28 thg 6, 2021

BỦM ƠI ,CHÀO MI !

 Chuyện phiếm

                 


        “ Bủm “ là ai,cái gì ,ở đâu …? Chắc mới đọc cái tựa status hẳn nhiều bạn đã thắc mắc hoặc nghĩ ngay đến cuốn tiểu thuyết đầu tay “Buồn ơi chào mi” (Bonjour tristesse) của Françoise Sagan,nữ văn sĩ người Pháp nổi tiếng ngay từ khi mới 19 tuổi . Vậy “ bủm” thật ra là cái gì ,xin mời đọc tiếp câu chuyện sau sẽ rõ.

        Chuyện là vào một bữa chủ nhật ,tôi đến nhà thằng con trai thứ ở Bình Tân thăm mấy đứa cháu nội cho đỡ nhớ.Mấy ông cháu cùng ngồi chơi trên chiếc sô pha ngoài phòng khách.Con bé lớn ,6 tuổi ,lúi húi ngồi ôm ipad xem Đô-rê-mol,Nô-bi-ta…Hai nhỏ gái em , 4 tuổi , 2 tuổi ,đứng ôm đầu ông nội thi nhau nhổ tóc bạc với giao ước “đủ trăm sợi nội phải dẫn các  cháu đi ăn cà rem ”.

         Bất chợt,bé út đứng xị mặt ra và con chị bịt mũi xoay người lại nhăn mặt nói:

 _ Đứa nào vừa “bủm”xong xấu quá,nội phạt không nó đi ăn cà rem nha nội !

_ Không phải em nha ! Bé thứ 2 nhanh miệng la.

        Tôi nhìn sang đứa cháu út thấy bộ dạng nó thật dễ thương.Con bé vòng 2 bàn tay che mắt ,miệng chúm chím cười.Con chị lớn được thể đe:

 _ Lát mẹ về ,chị méc cho em bị đòn vì “bủm” mà không đi ra chỗ khác như lời mẹ dặn .

       Con bé út nghe vậy bỏ tay xuống ôm tôi ,dơm dớm nước mắt :

_ Ông nội,cháu muốn…ra vườn hái hoa.

        Tôi nghĩ con bé tủi thân vì bị chị la ,giờ muốn ra ngoài vườn cho khuây khoả nên gật đầu đồng ý. Nhưng lạ, con bé được ông cho phép rồi vẫn đứng phụng phịu tại chỗ.Tôi kéo nó lại hỏi :

_ Sao cháu chưa đi ?

_ Dạ…Chưa…chưa có giấy…

       Tôi bật cười vì tội nghiệp cho đứa cháu ,nó “dễ ghét” làm sao và cũng tự trách mình già rồi lẩm cẩm“chậm tiêu”đến nỗi không hiểu được ngôn từ của đứa bé mới 2 tuổi đời.Chữ nghĩa của thời @ có khác,phát triển với tiến độ nhanh khiến những người già ngại khó,ngại khổ không dám sử dụng smarphone để vào phây ,vào net ,chơi Zalo giao tiếp bạn bè ,mất đi cơ hội mở rộng kiến thức mới lâm vào cảnh ngộ thất cười như tôi bây giờ .

       Trở lại chuyện “cái bủm”.Ông bà ta ngày xưa kêu là “cái rắm”.Cái rắm là sản phẩm vô ảnh ,vô sắc nhưng toả hương có hơi nặng mùi .Cái mùi của rắm không mấy ai ưa như người ta thường nói “rắm của ai thì vừa mũi người đó.”

       Thật ra cái rắm phát sinh ra từ một hiện tượng tự nhiên,tự nó chẳng có gì xấu xa cả. Thức ăn vào trong bụng được biến chế thành các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Những phản ứng hóa học trong dạ dầy, trong ruột cho chất bã thêm chút hương hoa cho cuộc đời , rồi cơ thể đẩy mới đẩy nó ra ngoài. Và chút hơi nằm chung với những chất bã này trong ruột già một thời gian ngắn bị làm cho thối trước khi được đẩy ra ngoài. Chưa hết, kèm với cái mùi không thơm đó, còn có một loạt âm thanh đi theo phụ họa để mọi người nghe mà biết ,mà bịt mũi hay chạy ra xa.Hiện tượng ngu tôi vừa mô tả được kêu là “đánh rắm “.

       Loài vật cũng đánh rắm ,cả bầy đàn đứng, nằm kề sát nhau chả phản ứng gì .Thế nhưng xã hội loài người chúng ta vội bịt mũi ca thán rằng cái mùi ấy khó chịu, kinh tởm. Mà cũng lạ cho con người chúng ta .Sao có những mùi khác còn kinh hoàng hơn nhiều như chuột chết, mèo chết, cả đến xác chết nữa … nhưng chúng đâu có bị khinh bỉ như mùi rắm đâu. Nếu bình tâm nhìn lại vấn đề như thế, chúng ta chắc sẽ bớt ghét đánh rắm rất nhiều.  “Đánh rắm” là một hiện tượng sinh lý bình thường của con người. Tuy nhiên, do mùi hương không mấy dễ chịu mà hiện tượng này trở nên khá “nhạy cảm”. Nếu không muốn trở thành chủ đề phê phán, trào phúng của xã hội, con người ta phải tự biết kiềm chế hoặc xử lý một cách khéo léo.

       Dưới cái nhìn của người  thầy thuốc , đánh rắm quá nhiều lại là dấu hiệu cảnh báo một số bất ổn trong ruột. Khi đường raffinose trong rau củ, trái cây đến đại tràng, vi khuẩn đường ruột tại đây sẽ hấp thu loại đường này và sản sinh ra khí.

Những loại thực vật có nhiều đường raffinose có thể kể đến là bông cải xanh và các loại đậu. Khi đánh rắm liên tục do ăn nhiều rau củ, trái cây thì mọi người cần điều chỉnh lượng chất xơ trong chế độ ăn theo hướng cân bằng hơn.Ăn hoặc uống quá nhanh sẽ khiến chúng ta nuốt không khí vào bụng nhiều hơn. Ăn vội vã thì lượng khí nuốt vào bụng càng nhiều.

Lượng khí này sẽ thoát ra ngoài cơ thể qua 2 cách là ợ và đánh rắm. Trong những trường hợp như vậy, ăn chậm hoặc hạn chế nuốt không khí khi nhai kẹo cao su, ngậm kẹo và dùng ống hút có thể giúp cải thiện tình hình.

         Nhưng trẻ con không biết được những nguyên lý về ăn uống nên các bậc làm cha mẹ phải biết dạy con.Thường chúng ta dạy con phải nín lại hoặc chế giễu con khi con xì hơi khiến chúng có thành kiến không tốt với những người đánh rắm.Điều quan trọng là hãy nhớ sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào chức năng của cơ thể. Cho con hiểu việc đánh rắm, ợ hơi và thể hiện cảm xúc là hoàn toàn được chấp nhận và khỏe mạnh .

        Với hiện tượng đánh rắm, người ta thường chia ra những loại : rắm to , rắm nhỏ , hay là rắm thối ,rắm không thối. Không nên loại bỏ trường hợp rắm thơm, vì thực tế đã có người đánh rắm ra mùi sinh tố bơ , hoặc mùi mãng cầu dầm sữa chua . Thật là thiên tài nếu ai có thể điều tùy môi trường và hoàn cảnh mà phát ra loại rắm cho phù hợp thì có khi còn tạo niềm vui cho người  khác và đem lại lợi ích nhiều mặt cho bản thân như một vài câu chuyện vui trong văn hoá dân gian tại Hàn quốc mà người  viết sẽ nói đến trong phần dưới đây .

          Khi xem phim Hàn, không ít người nước ngoài đã bị sốc khi thấy yếu tố “đánh rắm” thường xuyên xuất hiện trên phim ảnh qua các phân đoạn gây cười.Có thể thấy người Hàn không “ngại ngùng”khi nói đến vấn đề khá “nhạy cảm” này, thậm chí mượn cái rắm hầu ra tạo niềm vui.

        Như các bạn đã đọc ở phần trên,những cái đánh rắm mạnh tượng trưng cho thể lực tốt và sức lao động dồi dào của con người.Những câu chuyện cười dân gian được truyền miệng lại có chung 2 yếu tố :

·        Chuyện được xây dựng trên chất liệu là hiện tượng tiêu hóa tự nhiên của con người.

·        Tuy nhiên, đây lại là một chuyện “hoang đường”, vì không bao giờ xảy ra việc tương tự ở đời thường. Thậm chí, nó khiến người sống ở thời @ ngày nay cảm thấy hơi “bốc mùi”.

          Xin đơn cử câu chuyện dân gian thú vị nổi tiếng từng được đem vào phim Hàn quốc là: “Người con dâu đánh rắm”.

         Chuyện kể rằng, tại làng nọ, có một cô gái xinh đẹp, về làm dâu tại một gia đình phú ông. Cô luôn phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc chồng, lo việc nhà chu đáo khiến người người tấm tắc hết lời khen ngợi. Cha mẹ chồng cũng vô cùng hài lòng về cô con dâu đẹp người đẹp nết.

           Tuy nhiên, về làm dâu một thời gian, sắc mặt cô gái chuyển tái mét. Cha mẹ chồng lo lắng, không biết con dâu họ mắc phải bệnh gì, bèn gọi cô vào hỏi chuyện.Ngập ngừng hồi lâu, cô con dâu thú thật: do rất muốn đánh rắm, nhưng cứ nhịn mãi, nên sắc mặt thành ra như thế. Nghe xong lý do của con dâu, phú ông phá ra cười, và bảo con dâu cứ tự nhiên, chuyện rất bình thường.

          Cô con dâu vẫn lo sợ, cô dặn đi dặn lại gia đình chồng: “Nếu vậy, cha hãy nắm chặt cây cột, mẹ hãy bám vào cánh cửa, phu quân hãy nắm chắc cửa nhà bếp, chị dâu hãy nắm chắc cái nồi đi ạ”. Nói rồi, cô con dâu đánh rắm.

          Cái đánh rắm của cô thổi bay ngôi nhà. Cha chồng nắm cây cột bị văng đi, lăn vòng vòng. Mẹ chồng nắm chặt cửa, bị văng qua văng lại. Người chồng bị va vào cánh cửa, và chị dâu bay cả vào trong nồi. Chỉ có cô gái là thoải mái, sắc mặt tươi tắn trở lại vì đã trút được gánh nặng, trước sự “hoảng hốt” của gia đình nhà chồng.

         Sau sự việc ,phú ông quyết định dắt cô gái về trả cho cha mẹ ruột.Đang trên đường đi, họ gặp những thương nhân đang ngồi nghỉ ngơi dưới gốc một cây lê đầy trái. Do quá khát, lại không cách nào hái được lê vì cây quá cao, người thương nhân bèn nói sẽ tặng nông sản và tơ lụa cho ai hái được lê.Cô con dâu lúc này lại trổ tài đánh rắm “uy lực” khiến lê trên cây rụng hết xuống. Nhờ cái đánh rắm đó, cô nhận được rất nhiều nông sản và vải vóc.

           Phú ông thấy ra rằng cái đánh rắm của con dâu thật hữu ích,bèn đưa cô trở về nhà mình. Từ đó gia đình sống hạnh phúc vui vẻ bên nhau.

        Câu chuyện các bạn vừa nghe có vẻ “khiếm nhã” này thực ra mang ý nghĩa khẳng định sức mạnh của phụ nữ. Những cái đánh rắm “khổng lồ” tượng trưng cho sức lực mạnh mẽ và sức lao động dồi dào của cô gái.Câu chuyện mang lại tiếng cười vui vẻ, vừa hàm ý phê phán định kiến: hễ là phụ nữ thì phải hiền lành và thận trọng trong mọi việc.

          Một câu chuyện khác cũng rất phổ biến trong văn học dân gian Hàn quốc là “Cuộc thi đánh rắm”.

         Chuyện kể một ông hay đánh rắm tên Gyeongsang đi tìm đối thủ là bà Jeolla tại tỉnh Jeolla để thi đấu. Ông tìm đến tận nhà của bà đánh rắm, nhưng không gặp vì bà đã đi vắng.

       Bức bối vì không gặp được đối thủ, ông vào bếp đánh rắm một phát thật mạnh thổi bay đứa con trai bà Jeolla vào ống khói nhà bếp. Sau đó ông bỏ về nhà.

        Bà Jeolla trở về nhà, nghe con kể lại .Vô cùng tức giận, bà mang theo một cây chày đập quần áo, đi tìm Gyeongsang để trả đũa.Đến nhà ông , bà Jeolla tung cây gậy lên và đánh rắm thật mạnh. Cây gậy bay thẳng về phía ông Gyeongsang. Hốt hoảng, ông cũng đánh rắm một cú “phản đòn”, cây gậy lại bay về phía bà Jeolla. Tương truyền rằng câu chuyện không có hồi kết vì trận chiến vẫn chưa kết thúc.

       Đọc những truyện dân gian nêu trên, chúng ta rút ra được điểm tương đồng với truyện cười trong văn học dân gian Việt Nam. Đó là chúng được tạo ra trong quá trình lao động sản xuất để tạo tiếng cười, làm vơi mệt nhọc. Những câu chuyện dân gian cùng nội dung xoay quanh cái rắm của Việt Nam mang tính tiếu lâm và dung tục hơn.Cũng để đóng lại câu chuyện phiếm mua vui mùa dịch,xin mời các bạn đọc tiếp câu chuyện dưới đây .

      Đêm khuya ,một tên trộm lẻn vào nhà hai vợ chồng người  nhà quê. Nó nằm dưới gầm giường vì hai vợ chồng chủ nhà còn thức. Thì ra đôi vợ chồng đang hú hí với nhau. Bỗng tên trộm nghe thấy một tiếng bủm rõ to rồi nghe người chồng nói :

       _ Hí hí ,chắc của  mình hử ? Hôm nay em vô duyên quá đấy  nha !

      _ Có anh thì có .Tiếng người vợ cãi lại.

     Tên trộm kiên nhẫn nằm chờ vì nghĩ xong việc chắc họ sẽ ngủ ngon và mình sẽ ra tay hành động. Nhưng hắn gặp xui vì trên giường anh chồng bị vợ véo đau quá  la to:

    _  Ui da, đau quá !.. Anh thề không phải anh đánh rắm đâu. Của anh đâu thúi vậy, chắc là của thằng trộm đứng bên ngoài cửa sổ đấy. Nó hư thật vợ nhỉ !

     Đến lúc đó tên trộm không chịu nổi, chui ra khỏi gầm giường chỉ thẳng tay vào 2 vợ chồng nói:

_Tao thề đếch phải của tao, đứa nào đánh rắm cả nhà nó chết !

 

Mru Thang

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..