 |
Học sinh liên lớp 1956-1963 chụp hình lưu niệm trước cổng trường |
Tần mẫn nhặt từng viên sỏi
xinh
Phủi bụi thời gian dõi bóng hình…
Tôi viết về
trường cũ của tôi, của chị em tôi, của bạn bè tôi, chỉ bởi vì tôi muốn đi ngược
dòng thời gian, tìm về nơi chốn, tìm đến không gian có những tấm lòng thân
thương đã nuôi dưỡng tôi, đã cho tôi một tuổi thơ đáng đem khoe.Tôi muốn dùng
ngòi bút để vẽ lại một góc cạnh của Phan Thiết ở một khoảng thời gian mãi mãi
khơi dậy trong tôi niềm bồi hồi luyến lưu và hy vọng bạn đọc tìm thấy bóng dáng
mình lãng vãng ở một góc cạnh nào đó của bức tranh đang dần dần mục nát này.
Ngấp nghé ngoài cổng trường Phan
Bội Châu
Đến bây giờ tôi
cũng không hiểu tại sao tôi thi rớt vô trường trung học Phan Bội Châu, trường
trung học công lập duy nhất của tỉnh Bình Thuận mà tỷ số thi vô vào năm 65 là 3
lấy 1. Những năm trước đó gay gắt hơn
nhiều.
Năm lớp nhất, cô
Thanh xếp học trò ngồi theo trình độ.
Dãy bàn đầu là giỏi nhất, cứ thế mà xuống dần. Tôi được ngồi bàn đầu. Luận văn thì bao giờ
cũng viết trôi chảy vì tôi mê đọc sách từ lâu, sách địa lý, lịch sử, công dân
đức dục tôi đọc nhuyển nhừ. Thêm vào đó,
trong hai tháng học luyện thi lớp đêm thầy Toại, tôi tự cảm thấy mình cũng thuộc loại giỏi.
Sức học mấy nhỏ bạn như Thoa, Giáng Hương... cũng ngang tôi thôi, vậy mà
các bạn đậu, còn tôi thì rớt. Thiệt ra thì tôi cũng chẳng buồn, chẳng tiếc chi
cả, và ba má chẳng la rầy. ”Rớt thì sang năm thi lại!” Giọng ba tôi tỉnh bơ.
Thế là thằng em
đang học lớp nhì trường Thành Đức của thầy Tư nhảy theo tôi để học lớp luyện
thi đệ thất với thầy Bê, học một năm, chỉ học luyện thi. Lớp học là một căn phòng thuộc chùa Bà, nằm bên
hông chợ Lớn. Hai mươi bốn học sinh, 12,
chỉ học toán và luận văn. Toán và
toán! Từ loại giả thử đến xe lửa qua
đường hầm, vòi nước chảy… nhào nát! Văn
và văn! Từ tả cảnh đến tả người, tự
thuật, nhân cách hóa, viết thư… nhuyển nhừ!
Tôi thích nhất là thể loại nhân cách hóa. Lúc đó đầu óc nhiều tưởng tượng có dịp xử
dụng, câu văn cú pháp từ sách truyện mà tôi đọc đi đọc lại những mùa hè rảnh rổi
khiến ngòi viết lá tre trôi chảy trên trang giấy, và tôi luôn tự hài lòng với
những bài luận của mình.
Ngoại trừ Minh và
Động, học trò lớp luyện thi ban ngày của thầy Bê đều đã một lần thi rớt. Trên chiếc chiếc xe đạp sườn ngang, chở theo
con trai đầu của thầy tên Hồng, vượt cầu Muối, dọc con đường Nguyễn Hoàng, qua
cầu Lớn, xuyên phố thị, thầy Bê mỗi ngày chăm chút cho đám học trò 24 đứa từng
thể loại toán, từng cách hành văn… tận tâm, chu đáo, không bao giờ bịnh. Chúng
tôi làm rạng danh thầy Bê. Hai mươi hai
học sinh trong số hai mươi bốn đậu kỳ thi vô trường Trung Học Phan Bội Châu. Trường trung học duy nhất của tỉnh, với tỷ lệ
thi vô rất cao. Thời tôi thi đệ thất thì
tỷ lệ đậu là một trên ba. Một tỷ số đậu
là 22 trên 24 là một tỷ số cao chưa từng có ở các lớp luyện thi. Thành đạt này đã lôi kéo hầu hết học sinh
luyện thi của thành phố Phan Thiết, làm chật lớp học đêm của thầy Bê vào những
năm sau.
Thế là tôi và
Động trở thành học sinh trường Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết. Cả phố Ba Mươi Căn chỉ có ba gia đình có con
học trường Phan Bội Châu. Gia đình tôi
có bốn người con học ở Phan Bội Châu là một hãnh diện cho ba má tôi và cũng là
một dị nghị trong hàng xóm cho là ba tôi quen biết, ”có thế”. Thật là ” ém tài”! Công bằng mà nói, đó là tài kiên nhẫn của ba
tôi và mộng đưa con vào cửa quan quyền của má tôi. Ba má tôi quyết tâm cho các
con thi lại để được học trường công lập vì nhìn thấy đó là con đường bền vững
nhất, nơi vừa miễn phí hoàn toàn vừa có thầy cô chuyên môn cao.
Với tỷ số đậu
1/6…. 1/3 thì những số phận những học sinh khác ra sao? Chẳng lẽ bị ở nhà? Không sao! Đã có:
Trường trung học
bán công Phan Chu Trinh cũng nằm trên đường Nguyễn Hoàng, đối diện xéo xéo với
trường Phan Bội Châu. Những học sinh thi rớt nhưng có điểm cao nên được an ủi,
cho vào danh sách trường bán công Phan Chu Trinh, thường thì học hết lớp Chín
sẽ được chuyển qua trường Phan Bội Châu.
Trường trung học
tư thục Chánh Tâm nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa, đối diện tòa tỉnh
trưởng, do giáo phận Thiên Chúa Giáo Bình Thuận điều hành.Trường trung học
tư thục Bồ Đề do giáo phận Phật Giáo Bình Thuận điều hành, nằm gần chợ Lớn.Trường trung học
tư thục Bạch Vân nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ong, gần đồn Đinh Công Tráng.
Với tấm lòng thiết tha vì tương lai con trẻ, giáo sư Lê Bảo cùng một số giáo sư
kỳ cựu của Phan Thiết thành lập. Qua những gì tôi nghe ba tôi và những người bạn
của ông tán dương mục tiêu cùng hướng giáo huấn của ban điều hành trường Bạch
Vân, tôi có một ấn tượng rất tốt về trường Bạch Vân.Yếu điểm của các
trường này là phụ huynh phải trả tiền trường mỗi tháng và thực lực không thể so
với trường Phan Bội Châu vì mặc dù đa số là giáo sư của trường Phan Bội Châu
dạy thêm giờ nhưng các trường tư thục này phải nhận thêm nhiều giáo sư không
chính ngạch.
Những bước chân chưa biết ngập
ngừng
Ở các trường công
lập, từ tiểu học đến trung học, hoàn toàn miễn phí, cha mẹ chỉ lo tập vở bút
mực. Cha mẹ nào muốn thì mua thêm sách cho con đọc luyện thêm chứ bài vở thầy
cô cho chép, cho làm ở trường cũng quá đủ rồi. Hồi tiểu học, nhờ bộ sách Công
Dân Đức Dục, Việt Sử, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư… ba tôi mua
thêm, và với tấm bản đồ thế giới to tướng treo ngay giữa phòng khách, nên chúng
tôi nhuyển nhừ những câu chuyện Việt Sử, những địa danh, những câu chuyện dạy
làm công dân… ngoài chương trình được dạy ở trường.
Đồng phục nam
sinh là quần xanh đậm, áo sơ mi trắng, áo phải bỏ vô quần. Đồng phục nữ sinh là
áo dài trắng, quần đen hay trắng. Suốt hai năm, đệ
thất, đệ lục, tôi chỉ toàn mặc áo dài của chị Hai và chị Ba đào thải ra. Đến năm đệ ngũ, mốt ao dài mini bắt đầu, tôi
bỗng nhiên (bỗng nhiên có nghĩa là tôi không xin mà có) được một cái áo dài mới,
bằng tê tê rong trắng mượt, may kiểu mini.
Tôi kết mốt mini. Và vì mốt mini
quá mới nên tôi phải mất bốn tấc lưỡi mới diễn tả được cho nhà may ở bên kia
đường của tiệm tạp hóa cũng là tiệm thuốc bắc Quảng Đắc. Cả tuần, tôi lượn qua
lượn lại, ngóng coi mấy dì may may cắt cắt để coi cái áo dài đầu tiên trong đời
được may theo ý tôi đã đi đến đâu. Mấy cái áo cũ ngắn và chật thì chỉ việc tháo
bốn đường chít eo, là xong, là có cái áo dài mini xuông đuột với hai tà ngắn
ngắn. Vị chi tôi có được mấy cái áo dài
mini, mặc sức mà thay đổi.
Áo dài thì theo
mốt nhưng dép thì vẫn chỉ là đôi dép nhựa mềm, lúc kiểu này khi màu nọ. Mấy chị
lớn thì diện guốc trắng quai trong hay guốc đen quai nhung đen. Thỉnh thoảng mấy nhỏ bạn con nhà khá giả thì
diện đôi sandal da nâu hay da trắng.
Đất trời giun
giủi hay sao đó, ngay từ năm lớp đệ thất, năm chúng tôi, tôi, Thanh Bình, Được,
Thu và Mỹ Lệ ”bị” xếp ngồi tuốt phía dưới, bàn gần cuối. Thế là chúng tôi thân ngay với các chị lớn ở
bàn cuối và được các chị ấy cưng như em.
Tôi, Được và Thu
quen nhau từ năm học lớp luyện thi với thầy Bê, không hiểu sao lại kéo luôn
Thanh Bình và Mỹ Lệ. Có lẽ lý do chính là vì học sinh được hay xếp ngồi theo
chiều cao và cả bọn năm đứa chúng tôi đều cao lêu nghêu. Cho nên cái thành kiến
về những học sinh ngồi mấy dãy bàn cuối là học dở, nghịch phá thì hoàn toàn
không đúng trong trường hợp này.
Và như thế, năm
này qua năm kia, chúng tôi cứ dành cái bàn gần cuối. Và bàn cuối thì luôn được các chị Xí, Xoa,
Thu… hình như Xê nữa thì phải (Xê được tôi âm thầm tôn làm thần tượng ở trường
Nữ Tiểu Học vì tài múa lân tuyệt vời những đêm Trung Thu). Mặc dù đến năm đệ ngũ, Mỹ Lệ theo gia đình
dọn vô Sài Gòn, còn lại bốn đứa, vẫn tiếp tục ngồi chung cho hết năm đệ
tứ. Mỹ Lệ, nhỏ ta là dân Sài Gòn chính
tông, từ giọng nói nhão nhẹt, đến mái tóc uốn ngắn (lúc này ở Phan Thiết, học
sinh chỉ biết để tóc thẳng thuột, dài ngắn gì cũng vậy), và thỉnh thoảng áo đầm
phùng.
Chúng tôi, lớp
thất A1, lớp nữ sinh, không ai quên ông thầy rất trẻ (không nhớ tên!) người Mỹ
thường có giờ Anh văn cùng với cô Hoàng Yến.
Chắc là để giúp học sinh tập nói tập đàm thoại. Phương pháp này có hữu hiệu hay không thì tôi
không nhớ, tôi chỉ nhớ câu chuyện viên phấn.
Một buổi trưa, ông thầy ngưởi Mỹ to tê dồ dề vào lớp, mồ hôi ri rỉ lưng
áo, nói hoài, năn nỉ hoài mà lũ con gái lớp đệ thất A1 không chịu im miệng
dùm. Tức quá, ông thầy người Mỹ hiền như
bột này bỗng nổi quạu, bẻ một viên phấn, quăng về phía nhà lá, tức mấy dãy bàn
cuối. Thanh Bình lãnh đủ, ngay mắt
trái. Con nhỏ học giỏi nhất lớp, con nhỏ
vừa ngoan vừa hiền vừa dễ thương, tay dụi mắt, mặt ngơ ngác… òa khóc. Cả lớp ngẩn ngơ, im re. Ông thầy đỏ mặt xin lỗi. Cô Hoàng Yến rối rít dỗ dành. Nhỏ Thanh Bình cứ thút tha thút thít. Giờ anh văn ngày hôm sau, ông thầy đem vô một
bịch kẹo lớn, chia cho cả lớp, xin lỗi lần nữa.
Chúng tôi hân hoan chia nhau kẹo.
Chúng tôi thỏa mãn. Chúng tôi tha
thứ. Nhưng… chúng tôi không quên.
Niên khóa 64-65, bỗng
nhiên sinh ngữ Anh trở nên quan trọng nên đây là niên khóa đầu tiên có số học
sinh chọn sinh ngữ Anh nhiều nhất. Và
trường xếp các lớp Anh văn trước các lớp Pháp văn. Ba năm, đệ thất. đệ lục, đệ ngũ, lớp học của
chúng tôi là lớp đầu tiên của dãy sau vừa mới được cất thêm, và học buổi chiều.
Lớp thất A1, toàn
là nữ sinh ban anh văn. Lớp thất A2,
toàn là nam sinh. Lớp thất A3 có tiếng là hoa lạc giữa rừng gươm vì vỏn vẹn chỉ
có 5-6 nữ sinh trong số gần 50 nam sinh bị điểm quậy trên trung bình. Chúng tôi,
nữ sinh lớp thất A1 hơi hơi tội nghiệp những cánh hoa lạc loài bên thất A3 cho
nên khi lên lớp đệ lục, chúng tôi hân hoan đón Đức được chuyển qua. Đây là
trường hợp đặc biệt mà theo đầu óc non nớt của tôi đoán là vì ba của nhỏ Đức là
trưởng ty giáo dục nên nhỏ ta được ưu tiên. Khi khám phá ra cách đặt tên các
con của gia đình này là Quốc, Nhật, Mỹ, Đức, Ý…, tôi thích lắm vì cho đó là sự
biểu lộ tính đơn giản và trung thực của người gia trưởng, giống ba tôi!
Thuộc thành phần ”còn nhỏ” nên lớp đệ thất, đệ
lục, đệ ngũ học buổi chiều và không chào cờ.
Cơm xong, trong khi Ba Má ngủ trưa, tôi chà rửa đôi dép nhựa, thay quần
áo đi học. Học sinh trường trung học Phan Bội Châu từ các con hẻm phía chợ Gò,
các con đường nhỏ, Đại Nẫm, Phú Hội… dồn về đường Hải Thượng Lãn Ong còn im
vắng giấc ngủ trưa của người lớn.
Đi bộ qua khỏi
chợ Gò, tôi mong gặp Mười hay Mến để đi chung cho vui vì đám bạn tôi đều ở bên
chợ Lớn. Hai nhỏ này thân nhau, cho tôi làm bạn trên đường đến trường. Đến ngả
tư Kho Bạc, tôi ngóng chừng phía dốc cầu gỗ xem Thanh Bình, Được, Thu hay Mỹ Lệ
tới chưa. Chưa thì tôi tiếp tục với Mười và Mến, còn như thấp thoáng bóng tụi
hắn là tôi đứng lại chờ. Dọc phía trái
đường Nguyễn Hoàng, vì những dãy tiệm tường cao tạo bóng mát và có sân xi măng
phía trước nên chúng tôi thích đi phía này, cả khi đi lẫn khi về. Đi thì đi như bay, miệng nói liên tu, mắt
chẳng biết ngó ngang, cho nên tà áo dài chưa biết vướng gót chân.
Mỗi ngày, đứng
xếp hàng trước lớp, chúng tôi ngóng thầy cô từ từ xuất hiện trên con đường xi
măng dẫn từ dãy lầu. Cô Quý, cô Kim Lan,
cô Kim Lệ với dáng ”mi nhon” với tà áo
dài màu sắc và hoa văn trang nhã. Cô Thu Hà, cô Hoàng Yến dáng cao gầy và màu
áo tương đối dạn dĩ tân thời. Cô Bạch
Tuyết dáng cao nhẹ nhàng và thường mặc áo dài một màu trang nhả làm nổi bật cái
nơ nhung đen cô hay cài trên tóc. Cô Liễu lớn tuổi và có gia đình nên ít diện,
nhưng bao giờ cũng áo dài nhạt màu trang trọng.
Nói mỗi tuần thì
hơi quá đáng chứ tệ lắm là mỗi tháng, các cô lại thướt tha tà áo dài mới, màu
sắc tươi hơn, hợp thời hơn, làm đám nữ sinh thầm ước ao. Nhất là loại vải ”xoa” mượt màng lay theo
bước chân điệu đàng của các cô.
Các thầy thì lúc
nào cũng giầy da láng bóng, áo sơ mi trắng hay màu nhạt, quần tây đậm màu thẳng
nếp. Là nữ sinh, tôi chẳng hề bận tâm về mốt diện của các thầy nhưng chỉ giữ
trong đầu hình ảnh những người thầy lúc nào cũng áo quần tươm tất. Không phải
mong ngóng thầy cô đâu, chúng tôi chờ, chúng tôi hy vọng thầy hay cô của môn
học này không xuất hiện. Chúng tôi mong
thầy hay cô bị bịnh để chúng tôi được nghỉ giờ học này đó thôi.
Học sinh lớp đệ
lục và đệ ngũ ”được” cắt phiên giúp việc văn phòng vào buổi sáng, khoảng một
tháng một lần. Làm lẩn quẩn ở văn phòng
chứ có bao giờ tôi dám ngó mặt thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng lần nào đâu.
Cộng điểm, sắp
xếp giấy tờ, đưa thông báo cho từng lớp. Chuyện đi đưa thông báo cho từng lớp,
với tôi, vừa thích vừa sợ. Thích vì ”được” cả lớp ngừng bút và ngước nhìn khi
mình đi vào lớp. Sợ vì đó là những lớp đàn anh đàn chị nên chân quýu lên. Thường
thì mỗi lần đi đưa thông báo chúng tôi phải đi 3-4 đứa với nhau để hỗ trợ cho
tên cầm thông báo vào lớp đưa cho thầy cô.
Năm đệ ngũ, cơ
thể tôi chỉ phát triển chiều dài và cái áo dài mini không chít eo làm người tôi
lêu nghêu, mỏng dính. Một hôm tôi vào lớp nhất B1, tôi nhớ lớp này vì đây là
lớp anh Nguyễn Tấn Hùng, anh của Thanh Bình, lớp có nhiều anh tên Hùng, học
giỏi có tiếng. Khi tôi vô lớp, anh nào đó, giọng cố ý não ruột, thở dài thật
mạnh, buông một chữ gọn ơ: Omega! Cả lớp cười ầm lên, thầy Ân cũng cười cười có
vẻ tán thành lời phê bình ”ngoạn mục” ấy. Tôi không hiểu gì cả, nhưng chỉ muốn
khóc, muốn chạy lẹ ra ngoài vì giọng cười hô hô châm chọc.
Nữ sinh chúng tôi
không bao giờ dám dừng chân ở những quán nước dọc đường Nguyễn Hoàng. Nhất là cái quán bên kia trường, không dám
ngó chứ nói chi chuyện ghé mua ly đá chanh. Nếu đến trường sớm, cổng chưa mở,
đám nữ sinh đứng tụ năm tụ ba trước cổng nhưng xoay lưng như sợ ai đó ở quán
nước bên kia đường… ngó mặt.
Hôm nào túi rủng
rỉnh vài đồng, giờ ra chơi, chúng tôi chen nhau mua cho được ly đá nhận, ly đá
chanh muối hay gói kẹo gừng ở quán sau cổng nhỏ, trong khuôn viên trường. Chẳng
phải thèm ăn, chỉ muốn chen lấn hòa vui theo đám đông. Tự động, bạn bè thay
phiên ”bao” nhau. Nhỏ Thanh Bình hầu như lúc nào cũng có rủng rỉnh trong túi
nên hào nhoáng bao đám bạn năm đứa chúng tôi đều hơn.
Chúng tôi thuộc
thế hệ biết bập bẹ khi cuộc chiếc hiện rõ sau hiệp định Geneve và lớn lên theo
nhịp độ của làn pháo kích vào thành phố, của tiếng đại pháo văng vẳng ngoài
miền quê và những trận đụng độ càng lúc càng sôi động, thì không nhắc đến chiếc
tranh là một điều thiếu sót.
Vâng, chiến tranh sát kề đó, lẩn quẩn đâu đó
trong đời sống an bình, nhưng không làm vẩn đục tuổi mới lớn của chúng tôi. Một
chút thương cảm cho những người đàn bà than khóc dọc đường đến bệnh viện khi
nghe tin chồng con bị nạn sau một vụ đụng độ.Một chút kiêu hãnh
khi có vài ông anh họ là sĩ quan ngồi xe jeep đến thăm ba mình.Một chút tò mò khi thấy đoàn ”convoy” rần rần
chạy dọc quốc lộ I trên đường di chuyển xuyên thành phố. Một chút xúc động qua
những bài hát về nỗi đau mất mát trong cuộc chiến.
…Thế thôi! Những
”một chút” đó thỉnh thoảng hiện lên như hạt lúa lẫn trong chén cơm trắng thơm,
vô tình mà hiện ra, chứ không do thầy cô hay sách vở hoặc phe nhóm, đảng phái
nào, càng không do chính quyền đương thời cố tình gieo mầm, chủ tâm lôi kéo
tuổi trẻ chúng tôi vào cuộc chiến ý thức hệ này.Nếu có thì đó là
những lần được đưa đi thăm thương binh ở bệnh viện Mạnh Hoạch nằm trên đồi
Căng, hay đi tặng quà ủy lạo chiến sĩ ngoài tiền đồn những ngày sắp Xuân, nhưng
hoàn toàn tự nguyện và nằm ngoài giờ học. Nếu có thì đó là những lần được
khuyến khích thêu khăn tặng chiến sĩ. Và chúng tôi tẩn mẩn từng đường kim mũi
chỉ, ngấm ngầm hãnh diện về hành động đóng góp nho nhỏ này, một đóng góp chỉ
hoàn toàn do tình người khơi dậy.
Nghĩ đến đây, tôi
rất kính phục tấm lòng yêu trẻ chân thật của thầy cô, của chính quyền thời này.
Bởi trường học, chính quyền đã nhặt bỏ mọi gai góc thù hằn của cuộc chiến để
dọn một con đường có cỏ xanh êm chân, đã giang tay làm bóng mát che cái nắng
chiến tranh gay gắt, cho chúng tôi có một tuổi thơ trong sáng đúng nghĩa.
Đến lớp đệ ngũ mà
tôi vẫn còn ham chơi, từ sáng tới chiều tối, từ phố Ba Mươi Căn lên Đại Nẫm,
Phú Hội, đánh đu đánh đàng với bạn gái bạn trai, anh chị em họ hàng nội ngoại,
nên chuyện học của tôi như chuyện ăn cơm hàng ngày. Có bài thì học, quỡn không
ai chơi chung thì lấy sách ra đọc, tìm vài bài toán ra làm thêm, cho vui! Nhưng
tôi cũng thuộc loại được xếp từ hạng 10 đến hạng 2 mỗi tháng, trong số đó
thường xuyên có Đức, Như Thao, Thi Hương... Tôi chẳng thiết tha tranh đua với
Thanh Bình, Minh Ngọc, Phương Mai cái hạng nhất. Chắc tại biết thân, có cố
tranh thì cũng chẳng khá gì hơn vì tôi chỉ giỏi toán nhưng kém Anh văn và không
biết gạo bài, thì giờ đâu mà gạo bài!
Năm đệ ngũ, những
cây phượng già cằn cỗi được thay bằng những cây phượng cao không tới một mét.
Chúng tôi tình nguyện mấy ngày giúp ông cai trường trồng, tưới, và nhủ với nhau
rằng: Mai mốt hoa phượng đỏ nở rộ sân trường thì mình có dịp khoe với con cháu
là có công của tụi mình đó nghen.
Bước chân biết giữ kẻ
Lên lớp đệ tứ,
được đi học buổi sáng, bước chân bỗng nhiên không còn ”đi như bay” trên đường
Nguyễn Hoàng có nhiều quán nước. Lớp tứ A1 học ở dãy sau nên mỗi sáng khi
chuông reo, chúng tôi phải bị chiếu tướng từ đôi chân vẫn còn mang dép mủ đến
mái tóc đã biết gội bồ kết cho bóng mượt của các anh lớp đệ nhị phòng đầu ở
tầng dưới của dãy lầu.
Hình như có sự
xếp đặt cố ý thông cảm của ban giám hiệu. Liên lớp đệ tứ được xếp đứng thẳng
góc với liên lớp đệ nhị, phía bên trái nếu nhìn
từ văn phòng. Liên lớp đệ tam được xếp đứng thẳng góc với liên lớp đệ nhất,
phía bên phải. Tứ-nhị, tam-nhất, vừa quá đi chứ! Chứ với lớp đệ nhất, lớp đệ tứ
chúng tôi vẫn chỉ là ”con nít”; còn với lớp đệ tứ chúng tôi, lớp đệ tam còn
”nhỏ” quá. Đó là phần nữ sinh vì con gái chúng tôi luôn ngửa cổ đặng nhìn cho
cao.
Tôi chưa biết
liếc mắt nhưng đã biết ngoãnh mặt lẩn tránh ánh mắt ai và cũng chẳng thiết tha
tìm hiểu tên ai đó là gì. Mấy nhỏ bạn cũng như tôi thôi, biết chậm bước chân,
biết ngoãnh mặt ”làm cao”, rồi thôi.
Có nhiều thầy cô
trẻ về trường làm xôn xao tiếng thì thầm bàn tán. Cô Hà dạy môn công dân mình
dây đẹp chuẩn, cô Thoa giọng Huế ngọt đậm và có tiếng ”nẩy lửa” từ miệng các
anh lớp lớn, thầy Trực thư sinh tránh nhìn nữ sinh, cô Hoàng Bắc nữ sinh ”mi
nhon”… Chúng tôi được học cô Thoa, được ăn nồi chè thơm ngon trước sân gạch nhà
trọ của cô ở đường Hải Thượng Lãn Ong và cũng từ đó được quen với vài bạn trai
cùng liên lớp: Quí Anh, Ngọc Tài, Nhẫn, Nhân, Phú Hải, Minh…
Đang học lớp đệ
tứ thì bộ giáo dục thay đổi tên gọi. Cả hệ thống lớp học được gọi theo thứ tự
từ lớp một đến lớp 12, nên chúng tôi trở thành lớp 9 A1. Lúc đầu hơi ngượng
miệng nhưng dần dần cũng quen thôi.
Không hiểu sao,
năm lớp 9 tôi tự nhiên bớt ham chơi rong, học giỏi hơn, có mặt thường xuyên hơn
trong số ba người được bảng danh dự mỗi tháng. Cuối năm, ở rạp Ngọc Thúy, tôi
được lãnh phần thưởng hạng nhì, cùng hạng với Minh Ngọc, và đương nhiên Thanh
Bình lãnh phần thưởng hạng nhất.
Lần đầu tiên lãnh
thưởng, nhìn xuống hàng ghế quan khách, nhìn thấy thầy cô Đức-Mỹ ở sát nhà tôi,
lòng tôi vừa hãnh diện vừa hơi chút chua xót. Hãnh diện vì hàng xóm biết tôi
học giỏi. Chút chua xót là nhà trường cư xử bất công. Thầy cô Đức-Mỹ không có
con được lãnh phần thưởng nhưng được mời dự trong khi Ba Má tôi không được mời.
Hồi chị Hai tôi được lãnh phần thưởng hạng nhất, trường cũng chẳng mời Ba Má.
Không phải chỉ Ba Má tôi mà hầu hết những Ba Má có con học giỏi nhưng nếu không
quen biết thì cũng ngồi nhà trong khi con mình lãnh phần thưởng, không được
chia phần hãnh diện từ những tràng pháo tay. Hình như đó là cách suy nghĩ thời
ấy vì khi tôi đổi vào trường Quận 8 ở Sài Gòn năm 1972, Ba Má tôi cũng chẳng
được mời khi tôi được lãnh phần thưởng hạng nhất.
Năm nay, thầy cô
tổ chức những nhóm sinh hoạt thêm vào buổi chiều như: nhóm nhiếp ảnh, nhóm sử
địa… Trong nhóm nhiếp ảnh có Trương Hoa Sanh. Trần Đình Nhân… cô Thu Hà, thầy
Bình… Thỉnh thoảng, trên chiếc xe đạp, chúng tôi đi xa thành phố để săn ảnh.
Tôi được ba cho
cái Canon đen có ống kính thu hình xa gần nên phần kỷ thuật, cách sắp xếp đưa
cảnh vật vào khung ảnh, cách lấy ánh sáng, cách rửa phim… coi cũng kha khá.
Nhưng khi săn ảnh thì đầu tôi mù tịt, không có khả năng khám phá, không có óc
mỹ thuật và càng không biết cảm nhận cái đẹp thiên nhiên nên tôi chẳng có tấm
nào để lưu lại. Đến cuối khóa, mỗi học viên phải có một tấm với đề tài hẳn hoi
mà đầu tôi vẫn là bánh đúc bột gạo đặc sệt. Túng quá, tôi bèn dụ một anh học
lớp 10 (quên tên). Tôi cho anh mượn máy chụp và anh sẽ săn dùm tôi một tấm cho
tôi nộp thầy.
Mắt biết nhìn ngang nhưng vẫn ngơ
Năm lớp 10, 1970,
chịu ảnh hưởng vô hình của tinh thần nam nữ bình quyền bình đẳng đang đẩy mạnh
thời bấy giờ, nữ sinh mạnh dạn chọn ban toán khá cao. Số nữ sinh lớp 10 B3 ban
Anh văn chúng tôi chiếm gần một nửa chứ không là 1/5 hay 1/6 như mọi năm trước.
Và cũng từ năm lớp 10, học sinh trường bán công Phan Chu Trinh, một số học sinh
giỏi trường tư thục Chánh Tâm và Bồ Đề, học sinh từ các trường công lập ở các
quận Mũi Né, Phan Rí, Ma Lâm… được chuyển vào trường Phan Bội Châu. Liên lớp 10
học ở dãy phòng mới xây thêm, ngang dãy sau, nối với sân vận động.
Năm nay gia đình
tôi chia hai. Ba đổi vô làm ở Sài Gòn, chị Hai chị Ba và Tám vào ở chung với Ba
để tiện chuyện học hành. Tôi, Động, Bảy và Bé ở lại Phan Thiết với Má vì Má còn
phải giữ mối làm ăn. Má tôi buôn bán thường xa nhà. Mỗi chuyến đi buôn, má mua
sẵn những thức ăn căn bản, đưa tôi một số tiền chợ và cho các em ăn vặt.
Ba Má tôi xưa nay
không bao giờ kèm chân giữ tay con cái vào chuyện học hành, cho nên khoảng thời
gian này dầu Ba Má thường xuyên vắng nhà, chúng tôi vẫn không vì thế mà cảm
thấy tự do hơn, hay lười học.
Cảnh nhà hiu
quạnh. Trong nỗi buồn côi đơn, vừa sợ ma ở những cây bần sau nhà, vừa sợ ma ở
cây điệp già nhà bác sĩ Quí phía trước, cả bốn chị em mỗi tối ngủ chèo queo
chung với nhau ở bộ ván gỏ nâu bóng nhà giữa, trong cái mùng Má đặt may theo
kích cở cho phủ toàn bộ ván.
Năm nay em Bảy
cũng thi đậu vô trường Phan Bội Châu, nhưng không còn là niềm hãnh diện lớn như
năm năm trước vì trường mở rộng nên tỉ lệ đậu hầu như 1 trên 2. Chiều chiều,
cơm nước xong, nhớ Ba Má, nhớ cảnh gia đình đầy đủ, hôm nào có tiền đổ xăng,
tôi thường an ủi hai em bằng cách chở Bảy và Bé trên chiếc Honda xanh lục chạy
vòng phố chợ, qua cầu Trần Hưng Đạo mới xây, dọc con đường mới, ra cầu Sở Muối,
trở lại đường Nguyễn Hoàng, về lại đường Hải Thượng Lãn Ong. Có lẽ do cảnh gia
đình phân tán, sức học tôi sút thấy rõ.
Lúc này các nhà
giàu bên phố có phong trào mướn ”thầy” dạy thêm cho con, nhất là các tiểu thư
thường cần được kèm thêm môn toán. Chị Ngọc Lan chị của Thanh Bình học hơn
chúng tôi ba lớp, nổi tiếng học giỏi nên được nhiều gia đình mời dạy. Từ đó chị
giới thiệu tôi và Thanh Bình đi dạy thêm.
Tôi học lớp 10,
dạy thêm môn toán cho một em lớp Tám. Thiệt tình tôi chẳng biết dạy thêm ra
sao. Trên căn gác, chúng tôi lấy quyển sách toán ra, lớp học tới đâu thì cứ đó
mà cùng nhau làm, đúng thì tôi gật đầu, khó thì tôi chỉ cách giải. Tôi không đủ
khả năng sư phạm để tìm hiểu xem em yếu phần nào, em cần giúp thêm phần nào.
Mỗi tuần hai đêm, bên ly sinh tố mát lạnh, hai chị em làm toán, chuyện trò.
Lương chắc khá
nên trên đường về, tôi thường ghé tiệm bánh Mỹ Hưng ở đường Gia Long mua bánh gai thơm dòn, bánh chảy béo ngậy, bánh men tan ngọt lịm, cho các em. Cũng trên
đường về, khoảng vườn bông nhỏ, thỉnh thoảng và tình cờ, Phú Hải chạy xe Honda
từ phía sau, ngừng, ra dấu biểu tôi lên xe. Cứ thế, lần này qua lần kia, tôi tự
nhiên lên ngồi phía sau, không chuyện trò một tiếng và hình như cũng chẳng có
lời cám ơn khi xe ngừng trước nhà. Vậy thôi! Lạ thiệt!
Một hôm, sau cơn mưa dai dẳng, nước từ nhánh sông sau nhà dâng lên
từ từ. Lúc đó nhà chỉ có bốn chị em, tôi là chị lớn. Nấu xong nồi che đậu đen
béo ngậy thơm mùi gừng thì mực nước lan lên phòng khách. Vui quá, chị em tôi
đứng trên ghế ”salong” ăn chè cho mau để chạy ra đường coi hàng xóm nhốn nháo.
Chợt nhớ cái xe Honda, tôi và Động hì hục khiêng cái xe lên bộ ván. Xong! Yên
chí ra đường… ngó.
Khi nước liếm bộ ván thì Nhân, Nhẫn, Quí Anh, Phú Hải, Ngọc Tài và
vài bạn nữa trong lớp 10B3 lội nước đến nhà tôi với ý định ”cứu trợ”. Tôi ngạc
nhiên, nhủ thầm ”Mèn… có gì đâu mà cứu!” Ai đó chỉ chiếc xe Honda trên bộ ván
và đề nghị khiêng lên gác. Khiêng thì khiêng! Nhưng… Nhắm tới nhắn lui, cầu
thang hơi chật, hơi dốc. Thôi! Chắc nước không lên nữa đâu! Thật vậy, nước bắt
đầu rút.
Sáng hôm sau ông Ngoại xuống coi ngó lũ cháu. Chừng đó ông mới lôi
ra, nào quần áo trong tủ, nào mùng mền, sách vở, nào chén
tô cho đám giỗ ngày Tết… ướt nhẹp, nhầy nhụa vì nước từ nhánh sông vốn toàn bùn
dơ.
Lớp 10 B3 bàn
nhau ra báo. Nhà tôi có máy đánh chữ, thế là Ngọc Tài và Nhẫn thường rủ nhau
lên căn gác rộng mát đánh máy bài vở. Tôi chẳng có khiếu viết gì cả nhưng nằm
trong ban báo chí vì ham vui, ham tụ tập bạn bè, và chỉ làm vai ”vịn”. Có lần,
đám bạn cả nam lẫn nữ còn rủ nhau ”làm báo” ở nhà Thiện bên Bình Hưng. Tiếng là
”làm báo” nhưng chỉ có cớ tập họp tán dóc, báo cơm cả ngày và ngủ qua đêm luôn.
Thiệt tình!
Tiếng là trong
nhóm sử địa sẽ được một chiến hạm đưa ra đảo Phú Quí tham khảo, nhưng vì là bạn
của Mỹ Lệ, con gái út ông tỉnh trưởng mới chuyển vào lớp 10 B3 nên chúng tôi:
Thanh Bình, Minh Ngọc, Mỹ Hoàng, Đức, Thiện… tụ họp nhà Mỹ Lệ (dinh tỉnh
trưởng) buổi chiều để đêm đó được đưa trực tiếp ra chiến hạm.
Tàu ra khơi, đang
đứng trên boong tán dóc thì trời gió thổi mang theo những giọt mưa khá nặng
hột. Chúng tôi được đưa vào phòng khách có những bàn tròn với khăn trắng phủ
tận nền. Chưa kịp uống hết ly nước cam do các anh thủy thủ đeo găng trắng, áo
quần thẳng nếp mời, chưa kịp tận hưởng sự ưu đãi lần đầu tiên được có trong đời
thì nền tàu bỗng như nghiêng ngữa, đầu óc tôi mờ mờ. Ai dìu vào phòng, phòng
của ai, tôi không hay biết gì cả. Không hiểu là tôi tự lăn từ trên giường xuống
hay bị rớt xuống vì độ nghiêng con tàu theo cơn bão lớn bên ngoài, tôi bò lết
vào phòng tắm theo từng cơn ói thốc. Lần đầu tiên biết thế nào là ói tới mật
xanh. Cho tới khi không còn gì để ói nữa, chất đắng nhờn thôi thúc từ bụng trào
ra theo cơn sóng nhồi thì đất và trời cũng nhập thành một trong đầu tôi.
Tiếng cười dòn
của nhỏ bạn nào đó đánh thức tôi dậy. Mở mắt ra, thấy mình nằm trên giường nệm
rộng phủ ra trắng tinh bên cạnh ba hay bốn nhỏ bạn khác cũng đang ngơ ngơ ngác
ngác, áo quần nhếch nhác.
Mỹ Lệ hối thúc
chúng tôi rửa mặt đi ăn cơm. Giờ mới hiểu ra: Đêm qua bão lớn, chiến hạm phải
đổi hướng và đưa chúng tôi ra Vũng Tàu. ”Ai đó” cho đám bạn của con gái ông
tỉnh trưởng vào hai phòng ngủ. ”Ai đó” cho chúng tôi một bữa ăn cơm thịnh soạn.
Trong bàn cơm, qua lời thì thầm, chúng tôi mới biết ”ai đó” chính là tướng Đôn.
Và cũng chính ”ai đó” đã cấp một sĩ quan đưa chúng tôi thưởng lãm khắp Vũng Tàu
trước khi đưa về Phan Thiết.
Đến hè, 1971, Má
dẫn chị em tôi vài Sài Gòn chơi với Ba. Chừng một tháng, sau chuyến về Phan
Thiết, Má trở vô Sài Gòn, theo đó là một chiếc xích lô máy chở đầy nhóc bao và
thùng. Chừng đó lủ con mới chưng hửng, hiểu ra là vì không muốn thấy cảnh gia
đình phân tán, ba má quyết định bán nhà, dọn vô Sài Gòn.
Thế là chúng tôi
giã từ căn nhà yêu dấu luôn rộn tiếng cười đùa, giã từ hàng xóm thân tình phố
Ba Mươi Căn, và giã từ bạn bè thân thương. Không tiệc chia tay! Không lưu bút! Không
bịn rịn bồi hồi!
Ba ghi tên cho
tôi và Động học thêm lớp toán lý hóa ở đường Phan Đình Phùng. Từ bao năm, qua
lời kể của anh chị lớn, tôi luôn hãnh diện là học sinh trường Phan Bội Châu –
Phan Thiết nổi tiếng giỏi toán trên toàn quốc. Nên khi thầy hỏi chúng tôi trước
học ở đâu, tôi hãnh diện trả lời: Trường Phan Bội Châu và nhấn mạnh Phan Thiết.
Thầy chẳng mở một lời khen trường tôi, ánh mắt thầy chẳng mang chút khâm phục
khi nhìn tôi, một gương mặt của trường Phan Bội Châu Phan Thiết. Thất vọng não nề,
tuần sau tôi không đi học cái lớp toán lý hóa đó nữa.
Đôi khi nghĩ lại,
tôi tiếc. Tiếc là tôi không được trải qua hai năm cuối cùng của bậc trung học ở
trường Phan Bội Châu, hai năm của quãng đời học sinh mang nhiều chất lãng mạng
của tuổi tóc mượt. Tiếc là không được chia xẻ với bạn bè những mộng mơ thầm kín
thời mắt biếc. Tiếc là không được chứng kiến những cuộc tình mộng xanh của bạn
bè. Và… và… biết đâu tôi cũng có… một cuộc tình non mượt nơi trường Phan… như
mấy nhỏ bạn của tôi.
Võ Thị Điềm Đạm ( PBC73)