22 thg 1, 2021

LY CÀ PHÊ CŨ

 

         Tôi thích cà phê ngay từ khi chưa được uống một giọt cà phê nào. Ở nhà, "cụ giáo" của tôi rất nghiêm khắc không cho con cái đụng tới nó, hình như vì một bài viết trong tờ Sélection cho là cà phê có hại. Vì thế, cà phê không được tiến vào qua cái ngưỡng cửa nhà chúng tôi. Nhưng hồi học năm đầu của trung học, mỗi lần đi học về qua một cửa tiệm trên đường Nhân Vị, Chợ Lớn (bên kia là Cơ Thể Học Viện), tôi đều ngừng lại xem một ông già người Hoa rang cà phê trước cửa nhà ông để hít lấy cái mùi kỳ diệu của những hạt cà phê nâu đen trong cái chảo trên cái bếp than của ông.
       Thế rồi chuyện phải đến đã đến : tôi uống lén được ly cà phê đầu tiên cùng với một điếu Bastos xanh hôm đi tập thể dục với một người bạn học lớp đệ lục (năm thứ hai trung học đệ nhất cấp), bạn tôi người tài không đợi tuổi, đã mỗi ngày hút 2 điếu Mélia vàng.
         Người Sài Gòn oai hơn người Hà Nội. Ở Hà Nội hồi trước di cư, phải sang lắm mới biết uống cà phê. Nhưng ở Sài Gòn, gần như ai ai cũng uống cà phê. Ông xích lô, ông lái taxi, ông thư ký, mấy ông già, đàn ông, đàn bà đủ mọi hạng tuổi đều uống cà phê. Có một cách uống cà phê mà chỉ ở Sài Gòn mới có, đó là uống ngồi kiểu nước lụt, tức là ngồi chồm hổm, cà phê được đổ ra cái đĩa và... húp xì xụp. Cảnh uống cà phê như thế trông không quí phái lắm nhưng cách uống đó rất có lý: buổi sáng trời lạnh, ngồi co ro như vậy cho ấm. Ly cà phê nóng đổ ra đĩa sẽ nguội đi, dễ uống hơn.

    Mãi đến năm học thi Tú Tài 1 thì chuyện uống cà phê (lén) của tôi mới là chuyện thường xuyên. Mỗi ly cà phê bít tất hồi ấy có 2 đồng bạc. Gần như hôm nào tôi cũng đến một quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng gần nhà thờ Tân Định để uống cà phê với Đinh Ngọc Mô (người phụ trách chương trình Đố Vui Để Học của Trung Tâm Học Liệu bộ Giáo Dục sau này) và cũng để ngắm cô hàng cà phê tên là Y. (ngó em hổng dám ngó lâu / ngó qua một chút đỡ rầu rồi thôi).
       Cà phê trở thành một phần của đời sống của tôi từ đó. Sau trung học, tôi đi học xa khỏi Việt Nam và cà phê càng không rời tôi mặc dù cà phê ở ngoài Việt Nam không thể nào ngon bằng cà phê phin Việt Nam, thua xa những ly cà phê đầu đường xó chợ mà tôi uống ở Sài Gòn hồi học trung học.
        Sau mấy năm, về lại Sài Gòn, tôi lại trở về với cà phê Sài Gòn nhưng chuyện cà phê của tôi có đổi khác. Không còn là học sinh... nghèo nữa. Chúng tôi thay đổi phần nào nơi uống cà phê. Chỗ chúng tôi hay ngồi là quán Cái Chùa, tên thật là La Pagode ở góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Đó là chỗ để ngồi đấu hót thì đúng hơn, để gặp bạn, đủ các thứ bạn, còn cà phê thì nói cho ngay, không đáng kể lắm nếu không nói là dở. Chúng tôi đến đó là vì những lý do khác. Cũng như thế, cà phê ở Givral, Brodard và Continental... đều không có gì đáng nói. Những nơi như thế chỉ để ngồi chứ không vì cà phê.
       Chính những tiệm cà phê không tên tuổi, không bảng hiệu lại là những nơi có cà phê ngon nhất. Hai nơi chúng tôi hay tới đều ở trong hai con đường nhỏ, một ở khu Bàn Cờ và một ở Tân Định. Ở trong con hẻm từ đường Cao Thắng rẽ vào, là căn nhà nhỏ của gia đình cụ Phong mà chúng tôi vẫn gọi là cà phê Phong. Tiệm không có bàn, chỉ có mấy cái ghế thấp, khách khứa bao giờ cũng chỉ năm, sáu người. Cà phê phin của cụ rất ngon. Chủ tiệm bao giờ cũng ngồi trên chiếc ghế xích đu. Khi có khách gọi cà phê thì ông cụ gọi vọng vào nhà trong, và cũng chẳng buồn đứng dậy. Ông cụ ngồi xích đu nghe lỏm đủ các thứ chuyện của khách, thỉnh thoảng góp vài câu với khách thường bằng câu "Cậu không bằng tôi..." bất kể khách nói gì, làm gì. Thỉnh thoảng có một người khách rất đặc biệt ghé vào, trong cả những buổi tối mưa ướt lướt thướt, gọi một ly cà phê đen không đường, không sữa ngồi uống một mình, uống xong lại lặng lẽ ra về trong mưa, hệt như bài Déjeuner du Matin của Jacques Prévert:

 ...Il s'est levé
Il a mis
Son chapeau sur sa tête
Il a mis son manteau de pluie
Parce qu'il pleuvait
Et il est parti
Sous la pluie
Sans une parole
Sans me regarder... 

     Đó là ông Đinh Hùng. Tôi chưa kịp làm quen để chào ông một câu thì ông qua đời. Năm ấy là năm 1967.
      Tiệm cà phê kia nằm trên đường Lý Văn Phức từ đường Hiền Vương rẽ vào. Chủ nhà là một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi. Tiệm cũng không bàn ghế như những tiệm cà phê khác. Cũng chỉ vài cái ghế đẩu thấp. Chủ nhà rất tiết kiệm lời nói nhưng bù lại cà phê rất ngon. Chắc chắn còn nhiều người nhớ tên của bà: cà phê Thái Chi.
     Trong khi có người uống cà phê với rất nhiều đường, thì cũng có người không uống với đường, vì vị ngọt (quá đáng) có thể làm mất đi mùi cà phê.
      Tôi uống đủ các thứ cà phê từ cà phê bít tất đên cà phê bột, cà phê dở và nhạt như nước mắt ma của 7-Eleven đến cà phê Ả Rập, cà phê espresso của Ý, của Pháp, cà phê Áo, cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ... và cà phê Starbucks...
         Nhưng cho tới khi đọc một tùy bút của Võ Phiến tôi mới học được cách gọi cà phê ít sữa hay cà phê nhiều sữa một cách giản dị và dễ dàng, lại không thể lầm lẫn. Chú phổ ky ở cái tiệm mì nhỏ có cách gọi rất vắn tắt: "một cà phê sữa, một sữa cà phê" là có ngay hai ly cà phê đúng ý của hai ông khách khó tính từ Sài Gòn xuống miền Tây công tác.
       Cạnh tiệm phở Tầu Bay trên đường Lý Thái Tổ có một ông cụ bán cà phê bên một gốc cây to. Cà phê đá của cụ rất ngon tôi thường ghé trong những sáng chủ nhật trước khi lên ngồi cà phê cái chùa.
      Bây giờ những ngày không đi làm tôi pha cà phê lấy ở nhà bằng những cái ấm cà phê tôi góp nhặt suốt nhiều năm qua. Cái của Ý, cái của Đức, Áo... thỉnh thoảng thay đổi cho đỡ chán. Nhưng hệt như người ta không bao giờ quên hẳn mối tình đầu, những ly cà phê thời tuổi trẻ vẫn trở lại hoài hoài. Tôi vẫn yêu những ly cà phê uống với những người bạn trung học. Tưởng tượng làm sao có cách nào trở lại với những ly cà phê rẻ tiền mà ngon đến thế.
       Nhưng giấc mơ trở lại với những ly cà phê ấy chắc không bao giờ làm được nữa. Tuần qua một bài báo ở Sài Gòn viết về cà phê ở trong nước hiện nay, theo đó cà phê mà người dân Sài Gòn uống hiện nay được làm bằng 30% cà phê, còn 70% là đậu đỏ, đậu xanh pha cùng với một hai thứ hóa chất có nhiều phần độc hại khác cho khách.
      Nhớ những ly cà phê ở mấy cái quán bình dân thời ấy biết là bao nhiêu nhưng nay làm thế nào còn tìm thấy được. Có phải lúc ấy đời sống hiền lành và giản dị hơn bây giờ như một câu trong bài Memories của Barbra Streisand không?
                 "...can it be that it was all so simple then..."

Bùi Bảo Trúc

TẢN MẠN VỀ CHUYỆN “LÌ XÌ” NGÀY TẾT

 


         Truyền thống Việt Nam xưa nay vào ngày mùng Một Tết thì con cháu vòng tay mừng tuổi chúc thọ,chúc phúc ông bà, cha mẹ. Hình ảnh cổ truyền này là một tập tục văn hoá rất đáng được tôn trọng.

        Vào thời thơ ấu của tôi, thời của những U70 , khi con cháu vòng tay cung kính chúc thọ cha mẹ,ông bà thì chỉ nhận được một một đồng Bảo Đại (vừa đủ mua được một cây cà lem hoặc một khúc kẹo kéo bán dạo ngoài đường) đã là sung sướng lắm rồi.

        Ngày nay,mỗi khi Tết đến xuân về, tập tục mừng tuổi vẫn được duy trì nhưng việc tặng phong bao mang cái tên  mới  “lì xì” đã trở nên quen thuộc khắp mọi miền đất nước .

       Có nhiều ý kiến cho rằng, tục lì xì ngày Tết cổ truyền của Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc. Cũng đúng thôi vì ngay cái từ “lì xì” đã cho chúng ta hiểu nó nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc.Lì xì phát âm theo âm Hán Việt là “Lợi thị” (lãi chợ) mà người Việt Nam đọc chệch ra thành lì xì. Lì xì còn được gọi bằng những tên khác là mở hàng hay tiền phát vốn với kỳ vọng buôn bán có lãi và hiện nay được dùng chung là từ mừng tuổi. Dù được gọi với tên gọi nào thì lì xì cũng mang nghĩa là tiền hên, tiền may mắn, điều lành, điều tốt. Tặng lì xì là tặng món tiền thể hiện điều lành và may mắn đến người được cho.

         Thường bắt đầu từ thời khắc giao thừa chính thức bước sang năm mới đến khi hết Tết, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ phát lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn… Còn con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong lì xì đỏ thắm để chúc sức khỏe và trường thọ.Những phong bao đỏ thắm, xinh xắn đó chính là biểu tượng của lời chúc may mắn và hạnh phúc đầu năm.

            Ở phương Đông quan niệm rộng rãi trong làm ăn thì sẽ được nhiều phúc lộc, nên vào ngày đầu năm, người ta thường phát lì xì cho nhau để trong năm làm ăn, buôn bán có lãi. Cho đi hay nhận lại được càng nhiều bao lì xì thì càng tốt, vì đó là biểu hiện của “phát tài phát lộc”.

Người ta không trực tiếp đưa tiền mừng tuổi cho nhau mà xếp tiền gọn gàng, kín đáo trong những phong bao lì xì đỏ thắm (màu sắc tượng trưng cho sự may mắn) và còn thơm mùi giấy mới. Việc làm này cũng thể hiện sự ý nhị trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, không muốn người nhận được lì xì so bì về sự ít nhiều của số tiền tượng trưng mà dẫn đến những điều không vui trong ngày Tết. Bởi theo niềm tin của nhiều người, đầu năm như thế nào thì cả năm sẽ như vậy, nên họ sẽ làm tất cả mọi điều có thể để tránh xui xẻo và những gì không mong muốn.

           Truyền thuyết về tục lì xì ngày Tết của Trung Quốc kể rằng, xưa kia, mỗi khi đến đêm giao thừa con yêu quái lại xuất hiện và trêu ghẹo trẻ nhỏ bằng cách xoa đầu khiến chúng giật mình và khóc thét lên khi đang ngủ. Hôm sau trẻ sẽ đau đầu, sốt cao, bởi vậy các bậc cha mẹ phải thức suốt đêm để canh phòng.

         Năm đó có một cặp vợ chồng hiếm muộn, ngoài 50 mới sinh được mụn con trai. Tết đến, có 8 vị tiên đi ngang qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ bị yêu quái quấy nhiễu nên đã hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm ở cạnh bảo vệ cậu bé. Khi chú bé đã ngủ say, cha mẹ liền đem gói 8 đồng tiền vào một tờ giấy đỏ, đặt lên gối của con rồi mới đi ngủ. Giao thừa, yêu quái đến, vừa giơ tay để xoa đầu đứa bé thì những tia vàng sáng chói ánh lên từ chiếc gối khiến nó giật mình kinh hãi và bỏ chạy. Quá đỗi vui mừng tìm được cách ứng phó với con yêu quái, hai vợ chồng thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho mọi người trong làng. Từ đó cứ đến Tết, người dân lại bỏ tiền xu vào phong bì đỏ đưa cho trẻ em cầm bên mình để xua đuổi yêu ma, những điều xấu xa, để trẻ lớn lên khỏe mạnh, an lành. 

     Các học giả cũng không xác định được phong tục lì xì ngày Tết được lưu truyền vào nước ta từ khi nào, chỉ biết cứ gần Tết, người người nhà nhà lại tất bật chuẩn bị những phong bao lì xì đỏ thắm, được trang trí với những ánh vàng kim nhũ để mừng tuổi cho mọi người trong dịp đầu năm mới.

         Cùng với cây quất, cành đào, hộp mứt Tết và cặp bánh trưng, nếu thiếu tục lì xì, hẳn là ngày Tết vẫn chưa thật trọn vẹn. Bởi Tết với người Việt không chỉ là dịp nghỉ ngơi đón năm mới mà còn là những ước vọng và sự san sẻ hạnh phúc, cùng chúc nhau và hướng về tương lai tươi đẹp. Và để chuyển tải những ước vọng trong khoảnh khắc xuân sang Tết đến, để chào đón luồng sinh khí mới mà đất trời ban tặng, cùng là lấy may dịp đầu năm, ngoài những câu chúc ấm áp thân tình, người Việt còn trao nhau phong bao lì xì ngày Tết.

          Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, nghĩa cử tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì không quy định là mệnh giá nào, thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.

        “Lì xì là người trên giúp người dưới có cơ may, tạo cho người dưới có vốn làm ăn. Tiền lì xì thường là số lẻ để biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở. “Vốn” ở đây mang tính tượng trưng nên không quan trọng mệnh giá tiền trong phong bao lì xì.

           Như thế ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà ở "tình", tức ở lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm.

          Theo tục lệ ở một số địa phương thì người nhỏ tuổi không lì xì người lớn hơn, vì vừa không đúng ý nghĩa, vừa bị cho là “hỗn”. Tuy nhiên, ngày nay, tục lì xì đã cởi mở hơn, đặc biệt những người nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà, để chúc tụng may mắn, sức khỏe, bình an.

        Lưu truyền đến ngày nay, tục lì xì đã thay đổi ít nhiều bởi thói quen của người lớn dẫn đến việc con trẻ thường coi trọng “nội dung” bao lì xì mà ít quan tâm đến những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, nên chăng mọi người  chúng ta lưu ý không cho quá nhiều tiền vào bao lì xì và dạy trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này, chứ không phải giá trị vật chất trong bao lì xì.

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..