22 thg 8, 2012

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ




            Thời gian trôi qua thật nhanh, mới thấm thoát đó mà đã biết bao năm xa cách quê hương. Ngày trở về thăm  chốn cũ, lòng tôi nôn nao tìm lại ngôi trường  xưa, ngôi trường PHAN của một thời thơ mộng khó quên.
          Chiều hôm ấy, tôi vội vàng đến thăm nhà người chị thứ Tư đối dìện chợ Phường ,cái chợ nhỏ hiện hữu lâu đời mà từ bé  tôi đã nhìn thấy và gần gũi khi tôi thi đậu vào trường Trung học Phan bội Châu, Phan Thiết. Cái trường gi` mà khó khăn quá, phải tận dụng cái đầu nhỏ bé của mình để ăn thua đủ với biết bao thí sinh khác mới đặt chân vào được. Luyện thi vào đệ thất mà chẳng khác gì như thi tú tài, phải thức khuya dậy sớm trong lứa tuổi còn mê ăn, ham ngủ hơn là học hành, cái tuổi còn hay vòi vĩnh nũng nịu với mẹ cha. Với sức ép của phụ huynh để được vào học ngôi trường công lập duy nhất và nổi tiếng nầy, tôi đã phải trải qua biết bao khốn đốn, bầm dập trong suốt năm học lớp Nhất. Tôi nhớ đến thầy Từ Ngọc Nam chuyên dạy luyện thi đệ thất. Thầy có biệt danh mà chúng tôi ví ngầm với nhau là "Búa Thần". Cái búa bằng cao su, trông dáng ngoài cưng cứng, cán sắt dài hơn ba tấc, lúc nào cũng lăm le trong tay Thầy . Mỗi khi lên bảng chúng tôi đứa nào cũng ngán, tơ lơ mơ là ăn búa ngay.  Sau này lớn khôn và từng trải trong cuộc sống, khi ngồi ôn lại những kỷ niệm buồn vui trong chuỗi ngày thơ ấu, Hữu Anh tôi mới nhận chân được một điều là sự nghiêm khắc của thầy vốn dĩ bắt nguồn từ sự tận tâm và lòng thương yêu đối với những đứa học trò nhỏ tuy có phần nào ngỗ ngáo nhưng lại hoàn toàn ngây thơ và vô tội này, cũng như ý thức trách nhiệm của thầy đối với những bậc cha mẹ đã đặt trọn vẹn niềm tin và tương lai con cái của  mình cho thầy. Thầy quả thật đã không phụ lòng kỳ vọng của mọi người.  Học trò dưới sự dạy dỗ của thầy hầu như năm nào cũng đat đến tỷ số 99% thông qua kỳ thi tuyển vào trường Phan Bội Châu.
          Sau hơn một giờ hàn huyên tâm sự với anh chị và các cháu, tôi tản bộ ngang qua ngôi trường thân yêu tràn đầy kỷ niệm. Ngôi trường đã để lại trong tôi biết bao là hình ảnh thân thương mà tác động của thời gian và những thăng trầm trong cuộc sống vẫn không thể nào làm phai mờ. Đứng trước cổng trường "Trường Trung học Phan Bội Châu", tôi nghe lòng mình như bị chao đảo bởi những đợt sóng vô hình. Bên tai tôi như vang vọng những âm thanh hỗn loạn của tiếng cười đùa, tiếng kêu gọi nhau ơi ới, tiếng hát chào quốc kỳ, tiếng gió đẩy đưa, tiếng sáo diều réo rắt ...  Ẩn hiện chập chờn là môt Hữu Anh của ngày xưa đang đứng lẫn lộn với những đứa bạn đồng song vào ngày tựu trường trong bộ đồng phục áo trắng với quần xanh màu nước biển dài thậm thượt.  Lại còn... nầy dây nịt, nầy bảng tên, nầy chiếc cặp táp lớn quá khổ mà Mẹ mua cho như là một món quà thi đậu, nầy đầu tóc hớt "demi court"; tất cả đều mới toanh hảo. Trong tôi như bừng dậy cái cảm giác "cao cao tại thượng" của mình vào lúc bấy giờ.  Cái cảm giác của một đứa bé đang ngụp lặn trong niềm hãnh diện vì nghĩ rằng, mình là một học sinh giỏi nên mới được chấm trúng tuyển vào lớp đệ thất của một trường trung học công lập nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận - Trường Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết - Đây không hẳn là một niềm hãnh diện của chỉ riêng tôi mà là của cả một đại gia đình. Tôi làm sao quên được những tiếng reo hò của anh chị tôi, những nụ cười rạng rỡ của Ba Má tôi, những ánh mắt nồng ấm của ông bà tôi khi tiếp nhận tin vui. Từ bậc tiểu học bước sang trung học quả thật là một bước ngoặc lớn trong quảng đường cắp sách đến trường. Từ một thằng bé của thời tiểu học, đi học mặc quần 'short', tan học về đến nhà, cởi áo vất đại đâu đó, để mình trần, quần xà lỏn thì tụt xuống kéo lên, đi lân la khắp xóm.  Một tay ôm lon dế, một tay cầm cây tăm nhang có một đầu cắm vào đầu lâu một chú dế bại trận để làm đồ nhử, khích động cho chú dế đang lâm chiến say máu, vị chủ vong thân. Trong đầu óc non dại của tôi lúc bấy giờ, tôi thấy mình như đã lớn hẳn lên chứ không còn là một cậu bé nữa. Niềm hãnh diện này đã được nuôi dưỡng theo thời gian để sau cùng biến thành niềm tự hào đã từng là một học sinh của Trường Trung Học Phan Bội Châu. Niềm tự hào này đã đeo đẳng theo tôi và lúc nào cũng hiện hữu trong tôi trên mọi nẻo đường trong suốt cả cuộc đời. Tự hào không phải vì những thành quả của bản thân  mình mà vì đã được theo học tại một ngôi trường đã hun đúc ra không biết bao nhiêu bậc tài danh trong các lãnh vực văn học, nghệ thuật, âm nhạc v..v.., cũng như những anh hùng, liệt nữ đã xem nhẹ tử sinh, đóng góp kiêu hùng trong cuộc chiến bảo vệ tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Trong cuộc sống đời thường, đôi khi bất chợt tai nghe, hoặc mắt thấy những gì có liên hệ xa gần đến ngôi trường thân yêu này là tôi thấy mình như trẻ lại trong cái thân xác đã quá mõi mòn với những căng thẳng liên tục trong hơn 50 năm vật lộn với cuôc sống từ trong nước cũng như ở hải ngoại. Và lúc tôi thấy tâm tình mình bỗng dưng trở nên êm ả, dễ chịu và hiền hòa hơn nhiều, thật nhiều.... 
Thời gian rồi cũng qua đi. Con người dù ở trường học hoặc trường đời rồi cũng theo với tháng năm mà đổi thay, duy chỉ có kỷ niệm là tồn tại và bất biến. Ngôi trường thân yêu của tôi vẫn còn đó nhưng đã mất đi phần nào sự sống động và tươi mát của ngày xưa. Cái sân banh mà ngày ngày tôi vẫn thường tìm cách dối cha dối mẹ để đi học sớm, leo rào vào chia phe, bất kề nắng mưa, tranh nhau trái bóng không biết mệt mõi,  giờ đây đã xuống cấp cực độ. Bức tường vây quanh một phần đã đổ nát và được chắp vá  bằng những mảng rào xiêu vẹo, phần còn lại thì xác xơ, sắc màu ảm đạm với rêu phong phủ kín. Tất cả đã vẽ lên một bức tranh thật tang thương, khiến tôi không khỏi ngậm ngùi với những nuối tiếc về một thời rực rỡ đã qua.  Giáp với sân banh  là dãy lầu nằm đối diện với văn phòng, tuy cũng vẫn là dãy lầu của thập niên 70 và mặc dầu đã được quét vôi lại nhưng sao trong mắt tôi lại có nét u buồn, tiều tụy. Nhìn những lớp học mà ngày nào tôi ngồi đó cùng với bạn bè, lắng nghe những lời giảng dạy của thầy cô, tôi lại nghĩ đến những giây phút ồn ào, nhiệt náo trong giờ ra chơi và những lúc tan trường. Tất cả đã mang đến cho tôi những rung động thật mãnh liệt. Một cảm giác luyến tiếc, nhớ thương và thèm khát sống lại với những thời khắc của tuổi thơ như bừng dậy trong tôi. Nhìn qua cổng trường là một bức thạch tượng cụ Phan Bội Châu xoay mặt ra đường.  Bức tượng có lẽ chỉ mới được thực hiện vào những năm sau này. Tôi vội cất bước đến gần để chiêm ngưỡng hình tượng của một nhà chí sĩ cách mạng mà tên tuổi đã lưu danh vào sử sách. Trời Việt Nam đã sắp vào Hạ nên thời tiết cũng có phần oi bức, nhưng sao tôi lại cảm thụ một khí tức lành lạnh từ bức tượng toát ra. Không biết khí lạnh này phát sinh từ chất liệu của bức tượng hay từ nét trầm tư, u uất của gương mặt dưới bàn tay điêu khắc của nghệ nhân.  Chỉ mong sao đó chỉ là một bức tượng vô hồn để người chí sĩ khả kính không phải thêm một lần miên viễn xót xa cho những bất hạnh của con dân nước Việt, trong cuộc sống thực tại và trước viễn ảnh của hiểm họa ngoại xăm.  Ngôi trường mang tên cụ và tên của cụ đối với tôi sao mà gần gủi, sao mà thân thiết, dường như đã trở thành bất khả phân ly trong đời sống tâm linh của tôi. Tôi chợt thấy bàng hoàng với sự liên tưởng đến hình ảnh một cội cổ tùng sừng sững giữa trời cao đất rộng đang phủ rộng cành lá sum suê để che chắn nắng mưa cho những mầm non đâm chồi nẩy lộc. Hay đúng hơn, là hình ảnh của một đấng từ phụ, dù đã phải trải qua bao phong ba bảo táp, cũng vẫn dang rộng đôi vòng tay bao dung để ôm ấp, chở che cho những thế hệ trẻ tiếp nối nhau trước những nghiệt ngã của cuộc đời theo với vận nước nổi trôi.. 
            Miên man với hoài niệm, tôi lang thang trong vô thức và chợt choàng tỉnh thấy mình đã đặt chân đến trước mặt tiền của một căn phố mà trước kia là quán cafe Nhất Phương, quán của một thời hò hẹn của bầy trẻ tập làm người lớn, sát bên cạnh quán nhậu Năm Cón cũng đã một thời nổi tiếng với món gỏi gà. Bây giờ thì cả hai cũng đã âm thầm đi vào quên lãng. Buồn tình, tôi lại thẩn thờ quay bước trở về chợ Phường. Khi gần đến trường cũ thì cũng đúng vào lúc vang vọng một hồi chuông báo hiệu kết thúc một ngày học. Những bóng hình ngang dọc, những bước chân vội vã, những giọng cười tiếng nói không ngớt xen kẻ với nhau, tạo nên một thể loại âm thanh thật hỗn độn nhưng tràn đầy sinh khí. Tôi thả từng bưóc một thật chậm để có thể nhìn lại toàn diện quang cảnh tan  trường. Đối diện với cảnh tượng này, lòng tôi không khỏi bồi hồi với những hồi ức của ngày xưa.  Một ý nghĩ so sánh chợt hiện ra trong đầu không khỏi làm tôi mỉm cười tự nhủ: các cô cậu nầy ắt hẳn cũng giống như bọn mình ngày nào vẫn tự ví von cảnh tan trường với một đàn chim sắp bay về tổ ấm; nhưng giờ đây là một người bàng quang nhìn vào, thì thật là giống như một bầy chim vỡ tổ, hoặc nói phũ phàng hơn là giống như một bày nghé xổ chuồng! Sau những giây phút thoải mái vô tư, tất cả rồi cũng biến mất để trả lại cho sân trường một sự vắng lặng. 
            Cây phượng già cằn cỗi như đang chuyển mình khởi sắc để chào đón Hè sang. Lác đác đây đó trên một vài cành cây là những chùm hoa đầu mùa đang khoe sắc thắm. Màu đỏ rực rỡ của hoa phượng đã gợi nhớ trong tôi những dáng liễu thướt tha với tà áo dài lung linh trong nắng; những suối tóc óng ả, mượt mà; những khuôn mặt thật hồn nhiên, thánh thiện và những kỷ niệm ngọc ngà của lứa tuổi mộng mơ. Tất cả vẫn mãi mãi lắng đọng trong sâu thẳm của tâm hồn tôi ... để rồi, trong một giây phút bất chợt nào đó, một chút vấn vương từ đâu hiện đến, len nhẹ vào hồn, thật mỏng manh, thật mông lung ... và tôi bỗng gặp lại tôi trong hồi tưởng, trổi giọng hát vu vơ một vài câu quen thuộc của " Ngày xưa Hoàng thị " mà tôi vốn thuộc nằm lòng ... "  Em tan trường về... đường mưa nho nhỏ... ôm nghiêng tập vở ...  Ai mang bụi đỏ đi rồi....!!"

                                                                                     Nguyễn Hữu Anh  Kangaroo 
                                                                                                                    

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..