14 thg 6, 2022

HOÀI NIỆM PHỞ TƯƠNG LAI


.................................................Sài gòn có phở Tương Lai
.....................................Tiếng đồn quả thực không sai chút nào…
................................................................................(Trích từ thơ của thực khách )
****
.......

             Người Việt ở nước ngoài về quê hương đa phần là để thăm lại bà con xóm làng, viếng quê cha đất tổ hoặc người lớn tuổi muốn đi chơi giối già, thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về cội nguồn chôn nhau cắt rốn của mình . Thế nhưng T,một người bạn của tôi ,định cư ở nước ngoài đã khá lâu, mỗi lần về Sài Gòn chơi lại cứ khẳng định mình về nước chỉ là để ăn phở.

      Mới nghe T nói lần đầu ,tôi ngỡ anh nói đùa cho vui nhưng những lần gặp sau T vẫn nói thế khiến tôi thắc mắc truy nguyên và vỡ ra là T đã nói thật vì ở Việt Nam ngoài bạn bè T chẳng còn ai là thân thuộc cả .Còn chuyện mê phở của T thì tôi đã sớm biết từ lâu vì học chung với anh nhiều ở bậc năm trung học .

       Có thể nói là T con người mắc bệnh “nghiền phở”. Căn bệnh này T nhiễm từ ông bố ,người nổi tiếng là một tín đồ trung thành của “đạo Phở”.T tâm sự với tôi là ông bố mình rất khoái phở ,mê phở đến độ sáng nào cũng ăn mà không thấy chán.Minh chứng T nêu ra là chỉ cần nghe ai nói ở đâu trong Sài Gòn có tiệm phở mới khai trương ăn được là thế nào ông bố T cũng mò tới ăn thử cho biết.Bố T từng cường điệu cái gu ăn uống của mình qua câu nói “mọi thứ quà sáng trên đời thua phở hết”.Ông khoe với bạn bè mình là tác giả của câu nói “phở là vua quà sáng” mà tác giả nguyenuthang đưa vào một bài viết nhan đề “Vua quà sáng ở Montreal” đăng trên ”TuổiTrẻ cuối tuần” số ra ngày ngày 19/08/2006.

       T kể với tôi nhà anh ở khu chợ Bàn Cờ từ đầu thập niên 60 ,một vùng người Bắc “chín nút” sinh sống nên có khá nhiều tiệm phở ngon .Nổi tiếng nhất là phở Tầu Thủy do một ông già tóc bạc phơ đeo kiếng cận khá nhiều độ đứng bán.Tiệm phở này nằm ở giữa đường Nguyễn Thiện Thuật ngay hẻm 242 chợ Bàn Cờ ngó xéo qua.Phở Tầu Thủy nổi tiếng ngon nhờ nước dùng trong nấu toàn xương bò đun suốt cả đêm bốc hương phở thơm lừng khắp khu phố.Khách ăn phở đến từ xa vài chục mét đã ngửi thấy mùi.Bánh phở nơi đây thái lớn nhưng mỏng, mềm rất hợp với khẩu vị của người già đã trở thành một đặc trưng của phở Tầu Thủy.Sau 1975 ông già mất ,phở Tầu Thủy nghỉ bán vì cô con gái duy nhất không có khả năng nối nghiệp bố.

          Theo lời T gần khu chợ Bàn Cờ ,có con đường Lý Thái Tổ chạy song song với Nguyễn Thiện Thuật cũng là địa bàn có nhiều tiệm phở ngon ,một là phở Hợp Lợi ở gần bùng binh Cộng Hòa ,hai là phở Tầu Bay nằm đối diện nhà thương Nhi Đồng sát bên nhà thờ Bắc Hà ,ba là phở Đông Mỹ ở cách phở Tầu Bay khoảng hơn 200 mét ngược về phía chợ cá Trần Quốc Toản. Hai tiệm phở Tầu Bay và Đông Mỹ cách nhau có mấy căn nhà thôi nhưng bao giờ Tầu Bay cũng đông khách hơn vì Đông Mỹ là tiệm phở nhỏ,bày ít bàn và lý do cốt lõi là nước phở không ngon bằng.Theo lời T thì chủ 2 tiệm này là người đồng hương.Ông già chủ phở Tầu Bay thường mặc bộ bà ba trắng ngồi thu tiền,có nhiều tiếp viên giúp việc.Còn ông chủ phở Đông Mỹ hay mặc bộ bà ba nâu trực tiếp đứng bán phở với con cái trong nhà phụ giúp bưng phở.Sau 1975 phở Tầu Bay vẫn tiếp tục đông khách nhưng phở Đông Mỹ khách ngày một thưa thớt đi và sau khi bố mất người con trai cả chỉ trụ được tiệm không quá một năm.Và cùng thời gian đó ,do kinh tế đi xuống ,phở Hợp Lợi ở cuối đường Lý Thái Tổ cũng nghỉ bán.

           Năm 1982, T cùng gia đình ra nước ngoài định cư.Không biết gia đình gặp khó khăn gì chăng mà T bặt tăm không liên lạc với tôi từ khi đó.Năm tháng trôi nhanh ,thấm thoắt đã hơn 2 chục năm ,chúng tôi không tin tức gì về nhau và tôi tưởng mình đã mất thêm một người bạn .Một lần dọn tủ sách cũ thấy cuốn “Thành ngữTự điển” T mua tại nhà sách Khai Trí tặng tôi năm xưa trong một dịp bát phố Lê Lợi ,tôi đã lấy xuống viết vào trang đầu vài chữ hoài niệm :” Của một người bạn không bao giờ còn gặp lại.”

         Nhưng thật bất ngờ, một lần trên đường chở con đi thi tốt nghiệp trung học ,tôi gặp lại T ở gần Bưu điện Chợ Lớn. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, nỗi vui không sao tả hết,biết bao điều muốn nói nhưng vì không có thời gian T hẹn sáng mai gặp tôi tại 194 Nguyễn Tri Phương quận 5.

        Sáng hôm sau, đến chỗ hẹn tôi mới biết nơi đây là tiệm phở Tương Lai,phở ngon nổi tiếng một thời của thành phố Sài Gòn. Vừa bước vào cửa, tôi thấy T đang nhâm nhi cà phê nơi chiếc bàn liền sát bậc cửa ra vào .Anh đã “xí“ chỗ cho tôi bằng một chai sữa tươi gọi sẵn đặt trên bàn. Nhìn quanh, tôi thấy tiệm đang đông khách, có cả mấy người nước ngoài.Ngay khi tôi vừa ngồi xuống, T giơ tay búng cái “tách” làm hiệu gọi. Một cô bé phục vụ bước tới khoanh tay. Anh kêu cho mình một tái nạm gầu rồi ngó tôi bảo: “Cậu thì chắc vẫn tái nạm vè nước trong như ngày xưa nhỉ ?”. Tôi mỉm cười gật đầu thầm cám ơn trí nhớ của anh.

        Trong lúc ngồi chờ, tôi đảo mắt nhìn quanh. Trái với vẻ bình dân ngoài mặt tiền, phía trong tiệm nom sang trọng hơn do mới được tân trang lại. Đập vào mắt tôi là hai dãy ghế bằng i-nốc sáng choang. Trên tường, ngoài mấy chiếc quạt đang quay vù vù, tôi thấy một tấm áp-phích quảng cáo phở Tương Lai và một bản danh sách liệt kê những món phở của tiệm. Nền nhà sử dụng gạch ốp-lát kiểu mới bóng lộn. Các cô bé mặc áo đỏ mang chữ Tương Lai trên lưng tươi tắn tới lui phục vụ khách. Từ một góc phòng, âm vang nhè nhẹ một bản nhạc Pháp không lời góp phần tạo nên một khung cảnh ấm cúng, thân mật.

         Hai tô phở vừa đặt xuống bàn toả hương thơm lừng.Đưa mắt nhìn,tôi nhận ra nước dùng phở ở đây rất trong, thơm mùi bò mà không gây. Những miếng thịt nạm vè thái không mỏng, không dày, góc cạnh vuông vắn, xếp lớp trải đều. Vắt lên trên chúng là những lát thịt bò tái mỏng trắng phơn phớt hồng nom bắt thèm. Quả là một tô phở hấp dẫn khiến chưa ăn mà nước miếng tôi đã ứa đầy miệng. Nhìn sang T, tôi thấy anh đang dồn hết tâm trí vào việc ăn phở. Đầu chúi vào tô phở, mắt mở to, sống mũi phập phồng theo từng hơi hít hà sâu, hai tay thoăn thoắt nhặt rau, từng lá rau húng, cọng ngò gai, miếng ớt, nhánh hành trần… lần lượt được anh bỏ nhanh vào tô. Anh thêm muỗng tương ớt, nặn chút chanh rồi xoa tay nhón đôi đũa .

          Mải miết nhìn khúc dạo đầu quá ư hấp dẫn của con người có “tâm hồn ăn uống” tôi quên béng đi lý do việc mình có mặt ở đây lúc này .Thế nên khi tôi cầm đũa thì tô phở của T đã vơi đi phần nào. Anh nheo mắt mỉm cười hóm hỉnh chế giễu sự chậm chạp của tôi : ”Ăn phở phải ăn thật nhanh ,khi nó còn đang nóng hổi thì phở mới ngon. Mà hồi nãy đi ngang quầy phở, cậu có thấy những miếng củ cải trắng nổi ở trong thùng nước dùng không?... Chính thứ củ cải trắng đó đã làm cho nước dùng trong và ngọt dịu. Chỉ khi khách quen yêu cầu thì chủ mới cho thêm vài ba miếng vào tô.”



        Khi chúng tôi sắp đứng dậy, một người đàn ông trung niên, dáng chừng là chủ tiệm, bước đến cạnh bên bàn:
_ Cám ơn quý khách,hẹn gặp lại .
Giọng nói gốc Hoa của ông, bất giác khiến tôi suy nghĩ : “Không phải là người Việt mà sao họ nấu phở ngon thế?”.Tôi bắt tay ông và hỏi :
_Chào ông chủ ,ông có thể cho biết phở Tương Lai khai trương từ bao giờ không?
Ông ta vội xua tay chỉ về phía người đàn bà đứng ở quầy :
_ Bà chị tôi mới là người đứng trông coi cửa hàng phở . Tôi chỉ có vai trò phụ giúp thôi. Chẳng giấu gì mấy ông,tiệm phở này trước đây do ba tôi gầy dựng. Bây giờ già, chân đau, ổng phải nghỉ ngơi trên lầu. Gia đình tôi bán phở từ năm 1956 ở một địa điểm khác cũng trên đường Nguyễn Tri Phương ,khúc đường phía trên gần tượng đài , nhưng được dăm năm thì chuyển về đây”.
     T xen vào :
_ Phở Tương Lai như thế xuất hiện cũng đã phải trên năm chục năm.Nhưng sao gia đình bác không xây cất lại cho khang trang hơn như những tiệm phở mới xuất hiện gần đây ?
      Người đàn ông mỉm cười :
_ Ồ, không phải ba tôi không có khả năng. Ông để vậy là có dụng ý riêng : muốn khách quen xa Sài Gòn lâu ngày hoặc những người định cư ở nước ngoài lâu năm trở về thì chỉ cần nhìn qua là họ nhận biết ngay tiệm phở Tương Lai thường ăn khi xưa mà ghé vào. Trong việc buôn bán làm ăn ,chúng tôi rất trân quý những khách hàng lâu năm .



       Chúng tôi rời khỏi tiệm phở với tâm trạng khác nhau.Tôi vui vì gặp lại bạn xưa .Còn T vui vì đạt sở nguyện về Việt Nam để thưởng thức phở ngon đúng gu của mình.T cho tôi số ĐT và hẹn 2 năm sau sẽ gặp lại .Nét mặt anh thật tươi khi chúng tôi bắt tay giã biệt nhau.Khi lấy xe xong,tôi còn thấy T nán lại lui cui chụp vài pô hình nơi cửa tiệm phở .
          Hai năm sau chúng tôi lỡ hẹn vì tiệm phở Tương Lai đóng cửa.Một lần đi ngang,dừng xe mua tấm vé số nơi vỉa hè gần số nhà 194 ,tôi được người bán vé số cho hay :" Tiệm phở nghỉ bán vì anh em nhà họ bất đồng.Ngôi nhà 2 căn liền đã được bán cho chủ mới mà nghe nói sẽ phá đi để cất lại thành nhà hàng lớn chứ không bán phở ."

       Nhìn hai chữ Tương Lai trên bảng hiệu của tiệm phở mới ngày nào rất nổi tiếng và đông khách,nay im vắng cửa đóng then cài, tôi thấy lòng trầm xuống ,bâng khuâng man mác buồn. Không chỉ tiếc mất đi một tiệm phở ngon, tôi còn mất đi một người bạn cũ như T từng nói:” Mình về nước chỉ là để ăn phở…”.
Tôi còn nhớ ,trên menu dán tường,một lần tiệm phở Tương Lai được một thực khách lưu niệm 2 câu thơ:

                                 Sài Gòn có phở Tương Lai
                            Tiếng đồn quả thực không sai chút nào…


       
        Năm tháng trôi qua, Sài Gòn nhiều đổi thay. Nguyễn Tri Phương vẫn là con đường thu hút nhiều khách ăn uống về đêm.Có thêm nhiều quán phở mới khai trương nhưng không có phở Tương Lai .Vài khách cũ bâng khuâng dừng bước trước nhà hàng choán chỗ quán phở ngày xưa .Họ không thể nào tìm lại được những cảm giác cũ thân quen ,gần gũi từ khung cảnh hay từ những món ăn .Tất cả đã khác xưa,tất cả đã là quá khứ .Ba chữ phở Tương Lai chỉ còn là hoài niệm để nhớ về tiệm phở vang bóng một thời:


Ngày xưa có phở Tương Lai
Một thời nổi tiếng ăn xong nhớ hoài
Bây giờ tiệm phở Tương Lai
Chỉ là hoài niệm cho ai muốn tìm

                                                                             Mru Thăng




         ...........................................................................

Giết chim bằng ống thổi

( Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần số 14 ngày 11.4. 2010 )

....

......Sáng chủ nhật vừa qua, trên đường về nhà sau khi đi tập thể dục, tôi thấy một người đàn ông thổi chim trên đường Thành Thái (quận 10 ,thành phố HCM). Chỉ trong vòng mươi phút ,ông ta thổi rơi 5 ,6 con chim sẻ .Tội nghiệp mấy con nhỏ bé quen lệ trời tờ mờ sáng còn ” ngủ nướng” trên cành cây , đâu hay biết mạng sống của chúng sắp bị tử thần lấy đi . Những con chim vô tội đó vô tội rơi bộp xuống mặt đường, sã cánh nằm yên chỉ sau một hơi thổi nhẹ nhàng từ miệng người thổi chim truyền qua cái ống nhôm..

...........Không phải chỉ mình tôi mà cả gần chục người khác cũng hiếu kỳ tụm lại quan sát người thổi chim .Ông ta trạc ngoại tứ tuần ,đầu đội cái mũ vải dân phòng màu hạt dẻ ,áo pyjama xám ,quần tây cụt ống, chân đi giầy vải,lưng đeo cái can nhựa để trong bao nylông mầu xanh nhạt .Tất cả đồ nghề thổi chim của ông chỉ có một cái ống nhôm dài chưa quá 3 mét và một nắm đất sét dẻo trong túi quần để mỗi lần thổi thỉ thò tay véo một tí cỡ hạt ngô vo tròn lại cho vào đầu ống nhôm .

.............Khi thấy không còn chim trên những cây trồng trước Học viện Quân y ,người thổi chim cắp cái ống nhôm nơi nách, lững thững đi về phía đường Tô Hiến Thành.Tôi rảo bước đến cạnh trò chuyện khen tài thổi chim hiếm thấy .Như được bắt trúng mạch ,ông ta khoe trong thành phố Sài Gòn chỉ có mình là người duy nhất làm công việc này.Không chỉ bắt chim sẻ , ông bảo khi ra ngoại thành những con chim nặng 3 ký cũng thổi rơi luôn. 

........Tôi đế thêm :

_ Tụi trẻ con mà nhìn thấy ông thổi chim hay như vầy chắc chúng thích thú rủ nhau bắt chước quá !

    Ông cười lắc đầu :

_ Bắt chước à ? Không phải chuyện dễ ,tưởng thế mà làm không được đâu ! 

     Nói rồi ông xăm xăm bước không để tôi kịp trao đổi gì thêm.


.... ........

   .Tôi nghĩ người thổi chim này từ miền Bắc vào vì thuở bé sống tại Hà Nội tôi đã từng chứng kiến lớp thiếu niên đàn anh của mình bắn chim sẻ ,chim mía bằng ống xì đồng. Nhưng bắt chim theo kiểu thổi ống đồng thời ấy chỉ có tính cách tiêu khiển mua vui như một trò nghịch ngợm của tuổi ấu thơ mà thôi.Việc bắn những con chim sẻ trên đường phố Sài Gòn bây giờ mà tôi chứng kiến lại là một công việc , một kế mưu sinh nhằm kiếm chác món nhậu hoặc thêm thắt cho bữa cơm bớt đạm bạc khi gia đình đang hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19.


.......

        Nhưng ngẫm suy kỹ thì lợi bất cập hại, bởi việc thổi chim đó ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái thành phố . Có lẽ nào đang khi cả nước đang hưởng ứng hàng loạt sự kiện bảo vệ môi trường như “Giờ Trái đất”, “Tháng Thanh niên hành động vì môi trường ”…thì chúng ta lại có thể thờ ơ trước sự kiện hàng ngày mấy chục con chim sẻ đều đặn bị " lên mâm".

.     Thử hỏi bạn có buồn và thất vọng không khi mai này chẳng còn được thấy những con chim sẻ hồn nhiên nhảy nhót trên hè phố lúc bình minh hoặc ngắm chúng xào xạc tìm gọi nhau đi ngủ dưới mái hiên nhà hay chui vào các tán lá lúc hoàng hôn ?

     Thành phố bê tông hoá, chung cư hoá đang là xu hướng hiện nay .Con người  đang đánh cắp khoảng không của những chú chim sẻ, cũng là cái khoảng dịu mát của tâm hồn.Nếu mỗi ngày bạn được ngắm nhìn cảnh chim sẻ sà xuống ăn những hạt xôi thừa ,những hạ gạo vung vãi trên hè phố thì hẳn bạn sẽ dịu bớt đi rất nhiều những âu lo bộn bề do đời sống mang lại. Mong lắm những ai đang sát hại những con chim sẻ đường phố hãy suy nghĩ lại việc làm của mình,đừng vì chút lợi nhỏ mà tàn hại những sinh linh vô tội.Hy vọng các cơ quan chức năng quan tâm ngăn chặn và tìm cách bảo vệ loài chim sẻ để giữ gìn vẻ đẹp của thành phố.

     

.......................

 
..

....

.... ...

....

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..