15 thg 4, 2019

CHUYẾN ĐI BHUTAN CỦA TÔI


  Hello !!.......Xin lưu các  ý bạn, bài ký sự này đáng lẽ đã ra mắt từ 2
 tuần trước, đúng vào ngày Cá tháng 4 (  April Fools' Day ), nhưng
do anh bạn Tan Doan của  tôi chưa kịp nhận mấy tấm ảnh chụp
 từ Bhutan gửi về nên hôm nay bài viết mới được post lên net .
                              ___***___
  • Thượng tuần tháng 3 vừa qua ,tôi cùng với một số bạn bè cùng trang lứa trên dưới U 70 tổ chức một chuyến tour đến Bhutan .Khởi hành từ Sài Gòn ,sau 4 giờ bay trên không, máy bay chúng tôi bay thẳng đến Bhutan và hạ cánh an toàn tại sân bay Paro,khởi đầu cho chuyến du lịch trải nghiệm tại Vương quốc Hạnh phúc ( Trước đây các tour đi Bhutan đều phải quá cảnh tại Thái lan hoặc Singapore). Chọn đi tour vào thời điểm này là thích hợp hơn cả vì trong lúc Sài Gòn đang oi bức nhất của năm nhưng tại Bhutan lại đang mùa xuân (tháng 3, 4 ,5) mùa cao điểm của đẹp  đẽ ,huy hoàng, rực rỡ và ngoạn mục với những màu sắc tươi sáng của thiên nhiên. Đây là thời điểm mà các thung lũng màu xanh lá cây trải dài với thảm thực vật đa dạng và phong phú, hoa đỗ quyên màu đỏ, hồng và trắng nở rộ trong rừng. Cảnh sắc của trăm hoa đua nhau đâm chồi nảy lộc, cây trái trĩu quả vô cùng quyến rũ...

  • Mở đầu bài viết ,tác giả xin có vài dòng chú thích về nước Bhutan :
Bhutan là một nước nhỏ ở dãy Himalaya nằm giữa khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc và Ấn Độ.Bhutan là quốc gia Phật giáo Kim Cương thừa duy nhất trên thế giới. Dấu ấn Phật giáo và nguồn gốc tôn giáo Tây Tạng có thể được nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu trên khắp đất nước Bhutan.Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Bhutan còn là một đất nước với một nền văn hóa khác biệt và để lại ấn tượng sâu đậm cho du khách đến thăm. Truyền thống của Bhutan là một thể liên kết chặt chẽ với vương quốc và tách biệt rõ ràng với các nước láng giềng bên cạnh. Những truyền thống Phật giáo vẫn được duy trì và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến người dân Bhutan trong cuộc sống. Bhutan còn được mệnh danh là ‘Thiên đường hạ giới cuối cùng’ (The Last Shangri-la) với môi trường tự nhiên nguyên sơ và một xã hội phát triển hài hòa .
  • Chỉ trong thời gian 5 ngày ,tôi và bạn bè đã được HDV người bản xứ dẫn đi thăm hầu hết những danh lam thắng cảnh của đất nước Bhutan .
_ Ngày 1 :Thăm thành phố Thimphu với Bảo tháp tưởng niệm,Tượng phật ngồi,Bưu điện thị trấn Thimphu và Tashichho Dzong.
_Ngày 2 ,3 : Thăm thành phố Punakha với Thiền viện Tango ,Cổng trời Dochula,Chimmi Lhakhang,Punakha Dzong và Cầu treo Punakha.
_Ngày 4: Thăm Tu viện Tiger’s Nest.
_Ngày 5: Khám phá Paro bao gồm Kyichu Lhakhang + Bảo tàng quốc gia rồi ra sân bay về lại VN.

  • Ấn tượng nhất và cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất là ngày viếng Tu viện Tiger’s Nest (Taktsang ). Tu viện nổi tiếng nhất Bhutan này tọa lạc tại một mỏm đá lắt lẻo trên đỉnh núi cao và được xem là một trong những điểm phải đến để chinh phục của rất nhiều du khách. Để lên đến Tiger’s Nest cần ít nhất 4 tiếng đồng hồ đi bộ lên núi và đường đi thực sự không hề dễ dàng, nhưng một khi đã lên đến nơi bạn sẽ biết mình vừa chinh phục được giới hạn bấy lâu của mình, với quà thưởng là phong cảnh hùng vĩ bạt ngàn của núi, bầu trời xanh ngắt cùng hai màu xanh – trắng hòa quyện vào nhau.Đây được coi là nơi thờ đạo Phật thiêng liêng thứ 10 trên thế giới ,1 trong những điểm hành hương quan trọng mà mỗi người dân Bhutan phải đến được ít nhất 1 lần trong đời.

  • Chuyến đi tour Bhutan này không chỉ giúp tôi  mở rộng kiến thức về đất nước Bhutan ,về Phật giáo mà còn cho tôi có một may mắn không thể có lần hai trong đời là được nghe một thiền sư cao niên trụ trì tại Tu viện Tiger’s Nest thuyết giảng về LUẬT NHÂN QUẢ .Vị thiền sư này nguyên là một vị Lạt Ma ở Tây Tạng tên là Drukpa Kunleyonat ,năm nay tuổi đã ngoài 80.Hôm nay ,10/03/2019 ,là ngày rất đặc biệt với vị thiền sư vì ngài đã đến Bhutan vừa tròn 60 năm (10/03/1956 - 10/03/2019.Đó là ngày người dân Tây Tạng vùng lên ở thủ đô Lhassa chống Trung Quốc chiếm đóng rồi bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp đẫm máu, khiến hàng ngàn người chết và nhiều người phải sống lưu vong, trong đó có cả đức Đạt Lai Lạt Ma.Có lẽ thôi thúc từ động cơ này nên thiền sư thuyết giảng rất truyền cảm và hùng hồn .Ông được nhiều tràng pháo tay tán thưởng từ rất đông những người đến nghe chật cứng sảnh đường hôm đó.
A- PHẦN  MỘT :
NGHE thiền sư Drukpa Kunleyonat nói về  LUẬT NHÂN QUẢ THUYẾT NGHIỆP BÁO

        “Thế giới chúng ta đang sống hiện nay là một thế giới hoàn toàn mất quân bình. Con người chịu những bất bình đẳng, vận mạng khác nhau. Người này sinh vào cảnh giàu sang với trí tuệ thông minh đạo đức và cơ thể khỏe mạnh; trong khi kẻ khác gặp cảnh nghèo hèn, khổ cực,bệnh tật. Có nhiều người nhân đức, thánh thiện nhưng lại thường gặp điều không may mặc dù họ thật thà và hiếu thảo. Có không ít kẻ xấu xa, khờ dại, nhưng lại luôn gặp may ,được hưởng mọi điều ân huệ, mặc dù sống ác độc, tội lỗi...
     Các vị có thể hỏi :”Tại sao, tại sao và tại sao v.v...). Đây là những vấn đề làm bận tâm trí nhiều người . Làm sao giải thích được ? Phải chăng đó là do kết quả của sự may rủi hay ngẫu nhiên mù quáng ? 
      Xin thưa rằng :Trong thế gian này, không có việc gì xảy ra tình cờ hay ngẫu nhiên mù quáng cả .Vậy có thể nào bảo đó là ý muốn của một đấng Tạo Hóa vô trách nhiệm chăng ? Cũng xin thưa rằng không .
Những tác giả thời xưa đã nhứt quyết bảo rằng Thượng Đế đã tạo ra con người theo hình ảnh của mình. Một vài tư tưởng gia hiện đại, trái lại, nói rằng chính con người tạo Thượng Đế theo hình ảnh của mình. Với sự phát triển của nền văn minh, quan niệm về Thượng Đế cũng được ngày càng cải thiện. Bởi dù sao, ta không thể quan niệm có một nhân vật như thế hiện hữu hoặc ở trong hay ngoài vũ trụ. 
        Sự khác biệt này phải chăng do truyền thống và giới thân cận? Ta phải thừa nhận rằng ngày nay nhờ khoa học tiến bộ vượt bậc,với nhiều nghiên cứu lý hóa phối hợp các nhà khoa học thiên tài đã giải thích được một phần vấn đề của nhân loại, nhưng vẫn không thể giải đáp mọi vấn đề nhân sinh liên quan giữa con người và vũ trụ hoặc giữa con người với con người ,giữa linh hồn và thể xác ...Ngay cả căn bản sự khác biệt tế nhị của cuộc sống con người lúc mới sinh ra : cùng cha mẹ nhưng con cái tính nết không giống nhau,tại sao hai bé sinh đôi có thân hình giống nhưng tánh chất mỗi em lại khác ?...
        Theo Phật Giáo, sự sai khác này không những chỉ do truyền thống, giới thân cận, “bản tính và sự giáo dưỡng”, nhưng cũng chính do nghiệp báo của chúng ta, hay nói cách khác, do kết quả của những hành động chúng ta gây ra trong quá khứ và hiện tại. Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành động, sự hạnh phúc và đau khổ của chúng ta. Chính ta tạo nên địa ngục cho ta. Chính ta xây dựng thiên đường cho chúng ta. Chúng ta là những kiến trúc sư xây dựng vận mạng của chúng ta. Nói tóm, chính chúng ta tạo nên nghiệp báo của chúng ta. 
Đương thời tại thế,một hôm có chàng thanh niên đến gần đức Phật hỏi ngài tại sao và do nguyên nhân nào mà trong thế gian có những cảnh huống bất đồng cao và thấp,có người yểu, có người thọ, người đẹp đẽ và người xấu xí,người có uy quyền và có người nghèo khổ, có người sinh trong gia đình thấp hèn và có kẻ thuộc hạng cao sang; có người dốt nát và có kẻ thông minh”. 
        Đức Phật vắn tắt trả lời như sau: “Tất cả chúng sanh đều mang theo cái nghiệp (Kamma) của chính mình, như một di sản, một căn nguyên như người chí thân, như chổ nương tựa. Chính cái nghiệp đã phân chia ra tình trạng cao và thấp của mọi chúng sanh”. Rồi đức Phật giải thích nguyên nhân của những sự khác biệt đó đúng theo luật nhân quả. 
        Như vậy, theo quan điểm của Phật Giáo, sự chênh lệch về tinh thần, trí tuệ, đạo đức và bẩm tính của chúng ta, phần lớn do các hành động và khuynh hướng của chúng ta, trong quá khứ và hiện tại. 
       Nghiệp theo nghĩa đen là hành động; nhưng, theo nghĩa rốt ráo của nó, là tác ý, thiện và bất thiện. Nghiệp gồm có hai loại tốt và xấu. Tốt đem lại tốt. Xấu đem lại xấu. Cái gì giống nhau thu hút nhau. Đó là định luật Nghiệp Báo. Chúng ta gặt những gì chúng ta đã gieo. Chúng ta đã gieo nhân tức chúng ta phải hái quả, lúc này, nơi này; hay lúc khác, nơi khác. Nói một cách, hiện tại chúng ta phải nhận lấy kết quả của hành động chúng ta đã gây ra trong quá khứ; tương lai chúng ta sẽ gánh chịu kết quả của hành động chúng ta tạo nên trong hiện tại. Trong một nghĩa khác, hiện tại của chúng ta không hoàn toàn là kết quả của chúng ta trong quá khứ; và trong tương lai của chúng ta, không tuyệt đối là kết quả của chúng ta trong hiện tại. Chẳng hạn, một tội phạm hôm nay có thể trở thành một thánh nhân ngày mai. 
Phật Giáo chủ trương mọi sự khác biệt (trong đời sống) là tùy thuộc nơi Nghiệp (Kamma), nhưng Phật Giáo không quả quyết rằng tất cả đều do ở Nghiệp. Nếu mọi việc đều do nơi Nghiệp thì một người sẽ phải luôn luôn xấu vì Nghiệp của họ là xấu. Và bệnh nhân khỏi cần đi khám bác sĩ để chữa bệnh, vì nếu Nghiệp của họ đã vậy, thì họ sẽ được chữa lành. 
       Chúng ta cũng không thể dùng các từ ngữ như sự ban thưởng và trừng phạt để giải thích về vấn đề của Nghiệp, vì Phật Giáo không công nhận một đấng Toàn Năng có quyền điều khiển con người và ban ân hay giáng họa cho họ. Người Phật tử, trái lại, tin tưởng rằng sự đau khổ hay hạnh phúc mà con người phải gánh chịu là hậu quả tất nhiên của những hành động thiện và ác do chính họ gây ra. Tưởng nên biết rằng Nghiệp gồm có cả hai nguyên tắc vừa liên tục và báo ứng. Nghiệp tự nhiên có khả năng tạo ra quả báo. Nhân sanh quả. Quả giải thích nhân. Hột tạo nên trái, nhìn trái ta biết hột ra sao, vì cả hai (hột và trái) đều có sự tương quan. Cũng như có sự liên hệ giữa Nghiệp và quả báo; “trong nhân đã có sẵn mầm giống của quả”. Người Phật tử nhận thức hoàn toàn giáo lý Nghiệp Báo, không cầu xin kẻ khác để được cứu rỗi, nhưng tự tin tưởng chính ta có thể giúp ta giải thoát, bởi vì lý Nghiệp Báo dạy rõ mỗi cá nhân chịu trách nhiệm hành động của mình. 
      Thuyết Nghiệp Báo đã mang lại cho con người niềm an ủi, nguồn hy vọng, tánh tự tin và đạo đức can đảm. Niềm tin nơi Nghiệp Báo “làm tăng giá trị của sự tinh tấn, và kích thích lòng nhiệt thành”, khiến con người luôn luôn có lòng tốt, khoan dung và giúp đỡ kẻ khác. Cũng do niềm tin ở Nghiệp Báo đã nhắc nhở con người tránh điều ác, làm việc lành để gặp quả tốt; mà không chút sợ hãi sẽ bị trừng phạt hay cám dỗ bởi bất cứ sự ban thưởng nào. Thuyết Nghiệp Báo có thể giải thích vấn đề khổ đau, sự bí ẩn của cái được gọi là số mạng hay tiền định của các tôn giáo; và trên hết, giải thích sự bất đồng trong nhân loại. Nghiệp Báo được xem như là định luật tất nhiên. “

B- PHẦN HAI
 NGHE THIỀN SƯ NÓI VỀ NHỮNG TIỀN KIẾP CỦA CON NGƯỜI
                                                          -----***-----
        Buổi tối hôm đó,tôi quyết định bỏ đi chơi tự do theo nhóm của mình để cùng một số du khách Tây phương đến tịnh xá của thiền sư Drukpa Kunleyonat .Dù số người không nhiều ,chỉ hơn chục người ,nhưng thiền sư tiếp đón chúng tôi rất chu đáo.Một căn phòng có diện tích khoảng 20 mét vuông có tường bao quanh trang trí hoa văn vẽ hình ảnh đức Phật trong các tư thế sinh hoạt đời thường ,vài chậu hoa kiểng trang nhã đặt hao bên lối vào,còn thiền sư đã ngồi yên vị tại chiếc bàn bán nguyệt từ bao giờ không rõ .Trên bàn có để sẵn micrô,một chiếc bình cắm nhiều hoa sen trắng và có cả một chiếc PC màn hình khá lớn.Hai dãy ghế dựa dài được kê đối diện với vị trí ngồi của thiền sư .Chúng tôi được ngài mời ngồi sau câu niệm Phật.Có tiếng nhạc sáo nhẹ nhàng vang lên trong lúc chủ khách an tọa.Một vị sư trẻ ngồi kế thiền sư đứng lên giới thiệu chương trình tọa đàm và phát cho mọi người tham dự mảnh giấy nhỏ để ghi những câu hỏi nếu muốn được thiền sư giải đáp.Tôi không quen viết tốc ký sợ mình ghi chép thiếu sót nên vội lấy DTDĐ ra thu lại (May nhờ lanh vặt sử dụng điện thoại ghi âm mà mình có bài viết này đấy các bạn ).

1.Con người chết đi sẽ trải qua vòng luân hồi

         Sở dĩ con người ta cho rằng không có kiếp sau là bởi vì chính họ không tận mắt nhìn nó cho nên không tin. Không ai có thể biết được có còn gì sau cái chết, bởi vì người đã chết thì chắc chắn một đi không trở lại và con người chỉ chết có một lần. Đời người vô cùng ngắn ngủi. Nhưng con người không phải vì thế mà chối bỏ cuộc đời. Con người chết đi không phải giống như đèn tắt, cũng không nhất định là được đầu thai làm người mà chắc chắn sẽ thuận theo nhân duyên nghiệp báo mà chuyển sinh.
Hãy biết cố gắng hết mình dùng quãng thời gian được sống để theo đuổi đam mê hay sống với tất cả tình yêu thương cũng như hoài bão trong tâm hồn mình đừng để bản thân phải hối hận vì không thể làm điều mình muốn khi còn sống ( ý thật giống như câu nói của nhân vật chính Paven trong “Thép đã tôi thế đấy”  của nhà văn Nga Nikolai Ostrovski).



2.Vòng luân hồi nói lên lẽ thật của kiếp người
  Người thế gian hay oán trách cha mẹ không có phước nên mới sanh mình ra khổ mà không biết chính họ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ứng như thế. Cha mẹ chỉ là phần phụ thôi nhưng hãy nhớ gốc là bản thân mình. Như vậy vòng luân hồi nói lên lẽ thật của kiếp người.
3.Tìm hiểu về vòng luân hồi là để sống được an nhiên
Chúng ta không cố tìm gặp luân hồi, vì đôi khi luân hồi đang trôi chảy ngay trên thân của mỗi con người giống như dòng máu luân lưu. Cái khổ đau nhất của người đời chính là tham muốn và nắm giữ những thứ thuộc về người khác. Bản thân mỗi người hãy cố gắng tập buông bỏ từ từ, cái tâm lý tham muốn hay nắm giữ để một mai khi vô thường bất chợt đến và thần chết tìm đến ta thì lúc đó ta có thể lập tức sự từ bỏ tất cả không có chút tham luyến gì để được  bình an trong chính tâm hồn mình. Đó là điều kiện tối thiểu và cần thiết cho sự tái sinh vào một đời sống tốt đẹp và cao cả hơn.
Chúng ta có thể hình dung bánh xe luân hồi như là một "vòng tròn sinh sinh - hóa hóa" của đời sống của muôn loài chúng sanh. Trên vòng tròn ấy, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc, và bánh xe ấy cứ quay mãi trong vòng trầm luân của sanh tử khổ đau cho đến khi nào con người tu tập và đạt đến sự giải thoát tối thượng có nghĩa là sẽ không còn sống,chết,lại sống,lại chết .... nữa mà thành bất tử. Khi bất tử, không chết nữa thì sẽ không còn luân hồi.
4.Nguồn gốc cuối cùng của đời sống là gì? 

Đức Phật dạy rằng: - “Sự luân hồi này không biết bao giờ mới chấm dứt. Chúng sanh lúc khởi đầu, vì bị vô minh che lấp và trói buộc bởi tham dục, nên đã mãi lang thang đi xa, không nhận biết được”. 
Dòng đời này cứ tiếp tục chảy chừng nào nó còn được nuôi dưỡng bởi nước bùn của vô minh và ái dục. Chỉ khi nào con người muốn đoạn diệt hết vô minh và ái dục, dòng đời lúc ấy mới ngừng chảy; và luân hồi cũng chấm dứt như trường hợp của chư Phật và các vị A La Hán .

5. Hỏi Đáp với Thiền sư Drukpa Kunleyonat

H_Bạch thầy,làm sao chúng ta có thể tin rằng có một kiếp sống quá khứ ? Bằng cớ giá trị nhất mà người Phật tử có thể dẫn chứng về sự luân hồi là do nơi đức Phật, vì Ngài đã phát triển trí tuệ đến trình độ Ngài có thể    thấy nhớ đến những kiếp quá khứ và vị lai. 
Đ_Theo lời dạy của đức Phật, các đệ tử của Ngài cũng tu tập phát triển trí tuệ này để có thể nhớ lại ít nhiều những kiếp trước của họ. 
Ngay cả các đạo sĩ Ấn Độ trước thời đức Phật, cũng đặc biệt có được những thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông và nhớ lại đời trước v.v... 
Cũng có một số người, do luật giao cảm, bất ngờ nhớ lại kiếp quá khứ hoặc những đoạn nào trong kiếp trước của họ...

H_Có bao lần chúng ta gặp người mà chúng ta chưa từng gặp, nhưng tự nhiên trong trí chúng ta nhớ chừng như đã quen biết họ đâu đây? Bao nhiêu lần ta viếng thăm những nơi (mà ta chưa đến) nhưng ta có cảm tưởng như quen thuộc hoàn toàn với cảnh ấy từ lúc nào? 
Đ_Đức Phật đã dạy: “Do sự thân cận quá khứ hay lợi ích hiện tại, mối tình thâm thời xa xưa đấy lại nổi dạy như cánh sen vượt lên mặt nước”. Do sự thí nghiệm của các nhà tâm linh học hiện đại, những sự giao cảm với ma quỷ, các hiện tượng gọi hồn kỳ bí và đồng cốt nhập v.v... đã làm sáng tỏ phần nào về vấn đề luân hồi. 

H_Trên thế gian có những bậc cao siêu, những đấng Toàn Giác như chư Phật. Làm sao họ tiến hóa bất ngờ như thế được? Có thể nào chỉ trong một kiếp sống mà các vị ấy thành tựu được kết quả (xuất chúng) như vậy chăng? Chúng ta giải thích thế nào về trường hợp các vĩ nhân ,những thiên tài và thần đồng v.v...?
Đ_Với thời gian vài năm hay nhiều lắm là 100 năm mà chúng ta hiện hữu ở thế gian này chắc chắn là chưa đủ đối với sự chuẩn bị cho một cuộc đời vĩnh cửu. 
Nếu chúng ta tin rằng có hiện tại và tương lai, hẳn nhiên chúng ta tin có quá khứ. Hiện tại là con đẻ của quá khứ, và cũng là cha mẹ của tương lai. 
Nếu chúng ta có những lý do tin rằng có kiếp sống trong quá khứ thì chắc chắn không có lý do gì để không tin rằng chúng ta sẽ còn tiếp tục sống sau khi kiếp hiện tại kết thúc. Chính đời sống quá khứ và vị lai đã giải thích rõ ràng cho lý do tại sao “trong đời những người đạo đức thường chịu nhiều khổ cực, còn những kẻ gian ác lại gặp cảnh giàu sang”. 

( Vị sư trẻ đứng lên thông báo buổi tọa đàm sắp hết thời gian và xin mọi người nêu 1 câu hỏi cuối cùng) .
May mắn quá bởi tôi chính là người được vị sư trẻ chỉ định đặt câu hỏi cuối .

H_ Bạch thiền sư ,con có nghe nhiều người ca ngợi công đức tu tập cao sâu của ngài và chính nhờ thế ngài đã phát triển trí tuệ lên trình độ nhớ được các tiền kiếp của mình cũng như biết được quá khứ ,vị lại của người khác .Có phải đúng như thế chăng và nếu có thể ngài cho con biết tiền kiếp của mình được không ?
Đ_A di đà phật ! Bần tăng không dám nhận những lời ca ngợi quá tốt đẹp đến mức thông tuệ vị lai để có thể thế thiên hành đạo như lời đồn đoán đó.Tuy nhiên bần tăng ngay từ thuở nhỏ khi còn tu tập ở Tây Tạng đã học hỏi từ rất nhiều vị đạo sư tâm linh, vốn là những người cao tăng có trọng trách duy trì Phật pháp,Đạo pháp tại đất nước Tây Tạng.Theo các vị đó, có những người có thể nhớ lại được ngay cái kiếp mà họ vừa trải qua, kể cả nhiều đời kiếp trước nữa, và cũng có những người thông tuệ do bẩm sinh hoặc do tu tập có thể nhận biết ra được những nơi chốn và bà con họ hàng từ những đời kiếp đó. Đây không phải là việc chỉ xảy ra trong quá khứ. Thực ra sự việc  hóa thân và tái sanh của các vị Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng đã được hình thành từ rất lâu và được cộng đồng Phật tử cùng tăng ni công  nhận.Có điều số người đạt mức đạo pháp cao sâu khó tìm và cũng khó minh chứng lắm.Chỉ những người hữu duyên tao ngộ nhất thời  mới có hy vọng nhìn lại quá khứ vị lai của người khác.Có thể xảy đến bất kỳ không lường trước được ...Nhưng hôm nay xin mọi người yên  lặng và vui lòng chờ xem chúng ta hữu duyên không ....
        Vị thiền sư lặng thinh nhắm hai mắt một phút đoạn mở mắt nhìn tôi cũng khoảng gần 2 phút .Cả thính phòng im phăng phắc chờ đợi...Thế rồi bất chợt ngài thiền sư giơ tay vẫy tôi lên đứng cạnh.Thiền sư nhìn vào mắt tôi bảo không được chớp rồi cầm bàn tay phải của tôi và nói:” Con gõ vào bàn phím tên họ ,năm sinh và nơi sinh của mình.” Tôi ngạc nhiên không rõ mục đích yêu cầu của ngài thiền sư nhưng vẫn làm theo .Vị thiền sư đứng dậy nắm bàn tay phải của tôi nhẩm đọc một bài kinh kệ gì bằng tiếng Phạn hoặc thứ tiếng gì mà tôi không biết .Xong ,thiền sư mỉm cười bảo tôi : “Bây giờ những tiền kiếp của con sẽ hiện ra trong màn hình máy tính sau khi bấp phím enter .”  Tôi run run ngón tay khi bấm vào bàn phím trong lúc mọi người rõi theo với tâm trạng hết sức căng thẳng...Và một sự kỳ lạ đã xuất hiện : trên màn hình nhấp nháy 4 lần liên tục,mỗi lần có hình ảnh một người ,lần lượt 3 nữ chỉ có 1 nam nhưng da màu.Tôi xững người ,mở to mắt khi những hình ảnh đó xuất hiện trên màn hình thêm 1 lần nữa. Tôi ấp úng chắp tay cảm ơn ngài thiền sư và hỏi :” Xin ngài có thể cho tôi tiện thể biết kiếp sau của mình được chăng ? Ông mỉm cười lắc đầu :”Hậu kiếp mỗi người tùy thuộc cách sống của họ trong đời thực hôm nay .Không ai có thể biết được điều này.”

MRU THANG  ( viết theo lời kể của Tan Doan )
           

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..