30 thg 11, 2020

THĂM LÀNG CHÀI PHƯỚC TỈNH - MƯỜI NĂM GẶP LẠI NGƯỜI XƯA

 

        Mười năm trước ,khoảng tháng 10.2010,trong một lần đi dự tiệc mừng đầy tháng đứa cháu đích tôn tổ chức tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền,tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu ,tôi có dịp thăm thú ,dạo chơi một bãi biển đẹp mà một thời nó từng được ca tụng là làng chài tỷ phú hay làng chài giàu nhất nước.
        Trước mắt tôi,bờ kè chắn sóng biển cho khu dân cư trải dài thẳng tắp song song với bờ biển.Đứng trên bờ kè người ta có thể nhìn bao quát vịnh Cửa Lấp nối với thành phố Vũng Tàu.Xa xa, những chiếc tàu đánh cá thấp thoáng ngoài khơi.Phía bên tay trái tôi là rừng dương bạt ngàn phủ dọc bờ cát trắng mịn.Men theo bờ kè chạy theo hướng ngược lại,cả một làng biển trù phú với những ngôi nhà gạch hai ba tầng xây cất khang trang. Lần bước qua những hòn đá chẻ xếp dốc xuống biển,tôi buông thả đôi chân mình cho những đợt sóng nhấp nhô đùa cợt.Làn nước trong xanh xoa dịu từng giác quan đem đến cho tôi sự sảng khoái khôn tả xiết.Một cảm giác thư giãn tuyệt vời đã lâu tôi không có .

       


      Đi dọc theo bãi biển ,tôi bắt gặp đôi ba người đang cào nghêu.Thấy cảnh trí hay hay chưa từng chứng kiến,tôi xắn quần lội nước đi men xa bờ dăm mét làm quen với một thanh niên cởi trần đầm mình trong làn nước biển xanh lơ nhấp nhô đùa sóng bạc.Cậu ta khoảng hai chục tuổi đang gò lưng kéo chiếc cào ,cổ đung đưa túi lưới đựng nghêu.Thấy tôi chào và tỏ ý muốn tìm hiểu cách cào nghêu ,cậu vui vẻ dừng tay tiếp chuyện và mời tôi lên bờ kè ngồi nghỉ.

         


          Trong câu chuyện, cậu cho hay mình sinh trưởng ở vùng này và đang là sinh viên tại một trường cao đẳng kỹ thuật Sài Gòn,cứ cuối tuần lại về nhà ra bãi biển cào ngao (tên quen gọi của địa phương).Cậu giải thích cho tôi biết cào ngao không khó lắm ,chỉ cần trang bị cho mình một dụng cụ tự làm và nếu lao động cần cù (phải ngâm mình dưới nước đôi ba giờ để cào rồi sau đó ngồi đãi, rửa ngao) thì lúc về cũng được khoảng chục ký.Nhưng đó là thời gian đầu mùa ngao, thường bắt đầu vào mùa mưa.Nay mùa ngao qua được 3 tháng nên mỗi buổi cào bây giờ nhiều lắm cũng chỉ đôi ba ký đem về nhà ăn chơi chứ không đem ra chợ như trước kia.

    

     Cậu tâm sự với tôi cách đây năm năm bờ kè tại bãi biển này chưa xây dựng hoàn chỉnh đã nảy sinh tình trạng người dân phóng uế,gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến môi trường biển quanh vùng.Trước thực trạng đó ,hội phụ nữ xã Phước Tỉnh đã tổ chức các đợt tổng vệ sinh,thu gom rác thải, phổ biến nâng cao ý thức cho người dân về vệ sinh môi trường công cộng.Nhờ vậy đến nay,bờ kè xã Phước Tỉnh đã trở thành nơi lý tưởng cho bà con đến sinh hoạt,vui chơi thư giãn.

      Tôi tò mò hỏi :” Em có biết vì sao làng chài Phước Tỉnh từng được nổi tiếng “giàu nhất nước” không ?” Cậu cười đáp:”Chuyện đó có nhưng hơi bị nói quá lên và cách đây đã trên mười năm.Khi đó nhiều người dân địa phương ăn nên làm ra nhờ hợp tác tổ chức đánh bắt xa bờ thành công.Một số người trúng lớn liên tiếp nhiều vụ đã xây dựng nhà cao cửa rộng,sắm sửa xe máy ,truyền hình đời mới xôm tụ khiến xã Phước Tỉnh như được lột xác làm bạn chài các nơi khác ngó vào nể phục.Giờ thì thời hoàng kim đó đã qua do lượng cá ngoài khơi không còn nhiều.Nhưng hiện nay kinh tế xã này vẫn vững vàng nhờ nhiều tỷ phú của làng chài Phước Tỉnh đầu tư và kinh doanh khá hiệu quả vào dịch vụ hậu cần nghề cá, thậm chí cả trong lĩnh vực bất động sản và mở lớp,xây trường,chung tay nhau chăm lo cho thế hệ tương lai.Em học xong đại học cũng tính về Phước Tỉnh góp phần xây dựng quê mình bởi nơi đây có một dự án đầu tư lớn mà tổng số vốn lên đến 2,5 tỷ đô la Mỹ. Đó là một dự án phức hợp gồm khách sạn đạt chuẩn 5 sao, khu resort, khu chung cư cao tầng, khu chung cư thấp tầng, khu villa, khu thương mại, khu công viên quảng trường biển với tổng diện tích trên 100 hecta. Khi dự án này triển khai thì Phước Tỉnh trong tương lai sẽ trở thành một trong những địa danh nghỉ mát phục vụ nhu cầu cao cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh không thua gì Bình Thuận.
       Nói xong,cậu đứng dậy chào tôi rồi ôm đồ nghề rảo bước ra ven biển tiếp tục việc cào nghêu.Dáng đi cậu ta khỏe khoắn tuôn trào sức mạnh của một thanh niên đầy nghị lực đang quyết tâm rất cao trong việc xây dựng tương lai mình.Lòng tôi vui vui khi nghĩ đến mai này mỗi lần trở lại Phước Tỉnh sẽ được chứng kiến ngôi làng biển ngày một giầu đẹp hơn .

        Lúc đứng lên chuẩn bị về,tôi bắt gặp một phụ nữ đội nón lá,miệng đeo khẩu trang đang lúi húi ngồi bươi cát gần chân bờ kè.Dưới ánh nắng xế trưa khá gay gắt,tôi thấy bà làm việc rất cấn cù.Tay phải bà cầm một cái cào ngắn xới từng nhát sâu vào cát chừng 5 cm.Thỉnh thoảng bà lượm một hai con gì nhỏ trông giống con hến bỏ vào chiếc rổ nhựa.Tôi lại ngồi kế bên hỏi xem có phải bà đang bắt nghêu con làm giống chăng.Bà trả lời nhưng tay vẫn không ngưng làm việc :”Đây là con dắt.Chẳng ai ăn thứ này đâu chú ơi,trừ mấy người nghèo như tôi.“Giọng bà xót xa nghe buồn buồn làm sao.

   


   Bà kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình.Trước đây 5 năm,một lần đi biển với chiếc tàu đánh bắt cá xa bờ, không may gặp bão lớn,chồng bà và hơn hai chục bạn chài đã bị sóng đánh chìm không một ai sống sót trở về.Bao vốn liếng vay ngân hàng chung với anh em đóng tàu giờ chưa trả xong.Con còn quá nhỏ ,bà chỉ kiếm sống bằng cách đi làm thuê mỗi khi tàu cá về bến.Lúc không có việc thì bà ra đây cào đãi dắt đem về nấu cháo cho con ăn.Bà chỉ cho tôi thấy một đứa bé gái chừng 6-7 tuổi đang tung tăng chạy ven theo bãi cát gần đó.
Tôi nao lòng xót xa nhìn trong rổ của người phụ nữ đáng thương chỉ có chừng vài chục con dắt bé xíu.Muốn có đủ lượng dắt cho bữa cháo chiều nay cho hai mẹ con tôi chắc bà phải ngồi phơi mình dưới nắng nóng như thế này vài ba giờ nữa.Tôi xin bà cho phép chụp tấm hình,bà lặng thinh không phản đối.Chỉ đến khi nghe tôi chào, bà mới ngẩng lên nhìn rồi lại cúi mặt tiếp tục công việc của mình.


       Vừa đi được dăm bước,tôi nghe tiếng ai gọi phía sau.Nhìn lại thì ra là cậu trai cào nghêu khi nãy.Cậu chạy đến bên tôi đưa một túi nghêu bảo biếu làm quà và xin địa chỉ để khi nào vào Sài Gòn rảnh ghé chơi.Tôi cho địa chỉ, không muốn nhận quà nhưng một ý nghĩ thoáng qua trong đầu đã khiến tôi đổi ý.Tôi nhận túi nghêu,cám ơn và hẹn gặp lại.

         Trở lại chỗ người phụ nữ cào nghêu,tôi thấy bà vẫn cặm cụi ngồi cào trên bãi cát vắng vẻ,chiếc rổ mé sau lưng vẫn chỉ lưa thưa hơn chục con dắt nhỏ. Mở túi quà vừa được tặng,tôi gấp nhỏ một tờ giấy bạc bỏ vào rồi nhẹ bước đến sau lưng người phụ nữ lên tiếng :” Chào bà, có túi quà của cậu thanh niên cào nghêu nhờ chuyển.Bà nhận cho,giờ tôi về Sài Gòn.Chúc bà ở lại vui khoẻ, may mắn .“

      Tôi rời bãi cát đi lên đường nhựa.Phía duới bờ kè,bóng dáng người đàn bà đáng thương vẫn còng lưng ngồi miệt mài cào bới trong nắng quái chiều hôm  .

      

            Năm nay,tháng 11/2020, đi dự đám cưới con gái út ông bà sui gia,tôi có dịp trở lại Phước Tỉnh.Làng chài Phước Tỉnh năm xưa nay đã xã thứ 5 của huyện Long Điền đạt chuẩn NTM . Bây giờ Phước Tỉnh là một trong những làng chài sầm uất nhất của huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hơn 80% hộ dân làm nghề đi biển đánh bắt xa bờ và được coi là địa phương làm giàu từ nghề đi biển và dịch vụ nghề cá. Hàng trăm gia đình sắm được xe hơi, hàng nghìn hộ xây được nhà lầu và dụng cụ đắt tiền, tất cả từ biển mà có.Đường xá,nhà cửa khang trang không thua kém thị tứ quận huyện nào trong tỉnh.Khách du lịch ngày càng đông nhờ vậy cuộc sống người dân địa phương ngày một tốt đẹp hơn.


        May mắn làm sao tôi tình cờ gặp lại cậu thanh niên cào nghêu 10 năm trước trong bữa tiệc do nhà gái chiêu đãi. Thì ra cậu cũng là bà con với gia đình ông bà sui gia.Chúng tôi vui vẻ trò chuyện suốt buổi tiệc.Lần này cậu cho tôi biết rõ thêm nhiều điều về mình .Tên cậu là Nguyễn Thanh Minh,đang là Chuyên viên bảo trì làm việc tại công ty China Steel And Nippon Steel Vietnam (CSVC).

        Đây là một trong những công ty sản xuất thép tiên tiến trên thế giới tọa lạc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam. Được thành lập dựa trên cơ sở liên doanh giữa các tập đoàn thép hàng đầu trong ngành công nghiệp sản xuất thép toàn cầu của Nhật Bản và Đài Loan, trong đó Tập đoàn China Steel (CSC) và Tập đoàn Nippon Steel (NSC) là hai cổ đông lớn nhất của CSVC. Công ty không ngừng nỗ lực cải tiến các dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm để nắm bắt kịp thời trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường thép Đông Á.Các sản phẩm của CSVC có tính ứng dụng cao, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, là nguyên liệu đầu vào phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị điện tử, phụ tùng cơ khí, máy móc thiết bị, đồ gia dụng, xây dựng ..

       Minh hôm nay không còn là cậu thanh niên nhỏ nhắn ,nước da ngăm đen rám nắng như ngày nào dầm mình trong nước biển và nắng gắt để cào nghêu ...Minh bây giờ trước mắt tôi là một chàng trai cao lớn ,chững chạc đẹp trai trong bộ vest lịch lãm rất vui vẻ ,hoạt bát ...Minh cho biết mình đã lập gia đình và có một con gái dăm tháng tuổi.Vừa lúc đó vợ Minh bế con ra chào,tôi bảo cho bác xin một tấm hình làm kỷ niệm .Nhìn cặp vợ chồng trẻ trung vui vẻ ,hạnh phúc tôi cũng vui lây.

         Chuyến đi Phước Tỉnh để lại cho tôi nhiều niềm vui.Không chỉ thắt chặt tình cảm với gia đình ông bà thông gia ,được thưởng ngoạn cảnh đẹp của một làng chài đang vươn mình phát triển thành một trung tâm du lịch hiện đại,tôi còn được gặp lại cậu thanh niên cào nghêu dễ mến mười năm trước .Đúng là trái đất tròn thì những con người hữu duyên sẽ còn gặp lại nhau chăng ?



...........................................................................................................................

Nặc danh Nặc danh nói...

Cám ơn tác giả .
Nhờ đọc bài viết này mà tôi biết được dụng cụ cào nghêu và cách cào nghêu.

10/29/2010 06:27:00 CH

 Xóa
Nặc danh Nặc danh nói...

Nhà e ở PT nè,chiều chiều a bờ kè hóng gió biển thích lắm...cảm ơn tác giả về bài viết nhé..

2/23/2011 07:32:00 CH

 Xóa
Blogger Nguyễn Thị Kim Xinh nói...

Thật sự đọc xong bài này mình rất rất cảm ơn người viết nên nó,,,,Phước Tỉnh đối với mình thật sự nó chiếm một tình cảm thật sâu sắc, mình là người con của Phước Tỉnh,, năm nay đã là năm cuối đại học,,sẽ cố gắng, sẽ hoàn thiện mình để đóng góp được cho nơi mình sinh sống và có nhiều kỷ niệm,,,Love all.
Kim Xinh _UEH

4/11/2011 07:13:00 SA

 Xóa

17 thg 11, 2020

NHỮNG MÃ SỐ DÁN TRÊN TRÁI CÂY BÁN TẠI CÁC SIÊU THỊ CÓ Ý NGHĨA GÌ ?

 

Có thể bạn chưa biết

       Nếu bạn thường xuyên mua hoa quả trong siêu thị ắt hẳn sẽ để ý thấy trên mỗi loại quả đều có một mã số. Mã số này đều mang một ý nghĩa riêng. Bạn nên biết về chúng để không bị lừa khi mua hàng.Mã code trên các sản phẩm ngoài mục đích đánh dấu nó, còn "nhắc" cho các bạn biết về nhiều điều bí mật, mà nhà sản xuất đánh dấu ở đó.


ma so tren trai cay nhap khau co dang tin cay
Người tiêu dùng khi chọn sản phẩm vẫn chỉ căn cứ vào các thương hiệu nổi tiếng thông qua nhãn mác. 

           Khi mua hoa quả nhập khẩu (NK), nếu để ý người tiêu dùng có thể thấy trên mỗi con tem nhỏ đều dán những con số gồm từ 4- 5 chữ số. Những dãy số này hiểu là PLU code. PLU được công bố và kiểm soát bởi Hiệp hội quốc tế về tiêu chuẩn sản phẩm (International Federation for Produce Standards- IFPS).

    Mã PLU được xác định dựa trên nhiều yếu tố như chủng loại, đặc điểm của trái cây, phương pháp trồng và kích cỡ. Mã PLU gồm 4 hoặc 5 ký tự, mã này thường được sử dụng tại quầy thanh toán để xác định giá của sản phẩm gắn mã. Theo tài liệu hướng dẫn sử dụng của tổ chức này thì mã PLU được sử dụng cho các nông sản được bán dạng rời, tự do, theo cân hoặc từng sản phẩm ví dụ quả táo hay bó rau.

1.Nếu mã code bắt đầu là số 3  

Đây là trái cây được sử dụng công nghệ

bức xạ ion hoá để ghi thời hạn bảo quản.

     Những trái cây này bạn không nên ăn. Bởi vì nhà sản xuất sử dụng công nghệ bức xạ ion hóa để ghi tên thực phẩm và kéo dài thời gian bảo quản.  Mặc dù phải tuân theo các quy trình sau khi chiếu bức xạ tùy theo quy định của mỗi nước, nhưng tác dụng phụ của việc làm này là có thể gây tổn thương các phân tử ADN trong cơ thể của bạn. Tức là có thể làm suy giảm hoặc bất hoạt khả năng sinh sản của các vi sinh vật có hại gây các ký sinh trùng, và các dạng sinh dưỡng, siêu vi trùng…

2.Nếu trái cây có dán mã code bắt đầu bằng số 8

 


Đây là con số ẩn chứa một sự thật đáng sợ.

        Bạn hãy bỏ ngay những nhóm trái cây có mã bắt đầu là số 8 này, cho dù nó rẻ đến mấy, được khuyến mại nhiều đến mấy thì bạn cũng đừng dại dột mà mua về cho gia đình mình dùng. Bởi đây là những loại sản phẩm biến đổi gen. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối tương quan đáng lo ngại như tổn thương nhiều cơ quan nội tạng, và rối loạn sinh sản.

Theo khuyến cáo của Liên minh châu Âu và vài quốc gia châu Á khác, bởi gây một số bệnh cho con người, ô nhiễm vô thời hạn, và tăng lạm dụng hóa chất diệt cỏ.

 3. Nếu mã code bắt đầu là số 4

 

 Khi mua trái cây có mã số 4, bạn phải ngâm rửa thật kỹ và 

  gọt bỏ vỏ để tránh tác dụng của thuốc trừ sâu.

      Đây là những sản phẩm thu được từ phương pháp trồng trọt thông thường có sử dụng chất hoá học. Những loại sản phẩm này không bị biến đổi, được gieo trồng một cách tự nhiên, và tất nhiên là được phun xịt với các chất hóa học bảo vệ thực vật như: thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng kích thích …

Vì vậy, bạn cần phải lưu ý ngâm, rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước mạnh, hay gọt bỏ vỏ trước khi ăn, hoắc chế biến các loại trái cây, thực phẩm này.

4.Nếu mã code bắt đầu là số 9

 
       Đây là những trái cây an toàn nhất nhưng có giá thành cao.

        Với những loại trái cây có mã số 9 thì việc đầu tiên bạn phải giật mình vì giá của nó khá đắt, cao hơn nhiều so với những sản phẩm tương tự. Bởi vì đây là những loại trái cây được trồng trọt 100% hữu cơ, không hề có bất cứ loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật hay bất cứ hormone tăng trưởng nào, và đã đạt được yêu cầu tiêu chuẩn vô cùng khắt khe của các thị trường khó tính nhất thế giới như: Hoa Kỳ, Australia , Nhật Bản, Canada, Liên minh Châu Âu… Vì thế việc giá thành có cao, nhưng nếu bạn có điều kiện, và muốn đảm bảo an toàn sức khoẻ thì đâu có gì để đắn đo suy nghĩ, phải không nào?

       Hãy luôn là người tiêu dùng thông minh và lựa chọn những sản phẩm an toàn cho chính mình và người thân. Bởi thế, chúng ta cần ghi nhớ 4 mã: 


   *  Số 8 (đừng ăn)

   *  Số 3 (có chất bảo quản)

   *  Số 4 (phải ngâm rửa kỹ)

   *  Số 9 (an toàn nhất) 

          Từ nay chúng ta có thể chủ động trong việc lựa chọn các nguồn thực phẩm tốt nhất nhé các bạn.      

Bài viết St                                                                                              

 

7 thg 11, 2020

THỜI BAO CẤP,MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

 ***

Thời bao cấp thật kinh,
Cây đinh phải đăng kí,
Trái bí cũng xếp hàng,
Khoai lang cần tem phiếu,
Thuốc điếu phải mua bông,
Lấy chồng lo cai đẻ,
Bán lẻ chạy công an,
Lang thang đi cải tạo,
Hết gạo ăn bo bo,
Than ôi thời bao cấp,
Mong mi đừng trở lại.



Thời bao cấp diễn ra từ khoảng 1976 đến 1986 . Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của Việt Nam sau khi thống nhất đất nước vào tháng 4.1975 .
Thời này, kinh tế thương nghiệp tư nhận bị loại bỏ hoàn toàn và được coi là không hợp pháp . Theo đó, hàng hóa sẽ phân phối tới người dân theo chế độ tem phiếu do nhà nước điều hành, nắm toàn quyền. Thời kì này, việc vận chuyển hàng hóa tự do giữa các địa phương, mua bán trên thị trường bị xóa bỏ hoàn toàn. Hàng hóa do nhà nước phân phối độc quyền và hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Việc phân phối lương thực, thực phẩm sẽ dựa theo đầu người, xét theo hộ khẩu. Do đó, chế độ hộ khẩu được hình thành. Nổi bật nhất là sổ gạo, trong đó có ấn định số lượng và các mặt hàng được phép mua dựa trên số khẩu trong một gia đình.


Vào thời kỳ này, trong xã hội, hàng hóa khan hiếm, không đủ phục vụ đầy đủ nhu cầu của mọi người dân.Do đó, nhà nước phân phối hàng hóa dựa vào hệ thống tem phiếu. Lương đi làm của người lao động cũng được quy ra lương thực. Tuy nhiên, chợ đen vẫn hoạt động nhỏ lẻ, bị xem là bất hợp pháp nên hàng hóa ở chợ không nhiều và có giá rất cao. Nhiều người lĩnh hàng tem phiếu nhưng không dùng tới thường đem bán ở chợ đen.
Các cán bộ công chức được cấp 13kg gạo/tháng còn công nhân lao động nặng được cấp 20kg/tháng. Do đó, cơm nấu thường được độn thêm khoai, ngô, sắn… rất phổ biến và không còn xa lạ đối với những người từng trải qua thời kì bao cấp.
Hàng hóa các loại đều rất khan hiếm, dù có tiền cũng không mua được. Thậm chí có tem phiếu nhưng có quá nhiều người xếp hàng mua nên không ít trường hợp chờ đến lượt mình thì không còn hàng, đành phải ra về. Hàng hóa số lượng ít, không đa dạng về chủng loại, mặt hàng để lựa chọn phục vụ nhu cầu nên nhiều khi không đủ ăn tới cuối tháng, nhiều người dân phải đi mua ở chợ đen
Cùng với bao cấp lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, nhà nước cũng nắm việc phân phối nhà cửa. Cuộc sống trong những căn hộ tập thể diện tích khiêm tốn, nhiều người trong gia đình sinh sống với cuộc sống thiếu thốn, nhiều bộn bề lo toan. Nhiều gia đình ngay tại thành phố còn kiêm cả chăn nuôi heo ,gà vịt,chim cút…trong nhà để kiếm thêm thu nhập.
Việc phân phổi hàng hóa, nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân được thực hiện qua chế độ tem phiếu. Tem phiếu dành cho các cán bố công nhân viên làm việc trong cơ quan, xí nghiệp quốc doanh. Hàng hóa thông qua chế độ tem phiếu thường có giá thấp hơn rất nhiều so với giá bên ngoài thị trường (chợ đen). Theo đó, lương của người lao động sẽ được quy ra hiện vật.


Sổ gạo hay lúc đầu tên là cuốn sổ lương thực. Chế độ này được áp dụng vào khoảng những năm 1960, đầu tiên là lương thực, sau đổi thành tem phiếu bao gồm các loại mặt hàng, số lượng mà một gia đình được phép mua, dựa trên quy chuẩn như cấp bậc và niên hạn. Do đó, có gia đình được ưu đãi mua, được ưu tiên mua hàng, có gia đình thì không. Tem phiếu mua nhu yếu phẩm hàng ngày sẽ có chế độ riêng tùy vào vị trí công việc, nghề nghiệp mà cán bộ công chức nhà nước và người dân lao động được phát khác nhau.
Hầu hết người lao động làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp của nhà nước và sống theo chế độ tem phiếu của thời kì này. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về ăn mặc, về cuộc sống vật chất và tinh thần.Vào thời kì bao cấp, cơ chế quản lý kinh tế của nước ta chính là cơ chế kế hoạch hóa tập trung, thể hiện qua những khía cạnh sau:
Nền kinh tế do nhà nước quản lý hành chính dựa trên chỉ tiêu pháp lệnh từ trên xuống dưới. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động theo quyết định của cơ quan nhà nước liên quan với các pháp lệnh theo quy định từ vật liệu cung cấp, hình thức sản xuất, tiền vốn, sản phẩm cùng tổ chức nhân sự, tiền lương và bộ máy hoạt động… Các doanh nghiệp sẽ có chỉ tiêu cần đạt theo kế hoạch cấp vốn của nhà nước, giao nộp sản phẩm. Lỗ lãi sẽ do nhà nước quản lý.



Doanh nghiệp được các cơ quan hành chính liên quan tham gia nhiều vào việc kinh doanh, sản xuất nhưng không phải chịu trách nhiệm về lãi lỗ và pháp lý đối với các quyết định của mình. Ngân sách nhà nước sẽ là cơ quan thu lãi và lỗi cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Thời bao cấp, quan hệ tiền tệ - hàng hóa không được coi trọng hầu như chỉ là hình thức. Trong đó, quan hệ hiện vật chiếm vị thế chủ đạo. Nền kinh tế sẽ được nhà nước quản lý theo chế độ “cấp phát – giao nộp”. Do đó, sức lao động, tư liệu sản xuất hay phát minh sáng chế không được coi là hàng hóa trên pháp luật.
Bộ máy quản lý qua nhiều cấp từ trung ương tới địa phương. Do có nhiều cấp trung gian nên hoạt động không năng động, kịp thời, thậm chí dẫn tới nhiều tiêu cực ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động, người dân.
Thời kì bao cấp kéo dài trong 10 năm từ 1976 – 1986 trước khi thực hiện Đổi mới. Nước ta đã thực hiện 2 kế hoạch 5 năm trong giai đoạn này bao gồm: Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976 – 1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 – 1986). Theo quan điểm của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, kinh tế kế hoạch hóa là điểm nổi bật quan trọng nhất với kế hoạch phân bổ mọi nguồn lực, không thừa nhận cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa, xem kinh tế thị trường là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản.
Nền kinh tế nhiều thành phần không được thừa nhận mà chỉ có kinh tế quốc doanh và tập thể là chủ đạo, để tiến hành xóa bỏ kinh tế tư nhân, cá thể và sở hữu tư nhân khỏi xã hội. Do đó, kinh tế Việt Nam thời kì này lâm vào tình trạng khủng hoảng, trì trệ với nhiều tiêu cực đòi hỏi phải được cải tiến, đổi mới để theo kịp xu hướng phát triển của thời đại. Do đó, thời kì đổi mới sau đó được áp dụng bắt đầu từ năm 1986.
Bên cạnh kinh tế - xã hội, văn hóa được kiểm soát trong thời bao cấp, người dân ít được tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Các mảng về phim, văn học hay nhạc… đều được nhà nước kiểm duyệt trước khi phát hành tới người dân. Nội dung thường gần gũi với quần chúng, tư tưởng và quan điểm của Đảng và có giá trị nghệ thuật đem lại những giây phút thưởng thức nghệ thuật thú vị cho người dân. Văn học nước ngoài chủ yếu của nước Nga Xô Viết, văn học theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Văn học lãng mạn bị xem là tiêu cực ở giai đoạn này.
Hồi đó, chưa có phim truyền hình mà chỉ có phim truyện nhựa, phim tài liệu. Phim được chiếu tại các rạp chiếu bóng lưu động, rạp chiếu bóng hay phát trên truyền hình trung ương. Ngoài ra còn có phim thương mại nhưng hiếm. Các phim nước ngoài là phim Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Một số ít là phim Mỹ, Pháp, Anh và Ấn Độ…
Xã hội ít có sự phân hóa giàu nghèo như hiện nay nhưng mức sống của người dân thấp. Tất cả sinh viên ra trường đều được nhà nước phân công công việc nên không lo thất nghiệp nhưng không được tự chọn cơ quan làm việc cho mình. Thi đậu đại học thời đó rất khó, ngoài học lực, tiêu chuẩn cao và xét cả lý lịch.



Trước tình hình trì trệ, khủng khoảng của kinh tế và bối cảnh các nước xã hội chủ nghĩa lâm nguy, Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện trên phạm vi cả nước, theo hướng kinh tế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa .Chính nhờ kinh tế đổi mới mà đất nước đã từng bước đi lên,nhờ mở rộng hình thức khoán trong nông nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp, tạo đà cho phát triển và đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống nhân dân : năm 1985 đạt 18,2 triệu tấn lương thực.
Với khoảng thời gian 10 năm, thời bao cấp là giai đoạn mà nhiều người Việt đã trải qua . Nó để lại nhiều ấn tượng khó quên trong cuộc sống người dân Việt Nam. Với thế hệ trẻ, thật khó để có thể hình dung trọn vẹn được sự vất vả của mỗi gia đình trong giai đoạn lịch sử này vì chúng chưa sinh ra hay còn quá nhỏ chưa thể nhận thức. Với những người lớn tuổi ,phần đông chắc khó thể nào quên được những khó khăn, vất vả mà họ đã trải qua nhưng thời kì này cũng đem đến cho chúng ta nhiều điều đáng trân trọng, phải giữ gìn. Đó là tinh thần nhân ái, thương yêu đùm bọc nhau trong thời buổi khó khăn. Mặc dù kinh tế đất nước ngày nay đã phát triển hơn trước nhưng những thế hệ trước vẫn nhớ về một giai đoạn sống đặc biệt này của bản thân hay của một thế hệ.

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..