29 thg 7, 2017

DƯ ÂM - NGUYỄN VĂN TÝ

          Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày tình khúc Dư âm ra đời,
        ít ai biết ban đầu nó chỉ là một sáng tác “tính làm chơi 
        bỏ túi” của anh bộ đội kháng chiến Nguyễn Văn Tý
         nhưng cuối cùng lọt ra ngoài rồi như gió bay đi 
        “không còn cách nào chặn lại”.

         Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để lại cho đời rất nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng Dư âm vẫn được xem là sáng tác đáng nhớ nhất của ông bởi nó được lồng bằng cảm xúc của một mối tình không thể cập bến.


                                                    Làm chơi mà thành thật
Năm 1949 nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là trưởng đoàn văn công của Sư đoàn 304 (tương đương tiểu đoàn trưởng) và cũng đang là một chàng trai cô đơn. Người vợ đầu tiên của ông đã mất 6 năm trước và nỗi buồn cũng ít nhiều vơi đi. Thấy vậy bạn bè giới thiệu với ông rất nhiều bạn gái nhưng rồi cũng chẳng tới đâu. “Hồi còn trẻ tôi trông được lắm, mặt mày sáng láng đầy đặn, hiền lành lại có hai má lúm đồng tiền. Nhiều nhà tướng số bảo tôi có số đào hoa, hấp dẫn phụ nữ. Nhưng thực tế lại đụng đâu hỏng đó. Có được tình yêu quả là khó vô cùng”, nhạc sĩ nói.
Một ngày đẹp trời, một người bạn thân rủ ông về nhà mình chơi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhà ấy có 2 người con gái: người chị 22 tuổi và cô em mới vừa 16. Cốt ý của người bạn là muốn làm mai nhạc sĩ cho cô chị mà cũng vì thời ấy con gái đến tuổi 18 mới được phép nói đến chuyện lấy chồng vì vậy người chị 22 tuổi ra mắt còn cô em phải tránh mặt.
Buổi hôm ấy nói chuyện cũng chẳng tới đâu cho đến lúc cô em “bất thần xuất hiện, đến sau lưng chị, tì cằm vào ghế chị ngồi và nhìn tôi với đôi mắt đen tròn lay láy. Ôi! Đôi mắt kỳ diệu đã hút hồn khiến tôi sững sờ, đờ đẫn, rồi lặng im như người mất hồn”. Thấy anh chàng nhạc sĩ 26 tuổi Nguyễn Văn Tý bỗng nhiên đờ đẫn, cô chị quay lại và... đứng dậy bỏ đi. Cô em sợ quá, cũng đi luôn vào trong.
Lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hiểu rằng mình đã dính phải tình yêu sét đánh và ông cũng tin cô gái 16 tuổi kia ít nhiều cũng có tình cảm với mình. Sau đó, bị gia đình cấm bén mảng vì cô em còn quá nhỏ, nhưng vì quá nhớ nhung nên anh vẫn đánh bạo ghé thăm, song chỉ được ngồi ngoài sân trò chuyện cùng với người bạn thân.
     
  Một đêm trăng sáng, khi hai người bạn đang ngồi trò chuyện, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý một lần nữa rụng tim khi thấy cô em ra ngoài thềm ngồi hong tóc. Hong tóc xong cô ôm đàn ngồi hát khe khẽ. Đó là khoảnh khắc đã tạo nên câu hát: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ”…
Ít người biết rằng hình bóng cô gái là nỗi đau tiếp nối của một mối tình sâu nặng khác bị thất lạc vào giữa năm 1949 của nhạc sĩ. Và khi nhìn thấy cô, những cung bậc tình yêu xưa như thể tái sinh.
        Tối hôm ấy ra về, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mang nặng trong lòng sự tan vỡ. Về đến đơn vị, khi mọi người đã ngủ, ông thắp ngọn đèn dầu, ngồi trong tấm cót cuộn tròn, viết Dư âm, một mạch, không sửa chữ nào. Sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể lại trong hồi ký "Trái tim tôi lúc đó tan nát lắm rồi. Không thế sao lại hạ bút viết câu "Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ”. Bài hát sau đó được phổ biến khắp nơi và trở thành nhạc trong bộ phim Kiếp hoa ở vùng tạm chiếm Hà Nội.

Dư âm là mãi mãi
Dư âm là một bài tình ca buồn đẹp nao lòng và số phận của những liên quan cũng buồn chẳng kém.
8 năm sau (1958), nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gặp lại Hằng (cô gái 16 tuổi năm xưa) trên đường về đơn vị ở Vĩnh Yên. Lúc ấy Hằng cũng đi bộ đội và đã lấy chồng. Nhạc sĩ nhớ lại: “Một chiều đi đến Vĩnh Yên, trời chuẩn bị mưa, tôi ghé vào một doanh trại trên đồi trú mưa. Nhưng vừa nộp xong giấy tờ cho bảo vệ, tôi bỗng thấy một người trong trang phục quân đội chỉnh tề từ xa đi tới. Tôi vô cùng hoảng hốt khi nhận ra người đó chính là Hằng. Hình như cô ấy cũng nhận ra tôi nên dừng lại từ xa. Tôi vội vàng vào trạm bảo vệ xin lại giấy tờ, rồi như người mất hồn đi qua mặt cô, ra cổng và đi thật nhanh như chạy trốn. Kỳ thực trong thâm tâm tôi lúc ấy chỉ nghĩ rằng: Không muốn để ai hiểu lầm tôi mượn cớ để được gặp người mình yêu”.
Và cũng bởi lúc ấy, Dư âm… không được phép phổ biến. Năm 1953, người sáng tác ra nó bị phê bình, kiểm điểm và bị kỷ luật trong một đợt chỉnh huấn. Lúc này nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vừa kết hôn với người vợ thứ hai, Nguyễn Thị Bạch Lệ (cưới năm 1952, bà là em gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương). Ông còn phải đi khắp nơi để nói chuyện “bài xích” chính bài hát mình sáng tác, cho nhiều người nghe. Sau này ông nhớ lại: “Tôi có đi, nhưng nói không được, vì nói tới đâu người ta lại cười đến đó”. Trong hồi ký viết tháng 2/1987 của mình ông viết: “Thực tế hồi đó lịch sử đã sang trang, nhưng phải nói thật, chủ yếu mới là về mặt chính trị. Còn văn học nghệ thuật, ai kiểm soát được những cái đầu còn mang nặng những tàn dư xưa”.
Năm 1988 khi đang ở Sài Gòn, một hôm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gặp một người bạn gái, “người đó đã nhìn tôi cũng với đôi mắt đen tròn” khiến ông nhớ lại đôi mắt của người con gái 38 năm về trước đã cho ông một Dư âm. Và một lần nữa, từ đôi mắt của một người con gái khác, ông viết bài hát Một ánh sao trời. Sau khi hoàn thành tác phẩm này, ông mang bản nhạc tặng cô gái và nói thật: “Đôi mắt em giống hệt đôi mắt của người đã cho tôi một Dư âm”. Người con gái ấy im lặng và ba hôm sau nhờ người đem trả lại bản nhạc với dòng chữ: “Để anh làm việc khác!”. “Nếu biết thế, thà tôi đừng nói ra điều ấy còn hơn”, nhạc sĩ ân hận. Bài hát ấy sau này được gọi tên khác là Dư âm 2.
Người con gái 16 tuổi ngày xưa giờ đã mất nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “đến bây giờ và suốt đời có lẽ tôi vẫn yêu. Tôi không sao quên được đôi mắt và nụ cười của người con gái tuổi 16 ấy. Bây giờ tôi vẫn yêu là yêu cái dư âm đó thôi, chứ làm gì có cái thật để mà yêu. Mà cái dư âm thì còn mãi, yêu như thế cũng được và cũng tốt đấy chứ”.


https://www.youtube.com/watch?v=zN-I9TEAOQI

LỜI CA KHÚC
DƯ ÂM - NGUYỄN VĂN TÝ

Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ 
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ 
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn sóng 
Yêu ai anh (em) nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa xôi. 

Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ 
Anh như lầu vắng em như ánh trăng gieo (reo) muôn ý thơ 
Muốn nói cùng em, đôi lời trìu mến... 
Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ. 

Hẹn em từ muôn kiếp trước, nhớ em mấy thuở bạc đầu 
Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn 
Em để cung đàn đưa anh về đâu? 

Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung 
Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung 
Anh muốn thành mây, nương nhờ làn gió 
Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn.
 

Nguyên Minh

23 thg 7, 2017

TRANH LUẬN LÝ THÚ VỀ LUÂN HỒI - NHÂN QUẢ

      
       
        Đây là một "Talk show" của Mỹ. Khách mời là Dr. Hazel Denning, bác sĩ phân tâm học, sáng lập viên của hội Association for Past life and Therapies, bà còn là một bác sĩ tâm lý trị liệu rất giỏi. Bà đã đi nhiều nơi trên thế giới thuyết giảng về luân hồi .Bài viết dưới đây ghi lại cuộc đàm thoại giữa tác giả  bài viết ( cô Mackenzie ) với giáo sư Denning.

   Máy bay hạ cánh xuống một phi trường nhỏ ở miền Nam California. Giáo sư Denning thân hành ra đón tôi. Người nhỏ thó, lưng thẳng đi đứng nhanh nhẹn tuy đã ngoài tám mươi. Bà ung dung lái xe về nhà ở Riverside, nơi sản xuất cam nổi tiếng của Cali. Trong căn phòng làm việc của bà treo đầy bằng cấp,  chứng chỉ : hai bằng tiến sĩ, hai bằng thạc sĩ, bằng cấp cử nhân và rất nhiều văn kiện chứng thực bà rất uyên bác về khoa thôi miên và khoa cận tâm lý (Parapsychology).
Trong hai ngày tôi ở lại nhà bà, bà kể cho tôi nghe về công việc của bà và giải thích lý do bà chọn công việc này. Từ hồi nhỏ, giáo sư Denning hay thắc mắc muốn tìm hiểu "tại sao" về việc này việc nọ, tại sao con người phải chịu khổ đau. Bà không tin đó là ý Chúa . Bà cho là tin như vậy có vẻ không hợp lý.
Năm ngoài hai mươi tuổi, tình cờ bà được đọc một cuốnsách về luân hồi. Bà vui mừng,"Ôi chao! Tôi đã tìm được giải đáp cho những thắc mắc của tôi rồi. Tôi quá đổi vui mừng và suy nghĩ: cuối cùng thì tôi cũng tìm được một lời giải hợp lý, có thể lý giải được tất cả những bất công của thế gian".
Hồi đầu thì bà chưa tin lắm. Bà tìm đọc những tài liệu xưa để xem những thức giả đời trước nghĩ sao về luân hồi, và khám phá ra rằng tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều tin luân hồi kể cả Thiên chúa giáo cho đến năm 533 sau  Tây lịch, thì một ông vua La Mã và bà hoàng hậu cấm không cho nói đến luân hồi nữa. Có hai giáo hoàng bị giết vì muốn giữ đoạn nói về luân hồi trong kinh sách. Ít người biết biết đến dữ kiện này. Cũng không mấy ai biết chuyện những cha cố ngày xưa như cha Origin và ông thánh Augustin đều tin có luân hồi.
Bà nói, "Vậy những người nào nói rằng tin có luân hồi là trái với giáo điều Thiên chúa giáo là không biết những chuyện này". Bà càng thích thú hơn khi khám phá ra những nhân vật nổi tiếng từ cổ chí kim đều tin có luân hồi, từ  Plato, Aristotle, Socrates đến Henry Ford, Gladstone, Thomas Edison, đại tướng Patton và nhiều người khác nữa. Bà áp dụng những hiểu biết về luân  hồi vào khoa chữa bệnh tâm thần để tìm hiểu nguyên do sâu xa do đâu mà bệnh nhân dường như sống ở một thế giới khác, hay có nhiều sợ hãi vô lý (phobia).
Tôi nóng lòng muốn biết giáo sư Denning làm sao dung hòa được hai vai trò có vẻ trái ngược, vai trò của một bác sĩ tâm thần và vai trò của một người dùng thuật thôi miên đưa bệnh nhân trở về kiếp trước. Làm sao bà có thể chấp nhận lối giải thích của các bác sĩ tâm lý trị liệu hiện nay dùng chữ nghiệp (karma) để giải thích rằng những gì xảy ra trong đời này đều do nghiệp chướng đương sự đã tạo nên từ nhiều đời trước.
Giáo sư Denning không tin môi trường sống là tác nhân chính ảnh hưởng đến cách hành xử của một người. Bà công nhận hoàn cảnh bao quanh đời sống cũng đóng một vai trò khá quan trọng nhưng không phải là yếu tố chỉ huy. Theo bà thì mục đích của đời sống ở thế gian là để tu tâm hướng thượng. Một người tái sanh ở lại cõi trần là để thanh toán, thành tựu những gì mình làm dang dở trong những kiếp trước. Bà nói có những đứa trẻ sanh ra với một bản tánh yêu đời, đứa khác thì hay cáu giận, tức là mang theo chủng tử của kiếp trước. Theo bà thì số phận (destiny) của mỗi người không thể thay đổi được những phước báu của cha mẹ hay môi trường chung quanh có thể làm cho đời sống của người ấy thoải mái hơn hay khó khăn hơn.Vì thế giáo sư Denning quyết định trở nên một nhà thôi miên chuyên nghiệp. Bà muốn dùng thuật thôi miên đưa bệnh nhân trở về sống lại kiếp trước của mình. Bà rất cẩn trọng, tỉ mỉ và trung thực trong công việc này. Bà không tìm cách khống chế tư tưởng của bệnh nhân. Bà nói ngày trước trong khoa thôi miên người ta thường dạy phương pháp gợi ý cho bệnh nhân (post-hypnotic suggestion) dùng những câu như "Không được ăn thức ăn này. Thức ăn này ghê lắm v.v...". Tôi không dùng phương pháp ấy, trái ngược với nguyên tắc của tôi. Tôi tìm được cách riêng của tôi mà không cần khống chế tâm ý của bệnh nhân. Vì thế tôi muốn dùng cụm từ "đổi đời" (altered state) thay vì hai  chữ thôi miên".
Năm 1980 bà lập hội "Association for Past Life Research and Therapies" và vui mừng thấy hội phát triển nhanh hơn dự tính, vì số người tin và muốn tìm hiểu luân hồi ngày càng đông. Bà khẳng định rằng khoa hướng dẫn bệnh nhân nhớ lại kiếp trước (Past Life Therapy) trở nên một dụng cụ hữu hiệu trong khoa tâm lý và y khoa toàn diện -  chữa trị cả thân và tâm. Đường hướng này không những phát triển nhanh ở Mỹ mà còn lớn mạnh ở các nước khác trên thế giới. Bà được mời đi nói chuyện nhiều lần ở Á châu và ở trường đại học Ultrecht của Hòa Lan, một trường đại học xưa nhất, mà cũng là trường đại học đầu tiên có giảng dạy môn cận tâm lý (parapsychology).
Ở Mỹ những người tìm đến với Dr. Denning gồm đủ mọi thành phần xã hội. Bà dùng phương pháp thông thường trước. Nếu không có kết quả thì bà đưa bệnh nhân trở về kiếp trước để tìm hiểu nguyên nhân. Bệnh nhân của bà gồm đủ mọi hạng người, mục sư có, chuyên viên có, rất nhiều nhà giao, nhiều quân nhân và các thành phần khác. Thường thường ai cũng muốn hỏi. "Mục đích của đời sống là gì?", "Tôi đang làm gì ở đây", "Tôi trở lại lần này để làm gì?"
Bệnh nhân của bà thường ở lứa tuổi ba mươi đến bốn mươi, nhưng có một cô bé chín tuổi xin cha mẹ đến gặp bà để tìm hiểu tại sao cô sợ máu lắm. Mới chín tuổi nhưng cô rất chững chạc. Vừa thiếp đi cô bé thấy kiếp trước của mình là một ông già đang giẫy chết vì bệnh tim. Bỗng dưng cô la lên, "Không, tôi không phải chết vì bệnh mà vì tôi quá đau khổ". Rồi cô bắt đầu kể đến ông già - tức là tiền thân của cô - đưa vợ đi ăn tiệm. Một tên cướp vào tiệm bắn chết nhiều người trong đó có vợ ông. Cô thấy người "vợ" chết trong vũng máu - ấn tượng hãi hùng đó theo thần thức qua đến đời này. Thêm vào đó là mặc cảm tội lỗi đã không cứu được người "vợ" của mình ray rức hành hạ cổ, bà kết luận.
Quan điểm của giáo sư Hazel Denning về vấn đền này rất rõ ràng vì bà chứng kiến hàng ngàn bệnh nhân đã đổi đời, bà đã thấy rõ bao nhiêu thảm cảnh trong nhiều kiếp của họ và bà đã khai triển riêng lý thuyết của bà. Cuộc đàm thoại sau đây giữa cô Mackenzie với giáo sư Denning, vì vậy, không những có giá trị về mặt thông tin mà còn rất thù vị và hào hứng.
Vicki Mackenzie:
Tại sao lại có hiện tượng tái sanh?
 Hazel Denning: Khi đưa một người trở về kiếp trước và tìm hiểu tại sao đương sự chọn tái sanh vào gia dình này, và mục đích của họ trở lại thế gian  để làm gì thì ai cũng có câu trả lời tương tự: "Quả thật tôi không muốn trở lại thế gian chút nào. Ép mình vào cái xác phàm như đi vào tù, ngột ngạt lắm".
Khi tôi hỏi lại: "Vậy tại sao ông/bà lại trở về, có ai bắt mình ở lại đâu?" thì câu trả lời luôn luôn là: "Vì thế gian là một trường học để rèn luyện nhân phẩm của mình. Muốn trau dồi tâm linh, muốn hướng thượng thì phải trở lại thế gian. Mà thật tình tôi muốn tu tâm nên tôi phải trở lại thế gian này". Đó là câu trả lời tôi ghi lại.
Vicki Mackenzie:
Theo kinh nghiệm của bà thì người ta trở lại thế gian này bao nhiêu lần?
Hazel Denning: Vô lượng kiếp, cho đến khi họ học hỏi thành tựu được những điều mong muốn. Ngay cả trong đời hiện tại này có người phải mất nhiều năm mới thấyrõ ý nghĩa của những chướng ngại khó khăn xảy ra cho mình. Có một bà khi đến phòng mạch lần đầu tuyên bố rằng, "Tôi đến đây muốn hỏi về tình yêu lứa đôi". Trả lời thế nào với bà này? Là bác sĩ chuyên môn về khoa tâm lý, tôi không thể nói bà cứ yêu đi rồi sẽ được yêu. Bà vẫn đến phòng mạch nhưng không thường xuyên.
Mãi đến mười tám năm sau bà mới tìm ra "chân lý". Trong thời gian không gặp mặt, bà có một đời chồng, ly dị, ăn ở với một ông khác, lấy chồng lần thứ hai, rồi cũng ly dị, ăn ở với năm, sáu ông khác nữa cho đến một hôm bà không chịu đựng được cảnh sống một mình nữa và cương quyết đi gặp tôi mỗi ngày cho đến khi nào tìm được nguyên nhân tại sao bà không thể chung thủy với một người. Cuối cùng thì bà thấy kiếp trước bà là con gái của một gia đình giàu có ở Hy Lạp.
Khi chừng mười bốn tuổi, cô bé yêu cậu người làm cùng tuổi. Khi biết được, cha cô nổi trận lôi đình đày người yêu của cô ra một hòn đảo và bán cô cho một người đàn ông lớn tuổi. Quá đau buồn uất ức, cô tự tử chết. Trước khi chết, cô nguyện rằng. "Tôi thề sẽ không bao giờ, không bao giờ thương yêu ai nữa".
Qua bao năm kinh nghiệm với công việc này, tôi thấy tư tưởng hay ý nguyện cuối cùng trước khi chết, nếu là tiêu cực sẽ theo người đó qua kiếp sau. Thí dụ nếu mình chết với lòng giận dữ, với tâm thù hận thì kiếp sau mình phải tu tâm dưỡng tánh để rửa lòng, để xả bỏ những thù hận của kiếp trước.
Trở lại chuyện bà khách. Sau khi biết tiền kiếp của mình, bà gặp được một người chồng tử tế và có hai đứa con. Bà đang hụp lặn trong hạnh phúc mà  trước đây bà không thể tưởng tượng có ngày bà có thể được hưởng.
Sau khi chứng kiến câu chuyện bà này, tôi nghiệm rằng có nhiều người không thể một sớm một chiều mà tìm được lời giải. Họ cần phải trải qua nhiều biến cố nữa trước khi thấy cái nghiệp của mình. Và câu chuyện này cũng giúp tôi đi đến kết luận rằng mình không thể tự dối lòng. Cho đến khi mình thấy được cái nhân của đời trước, mình mới có thể giải quyết cái quả của đời này. Nhiều khi phải đi sâu vào nhiều đời trước mới thấy được cái "nhân" chính đang chi phối đời sống hiện tại.
Vicki Mackenzie: Có những người đa nghi cho rằng bệnh nhân tưởng tượng ra những hình ảnh, thêu dệt nên những câu chuyện trong tiềm thức của họ để biện minh cho những đau buồn ưu não của họ?
Hazel Denning: Nếu quả đúng như vậy thì khoa tâm lý học phải giúp được bệnh nhân giải quyết mọi ẩn ức của họ chứ. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Có nhiều bệnh nhận của tôi theo khoa tâm lý trị liệu trong nhiều năm mà không ăn thua gì.
Vicki Mackenzie: Bà có cho rằng chính mình tự chọn đời sống của mình không ? 
Hazel Denning: Đúng vậy. Để tôi kể cho cô nghe một chuyện rợn tóc gáy. Một người đàn bà đến nói với tôi rằng: "Mẹ tôi đang hấp hối, cha tôi thì chết rồi. Cả cha lẫn mẹ tôi bầm dập sờ mó tôi hồi tôi mới ba tuổi cho đến năm tôi mới mười  ba tuổi". Khi thiếp đi, bà sống lại cảnh tượng bị cưỡng hiếp hồi còn bé và la lên, "Cha ơi đừng, đừng làm con đau!" và bà nói tiếp liền "Tôi muốn tha thứ cho mẹ tôi trước khi bà chết nhưng tôi thấy khó tha thứ quá, tôi thù ghét cả cha lẫn mẹ". 
Nếu một người muốn sẵn sàng tha thứ, muốn quên hận thù cũ thì người đó đã được một sự chuyển hóa tâm linh cao và có thể hóa giải được. Nhưng nếu người nào nói ra rằng, "Đừng nói đến chuyện tha thứ những quân dã man đó, Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ. Tôi thù ghét họ". Thì đừng tìm cách giúp họ tha thứ vì tâm họ chưa sẵn sàng.
Đối với bà này, tuy bà nói sẵn sàng tha thứ cho cha mẹ, nhưng tôi nghĩ "Làm sao tôi có thể giúp bà ta tha thứ cho người cha, người mẹ đã làm những chuyện ghê tởm như thế đối với con mình"? Tôi bứt rứt, dằn vặt mãi và cuối  cùng chính bệnh nhân đã giúp tôi tìm câu giải đáp. Bà thấy kiếp trước, thời Đức Quốc Xã, bà là một đứa trẻ bụi đời, sống lang thang đầu đường xó chợ và đã giết chết một đứa trẻ khác.
Sau đó họ bị bắt vào Auschwitz, một trại giam người Do Thái, và bắt phải làm công việc kiểm soát những đứa trẻ Do Thái bị giết đã chết hẳn chưa. Lúc đầu công việc không làm bà phiền hà mấy, nhưng ngày lại ngày nhìn bao nhiêu xác trẻ con, bà chịu không được nên đã bỏ trốn và bị bắn chết. Bệnh nhân nói thêm rằng, "Đời sau, khi tái sanh, tôi muốn cha mẹ tôi hành hạ tôi để tôi trả nghiệp cho mau. Vì vậy tôi phải cám ơn hai vị này đã giúp tôi trả nghiệp báo".
Vicki Mackenzie: Có bao giờ bà chứng minh được những mẫu chuyện tiền thân này thật sự xảy ra không?
Hazel Denning: Có chứ. Tôi vẫn để tâm theo dõi mỗi khi có dịp tốt. Thí dụ trường hợp một thân chủ nhất định không cho các con đi coi buổi trình diễn của gánh xiếc. Bà biết cấm đoán như vậy thật là vô lý nhưng bà không thể làm gì khác hơn. Khi được đưa trở về kiếp trước thì bà thấy chính bà là "con mụ mập" (the fat lady) của một gánh xiếc và  bà ghét cay ghét đắng vai trò của mình. Bà nhớ cả tên người đàn bà mập ấy và cả tên thành phố nữa.
Có một bệnh nhân khác có mặt hôm đó biết thành phố này. Ông tình nguyện sẽ tìm đến xem thì quả nhiên đầu thế kỷ 20, ở thành phố đó có một bà mập tên đó đã theo đoàn hát xiếc kiếm ăn như lời bà kia tả lại. Trong đời hiện tại bà này cũng mập.
Một bệnh nhân khác nhớ lại kiếp trước bà là một phú thương đàn ông bị chết chìm theo chiếc tàu Titanic. Bà nhớ tên tuổi của người đàn ông này. Về sau tìm xem sổ sách thì quả nhiên người đàn ông ấy là hành khách trên chiếc tàu Titanic. Bà kể khi nhìn thấy tên trong sổ bà rùng mình ớn lạnh !
Ngoài những chứng cớ cụ thể này, những chứng cớ cho thấy những chuyện tiền thân mà các thân chủ tôi nói ra là có thật, và nó rất hợp tình hợp lý với bối cảnh riêng của từng người. Nhờ đó họ có thể đổi đời, có thể thoát được  những ray rứt, những sợ hãi vô lý làm xáo trộn đời sống hiện tại của họ.
Vicki Mackenzie: Có ai tỏ ra có mặc cảm tội lỗi khi nhìn thấy những việc xấu họ đã làm trong những đời trước?
Hazel Denning: Không hẳn như thế sau khi họ hiểu mục đích của sự tái sanh và duyên nghiệp.
Tôi giải thích cho họ thấy rằng những chuyện xảy ra trong quá khứ không quan trọng mấy. Quan trọng chăng là những gì mình học hỏi được từ những biến cố ấy, và dường như đây mới là nguyên tắc căn bản.
Có một trường hợp rất lạ lùng. Một bệnh nhân vừa bước vào phòng mạch là ngồi phịch xuống ghế, đấm mạnh hai tay vào thành ghế và la lớn, "Tôi ghét Chúa! Jesus Christ là một kẻ lừa đảo! Tôi đã cố gắng làm hết mọi thứ, đã đi tìm thầy chuyên môn, đã học hết kinh Thánh mà vẫn không thay đổi gì được cuộc sống của tôi. Tôi khổ quá!" Bà gặp toàn chuyện xui. Rờ tới cái gì thì hỏng cái đó mặc dù bà là một người có khả năng xuất chúng.
Sự nghiệp làm ăn bà gây dựng nên tưởng như thành công, cuối cùng cái gì cũng thất bại. Đường chồng con cũng xấu. Tuổi còn trẻ mà trông như một bà già. Bác sĩ nói cơ thể của bà già trước tuổi đến hai chục năm.
Khi được hướng dẫn trở về kiếp trước thì thấy bà là một hồng y trong Tòa Án Dị Giáo (The Inquisition) do giáo hội La Mã Thiên Chúa chủ trì để trị tội những người ngoại đạo. Sự việc này làm đức hồng y (tiền thân của bà) rất đau khổ. Ngài biết trị tội những người ngoại đạo là sai lầm, nhưng đó là việc giáo hội muốn làm.
Khi được hỏi tại sao bà trở thành công cụ chính trong Tòa Án Dị Giáo thì bà buột miệng nói rằng, "Đó là để cải tổ lại giáo hội vì giáo hội thời ấy quá hủ hóa, và tôi được giao trọng trách này". Qua những chuyện tương tự, tôi thấy rằng những việc làm khủng khiếp đều có mục đích riêng.
Vicki Mackenzie: Đứng trên góc độ này, nghiệp báo trở nên khúc mắc, ly kỳ khó hiểu, phải không thưa bà?
Vì nếu quan niệm những kẻ phạm tội ác chỉ là những công cụ giúp người kia trả nghiệp thì họ đâu có tội lỗi gì?
Hazel Denning: Thật ra thì cũng khó nói lắm. Trùng trùng duyên khởi, cái nọ xọ cái kia, khó mà giải thích chữ nghiệp một cách rốt ráo. Mọi vật hiện hữu trên đời đều phụ thuộc tương tác lẫn nhau, chúng nương nhau mà sống.
Nói một cách giản dị,có thể lấy ví dụ của một người chỉ thấy hạnh phúc trong sự đau khổ (masochist) có thể thỏa mãn nhu cầu của một người chỉ thấy vui sướng trên sự đau khổ của kẻ khác (sadist). Hai loại người này nương tựa vào nhau mà sống. Không có cái gì xấu hoàn toàn.Mỗi kinh nghiệm là một bài học. Ta có thể là thủ phạm làm điều ác trong một kiếp nào đó nhưng cũng có thể là nạn nhân trong một kiếp khác. Và cứ như thế, con người sống từ đời này qua đời khác cho đến khi nào họ học được bài học.
Tôi tin rằng chính chúng ta tự chọn con đường mình đi, dễ dàng hay chông gai là cũng do mình. Một khi mình nhận chân được sự thật đó và chấp nhận mục đích của đời sống hiện tại thì hoàn cảnh chung quanh có thể thay đổi. Nếu một người biết nhận trách nhiệm của mình thì người đó có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Còn những kẻ ngu muội không biết nhận trách nhiệm của mình mà cứ đổ lỗi cho người khác thì họ chưa sẵn sàng thay đổi.
Chúng tôi, bác sĩ chuyên môn, phải thấy và biết rõ điểm này.
Khi đạt đến mức tỉnh thức tối thượng thì linh hồn (the soul) tự dưng hiểu thấu mọi lẽ - hiểu được mình là ai, tại sao mình hiện hữu ở đây; thấy những gì mình đã làm trong kiếp trước, và những gì mình sẽ làm về sau này vân vân và vân vân. Nhưng chính cá nhân người đó phải tự mình học hỏi. Và tôi cũng không hiểu lý do tại sao chúng ta phải học hỏi nhiều quá như vậy, nhưng tôi không phải là người tạo ra những quy luật ấy mà chỉ tìm cách phân tích lý giải chúng thôi.
Có người thật sự không muốn thay đổi hoàn cảnh không mấy tốt đẹp của mình như chuyện một bà nọ sinh ra với hai con mắt gần như mù. Bà phải đeo mắt kiếng dầy cộm. Sau khi soi căn, bà biết rằng chính bà muốn mắt mình như thế để ít thấy những phù du vật chất, để quên cái ngã của mình, để quay nhìn vào bên trong. Từ đó, bà vui vẻ với cặp mắt gần như mù của mình và không  chịu tìm cách làm cho mắt sáng hơn.
 Vicki Mackenzie: Bà có thấy ai chọn trở về gần gũi với những người họ quen biết từ nhiều kiếp trước không?
Hazel Denning: Có, Nhưng vai vế thì thay đổi. Có người tái sanh với nhau để giải quyết nhiều  vấn đề còn dang dở. Có người muốn trở lại để giúp đỡ những người thân. Tôi cho rằng các thánh tử đạo, hay những người chọn cái chết vì chính nghĩa là họ tự nguyện làm như vậy để thức tỉnh lương tri của nhân loại.
Cho nên nói rằng nghiệp báo chỉ thể hiện như một sự trừng phạt thì không đúng, cũng có nghiệp dữ, nghiệp lành. Đó là luật nhân quả.
Tôi có quen biết một bà bác sĩ, một người đàn bà rất dễ thương mà lấy một ông chồng dễ ghét nhất trần gian. Khi nào ông cùng mè nheo, gắt gỏng, độc ác mà chính ông không cố tình độc ác. Dần dần, bà chán nản không còn thương chồng nữa. Nhưng không bao giờ bà có ý định ly dị.
Một hôm bà đến xin soi căn và thấy rằng bà đã gặp ông này ở một kiếp trước khi ông là một linh hồn lạc lỏng. Bà hứa kiếp sau sẽ lấy ông làm  chồng và sẽ giúp ông tìm lại linh hồn mình. Và sau đó thì bà thay đổi thái độ, thật tình yêu thương ông, dịu dàng kiên nhẫn với ông và chỉ một năm sau thì ông cũng đổi tính. Ông đi nhà thờ với bà, ông lái chiếc xe sport màu đỏ rong chơi khắp phố phường. Ông nói năng vui vẻ, hài hước ai cũng thích.
Tôi dùng câu chuyện này để khuyên răn những gia đình có chồng nghiện rượu. Tuy người vợ tha thứ sự nghiện ngập của chồng nhưng tình cảm đối với chồng thì đã sứt mẻ. Tôi nói với họ rằng. "Nếu chị thật tình thương yêu và muốn cải hóa chồng thì chị không nên dùng giọng lời gay gắt với chồng mà nên bộc lộ tình thương, ăn nói dịu dàng thì ông sẽ thay đổi". Có nhiều bà nghe lời và đã thành công
 Vicki Mackenzie: Bà cho biết sau khi chết, hồn có một thời gian nhất định để đi đầu thai không?
Hazel Denning: Có người tái sanh trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi chết, nhất là lính tráng chết ngoài trận mạc. Họ không chịu được cảnh hồn họ lang thang. Họ muốn nhập xác liền. Có lẽ lý do này giải thích được hiện tượng thiên hạ sinh đẻ nhiều sau những trận chiến tranh.
Có nhiều người thì mấy trăm năm sau mới tái sanh. Có nhiều linh hồn từ thời Atlantean Age mà bây giờ mới trở
lại trần gian. Có lẽ họ chờ đúng thời cơ để đem những hiểu biết mới giúp cho sự chuyển tiếp qua thời đại mới. (New Age).
Vicki Mackenzie: Có khi nào bà đã gặp những người đã từng sống ở hành tinh khác hay cõi giới khác không?
Hazel Denning: Thỉnh thoảng cũng có. Rất nhiều người cho rằng hạ giới là hành tinh thấp nhất trên cột luân hồi (the totem pole). Có mấy người nói rằng trước kia họ sống trên một hành tinh khác. Có một ông viết một thứ chữ lạ hoắc rồi dịch lại tiếng Anh. Ông nói hành tinh ấy có một văn hóa khác hẳn. Ông còn nói khi ấy ông hiểu được "nguyên lý đồng thời" - hiện tại, quá khứ và vị lai đều đang thể hiện ở giây phút này. Thật là khó hiểu.
 Vicki Mackenzie: Bà có biết những kiếp trước của bà không?
Hazel Denning: Có chứ. Đời trước kiếp này của tôi rất lạnh lẽo. Tôi là một phụ nữ sinh ra ở nước Anh, lấy chồng là một người làm ngoại giao giàu có, nhà cao cửa lớn, có nhiều gia nhân hầu hạ, tiệc tùng liên miên nhưng tôi rất cô đơn, sống không có tình thương. Khi gần chết, tôi còn nhớ gia nhân rón rén bước không dám gây tiếng động, tôi đã nắm tay em gái tôi và nói rằng, "Nếu chị được sống lại từ đầu, chị sẽ thương yêu nhiều hơn".
Và trong đời này, một em gái tôi chết lúc chín tuổi, tôi mới mười một tuổi. Tôi đã thương khóc em trong hai năm. Tôi cần có kinh nghiệm xuyên qua sự đau khổ như vậy mới lấy lại được cảm xúc bình thường.
Nhưng kỷ niệm khó quên nhất xảy ra lúc tôi đang ở trong phòng tắm. Tôi bị đau gan từ lúc học lớp tám. Tôi hay bị những cơn đau túi mật hành hạ, đau đầu đến buồn nôn làm tôi khổ sở lắm. Hồi trước tôi cũng hay nóng nảy. Có hôm cơn giận nổi lên khiến hai mạch máu nhỏ ở cổ bị đứt.
Có nhiều lúc tôi có cảm tưởng như cơn giận làm chóp đầu của tôi có thể bay đi mất. Nhưng không ai biết vì tôi không để lộ ra ngoài. Cách đây chừng mười năm, một hôm tôi đang tắm dưới một vòi sen thì cơn nhức đầu kéo tới. Tôi dằn giọng nói lớn, "Chúa ơi, tôi muốn biết tại sao tôi bị bệnh gan hành hạ, tại sao tôi phải chịu đau khổ như thế này?" Vừa dứt lời bỗng nhiên tôi thấy mình là một người lính theo Thập Tự Chinh thời Trung Cổ, vừa bị một giáo xuyên qua gan. Tôi tức giận sắp phải chết vì một "chính nghĩa" mà tôi không còn tin tưởng nữa. Tôi chán ghét những việc chúng tôi đang làm - đốt phá những đền đài đẹp đẽ - nhưng tôi không làm gì được hơn. Tôi biết tôi sắp chết và sẽ không bao giờ thấy lại được người vợ và hai đứa con trai. Tôi chết trong giận dữ, và chứng đau gan bây giờ là sự biểu lộ của cơn giận xa xưa ấy. Giây phút ấy trong phòng tắm, tôi nghe một giọng thì thầm: "Nguyên do của tính nóng giận của ngươi bắt nguồn ở đây". Từ ngày đó, tôi không bị cơn đau túi mật hành hạ nữa.
Vicki Mackenzie: Biết được kiếp trước của mình có lợi ích gì trong kiếp sống hiện tại không?
Hazel Denning: Những hiểu biết về kiếp trước kiếp sau giúp tôi sống an nhiên tự tại. Đối với tôi, thế giới kia cũng rất thật như thế giới này. Cho nên khi mẹ tôi mất, rồi chồng và con trai lần lượt qua đời, tôi không đau buồn mấy.
Ngày con tôi tử nạn xe mô tô, tôi vẫn tiếp tục đi thuyết giảng tại một trường đại học đã được sắp đặt trước. Khi biết ra, một giáo sư ở trường hỏi sao tôi có thể dửng dưng trước cái chết của con như vậy. Tôi đã trả lời rằng đối với người ngoài thì tai nạn ấy là một thảm cảnh, nhưng đối với tôi thì khác. Tôi biết con tôi là thầy tu trong ba kiếp trước. Trở lại lần này là cậu muốn nếm mùi đời. Cậu sống mau, sống vội, bất chấp nguy hiểm. Tôi biết con trai tôi không muốn kéo dài đời sống như vậy và cậu quyết định rời bỏ cõi trần sớm trước khi chuyện gì xấu có thể xảy ra. Tuy tôi thương tiếc con, và cũng như những bà mẹ khác, tôi vẫn mong được thấy ngày con khôn lớn, nên người v.v... nhưng trong thâm tâm, tôi mừng cho con đã giải thoát vì tôi biết con tôi sống trong đau khổ.
Trường hợp chồng tôi cũng thế. Một buổi sáng đang chơi tennis, ông gục chết trên sân cỏ. Sau khi được tin, tôi vào phòng đọc sách gọi điện thoại báo tin cho gia đình và bỗng dưng một cảm xúc kỳ diệu chưa từng có đã đến với tôi. Căn phòng như sáng hơn và ấm áp hơn. Lông măng trên hai tay tôi dựng đứng hết và tôi cảm thấy được an ủi, khích lệ và sung sướng lạ lùng dường như được ôm ấp bởi tình yêu của nhà tôi, khi ấy tôi nghe tiếng ông thầm thì: "Em ơi, anh sung sướng được ra đi như ý muốn".
Tối hôm ấy tôi vẫn đi dự buổi họp ở trường. Tan họp, tôi mới báo cho mọi người biết tin và ai cũng xúc động thương tiếc làm tôi phải đi an ủi từng người.
       Khi người thân qua đời thì đau buồn là chuyện thường tình, nhưng tôi không chịu được cảnh người ta tỏ ra bi thương thái quá, vì như vậy chứng tỏ họ có mặc cảm tội lỗi gì với người chết.
 Vicki Mackenzie: Theo như bà nói thì mọi chuyện xảy ra đều có lý do? Và cuối cùng thì cũng đưa đến sự tốt đẹp?
Hazel Denning: Đúng thế... Tôi cho rằng con người được sinh ra với một trí tuệ sáng tạo vô bờ mà chúng ta đã ngu muội không thông hiểu, đã phá hoại và lãng quên những khả năng ấy. Thời đại này là thời đại chúng ta có thể trở về với bản năng chân thật của chúng ta.
Cũng giống như những mẫu đối thoại với các vị "gurus" Tây phương khác về luân hồi, buổi nói chuyện với Dr. Denning thật là hứng thú. Những điều tôi học được ở bà cũng như ở nhiều nhà chuyên môn khác về kiếp trước kiếp sau cũng không khác những điều tôi đã được nghe mấy Lạt Ma của phương Đông giảng dạy. Chi tiết về trường hợp tái sanh có thể khác nhau nhưng chân lý thì chỉ có một, là chân lý mà Lama Yeshe và Lama Zopa đã nói cho chúng tôi nghe trong chiếc lều trên sườn núi của Kopan rằng sau khi chết sẽ có một đời sống khác; rằng đời sống kế tiếp như thế nào là do nghiệp báo của bao đời trước quyết định; rằng trạng thái tâm thần khi hấp hối đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến đời sau; rằng người ta thường trở lại sống với những người có nghiệp duyên với chúng ta; rằng những đau khổ của đời này là chính chúng ta tạo ra v.v...
                                        Không nên oán ai, đổ lỗi cho ai vì
                                    Chính mình vẫn luôn làm chủ đời mình.

                                                                                                  HLT



19 thg 7, 2017

TẤM LÒNG NHỮNG NGƯỜI ÁO TRẮNG

               
         Từ ngàn xưa câu nói "Lương y như từ mẫu"đã khẳng định và đề cao y đức của những người thầy thuốc thương yêu bịnh nhân bao la như tấm lòng của người mẹ đối với con cái. Câu nói đó được minh chứng hùng hồn với tôi, một ông lão tuổi cổ lai hy, không cửa không nhà từ Nam bộ ra Thủ đô khiếu kiện đất đai, bất ngờ gặp tai nạn trên đường phố Hà Nội.Những tưởng mình lâm cảnh khốn cùng nhưng tôi may mắn được các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện và sinh viên y khoa thực tập của Bệnh viện Hà Đông cứu chữa, chăm sóc.Ngoài sự tận tâm ,tình thương yêu,những vị ân nhân này còn giúp đỡ tôi cả tiền bạc nữa.Cảm kích từ tấm lòng cao quý đó,tôi xúc động viết ra bài này để chân thành cám ơn và tôn vinh những người áo trắng của Bệnh viện Hà Đông-Hà Nội.
                                                     *****
Hôm ấy vào một sáng đẹp trời ngày thứ sáu 17-2-2017, tôi ghé vào tiệm chụp ảnh rửa thêm vài tấm hình gửi tặng bạn bè ở Sài Gòn rồi đến Bưu điện Hà Đông gửi thư. Lúc này đang giờ cao điểm lưu thông, xe cộ rất đông.Do tôi rảo bước băng qua đường bất cẩn không quan sát chướng ngại vật ở dưới đất nên bị vấp té, tôi ngã chúi toàn thân về phía trước.Lưng mang ba lô nặng chất đầy hành lý ở trên lưng nên hai tay tôi bất lực không chống đỡ được.
Tôi bị té nằm dài trên đường, đầu đập mạnh vào lề đường khiến trán tôi bị rách một đường dài.Lúc đó máu chảy ra nhiều, tôi phải dùng cả hai bàn tay đè ép hết vào vết thương để chặn vẫn không được .
May mắn cho tôi là lúc đó ngã tư đang có đèn đỏ không xe cộ lưu thông.Tôi được một cháu gái tuổi chừng 20 đi xe tay ga thấy vậy liền mau mắn chở tôi vào Bệnh viện Hà Đông cách đó 300m để cấp cứu.
Tại phòng nhận bệnh, các bác sỹ, y tá thấy tôi già cả, máu chảy ra nhiều ở trán và ướt đẫm cả một phần chiếc áo khoác trắng, ai cũng lắc đầu lo ngại e sợ cho tính mạng của tôi .Thế nên tất cả những người có mặt đã cùng quan tâm hết lòng lo cấp cứu tôi.Người vòng tay ôm vai,người xốc nách bế tôi lên giường mau chóng làm các biện pháp cứu cấp. Lúc này, dù choáng váng mặt mày vì bị mất nhiều máu, nhưng tôi vẫn cố gắng mở mắt ra và cố lắng tai nghe những gì đang diễn ra xung quanh mình . Một  nam y sinh thực tập mang găng tay bằng mủ trắng, lấy kéo kẹp băng, bông gòn chấm cồn 900 để lau sạch và khử trùng vết thương đầy máu. Chú ấy phải dùng đến 3 chiếc băng và gòn tẩm cồn để lau sạch, rửa ráy vết thương cho tôi .Đứng bên là một nữ điều dưỡng hết lòng phụ việc chăm sóc tôi .

 Sau khi cầm máu xong và vệ sinh chu đáo vết thương, tôi được dìu ra phòng vệ sinh để rửa  hai tay còn dính máu tươi.Nhìn những cục máu đỏ còn đọng nơi kẽ bàn tay đã đông thành những cục nhỏ, tôi thấy chóng mặt. Tôi lạnh người nhìn chiếc áo khoác trắng và chiếc mũ trắng  loang đầy máu.
Trở lại phòng, nằm trên giường lo ngại cho vết thương của mình vì nghe nam y sinh thực tập nói với cô điều dưỡng "Vết thương của ông cụ rất dài, chắc phải may". Tôi nằm yên, đôi mắt nhắm nghiền lại cho đến khi bác sỹ vào phòng khám bệnh tôi mới dám mở mắt ra.
_ Cụ bị sao vậy? Bác sỹ hỏi.
 Tôi chậm rãi trả lời là do tôi bất cẩn vô ý vấp phải  chướng ngại vật trên đường nên bị mất thăng bằng té xuống đường, va đập mạnh trán vào lề đường
_Cụ ở đâu ? Có bảo hiểm y tế không?
_Tôi ở miền Nam, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ra Hà Nội .Tôi đi một mình, không có họ hàng người thân .Tôi có bảo hiểm y tế tại Bà rịa Vũng Tàu.
 Tôi lấy CMND và bảo hiểm y tế đưa cho bác sỹ xem, bác sỹ gật đầu rồi để giấy tờ của tôi ở đầu giường. Khi thấy  cô điều dưỡng đẩy chiếc xe mang đầy dụng cụ y khoa đến cạnh giường, tôi bất giác thấy trong người mình hơi lành lạnh.
Tôi được chính  bác sỹ vừa hỏi khám  điều trị trực tiếp. Bác sỹ mang đôi găng tay nhựa trắng lấy một cái khăn vải nhựa đặt trên mặt tôi chỉ chừa khoảng trống trên phần trán bị thương .
Tôi nghe bác sỹ nói: “Cụ an tâm, cháu làm thêm một lần vệ sinh rồi vá vết thương.Vết thương này dài phải khâu 6 mũi nhưng rất may là vết thương chỉ ở ngoài da nên không có ảnh hưởng vào trong đầu, cháu chích thuốc tê rồi khâu cho cụ, cháu sẽ nhẹ tay để cụ ít bị đau.”
 Lúc này tôi thấy mũi kim chích vào trán không đau mà chỉ thấy hơi rát. Tôi để ý bác sỹ gây tê nhiều nơi. Lúc này thuốc đã tác dụng vào vết thương, tôi thấy thân thể tôi khác thường nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng bác sỹ nói với cô điều dưỡng : “Cụ già tội nghiệp bị hoạn nạn mà không có người thân ở cạnh. “
Sau đó tôi thấy trên trán mình có tiếng kim chui qua da, tiếng kéo cắt chỉ khi tới vết khâu cuối cùng. Bác sỹ viết toa cho mua thuốc rồi an ủi: “Xong rồi, cụ an tâm nằm nghỉ một chút xong rồi hãy đi, mười ngày sau cắt chỉ, tuy nhiên hàng ngày cụ tới đây làm vệ sinh và thay băng.”
Cô điều dưỡng đẩy xe có tôi trên cáng ra khỏi phòng. Tôi cố mở mắt để trái tim in dấu bóng dáng những người áo trắng tận tâm cấp cứu và điều trị mình .
Khi ra phòng hành chánh đóng tiền, sau khi xem thẻ bảo hiểm y tế thấy tôi cao tuổi ,ở miền Nam ra bị tai nạn nơi Hà Nội xa xôi này,sự đồng cảm bộc lộ trên khuôn mặt phúc hậu của cô thu ngân viên. Cô ôn tồn nói: "Cụ ạ! con chỉ lấy 100 ngàn tiền thuốc và chỉ may thôi". Tôi đưa tiền cho cô.
Sau đó cô điều dưỡng dìu tôi đi ra quầy để mua thuốc. Trong khi tôi đang xem toa tính tiền thì cô điều dưỡng đã bất ngờ lấy ra tờ giấy bạc 50 ngàn cầm hai tay lễ phép biếu tôi : " Con còn đi học và hôm nay con lại mang ít tiền. Con xin biếu cụ 50 ngàn để cụ ăn cơm". Tôi cám ơn cô tay cầm tờ 50 ngàn mà lòng  dạ bồi hồi.
Sau khi quầy thuốc tính tiền 580 ngàn, cô bán quầy thuốc hỏi tôi có đủ tiền mua thuốc không? Tôi lắc đầu và nói : “Tôi  không đủ tiền, vì tôi phải còn chừa tiền để trả tiền phòng trọ, tiền ăn và tiền xe về lại miền Nam.”
Nhìn trên toa ghi 6 món thuốc, cô điều dưỡng bảo tôi phải ưu tiên mua 3 món : thuốc chích ngừa uốn ván và  2 loại thuốc trụ sinh để làm mau lành vết thương.
 Tôi thấy vết thương không phạm sâu , chỉ mất máu thôi nên tôi đề nghị mua loại thuốc  sản xuất ở Việt Nam cho giá rẻ hơn.Xong việc mua thuốc ,cô điều dưỡng tay vác ba lô của tôi lại dìu tôi  trở về phòng .
Tôi ra đến phòng nhận bệnh để nói lời cảm ơn trước khi rời bệnh viện .Nỗi xúc cảm khiến tôi phải ngập ngừng vài ba lần trong lúc nói.Mọi người có mặt lúc đó tỏ ra đồng cảm với tôi .Một  nam y sinh đứng dậy móc túi lấy ra tờ giấy 200 ngàn, hai tay cầm lễ phép trao cho tôi: "Con biếu ông."Cùng lúc cô thu ngân viên đã thu của tôi 100 ngàn cũng lấy ra 100 ngàn biếu tôi. 
         Tôi thấy lòng mình nao nao,xúc động xen lẫn hạnh phúc trước tấm lòng mọi người dành cho mình. Họ, những bác sỹ, điều dưỡng, y sinh tập sự cùng các viên chức của khoa cấp cứu Bệnh viện Hà Đông Hà Nội của phiên trực sáng ngày thứ sáu 17 - 2 – 2017,là những ân nhân áo trắng mà mãi trong suốt cuộc đời còn lại tôi không được phép quên vì từ tấm bé tôi được người cha nuôi  thường xuyên nhắc nhở bài học làm người :”Làm ơn không bao giờ kể, chịu ơn không bao giờ quên” .


                                 Nguyễn Thế Tân (Bà Rịa Vũng Tàu) 

5 thg 7, 2017

TRÁI TIM EM ĐẬP TRONG LỒNG NGỰC ANH

  • Đây không phải là chuyện tình lâm ly, ướt át, mặc dù câu chuyện có thật và cảm động. Cô gái đã trao trọn trái tim mình cho chàng trai cho dù hai người không hề quen biết nhau. 
  • Cô gái tên Abbey Conner, 20 tuổi. Chàng trai tên Loumonth Jack, 21 tuổi. Abbey đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác, thế nhưng trái tim cô mãi mãi thuộc về chàng trai, và chàng sẽ chẳng bao giờ quên được nàng suốt phần đời còn lại.
                   
    Một mình một ngựa 
    Câu chuyện từng được Bill Conner, ông bố của cô gái, kể lại nhiều lần cho nhiều người, những ai từng đọc thấy hàng chữ “Abbey’s Ride for Life” trên tấm biển gắn đàng sau chiếc xe đạp Trek của ông.
    Ông Conner có hai người con, Abbey và anh trai cô là Austin, 23 tuổi. Trong chuyến vacation hơn 5 tháng trước đây, cả hai được tìm thấy nằm bất tỉnh, úp mặt sâu xuống nước trong hồ bơi của một khách sạn ở Cancun, Mexico. Người ta chỉ cứu được Austin, riêng Abbey bị tổn thương não nghiêm trọng. Cô được chuyển tới bệnh viện Broward Health Medical Center ở Fort Lauderdale, Florida. Tại đây, sau những cố gắng một cách tuyệt vọng, các bác sĩ tuyên bố cô đã chết não và đi tới quyết định giải phẫu để lấy nội tạng và các mô sinh học mà cô tự nguyện hiến tặng năm 16 tuổi khi cô mới thi lấy bằng lái xe.
    Cũng trong ngày ông Conner choáng váng nhận được thông báo về quyết định này, cách đó 670 miles đường chim bay, tại Lafayette, Louisiana, bố mẹ của một thanh niên da màu cũng được các bác sĩ ngậm ngùi thông báo về số phận không may của con trai mình. Jack đang nằm chờ chết trên giường bệnh vì chứng suy tim trầm trọng sau hai lần trụy tim. Sự sống chỉ còn đếm được từng ngày trên những đầu ngón tay, ngoại trừ phép lạ.
    Và “phép lạ” đến với anh thật. Trái tim còn tươi rói của Abbey được cấy ghép kịp thời vào trong buồng ngực của Jack. Anh như được tái sinh.
    Một người chết đi cho một người được sống.Trái tim Abbey dọn về nơi cư ngụ mới. Không chỉ trái tim thôi, cô hiến tặng đến bốn nội tạng, giúp cho bốn người trong độ tuổi từ 20 – 60 giành lại được sự sống trong cuộc chiến đấu với tử thần. Cô còn tặng cả đôi mắt đẹp của mình cho người khiếm thị ngắm nhìn được cuộc sống tươi đẹp muôn màu muôn vẻ.
    Trái tim còn đập nghĩa là vẫn còn sự sống. Ông Conner tin chắc như vậy. Abbey, con gái ông, vẫn đang sống ở một nơi nào đó. Bằng mọi giá, ông phải tìm gặp đứa con yêu của mình.
    Ông muốn rời khỏi nhà, tìm đến một nơi nào đó thật xa xôi để mong làm nhẹ bớt nỗi buồn phiền đè nặng trong lòng. Hơn thế nữa, ông còn muốn làm điều gì đó để tôn vinh cuộc sống ngắn ngủi và cao đẹp của con mình.
    “Tôi muốn làm cách nào để mọi người nhận thức được ý nghĩa, sự cần thiết, tầm quan trọng và lòng nhân ái của việc hiến tặng nội tạng mình khi lìa đời.” Conner chia sẻ điều này với những người thân và nảy ra ý tưởng: với chiếc xe đạp Trek của mình, ông sẽ thực hiện chuyến đi suốt chiều dọc nước Mỹ, từ Madison, Wisconsin, quê nhà ông, đến tận Ft. Lauderdale, Florida, nơi ông nhìn mặt con gái mình lần cuối để quảng bá, vận động mọi người hưởng ứng việc làm tốt đẹp này.  
    “Tại sao không?” Conner nói. “Có gì ghê gớm lắm đâu, và chẳng thấm thía gì so với nghĩa cử của con gái tôi. Tôi thực sự mong muốn ngày càng có thêm nhiều người tham gia vào việc hiến tặng nội tạng như Abbey đã làm.”
    Với ý chí mạnh mẽ và tình yêu không bờ bến của ông bố, Conner quyết định thực hiện cho   bằng được việc này. Một mình một ngựa (sắt), ông lên đường ngày 22 tháng Năm, ngay sau ngày dự lễ ra trường của Austin, con trai ông, tại University of Wisconsin-Milwaukee.
    “Tôi tin rằng Abbey cũng muốn tôi làm điều ấy,” ông nói. 
    Tình không biên giới 
    Khi Jack được Louisiana Organ Procurement Agency thông báo về cuộc hành trình “Abbey’s Ride for Life” của ông Conner, anh tìm cách liên lạc với ông và nói rằng gia đình anh rất vui mừng được đón tiếp ông trong chuyến đi miệt mài ấy.   
    Sau bốn tuần lễ rong ruổi, vượt 1.400 dặm đường, ông Conner đã gặp được Jack tại Baton Rouge Louisiana vào đúng ngày Chủ Nhật Father’s Day. Trước mắt ông là chàng thanh niên da màu, vóc dáng thư sinh, tóc tai cắt ngắn, quần áo chỉnh tề. Trông Jack có vẻ hiền lành, dễ mến và ông có cảm giác thật gần gũi như từng quen biết nhau tự bao giờ.
    Cả hai như bị hút vào nhau trong cái ôm dài đến hơn một phút. Nước mắt họ ứa ra.
    Jack lần lượt giới thiệu gia đình mình, ông bà, bố mẹ, anh chị em, những đứa cháu… Hai ông bố, da trắng và da màu, ôm chặt lấy nhau, rưng rưng dòng lệ.
    Da màu, thì đã sao! Ngay lúc này đây, ông Conner và mọi người ở quanh ông không ai nghĩ tới chuyện da trắng, da vàng, da đen, da nâu. Hơn lúc nào hết, chuyện màu da, màu tóc, màu mắt… hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì. Điều thực sự có ý nghĩa là, trái tim Abbey trong lồng ngực Jack đã mang hai gia đình xa lạ lại gần với nhau. 
    Đấy không phải là tính cách của Abbey đó sao? Conner còn nhớ, cô bé từng kể ông nghe một cảnh trong cuốn phim mà cô xem đến hai lần, “To Sir, with Love”. Ông thầy giáo bị đứt tay và cô nữ sinh tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy máu của ông thầy da đen cũng màu đỏ tươi giống như máu cô vậy.”
    Trái tim Abbey và hình hài Jack cũng thế thôi, cũng cùng chung dòng máu.
    “Happy Father’s Day!” Jack mỉm cười bước đến bên ông, trên tay cầm gói quà.
    Conner đón lấy, mở ra. Một chiếc stethoscope –ống nghe của bác sĩ. Ông thoáng ngạc nhiên nhưng rồi hiểu ra.
    “Cám ơn cháu. Cái này hay đấy.”
    “Với cái này,” Jack nói, “Bác sẽ nghe rõ tiếng đập của con tim cô ấy.” 
                           Tặng ống nghe
    Conner lặng người đi mấy giây. Ông bật ra một tiếng nấc không giấu được, đưa cườm tay quệt ngấn nước mắt. Jack cởi tung nút áo để lộ vết sẹo dài chạy dọc trước ngực. Conner gắn ống nghe vào hai tai, áp đầu dây bên kia vào ngực Jack, đúng chỗ trái tim cậu. Không, trái tim con gái ông. Ông nhắm mắt lại, chăm chú lắng nghe… Lát sau, ông gỡ ống nghe, lặng im vài giây như cố trấn tĩnh, rồi buột miệng:
    “Well, it’s working.”
    “Oh yeah, definitely!” Jack đáp.
    Không chỉ nghe rõ nhịp đập đều đều của trái tim, Conner còn nghe được cả tiếng thì thầm quen thuộc của Abbey, “Bố đến thăm con đấy phải không? Con vẫn ổn mà, Bố đừng lo cho con. Chỗ này, buồng ngực của Jack đấy, tốt lắm Bố à. Bố con mình vẫn gần nhau mà, phải không?”
    Ông đã bao lần ôm chặt con mình vào lòng, bao lần nghe hơi thở con, nhịp tim con đập rộn ràng như thế này. Ông đã bao lần ôm ấp đứa con yêu, từ thuở cô còn bé bỏng, từ thuở mẹ cô còn sống, và cả những lần hai bố con xa nhau rồi gần nhau như thế này.
    Conner cúi đầu thật sâu, hai mắt nhắm nghiền, nước mắt lại muốn ứa ra. “Đúng thế Abbey,” ông cũng thì thầm. “Bố đến thăm con đây. Bố đến thăm con để xem con đã ‘sống’ như thế nào kể từ ngày xa Bố. Sau cùng thì bố con mình đã gặp được nhau, phải không, ‘baby girl’ của Bố?” 
                      Nghe tim con gái đập
    “Baby girl”, ông Conner nhớ từng gọi con bé như vậy.
    “Cám ơn cháu,” ông ngước lên, mỉm cười với Jack.
    “Thật là một phép lạ,” Jack nói. “Abbey giống như là bà tiên có phép mầu trong chuyện cổ tích. Cháu đã chết đi, rồi được sống lại. Cháu mang ơn cô ấy nhưng không có cách nào để trả ơn.”
    “Đừng nghĩ đến chuyện đền ơn đáp nghĩa,” ông Conner mỉm cười với chàng trai. “Cách trả ơn tốt nhất là hãy sống tốt. Đơn giản là vậy. Sống như Abbey vậy, giúp đỡ người khác và mang niềm vui đến cho mọi người.”
    “Cháu hiểu,” Jack nói nhỏ. “Cháu còn phải cám ơn Bác nữa.”
    “Bác phải cám ơn cháu chứ,” Conner lại mỉm cười. “Nhờ có cháu mà Bác được gặp lại Abbey. Bác thật hạnh phúc.”
    Conner ngắm nhìn chàng trai trạc tuổi con ông. Ông nhìn xuống chiếc ống nghe vẫn cầm trên tay, món quà đặc biệt Jack tặng cho ông. Trong đời mình, quả là ông chưa bao giờ nhận được quà tặng Father’s Day nào ý nghĩa hơn thế.
    Nhờ có Jack, ông Conner biết được rằng trái tim con gái ông chưa có phút giây nào ngừng đập, có điều trái tim ấy đã dọn sang hình hài khác. Abbey đã cho không trái tim quý giá của mình. Cô đã cho không, không điều kiện, không có bất cứ sự lựa chọn nào. Dẫu cho hình hài ấy, da dẻ kia có như thế nào thì trái tim cô vẫn rộn ràng những nhịp đập yêu thương.
    Tình yêu cô gửi vào trái tim là tình không biên giới. 
    *
                       Abbey's -  Ride for Life
    Abbey lìa xa bố khi tuổi cô vừa tròn đôi mươi, tuổi tươi đẹp nhất của một đời người. Trái tim cô đang tràn đầy nhựa sống, tràn đầy ước mơ. Cô khao khát sống và thiết tha yêu đời. Cô theo đuổi ngành học Public Relations tại trường University of Wisconsin-Whitewater với ước mong có cơ hội mở rộng giao tiếp với nhiều người và cũng giúp được nhiều người.
    Với Conner, con gái ông vẫn đang sống; hơn thế nữa, cô thực hiện được điều ước muốn là làm đẹp cho cuộc sống. Còn gì hơn thế nữa.
    Với Jack, anh bắt đầu lại cuộc sống. Anh yêu cuộc sống hơn bao giờ. Jack sẽ trở lại trường học, sẽ nối lại những giấc mơ còn dở dang vì phải bỏ dở chuyện học hành. Anh sẽ đi tiếp con đường Abbey đã đi; hay nói một cách nào đó, anh đi theo tiếng gọi của con tim nồng ấm đang nằm gọn trong lồng ngực anh.
    Chia tay gia đình Jack, ông Conner lần lượt ôm hôn từng người một trong gia đình anh. Sau cùng, ông lại ôm chặt lấy Jack, gục đầu lên vai anh, ngỡ như đang ôm ấp đứa con yêu quý của mình.
    Và rồi Conner lại leo lên lưng chiếc xe đạp, lại tiếp tục lên đường. Ông phải đi cho hết cuộc hành trình. Lần này, ông có thêm bạn đồng hành là băng ghi âm tiếng nhịp đập con tim của Abbey mà gia đình Jack gửi tặng ông. Conner như được tiếp sức, ông cảm thấy sung sức hơn bao giờ.
    Conner dự kiến ngày 10 tháng Bảy tới đây sẽ chạm “mức đến”, Broward Health Medical Center tại Ft. Lauderdale, Florida, là nơi Abbey đã được các bác sĩ giải phẫu lấy nội tạng. Nơi đây, ông sẽ thực hiện nốt việc sau cùng là rải tro con mình xuống lòng biển khơi, như một dấu chấm hết cho cuộc hành trình dài mãi đến 2.600 dặm trường.
    Abbey yêu biển, cô sẽ về lại với thiên đường “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” của Florida.
    Trả lời các phóng viên báo chí về cuộc “hành trình đơn độc” trên lưng con ngựa sắt, ông Conner nói, “Tôi không hề đơn độc. Lúc nào Abbey cũng ở cạnh tôi. Một khi bạn làm điều gì có ý nghĩa, bạn sẽ không cảm thấy đơn độc.”
    Conner tin tưởng một cách mạnh mẽ sẽ có nhiều người cùng đồng hành với ông. Trong lá thư ngỏ gửi cho báo chí kể về cuộc hành trình “Abbey’s Ride for Life” dọc nước Mỹ nhằm vận động việc ghi danh online để trở thành người hiến tặng nội tạng, có đoạn ông viết:
    “Thật là ích kỷ khi bạn nhất định chôn theo bạn những gì có thể cứu vớt được mạng sống con người. Bạn không mất gì cả trong lúc mang được hạnh phúc đến cho những kẻ xấu số. Vậy tại sao bạn lại từ chối hay ngần ngại? Sớm muộn gì thì bạn và tôi cũng phải chết mà, làm sao tránh khỏi được. Vậy tại sao không làm cho cái chết của mình không vô nghĩa và phí phạm?”
    “Nếu bạn muốn để lại một di sản,” ông viết ở một đoạn khác, “không có di sản nào quý giá hơn là giúp cho người khác được tiếp tục sống, một cuộc sống ý nghĩa.”
    Phần tôi, rất lấy làm “tâm đắc” đoạn cuối lá thư của ông Conner:
    “Bạn vẫn đến nhà thờ, nhà nguyện để cầu nguyện sau khi chết sẽ được lên thiên đường, phải không? Vậy tại sao bạn không làm việc đó? Lời nguyện cầu của bạn sẽ sớm được cứu xét.  Hãy trao tặng cho người khác những gì thượng đế đã ban tặng cho bạn. Đấy là lẽ công bằng. Bạn đâu cần phải mang theo tất cả, một khi thân xác bạn nhẹ nhàng thì bạn cũng dễ… bay lên tới thiên đường.” 
    Lê Hữu
    _(Viết phỏng theo bản tin CBS News)*
    _ Photo by Caroline Ourso
    _ Video liên quan 
    • Moving moment Dad hears daughter's donated heart beat again:
    __._,_.___


HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..