13 thg 5, 2021

VE SẦU TẢN MẠN

       Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè.

       Ðến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối

                               “Con ve và con kiến”

                           (Thơ La Fontaine-Nguyễn Văn Vĩnh dịch)

            Ở Việt Nam chúng ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve sầu xuất hiện ,kêu inh ỏi.Tiếng kêu ve sầu âm vang trong lòng người viễn xứ biết bao kỷ niệm của thời ấu thơ.

         Hồi nhỏ sống ở Hà Nội ,cứ vào hè , tôi thích đi bắt ve ở Quốc Tử Giám hay Vườn hoa Canh nông.Thời đó làm gì có keo con voi,keo dính chuột như bây giờ , thế nên để bắt ve ,tôi thường dùng nhựa sung,nhựa mít hoặc sang hơn chế được keo làm bằng krếp cắt nhỏ ra từ đế dép ngâm xăng tan chảy ra .Công đoạn 2 là bôi nhựa hay keo vào đầu một cái gậy dài, tìm xem con ve đang bám ở đâu trên cây nhè nhẹ đưa đầu gậy đó vào cánh nó là bắt gọn thôi.Nhưng sẽ là một ngày thật vui nếu hôm nào may mắn tóm được một hai chú cà cộ,(cũng họ ve nhưng to gấp đôi, gấp ba ve ).Cà cộ được trẻ con ví như con chúa của lũ ve sầu.Tiếng cà cộ vang to, trầm bổng tuỳ lúc như một nhạc trưởng trong dàn giao hưởng bởi cả đàn ve ẩn tản mác trong lùm cây luôn luôn ngân theo nó.Nhớ về ve không chỉ là kỷ niệm những ngày đi bắt ve mà còn là những giờ cách trí, một bộ môn của khoa học thường thức, giúp tôi có những hiểu biết lý thú về loài côn trùng đáng yêu này.Tuy nhỏ bé hiền lành không làm hại bất kỳ sinh vật nào nhưng chúng luôn luôn bị con người tìm bắt ,giết hại để làm thuốc hay chế biến ra những món ăn chơi lạ miệng mỗi khi hè về.

Điểm  lại vài đặc điểm sinh học về con Ve :

       Khi kêu, ve tạo âm thanh bằng cách cọ xát hai cánh vào nhau, tạo âm thanh nhờ rung hai cái "loa" làm bằng màng mỏng, phát triển từ lồng ngực ra. Những vòng cơ sườn co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo sóng âm thanh. Bụng ve phồng lên giống như bộ khuếch đại khiến tiếng ve kêu rất to. Ve tạo nhịp lên xuống cho tiếng ve kêu nhờ lắc mình và bộ cánh mỏng khiến âm phát ra những cường độ, cao độ khác nhau.Nên nhớ chỉ ve đực  mới phát được âm thanh và ve đực kêu vang để mời gọi ve sầu cái đến kết bầu bạn và cùng nhau phối giống.

      Ve cũng có hai cái màng bên mình, không phát ra âm thanh chỉ dùng để nghe ngóng động tĩnh xung quanh .Khi ve đực kêu ,ve cái bị dụ dỗ như cô gái siêu lòng sau tiếng hát tỏ tình của chàng trai,nó tự bò leo tìm đến tận nơi trú mình của ve đực để kết bạn. 

        Sau khi giao phối, ve cái đào những rãnh nhỏ lên vỏ các cành cây và đẻ trứng vào đó. Ve cái có thể làm nhiều lần như vậy cho đến khi nó đẻ hết vài trăm trứng. Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống và đào sâu vào trong đất. Hầu hết các loài ve có vòng đời từ 2 đến 5 năm. Một số loài có vòng đời dài hơn nhiều, có thể từ 13 năm đến 17 năm. Những vòng đời dài như thế là một sự thích ứng để chống lại các loài ăn thịt ve như long bắp cầy và bọ ngựa ,không để các loài ăn thịt này thường xuyên xuất hiện đồng thời với ve.Phần lớn cuộc đời dài nhiều năm của ve là sống dạng ấu trùng ở dưới đất sâu khoảng từ 30 cm đến 2,5 m . Chúng hút nhựa rễ cây nhờ vòi và có những chân trước đào bới rất khỏe.

          Khi đến giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng để kết thúc thời kỳ ấu trùng, những ấu trùng ve đào một đường hầm lên mặt đất và chui lên. Sau đó, chúng lột xác lần cuối trên một cái cây gần đó và trở thành ve trưởng thành. Xác ve vẫn còn nằm đó và gắn vào vỏ cây.

****  Các nhà sinh vật học xếp Ve vào họ Cicadidae , họ này có khoảng trên 30 ngàn loài. Ve thường màu nâu, thân dài 5-9cm, tuy nhiên cũng có các loài ve xanh lục thường sống tại những vùng cây xanh. miệng có vòi cứng đâm vào cây để hút nhựa cây làm thực phẩm. Ve có 4 cánh dài, mỏng và trong suốt có sọc hay nốt đen tùy loài.

              Ve được chia thành 2 chủng chính

_Ve trở lại theo chu kỳ  :
 sống dưới đất ở dạng nhộng, chỉ trồi lên sau 13 hay 17 năm. 


_Ve tái xuất hiện hàng năm :
 tuy ấu trùng cũng có thể chui dưới đất theo một chu kỳ từ 1 đến 9 năm, nhưng vẫn có những nhóm  xuất hiện hàng năm
  •  Bộ phận phát âm của ve 
    Bộ phận phát âm của Ve đực gồm một đôi cấu trúc, gọi là ‘operculum’, nằm tại hai bên bụng, nơi đốt thứ nhất. Operculum chứa một màng mỏng màu trắng hay vàng nhạt và một ‘timbal’ hình bầu dục có nếp gấp như mặt trống. Các bắp thịt bụng của ve làm timbal rung động và phát ra tiếng Mỗi loài ve có thể phát ra những âm thanh khác nhau.

Ve có một cảm ứng khá nhạy.. khi ‘cảm thấy’ có người lại gần, chúng ngưng ‘hát’ nằm yên, và chỉ ‘hát’ lại khi biết.. người đã đi xa ?

Ve cái.. không tạo được âm thanh, nhưng cũng có hai cái màng hai bên mình.. chỉ để nghe ve đực hát và để bị.. dụ ! 



                                   Cơ cánh ve co giật nhanh tạo ra rung động âm thanh.
Chu kỳ 17 năm của ve diễn ra như sau:

  

  • Từ 6 đến 8 tuần lễ sau khi ve cái đào ổ ở cành cây non, đẻ trứng và chết ; trứng nở ra nhộng, nhộng rơi xuống đất, tìm cách chúi đầu, vùi lần xuống đất khoảng 30cm, tạo thành một hốc trú ẩn và hút nhựa cây để sống trong suốt 17 năm ròng rã. Mỗi hốc rộng chừng 1 foot vuông, chứa từ 30 đến 50 con nhộng.
  • Sau 17 năm , sâu con sẽ chui lên khỏi mặt đất khi nhiệt độ ở vào khoảng 18 độ C. Ngay lúc sáng sớm, sâu con dài chừng 2.5cm bò khỏi hốc và bám lên các vật thẳng đứng như cành, tường, bia đá..Điểm lý thú nhất là hàng tỷ con sâu cùng chui lên khỏi mặt đất một lúc; sau khi bám chắc vào vào mặt bằng, sâu con lột xác (chỉ trong một đêm, hay vài giờ); vỏ mở ra và ve màu trắng đục xuất hiện, chúng lớn rất nhanh, cánh xòe ra, thân chuyển sang màu nâu đậm và vỏ bọc thân cứng lại .  Ve chỉ mất một tuần để trưởng thành.
  •    Ve đực sau đó bay bám vào một thân cây có nhiều ánh sáng mặt trời  . Tiếng ve có thể vang xa 500-700m. Tiếng ve là để ‘dụ’ ve cái : khi dụ được ve cái, chúng tự ngừng phát tiếng, bay quanh nhau để giao phối. 
  • Sau khi truyền giống, ve đực chết, còn ve cái tìm chỗ làm ổ đẻ, và đẻ đến 600 trứng; đẻ xong ve cái cũng chết..Từ 6 đến 8 tuần sau đó thì chu kỳ 17 năm lại tái diễn. Đời sống trưởng thành của ve chỉ kéo dài từ 30-40 ngày.

 

                                                         Mating Magicicada

CÁC LOẠI VE THEO PHÂN VÙNG

1.Ve Âu-Mỹ :

  Đa số Ve tại Bắc Mỹ được xếp trong các loài ‘thường niên (annual) hay jarfly= dog-day cicada, tái xuất hiện hàng năm vào cuối tháng Bảy và trong tháng Tám..

  Tại Hoa Kỳ, Ve thuộc nhóm phụ Magicicada. Nhóm này có những loài mà thời kỳ ấu trùng kéo dài 13 hoặc 17 năm. Nhóm Ve 17 năm được đặt tên là Brood X . .. Ở khu vực dãy núi Appalachian, dân Mỹ gọi ve sầu là ruồi khô ( dry flies) vì xác ve sau khi lột còn nguyên hình và khô.


 Ve Á đông :

   Tại Trung Hoa và Việt Nam, các loài ve dùng làm thuốc, thuộc nhóm phụ  cryptotam-pana.Ve Việt Nam

  1.  Cryptotympana japonica, phân bố tại vùng đồi núi. 

  • Kích thước lớn, cỡ 3cm, mắt kép rất to. 
  • Râu đầu ngắn, mọc gần mắt; 
  • ngực phát triển gồ cao Bụng có 5 đốt; 
  • cánh màng màu đen. Khi ve đậu, cánh úp thành hình mái nhà
2. Huechys sanguinea = Ve sầu bụng đỏ .Phân bố tại miền Bắc.
  • Dài cỡ 15-25cm;
  •  Đầu và ngực màu đen, môi đỏ; đầu to có mắt kép lớn;
  •  Mặt lưng của ngực rộng màu đen; ngực giữa phát triển và hơi gồ cao, màu đen hai bên có hai khối chấm màu son đỏ.
  •  Mặt bụng màu đỏ máu. 

 


Ve Việt Nam  Cryptotympana japonica

  • Ve Tàu : Cryptotympana atrata (hay pustulata). còn gọi là ve đen.

           Trung Hoa có loài ve Oncotympana maculicollis, là ký chủ của loài nấm rất hiếm. Cordyceps sobolifera  (một loài nấm trong nhóm “Đông trùng Hạ thảo”)


Cryptotympana pustulata

  • Ve Nhật : Nhật có khoảng 30 loài riêng, gọi chung là ‘semi’ , thường gặp nhất là Tanna japonensis (còn gọi là higurashi =ve tịch-dương , với đặc điểm là ve chỉ hát lúc sáng sớm và khi chiều xuống; tiếng ve khá lạ nên người Nhật còn gọi là ve kanakana. Mùa ve gây ồn nhất lại là mùa Thu. Nhiều người Nhật xem tiếng ve mang âm điệu buồn như than thở.. “Higurashi no Naku Koroni”.Ve này phân bố tại Hokkaido, xuống đến gần Taiwan.
  • Trong vùng Tokyo có Ve xanh Niinii-zemi (Platypleura kaempferi) ; Abura-zemi (Graptopsaltria), tiếng kêu giống tiếng dầu chiên=abura; Higurashi-zemi (Tanna)..

Dân Tokyo phân loại ve theo tiếng kêu.Đa số các loài ve Nhật có chu kỳ tái xuất hiện từ 2-3 năm.



Tanna japonensis 

 

                           Ve Úc


Ve Úc green grocer 

       (Cyclochila australasiae

Tại Âu châu :

  • Vùng Nam nước Pháp có khoảng 15 loài ; các loài Lyristes plebejus  và Cicada orni rất thường gặp trong vùng Provence.

La cigale plébéienne

(Cicada orni)


   Ve,với người Âu-Mỹ, là một côn trùng không hữu ích cho mùa màng; nhưng với  Dược Học Phương Đông lại là một phương thuốc quý  và với dân nhậu thì là món ăn vừa ngon vừa bổ! 

Ve : vị thuốc Phương Đông

·     1.    Thuốc Bắc

   Dược học cổ truyền Trung Hoa (Traditional Chinese Medicine = TCM) dùng xác ve sầu (periostracum cicadae) làm thuốc. Vị thuốc được gọi là Thiền thoái (Thiền tuế); Chan-tui. Nhật dược (Kampo) gọi là Sentai và Hàn dược là  Sônsê.  (Chan = Thiền, con Ve ; tui = thoái hay tuế, cái vỏ bọc)

   Xác ve thường được thu nhặt vào mùa Hè, sang đến đầu thu, nhặt trên thân cây hay trên mặt đất vào sáng sớm. Dược liệu tốt là những xác nguyên vẹn, mềm và thật nhẹ; khi dùng rửa sơ qua, phơi khô sau khi bỏ đầu, cánh và chân. 

   Vị thuốc ‘thiền thoái’ được xem là có vị mặn-ngọt; tính hàn nhẽ, tác động vào các Kinh-mạch thuộc Phế và Can; có các tác dụng  “trấn kinh’ tán phong, giải nhiệt”.

Theo TCM xác ve có các tác dụng :

  • Tán Phong và Thanh Nhiệt : dùng trị các chứng liên hệ đến “Phong-Nhiệt” ngoại nhập, nhất là khi “Mất tiếng, cổ họng sưng đỏ và đau”.
  • Trị ngứa : Dùng trong giai đoạn đầu trị ‘ban-sởi’, giúp sởi ‘mau bị đẩy ra ngoài’, thường được dùng chung với bột sắn dây (Cát căn) và Ngưu bàng tử..
  • Làm ‘sáng’ mắt : giúp mắt thấy rõ, trị các chứng ‘Nhiệt’ gây mờ mắt, làm mắt đỏ, sưng và đau nhức; thường dùng chung với bạc hà, cúc hoa và tang diệp (lá dâu)
  • Làm ngưng các cơn ‘co giật’ và trừ ‘Phong’ : trị trẻ em nóng sốt, gây kinh phong co giật; ngủ mơ, sợ hãi..

    Xác Ve gồm khoảng 50% là chitin và 50% là protein, thêm một lượng nhỏ khoáng chất, amino-acids, chất béo và sáp (như sáp ong). chitin trích từ vỏ cua và sò ốc lại không được tinh khiết..)

   Kỹ thuật tân tiến ly trích chitin từ vỏ cua, tôm phế thải, sử dụng các acid mạnh và chất kiềm mạnh để loại Ca và protein. Chitin thu được, sau đó được ‘khử acetyl’ để lấy thành phẩm chitosan.Chitosan hiện được dùng trong các ’thực phẩm hỗ trợ sức khỏe (nhất là tại Nhật, Hàn dùng trị các bệnh suy thận)

·       2.  Thuốc Nam

Dược học cổ truyền Việt Nam dùng vị thuốc ‘xác ve’ theo “Đông Y” (phương Bắc).Thiền thoái cũng được xem là có vị mặn-ngọt, tính hàn; có các tác dụng trần kinh,tán phong , giải nhiệt, giúp đậu sởi dễ mọc..

  • Hải thượng Lãn ông chép trong “Lĩnh nam Bản thảo”

“Thiền thoái gọi là cái xác ve

Ngọt, mặn, hơi lạnh; chẳng độc chi

Mụn độc, phong, đầu chóng, màng mắt

Ngứa ghẻ, sởi – đậu hãm, hay ghê..

  • Tuệ Tĩnh ghi trong “Nam dược Thần hiệu” ;

“Thiền thoái, thiền thoát = Xác ve. Khi dùng lấy nước nóng rửa sạch; bỏ vòi, cánh và chân. Vị ngọt, tính hơi hàn, không độc; trị ác sang, mắt mờ, đau đầu, chóng mặt, sởi đậu bị hãm, nốt sởi lở ngứa. Dùng dưới dạng thuốc sắc và thuốc bột..”

·        3. Nấm ve :

   Nấm ve Cordyceps sobolifera hay Cicada fungus (tên Trung Hoa Thiền hoa, Thiền dũng thảo =  cây mọc từ nhộng ve) mọc ký sinh trong thân của nhộng Ve loài Oncotympana maculicollis , chỉ gặp tại Phúc Kiến và Tứ Xuyên. Một loài Cordyceps sobolifera khác , hiếm hơn, sống ký sinh nơi nhộng Ve núi Cicada flamata..

    Thiền hoa , dài khoảng 7-26mm, mọc trên thân nhộng lớn cỡ 2.5-6cm; được phơi khô, có vị hơi đắng như cam thảo. Dùng trị nóng sốt, chống co giật và kinh phong; trị mắt kéo màng (cataract), gây sưng đau..

   Thiền hoa ‘thượng đẳng’ là Cordyceps sobolifera ký sinh trên thân nhộng ve sống nơi rừng tre Phyllostachys quilioi (tre Nhật)


Cordyceps sobolifera hay Cicada fungus  ( Thiền hoa)


Ve : món nhậu

   Ve sầu và Cào cào là những món ăn khá kỳ lạ và đặc biệt tại một số nơi trên thế giới như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật (Cào cào có phần phổ biến hơn). Ngay từ thời Cổ Hy lạp, Homer đã làm thơ khen ve ‘hát’ và khen.. thịt ve ngon. Aristotle ghi lại người Hy lạp ăn nhộng và thịt ve cái chứa trong bụng đầy trứng..

Thổ dân Hoa Kỳ dùng Ve làm thực phẩm từ lâu : Người Cherokee tại North Carolina ăn nhọng Ve chiên mỡ heo từ đấu thế kỷ 20, và còn ngâm muối để dành ăn dần..Thổ dân Onondaga tại Syracuse có truyền thống nhặt Ve theo các chu kỳ 13 hay 17 năm..

   Theo bà Jadin, Ve ngon nhất là khi mới nở (có tên riêng là tenerals), vì lúc đó vỏ chưa kịp cứng; nên thu nhặt ve lúc sáng thật sớm, ngay khi chúng vừa trồi lên, trước khi kịp bò lên cây.. Có thể nấu nướng liền hay bỏ vào túi giấy rồi để vào tủ lạnh, tủ đông..Nếu không kịp nhặt tenerals thì nên nhặt Ve cái trưởng thành (ve đực.. bụng rỗng!), cần bỏ các phần cứng như cánh, chân..

Các món Ve được Food and Wine quảng cáo dễ nhất là chiên giòn chấm sốt mù tạt hay sốt cocktail.. trộn salad; làm “Terriyaki cicadas” hoặc làm bánh, lăn trong chocolat..

  Tại Nhật : ve là món ghi trên thực đơn trong những tháng Hè nóng nực (tháng Ba-Tư).  Tại các vùng nông thôn Nhật, sau cơn mưa buổi trưa, khi mặt trời lặn, chỉ cần thắp vài ngọn đèn là đủ dụ được hàng ngàn con. Thường bỏ ve đực vì hơi nặng mùi ; ve cái có thể ăn sống, chiên, nướng sỏ qua thanh tre hay nướng vỉ; nhưng thường là hấp sau khi lột bỏ vỏ ngoài. Thịt ve có thể bầm nát, xay nhuyễn, trộn ớt, hành, tỏi .. thêm gia vị rồi quét trên bánh mì hay crackers..



   Trung Hoa có các món Ve như : Ve”Thượng Hải” ( nhặt Ve mới trồi , trần qua rượu có hồi, rồi chiên giòn với tỏi ăn với củ cải, cần tàu..). “Xíu mại Ve=Cicada Dumplings” (Ve bỏ cánh, chân., băm vụn trộn nấm, thịt xá xíu và trứng, trộn .thành nhân nhồi trong bánh .. các loại như há cảo, bánh bao..)

 

       “Xíu mại Ve=Cicada Dumplings”

  Việt Nam : tuy món Ve không mấy thịnh hành nhưng dân nhậu cũng chế biến nhiều món lạ từ Ve (ve thu nhặt tại vùng núi được xem là ‘bổ’ hơn; giá đắt hơn !)

  • Nhộng Ve rang muối (tương tự món nhộng dâu tằm), Ve rang lá chanh..
  • Ve chiên giòn , có nơi nhét thêm một hạt đậu phọng vào bụng ve, rồi chiên (tương tự món Đuông chiên.. bơ)
  • Cháo ‘nhộng ve”



                                      Các món Ăn về nhộng ve sầu

Ứng dụng của Cánh Ve  :

  – Các nhà nghiên cứu tại US Navy Undersea Warfare Center chú ý đến phương cách Ve đực ca hát ồn ào mà.. không mất năng lượng ? Họ tìm một ‘hệ thống’ có thể bắt chước cách Ve tạo tiếng động để dùng liên lạc tầm xa (do độ rung) giữa hai chiến hạm, kể cả tàu ngầm !

  – Một nghiên cứu khác tìm thấy “Cánh của một số loài Ve có hoạt tính kháng sinh.. tự nhiên” : diệt được vi khuẩn do tiếp xúc nhờ cánh Ve có một lớp gai cực nhỏ bao bọc bởi các hóa chất đặc biệt.Lớp bọc trên các gai cực nhỏ (nano-scale) không chỉ bảo vệ cánh Ve chống vi trùng mà còn giúp giữ cánh khô do không thấm nước..

_Các nghiên cứu đang tìm cách ‘chế tạo ‘lớp bề mặt phức tạp của cánh Ve, dùng sơn bóng móng tay và kỹ thuật in litho loại nano.. ứng dụng để chế tạo áo mưa ngăn thấm nước                                  

          Ve trong Binh pháp và giới Khoa học huyền bí

  1. Một trong 36 kế (Tam thập lục kế – Tôn Vũ) . Kế thứ 21 là Kim thiền thoát xác” :  ve sầu lột xác.. tẩu thoát !
  2. Theo các Thầy Phong thủy, Bói toán : Ve trong đời sống phải lột xác.. biểu trưng cho sự thay đổi.
  • Mơ thấy ve bay trước mắt :điềm báo.. sắp gặp lại cố nhân ?
  • Mơ thấy ve thoát xác : Coi chừng bị lừa.
  • Mơ thấy Ve kêu :Điềm vui.. sắp tìm được.. tình yêu đang mong ước .
  • Mơ thấy .. ăn Ve : Sắp có sự thay đổi của bản thân..

Các thầy pháp Tàu thường đặt vào miệng người quá cố một con ve bằng ngọc xanh, để tiễn người này sang nơi Vĩnh hằng và Tái sinh..

Tai hoạ đến từ ve : Năm nay Ve xâm lăng nước Mỹ chăng ?


     ABC News ngày 10 tháng Tư, 2021 loan tin : “ Ve xâm lăng : Sau 17 năm chui sống dưới mặt đất, cả tỷ con sẽ chui lên vào mùa Xuân năm nay..”Nguyên là cách đây 17 năm, vào tháng Năm 2004, Bộ Canh nông Hoa Kỳ thông báo “ Đến tháng năm 2004, hàng tỷ con ve sẽ tái xuất hiện trong vùng Đông-Nam Hoa Kỳ, từ Indiana đến Tennessee, sẽ ca hát ồn ào cho đến hết tháng Sáu và rồi biến mất.. để chỉ sẽ trở lại sau 17 năm tới” và hôm nay thời hạn đó đã đến .

 Cũng như ABC News,Hãng thông tấn AFP đưa tin với số lượng lên đến hàng tỷ con, những con ve sầu sẽ tràn ngập khắp nơi cùng tiếng kêu đinh tai nhức óc, phủ kín các bức tường và sàn nhà từ bờ Đông đến miền Trung Tây của nước Mỹ. 

Năm nay, ve sầu sẽ xuất hiện vào tháng 5 hoặc có thể sớm hơn vài tuần ở một số vùng tại Mỹ. Chúng bao phủ một khu vực rộng lớn, từ thủ đô Washington ở phía Đông đến bang Illinois ở miền Trung Tây và bang Georgia ở phía Nam.  

      Theo Phó Giáo sư Cooley, một sự kiện lớn dự kiến sẽ diễn ra ở Maryland trong năm nay là sự xuất hiện của Brood X, con ve sầu định kỳ 17 năm. Người ta ước tính sẽ có “hàng tỷ và thậm chí hàng nghìn tỷ” con ve sầu xuất hiện trong mùa xuân này. Bằng cách xuất hiện với số lượng khổng lồ và cách biệt nhiều năm, bầy ve sầu có thể áp đảo những kẻ săn mồi. Đây là một chiến lược sinh tồn hiệu quả vì nếu bị sóc, chim chóc và gấu túi tấn công suốt nhiều ngày thì vẫn còn vô số ve sầu sống sót.

          Vấn đề đặt ra với chúng ta là gì ? Có điều “Cái gì đến nó sẽ đến” không sao tránh được như đại dich Covid-19 vậy ,nó có báo trước đâu và ai biết lúc nào nó sẽ đi.Còn bây giờ thì :

                                  “ They’re coming !  Are you ready ?!”

 ***

Mời click nghe ve kêu cho cuộc đời vui một chút :



 






Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..