Câu quảng cáo bá đạo này tưởng người đời nói chơi cho vui, thế nhưng nó lại là một kiểu quảng bá truyền miệng có từ những năm ba mươi của thập niên trước. Không chỉ có ở nước mình đâu, ngay trên các bao thuốc lá Marlboro, xì gà Marshall hay nhiều nhãn hiệu thuốc lá khác ở Mỹ cách nay trăm năm đều hãnh diện ghi trên bao bì “Hút thuốc trị hen suyễn, cảm lạnh hay khó thở”. Ngày nay, trước những tác hại do hút thuốc lá gây ra cho sức khoẻ nhân loại những kiểu quảng cáo như thế này bất kỳ ở đâu đều bị xem là vi phạm luật pháp.
Tôi biết một vị Cha xứ người Bắc rất thích hút thuốc lào. Ở xứ người lâu năm tưởng ông đã chôn ống điếu nơi quê nhà. Nào ngờ đến nhà ông chơi mới thấy mấy bánh thuốc lào, vài ba ống điếu lớn nhỏ cất ngoài garage. Ôi cha, ca dao xưa từng nói: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào / Ðã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Ông cười bằng đôi mắt nhưng lời nói tựa thở than: “Không có điếu đốm, thì cuộc đời này tẻ nhạt vô cùng!”. Mỗi khi cơm nước xong, ông ra ngoài nhà xe kéo vài hơi. Ông ngồi trên ghế bành, chậm rãi vân vê từng sợi thuốc trên đầu ngón tay, vo tròn bằng viên bi tra vào nõ điếu. Ðâu đó xong xuôi, ông rút một chân tre khô chẻ sẵn, châm mồi lửa đưa vào nõ thuốc. Ban đầu, ông rít từng hơi ngắn, đầu nõ cháy đỏ, rồi hút một hơi thật dài, tiếng ro re trong điếu vang nghe ấm nồng vui tai. Bấy giờ, Cha mới ngả lưng vào ghế, miệng phả nhẹ từng làn khói trắng, lòng sảng khoái vô cùng.
Nhiều người khách khác không riêng gì tôi đến nhà Cha thăm, nhìn ông xơi thuốc mà lòng cảm thấy thèm thuồng. Sự kích thích thị giác này rất dễ lây cho người biết hút thuốc dẫu rằng tôi chẳng mê thuốc lào, chỉ phì phà thuốc điếu. Hút thuốc có hại cho sức khoẻ. Biết thế nhưng không có nó thì cuộc sống dường như thiếu đi cái gì, giống như một người uống rượu khan mà bên cạnh không có bạn tâm giao. Hành vi đó lâu ngày trở thành thói quen, giống như cỗ máy cài sẵn chương trình, cứ đến thời khắc nhất định nào đó tuỳ theo thể chất của từng người thì nó lại xuất hiện trong não bộ nhắc nhở người ta lặp lại hành vi.
Hãng thuốc lá Juan Bastos ở Vĩnh Hội Quận Tư
Thuốc lào chẳng qua là một loại lá xắt sợi phơi khô từ cây thuốc lá nguyên thủy có chất nicotin nhiều gấp bảy tám lần thuốc điếu. Do đó mà người nghiện thuốc lào một ngày không có thuốc thì thấy bứt rứt nhơ nhớ trong lòng. Sách Vân Ðài Loại Ngữ của Lê Quý Ðôn gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương). Theo nhà nghiên cứu Ðào Duy Anh, cây thuốc lào từ Lào (Ai Lao) du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Cũng có tài liệu khác cho rằng, cây thuốc lào được sử dụng làm thuốc hút lần đầu tiên ở miền Bắc bởi cụ Hồ Lào vào thế kỷ 18, chính thức được đặt tên thương hiệu là thuốc Lào và được lưu hành rộng rãi trên thị trường ba nước Ðông Dương dưới sự bảo trợ của Pháp.
Miền Trung Ngũ Quảng, người ta lại hút thuốc Cẩm Lệ vấn hình sâu kèn. Thuốc Cẩm Lệ nổi tiếng ở Huế nhưng thật sự gốc gác trồng ra loại thuốc lá này lại ở đất Quảng Nam tại làng Cẩm Lệ. Ðất ở đây trồng ra cây thuốc cho lá to ngon nhưng tiếc thay lại không biết cách chế biến tẩm ướp làm cho nó ngon như ở Huế. Lá thuốc thu hoạch, phơi khô phun rượu giữ độ ẩm, rồi đưa ra Huế chế biến thành thuốc ngon. Mùi thuốc Cẩm Lệ nồng gắt đối với người chưa quen. Ðàn bà xứ Quảng, nhiều người cũng thích hút Cẩm Lệ.
Tôi lại nhớ đến ông Năm Gò trong một lần tôi ghé Xóm Thuốc ở Gò Vấp xem người ta có còn trồng thuốc lá cách nay hơn ba mươi năm. Ðến ngôi nhà gỗ của ông chơi, hỏi han chuyện xưa ở đất này, ông nói: “Giờ đây còn đâu Xóm Thuốc. Người ta cất nhà lên đất từ thập niên 1950. Xóm Thuốc chỉ còn trong dĩ vãng của người già chúng tôi”. Ngay cả chuyện hút thuốc rê sau này, tôi phải tiết kiệm, hút nửa chừng, dán đót thuốc lên cột nhà, thỉnh thoảng ra bắt một con “dế cơm” đốt lại. Nghe ông Năm nói khiến tôi lại ngợ, thuốc rê rẻ rề sao lại lo xa tiết kiệm quá xá hay là do thói quen của người hút thuốc rê thích để lại nửa con sâu kèn đeo trên cột để khi cần hút cho nó ngon. Người ta thường nói:
“Nhất gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu”.
Vỏ bao bì thuốc lá Ruby Queen bán ở Quân Tiếp Vụ
Thuốc Mic Extra và Cotab một thời rất được ưa chuộng
Ở Gò Vấp còn có một nơi bán thuốc rê đóng từng miếng hình chữ nhật, đó là Xóm Mới. Xóm Mới tất nhiên do mới hình thành, cũng như chợ Xóm Mới xuất hiện ngay từ lúc người di cư mới đến. Chợ này nổi tiếng bán thuốc rê (thuốc Gò) nổi tiếng Nam kỳ Lục tỉnh, thuốc lào 333 hoặc 555, thuốc xỉa cho người ăn trầu. Thuốc xỉa cũng là loại thuốc lào hay thuốc rê nhưng không dùng để hút vì nguyên liệu làm thuốc xỉa bằng những lá thuốc già xắt sợi. Người ăn trầu ngậm cục thuốc xỉa bằng môi trên ở một phía cửa miệng dùng để tẩy bã trầu bám vào răng trong lúc nhai. Khi nào nhai xong nhả bỏ bã trầu thì bỏ luôn cục thuốc xỉa. Vì thế trong dân gian có câu ca dao ví trầu thuốc như tình nghĩa vợ chồng:
“Ăn trầu là nghĩa, thuốc xỉa là tình”.
Xóm Thuốc đã hình thành từ xa xưa, là nơi trồng cây thuốc lá cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất thuốc lá Bastos, Mélia của Pháp thành lập ở Vĩnh Hội. Người lao động phu phen thợ thuyền vẫn quen vấn thuốc rê cho đỡ tốn tiền. Một số người nhất là giới văn nghệ sĩ lại thích hút pipe (ống vố), thuốc để hút thường là loại ngon hương thơm ngào ngạt được nhập từ Pháp.
Hãng thuốc lá Juan Bastos nằm trên đường Tôn Thất Thuyết, quận Tư hình thành từ năm 1936. Hãng này ra đời nhằm cạnh tranh với hãng thuốc lá MIC ra đời trước đó gần mười năm (1929). Juan Bastos tập trung sản xuất thuốc lá dành cho giới bình dân với thương hiệu Bastos xanh, Bostos đỏ bằng nguyên liệu sợi thuốc đen. Hai loại này hút đều nặng như nhau, mặt dầu báo chí quảng cáo Bastos đỏ hút nhẹ nhàng êm dịu. Riêng thuốc gói Mélia vàng, Mélia trắng thì đúng là thuốc thơm, nhẹ. Hầu hết giới trung lưu đều thích loại này. Ðến giữa thập niên 1960, thuốc Mélia ngưng sản xuất, thay vào đó nhà máy chuẩn bị cho ra sản phẩm mới loại Bastos Deluxe có đầu lọc. Hãng thuốc tung ra khẩu hiệu quảng cáo:
“Hỡi ai đi sớm về trưa
Kìa Bát Tốt Lút đón đưa chào mời
Hương thơm khói đậm tuyệt vời
Hút cho một điếu cho đời thêm tươi”
Nhà máy thuốc lá MIC nằm trên đường Nguyễn Hoàng quận 5 từ khi thành lập, vốn sản xuất rất mạnh, có sự đầu tư của các tập đoàn nước ngoài như BAT của Anh, Ford, Rockefeller của Mỹ, máy móc công suất lớn. Mỗi năm hãng này đưa ra thị trường gần 50 triệu bao thuốc các loại. Ðến trước 1975, sản lượng tăng lên hơn trăm triệu gói thuốc. Thuốc lá của hãng MIC chủ yếu nhắm vào thị hiếu của giới thanh niên và giới trung lưu. Các nhãn hiệu như Cotab, Ruby Queen, President. Capstan có đầu lọc và không đầu lọc được tung ra thị trường vào đầu thập niên 1960 thu hút được giới tiêu dùng rộng rãi do hình thức bao bì bắt mắt và thơm dịu. Cả hai hãng Bastos và MIC đều sản xuất hàng giá rẻ hơn thị trường để cung ứng cho Quân Tiếp Vụ, phục vụ quân nhân như Ruby Queen mặt trước có hình anh lính cầm súng trên nền cờ, mặt sau có biểu tượng quân dân cán chính và Bastos trắng có hình con chuồn chuồn vào đầu thập niên 1970.
Bán thuốc lá lề đường trước 1975
Cũng vào thời gian này, trước đó vài năm thì thị trường thuốc lá lẻ tràn ngập các loại thuốc nhập từ Mỹ, nhất là sau khi mở các cửa hàng PX bán đồ tiêu dùng cho quân nhân Mỹ tham chiến tại miền Nam. Ðủ các hiệu thuốc lá: Pallmall, Camel, Craven A, Marlboro, Salem… và xì gà các loại.
Thế nhưng thuốc nội địa vẫn được người Sài Gòn ưa thích, nhất là Capstan. Tôi nhớ hồi còn nhỏ từ đám bạn bè học lóm đâu đó vài ba câu dí dỏm dành cho loại thuốc thơm này. Người buồn tình thì bảo “Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát”, lãng mạn hơn thì tặng cho người tình “Chiếc Áo Phong Sương Tặng Ấm Nàng”. Còn người làm ăn thua lỗ lại than: “Con Anh Phá Sản Tại Anh Ngu”. Và còn nhiều hiệu thuốc khác nữa như Salem chẳng hạn, đọc lên nghe tá hỏa thần hồn.
Những câu dí dỏm về chuyện thuốc lá nói cho vui vậy thôi, chứ làm sao hay và đẹp bằng những lời văn trong thơ nhạc.
“… Ngó trên tay điếu thuốc đã lụi dần
Tôi nói khẽ: gớm, làm sao nhớ thế!”
(Ngập ngừng-Hồ Dzếnh).
Trang Nguyên -
Thế nhưng thuốc nội địa vẫn được người Sài Gòn ưa thích, nhất là Capstan. Tôi nhớ hồi còn nhỏ từ đám bạn bè học lóm đâu đó vài ba câu dí dỏm dành cho loại thuốc thơm này. Người buồn tình thì bảo “Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát”, lãng mạn hơn thì tặng cho người tình “Chiếc Áo Phong Sương Tặng Ấm Nàng”. Còn người làm ăn thua lỗ lại than: “Con Anh Phá Sản Tại Anh Ngu”. Và còn nhiều hiệu thuốc khác nữa như Salem chẳng hạn, đọc lên nghe tá hỏa thần hồn.
Những câu dí dỏm về chuyện thuốc lá nói cho vui vậy thôi, chứ làm sao hay và đẹp bằng những lời văn trong thơ nhạc.
“… Ngó trên tay điếu thuốc đã lụi dần
Tôi nói khẽ: gớm, làm sao nhớ thế!”
(Ngập ngừng-Hồ Dzếnh).
Trang Nguyên -