22 thg 8, 2012

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ




            Thời gian trôi qua thật nhanh, mới thấm thoát đó mà đã biết bao năm xa cách quê hương. Ngày trở về thăm  chốn cũ, lòng tôi nôn nao tìm lại ngôi trường  xưa, ngôi trường PHAN của một thời thơ mộng khó quên.
          Chiều hôm ấy, tôi vội vàng đến thăm nhà người chị thứ Tư đối dìện chợ Phường ,cái chợ nhỏ hiện hữu lâu đời mà từ bé  tôi đã nhìn thấy và gần gũi khi tôi thi đậu vào trường Trung học Phan bội Châu, Phan Thiết. Cái trường gi` mà khó khăn quá, phải tận dụng cái đầu nhỏ bé của mình để ăn thua đủ với biết bao thí sinh khác mới đặt chân vào được. Luyện thi vào đệ thất mà chẳng khác gì như thi tú tài, phải thức khuya dậy sớm trong lứa tuổi còn mê ăn, ham ngủ hơn là học hành, cái tuổi còn hay vòi vĩnh nũng nịu với mẹ cha. Với sức ép của phụ huynh để được vào học ngôi trường công lập duy nhất và nổi tiếng nầy, tôi đã phải trải qua biết bao khốn đốn, bầm dập trong suốt năm học lớp Nhất. Tôi nhớ đến thầy Từ Ngọc Nam chuyên dạy luyện thi đệ thất. Thầy có biệt danh mà chúng tôi ví ngầm với nhau là "Búa Thần". Cái búa bằng cao su, trông dáng ngoài cưng cứng, cán sắt dài hơn ba tấc, lúc nào cũng lăm le trong tay Thầy . Mỗi khi lên bảng chúng tôi đứa nào cũng ngán, tơ lơ mơ là ăn búa ngay.  Sau này lớn khôn và từng trải trong cuộc sống, khi ngồi ôn lại những kỷ niệm buồn vui trong chuỗi ngày thơ ấu, Hữu Anh tôi mới nhận chân được một điều là sự nghiêm khắc của thầy vốn dĩ bắt nguồn từ sự tận tâm và lòng thương yêu đối với những đứa học trò nhỏ tuy có phần nào ngỗ ngáo nhưng lại hoàn toàn ngây thơ và vô tội này, cũng như ý thức trách nhiệm của thầy đối với những bậc cha mẹ đã đặt trọn vẹn niềm tin và tương lai con cái của  mình cho thầy. Thầy quả thật đã không phụ lòng kỳ vọng của mọi người.  Học trò dưới sự dạy dỗ của thầy hầu như năm nào cũng đat đến tỷ số 99% thông qua kỳ thi tuyển vào trường Phan Bội Châu.
          Sau hơn một giờ hàn huyên tâm sự với anh chị và các cháu, tôi tản bộ ngang qua ngôi trường thân yêu tràn đầy kỷ niệm. Ngôi trường đã để lại trong tôi biết bao là hình ảnh thân thương mà tác động của thời gian và những thăng trầm trong cuộc sống vẫn không thể nào làm phai mờ. Đứng trước cổng trường "Trường Trung học Phan Bội Châu", tôi nghe lòng mình như bị chao đảo bởi những đợt sóng vô hình. Bên tai tôi như vang vọng những âm thanh hỗn loạn của tiếng cười đùa, tiếng kêu gọi nhau ơi ới, tiếng hát chào quốc kỳ, tiếng gió đẩy đưa, tiếng sáo diều réo rắt ...  Ẩn hiện chập chờn là môt Hữu Anh của ngày xưa đang đứng lẫn lộn với những đứa bạn đồng song vào ngày tựu trường trong bộ đồng phục áo trắng với quần xanh màu nước biển dài thậm thượt.  Lại còn... nầy dây nịt, nầy bảng tên, nầy chiếc cặp táp lớn quá khổ mà Mẹ mua cho như là một món quà thi đậu, nầy đầu tóc hớt "demi court"; tất cả đều mới toanh hảo. Trong tôi như bừng dậy cái cảm giác "cao cao tại thượng" của mình vào lúc bấy giờ.  Cái cảm giác của một đứa bé đang ngụp lặn trong niềm hãnh diện vì nghĩ rằng, mình là một học sinh giỏi nên mới được chấm trúng tuyển vào lớp đệ thất của một trường trung học công lập nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận - Trường Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết - Đây không hẳn là một niềm hãnh diện của chỉ riêng tôi mà là của cả một đại gia đình. Tôi làm sao quên được những tiếng reo hò của anh chị tôi, những nụ cười rạng rỡ của Ba Má tôi, những ánh mắt nồng ấm của ông bà tôi khi tiếp nhận tin vui. Từ bậc tiểu học bước sang trung học quả thật là một bước ngoặc lớn trong quảng đường cắp sách đến trường. Từ một thằng bé của thời tiểu học, đi học mặc quần 'short', tan học về đến nhà, cởi áo vất đại đâu đó, để mình trần, quần xà lỏn thì tụt xuống kéo lên, đi lân la khắp xóm.  Một tay ôm lon dế, một tay cầm cây tăm nhang có một đầu cắm vào đầu lâu một chú dế bại trận để làm đồ nhử, khích động cho chú dế đang lâm chiến say máu, vị chủ vong thân. Trong đầu óc non dại của tôi lúc bấy giờ, tôi thấy mình như đã lớn hẳn lên chứ không còn là một cậu bé nữa. Niềm hãnh diện này đã được nuôi dưỡng theo thời gian để sau cùng biến thành niềm tự hào đã từng là một học sinh của Trường Trung Học Phan Bội Châu. Niềm tự hào này đã đeo đẳng theo tôi và lúc nào cũng hiện hữu trong tôi trên mọi nẻo đường trong suốt cả cuộc đời. Tự hào không phải vì những thành quả của bản thân  mình mà vì đã được theo học tại một ngôi trường đã hun đúc ra không biết bao nhiêu bậc tài danh trong các lãnh vực văn học, nghệ thuật, âm nhạc v..v.., cũng như những anh hùng, liệt nữ đã xem nhẹ tử sinh, đóng góp kiêu hùng trong cuộc chiến bảo vệ tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Trong cuộc sống đời thường, đôi khi bất chợt tai nghe, hoặc mắt thấy những gì có liên hệ xa gần đến ngôi trường thân yêu này là tôi thấy mình như trẻ lại trong cái thân xác đã quá mõi mòn với những căng thẳng liên tục trong hơn 50 năm vật lộn với cuôc sống từ trong nước cũng như ở hải ngoại. Và lúc tôi thấy tâm tình mình bỗng dưng trở nên êm ả, dễ chịu và hiền hòa hơn nhiều, thật nhiều.... 
Thời gian rồi cũng qua đi. Con người dù ở trường học hoặc trường đời rồi cũng theo với tháng năm mà đổi thay, duy chỉ có kỷ niệm là tồn tại và bất biến. Ngôi trường thân yêu của tôi vẫn còn đó nhưng đã mất đi phần nào sự sống động và tươi mát của ngày xưa. Cái sân banh mà ngày ngày tôi vẫn thường tìm cách dối cha dối mẹ để đi học sớm, leo rào vào chia phe, bất kề nắng mưa, tranh nhau trái bóng không biết mệt mõi,  giờ đây đã xuống cấp cực độ. Bức tường vây quanh một phần đã đổ nát và được chắp vá  bằng những mảng rào xiêu vẹo, phần còn lại thì xác xơ, sắc màu ảm đạm với rêu phong phủ kín. Tất cả đã vẽ lên một bức tranh thật tang thương, khiến tôi không khỏi ngậm ngùi với những nuối tiếc về một thời rực rỡ đã qua.  Giáp với sân banh  là dãy lầu nằm đối diện với văn phòng, tuy cũng vẫn là dãy lầu của thập niên 70 và mặc dầu đã được quét vôi lại nhưng sao trong mắt tôi lại có nét u buồn, tiều tụy. Nhìn những lớp học mà ngày nào tôi ngồi đó cùng với bạn bè, lắng nghe những lời giảng dạy của thầy cô, tôi lại nghĩ đến những giây phút ồn ào, nhiệt náo trong giờ ra chơi và những lúc tan trường. Tất cả đã mang đến cho tôi những rung động thật mãnh liệt. Một cảm giác luyến tiếc, nhớ thương và thèm khát sống lại với những thời khắc của tuổi thơ như bừng dậy trong tôi. Nhìn qua cổng trường là một bức thạch tượng cụ Phan Bội Châu xoay mặt ra đường.  Bức tượng có lẽ chỉ mới được thực hiện vào những năm sau này. Tôi vội cất bước đến gần để chiêm ngưỡng hình tượng của một nhà chí sĩ cách mạng mà tên tuổi đã lưu danh vào sử sách. Trời Việt Nam đã sắp vào Hạ nên thời tiết cũng có phần oi bức, nhưng sao tôi lại cảm thụ một khí tức lành lạnh từ bức tượng toát ra. Không biết khí lạnh này phát sinh từ chất liệu của bức tượng hay từ nét trầm tư, u uất của gương mặt dưới bàn tay điêu khắc của nghệ nhân.  Chỉ mong sao đó chỉ là một bức tượng vô hồn để người chí sĩ khả kính không phải thêm một lần miên viễn xót xa cho những bất hạnh của con dân nước Việt, trong cuộc sống thực tại và trước viễn ảnh của hiểm họa ngoại xăm.  Ngôi trường mang tên cụ và tên của cụ đối với tôi sao mà gần gủi, sao mà thân thiết, dường như đã trở thành bất khả phân ly trong đời sống tâm linh của tôi. Tôi chợt thấy bàng hoàng với sự liên tưởng đến hình ảnh một cội cổ tùng sừng sững giữa trời cao đất rộng đang phủ rộng cành lá sum suê để che chắn nắng mưa cho những mầm non đâm chồi nẩy lộc. Hay đúng hơn, là hình ảnh của một đấng từ phụ, dù đã phải trải qua bao phong ba bảo táp, cũng vẫn dang rộng đôi vòng tay bao dung để ôm ấp, chở che cho những thế hệ trẻ tiếp nối nhau trước những nghiệt ngã của cuộc đời theo với vận nước nổi trôi.. 
            Miên man với hoài niệm, tôi lang thang trong vô thức và chợt choàng tỉnh thấy mình đã đặt chân đến trước mặt tiền của một căn phố mà trước kia là quán cafe Nhất Phương, quán của một thời hò hẹn của bầy trẻ tập làm người lớn, sát bên cạnh quán nhậu Năm Cón cũng đã một thời nổi tiếng với món gỏi gà. Bây giờ thì cả hai cũng đã âm thầm đi vào quên lãng. Buồn tình, tôi lại thẩn thờ quay bước trở về chợ Phường. Khi gần đến trường cũ thì cũng đúng vào lúc vang vọng một hồi chuông báo hiệu kết thúc một ngày học. Những bóng hình ngang dọc, những bước chân vội vã, những giọng cười tiếng nói không ngớt xen kẻ với nhau, tạo nên một thể loại âm thanh thật hỗn độn nhưng tràn đầy sinh khí. Tôi thả từng bưóc một thật chậm để có thể nhìn lại toàn diện quang cảnh tan  trường. Đối diện với cảnh tượng này, lòng tôi không khỏi bồi hồi với những hồi ức của ngày xưa.  Một ý nghĩ so sánh chợt hiện ra trong đầu không khỏi làm tôi mỉm cười tự nhủ: các cô cậu nầy ắt hẳn cũng giống như bọn mình ngày nào vẫn tự ví von cảnh tan trường với một đàn chim sắp bay về tổ ấm; nhưng giờ đây là một người bàng quang nhìn vào, thì thật là giống như một bầy chim vỡ tổ, hoặc nói phũ phàng hơn là giống như một bày nghé xổ chuồng! Sau những giây phút thoải mái vô tư, tất cả rồi cũng biến mất để trả lại cho sân trường một sự vắng lặng. 
            Cây phượng già cằn cỗi như đang chuyển mình khởi sắc để chào đón Hè sang. Lác đác đây đó trên một vài cành cây là những chùm hoa đầu mùa đang khoe sắc thắm. Màu đỏ rực rỡ của hoa phượng đã gợi nhớ trong tôi những dáng liễu thướt tha với tà áo dài lung linh trong nắng; những suối tóc óng ả, mượt mà; những khuôn mặt thật hồn nhiên, thánh thiện và những kỷ niệm ngọc ngà của lứa tuổi mộng mơ. Tất cả vẫn mãi mãi lắng đọng trong sâu thẳm của tâm hồn tôi ... để rồi, trong một giây phút bất chợt nào đó, một chút vấn vương từ đâu hiện đến, len nhẹ vào hồn, thật mỏng manh, thật mông lung ... và tôi bỗng gặp lại tôi trong hồi tưởng, trổi giọng hát vu vơ một vài câu quen thuộc của " Ngày xưa Hoàng thị " mà tôi vốn thuộc nằm lòng ... "  Em tan trường về... đường mưa nho nhỏ... ôm nghiêng tập vở ...  Ai mang bụi đỏ đi rồi....!!"

                                                                                     Nguyễn Hữu Anh  Kangaroo 
                                                                                                                    

MAI XUÂN CÚC VIẾT VỀ THẦY LÊ TÁ


 - VÀI DÒNG TIỂU SỬ THẦY LÊ TÁ
   
    Thầy Lê Tá sinh năm 1913 tại Quảng Nam, đậu Tú Tài II Ban Pháp tại Huế năm 1933. Sau đó đậu Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương vào năm 1936 cũng tại Huế. Thầy lập gia đình và có 4 người con gồm Lê Đình Thạch (Trưởng Nam), Lê Thị Xuân , Lê Đình Nam và 1 gái (không rõ tên).
Theo tài liệu được trích dẫn từ Đặc San Hội Ngộ 2007 của Trường TH Võ Tánh cho biết Thầy Lê Tá được Nha Học Chánh Trung Việt đề cữ giữ chức Hiệu Trường Trường TH Công Lập Võ Tánh, tọa lạc tại số 1 Bá Đa Lộc Nha Trang từ năm 1952-1955, với sự cộng tác của hơn 30 nam nữ giáo sư, trong số này có nhiều vị rất nổi tiếng như GS Nguyễn Quảng Tuân (Việt Văn), Nguyễn Quang Gĩ , Đặng Đức Cường, Võ Hữu Nghi, Bùi Trọng Bạch..
Cũng theo tài liệu dẫn thượng, thì Thầy Lê Tá là vị Hiệu Trưởng có công nhất trong việc vận động và xây dựng ngôi trường nổi tiếng này. Năm 1952 trường xây cất xong 1 dãy lầu 2 tầng với 8 phòng học. Ngày khánh thành có ông Tỉnh Truởng Khánh Hòa lúc đó là Trần Thúc Linh tới đọc diễn văn chúc mừng bằng tiếng Pháp. Trong niên học dầu tiên tại ngôi trường này (1952-1953) có 4 lớp (2 thất, 1 lục, 1 ngũ) từ Trường Nam chuyển tới.
Năm 1954 phong trào di cư từ miền Bắc vào Nam, trong số này có nhiều giáo sư và học sinh đã lập nghiệp ở Khánh Hòa. Do đó Tỉnh Trưởng lúc đó là Nguyễn Trân cùng với các Mạnh Thường Quân và Hội Phụ huynh Học sinh, đã chung góp ngân khoản, vật dụng nhà trường.. để xây cất thêm một dãy lầu dài 50m dùng làm phòng học cùng với những căn nhà dành cho Hiệu Trưởng và các vị Giáo Sư. Cũng trong niên khóa này, trường nhận thêm nhiều học sinh tư thục, nâng cấp Đệ Lục thành 3 lớp. Niên khóa 1954-1955 có 3 lớp Đệ Ngũ, riêng Ngũ 3 có 2/3 là nữ sinh. Niên Khóa 1955-1956, Thầy Lê Tá được chuyển về làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công Lập Phan Bội Phan Thiết, tọa lạc trên Đại Lộ Trần Hưng Đạo. Thầy Nguyễn Vỹ thế Thầy Lê Tá làm Hiệu Trưởng TH Võ Tánh (1955-1956)..
Từ niên khóa 1956-1957, trường dời về địa điểm mới tại đường Nguyễn Hoàng, không xa Chợ Phường Phú Trinh. Thầy vừa là Hiệu trưởng kiêm GS Pháp Văn, phụ trách lớp Đệ Thất 3 còn học tạm tại ngôi trường cũ ở đường Trần Hưng Đạo. Cơ sỡ này sau đó trở thành Trường Trung Học Tiến Đức, do Thầy Đặng Vũ Tiển làm Hiệu Trưởng. Lớp Thất 3 năm đó có 50 học sinh, trong số này có Lê Đình Nam (thứ nam thầy) và người cháu tên Lê Văn Nhản.

Niên khóa 1957-1958 hai lớp này thành Lục 3 và 4 được dời về ngôi trường mới ở đường Nguyễn Hoàng và Thầy vẫn phụ trách môn Pháp Văn. Niên khóa 1958-1959, trường mở thêm 2 lớp Tam A và B. Vì thiếu gíáo sư nên thầy Lê Tá phải phụ trách dạy môn Lý Hóa và Công Dân Giáo Dục. Cũng trong niên khóa này, trường khánh thành 2 phòng học trệt, nằm kế tòa lầu chính và phòng dạy nhạc, dành cho hai lớp Ngủ 3 và 4 (Anh Văn) với nam nữ học chung. Phía bên kia là phòng thí nghiệm, kế văn phòng và nhà thầy hiệu trưởng (trên lầu). Năm 1961-1962 mở thêm 4 lớp ở dãy nhà trệt, xây trên sân vận động, phiá sau tầng lầu chính. Niên khóa 1962-1963 có hai lớp Đệ Nhất đầu tiên được mở. Tháng 8-1963, thầy Lê Tá được cử làm Chánh Chủ Khảo kỳ thi Tú Tài I tại Hội Đồng thi Nha Trang. Cuộc binh biến ngày 1-11-1963 làm sụp đổ nhà Ngô và nền Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam, Thầy cũng chấm dứt luôn chức vụ Hiệu Trưởng tại trường TH. Phan Bội Châu Phan Thiết.
- THÀNH QUẢ CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG LÊ TÁ (1955-1963):

So với các trường Trung Học Công Lập cùng thời tại Tuy Hòa, Phú Yên (Nguyễn Huệ), Nha Trang, Khánh Hòa (Võ Tánh) và Phan Rang, Ninh Thuận (Duy Tân), thì tỉ lệ học sinh thi đổ Trung Học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài I & II, tại trường Trung Lập Công lập Phan Bội Châu Phan Thiết đổ cao hơn. Về thể dục & thể thao, đội Túc Cầu của trường đã đoạt giải ‘ vô địch bóng tròn ‘ dành cho học sinh Trung Học cấp Miền gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận).
Trong thành phần đội tuyển trên, có nhiều học sinh bản trường đã trở thành các cầu thủ nổi tiếng, như Thủ Môn Nguyễn Gia (Ngôi Sao Gia Định) và Đội tuyển Equinal (Nhàn hiệu thuốc cảm) của ông Bầu Võ Văn Ơn, Chủ Tịch Tổng Cuộc Túc Cầu Miền Nam VN năm 1961-1963. Ông cũng là chủ nhân của khách sạn Kinh Đô tại đường Phạm Ngủ Lảo Sàigòn, trước ngày 30-4-1975. Trần Tá, tuyển thủ đội Thương Cảng Sàigòn và Đội Tuyển thủ Thiếu niên Miền Nam. Năm 1970, đội này đã tham dự giải vô địch túc cầu tổ chức tại Philippine gồm các đội Mã Lai Á, Thái Lan, Indonesia, Phi Luật Tân và VNCH.
Thời gian còn làm hiệu trưởng, thầy Lê Tá thường di chuyển đó đây bằng chiếc Vespa-Lambro màu trắng, để đến nhà tôi (tiệm may Mai Xuân Trượng), may quần áo và thăm viếng ba tôi là người đồng hương Quảng Nam. Nhũng lúc này thầy rất vui vẽ, nên thường đem tình trạng học hỏi của các học sinh bản trường, kể cho ba tôi nghe và xin ý kiến của một phụ huynh học sinh đóng góp.Thú vui của thầy là thích đi xem chiếu bóng ở rạp Modern trên đường Gia Long vào những ngày cuối tuần với cả gia đình.
Dịp lễ Giáng Sinh vào cuối tháng 12/1965, giữa giòng người xuôi ngược như trẩy hội trên đại lộ Lê Lợi Sàigòn. Tôi tình cờ gặp lại thầy-cô đang dạo phố. Mừng quá, tôi kêu to giữa đám đông ‘ Thưa Thầy Cô ‘ . Cả hai người đều ngạc nhiên dừng lại nhưng không nhớ tôi là ai, có lẽ vì học trò của thầy đông quá và ở đâu cũng có, chứ không riêng gì Phan Thết. Chừng đó tôi nhắc ‘ em là con ông MXT nhà may ơ Phan Thiết, học sinh Phan Bội Châu ‘.Nghe xong thầy bước tới bắt tay tôi thật chặt và lâu như không muốn thả. Lúc đó tôi cảm động muốn khóc. Cũng từ đó, tôi không còn gặp được thầy cô nữa, cho tới khi qua Mỹ theo diện HO mới nghe tin thầy ở tiểu bang Florida.. chưa kịp sang thăm thì thầy đã ra đi...
Với bản tính nghiêm nghị, luôn tôn trọng kỹ luật học đường nhưng lại có tấm lòng bao dung tha thứ, nhất là đối với các học sinh nghèo.. nên thầy rất được học trò thương tuy rằng ai cũng sợ xanh mặt khi phải đối diện, bất cứ vì lý do gì, ngoài hành lang, trong lớp học, trước cổng trường hay tại văn phòng. Khi còn tại chức, thầy chỉ thị cho ban giám thị phải luôn kiểm soát sĩ số học sinh có mặt và trốn học tại từng lớp. Đồng thời phải xem xét kỷ học bạ và chữ ký của phụ huynh học sinh. Nhờ vậy mà qua những niên khóa từ 1955-1963 khi thầy Lê Tá làm hiệu trưởng, học sinh Phan Bội Châu đã bước vào nề nếp học đường, biết tôn trọng kỷ luật và trên hết đều cố gắng thi đua học hành, nên tỉ số thành công và đổ đạt rất cao qua các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài so với nhiều tỉnh thị khác tại miền Nam VN.
Vậy mà cuối cùng thầy vẫn bị đám học trò vô loại, thừa gió bẽ măng nghe theo lời xúi bậy của một vài giáo sư lúc đó, ngay trong ngày binh biến 1-11-1963 kéo bè tới nhà riêng của thầy ở tầng 2 trong trường, đập phá đồ đạc và quyết tâm truy giết vị thầy kính yêu mới hôm qua, từ nhỏ tới lớn đều dạ dạ thưa thưa khi đối diện. Cũng may thầy đã đoán trước nên đã chạy về Sàigòn lánh nạn, nhờ vậy cả gia đình mới được toàn mạng..
                                                                                           Mai Xuân Cúc, 
                                                               Cựu học sinh Phan Bội Châu liên khóa 1956-1963 

NHỮNG CÁI TÁT TAI CỦA THẦY LÊ TÁ

                                                               
         Hồi thập niên 50 của thế kỷ trước, chuyện thầy cô giáo đánh học sinh là chuyện thường ngày, kể cả học sinh trung học đệ I cấp.  Sang những năm đầu thập niên 60, các thầy cô giáo trung học, được gọi là giáo sư, không còn dùng thước kẻ gõ lên vai, lên đầu hay vào tay học sinh trung học, có lẽ vì...nể nang các em đã lớn, không muốn các bị quê, nhất là khi chung quanh lại có phất phơ mấy tà áo dài trắng. Dù vậy, thỉnh thoảng cũng bị thầy cô ký vào đầu.  Duy chỉ có một thầy vẫn tiếp tục đánh học sinh, đúng ra là thầy bợp tai, đó là thầy hiệu trưởng Lê Tá.
       Thầy Lê Tá bợp tai bất cứ học sinh nào lớn nhỏ, bất cứ lổi nặng nhẹ, bất cứ chỗ nào trong phạm vi sân trường.  Mặc đồng phục không đúng: bợp tai.  Không mang bảng tên: bợp tai.  Chọc ghẹo nữ sinh: bợp tai...v.v...Mỗi khi bị thầy bợp tai, ngay lập tức có thầy Kỳ, hoặc thầy Công  ra lôi cổ học sinh vào văn phòng  và cho điểm 0 vào môn "Hiệu Đoàn".  Đây là môn chẳng ai học, chẳng ai dạy, và chỉ có điểm 0, cứ tạm coi đó là điểm kỷ luật.  Thầy Lê Tá mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, chẳng bao giờ thấy thầy cười, lạnh lùng còn hơn tượng đá công viên.  Các thầy hiệu trưởng tiếp sau thầy, thầy Hiển, thầy Đào Trữ, cũng không cười.  Thầy Đào Trữ mỗi lần quát nạt học sinh thì toàn sân trường rộng mênh mông đều nghe. Thầy Tùng, thầy Vũ sau này cũng chỉ cười khi đã rời ghế hiệu trưởng.  Những học sinh nghịch ngợm, hoặc đã từng ăn bạt tai của thầy Lê Tá rất ngán cái uy của thầy.  Bước vào cổng trường là hai con mắt lấm lét, hễ nhìn thấy thầy ở đâu là... tìm hướng khác mà đi.
        Niên khóa 63-64, ngoài sự bận rộn của chức vụ hiệu trưởng một trường lớn, không hiểu vì thiếu giáo sư hay vì sở thích, thầy Lê Tá đã chọn một lớp để giảng dạy môn Pháp Văn, thầy chọn đúng lớp tôi. Năm Đệ Tam là năm " dưỡng lão", gặp giờ của thầy kể như gặp xui, cả lớp đều nghĩ vậy. Nhưng đã lầm to ! Thầy Lê Tá có hai khuôn mặt, nghiêm nghị với toàn trường, nhưng lại vui vẻ bao dung trong giờ giảng dạy. Do vậy chúng tôi rất thích học giờ của thầy. Ai không thuộc bài thầy cho khất tuần sau rồi thầy quên luôn.
        Biến cố 01-11-1963 đã làm thay đổi trường PBC khá nhiều.  Do những áp lực chính trị tạm thời, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã thuyên chuyển thầy đi. Một buổi sáng đầu tháng 11-63, chúng tôi tới trường như thường lệ. Trước văn phòng hiệu trưởng - chung tòa nhà với tư thất gia đình thầy - đồ đạc đã được gói ghém, ràng rịt chất đống. Ai cũng hiểu gia đình thầy sắp ra đi, nhưng không lẽ âm thầm như thế sao! Không hiểu thầy có cơ hội từ giã đồng nghiệp ở phòng giáo sư hay không? Tôi đoán là không.Thầy cũng không có dịp nói lời chia tay với toàn trường. Vì sáng đó có giờ Pháp văn, nên thầy chọn lớp tôi để nói lời từ giã. Sau mấy phút tâm sự, thầy hỏi:
         -Trường ta những năm thầy làm hiệu trưởng, năm nào cũng có sĩ số đậu  Trung Học và Tú Tài rất cao, được xếp vào những thứ hạng đầu toàn quốc.  Bằng khen của Bộ Giáo Dục treo la liệt trên văn phòng. Các em có biết tại sao?
          Nguyễn Minh Cảnh như sợ bị ai cướp lời, đáp thật nhanh:
         -Thưa thầy, con nghĩ là nhờ những cái tát tai của thầy.
        Câu trả lời quá bất ngờ khiến cả lớp ngỡ ngàng  Tất cả nhìn thầy như chờ đợi phản ứng Nét mặt thầy dịu lại như muốn cười, cặp mắt đỏ hoe, ở khóe mắt có đôi giọt lệ. Chúng tôi nghe thấy có tiếng thút thít ở mấy bàn bên phía nữ sinh. Thầy khe khẽ gật đầu, khuyên bảo vài câu cuối cùng rồi rời lớp học. Đến giờ ra chơi, chúng tôi ra sân trường nhìn về phía nhà thầy, đống hành lý không còn đó nữa. Thầy và gia đình đã ra đi, vĩnh biệt trường PBC, nơi hàng chục năm thầy đã đổ biết bao tâm huyết, đã tát tai biết bao học sinh chỉ vì mục đích như thầy nói: "Để cho các con thành đạt".
       Giờ đây, tôi, một học trò trong hàng ngàn học trò của thầy, đã ở lứa tuổi gần "tuổi cổ lai hy", trên đầu chỉ có một thứ tóc - tóc bạc -, mỗi lần nhớ về trường cũ, nhớ lại hình bóng thầy, tôi có cảm tưởng như hai cái má của mình cũng đang ... giật giật.
      
                                                                 NGU
YỄN AN ĐOÀN  PBC. 66
                                                                                      Norway, Mùa Xuân 2012


Trường xưa

Học sinh liên lớp 1956-1963 chụp hình lưu niệm trước cổng trường 

                                                 Tần mẫn nhặt từng viên sỏi xinh
                                                Phủi bụi thời gian dõi bóng hình

        Tôi viết về trường cũ của tôi, của chị em tôi, của bạn bè tôi, chỉ bởi vì tôi muốn đi ngược dòng thời gian, tìm về nơi chốn, tìm đến không gian có những tấm lòng thân thương đã nuôi dưỡng tôi, đã cho tôi một tuổi thơ đáng đem khoe.Tôi muốn dùng ngòi bút để vẽ lại một góc cạnh của Phan Thiết ở một khoảng thời gian mãi mãi khơi dậy trong tôi niềm bồi hồi luyến lưu và hy vọng bạn đọc tìm thấy bóng dáng mình lãng vãng ở một góc cạnh nào đó của bức tranh đang dần dần mục nát này. 
Ngấp nghé ngoài cổng trường Phan Bội Châu
       Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi thi rớt vô trường trung học Phan Bội Châu, trường trung học công lập duy nhất của tỉnh Bình Thuận mà tỷ số thi vô vào năm 65 là 3 lấy 1.  Những năm trước đó gay gắt hơn nhiều. 
       Năm lớp nhất, cô Thanh xếp học trò ngồi theo trình độ.  Dãy bàn đầu là giỏi nhất, cứ thế mà xuống dần.  Tôi được ngồi bàn đầu. Luận văn thì bao giờ cũng viết trôi chảy vì tôi mê đọc sách từ lâu, sách địa lý, lịch sử, công dân đức dục tôi đọc nhuyển nhừ.  Thêm vào đó, trong hai tháng học luyện thi lớp đêm thầy Toại, tôi tự cảm thấy mình cũng thuộc loại giỏi.  Sức học mấy nhỏ bạn như Thoa, Giáng Hương... cũng ngang tôi thôi, vậy mà các bạn đậu, còn tôi thì rớt. Thiệt ra thì tôi cũng chẳng buồn, chẳng tiếc chi cả, và ba má chẳng la rầy. ”Rớt thì sang năm thi lại!”  Giọng ba tôi tỉnh bơ. 
       Thế là thằng em đang học lớp nhì trường Thành Đức của thầy Tư nhảy theo tôi để học lớp luyện thi đệ thất với thầy Bê, học một năm, chỉ học luyện thi.  Lớp học là một căn phòng thuộc chùa Bà, nằm bên hông chợ Lớn.  Hai mươi bốn học sinh, 12, chỉ học toán và luận văn.  Toán và toán!  Từ loại giả thử đến xe lửa qua đường hầm, vòi nước chảy… nhào nát!  Văn và văn!  Từ tả cảnh đến tả người, tự thuật, nhân cách hóa, viết thư… nhuyển nhừ!  Tôi thích nhất là thể loại nhân cách hóa.  Lúc đó đầu óc nhiều tưởng tượng có dịp xử dụng, câu văn cú pháp từ sách truyện mà tôi đọc đi đọc lại những mùa hè rảnh rổi khiến ngòi viết lá tre trôi chảy trên trang giấy, và tôi luôn tự hài lòng với những bài luận của mình.
        Ngoại trừ Minh và Động, học trò lớp luyện thi ban ngày của thầy Bê đều đã một lần thi rớt.  Trên chiếc chiếc xe đạp sườn ngang, chở theo con trai đầu của thầy tên Hồng, vượt cầu Muối, dọc con đường Nguyễn Hoàng, qua cầu Lớn, xuyên phố thị, thầy Bê mỗi ngày chăm chút cho đám học trò 24 đứa từng thể loại toán, từng cách hành văn… tận tâm, chu đáo, không bao giờ bịnh. Chúng tôi làm rạng danh thầy Bê.  Hai mươi hai học sinh trong số hai mươi bốn đậu kỳ thi vô trường Trung Học Phan Bội Châu.  Trường trung học duy nhất của tỉnh, với tỷ lệ thi vô rất cao.  Thời tôi thi đệ thất thì tỷ lệ đậu là một trên ba.  Một tỷ số đậu là 22 trên 24 là một tỷ số cao chưa từng có ở các lớp luyện thi.  Thành đạt này đã lôi kéo hầu hết học sinh luyện thi của thành phố Phan Thiết, làm chật lớp học đêm của thầy Bê vào những năm sau. 
      Thế là tôi và Động trở thành học sinh trường Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết.  Cả phố Ba Mươi Căn chỉ có ba gia đình có con học trường Phan Bội Châu.  Gia đình tôi có bốn người con học ở Phan Bội Châu là một hãnh diện cho ba má tôi và cũng là một dị nghị trong hàng xóm cho là ba tôi quen biết, ”có thế”.  Thật là ” ém tài”!  Công bằng mà nói, đó là tài kiên nhẫn của ba tôi và mộng đưa con vào cửa quan quyền của má tôi. Ba má tôi quyết tâm cho các con thi lại để được học trường công lập vì nhìn thấy đó là con đường bền vững nhất, nơi vừa miễn phí hoàn toàn vừa có thầy cô chuyên môn cao.
Với tỷ số đậu 1/6…. 1/3 thì những số phận những học sinh khác ra sao? Chẳng lẽ bị ở nhà?  Không sao! Đã có:
        Trường trung học bán công Phan Chu Trinh cũng nằm trên đường Nguyễn Hoàng, đối diện xéo xéo với trường Phan Bội Châu. Những học sinh thi rớt nhưng có điểm cao nên được an ủi, cho vào danh sách trường bán công Phan Chu Trinh, thường thì học hết lớp Chín sẽ được chuyển qua trường Phan Bội Châu.
Trường trung học tư thục Chánh Tâm nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa, đối diện tòa tỉnh trưởng, do giáo phận Thiên Chúa Giáo Bình Thuận điều hành.Trường trung học tư thục Bồ Đề do giáo phận Phật Giáo Bình Thuận điều hành, nằm gần chợ Lớn.Trường trung học tư thục Bạch Vân nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ong, gần đồn Đinh Công Tráng. Với tấm lòng thiết tha vì tương lai con trẻ, giáo sư Lê Bảo cùng một số giáo sư kỳ cựu của Phan Thiết thành lập. Qua những gì tôi nghe ba tôi và những người bạn của ông tán dương mục tiêu cùng hướng giáo huấn của ban điều hành trường Bạch Vân, tôi có một ấn tượng rất tốt về trường Bạch Vân.Yếu điểm của các trường này là phụ huynh phải trả tiền trường mỗi tháng và thực lực không thể so với trường Phan Bội Châu vì mặc dù đa số là giáo sư của trường Phan Bội Châu dạy thêm giờ nhưng các trường tư thục này phải nhận thêm nhiều giáo sư không chính ngạch.
Những bước chân chưa biết ngập ngừng
       Ở các trường công lập, từ tiểu học đến trung học, hoàn toàn miễn phí, cha mẹ chỉ lo tập vở bút mực. Cha mẹ nào muốn thì mua thêm sách cho con đọc luyện thêm chứ bài vở thầy cô cho chép, cho làm ở trường cũng quá đủ rồi. Hồi tiểu học, nhờ bộ sách Công Dân Đức Dục, Việt Sử, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư… ba tôi mua thêm, và với tấm bản đồ thế giới to tướng treo ngay giữa phòng khách, nên chúng tôi nhuyển nhừ những câu chuyện Việt Sử, những địa danh, những câu chuyện dạy làm công dân… ngoài chương trình được dạy ở trường.
      Đồng phục nam sinh là quần xanh đậm, áo sơ mi trắng, áo phải bỏ vô quần. Đồng phục nữ sinh là áo dài trắng, quần đen hay trắng. Suốt hai năm, đệ thất, đệ lục, tôi chỉ toàn mặc áo dài của chị Hai và chị Ba đào thải ra.  Đến năm đệ ngũ, mốt ao dài mini bắt đầu, tôi bỗng nhiên (bỗng nhiên có nghĩa là tôi không xin mà có) được một cái áo dài mới, bằng tê tê rong trắng mượt, may kiểu mini.  Tôi kết mốt mini.  Và vì mốt mini quá mới nên tôi phải mất bốn tấc lưỡi mới diễn tả được cho nhà may ở bên kia đường của tiệm tạp hóa cũng là tiệm thuốc bắc Quảng Đắc. Cả tuần, tôi lượn qua lượn lại, ngóng coi mấy dì may may cắt cắt để coi cái áo dài đầu tiên trong đời được may theo ý tôi đã đi đến đâu. Mấy cái áo cũ ngắn và chật thì chỉ việc tháo bốn đường chít eo, là xong, là có cái áo dài mini xuông đuột với hai tà ngắn ngắn.  Vị chi tôi có được mấy cái áo dài mini, mặc sức mà thay đổi.
          Áo dài thì theo mốt nhưng dép thì vẫn chỉ là đôi dép nhựa mềm, lúc kiểu này khi màu nọ. Mấy chị lớn thì diện guốc trắng quai trong hay guốc đen quai nhung đen.  Thỉnh thoảng mấy nhỏ bạn con nhà khá giả thì diện đôi sandal da nâu hay da trắng.
       Đất trời giun giủi hay sao đó, ngay từ năm lớp đệ thất, năm chúng tôi, tôi, Thanh Bình, Được, Thu và Mỹ Lệ ”bị” xếp ngồi tuốt phía dưới, bàn gần cuối.  Thế là chúng tôi thân ngay với các chị lớn ở bàn cuối và được các chị ấy cưng như em. 
       Tôi, Được và Thu quen nhau từ năm học lớp luyện thi với thầy Bê, không hiểu sao lại kéo luôn Thanh Bình và Mỹ Lệ. Có lẽ lý do chính là vì học sinh được hay xếp ngồi theo chiều cao và cả bọn năm đứa chúng tôi đều cao lêu nghêu. Cho nên cái thành kiến về những học sinh ngồi mấy dãy bàn cuối là học dở, nghịch phá thì hoàn toàn không đúng trong trường hợp này.
       Và như thế, năm này qua năm kia, chúng tôi cứ dành cái bàn gần cuối.  Và bàn cuối thì luôn được các chị Xí, Xoa, Thu… hình như Xê nữa thì phải (Xê được tôi âm thầm tôn làm thần tượng ở trường Nữ Tiểu Học vì tài múa lân tuyệt vời những đêm Trung Thu).  Mặc dù đến năm đệ ngũ, Mỹ Lệ theo gia đình dọn vô Sài Gòn, còn lại bốn đứa, vẫn tiếp tục ngồi chung cho hết năm đệ tứ.  Mỹ Lệ, nhỏ ta là dân Sài Gòn chính tông, từ giọng nói nhão nhẹt, đến mái tóc uốn ngắn (lúc này ở Phan Thiết, học sinh chỉ biết để tóc thẳng thuột, dài ngắn gì cũng vậy), và thỉnh thoảng áo đầm phùng.
          Chúng tôi, lớp thất A1, lớp nữ sinh, không ai quên ông thầy rất trẻ (không nhớ tên!) người Mỹ thường có giờ Anh văn cùng với cô Hoàng Yến.  Chắc là để giúp học sinh tập nói tập đàm thoại.  Phương pháp này có hữu hiệu hay không thì tôi không nhớ, tôi chỉ nhớ câu chuyện viên phấn.  Một buổi trưa, ông thầy ngưởi Mỹ to tê dồ dề vào lớp, mồ hôi ri rỉ lưng áo, nói hoài, năn nỉ hoài mà lũ con gái lớp đệ thất A1 không chịu im miệng dùm.  Tức quá, ông thầy người Mỹ hiền như bột này bỗng nổi quạu, bẻ một viên phấn, quăng về phía nhà lá, tức mấy dãy bàn cuối.  Thanh Bình lãnh đủ, ngay mắt trái.  Con nhỏ học giỏi nhất lớp, con nhỏ vừa ngoan vừa hiền vừa dễ thương, tay dụi mắt, mặt ngơ ngác… òa khóc.  Cả lớp ngẩn ngơ, im re.  Ông thầy đỏ mặt xin lỗi.  Cô Hoàng Yến rối rít dỗ dành.  Nhỏ Thanh Bình cứ thút tha thút thít.  Giờ anh văn ngày hôm sau, ông thầy đem vô một bịch kẹo lớn, chia cho cả lớp, xin lỗi lần nữa.  Chúng tôi hân hoan chia nhau kẹo.  Chúng tôi thỏa mãn.  Chúng tôi tha thứ.  Nhưng… chúng tôi không quên.
        Niên khóa 64-65, bỗng nhiên sinh ngữ Anh trở nên quan trọng nên đây là niên khóa đầu tiên có số học sinh chọn sinh ngữ Anh nhiều nhất.  Và trường xếp các lớp Anh văn trước các lớp Pháp văn.  Ba năm, đệ thất. đệ lục, đệ ngũ, lớp học của chúng tôi là lớp đầu tiên của dãy sau vừa mới được cất thêm, và học buổi chiều.
         Lớp thất A1, toàn là nữ sinh ban anh văn.  Lớp thất A2, toàn là nam sinh. Lớp thất A3 có tiếng là hoa lạc giữa rừng gươm vì vỏn vẹn chỉ có 5-6 nữ sinh trong số gần 50 nam sinh bị điểm quậy trên trung bình. Chúng tôi, nữ sinh lớp thất A1 hơi hơi tội nghiệp những cánh hoa lạc loài bên thất A3 cho nên khi lên lớp đệ lục, chúng tôi hân hoan đón Đức được chuyển qua. Đây là trường hợp đặc biệt mà theo đầu óc non nớt của tôi đoán là vì ba của nhỏ Đức là trưởng ty giáo dục nên nhỏ ta được ưu tiên. Khi khám phá ra cách đặt tên các con của gia đình này là Quốc, Nhật, Mỹ, Đức, Ý…, tôi thích lắm vì cho đó là sự biểu lộ tính đơn giản và trung thực của người gia trưởng, giống ba tôi!
       Thuộc thành phần ”còn nhỏ” nên lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ học buổi chiều và không chào cờ.  Cơm xong, trong khi Ba Má ngủ trưa, tôi chà rửa đôi dép nhựa, thay quần áo đi học. Học sinh trường trung học Phan Bội Châu từ các con hẻm phía chợ Gò, các con đường nhỏ, Đại Nẫm, Phú Hội… dồn về đường Hải Thượng Lãn Ong còn im vắng giấc ngủ trưa của người lớn.
          Đi bộ qua khỏi chợ Gò, tôi mong gặp Mười hay Mến để đi chung cho vui vì đám bạn tôi đều ở bên chợ Lớn. Hai nhỏ này thân nhau, cho tôi làm bạn trên đường đến trường. Đến ngả tư Kho Bạc, tôi ngóng chừng phía dốc cầu gỗ xem Thanh Bình, Được, Thu hay Mỹ Lệ tới chưa. Chưa thì tôi tiếp tục với Mười và Mến, còn như thấp thoáng bóng tụi hắn là tôi đứng lại chờ.  Dọc phía trái đường Nguyễn Hoàng, vì những dãy tiệm tường cao tạo bóng mát và có sân xi măng phía trước nên chúng tôi thích đi phía này, cả khi đi lẫn khi về.  Đi thì đi như bay, miệng nói liên tu, mắt chẳng biết ngó ngang, cho nên tà áo dài chưa biết vướng gót chân.
        Mỗi ngày, đứng xếp hàng trước lớp, chúng tôi ngóng thầy cô từ từ xuất hiện trên con đường xi măng dẫn từ dãy lầu.  Cô Quý, cô Kim Lan, cô Kim Lệ với dáng  ”mi nhon” với tà áo dài màu sắc và hoa văn trang nhã. Cô Thu Hà, cô Hoàng Yến dáng cao gầy và màu áo tương đối dạn dĩ tân thời.  Cô Bạch Tuyết dáng cao nhẹ nhàng và thường mặc áo dài một màu trang nhả làm nổi bật cái nơ nhung đen cô hay cài trên tóc. Cô Liễu lớn tuổi và có gia đình nên ít diện, nhưng bao giờ cũng áo dài nhạt màu trang trọng. 
Nói mỗi tuần thì hơi quá đáng chứ tệ lắm là mỗi tháng, các cô lại thướt tha tà áo dài mới, màu sắc tươi hơn, hợp thời hơn, làm đám nữ sinh thầm ước ao.  Nhất là loại vải ”xoa” mượt màng lay theo bước chân điệu đàng của các cô.
       Các thầy thì lúc nào cũng giầy da láng bóng, áo sơ mi trắng hay màu nhạt, quần tây đậm màu thẳng nếp. Là nữ sinh, tôi chẳng hề bận tâm về mốt diện của các thầy nhưng chỉ giữ trong đầu hình ảnh những người thầy lúc nào cũng áo quần tươm tất. Không phải mong ngóng thầy cô đâu, chúng tôi chờ, chúng tôi hy vọng thầy hay cô của môn học này không xuất hiện.  Chúng tôi mong thầy hay cô bị bịnh để chúng tôi được nghỉ giờ học này đó thôi.
         Học sinh lớp đệ lục và đệ ngũ ”được” cắt phiên giúp việc văn phòng vào buổi sáng, khoảng một tháng một lần.  Làm lẩn quẩn ở văn phòng chứ có bao giờ tôi dám ngó mặt thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng lần nào đâu.
         Cộng điểm, sắp xếp giấy tờ, đưa thông báo cho từng lớp. Chuyện đi đưa thông báo cho từng lớp, với tôi, vừa thích vừa sợ. Thích vì ”được” cả lớp ngừng bút và ngước nhìn khi mình đi vào lớp. Sợ vì đó là những lớp đàn anh đàn chị nên chân quýu lên. Thường thì mỗi lần đi đưa thông báo chúng tôi phải đi 3-4 đứa với nhau để hỗ trợ cho tên cầm thông báo vào lớp đưa cho thầy cô.
Năm đệ ngũ, cơ thể tôi chỉ phát triển chiều dài và cái áo dài mini không chít eo làm người tôi lêu nghêu, mỏng dính. Một hôm tôi vào lớp nhất B1, tôi nhớ lớp này vì đây là lớp anh Nguyễn Tấn Hùng, anh của Thanh Bình, lớp có nhiều anh tên Hùng, học giỏi có tiếng. Khi tôi vô lớp, anh nào đó, giọng cố ý não ruột, thở dài thật mạnh, buông một chữ gọn ơ: Omega! Cả lớp cười ầm lên, thầy Ân cũng cười cười có vẻ tán thành lời phê bình ”ngoạn mục” ấy. Tôi không hiểu gì cả, nhưng chỉ muốn khóc, muốn chạy lẹ ra ngoài vì giọng cười hô hô châm chọc.
         Nữ sinh chúng tôi không bao giờ dám dừng chân ở những quán nước dọc đường Nguyễn Hoàng.  Nhất là cái quán bên kia trường, không dám ngó chứ nói chi chuyện ghé mua ly đá chanh. Nếu đến trường sớm, cổng chưa mở, đám nữ sinh đứng tụ năm tụ ba trước cổng nhưng xoay lưng như sợ ai đó ở quán nước bên kia đường… ngó mặt.
       Hôm nào túi rủng rỉnh vài đồng, giờ ra chơi, chúng tôi chen nhau mua cho được ly đá nhận, ly đá chanh muối hay gói kẹo gừng ở quán sau cổng nhỏ, trong khuôn viên trường. Chẳng phải thèm ăn, chỉ muốn chen lấn hòa vui theo đám đông. Tự động, bạn bè thay phiên ”bao” nhau. Nhỏ Thanh Bình hầu như lúc nào cũng có rủng rỉnh trong túi nên hào nhoáng bao đám bạn năm đứa chúng tôi đều hơn.
Chúng tôi thuộc thế hệ biết bập bẹ khi cuộc chiếc hiện rõ sau hiệp định Geneve và lớn lên theo nhịp độ của làn pháo kích vào thành phố, của tiếng đại pháo văng vẳng ngoài miền quê và những trận đụng độ càng lúc càng sôi động, thì không nhắc đến chiếc tranh là một điều thiếu sót.
      Vâng, chiến tranh sát kề đó, lẩn quẩn đâu đó trong đời sống an bình, nhưng không làm vẩn đục tuổi mới lớn của chúng tôi. Một chút thương cảm cho những người đàn bà than khóc dọc đường đến bệnh viện khi nghe tin chồng con bị nạn sau một vụ đụng độ.Một chút kiêu hãnh khi có vài ông anh họ là sĩ quan ngồi xe jeep đến thăm ba mình.Một chút tò mò khi thấy đoàn ”convoy” rần rần chạy dọc quốc lộ I trên đường di chuyển xuyên thành phố. Một chút xúc động qua những bài hát về nỗi đau mất mát trong cuộc chiến.
         …Thế thôi! Những ”một chút” đó thỉnh thoảng hiện lên như hạt lúa lẫn trong chén cơm trắng thơm, vô tình mà hiện ra, chứ không do thầy cô hay sách vở hoặc phe nhóm, đảng phái nào, càng không do chính quyền đương thời cố tình gieo mầm, chủ tâm lôi kéo tuổi trẻ chúng tôi vào cuộc chiến ý thức hệ này.Nếu có thì đó là những lần được đưa đi thăm thương binh ở bệnh viện Mạnh Hoạch nằm trên đồi Căng, hay đi tặng quà ủy lạo chiến sĩ ngoài tiền đồn những ngày sắp Xuân, nhưng hoàn toàn tự nguyện và nằm ngoài giờ học. Nếu có thì đó là những lần được khuyến khích thêu khăn tặng chiến sĩ. Và chúng tôi tẩn mẩn từng đường kim mũi chỉ, ngấm ngầm hãnh diện về hành động đóng góp nho nhỏ này, một đóng góp chỉ hoàn toàn do tình người khơi dậy.
        Nghĩ đến đây, tôi rất kính phục tấm lòng yêu trẻ chân thật của thầy cô, của chính quyền thời này. Bởi trường học, chính quyền đã nhặt bỏ mọi gai góc thù hằn của cuộc chiến để dọn một con đường có cỏ xanh êm chân, đã giang tay làm bóng mát che cái nắng chiến tranh gay gắt, cho chúng tôi có một tuổi thơ trong sáng đúng nghĩa.
        Đến lớp đệ ngũ mà tôi vẫn còn ham chơi, từ sáng tới chiều tối, từ phố Ba Mươi Căn lên Đại Nẫm, Phú Hội, đánh đu đánh đàng với bạn gái bạn trai, anh chị em họ hàng nội ngoại, nên chuyện học của tôi như chuyện ăn cơm hàng ngày. Có bài thì học, quỡn không ai chơi chung thì lấy sách ra đọc, tìm vài bài toán ra làm thêm, cho vui! Nhưng tôi cũng thuộc loại được xếp từ hạng 10 đến hạng 2 mỗi tháng, trong số đó thường xuyên có Đức, Như Thao, Thi Hương... Tôi chẳng thiết tha tranh đua với Thanh Bình, Minh Ngọc, Phương Mai cái hạng nhất. Chắc tại biết thân, có cố tranh thì cũng chẳng khá gì hơn vì tôi chỉ giỏi toán nhưng kém Anh văn và không biết gạo bài, thì giờ đâu mà gạo bài!
      Năm đệ ngũ, những cây phượng già cằn cỗi được thay bằng những cây phượng cao không tới một mét. Chúng tôi tình nguyện mấy ngày giúp ông cai trường trồng, tưới, và nhủ với nhau rằng: Mai mốt hoa phượng đỏ nở rộ sân trường thì mình có dịp khoe với con cháu là có công của tụi mình đó nghen.
Bước chân biết giữ kẻ
      Lên lớp đệ tứ, được đi học buổi sáng, bước chân bỗng nhiên không còn ”đi như bay” trên đường Nguyễn Hoàng có nhiều quán nước. Lớp tứ A1 học ở dãy sau nên mỗi sáng khi chuông reo, chúng tôi phải bị chiếu tướng từ đôi chân vẫn còn mang dép mủ đến mái tóc đã biết gội bồ kết cho bóng mượt của các anh lớp đệ nhị phòng đầu ở tầng dưới của dãy lầu.
       Hình như có sự xếp đặt cố ý thông cảm của ban giám hiệu. Liên lớp đệ tứ được xếp đứng thẳng góc với liên lớp đệ nhị, phía bên trái nếu nhìn từ văn phòng. Liên lớp đệ tam được xếp đứng thẳng góc với liên lớp đệ nhất, phía bên phải. Tứ-nhị, tam-nhất, vừa quá đi chứ! Chứ với lớp đệ nhất, lớp đệ tứ chúng tôi vẫn chỉ là ”con nít”; còn với lớp đệ tứ chúng tôi, lớp đệ tam còn ”nhỏ” quá. Đó là phần nữ sinh vì con gái chúng tôi luôn ngửa cổ đặng nhìn cho cao.
       Tôi chưa biết liếc mắt nhưng đã biết ngoãnh mặt lẩn tránh ánh mắt ai và cũng chẳng thiết tha tìm hiểu tên ai đó là gì. Mấy nhỏ bạn cũng như tôi thôi, biết chậm bước chân, biết ngoãnh mặt ”làm cao”, rồi thôi.
Có nhiều thầy cô trẻ về trường làm xôn xao tiếng thì thầm bàn tán. Cô Hà dạy môn công dân mình dây đẹp chuẩn, cô Thoa giọng Huế ngọt đậm và có tiếng ”nẩy lửa” từ miệng các anh lớp lớn, thầy Trực thư sinh tránh nhìn nữ sinh, cô Hoàng Bắc nữ sinh ”mi nhon”… Chúng tôi được học cô Thoa, được ăn nồi chè thơm ngon trước sân gạch nhà trọ của cô ở đường Hải Thượng Lãn Ong và cũng từ đó được quen với vài bạn trai cùng liên lớp: Quí Anh, Ngọc Tài, Nhẫn, Nhân, Phú Hải, Minh…
        Đang học lớp đệ tứ thì bộ giáo dục thay đổi tên gọi. Cả hệ thống lớp học được gọi theo thứ tự từ lớp một đến lớp 12, nên chúng tôi trở thành lớp 9 A1. Lúc đầu hơi ngượng miệng nhưng dần dần cũng quen thôi.
 Không hiểu sao, năm lớp 9 tôi tự nhiên bớt ham chơi rong, học giỏi hơn, có mặt thường xuyên hơn trong số ba người được bảng danh dự mỗi tháng. Cuối năm, ở rạp Ngọc Thúy, tôi được lãnh phần thưởng hạng nhì, cùng hạng với Minh Ngọc, và đương nhiên Thanh Bình lãnh phần thưởng hạng nhất.
         Lần đầu tiên lãnh thưởng, nhìn xuống hàng ghế quan khách, nhìn thấy thầy cô Đức-Mỹ ở sát nhà tôi, lòng tôi vừa hãnh diện vừa hơi chút chua xót. Hãnh diện vì hàng xóm biết tôi học giỏi. Chút chua xót là nhà trường cư xử bất công. Thầy cô Đức-Mỹ không có con được lãnh phần thưởng nhưng được mời dự trong khi Ba Má tôi không được mời. Hồi chị Hai tôi được lãnh phần thưởng hạng nhất, trường cũng chẳng mời Ba Má. Không phải chỉ Ba Má tôi mà hầu hết những Ba Má có con học giỏi nhưng nếu không quen biết thì cũng ngồi nhà trong khi con mình lãnh phần thưởng, không được chia phần hãnh diện từ những tràng pháo tay. Hình như đó là cách suy nghĩ thời ấy vì khi tôi đổi vào trường Quận 8 ở Sài Gòn năm 1972, Ba Má tôi cũng chẳng được mời khi tôi được lãnh phần thưởng hạng nhất.
         Năm nay, thầy cô tổ chức những nhóm sinh hoạt thêm vào buổi chiều như: nhóm nhiếp ảnh, nhóm sử địa… Trong nhóm nhiếp ảnh có Trương Hoa Sanh. Trần Đình Nhân… cô Thu Hà, thầy Bình… Thỉnh thoảng, trên chiếc xe đạp, chúng tôi đi xa thành phố để săn ảnh.
        Tôi được ba cho cái Canon đen có ống kính thu hình xa gần nên phần kỷ thuật, cách sắp xếp đưa cảnh vật vào khung ảnh, cách lấy ánh sáng, cách rửa phim… coi cũng kha khá. Nhưng khi săn ảnh thì đầu tôi mù tịt, không có khả năng khám phá, không có óc mỹ thuật và càng không biết cảm nhận cái đẹp thiên nhiên nên tôi chẳng có tấm nào để lưu lại. Đến cuối khóa, mỗi học viên phải có một tấm với đề tài hẳn hoi mà đầu tôi vẫn là bánh đúc bột gạo đặc sệt. Túng quá, tôi bèn dụ một anh học lớp 10 (quên tên). Tôi cho anh mượn máy chụp và anh sẽ săn dùm tôi một tấm cho tôi nộp thầy.
Mắt biết nhìn ngang nhưng vẫn ngơ
       Năm lớp 10, 1970, chịu ảnh hưởng vô hình của tinh thần nam nữ bình quyền bình đẳng đang đẩy mạnh thời bấy giờ, nữ sinh mạnh dạn chọn ban toán khá cao. Số nữ sinh lớp 10 B3 ban Anh văn chúng tôi chiếm gần một nửa chứ không là 1/5 hay 1/6 như mọi năm trước. Và cũng từ năm lớp 10, học sinh trường bán công Phan Chu Trinh, một số học sinh giỏi trường tư thục Chánh Tâm và Bồ Đề, học sinh từ các trường công lập ở các quận Mũi Né, Phan Rí, Ma Lâm… được chuyển vào trường Phan Bội Châu. Liên lớp 10 học ở dãy phòng mới xây thêm, ngang dãy sau, nối với sân vận động.
       Năm nay gia đình tôi chia hai. Ba đổi vô làm ở Sài Gòn, chị Hai chị Ba và Tám vào ở chung với Ba để tiện chuyện học hành. Tôi, Động, Bảy và Bé ở lại Phan Thiết với Má vì Má còn phải giữ mối làm ăn. Má tôi buôn bán thường xa nhà. Mỗi chuyến đi buôn, má mua sẵn những thức ăn căn bản, đưa tôi một số tiền chợ và cho các em ăn vặt.
        Ba Má tôi xưa nay không bao giờ kèm chân giữ tay con cái vào chuyện học hành, cho nên khoảng thời gian này dầu Ba Má thường xuyên vắng nhà, chúng tôi vẫn không vì thế mà cảm thấy tự do hơn, hay lười học.
        Cảnh nhà hiu quạnh. Trong nỗi buồn côi đơn, vừa sợ ma ở những cây bần sau nhà, vừa sợ ma ở cây điệp già nhà bác sĩ Quí phía trước, cả bốn chị em mỗi tối ngủ chèo queo chung với nhau ở bộ ván gỏ nâu bóng nhà giữa, trong cái mùng Má đặt may theo kích cở cho phủ toàn bộ ván.
      Năm nay em Bảy cũng thi đậu vô trường Phan Bội Châu, nhưng không còn là niềm hãnh diện lớn như năm năm trước vì trường mở rộng nên tỉ lệ đậu hầu như 1 trên 2. Chiều chiều, cơm nước xong, nhớ Ba Má, nhớ cảnh gia đình đầy đủ, hôm nào có tiền đổ xăng, tôi thường an ủi hai em bằng cách chở Bảy và Bé trên chiếc Honda xanh lục chạy vòng phố chợ, qua cầu Trần Hưng Đạo mới xây, dọc con đường mới, ra cầu Sở Muối, trở lại đường Nguyễn Hoàng, về lại đường Hải Thượng Lãn Ong. Có lẽ do cảnh gia đình phân tán, sức học tôi sút thấy rõ.
        Lúc này các nhà giàu bên phố có phong trào mướn ”thầy” dạy thêm cho con, nhất là các tiểu thư thường cần được kèm thêm môn toán. Chị Ngọc Lan chị của Thanh Bình học hơn chúng tôi ba lớp, nổi tiếng học giỏi nên được nhiều gia đình mời dạy. Từ đó chị giới thiệu tôi và Thanh Bình đi dạy thêm.
Tôi học lớp 10, dạy thêm môn toán cho một em lớp Tám. Thiệt tình tôi chẳng biết dạy thêm ra sao. Trên căn gác, chúng tôi lấy quyển sách toán ra, lớp học tới đâu thì cứ đó mà cùng nhau làm, đúng thì tôi gật đầu, khó thì tôi chỉ cách giải. Tôi không đủ khả năng sư phạm để tìm hiểu xem em yếu phần nào, em cần giúp thêm phần nào. Mỗi tuần hai đêm, bên ly sinh tố mát lạnh, hai chị em làm toán, chuyện trò.
         Lương chắc khá nên trên đường về, tôi thường ghé tiệm bánh Mỹ Hưng ở đường Gia Long mua bánh gai thơm dòn, bánh chảy béo ngậy, bánh men tan ngọt lịm, cho các em. Cũng trên đường về, khoảng vườn bông nhỏ, thỉnh thoảng và tình cờ, Phú Hải chạy xe Honda từ phía sau, ngừng, ra dấu biểu tôi lên xe. Cứ thế, lần này qua lần kia, tôi tự nhiên lên ngồi phía sau, không chuyện trò một tiếng và hình như cũng chẳng có lời cám ơn khi xe ngừng trước nhà. Vậy thôi! Lạ thiệt!
         Một hôm, sau cơn mưa dai dẳng, nước từ nhánh sông sau nhà dâng lên từ từ. Lúc đó nhà chỉ có bốn chị em, tôi là chị lớn. Nấu xong nồi che đậu đen béo ngậy thơm mùi gừng thì mực nước lan lên phòng khách. Vui quá, chị em tôi đứng trên ghế ”salong” ăn chè cho mau để chạy ra đường coi hàng xóm nhốn nháo. Chợt nhớ cái xe Honda, tôi và Động hì hục khiêng cái xe lên bộ ván. Xong! Yên chí ra đường… ngó.
Khi nước liếm bộ ván thì Nhân, Nhẫn, Quí Anh, Phú Hải, Ngọc Tài và vài bạn nữa trong lớp 10B3 lội nước đến nhà tôi với ý định ”cứu trợ”. Tôi ngạc nhiên, nhủ thầm ”Mèn… có gì đâu mà cứu!” Ai đó chỉ chiếc xe Honda trên bộ ván và đề nghị khiêng lên gác. Khiêng thì khiêng! Nhưng… Nhắm tới nhắn lui, cầu thang hơi chật, hơi dốc. Thôi! Chắc nước không lên nữa đâu! Thật vậy, nước bắt đầu rút.
          Sáng hôm sau ông Ngoại xuống coi ngó lũ cháu. Chừng đó ông mới lôi ra, nào quần áo trong tủ, nào mùng mền, sách vở, nào chén tô cho đám giỗ ngày Tết… ướt nhẹp, nhầy nhụa vì nước từ nhánh sông vốn toàn bùn dơ.
        Lớp 10 B3 bàn nhau ra báo. Nhà tôi có máy đánh chữ, thế là Ngọc Tài và Nhẫn thường rủ nhau lên căn gác rộng mát đánh máy bài vở. Tôi chẳng có khiếu viết gì cả nhưng nằm trong ban báo chí vì ham vui, ham tụ tập bạn bè, và chỉ làm vai ”vịn”. Có lần, đám bạn cả nam lẫn nữ còn rủ nhau ”làm báo” ở nhà Thiện bên Bình Hưng. Tiếng là ”làm báo” nhưng chỉ có cớ tập họp tán dóc, báo cơm cả ngày và ngủ qua đêm luôn. Thiệt tình!
         Tiếng là trong nhóm sử địa sẽ được một chiến hạm đưa ra đảo Phú Quí tham khảo, nhưng vì là bạn của Mỹ Lệ, con gái út ông tỉnh trưởng mới chuyển vào lớp 10 B3 nên chúng tôi: Thanh Bình, Minh Ngọc, Mỹ Hoàng, Đức, Thiện… tụ họp nhà Mỹ Lệ (dinh tỉnh trưởng) buổi chiều để đêm đó được đưa trực tiếp ra chiến hạm.
        Tàu ra khơi, đang đứng trên boong tán dóc thì trời gió thổi mang theo những giọt mưa khá nặng hột. Chúng tôi được đưa vào phòng khách có những bàn tròn với khăn trắng phủ tận nền. Chưa kịp uống hết ly nước cam do các anh thủy thủ đeo găng trắng, áo quần thẳng nếp mời, chưa kịp tận hưởng sự ưu đãi lần đầu tiên được có trong đời thì nền tàu bỗng như nghiêng ngữa, đầu óc tôi mờ mờ. Ai dìu vào phòng, phòng của ai, tôi không hay biết gì cả. Không hiểu là tôi tự lăn từ trên giường xuống hay bị rớt xuống vì độ nghiêng con tàu theo cơn bão lớn bên ngoài, tôi bò lết vào phòng tắm theo từng cơn ói thốc. Lần đầu tiên biết thế nào là ói tới mật xanh. Cho tới khi không còn gì để ói nữa, chất đắng nhờn thôi thúc từ bụng trào ra theo cơn sóng nhồi thì đất và trời cũng nhập thành một trong đầu tôi.
         Tiếng cười dòn của nhỏ bạn nào đó đánh thức tôi dậy. Mở mắt ra, thấy mình nằm trên giường nệm rộng phủ ra trắng tinh bên cạnh ba hay bốn nhỏ bạn khác cũng đang ngơ ngơ ngác ngác, áo quần nhếch nhác.
       Mỹ Lệ hối thúc chúng tôi rửa mặt đi ăn cơm. Giờ mới hiểu ra: Đêm qua bão lớn, chiến hạm phải đổi hướng và đưa chúng tôi ra Vũng Tàu. ”Ai đó” cho đám bạn của con gái ông tỉnh trưởng vào hai phòng ngủ. ”Ai đó” cho chúng tôi một bữa ăn cơm thịnh soạn. Trong bàn cơm, qua lời thì thầm, chúng tôi mới biết ”ai đó” chính là tướng Đôn. Và cũng chính ”ai đó” đã cấp một sĩ quan đưa chúng tôi thưởng lãm khắp Vũng Tàu trước khi đưa về Phan Thiết.
         Đến hè, 1971, Má dẫn chị em tôi vài Sài Gòn chơi với Ba. Chừng một tháng, sau chuyến về Phan Thiết, Má trở vô Sài Gòn, theo đó là một chiếc xích lô máy chở đầy nhóc bao và thùng. Chừng đó lủ con mới chưng hửng, hiểu ra là vì không muốn thấy cảnh gia đình phân tán, ba má quyết định bán nhà, dọn vô Sài Gòn.
      Thế là chúng tôi giã từ căn nhà yêu dấu luôn rộn tiếng cười đùa, giã từ hàng xóm thân tình phố Ba Mươi Căn, và giã từ bạn bè thân thương. Không tiệc chia tay! Không lưu bút! Không bịn rịn bồi hồi!
        Ba ghi tên cho tôi và Động học thêm lớp toán lý hóa ở đường Phan Đình Phùng. Từ bao năm, qua lời kể của anh chị lớn, tôi luôn hãnh diện là học sinh trường Phan Bội Châu – Phan Thiết nổi tiếng giỏi toán trên toàn quốc. Nên khi thầy hỏi chúng tôi trước học ở đâu, tôi hãnh diện trả lời: Trường Phan Bội Châu và nhấn mạnh Phan Thiết. Thầy chẳng mở một lời khen trường tôi, ánh mắt thầy chẳng mang chút khâm phục khi nhìn tôi, một gương mặt của trường Phan Bội Châu Phan Thiết. Thất vọng não nề, tuần sau tôi không đi học cái lớp toán lý hóa đó nữa.
           Đôi khi nghĩ lại, tôi tiếc. Tiếc là tôi không được trải qua hai năm cuối cùng của bậc trung học ở trường Phan Bội Châu, hai năm của quãng đời học sinh mang nhiều chất lãng mạng của tuổi tóc mượt. Tiếc là không được chia xẻ với bạn bè những mộng mơ thầm kín thời mắt biếc. Tiếc là không được chứng kiến những cuộc tình mộng xanh của bạn bè. Và… và… biết đâu tôi cũng có… một cuộc tình non mượt nơi trường Phan… như mấy nhỏ bạn của tôi.

                                                                   Võ Thị Điềm Đạm ( PBC73)

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..