19 thg 9, 2011

Truyện ngắn "Thằng Bi"

      Chú Thích
        Truyện "Thằng Bi" được vào viết năm 2006 khi Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em phát động cuộc thi viết ký và truyện ngắn “Vì hạnh phúc tuổi thơ”.Đề tài mà cuộc thi hướng tới là các trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm.
                                                                           *****
    Hàng xóm của  tôi có con trai từ Mỹ về chơi.Anh ta đi du học tự túc đã hơn10 năm đến nay mới trở về thăm nhà .Tôi nghe bà mẹ khoe con trai của mình đã nhập quốc tịch Mỹ ,vài năm nữa sẽ bảo lãnh cha mẹ qua bển xum họp một nhà. H,tên anh ta , hay sang nhờ vợ tôi làm mấy việc linh tinh như sao giấy tờ, gửi thư,mua một vài thứ lặt vặt với lý do không có thời giờ hoặc bảo là rất ngán chạy Honda trong cái thành phố quá nhiều xe cộ như hiện nay .Tôi không thích dáng kênh kiệu ta đây Việt kiều của H nhưng vợ tôi lại sẵn sàng làm những việc H nhờ vả vì thích các món quà trả ơn hấp dẫn của anh ta .Tôi ít giáp mặt H vì đi làm vắng cả ngày nhưng thằng Bi ,đứa con trai chín tuổi của tôi, lại quan hệ thân thiết với anh ta .Nó mê anh Việt kiều nhà bên như một thần tượng.Trong mắt nó, H là hiện thân của sự giàu có và sang trọng từ mái tóc được chải chuốt cẩn thận đến áo quần xài toàn hàng hiệu ,đồng hồ Rolex đắt tiền , đôi giầy Italy luôn bóng lộn.Tất cả những thứ ấy đã làm cho thằng bé “tâm phục ,khẩu phục”và mơ mộng. Hễ đi học về, thấy bóng dáng anh ta có ở nhà thế nào nó cũng dấm dúi chạy sang .Vợ tôi lúc đầu còn ngăn cấm con nhưng trước những món quà mua chuộc tình cảm hậu hĩnh mà H đã tặng, thì việc la rày chỉ là chiếu lệ và dần dà nàng chẳng buồn để ý nữa .Qua tháng thứ hai ,thằng Bi được H kêu sang chơi cả vào buổi tối.Có một hôm, hết chương trìnhTV ,tôi mới thấy nó trở về nhà với dáng vẻ mệt mỏi khác thường .Tôi chận lại hỏi :”Sao con đi chơi khuya thế thì làm sao còn sức để mai đi học sớm ? Gần thi học kỳ rồi đó !”
         Nó chỉ cúi đầu “dạ” nhỏ rồi lặng lẽ đi về phòng ngủ .Sau lần đó, thằng Bi ít qua chơi với H vào những lúc tôi có mặt ở nhà .
        Từ ngày kết bạn với người con trai hàng xóm, thành tích học tập trong sổ liên lạc của Bi giảm sút thấy rõ.Thứ hạng hàng tháng đang từ khá giỏi tụt xuống trung bình .Chưa hết, một bữa ,cô giáo chủ nhiệm viết thư mời vợ tôi đến trường để báo cho biết thằng Bi nghỉ học không phép 3 buổi .Cô đưa cho vợ tôi xem bản kiểm điểm trong đó Bi khai:”Em trốn học để đi chơi với H ,anh Việt kiều ở nhà kế bên.”Đi làm về nghe vợ kể lại ,tôi hết sức ngạc nhiên và bất bình bởi suốt mấy năm qua, từ lớp một tới lớp ba ,con tôi có bao giờ bị giáo viên ghi ngày nào trong sổ liên lạc là nghỉ học không phép đâu. Thế mà nay nó dám trốn học đi chơi đến 3 buổi.Thật hư hết chỗ nói ! Vô kỷ luật như vầy thì làm sao có thể duy trì danh hiệu học sinh giỏi ở năm lớp bốn này được cơ chứ ? Tôi bực tức nói với vợ :” Anh vắng nhà suốt ngày nên việc chăm sóc thằng Bi học hành phải giao cho em .Thế mà nó lại hư đốn tới mức này. Đúng là con hư tại mẹ !”Vợ tôi không phản ứng gì khi nghe tôi trách cứ.Nàng chỉ thở dài , vẻ đăm chiêu lo lắng hiện trên nét mặt khiến tôi cảm nhận thái độ của nàng có có cái gì là lạ ,không bình thường .Nhưng vì sao thì tôi không rõ ,bởi mãi về sau tôi mới hiểu ra . Bực mình quá, tôi nện cho thằng con một trận nên thân rồi sang nhà hàng xóm để nói chuyện cho ra lẽ .
       Ông bà ta thường bảo “Tránh voi chẳng xấu mặt nào ”, không hiểu có đúng trong trường hợp của tôi chăng mà suốt khoảng thời gian tôi giận dữ nói như tát nước vào mặt thế mà cả ông bố lẫn bà mẹ anh chàng Việt kiều cứ ngồi “Dạ ,dạ, vâng, vâng…” và “Chúng tôi hiểu…“ chứ  không đốp chát lại tôi câu nào.Tôi áng chừng như họ đã lường trước được hành động của mình vì đã nghe vọng qua nhà tiếng la lối của tôi với vợ con và tiếng khóc của thằng Bi lúc bị ăn đòn.Chả là hai nhà chúng tôi chung vách gỗ và sân trước chỉ ngăn bằng mấy sợi dây kẽm gai giăng sơ sài . Tôi như đánh vào chỗ không người nên cũng phần nào hả dạ ,đã nư.Hai ông bà hàng xóm ngồi lặng thinh chiụ trận ,nghe tôi nói xong,họ thì thầm trao đổi với nhau .Sau đó ,ông già đứng dậy, bằng giọng buồn và chậm rãi, ông xin lỗi về những gì con trai mình đã làm phiền gia đình tôi .Ông hứa sẽ mua vé máy bay cho con trở về Mỹ sớm ngay khi nào có thể được .
         Khi H đi rồi ,tôi những tưởng đã giải quyết xong mọi chuyện vướng mắc của anh ta với thằng Bi .Nhưng tôi đã lầm ,bởi chỉ hơn hai tháng sau, một vụ việc đau lòng đã xẩy với ra với thằng Bi và H chính là tác nhân dẫn đến hậu quả vô cùng bất hạnh cho gia đình tôi .
       Trong một nạn xe cộ trên đường đến trường, thằng Bi bị gãy chân .Nó bị chảy máu rất nhiều nên các bác sĩ đã phải tiếp cho nó đến 2 bịch máu.Sau ca phẫu thuật ,thằng Bi phải nằm điều trị trong nhà thương mất nửa tháng .Vợ chồng tôi khốn khổ vì con không may bị tai nạn nhưng cũng thấm cảm ơn trời vì cái chân gãy của nó nối lại được nguyên vẹn, không ảnh hưởng gì đến việc đi đứng sau này.
        Hôm xuất viện , bác sĩ điều trị mời riêng tôi vào văn phòng nói chuyện.Thái độ của ông ta có vẻ căng thẳng khiến tôi lo lo .Linh tính cho tôi thấy dường như có chuyện gì chẳng lành .Nét mặt có vẻ trầm tư, ông bác sĩ cứ nấn ná thời gian mời tôi uống cho hết tách nước trà .Cuối cùng rồi ông mới đằng hắng giọng và nói :“Trong việc đều trị cho cháu ,như gia đình đã biết ,chúng tôi đã phải truyền máu.Việc này buộc phải làm xét nghiệm xem máu của cháu thuộc nhóm nào .Với kỹ thuật hiện đại , người thấy thuốc có thể biết rõ được cả những căn bệnh mà người xét nghiệm máu đang mắc phải .Sau khi đọc xét nghiệm, chúng tôi phát hiện cháu bị nhiễm HIV. Đây là một trường hợp đặc biệt vì cháu còn nhỏ chưa quá 10 tuổi .Thú thật, tôi đã suy nghĩ rất lung, không biết có nên báo cho gia đình biết rằng con quý vị đã bị nhiễm căn bệnh chẳng ai muốn này không. Tôi rất hiểu sự lo lắng của các bậc cha mẹ  khi con em mắc bệnh, nhất là gia đình chỉ có một con và chẳng giàu có gì. Kinh nghiệm cho tôi biết ,có lẽ cháu mới nhiễm trong thời gian gần đây thôi bởi nếu nguồn lây từ cha mẹ khi mới sinh ra thì xác xuất là rất ít vì nếu thế bệnh đã phát rồi .Chính vì vậy hội đồng khoa bệnh viện đã uỷ nhiệm cho tôi chỉ thông báo với gia đình vào ngày hôm nay .”
       Tôi cố gắng kiềm chế bản thân bằng cách cắn chặt hai hàm răng để không cho tiếng kêu thảng thốt tuôn trào ra từ nỗi đau đớn lớn chưa từng có trong đời .Tôi bíu chặt hai bàn tay vào thành ghế để khỏi phải gục xuống mặt bàn .Đôi chân tôi bủn rủn và mất cảm giác ,dường như chúng đã rời khỏi thân xác tôi .Mắt tôi mở to ,nhìn trừng trừng về phía trước song nào trông thấy gì đâu.Tôi ngồi lặng người trân mình chịu đựng nỗi thống khổ của một người cha nghe tin con mình vướng phải căn bệnh quái ác nhất trên đời. Không biết bao lâu thì tôi mới hoàn hồn để nhận ra mình ngồi đối diện với ai và ở đâu .Ông bác sĩ rất cảm thông tâm trạng của tôi .Ông không nói gì chỉ lặng lẽ choàng tay qua vai dìu tôi ra ngoài hành lang, nơi vợ con tôi đang đứng đợi để cùng lên xe ra về .Chúng tôi gọi một chiếc taxi và leo lên. Người bác sĩ đưa một tấm card visit cho tôi và nói :”Nếu gia đình cần tham vấn gì ,hãy liên hệ với tôi ,đừng ngại”.
         Về đến nhà ,tôi về phòng đóng cửa ,nằm vật ra giường suy nghĩ.Phải giải quyết tai ách gia đình ra sao đây ?Tôi cầm tấm card visit của ông bác sĩ trên tay, xoay tròn và nghắm nghía .Tôi tự nhủ nếu mình cứ câm lặng thì sẽ chẳng có gì ầm ĩ .Cuộc sống gia đình tôi vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày .Vợ tôi nào hay và con tôi cũng chẳng hề biết .Chỉ đến khi nào bệnh AIDS phát ra thì mọi sự sẽ tính sau .Nhưng tôi nghĩ lại ,điều gì sẽ xảy ra nếu như nó phát sớm chứ không phải đợi từ 5 năm tới 10 năm ? Còn nữa ,vì sao con tôi laị bị nhiễm HIV và nhiễm trong trường hợp nào ? Nó còn quá nhỏ để đua đòi bạn bè đến mấy nơi ăn chơi trác táng của bọn nhà giàu.Nó cũng không thể nhiễm bệnh từ bất kỳ người thân nào được cả .Cách đây 10 năm trong khi lập gia đình ,hai đứa chúng tôi là những sinh viên đi đầu trong phong trào thi đua hiến máu của trường đang theo học .Nếu nhiễm HIV thì họ đã cho biết ngay và làm gì có chuyện chúng tôi kết hôn ?Chợt trong đầu tôi loé lên một nghi ngờ.Có lẽ nào lại như vậy?
       Tôi tông cửa chạy khỏi phòng hối hả đi tìm mẹ thằng Bi.Vợ tôi đang lúi húi trong bếp chuẩn bị cho bữa cơm ngon mừng ngày con xuất viện.Tôi tức tốc kéo vợ về phòng mặc cho nàng ngơ ngác vì ngạc nhiên.Sau khi khóa trái cửa phòng ,hai tay tôi nắm chặt hai bờ vai nàng , nghiêm giọng : ”Em nhìn thẳng vào mắt anh mà trả lời ,nghe rõ chưa ?”
       Vợ tôi hoảng sợ:”Anh ! Anh sao vậy ? Anh nói gì em nghe sợ quá ?
       Tôi lắc mạnh vai nàng và gằn từng tiếng :“ Thằng... Bi... bị... nhiễm... HIV ! Bác sĩ vừa cho anh hay…Em biết vì sao không ? Vì sao ?... Vì sao ?... Nói đi !...
      Tôi buông vai vợ tôi và ngồi phịch xuống giường .Mặt nàng trắng bệch ra ,giọng thảng thốt:”Trời !...Vậy là con chúng ta tiêu rồi! Trời ơi là trời ! Con ơi là con !... “ Tôi vùng dậy đưa tay bịt miệng nàng, khẽ nói :”Không được la to ! Muốn lối xóm bu đến hay sao ? Cũng không thể cho thằng Bi biết .Cô có hiểu điều này không ? Vợ tôi bụm mặt ngồi phệt xuống đất khóc rưng rức .
      Tôi đợi dăm phút cho nàng vơi nỗi đau rồi ngồi xuống bên cạnh hỏi : ”Bây giờ em nói đi ,em biết những gì về hành vi của thằng Bi khi nó sang nhà bên cạnh chơi ? “
      Vợ tôi oà khóc khi tôi vừa nói xong.Nàng khóc to đến mức thằng Bi phải gào lên ngoài cửa phòng : ”Mẹ ! Mẹ ơi ! Mẹ !...”Tôi còn đang lúng túng chưa biết phải làm gì thì vợ tôi lặng lẽ đứng dậy mở cửa phòng đi lên gác lửng .Thằng con tôi níu áo chạy theo nhưng nàng giựt tay nó ra và lục lọi cái gì đó trong ngăn kéo tủ.Khi trở xuống ,vợ tôi giúi vào tay tôi một chiếc phong bì có gì dày cộm ở bên trong .Tôi mở ra rất đỗi ngạc nhiên khi thấy trong đó một xấp tiền đô với nhiều mệnh giá khác nhau ước chừng phải đến một vài ngàn .Tôi tròn mắt nhìn vợ mình,không thể hiểu ý nàng nói gì và những đồng tiền này ở đâu mà ra ? Nhưng liền đó ,trong đầu tôi bỗng mối lo ngại lúc nãy lại lởn vởn.Có thể nào đúng đó là sự thật chăng ?
       “Lỗi tại em cả ,mình ơi ! ”Bất chợt ,vợ tôi ôm chầm lấy tôi và thốt ra lời thú nhận đó.Trong giọng nói đẫm nước mắt ,nàng thuật lại cho tôi nghe xuất xứ của những tờ đô la dơ bẩn đó và vì sao chúng lại có thể lọt vào ngăn tủ kín đáo của gia đình .Tấn thảm kịch về nỗi bất hạnh của thằng Bi như một khúc phim quay chậm từ từ hiện ra trước mắt tôi .
       H sang Mỹ học nhờ gia đình khá giả.Tiếng là sinh viên du học nhưng H chẳng học hành gì cả .Suốt mấy năm trời H chỉ học cách ăn chơi . Đến ngày sắp bị trục xuất về nước thì may mắn chạy được đường dây làm hôn thú giả để tiếp tục ở lại đất Mỹ. Cũng vì thương con ,cha mẹ H đã khánh kiệt tài sản sau vụ này. Hai ông bà già giờ đây chỉ sống qua ngày bằng những đổng lương hưu khiêm tốn .Còn H hết nguồn trợ cấp buộc phải nghỉ học .Anh ta kiếm sống bằng cách nhận làm những việc mà người bản xứ chê.Những tháng ngày  sống chui lủi trên đất Mỹ ,con người của H đã tha hóa .Anh ta đã trở thành một tên “gay ” nổi tiếng trong giới ăn chơi của những người Mỹ gốc Việt. Năm nay ,nhờ trúng quả một phi vụ chạy thuốc “lắc”,anh ta rủng rỉnh lên máy bay vù về Việt Nam một chuyến.Tiếng là về thăm cha mẹ nhưng kỳ thực là để H đổi khẩu vị ăn chơi của mình .
      Về đến nước ,H thất vọng vì khó tìm ra những “boy”,những “gay” đồng điệu . Trong lúc đang chán chường thì hắn chợt nảy sinh một ý đồ đen tối khi nhìn thấy thằng Bi. H tìm cách tiếp cận con tôi bằng những món quà , những lời dụ dỗ đường mật.Thằng bé thơ ngây trong trắng những tưởng H là người lịch thiệp ,thương người nên sẵn sàng sang nhà chơi mỗi khi anh ta rủ rê.Nhưng nó có biết đâu đàng sau cái bề ngoài thân thiện ,những lời nói ngọt ngào ,H.đã giăng bẫy rất chu đáo để con mồi khó bề thoát ra .Qua vài ngày, bằng nhưng món quà tình cảm ,H đã chinh phục được thằng Bi khá dễ dàng. Bi hớn hở khoe với bạn bè mình có được một người anh kết nghĩa giàu sang.Một bữa, hắn dụ Bi vào phòng riêng để tìm cách dẫn dắt thằng bé phục vụ thú tánh của hắn .Thật tình H cũng không nghĩ mình làm cái chuyện ấy với thằng Bi mau chóng như vậy.Chỉ tại Bi ngây thơ ,chân thật quá nên vội tin ngay rằng H bị căn “bệnh lạ” lâu lâu bệnh lại phát ra mà chỉ có cách nhờ ai thật thân thiết “hút chất độc” ra thì mới chữa được .Thằng Bi cả tin nghe lời làm theo có biết đâu rằng mình bị lạm dụng tình dục. Để cho Bi không tiết lộ cho người khác biết hành vi xấu xa của mình , H căn dặn thằng bé không được cho người thứ ba biết bởi nếu tiết lộ ra thì cách chữa không còn hiệu nghiệm. Cứ mỗi lần thoả mãn xong ,thằng Bi được hắn bồi dưỡng 10 đô .Quá rẻ so với giá của bọn “gay” mà hắn phải trả ở Mỹ. Vợ tôi phát hiện ra việc làm kinh khủng của con mình sau đó không bao lâu .Với bản tính hồn nhiên của trẻ con,thằng Bi khoe nó có tiền đô và gửi mẹ giữ dùm .Khi vợ tôi lục vấn ai cho, nó khai ngay nhưng giấu chuyện nó “chữa bệnh “ cho H Làm gì có chuyện cho không những đồng tiền đô dễ dàng như vậy nên vợ tôi bắt Bi phải khai thật ra nếu không sẽ mách bố và cấm cửa không cho chơi với H nữa .
     Nghe con kể lại việc làm của nó với H,vợ tôi sửng sốt, bàng hoàng trước sự việc. Nàng không thể ngờ H lại bắt con mình làm một công việc như thế.Song thay vì ngăn cấm con và tố giác hành vi đồi bại của H thì nàng lại chần chừ suy tính. Do lòng tham lấn át lương tri cùng sự thiếu hiểu biết ,vợ tôi cứ tưởng rằng con nàng là con trai có mất mất gì đâu trong việc lạm dụng tình dục của H.Vợ tôi mờ mắt với tính toán : nếu mỗi tuần thằng Bi kiếm được 5-7 chục đô thì chỉ vài ba tháng thôi ,nàng đã có một số tiền lớn gấp nhiều lần tiền tiết kiệm cả năm của hai vợ chồng.Nàng hình dung ra chiếc xe gắn máy đời mới mà hai vợ chồng hằng mơ ước chẳng bao lâu sẽ sớm trở thành hiện thực .Mãnh lực của đồng tiền đã lấn át lương tri nên nàng kín như bưng với tôi và buông thả cho đứa con dấn thân làm cái việc làm nhơ nhuốc mà nàng không lường hậu quả.Không ai biết tên H còn bày trò bẩn thỉu gì với thằng Bi trong mấy buổi trốn học đi chơi cùng anh ta. Nếu không có việc giáo viên chủ nhiệm thông báo việc thằng Bi trốn học thì con tôi sẽ còn bị chìm trong vũng bùn nhơ đến bao giờ .Để cho con trai lâm vào hoàn cảnh bất hạnh ,lỗi về phần tôi cũng rất lớn .Nghĩ lại ,tôi tự trách mình là một người cha thiếu sót bổn phận với gia đình ,với con cái.Giá như tôi gần gũi với thằng Bi hơn ,biết chia sẻ trách nhiệm với vợ hơn thì sự việc đâu đến nỗi đau khổ thế này.Giờ đây, tất cả đã muộn màng .Tên tội đồ Việt kiều kia đã cao chạy xa bay và thằng Bi ,đứa con trai duy nhất của hai vợ chồng ,đã vướng phải căn bệnh thế kỷ.Với cái chết đã được báo trước của đứa con,tương lai gia đình tôi  trở nên đen tối hơn bao giờ hết.
        Nhìn nét mặt phờ phạc đớn đau của vợ ,tôi biết nàng đang trong tâm trạng khổ sở và dằn vặt tột cùng .Nàng đã không ngờ lỗi lầm của mình lại đưa đến tai hại nghiêm trọng như thế này cho thằng Bi .Chẳng chóng thì chầy, rồi nó cũng sẽ biết sự thật . Có phép lạ gì khiến nó không sụp đổ và quỵ ngã như bao người khác chăng ? Còn vợ chồng tôi phải làm gì cho nó bây giờ đây ? Tôi chợt nhói con tim khi tưởng đến một ngày nào đó bệnh AIDS sẽ phát ra và mạng sống của con tôi sẽ bị tử thần cướp đi ngay trước mắt mình.Tôi lạnh cả người không dám suy nghĩ tiếp nữa .Vợ tôi nói với đôi mắt nhoà lệ :”Tội nghiệp con chúng ta ! Nó sẽ chết.Làm sao cứu con .Mình ơi !...”Nàng run rẩy,sợ hãi tưởng chừng như sắp lìa thằng Bi đến nơi rồi .Thế mới biết được uy lực của thần chết mạnh mẽ dường nào và nỗi sợ hãi của loài người trước cái chết từ thuở hồng hoang đến cuộc sống văn minh hiện đại vẫn không hề thay đổi.Bất giác tôi tự hỏi, nếu phát hiện bản thân nhiễm HIV thì mình sẽ làm gì ? Có thể nào tôi sẽ bình thản mỉm cười và đi tiếp quãng đời còn lại được chăng ? Lúc này ,tôi không thể nào có câu trả lời cho mình được .
        Trong tâm trạng rối bời,tôi gọi điện thoại cho người bác sĩ theo số đã ghi trên tấm card visit hỏi thăm một số vấn đề .Mau chóng tôi được ông bác sĩ hồi đáp và mời đến nhà để hướng dẫn cụ thể về những việc cần phải làm .
      Tiếp xúc với vợ chồng tôi,bác sĩ T,người tôi liên hệ,cho biết :”Việc quan trọng trước tiên là ông bà phải bình tĩnh . Nếu hốt hoảng sẽ đi đến các hành vi nóng vội mà đứa trẻ là người bị thiệt thòi nhiều nhất .Hãy quên đi kẻ đã lây nhiễm cho cháu. Hãy sống bình thường với cháu như trước  tới giờ để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của nó. Song ông bà cũng cần nắm vững một số  nguyên tắc cơ bản trong việc sống chung với người bệnh  ngõ hầu tránh được mặc cảm sợ hãi không đúng khi chăm sóc cháu và cũng  là để ngăn ngừa tránh lây nhiễm cho người khác một khi AIDS đã phát ra . Tôi khuyên ông bà không nên coi cuộc đời cháu đã đã hết, vì nếu có cuộc sống lành mạnh, lạc quan, dinh dưỡng hợp lý, tâm lý thoải mái, thì mang HIV 10 năm , 20 năm và lâu hơn nữa vẫn không có triệu chứng chuyển thành AIDS .”
    Vợ tôi không giấu nổi nỗi vui mừng khi nghe bác sĩ T nói đến đây nên vội ngắt lời:”Quả thật vậy sao thưa bác sĩ ?Thực tế có trường hợp nào như vậy chưa ?”
     Mỉm cười ,bác sĩ T cho biết :” Một cô gái người Mỹ Rebekka Armstrong nhiễm HIV từ năm 1986 tìm đến rượu, ma tuý và từng tự tử trong tâm trạng chán nản tột cùng. Được cứu sống, được khuyên giải, cô quyết định dành những ngày còn lại của đời mình để làm những điều hữu ích cho xã hội và cho những người bị nhiễm HIV.Đển nay 20 năm qua ,cô vẫn sống và được ca tụng là nhà vô địch chống HIV .Tôi còn nghe kể một người nước ngoài đang làm việc trong tổ chức POLICY Việt Nam mang HIV 23 năm rồi vẫn khỏe mạnh bình thường.”
       Trước khi ra về ,hai vợ chồng tôi còn được  bác sĩ T cho địa chỉ của trung tâm tư vấn về HIV/AIDS. Bác sĩ khuyên chúng tôi nên tìm đến vì ở đây có những người hiểu được những khó khǎn của người bệnh  và gia đình .Họ có thể giúp gia đình cách thức chăm sóc cũng như hỗ trợ thuốc men cho người bệnh .Trung tâm có cả những người đang bị nhiễm HIV tình nguyện đến nhà để cùng chia sẻ vui buồn và tương trợ nhau.
       Đã năm năm trôi qua ,giờ đây thằng Bi đang học lớp 9 tại một trường THCS. Nó đã biết mình bị nhiễm HIV như thế nào và tự bao giờ.Chúng tôi đã cho nó hay sự việc từ khi bước lên cấp hai,thời điểm không quá muộn và cũng không quá sớm theo như hướng dẫn của trung tâm tư vấn .Sớm quá nó có thể gặp cản trở từ bạn bè và phụ huynh trong môi trường học tập ở cấp 1 vì chuyện một đứa trẻ bị nhiễm HIV học chung trong lớp chưa dễ dàng được dư luận chấp nhận . Chưa kể nó có thể bị buộc phải thôi học như đã có trường hợp xẩy ra vì ban giám hiệu bị áp lực rất lớn từ phiá hội phụ huynh học sinh .Trễ quá , nó có thể  bị xốc về mặt tâm lý không chịu nổi những nối tuyệt vọng chán sống dễ dẫn đến các hành vi nông nổi như nghiện rượu,hút xì-ke,chích choác hoặc nghiêm trọng hơn chọn cái chết để thoát ra khỏi sự hành hạ của những cơn trầm cảm triền miên .
       Tôi còn nhớ mãi hình ảnh thằng Bi vào buổi chiều cái ngày chúng tôi quyết định thông báo cho nó biết rõ căn bịnh hiểm nghèo mà nó vô tình mắc phải. Những tưởng hôm đó chúng tôi sẽ phải đau lòng khi chứng kiến phản ứng của đứa con.Thế nhưng may mắn biết bao cho vợ chồng tôi vì thằng Bi lại tỏ ra khá bình tĩnh.Thay vì tái mặt sợ hãi và có các hành vi thiếu kiềm chế do tinh thần mau chóng suy sụp như thường thấy ở nhiều người khác,nó ngồi cúi đầu im lặng,đôi mắt buồn dưng dưng dòng lệ .Vợ tôi nhẹ bước đến bên nó bóp mạnh hai bờ vai như muốn tiếp thêm sức cho đứa con .Nó vụt đứng lên choàng hai tay ôm chặt vợ tôi ,đầu gục trên vai nàng rồi nức nở khóc.
       Những ngày sau đó,gia đình tôi tiếp nối cuộc sống như không có điều gì xảy ra.Thằng Bi vẫn đi học bình thường nhưng hàng tuần tôi chở nó đến trung tâm tư vấn về HIV/AIDS vào sáng chủ nhật để các nhân viên nơi đây giúp đỡ nó hiểu đúng về căn bệnh của mình để từ đó có nhận thức đúng đắn trách nhiệm với bản thân ,gia đình và xã hội.
        Có lẽ các cô chú trong trung tâm tư vấn đã làm tốt cho Bi vưọt trên cả kỳ vọng của vợ chồng tôi bởi mỗi ngày đi học về nó tỏ ra thương cha mẹ hơn lúc trước.Điều này biểu hiện qua hành vi tích cực làm việc nhà mỗi khi rảnh rang sách vở.Bất ngờ hơn với tôi khi thấy con mình ngày càng học tập rất tiến bộ và chăm rèn luyện thân thể.Nó tâm sự với mẹ rằng một người nhiễm HIV chỉ có thể sống lâu dài và khoẻ mạnh đòi hỏi phải có nghị lực rất lớn để nhìn thẳng vào tình trạng bệnh tật của mình.Nó hy vọng sau này sẽ noi gương những người đồng cảnh ngộ, ngay cả khi bệnh AIDS đã phát,vẫn cố gắng vượt qua số phận không may để hễ còn sống ngày nào thì phải sống hữu ích với đời.
       Tôi phải cám ơn trời, phật và thượng đế vì thằng Bi con tôi đã có được phẩm chất thật vững vàng như vậy chắc phải nhờ phúc phận, nhờ ơn trên ,bằng không nó đã giống như bao người bất hạnh đi trước ,chỉ suốt ngày ngồi ủ rũ, gặm nhấm nỗi đau của mình thì chắc nó đã không còn sống đến ngày hôm nay.

11 thg 9, 2011

Không ngủ được



          "Nghe cái nghe của mình, thấy cái thấy của mình, nói cái của chính mình", gọi là Tự Tứ. Không thường hằng Tự Tứ thì một năm ít ra cũng phải được 1 ngày. Tôi cũng k dám nói mình thường hằng Tự Tứ nên chọn Tự Tứ vào tháng 7 và để chắc ăn nên tôi nhập thất. Do đó tháng 7 hàng năm tôi không đi xa cũng như không đi off mà chỉ tiếp bạn bè đến thăm và vài lần cà phê cóc trong xóm.
Sáng nay cà phê với Trung Thu mà giọng hơi khàn. Đùa với TT rằng "lần nào gặp TT cũng giọng hơi khàn, chắc tại hôm qua uống rượu với Lãng Tử Sàigòn và Cướp Biển nhiều quá nên khàn". Thực ra tôi biết mình khàn giọng bởi suốt đêm qua không ngủ được.
         Tôi thường ít ngủ, mỗi đêm chừng 4 hoặc 5 giờ. Do đó, suốt đêm không ngủ được ắt phải có lý do. Một lý do duy nhất là có ai đó trong số người thân của tôi xảy ra chuyện. 10 ngày trước cũng tình trạng này, thì sáng sớm tên đệ tử Phan Quốc Vinh của tôi ở Nha Trang điện thoại báo rằng:
- Con đã nhập bệnh viện ung bướu nè sư phụ ơi 
- Trời, sao vậy?
- Tự nhiên con bị nổi cái hạch ở cổ, bệnh viện ngoài đó chuyển vô đây nhưng từ hôm qua tới giờ còn chưa đến phiên thứ tự khám của con nữa, huhu"...
        Lần này tôi không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho ai nên cứ nằm tĩnh tâm đến sáng. Lúc Trung Thu ra về thì đệ tử Thích Nữ Tịnh Duyên điện thoại báo tin thầy Lê Hoàng Chung đang hấp hối. Thế là một người bạn thân hết mực ái mộ tôi vào những ngày ông đã về chiều, một cây đa mẫu mực của xứ Phan thành, một nhạc sĩ giáo viên hiền lành thân thương của trường Phan Bội Châu, một tác giả của những bản nhạc gắn liền từng sự kiện trưởng thành của Phan Thiết... sắp sửa ra đi.
         Hẳn giờ này bài hát "Tình ca Phan Thiết" của bạn tôi vẫn vô tư phát lên trên mỗi chuyến tàu sắp đỗ ga Mường Mán... và tôi, đang trong thất hồi hướng về anh.

   Tôi đến thăm bạn năm 2007, đứng trước ngôi nhà cổ nhất Phan Thiết,
     
         Phan Thiết là nơi các cậu và mẹ ruột tôi định cư thời thơ ấu. Cậu tôi là ông tổ nghề làm chìa khoá Ba Phước, các anh con cậu tôi hiện là chủ tiệm mắt kính Minh Hùng, Minh Nhã, em tôi đang gánh vác hiệu giày Nam Long. Với tôi, Phan Thiết là quê hương thứ 7 sau Quảng Trị (ông ngoại), Huế (bà ngoại), Hà Nội (ông nội), Quảng Nam (bà nội), Cần Thơ (cha mẹ nuôi), và Sàigòn (nơi tôi gần 50 năm sinh sống). Viết về Phan Thiết, Trần Thiện Thanh và Lê Hoàng Chung, tôi có bài thơ đã đăng báo Bình Thuận như sau:
                                      Cố hương
Nàng Tấm xưa
tuy khoác chiếc áo cát vàng óng ánh em vẫn lọ lem
bởi vương nồng mùi cái món thân quen mỗi bữa cơm nghèo không thể nào thiếu được 
cùng vết nứt nẻ khô cằn xứ hoang mạc cô liêu
Yêu em chắc chỉ có chàng say trăng Lầu Ông Hoàng lãng bạt
vài kẻ ôm đàn viết khúc nhạc quê hương
hay người lính xa nhà tương tư biển mặn
và những con người một đời uống nước Mường Giang
Rồi cô tấm đã gặp hoàng tử trong một ngày nhật thực
phố bỗng lên thành
áo lụa kiêu sa
như trong mơ muôn lâu đài hiện lên trên triền cát
Mùi nồng xưa chìm lắng giữa hương hoa
Dẫu em thành hoàng hậu ta vẫn tin em là cô Tấm
thông thái thảo hiền vương giả bao dung
chỉ cần em còn giữ lại một vuông nhà cổ
ta mãi thầm thương gọi…
cố hương!

                                       Thái Thanh Nguyên

9 thg 9, 2011

GIÀ ƠI ! CHÀO MI !



Phần 1_Thư gửi bạn
H thân mến ,
.. ...Cám ơn bạn đã fw cho tôi "Già ơi ,chào mi",một bài viết rất hay về tuổi già.Thú thật mình phải đọc lần thứ hai mới thấy hết được những cái sâu sắc mà tác giả muốn gửi gấm.Hôm sau còn đang nghiền ngẫm những phương cách vận dụng mà tác giả đề ra trong bài viết thì chợt hay tin Từ Ngọc Nam ,người bạn thời trung học Phan Bội Châu khóa V đã qua đời tại La Gi,Hàm Tân,PhanThiết.
Tôi nhớ lại lần cuối gặp Nam là ngày 4 Tết năm 2010 tại buổi họp mặt cựu học sinh Phan Bội Châu ở nhà hàng Đồi Dương Phan Thiết.Hôm đó tôi thấy sức khỏe Nam còn tốt.Bạn đến từng bàn trò chuyện rất vui vẻ và còn mời mọi người khi nào rảnh rang ghé ra Hàm Tân thăm "Từ gia trang" của mình.Từ lâu tôi nghe nói khi về hưu Nam đã bỏ nhiều tâm sức ra xây dựng khu vườn nhà mình thành một nơi thanh cảnh để mời bạn bè đến thù tạc cùng mình ngâm vịnh thơ vui thú tuổi già.Tiếc rằng tôi chưa có dịp đi thì nay Nam đã không còn nữa.Lúc sinh thời Nam hay làm thơ tặng bè ban cùng khóa với bút danh Từ Nguyên Đạo.Trong số những bài thơ có được của Nam,tôi nhớ nhất mấy câu thơ bạn víết trong bài "Nỗi niềm" :
Mỗi độ năm qua tuổi chất chồng
Cố về gặp lại thỏa lòng mon
Từng năm bạn cũ vơi dần mãi
Vời vợi tiếc thương nặng tấm lòng
Đến lúc chỉ còn một đứa thôi
Bạn bè ngày trước đi cả rồi
Nhớ ngày họp mặt đầu năm mới
Thắp nén hương trầm khóc bạn tôi
.Giờ đây ngồi đọc lại mấy vần thơ của Nam,tôi thấy lòng mình xót xa,cảm hoài...Mới hôm nào, Nam khóc bạn bè đi xa.Còn hôm nay, chúng ta ngậm ngùi tiếc thương Nam.Và thời gian cứ vô tình trôi,tuổi già cứ lặng lẽ đến...không gì cản ngăn ,cũng chừa một ai cả.Đó là quy luât bất di dịch của cuộc sống.
Đôi dòng trên tản mạn về Nam,người bạn Phan Bội Châu đã sớm ra đi.Tôi nhắc đến bởi Nam là người bạn già gần gũi với hai chúng ta và cũng gần gũi với vấn tôi đề cập trong lá thư này.Tôi post bài "Già ơi , chào mi" lên blog để nhiều người khác cùng đọc bởi những điều tác giả viết rất đúng ,rất khoa học và có ích cho những ai muốn tiếp thu chúng.Riêng tôi chỉ muốn chia xẻ với H một số ghi nhận của riêng mình bởi bạn là người có nhã ý fw cho tôi bài này.
Chúng ta ai cũng đã sát ngưỡng 70 nên không thấy dội với những gì tác giả viết thẳng thừng ra.Song theo mình "rằng hay thì thực là hay" nhưng không phải ai cũng làm theo tất tật được bởi khi về già thể chất,phương tiện hoàn cảnh mỗi người mỗi khác.Đúng như tác giả viết, khi còn trẻ "Sống phải có những mục đích đáng đeo đuổi" để phấn đấu làm nên sự nghiệp và lúc về già cũng phải đam mê một vài thứ gì đó,chẳng hạn với người Việt chúng ta thí đó là cây cảnh,chim cá ,văn chương nghệ thuật,công tác xã hội từ thiện...Có thế những năm tháng đời người còn lại sống mới có ý nghĩa.
Tiếc rằng hiện nay trong xã hội chúng ta, số người già còn phải vất vả lo toan về miếng cơm manh áo khá nhiều.Về già mà họ không nguồn an sinh xã hội nào đảm bảo :chẳng lương hưu ,không bảo hiểm y tế.Không đủ sống còn nói chi đến tiền tiết kiệm gửi ngân hàng.Không ít người già lại rơi vào hoàn cảnh không thể nương tựa vào con cái.Thiếu những điều kiện cần và đủ như thế thì làm sao người ta có thể thanh thản tuổi già ?Trong lúc đó thì đủ thứ bệnh tật tuổi già không mời cứ rủ nhau tìm đến.
Điều đáng buồn là không ít những người già chẳng phải lo lắng về phương diện vật chất lại không đam mê gì cả.Thời gian hình như thừa thãi ,vì họ sử dụng phung phí,tùy hứng, nếu không muốn nói là chẳng có kế hoạch gì.Lúc đầu họ hăm hở đi du lịch,đi chơi xa nhiều nơi,kể cả nước ngoài,chủ ý đi cho biết đó đây,cho không thua kém người khác kèm với ăn chơi mặc sức như thể để trả thù đời,để bù vớt cho những thiệt thòi không được hưởng thụ trong quá khứ Sau một thời gian đã chán chê hoặc cạn phương tiện,họ mới chịu dừng và chuyển sang hướng tiêu dao ngày tháng vào bài bạc hoặc nhậu nhẹt lai rai với những người cùng sở thích.Có những người tiêu cực ,họ dành phần lớn thời gian cho việc đọc kinh,đi chùa,đi nhà thờ và hầu hết các lúc rảnh rỗi ở nhà là ngồi dán mắt vào ti vi...
Cũng mừng được biết một số người lớn tuổi tiến bộ hơn đã biết vào mạng để hoà nhập với trào lưu tiến hóa xã hội.Ban đầu ,họ vô internet chỉ cốt để đọc báo . Dần dà họ thấy được nhiều lợi ích của internet thay vì đứng ngoài nhìn với thành kiến "internet làm hư hỏng con trẻ,internet kích động các hành vi bản năng dẫn đến tội ác trong xã hội..."Tôi còn nhớ trên một tờ báo mạng,một bác lớn tuổi phát biểu sau khi ngộ ra lợi ích của internet:"Mỗi khi đọc các website hay tôi đều lưu lại và giới thiệu mọi người trong nhà cùng xem.Kiến thức trên mạng quả là bao la và dễ hiểu tại sao người ta có thể ngồi hàng giờ trên máy tính."
Hãy khoan nói đến những lợi ích to lớn của Internet như khám phá thế giới ,học Anh văn ,chữa bệnh tại nhà,mua hàng trực tuyến,tìm đường đi,liên lạc trực tiếo với bạn bè ở nước ngoài ...Theo tôi cái lợi thiết thực trước mắt là vào internet mình được đọc báo thoải mái cả mấy chục tờ báo in,báo điện tử trong nước,kể cả báo nước ngoài không tốn tiền mà tin tức cập nhật rất nhanh thay vì phải chờ đến sáng hôm sau mua báo mới đọc được .
Về già,theo ý tôi,nếu không giúp ích gì cho gia đình,cho xã hội thì chúng ta đừng làm khổ những người chung quanh.Lý do là người già vui,người thân cũng vui. Người già buồn,người thân cũng âu lo.Vậy sao mỗi người già không tự tìm cho mình một hoặc vài niềm vui thích hợp nào mà đam mê cho khuây khỏa để mọi người thân trong nhà cùng vui theo? Khi người ta vui thì bệnh tật bị đẩy lùi ,bệnh nặng trở thành nhẹ và bệnh nhẹ sẽ lướt qua mau chóng
Chốt lại những ý trên và cũng để kết cho lá thư này,mình xin được mượn lời tác giả Chu Dung Cơ trong bài "Tâm sự tuổi già":"Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui...Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát."
Thân ái
.....................................................******.........................................................
Phần 2.Nguyên tác "Già ơi!Chào mi!"
(Bài của tác giả Nguyễn Văn Sở do bạn H forward)

       Anh em chúng ta người trước kẻ sau ai rồi cũng già. Làm sao tránh được ! Đã có "sinh" là có "lão". Một giai đoạn tất yếu của cuộc sống. Nếu ngày đầu tiên mình sinh ra mà đã biết nghe, biết nói, nếu có ai bảo rằng mỗi ngày mình lớn lên là một ngày mình sẽ già đi, và tiến dần về cõi chết, chắc chắn là mình đã không tin. Tại sao lại bi quan vậy ?
Nói chi chuyện giả tưởng nghe như lối đặt câu với mệnh đề giả định trong một lớp học ngoại ngữ, ngay trong những giai đoạn trưởng thành từ thuở niên thiếu cho đến khi lăn lóc vào đời, có mấy ai ngừng lại vì những bận tâm liên quan đến lão suy hay lão hoá, trừ những thiền sư hay những chú tiểu trong chùa. Giòng sống cứ thế mà cuốn trôi đi, mỗi kiếp nhân sinh như một chiếc lá giữa giòng, trôi từ đầu nguồn ra sông,ra biển. Đâu có như con cá hồi (salmon) sau năm năm ở biển lại quay ngược trở về nguồn để sinh, để chết !
      Trong lớp sinh lý học phổ thông, học sinh trung học đã được biết về tiến trình già-chết của các tế bào trên thân thể con người. Từng giây, từng phút. Nhưng biết để mà biết. Đó chỉ là chuyện tăng trưởng và đào thải trong thân thể con người ! Hay trong lớp siêu hình học nhập môn, khi nêu lên những vấn nạn về cuộc sống như "Ta là ai ?", "Ta từ đâu tới ?" hay "Ta sẽ đi về đâu ?", thì cũng chỉ là để đáp ứng một nhu cầu giới hạn nhất định trong phạm vi lớp học. Rời khỏi trường rồi, còn mấy ai nhớ những buổi hăng say thảo luận về các vấn đề triết lý trừu tượng ngày xưa ? Còn bao nhiêu chuyện quan trọng,bức bách hơn. Chuyện bây giờ lo đã muốn bức hơi, đa mang chi chuyện của ngày mai, chưa tới.Nhưng cái già nó vẫn tới và tới với mình chầm chậm, từ từ.Nhiều khi nó đến rồi mà mình vẫn chưa hay. Sở dĩ như vậy là vì hình như ai cũng phải qua một giai đoạn tự phủ nhận (self-denial) trước khi chịu nhận là mình bắt đầu già. Giai đoạn này dài ngắn còn tùy ở cá tánh và hoàn cảnh của mỗi người. Thật sự ra phải nói là cũng có người tuy tuổi đời còn thấp, nhưng trong cách suy nghĩ hay ứng xử xem ra thì đã có những phản ánh tiêu biểu của người già như phản ứng chậm chạp,nói năng lẩm cẩm, xoay trở vụng về, để đâu quên đó, còn đi lại thì như
là người chỉ còn nửa bầu sinh khí. Lại cũng có người tuy tuổi tác đã cao nhưng lúc nào cũng mau mắn, nhanh nhẹn, nói năng mạch lạc,lớp lang, đầu óc minh mẫn, sáng suốt, ưa thích những sinh hoạt ngoài trời như tắm biển, chơi thể thao, sẵn sàng tham gia các buổi họp mặt với bạn bè, không quá ngần ngại, đắn đo trước những chuyến đi xa, bao giờ cũng sốt sắng, vui vẻ, lạc quan, biết sống trọn vẹn với cái bây giờ thay vì bận bịu, lo toan về cái tương lai, chưa tới.
Trong phạm vi bài này tôi không muốn kể lại đây những nhận định của các nhà chuyên môn về tuổi già và người già khi họ giải thích "thế nào là già" hoặc "tại sao ta già". Tôi chỉ muốn chia xẻ một số ghi nhận của chính bản thân mình, một người cũng đã quá cái ngưỡng 60,về những biến đổi tâm sinh lý trong con người mình cũng như về những khó khăn khi đối phó với những dấu hiệu biến đổi đó trước khi chấp nhận "chung sống hòa bình" với nó.Do đó mà có cái tựa đề như trên là"Già Ơi, Chào Mi !"
           Tục ngữ Anh có câu "A man is as old as he feels, and a woman as old as she looks", nghĩa là cái già của đàn ông tùy thuộc vào cảm nghĩ của chính anh ta. Nếu anh ta vẫn cảm thấy mình trẻ trung,khỏe mạnh, thì tuổi tác có quan hệ gì đâu. Cũng như đối với người đàn bà,nếu dung nhan vẫn tươi tắn, mặn mà thì già trẻ cũng thế thôi, nhắc đến làm chi.Tựu trung già hay không là tùy ở cái đầu của mình. Bởi thế tôi rất tâm đắc với câu trích dẫn (không có ghi rõ tác giả) sau đây trong tập sách "Già ơi ! Chào bạn !" của BS Đỗ Hồng Ngọc mà Anh Hà Quí Phú, một bạn đồng nghiệp cũ cùng tuổi ở Đà Nẳng, vừa gởi cho: "Age is mostly a matter of the mind ! If you don't mind, it doesn't matter"(Tuổi tác là chuyện cái tâm, nếu ta không thèm quan tâm, chả có vấn đề tuổi tác !) Nếu mình ngồi lại với nhau và hỏi nhau "Bạn thấy mình già từ lúc nào ?" thì chắc chắn là mỗi người sẽ trả lời một cách, không ai giống ai.Nói như một người bạn của tôi, anh Tôn Thất Khoát : "Nếu ra bãi biển Santa Monica hay Malibu mà tình cờ được xem một màn quay"Baywatch" với những nữ tài tử trẻ trung, hấp dẫn trong show này diễn xuất bằng xương bằng thịt ngay trước mắt mình, nhởn nhơ, khêu gợi, mà trong lòng vẫn thấy dửng dưng, nguội lạnh thì phải nhận là mình đã già." Tếu, nhưng không phải là hoàn toàn sai. Khi chất testosterone trong cơ thể mình đã càng ngày càng khô cạn thì phản ứng như vậy, đâu có gì là khó hiểu ! Thật sự ra đối với các nhà khoa học thì dấu hiệu sinh lý của tuổi già đã được nghiên cứu từ lâu. Đại loại, nếu bỏ qua các giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi 20 đến tuổi 60 mà chỉ so sánh một người đã quá 60 với thời anh mới 20 tuổi, thì theo Curtis Pesman,tác giả cuốn "How a Man Ages," ta có thể ghi nhận những thay đổi như sau:
-Da mỏng hơn và chùng xuống, độ co giản của da càng ngày càng giảm sút,và qua nhiều năm tháng biểu lộ vui, buồn, sướng, khổ,những nét nhăn trên mặt đã hằn sâu và lớn.
-Tóc bạc, thưa, và nhẹ hơn, đường kính của tóc chỉ còn 86 microns (1 phần triệu của 1m) so với 101 microns hồi 20 tuổi.
-Hai tròng mắt bị co lại, mức độ ánh sáng vào đến võng mạc giảm đi,khó phân biệt được sự vật trong tối, do đó mà khi đọc cần phải có ánh sáng đủ.
-Tai không còn nghe được tiếng động trên tầm 10,000 hertz, như tiếnghót của chim, vì chức năng chuyển thể độ rung từ tai ngoài vào tai trong đã suy thoái.
-Men răng càng ngày càng mòn dần vì quá trình nhai, nghiến, trong khi đó lợi răng co rút lại, làm lộ rõ khoảng trống giữa các chân răng.
-Xương mất dần calcium, trở nên xốp, dòn, dễ gãy, lớp sụn ở các đầu khớp không còn nguyên vẹn, chất nhờn giữa các khớp khô đi, sinh ra di chuyển chậm, khó khăn.
-Tim không còn bơm đủ máu ra khắp châu thân, một phần do cholesterol đóng dày trên thành động mạch làm tim phải hoạt động nhiều hơn mới bơm được máu đi.
-Các cơ bắp làm cho phổi hoạt động bình thường suy yếu dần, độ co giản của lồng ngực yếu đi, làm cho lượng dưỡng khí hít vào chỉ còn bằng một nửa thời 20 tuổi.
-Trọng lượng của thận giảm từ 20% đến 30%,sức lọc chất thải của thận chỉ bằng nửa hồi trẻ, và sức chứa của bọng đái cũng chỉ còn chừng một nửa (8 fluid ounces, khoảng non 230cl).
Với năm tháng qua đi, khối não cũng rút nhỏ lại và giảm trọng lượng, hàng tỷ tế bào não bị mất đi, trí nhớ bị giảm sút.
       Những thay đổi trên thì ít nhiều ai cũng nhìn thấy, nhất là nơi người khác.Với tôi, đèn đỏ đầu tiên báo động tiến trình lão suy đã bắt đầu là cách đây 7 năm, lúc tôi phải vào Bệnh viện Hoag ở Newport Beach để mổ tim và thay van (mitral valve). Trước khi vào phòng mổ tôi cũng đã cố tìm đủ mọi lý do để tự thuyết phục cho quyết định của mình, mà lý do nặng ký nhất vẫn là "wear and tear." Có tốt đến đâu mà dùng lâu ngày cũng phải mòn, phải rách. Cũng như chạy xe thì đến lúc cũng phải thay 4 vỏ xe. Cũng như cái máy giặt trong nhà,cái lò trong bếp, hay cái bóng đèn trên trần. Sử dụng cẩn thận đến đâu đi nữa thì đến lúc hỏng cũng phải thay. Nhưng thay van là để được sinh hoạt bình thường trở lại, đâu có nghĩ là cơ thể mình đã bắt đầu già !
Rồi 3 năm sau khi mổ, theo khuyến cáo của những người có thẩm quyền, tôi lại phải ngưng chơi tennis, một thú tiêu khiển cuối tuần mà bao nhiêu năm ròng tôi thích thú đeo đuổi với tất cả hăng say,nhiệt tình. Lý do là chứng đau nhức phần lưng dưới (lower back) cứ dai dẳng, không dứt. Bản án thứ hai: Sau khi xem hình quang tuyến chụp phần lưng dưới, bác sĩ phán là tuy chưa trầm trọng nhưng đã có dấu hiệu suy thoái giữa các khớp xương L2-L3, L3-L4, và L4-L5 là các khớp xương ở phần lưng dưới, nghĩa là chất nhờn đã khô đi, lớp sụn bao quanh các khớp đã mòn (Multilevel Degenerative Disease), khoảng cách giữa các đốt xương sống ở vùng này đã rút ngắn lại, và các ngạnh của khớp xương đã bắt đầu nhô ra (Multilevel Spondylosis). Tóm lại đây là dấu hiệu của bệnh lão suy. Nhưng nói là "bệnh" thì nghe ghê quá ! Làm sao tuổi mình mà gọi là già !
      Tuy nhiên với bản án khắc nghiệt đó tôi bắt đầu âm thầm tìm cách cưỡng chống lại, ít nữa là cũng để "trì hoãn chiến". Theo các bác sĩ tây y thì không có thuốc chữa. Có loại thuốc với hỗn hợp của hai chất glucosamine và chondroitin được quảng cáo ầm ĩ là có thể làm giảm đau ở các khớp thì Cơ quan Quản trị Thực và Dược Phẩm (U.S. Food & Drug Administration) lại chưa chuẩn nhận là có giá trị lâm sàng.Đồng thời nó cũng có thể có phản ứng nghịch đối với các loại thuốc làm loãng máu. Chất nhờn giúp các khớp chuyển động dễ dàng, tự nhiên, là của "trời cho", đến một tuổi nào đó sẽ khô dần đi, không có thần dược nào có thể tái tạo nó lại được. Nhưng các bác sĩ đông y lại quả quyết là được. Đau ở lưng là do gan nóng, hoặc thận suy. Nếu kiên nhẫn uống theo toa của các vị này bảo đảm sẽ lành. Thế là lại âm thầm đi bổ thuốc, nghe thầy nào hay, dù xa đâu cũng tìm đến, thuốc sắc (ba, bốn chén còn một), thuốc tể, thuốc ngâm rượu. Thử hết, xem có kết quả gì không. Nhưng cái đau âm ĩ vẫn còn ! Cái khó đối với tôi còn ngặt nghèo hơn so với những anh em khác cùng bịnh trạng là tuy đau nhưng không thể dùng các loại thuốc giảm đau hiện có vì sợ phản ứng nghịch với loại thuốc làm loãng máu (Coumadin) mà tôi vẫn phải uống hằng ngày sau khi thay "van nhân tạo" bằng kim loại.
     Song song với những cố gắng chữa trị bằng thuốc, tôi còn tìm cách thăm dò, luyện tập theo nhiều phương pháp khác nhau, mỗi cách đều có một mức độ công hiệu nhất định, do bằng hữu hoặc các anh chị sinh viên đã từng có thời học ngoại ngữ với tôi biết tôi đau nên đề
nghị luyện tập thử. Cũng xin kể ra đây những môn tôi đã có tập qua để có anh em nào đồng bệnh cùng trao đổi kinh nghiệm cho vui:
-Yoga (Hatha Yoga và Pitales Yoga) tại các trung tâm 20-Hour Fitness. Khí công Thiếu Lâm Tự, theo cách hướng dẫn của tác giả Wong Kiew Kit trong cuốn Chi Kung for Health and Vitality.
-Phương pháp thở sâu, chậm, nhẹ, và đều trong cuốn Wujishi Breathing
Exercise của tác giả Men Den.
-Phương pháp Đạt Ma Dịch Cân Kinh.
-Phương pháp Thiền Vô Cực do Thầy Tôn Thất Hanh, nguyên giáo sư Quốc Học, Huế, giới thiệu.
-Phương pháp Hồi Xuân gồm năm thế tập của các tu sĩ Tây Tạng do Peter Kelder thuật lại trong cuốn Ancient Secret of the Fountain of Youth.Thái Cực Quyền.
          Tôi đã tập qua các phương pháp được giới thiệu cũng như một số phương pháp khác do các bạn thân quen vốn là võ sư chỉ giáo mà tôi không tiện kể hết ra đây, mỗi môn tôi tập một thời gian để tìm xem phương pháp nào phù hợp cũng như thuận tiện và công hiệu với mình nhất. Mấy năm gần nay tôi cố gắng đều đặn tọa thiền mỗi buổi sáng (theo Sổ tức quán) và tập Thái Cực Quyền là chính. Và đã thấy có phần nào giảm đau, không gay gắt như những năm trước đây.
         Điều đáng nói không phải là chuyện phải kiên trì tập luyện, vì đây là nhu cầu sinh tử, mà chính là mình phải trực diện với thực trạng của thân thể mình, coi lão hóa là một phần của tiến trìnhtất yếu, tự nhiên, không có gì phải quá lo âu, sợ hãi. Và như đã nói ở trên, biết nó làm khổ mình, nhưng vẫn phải làm lành với nó, chung sống hòa bình với nó, thực tế khắc chế nó được đến đâu hay đến đó, không nôn nóng, hối hả, không trông chờ phép lạ mà mình biết ở tuổi này khó còn có thể xảy ra.
         Gần đây tôi lại tình cờ đọc được bài "Tính Tuổi Theo Lối Mới" (Calculate Your Age in Neo-Years) trên trang nhà của Giáo sư Tiến sĩ Davis Demko có liên quan đến cách suy nghĩ về tuổi già. Theo ông,75% tiến trình lão hóa của con người có thể điều chế được do tác động của sáu yếu tố sau đây:
-Khắc chế yếu tố di truyền. Dĩ nhiên yếu tố di truyền tạo cho mỗi con người một tình trạng có thể bị mắc những bệnh mà cha mẹ người đó đã từng bị, nhưng những phương pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe hiện đại, nếu áp dụng đúng mức, có thể làm giảm đi rất nhiều tính đe dọa của yếu tố này.
-Tập thể dục, thể thao. Rất nhiều các chứng đau nhức phát sinh do thiếu hoạt động. Nếu luyện tập thường xuyên thì hệ thống tim mạch sẽ được bảo toàn, xương và bắp thịt sẽ rắn chắc, khỏe, và sự phối hợp chân tay sẽ nhịp nhàng, hữu hiệu.
-Tinh thần luôn được kích thích. Những người tưổi cao mà vẫn có những sinh hoạt tinh thần đều đặn và đầu óc luôn luôn được kích thích, suy nghĩ, tìm tòi như đọc sách, học ngoại ngữ, chơi ô chữ, hay tham gia vào các cuộc thảo luận hứng thú sẽ giữ được tinh thần minh mẫn, tỉnh táo lâu dài.
-Có tập quán dinh dưỡng tốt. Cách tốt nhất để chống lại già trước tuổi hay bệnh tật. Thức ăn là năng lượng. Phải tìm hiểu những phương cách dinh dưỡng lành mạnh, cũng như những sinh tố hay khoáng chất mà cơ thể mình cần.
- Sống có ý nghĩa. Sống phải có những mục đích đáng đeo đuổi.Ý thức rõ mục đích công việc mình đang làm dễ gây cho mình cảm hứng, giúp mình tập trung, chú ý, tránh được buồn nản, bẳn gắt, và kết quả tích cực sẽ nâng cao giá trị của chính mình.
-Biết phòng ngừa bệnh tật. Đây là yếu tố quan trọng có giá trị điều chế tiến trình lão hóa. Cần khám tổng quát thường xuyên để kịp ngăn chận các bệnh hiểm nghèo. Đừng bao giờ nghĩ là các chứng đau nhức hành hạ mình chỉ là hậu quả của tuổi già.
         Sau khi phân tích các yếu tố nói trên, Giáo sư Demko đề nghị một lối tính tuổi mới mà ông cho là chính xác hơn. Ông đặt tên cho công thức tính tuổi của ông là: DNA-Plus. DNA là viết tắt của Demko's Neo Age, Plus ngụ ý là già với những đặc tính tích cực. Công thức DNA-Plus tính trung bình của 4 lọai tuổi:
-Tuổi thời gian, tính theo số năm đã sống.
-Tuổi thể chất, tính theo tình trạng sức khỏe.
-Tuổi xã hội, tính theo mức độ sinh hoạt hằng ngày trong việc làm, đời sống gia đình, giải trí, hay các công tác thiện nguyện.
-Tuổi tâm lý, tính theo khả năng đối phó với khủng hoảng, mâu thuẫn,sự căng thẳng trong đời sống, hay thích ứng với mọi sự thay đổi bất ngờ.
-Nếu áp dụng công thức này cho một người đã sống đến 80 năm (tuổi thời gian), có tình trạng sức khỏe của một người sống 70 năm (tuổi thể chất), có mức độ hoạt động của một người sống 60 năm (tuổi xã hội), và có khả năng ứng phó của một người mới sống 50 năm (tuổi tâm lý), thì tuổi trung bình của người này sẽ là (80+70+60+50) : 4 = 65 tuổi (Neo Years), nghĩa là tuổi chính xác của người này chỉ mới 65 chứ không phải là 80 theo cách suy nghĩ thông thường.
        Bởi vậy cho nên, các Anh các Chị ơi, hãy mỉm cười như tôi mỗi buổi sáng khi thức dậy và bắt đầu ngày mới với một nụ cười: Già ơi, Chào mi! Vâng, đúng vậy. Tuổi già đã đến với tôi, và tôi đã làm thân với nó. Vì tò mò, tôi cũng đã tính tuổi tôi theo công thức DNA-Plus của Giáo sư Demko. Bây giờ đến lượt anh và chị. Anh, chị thử tính xem mình bao nhiêu tuổi ?
                                                *****

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..