tôi tưởng ông lão định tìm cách để tôi nói hớ rồi tố giác, hòng lập công chuộc tội.
Ông giáo già run run: “Anh đừng sợ, tôi không có ý gì đâu. Nếu đúng là anh biết xem tướng số, cầu xin anh hãy xem giúp liệu cả nhà tôi có thể qua nổi tao đoạn này không! Chứ tôi thật chẳng thiết sống nữa!” Ông lão nước mắt giàn giụa nói.
Tôi biết tinh thần ông lão đã rất suy sụp, sống chết thế nào đều ở câu trả lời của tôi. Kiến thức về tướng số, tôi học mót được từ Tổ Gia cũng chỉ qua loa đại khái. Nhưng còn nhớ, Tổ Gia từng nói: “Lòng người không thể chết, cõi lòng mà chết rồi thì không còn là người được nữa.”
Mãi lâu sau, tôi mới lên tiếng: “Lão tiên sinh, tôi tin lão. Nếu ngày mai lão bán đứng tôi, tôi cũng không oán trách! Tôi biết chút ít về Kinh Dịch, có thể xem sơ qua vận mệnh cho lão được.”
Ông lão cho tôi biết Bát tự ( giờ ,ngày,tháng,năm sinh) của mình, tôi nghĩ một lát rồi nói: “Mấy năm nay, lão gặp phải vận rất xấu, mệnh phạm vào Tai sát, Kiếp sát, nhưng qua được thì sẽ khá lên, về sau mọi việc đều hanh thông, con cái phất lên như diều gặp gió! Lão chắc chắn sẽ được an hưởng tuổi già!” Kỳ thực, đây chỉ là chiêu mà thôi, trước dùng để lừa người, giờ dùng để cứu người, tôi muốn đem lại một tia hy vọng để ông có thể kiên cường sống tiếp.
Ông lão ngẩng lên, nửa tin nửa ngờ: “Vẫn có ngày cất đầu lên được sao?”
Tôi quả quyết: “Có! Chắc chắn là có!”
Ông giáo già như trút được gánh nặng nói: “Tôi không dám mong có ngày phất lên, chỉ cần vứt đi được chiếc mũ ‘kẻ đại phản nghịch’ đang bị chụp trên đầu, tôi chết cũng nhắm mắt!”
Chúng tôi đang nói chuyện, bỗng từ bên ngoài vọng vào tiếng đập cửa rầm rầm. Tôi giật mình đứng bật dậy, ông giáo già cũng sợ run người.
Tôi nhẹ nhàng đi tới, áp người vào cánh cửa, hỏi khẽ: “Ai vậy?”
Không có tiếng trả lời, tôi mở cửa nhìn ra, lập tức một người nhanh chân chạy vụt vào. Thì ra là cô con gái út nhà ông giáo già – Trương Doanh Doanh.
Ông lão tức giận hỏi: “Sao con lại đến đây? Không phải ta đã bảo cứ đợi ở nhà hay sao? Chẳng ra dáng một đứa con gái chút nào!”
Trong thị trấn, Trương Doanh Doanh nổi tiếng tính tình đanh đá, cá tính mạnh mẽ như con trai. Sau khi chị cả chết, cô dám cầm dao đến liều mạng với Nhị Bản Tử, người nhà phải ra sức ngăn lại.
Trương Doanh Doanh nói: “Con không yên tâm về cha!”
“Lưu tiên sinh nói rồi, cả nhà mình sẽ qua được kiếp nạn này, sẽ khấm khá lên, chỉ cần chịu đựng thêm một thời gian nữa thôi.” Ông lão nói.
Trương Doanh Doanh tỏ vẻ xem thường: “Cha, giờ là lúc nào rồi mà vẫn tin vào mấy thứ nhảm nhí đó! Cẩn thận người ta biết được, tội lại nặng thêm đấy!”
Tôi chỉ biết cười trừ, thầm nghĩ: “Sao cô hiểu được tâm tình của cha mình chứ!” Nhìn cô gái bướng bỉnh, thẳng tính này, tôi có đôi chút thiện cảm.
“Đừng nói năng liên thiên!” Ông lão nói.
“Con không liên thiên! Con nghĩ rồi! Cùng lắm là chết! Sớm muộn gì con cũng phải báo thù cho chị!” Trương Doanh Doanh nói.
Ông lão tức giận quát: “Cút về mau!”
Trương Doanh Doanh bật khóc: “Cứ nghĩ đến chị, con lại thấy đau lòng!”
Ông giáo già cũng rớt nước mắt.
Ngẫm nghĩ thế nào tôi lại nói: “Việc báo thù cô đừng nên nghĩ đến, chỉ càng làm cho sự việc xấu thêm thôi! Thực ra, mọi người trong thị trấn đều biết chị cô chết oan. Hay là thế này, tôi có cách trị cho tên khốn đó một trận. Nhưng hai người phải giữ bí mật tuyệt đối, nếu không tôi cũng tiêu đời!”
Nhị Bản Tử này cũng chẳng phải loại người không biết sợ trời khiếp đất là gì, lần này ông sẽ dọa cho mày sợ vỡ mật. Thuật Trát phi bao năm không dùng đến, giờ lại được tôi đem ra sử dụng. Đầu tiên, tôi dán người giấy, lấy thân cây cao lương chống lên, chỗ tiếp nối cắm ống tre dài hai đốt, trên ống tre lại đục mấy cái lỗ, đêm đến đem cắm lên ngôi mộ người con gái kia. Người ta đạp xe trên đường nhìn thấy thế, cộng thêm tiếng gió thổi làm ống tre phát ra tiếng kêu “hu hu”, lại tưởng có người đứng khóc bên mộ. Cứ thế, người nọ truyền tai người kia, một câu chuyện hư hư thực thực lan truyền nhanh chóng. Đây gọi là tạo thế, nhằm để Nhị Bản Tử biết rằng ở đây có chuyện ma quái.
Sau đó, tôi lại bảo Trương Doanh Doanh nửa đêm mang một đôi giày thêu hoa giống hệt đôi giày kia đến, nửa đêm dùng hai cái sào gác lên mái hiên nhà Nhị Bản Tử, sau đó dùng một sợi chỉ mảnh, một đầu buộc vào con vít, một tay kéo giữ sợi dây, tiếp theo gõ cửa, đợi hắn thò đầu ra ngoài nhìn, tôi khẽ kéo sợi dây làm cho đôi giày rơi từ trên rơi xuống, trúng ngay cổ hắn.
Nhị Bản Tử bị dọa cho sợ chết khiếp, từ đó chừa hẳn, không dám cắn càn nữa.
Tôi không ngờ việc giúp ông giáo già lần này lại được phúc báo. Đại khái, Trương tiên sinh thấy tôi lòng dạ lương thiện, một tối mùa hè mời tôi đến nhà, trìu mến nói: “Con trai, con đúng là người tốt.”
Tôi rùng mình, người tốt ư? Bao nhiêu năm nay, trải bao phen gió dập mưa vùi, tôi đã thay đổi nhiều. Bản thân cũng không biết mình rốt cuộc là loại người như thế nào nữa.
Ông lão lại nói: “Ta biết con từng ngồi tù, nhưng không có nghĩa con là người xấu. Đứa con gái út của ta luôn kiêu căng ngang ngạnh, kén cá chọn canh, đến nay vẫn chưa lấy chồng, nếu con không chê… Ta định gả nó cho con…”
“Hả?” Tôi ngỡ mình nghe nhầm, “Thưa tiên sinh, tôi… tôi cái gì cũng không có, nghèo rớt mồng tơi, lại từng ngồi tù, ông…” Năm 1958, sau khi ra tù, tôi chưa từng dám mơ tưởng đến việc lập gia đình.
“Ta muốn hỏi con có bằng lòng hay không?” Ông lão gặng hỏi.
“Tôi…” Việc này quá bất ngờ, tôi ấp úng hỏi: “Ý con gái lão thế nào?”
“Em bằng lòng đấy!” Trương Doanh Doanh từ trong nhà vén rèm đi ra: “Anh đã giúp cả nhà em trút được mối hận trong lòng…”
Tôi vội vàng nói: “Ấy ấy! Nếu chỉ vì chuyện nhỏ nhặt này thì không nên đâu. Huống hồ, chúng ta hơn kém nhau đến hơn chục tuổi…”
“Anh vẫn còn kén chọn sao?” Trương Doanh Doanh nói.
“Tôi không có ý đó, tôi…” Tôi không biết nên nói thế nào, trong lòng thầm nghĩ: “Hai người còn biết về tôi quá ít.”
Im lặng một lúc, tôi nói với Trương Doanh Doanh: “Cô không sợ người ta dèm pha mình lấy một người từng ngồi tù sao?”
“Em không quan tâm!” Trương Doanh Doanh tức tối: “Kệ họ muốn nói gì thì nói!”
Tôi biết, những biến cố lớn ập đến với gia đình tác động rất mạnh đến cô, khiến cô từ lâu đã căm ghét những lời đàm tiếu của người đời.
Trương lão tiên sinh ngồi bên cạnh nói: “Việc này ta làm chủ, cứ quyết định như vậy đi. Ngày mai ta sẽ vạch rõ ranh giới với cả nhà, để các con đỡ bị liên lụy!”
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, việc cha con phải “vạch ranh giới” (từ mặt nhau) là chuyện thường thấy. Âu cũng là chuyện bất đắc dĩ, để đảm bảo an toàn, bởi không còn cách nào khác.
Người ta thường nói, đêm động phòng hoa chúc là một trong bốn niềm vui lớn của đời người. Ngày lấy vợ, tôi đã khóc, một thằng đàn ông nửa đời người phiêu bạt, đến giờ cũng có thể coi như có chốn đi về.
Nửa đêm, tôi ôm Doanh Doanh, hỏi xem rốt cuộc cô ấy đã chọn tôi vì điểm gì, cô ấy cười nói: “Can đảm.” Tôi thầm nghĩ: làm A Bảo, có thể thiếu bất cứ cái gì, trừ lá gan.
Nửa năm sau, Doanh Doanh mang thai, sau đó thì sinh đôi một trai một gái. Mọi người đều nói, tổ tiên phải tích đức ba đời mới sinh con đôi, tôi nghĩ chắc nhờ vào âm đức của cụ tôi, ông tôi, bố tôi, còn tôi thì tích được cái đức gì chứ!
Những đứa con chào đời đã mang đến cho tôi niềm hạnh phúc vô bờ, thứ mà trước đây tôi chưa từng được chạm vào. Tôi thấy mình ngày càng được sống ra dáng một con người, có lúc, tỉnh dậy sau giấc mơ, tôi vẫn thấy mình đang cười. Nhìn các con lớn lên từng ngày, nghe chúng gọi tiếng “cha” đầu tiên, tôi khóc đến khản cả tiếng, ôm chặt vợ con vào lòng, để biết rằng đây không phải một giấc mơ.
Năm 1976, Cách mạng Văn hóa chấm dứt, đám mây mù tan biến, cha vợ tôi được sửa án oan, chị vợ tôi nơi chín suối cũng được ngậm cười.
Giao thừa năm đó, cả nhà tôi cùng quây quần bên mâm cơm tất niên, ai nấy đều nức nở, sụt sùi. Mãi sau, cha vợ tôi nói: “Con người sống ở đời, đừng tham lam phú quý, cứ sống bình an là tốt rồi, bình an mới là hạnh phúc!”
……………….
Tác giả : Dịch Chi _ Người dịch: Hương Nhiên

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..