22 thg 8, 2012

NHỮNG CÁI TÁT TAI CỦA THẦY LÊ TÁ

                                                               
         Hồi thập niên 50 của thế kỷ trước, chuyện thầy cô giáo đánh học sinh là chuyện thường ngày, kể cả học sinh trung học đệ I cấp.  Sang những năm đầu thập niên 60, các thầy cô giáo trung học, được gọi là giáo sư, không còn dùng thước kẻ gõ lên vai, lên đầu hay vào tay học sinh trung học, có lẽ vì...nể nang các em đã lớn, không muốn các bị quê, nhất là khi chung quanh lại có phất phơ mấy tà áo dài trắng. Dù vậy, thỉnh thoảng cũng bị thầy cô ký vào đầu.  Duy chỉ có một thầy vẫn tiếp tục đánh học sinh, đúng ra là thầy bợp tai, đó là thầy hiệu trưởng Lê Tá.
       Thầy Lê Tá bợp tai bất cứ học sinh nào lớn nhỏ, bất cứ lổi nặng nhẹ, bất cứ chỗ nào trong phạm vi sân trường.  Mặc đồng phục không đúng: bợp tai.  Không mang bảng tên: bợp tai.  Chọc ghẹo nữ sinh: bợp tai...v.v...Mỗi khi bị thầy bợp tai, ngay lập tức có thầy Kỳ, hoặc thầy Công  ra lôi cổ học sinh vào văn phòng  và cho điểm 0 vào môn "Hiệu Đoàn".  Đây là môn chẳng ai học, chẳng ai dạy, và chỉ có điểm 0, cứ tạm coi đó là điểm kỷ luật.  Thầy Lê Tá mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, chẳng bao giờ thấy thầy cười, lạnh lùng còn hơn tượng đá công viên.  Các thầy hiệu trưởng tiếp sau thầy, thầy Hiển, thầy Đào Trữ, cũng không cười.  Thầy Đào Trữ mỗi lần quát nạt học sinh thì toàn sân trường rộng mênh mông đều nghe. Thầy Tùng, thầy Vũ sau này cũng chỉ cười khi đã rời ghế hiệu trưởng.  Những học sinh nghịch ngợm, hoặc đã từng ăn bạt tai của thầy Lê Tá rất ngán cái uy của thầy.  Bước vào cổng trường là hai con mắt lấm lét, hễ nhìn thấy thầy ở đâu là... tìm hướng khác mà đi.
        Niên khóa 63-64, ngoài sự bận rộn của chức vụ hiệu trưởng một trường lớn, không hiểu vì thiếu giáo sư hay vì sở thích, thầy Lê Tá đã chọn một lớp để giảng dạy môn Pháp Văn, thầy chọn đúng lớp tôi. Năm Đệ Tam là năm " dưỡng lão", gặp giờ của thầy kể như gặp xui, cả lớp đều nghĩ vậy. Nhưng đã lầm to ! Thầy Lê Tá có hai khuôn mặt, nghiêm nghị với toàn trường, nhưng lại vui vẻ bao dung trong giờ giảng dạy. Do vậy chúng tôi rất thích học giờ của thầy. Ai không thuộc bài thầy cho khất tuần sau rồi thầy quên luôn.
        Biến cố 01-11-1963 đã làm thay đổi trường PBC khá nhiều.  Do những áp lực chính trị tạm thời, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã thuyên chuyển thầy đi. Một buổi sáng đầu tháng 11-63, chúng tôi tới trường như thường lệ. Trước văn phòng hiệu trưởng - chung tòa nhà với tư thất gia đình thầy - đồ đạc đã được gói ghém, ràng rịt chất đống. Ai cũng hiểu gia đình thầy sắp ra đi, nhưng không lẽ âm thầm như thế sao! Không hiểu thầy có cơ hội từ giã đồng nghiệp ở phòng giáo sư hay không? Tôi đoán là không.Thầy cũng không có dịp nói lời chia tay với toàn trường. Vì sáng đó có giờ Pháp văn, nên thầy chọn lớp tôi để nói lời từ giã. Sau mấy phút tâm sự, thầy hỏi:
         -Trường ta những năm thầy làm hiệu trưởng, năm nào cũng có sĩ số đậu  Trung Học và Tú Tài rất cao, được xếp vào những thứ hạng đầu toàn quốc.  Bằng khen của Bộ Giáo Dục treo la liệt trên văn phòng. Các em có biết tại sao?
          Nguyễn Minh Cảnh như sợ bị ai cướp lời, đáp thật nhanh:
         -Thưa thầy, con nghĩ là nhờ những cái tát tai của thầy.
        Câu trả lời quá bất ngờ khiến cả lớp ngỡ ngàng  Tất cả nhìn thầy như chờ đợi phản ứng Nét mặt thầy dịu lại như muốn cười, cặp mắt đỏ hoe, ở khóe mắt có đôi giọt lệ. Chúng tôi nghe thấy có tiếng thút thít ở mấy bàn bên phía nữ sinh. Thầy khe khẽ gật đầu, khuyên bảo vài câu cuối cùng rồi rời lớp học. Đến giờ ra chơi, chúng tôi ra sân trường nhìn về phía nhà thầy, đống hành lý không còn đó nữa. Thầy và gia đình đã ra đi, vĩnh biệt trường PBC, nơi hàng chục năm thầy đã đổ biết bao tâm huyết, đã tát tai biết bao học sinh chỉ vì mục đích như thầy nói: "Để cho các con thành đạt".
       Giờ đây, tôi, một học trò trong hàng ngàn học trò của thầy, đã ở lứa tuổi gần "tuổi cổ lai hy", trên đầu chỉ có một thứ tóc - tóc bạc -, mỗi lần nhớ về trường cũ, nhớ lại hình bóng thầy, tôi có cảm tưởng như hai cái má của mình cũng đang ... giật giật.
      
                                                                 NGU
YỄN AN ĐOÀN  PBC. 66
                                                                                      Norway, Mùa Xuân 2012


Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..