Từ ngàn xưa câu nói "Lương y như từ mẫu"đã khẳng định và đề cao y
đức của những người thầy thuốc thương yêu bịnh nhân bao la như tấm lòng của người
mẹ đối với con cái. Câu nói đó được minh chứng hùng hồn với tôi, một ông lão tuổi
cổ lai hy, không cửa không nhà từ Nam bộ ra Thủ đô khiếu kiện đất đai, bất ngờ gặp
tai nạn trên đường phố Hà Nội.Những tưởng mình lâm cảnh khốn cùng nhưng tôi may
mắn được các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện và sinh viên y khoa thực
tập của Bệnh viện Hà Đông cứu chữa, chăm sóc.Ngoài sự tận tâm ,tình thương yêu,những
vị ân nhân này còn giúp đỡ tôi cả tiền bạc nữa.Cảm kích từ tấm lòng cao quý đó,tôi
xúc động viết ra bài này để chân thành cám ơn và tôn vinh những người áo trắng của
Bệnh viện Hà Đông-Hà Nội.
*****
Hôm ấy vào
một sáng đẹp trời ngày thứ sáu 17-2-2017, tôi ghé vào tiệm chụp ảnh rửa thêm vài
tấm hình gửi tặng bạn bè ở Sài Gòn rồi đến Bưu điện Hà Đông gửi thư. Lúc này đang
giờ cao điểm lưu thông, xe cộ rất đông.Do tôi rảo bước băng qua đường bất cẩn
không quan sát chướng ngại vật ở dưới đất nên bị vấp té, tôi ngã chúi toàn thân
về phía trước.Lưng mang ba lô nặng chất đầy hành lý ở trên lưng nên hai tay tôi
bất lực không chống đỡ được.
Tôi bị té nằm
dài trên đường, đầu đập mạnh vào lề đường khiến trán tôi bị rách một đường
dài.Lúc đó máu chảy ra nhiều, tôi phải dùng cả hai bàn tay đè ép hết vào vết
thương để chặn vẫn không được .
May mắn cho
tôi là lúc đó ngã tư đang có đèn đỏ không xe cộ lưu thông.Tôi được một cháu gái
tuổi chừng 20 đi xe tay ga thấy vậy liền mau mắn chở tôi vào Bệnh viện Hà Đông
cách đó 300m để cấp cứu.
Tại phòng
nhận bệnh, các bác sỹ, y tá thấy tôi già cả, máu chảy ra nhiều ở trán và ướt
đẫm cả một phần chiếc áo khoác trắng, ai cũng lắc đầu lo ngại e sợ cho tính
mạng của tôi .Thế nên tất cả những người có mặt đã cùng quan tâm hết lòng lo cấp
cứu tôi.Người vòng tay ôm vai,người xốc nách bế tôi lên giường mau chóng làm
các biện pháp cứu cấp. Lúc này, dù choáng váng mặt mày vì bị mất nhiều máu,
nhưng tôi vẫn cố gắng mở mắt ra và cố lắng tai nghe những gì đang diễn ra xung
quanh mình . Một nam y sinh thực tập mang găng tay bằng mủ trắng, lấy kéo
kẹp băng, bông gòn chấm cồn 900 để lau sạch và khử trùng vết thương
đầy máu. Chú ấy phải dùng đến 3 chiếc băng và gòn tẩm cồn để lau sạch, rửa ráy
vết thương cho tôi .Đứng bên là một nữ điều dưỡng hết lòng phụ việc chăm sóc
tôi .
Sau
khi cầm máu xong và vệ sinh chu đáo vết thương, tôi được dìu ra phòng vệ sinh
để rửa hai tay còn dính máu tươi.Nhìn những cục máu đỏ còn đọng nơi kẽ
bàn tay đã đông thành những cục nhỏ, tôi thấy chóng mặt. Tôi lạnh người nhìn
chiếc áo khoác trắng và chiếc mũ trắng loang đầy máu.
Trở lại phòng,
nằm trên giường lo ngại cho vết thương của mình vì nghe nam y sinh thực tập nói
với cô điều dưỡng "Vết thương của ông cụ rất dài, chắc phải may". Tôi
nằm yên, đôi mắt nhắm nghiền lại cho đến khi bác sỹ vào phòng khám bệnh tôi mới
dám mở mắt ra.
_ Cụ bị sao vậy? Bác sỹ hỏi.
Tôi chậm rãi trả lời là do tôi bất cẩn vô ý
vấp phải chướng ngại vật trên đường nên bị mất thăng bằng té xuống đường,
va đập mạnh trán vào lề đường
_Cụ ở đâu ? Có bảo hiểm y tế không?
_Tôi ở miền Nam, tỉnh Bà Rịa Vũng
Tàu ra Hà Nội .Tôi đi một mình, không có họ hàng người thân .Tôi có bảo hiểm y
tế tại Bà rịa Vũng Tàu.
Tôi lấy CMND và bảo hiểm y tế đưa cho bác sỹ
xem, bác sỹ gật đầu rồi để giấy tờ của tôi ở đầu giường. Khi thấy cô điều dưỡng đẩy chiếc xe mang đầy dụng cụ y
khoa đến cạnh giường, tôi bất giác thấy trong người mình hơi lành lạnh.
Tôi được
chính bác sỹ vừa hỏi khám điều trị
trực tiếp. Bác sỹ mang đôi găng tay nhựa trắng lấy một cái khăn vải nhựa đặt
trên mặt tôi chỉ chừa khoảng trống trên phần trán bị thương .
Tôi nghe bác
sỹ nói: “Cụ an tâm, cháu làm thêm một lần vệ sinh rồi vá vết thương.Vết thương
này dài phải khâu 6 mũi nhưng rất may là vết thương chỉ ở ngoài da nên không có
ảnh hưởng vào trong đầu, cháu chích thuốc tê rồi khâu cho cụ, cháu sẽ nhẹ tay
để cụ ít bị đau.”
Lúc này tôi thấy mũi kim chích vào trán không
đau mà chỉ thấy hơi rát. Tôi để ý bác sỹ gây tê nhiều nơi. Lúc này thuốc đã tác
dụng vào vết thương, tôi thấy thân thể tôi khác thường nhưng tôi vẫn nghe rõ
tiếng bác sỹ nói với cô điều dưỡng : “Cụ già tội nghiệp bị hoạn nạn mà không có
người thân ở cạnh. “
Sau đó tôi
thấy trên trán mình có tiếng kim chui qua da, tiếng kéo cắt chỉ khi tới vết
khâu cuối cùng. Bác sỹ viết toa cho mua thuốc rồi an ủi: “Xong rồi, cụ an tâm
nằm nghỉ một chút xong rồi hãy đi, mười ngày sau cắt chỉ, tuy nhiên hàng ngày
cụ tới đây làm vệ sinh và thay băng.”
Cô điều
dưỡng đẩy xe có tôi trên cáng ra khỏi phòng. Tôi cố mở mắt để trái tim in dấu
bóng dáng những người áo trắng tận tâm cấp cứu và điều trị mình .
Khi ra phòng
hành chánh đóng tiền, sau khi xem thẻ bảo hiểm y tế thấy tôi cao tuổi ,ở miền Nam
ra bị tai nạn nơi Hà Nội xa xôi này,sự đồng cảm bộc lộ trên khuôn mặt phúc hậu
của cô thu ngân viên. Cô ôn tồn nói: "Cụ ạ! con chỉ lấy 100 ngàn tiền
thuốc và chỉ may thôi". Tôi đưa tiền cho cô.
Sau đó cô
điều dưỡng dìu tôi đi ra quầy để mua thuốc. Trong khi tôi đang xem toa tính
tiền thì cô điều dưỡng đã bất ngờ lấy ra tờ giấy bạc 50 ngàn cầm hai tay lễ
phép biếu tôi : " Con còn đi học và hôm nay con lại mang ít tiền. Con xin
biếu cụ 50 ngàn để cụ ăn cơm". Tôi cám ơn cô tay cầm tờ 50 ngàn mà
lòng dạ bồi hồi.
Sau khi quầy
thuốc tính tiền 580 ngàn, cô bán quầy thuốc hỏi tôi có đủ tiền mua thuốc không?
Tôi lắc đầu và nói : “Tôi không đủ tiền, vì tôi phải còn chừa tiền để trả
tiền phòng trọ, tiền ăn và tiền xe về lại miền Nam.”
Nhìn trên
toa ghi 6 món thuốc, cô điều dưỡng bảo tôi phải ưu tiên mua 3 món : thuốc chích
ngừa uốn ván và 2 loại thuốc trụ sinh để làm mau lành vết thương.
Tôi
thấy vết thương không phạm sâu , chỉ mất máu thôi nên tôi đề nghị mua loại
thuốc sản xuất ở Việt Nam cho giá rẻ hơn.Xong việc mua thuốc ,cô điều
dưỡng tay vác ba lô của tôi lại dìu tôi trở về phòng .
Tôi ra đến phòng
nhận bệnh để nói lời cảm ơn trước khi rời bệnh viện .Nỗi xúc cảm khiến tôi phải
ngập ngừng vài ba lần trong lúc nói.Mọi người có mặt lúc đó tỏ ra đồng cảm với
tôi .Một nam y sinh đứng dậy móc túi lấy
ra tờ giấy 200 ngàn, hai tay cầm lễ phép trao cho tôi: "Con biếu ông."Cùng
lúc cô thu ngân viên đã thu của tôi 100 ngàn cũng lấy ra 100 ngàn biếu tôi.
Tôi thấy lòng mình nao nao,xúc động xen lẫn hạnh phúc trước tấm lòng mọi người dành cho mình. Họ, những bác sỹ, điều dưỡng, y sinh tập sự cùng các viên chức của khoa cấp cứu Bệnh viện Hà Đông Hà Nội của phiên trực sáng ngày thứ sáu 17 - 2 – 2017,là những ân nhân áo trắng mà mãi trong suốt cuộc đời còn lại tôi không được phép quên vì từ tấm bé tôi được người cha nuôi thường xuyên nhắc nhở bài học làm người :”Làm ơn không bao giờ kể, chịu ơn không bao giờ quên” .
Nguyễn Thế Tân (Bà Rịa Vũng Tàu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét