10 thg 1, 2020

CHUYỆN PHIẾM " ANH ĐỒ TỈNH , ANH ĐỒ SAY"



“ Chẳng ham ruộng cả ao điền
Ham vì cái bút cái nghiên anh đồ.”

        Thuở trước ,người học chữ nho ai cũng có hoài bão tiến thân bằng đường hoạn lộ ,mượn cử nghiệp để hy vọng có ngày đỗ đạt, được vinh quy bái tổ và được triều đình bổ nhiệm làm quan đem tài trí ra phò vua giúp đời. Ngặt một nỗi mỗi con người có số phận khác nhau nên dù học giỏi mà “ bảng hổ đề danh” thì thi nhiều lần tốn bao cơm áo gạo tiền rồi cũng lại trở về trắng tay như ông Tú Xương thôi : 

“Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay ...” 

Ngay như nhà thơ Nguyễn Khuyến là bậc khoa bảng lớn có chân tài và thực học mới được phó hội “rồng mây” và “bảng vàng bia đá đề danh”. Nhưng ông cũng phải trải qua một quá trình khổ công học tập với nhiều cay đắng.Bởi lúc đầu đời, ông ứng thi hương trượt liền ba khoá , từng có ý bỏ thi,về làng làm ông đồ cho xong.Năm 1864,ông đỗ giải nguyên thi Hương năm sau hỏng thi Hội,ông ở lại kinh đô rèn luyện và đổi tên Nguyễn Thắng thành Nguyễn Khuyến nỗ lực nhiều hơn nữa.Mãi đến năm1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên .
Xem thế người học chữ nho ngoài thực học phải có hoài bão lớn dù thất bại cũng không bỏ cuộc.Trong giai đoạn chờ thời, họ đi gõ đầu trẻ làm kế độ thân. Tùy theo tuổi tác và uy tín, người đời gắn cho họ nói cái danh xưng “anh đồ’’, ‘’thầy đồ’’,’’ ông đồ’’ hay ‘’cụ đồ’’. Trong bài trước đã nói nhiều về thầy đồ, ông đồ rồi ,bài này Mru xin chỉ đề cập đến ‘’anh đồ’’ thôi .


Chuyện xưa kể có một anh đồ tuổi trẻ tài cao, chữ nghĩa bề bề nhưng lại không đồng xu dính túi. Một hôm túng đói quá, anh đánh liều đến gặp vị quan huyện xin giúp đỡ. Quan tự cao tự đại, gặp kẻ hàn sĩ cầu cạnh lên mặt kênh kiệu, ra câu đối thử tài:

“Miệng người sang có gang có thép”.
         
       Anh đồ ghét thái độ hống hách, khoe khoang của vị quan nên quên cả sợ, cả đói, ứng khẩu ngay thế này :
“Đồ kẻ khó vừa nhọ vừa hôi”.

         Tuy câu đối rất chỉnh với lối ví von đạt từng từ đôi một ,song cặp đôi “Đồ” với “ Miệng” quá ư xấc xược của anh đồ làm cho quan đùng đùng nổi giận. Kết quả anh đồ bị lính lệ thẳng tay đuổi ra khỏi cửa.
          Chuyện kể thứ hai cũng liên quan đến một anh đồ. Anh đồ này đi dạy học ở tỉnh xa, có dịp về thăm quê ít ngày. Lúc trở lại trường, bắt gặp bọn học trò đang khúc khích. Anh đồ tra hỏi mãi thì chúng cho biết bữa qua, chúng bắt gặp cô hàng xóm ra cầu ao giặt rũ, lỡ ngồi xổm trong một tư thế hớ hênh,”lộ hàng” trước mắt bọn trẻ “nhất quỉ nhì ma’’. Anh đồ nghe các môn sinh của mình kể lại câu chuyện ấy, phần thì giận lũ học trò mất nết, phần khác do không tránh khỏi cái bản năng nam tính của con người bình thường nên trong lòng cũng vấn vương không nguôi.Nhưng ý thức mình là người đạo cao đức trọng, anh đồ bèn mượn chữ nghĩa ghi chú câu chuyện ấy vào một bài phú :

Thầy Đồ
Thầy đồ là người tài bộ
Quảy cầm thư sang giáo thọ Phủ Vĩnh Tường
Trước nha môn thiết lập học đường
Dạy dăm đứa chi, hồ, giả, dã
Gặp nhân lúc thầy đồ nhàn hạ
Ra hồ sen ngắm ả hái hoa
Ả hớ hênh ả để đồ ra
Đồ nọ thấy ngâm ngay tức khắc:
“Xuân tiền lạn mạn hoa sinh sắc
Thủy diện đa ba bạng thổ thần”
Đồ ngâm rồi, đồ đứng tần ngần
Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia
Đồ ơi, gặp gỡ làm chi ?

Chuyện trên đây kể anh đồ còn tỉnh táo và cũng không lợi dụng vốn học của mình để báng bổ ,trêu chọc ai. Nhưng thời xưa, nam thanh nữ tú con nhà có học, lúc tán tỉnh nhau thường lấy thơ ca đối đáp bóng gió để nói lên lòng mình. Giai thoại lưu truyền giữa nàng thơ Xuân Hương bướng bỉnh và anh đồ Chiêu Hổ lém lỉnh, nổi tiếng một thời trên văn đàn lúc ấy cũng thể hiện qua cách này.
Khởi đầu, Xuân Hương ghẹo Chiêu Hổ thật đáo để bằng cách xưng chị :

“ Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này chị bảo cho mà biết,
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.”

Không ngờ, anh đồ Chiêu Hổ hoạ lại đốp chát, trả miếng tài tình, đích đáng, khiến Xuân Hương dù đanh đá cũng phải cứng miệng :

“Này ông tỉnh, này ông say
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bế chốc tay...”

Bước sang thế kỷ XX,khi thực dân Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa,chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng dụng,thầy đồ , ông đồ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời. Nhà nho Á Nam Trần Tuấn Khải đã viết như sau về anh đồ :

Cuộc văn chương đã đến khi tàn,
Thôi thì đạo đức với thanh nhàn là hay,
Anh quyết rung đùi dạy dỗ đám sau này,
Mong cho nhân loại một ngày văn minh.
Túi kinh luân sắp sẵn để bên mình
Gặp thời chưa dễ côn kình anh đã thua ai
                                               ( Anh đồ )

              Tiếng thơ của Á Nam cất lên khi thơ ca của phong trào Duy tân của các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…đã đến lúc thoái trào. Hoặc các chí sĩ đã phải lưu lạc ở hải ngoại, hoặc âm thầm uất ức trong ngục tù. Với Á Nam Trần Tuấn Khải, ông ý thức rất rõ về con đường nghệ thuật mà mình đang theo đuổi. Ông viết:

Đời không duyên nợ thà không sống
Văn có non sông mới có hồn

Phong dao là một trong những cống hiến đăc sắc của Á Nam. Hồn ca dao của dân tộc đã thấm sâu vào “anh Khóa” bình dân, khiến cho thi sĩ viết ra những bài ca như của một chị “nhà quê”, một anh trai cày đích thực:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
Bút quan hoài I
hay:
Rủ nhau xuống bể tìm cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau
Duyên nợ phù sinh

           Từ thi pháp cho đến tâm tình đều thấm nhuần lời ăn tiếng nói, ca dao của người nông dân Việt Nam. Trách chi nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan lại chẳng lầm mà đưa hai bài ấy vào mục ca dao về “Tình yêu nam nữ” trong công trình Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của ông.
Thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải đã đi xa,quá xa chúng ta, nhưng tên tuổi ông cùng với nhiều bài thơ của ông đã hóa thân vào với nhân dân và bất tử cùng với dân tộc.
          Bài viết xin được đóng lại với mẩu chuyện vui kéo dòng tâm tư người đọc trở lại chủ đề anh đồ .

Thi Khó Hơn Đẻ

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang đứng

              Một anh đồ nọ gần ngày thi, lo lắng quá sức đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên. Vợ thấy chồng vậy nên nói đùa :
- Tôi coi bộ anh lo thi cũng khó bằng tôi lo đẻ.
Anh đồ bực mình gắt:
- Đẻ đái của bà sao khó bằng thi được.
Vợ anh đồ không chịu, hỏi vặn lại:
- Biết đẻ là làm sao không mà bảo dễ.
Anh đồ nói tỉnh khô:
- Thứ đàn bà có sẵn con trong bụng, nín hơi mà rặn thét nó phải ra, cho nên đẻ con không có gì khó hết. Thứ như tụi học trò chữ nghĩa thánh hiền ta đây, gần ngày thi mà bụng trống rỗng,văn thơ không một chữ, bà nghĩ mà coi lấy gì mà rặn cho ra, vậy có phải thi khó hơn đẻ không nào !?

                                                                                                       Mru Thang

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..