Phải công nhận đây là một status thật hay của bác sĩ Trần Ngọc Quang .Bài viết đã khiến Mru tôi đọc tới đâu khâm phục đến đó bởi tác giả có trí nhớ phong phú và phi thường.Cuối bài còn có phần phụ lục ông ghi lại tên các con đường Sài Gòn ngày xưa, Sài Gòn sau 1954 và Sài Gòn sau 1975 rất quý hiếm cho những ai muốn tìm hiểu và sưu tầm về thành phố Sài Gòn.
Đúng là :
Sài Gòn xưa còn nhiều điều chưa sáng tỏ,
Song chẳng thể bảo Sài Gòn xưa đã chết
Bởi đó là vùng đất phong phú đa mang
Tiềm ẩn biết bao điều hay và thú vị…
*****
Từ hơn một thế
kỷ nay, nước Việt Nam đã chịu rất nhiều thay đổi về chánh trị, hành chánh, văn
hóa, xã hội…. luôn cả tên đường của Sài Gòn. Nhiều đường đã thay đổi tên hai,
ba lần và vài đường mang tên các vị anh hùng hồi đời nhà Nguyễn đều biến mất.
Vài người Việt ở nước ngoài khi trở về nước gặp nhiều khó khăn mới tìm lại được
nhà mình đã ở lúc trước. Những bạn sanh ra sau 1975 lại không thể hình dung các
tên đường thuở trước, nói chi đến lịch sử và tiểu sử của các vị đó. Riêng tôi,
nhờ những kỷ niệm in sâu vào óc từ thuở niên thiếu và lại có tánh tò mò muốn biết
thêm lịch sử nên tôi cố gắng nhắc lại đây vài tên đường để công hiến các bạn đọc
giả và xin ngọn gió bốn phương cho biết thêm ý kiến để tu bổ về sau.
Tôi sanh ra tại nhà bảo sanh của Bác Sĩ Lâm
Văn Bổn số 205 đường Frère Louis, gần chợ Thái Bình thuộc Quận 3 thuở đó của Đô
Thành Sài Gòn, vào thời Đông Dương sắp vào chiến lửa binh đao, chín tháng trước
khi Trân Châu Cảng chìm trong khói lửa, lúc đó Việt Nam còn là một thuộc địa của
Pháp Quốc và nhiều đường Sài Gòn mang tên Pháp.
Tôi lớn lên tại
Sài Gòn, tại số 148 đường Colonel Boudonnet dọc theo đường rầy xe lửa, sau nầy
đổi tên là Lê Lai tới nay, đường lấy tên của Đại Tá Théodore Boudonnet thuộc Sư
Đoàn 2 Bộ Binh Thuộc-Địa và Tư lệnh Sư Đoàn Bộ Binh An Nam, tử trận bên Pháp hồi
1914. Mặt đất đường nầy thấp hơn các đường Frère Louis, Phan Thanh Giản và
Frères Guillerault nên mỗi khi mưa lớn là đường bị ngập : “nhờ vậy” mà sau khi
tạnh mưa, dọc theo bức tường ngăn đường rầy và đường lộ những con dế từ đất
chui ra hang để khỏi bị ngộp, nên tôi đi bắt đến khuya mới về ít lắm là ba bốn
con và thường bị mẹ tôi quở trách.
Sau khi “chạy
giặc” hồi 1945 vì máy bay đồng minh oanh tạc nhà ga và đường rầy xe lửa để chận
tiếp tế cho quân Nhựt, gia đình tôi trở về sống tạm trước Nhà thờ “Huyện Sỹ” đường
Frères Guillerault và năm sau rồi dọn trở về lại hẻm 176/11 đường Colonel
Boudonnet.
Nhà thờ Huyện Sỹ xây cất năm 1905, ông là người giàu có
vùng Gò Công, tên thật là Lê Phát Đạt và là Ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu,
vợ của Hoàng Đế Bảo Đại.
Gần nhà thờ Huyện Sỹ có hai đường mang tên Frère nhưng nếu
Frère Louis là để tưởng nhớ đến Thầy Louis Gaubert lập ra trường Taberd, đường
Frères Guillerault (có chữ “S” sau Frères) là để tưởng nhớ đến hai anh em
Roland và Léon Guillerault sinh trưởng tại Sài Gòn và tử trận trong Đệ Nhứt Thế
Chiến bên Pháp.
Trong lúc “tản cư”
tôi đi học lớp chót trường làng tại quận Hóc Môn và vì một sự tình cờ mà Ba tôi
ghi cho tôi học tiếp miển phí lớp “Douzième” trường Chasseloup-Laubat, thay vì
Petrus Ký như Ba tôi.”Trường Chasseloup” xây cất trong ba năm nơi rạp hát bội của
Tả Quân Lê Văn Duyệt, lúc đầu mang tên Collège Indigène de Saigon, nhưng khi
khánh thành năm 1877 thì đổi lại là Collège Chasseloup-Laubat và từ 1928 trở
thành Lycée có nghĩa là luyện thi đến lớp Tú Tài, mang tên của Hầu Tước Justin
De Chasseloup Laubat, Bộ Trưởng Bộ Hải Quân và Thuộc Địa dưới thời Napoléon
III, người quyết tâm chiếm và giữ Nam Kỳ. Hồi 1946 quân đội Pháp mới trở lại Việt
Nam nên ít có gia đình và trẻ con Pháp sống tại Sài Gòn nên dư giáo viên mà thiếu
học trò ! Lớp 12è niên khoá 1946-1947 trai và gái học chung tại Collège
Calmette gần đó, sau đó vài năm trường nầy đổi tên là Lycée Marie Curie cho đến
ngày nay. Tôi còn nhớ lúc ra về tôi chạy nhanh ra cổng, không phải để tìm Ba
tôi, thường người ra sở trễ và đi xe đạp từ “Toà Tân Đáo” (Sở Ngoại Kiều) ở đường
Georges Guynemer dưới Chợ Cũ lên rước tôi, mà là để tranh thủ thời gian để cạo
mủ cao su !
Thật vậy, giữa
trung tâm thành phố Sài Gòn không hiểu ông Tây nào có ý kiến trồng cây cao su
theo hai bên đường Jauréguiberry cho có bóng mát ? Bernard Jauréguiberry là một
Đề Đốc Pháp đã đánh vào Đà Nẳng và chiếm thành Gia Định, về sau giữ chức Thượng
Nghị Sĩ và Bộ Trưởng Bộ Hải Quân, mà tại sao lại đặt tên cho một đường nhỏ bên
hông trường Calmette ? Nhưng dù sao đi nữa những cây cao su đó, sau khi lấy đá
đập vào vỏ thì chảy ra mủ trắng rất nhiều. Tôi trét mủ ấy trên cập táp da của
tôi rồi khi mủ khô thì cuốn tròn quanh một cục sỏi và ngày qua ngày trở thành một
trái banh nhỏ.
Như vậy tôi thuộc
vào thành phần “Nam Kỳ chánh cống” và “dân Sài Gòn một trăm phần trăm”, lớp tuổi
gần 70 và và sống tại Saigon trong 34 năm. Những bạn lớn hơn tôi vài tuổi và những
bạn gốc “Bắc trước năm mươi tư” mới biết tên đường cũ như tôi, các bạn khác
ráng mà tìm các tên trong trang sau cùng ! Không phải tôi bị “tây hóa” nên
không chịu dùng tên Việt Nam, nhưng các tên đường cũ đả khắc sâu vào trí nhớ tuổi
thơ của tôi, hơn nửa lúc trẻ tôi hay tìm tòi trong tự điển Larousse coi ông nầy
là ai mà họ đặt tên đường, sau thế hệ của chúng tôi, ít còn ai nhớ đến tên những
con đường Sài Gòn năm xưa…
Mẹ tôi có thuê
một cyclo để đi làm và đưa tôi đi học tại trường Chasseloup, “Chú Ba Xích Lô” mỗi
ngày chạy ra phía nhà ga Sài Gòn theo đường Colonel Boudonnet, sau khi qua rạp
hát Aristo, nay là New World Hotel, quẹo trái qua đường Chemin des Dames và
băng qua đường Lacote (chớ không phải Lacotte, Moïse Lacote là cựu Trưởng Ban
Hành Chánh vùng Gia Định và Giám Đốc Thuế Vụ Nam Kỳ vào năm 1896) hoặc theo
đưòng Amiral Roze (người đã từng tấn công Nam Hàn) để đi thẳng tới đường Gia
Long, tên của đường La Grandière vào khoảng ấy (Đề Đốc Pierre De La Grandière thay
thế Đề Đốc Bonard là một trong những Thống Đốc đầu tiên của Nam Kỳ, Ông tự động
đi chiếm xứ Cambodge năm 1863 mà không có lệnh của Hoàng Đế Napoléon III và cũng
chính Ông đã chiếm ba tỉnh miền Tây năm 1867 làm cho Cụ Thống Tướng Phan Thanh
Giản phải đầu hàng và sau đó tự vận, dưới thời Đề Đốc De La Grandière Sài Gòn
phát triển mạnh mẻ).
Chú Ba Xích Lô
xuyên qua vườn “Bờ Rô” để có bóng mát rồi ra đường Larégnère, sau nầy là đường
Đoàn Thị Điểm. Tôi không biết tại sao người ta kêu công viên đó bằng tên ấy, có
thể là phiên âm của chữ “préau (sân lót gạch) nhưng theo học giả Trần Văn Xướng
thì do Ông “Moreau”, tên của người quản thủ Pháp đầu tiên chăm nom vườn nầy;
thuở trước các người lớn tuổi còn gọi là “vườn Ông Thượng”, có thể là vì trước
kia Tả Quân Lê Văn Duyệt là người tạo ra vườn nầy. Dưới thời Pháp thuộc vườn “Bờ
Rô” nằm trong khu đất của dinh Thống Đốc nhưng vào năm 1869 Phó Đề Đốc Hector
Ohier, người thay thế Đề Đốc De La Grandière, cắt chia đất và tặng thành phố vườn
nầy mang tên Parc Maurice Long. Mười năm sau đường Miss Cavell được tạo ra, lúc
đó mang tên rue de la Pépinière, để biệt lập với dinh Thống Đốc mà sau nầy là
Palais Norodom và sau 1954 trở thành Dinh Độc Lập rồi Dinh Thống Nhứt sau 1975.
Cũng có thể tên “Ông Thượng” là Ông Ohier, có tên đường dưới chợ cũ, nhưng tới
đời tôi chỉ gọi vườn đó là “vườn Bờ Rổ”, sau nầy mang tên vườn Tao Đàn.
Ra vườn Bờ Rô
gặp đường Chasseloup-Laubat rồi đi thẳng trên đường Larégnère, sau đó tới đường
Testard : hai tên nầy ở gần nhau cũng đúng vì Trung Tá Bộ Binh Jules Testard và
Thiếu Úy Hải Quân Etienne Larégnère, 31 tuổi (chớ không phải Lareynière hay
Laraignère) tử vong cùng một trận đánh ác liệt tại Đồn Kỳ Hòa, ở vùng trường
đua Phú Thọ, giữa lực lượng của Thống Tướng Nguyễn Tri Phương và Đô Đôc Victor
Charner năm 1861. Ai cũng biết đường Chasseloup-Laubat, một đường chiến lược rất
dài đi từ Chợ Lớn, từ đường 11è R.I.C (Régiment d’Infanterie Coloniale) đến Thị
Nghè, sau 1955 đường nầy đổi tên là Hồng Thập Tự.
Đi thẳng đến đường
Testard, chú Ba quẹo mặt và bỏ tôi xuống ở góc đường Barbé vì học sinh vào trường
Chasseloup bằng cửa sau. Góc đường nầy sẽ liên hệ nhiều với tôi sau nầy khi tôi
trở thành sinh viên y-khoa. Đường Barbé (chớ không phải Barbet ) có từ lâu và
mang tên của Đại Úy Nicolas Barbé thuộc Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Pháp bị
Ông Trương Định cho tên Nguyễn Văn Sất ám sát vào năm 1860 gần chùa Khải Tường,
nơi vua Minh Mạng sanh ra năm 1791 lúc Nguyễn Ánh chạy lọan vào miền nam để
tránh anh em Tây Sơn. Chùa nầy do Nguyễn Ánh sau khi trở thành vua Gia Long ra
lệnh xây cất để tạ ơn Phật Trời đã che chở cho con trai là Nguyễn Phúc Đàm (vua
Minh Mạng sau nầy), sau đó chùa được lập làm đồn chống Pháp nên bị lính Pháp
phá dẹp hồi 1880, pho tượng Phật hiện còn lưu niệm trong Viện Bảo Tàng Sài Gòn,
trong Sở Thú. Trên nền chùa bỏ hoang nầy về sau có cất lên một biệt thự lầu lớn
kiểu âu-châu tại số 28 đường Testard mà Bà Bác Sĩ Henriette Bùi (con gái thứ ba
của Ông Bùi Quang Chiêu) mướn lại của người chủ là một luật sư người Pháp làm
dưỡng đường sản-phụ khoa vào thập niên 1940. Ông Bùi Quang Chiêu (1872-1945) là
kỹ sư canh nông Việt Nam<đầu tiên tốt nghiệp bên Pháp năm 1897 và bị Trần
Văn Giàu (phong trào Việt Minh) ám sát cùng ba người con trai vào tháng 9 năm
1945. Còn Bà Henriette Bùi Quang Chiêu sanh năm 1906 là người đàn bà Việt Nam đầu
tiên tốt nghiệp y-khoa bác sĩ tại Paris năm 1929, nay Bà đã 103 tuổi và hiện
còn minh mẩn và sống tại ngoại ô Paris: Bà kể lại rằng vào năm 1943 nhà nầy được
bán lại cho một người Do Thái tên là David chủ của nhiều biệt thự tại Sài Gòn;
vào đầu năm 1945 chánh phủ Pháp trưng dụng nhà nầy và cho Bà thuê một biệt thự
khác ở đưởng Blancsubé để dời dưỡng đường đến đấy. Tháng 3 năm 1945 Nhựt đảo
chánh Pháp và tịch thu căn villa nầy, và khi Pháp trở lại thì trao cho Viện Đại
Học Sài Gòn để rồi năm 1947 nơi nầy trở thành chi nhánh của Đại Học Y-Dược Khoa
Hà Nội rồi năm 1954 thành Đại Học Y-Dược Khoa Saigon, nơi tôi được đào tạo
trong sáu năm với GS Phạm Biểu Tâm làm Khoa Trưởng. Nơi đầy kỷ niệm nầy nay là
Bảo Tàng chứng tích chiến tranh.
Sau khi qua đường
Pierre Flandin (tên của một “đứa con” của Sài Gòn tuy sanh tại vùng Vaucluse và
tử trận tại Noyon, tỉnh Oise, miền bắc nước Pháp vào năm 1917), đến cuối đường
gặp rạp hát Nam Quang (nay vẫn còn), tôi quẹo trái ra đường Verdun (khoảng đó
tên là đường Thái Lập Thành), đến ngã sáu Sài Gòn thì tôi lại đi qua đường
Frère Louis để về nhà bằng đường d’Ypres cho vắng xe. Đường nhỏ nầy ở sau “Mả
Lá Gẫm”, đúng hơn là của Ông Mathieu Lê Văn Gẫm, có bức tượng trong nhà thờ Huyện
Sỹ, tử đạo thời vua Thiệu Trị vì bị hành hình lối năm 1847, mả đó nay vẫn còn
nguyên tuy bị che khuất, và Ypres là tên một thành phố nhỏ bên vương quốc Bỉ,
như thành phố Dixmude, nơi đã xẩy ra những trận đánh lớn hồi Đệ Nhứt Thế Chiến.
Đi xích lô mỗi
ngày như vậy hoài cũng chán nên tôi thường đề nghị với Chú Ba đi về bằng ngả
khác, thuở ấy đường phố ít xe hơn bây giờ vì Sài Gòn và Chợ Lớn không hơn một
triệu dân cư. Tôi thích nhứt đi về nhà qua chợ Sài Gòn : Chú Ba tránh đường Mac
Mahon (sau 1952 đoạn nầy lấy tên De Lattre de Tassigny và sau đó là Công Lý),
đi đường Barbé và một đoạn đường Chasseloup-Laubat, rồi quẹo trái qua đường
Miss Cavell với hàng cây cao bên hông Cercle Sportif Saigonnais (tên không phải
viết Cawell hay Cavel : Edith Cavell là một nữ y-tá người Anh bị quân Đức xử bắn
tại Bỉ vào năm 1915 lúc 50 tuổi vì giúp tù binh Anh, Bỉ và Pháp trốn qua Hòa
Lan) để trổ ra đường Aviateur Garros rồi xuống chợ Sài Gòn, nơi bán nhiều trái
cây (Roland Garros là phi công Pháp đầu tiên bay xuyên biển Méditerranée hồi
1913 và tử trận năm 1918).
Rồi cứ đi theo mãi đường d’Espagne (sau là Lê Thánh Tôn) vì
vào 1859 quân lính Tây-Ban-Nha dưới quyền chỉ huy của các Đề Đốc Pháp đóng tại
đó) để về Ngã Sáu (Phù Đổng) rồi về Colonel Boudonnet bằng ngã Amiral Roze. Đặc
biệt Sài Gòn có rất nhiều tên đường mang tên các trận đánh thời Đệ Nhứt Thế Chiến
(Boulevard de la Somme, Chemin des Dames, đường Verdun, đường Arras, đường
Champagne, đường Dixmude, đường Douaumont, Quai de la Marne….) và tên các đề đốc
Pháp vì dưới thời các vua Minh Mạng và Tự Đức tất cả quân Pháp đến Việt Nam bằng
tàu thủy mà hai vị có tiếng nhứt là Charner và Bonard. Đô Đốc Léopold Victor
Charner người vùng Bretagne, gốc Thụy Sĩ là Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hải Quân
Pháp tại Đông Nam Á, ngưòi đã chiếm Nam Kỳ, còn Đề Đốc Adolphe Bonard (chớ
không phải Bonnard ) là Thống Đốc đầu tiên của Nam Kỳ do hoàng đế Napoléon III
bổ nhiệm vào năm 1861 dưói thời vua Tự Đức.
Vào cuối thế kỷ
XIX kinh rộng nhứt của Sài Gòn là “Kinh Lớn” hay “Kinh Charner” đi từ sông Sài
Gòn đến Tòa Thị Sảnh, có hai đường dọc hai bên : đường chạy xuống bờ sông là đường
Rigault de Genouilly, đường chạy lên là đường Charner. Vì mùi hôi thúi người
Pháp lấp kinh lại sau nhiều năm bàn cãi và khi “đường Kinh Lấp” thành lập thì
đương nhiên lấy tên Boulevard Charner vào năm 1861 nhưng Ba tôi vẫn gọi là đường
Kinh Lấp vào những năm 1930. Trước đó, có một kinh dẫn nước sình lầy chảy ra
Kinh Tàu từ chợ Bến Thành (người Pháp gọi là Les Halles Centrales), theo Học Giả
Vương Hồng Sển vì gần rạch Bến Nghé và gần Thành Gia Định, kinh đó mang tên
kinh Gallimard. Thiếu Tá công binh Léon Gallimart có dự trận đánh Kỳ Hòa, và
đào kinh nầy vào năm 1861 theo lệnh của Đô Đốc Charner. Kinh nầy sau khi lấp lại
theo ý kiến của kỹ sư Thiếu Tá Bovet năm 1867 lấy tên là Đại Lộ Bonard, vì thế
đường nầy mới rộng lớn như ngày nay. Lúc lấp kinh và bến đò họ thành lập một
công trường lớn, đó là “Bùng Binh” trước chợ Bến Thành mà người Pháp gọi là
Place Eugène Cuniac, tên của một Thị Trưởng Sài Gòn, nay vẫn còn tên Công Trường
Quách Thị Trang, một nữ sinh thiệt mạng lúc biểu tình dưới thời Ngô Đình Diệm
năm 1963. Trước Tòa Thị Xã Sảnh, ở góc đường Charner và Bonard cũng có một bùng
binh nhỏ với nước phun lên tên là Place Francis Garnier, nay là công trường Lam
Sơn, để tưởng nhớ đến một sĩ quan hải quân trẻ tuổi phiêu lưu trên đất bắc và tử
thương tại Hà Nội hồi 1873. Nhiều đường khác củng do lấp kinh mà ra như
Boulevard de La Somme (rạch Cầu Sấu, sau nầy là đại lộ Hàm Nghi), đường Tổng Đốc
Phương (hay Đỗ Hữu Phương), đường Pellerin (tên của một Giám Mục đã bênh vực
công giáo Việt Nam nhưng khuyên lầm Đề Đốc Rigault De Genouilly lúc tấn công Đà
Nẳng vào 1858) sau nầy đường Pellerin lấy tên là Pasteur.
Đường mà tôi
thích nhứt, sang trọng nhứt và có tiếng nhứt Sài Gòn là đường Catinat, có trước
khi người Pháp đến và mang tên một thuyền lớn đã bắn đại bác vào Đà Nẳng (chớ
không phải tên của một Đề Đốc như nhiều người tưởng, thuyền “Le Catinat” lấy
tên của Thống Chế Nicolas de Catinat, sống hồi thế kỷ XVII dưới thời Louis
XIV). Nơi đó có rất nhiều tiệm sang trọng, đường phố sạch sẽ và có nhiều “Ông
Tây” ngồi uống cà phê tại khách sạn Continental, lúc đó chưa có tiệm Givral và
nơi đó là Nhà Thuốc Tây Solirène, thay thế Pharmacie Centrale. Sau nầy có thêm
tiệm Brodard ở gốc đường Catinat và Carabelli, tên của một Nghị Viên thành phố.
Tôi cũng có dịp vô nhà sách Albert Portail (nay vẫn còn dưới tên Xuân Thu từ
1955) và đi dạo trong Passage Eden vì trong cùng có rạp hát Eden, rạp nầy và rạp
Majestic ở cuối đường Catinat là hai rạp chiếu bóng sang nhứt Sài Gòn vào thuở
đó; đi chơi vậy chớ có tiền đâu mà mua đồ, nhiều lắm thì lấy vài tấm hình mà
các ông phó nhòm chụp dạo lúc đi trước “Nhà Hát Tây”, cất theo kiểu Opéra bên
Paris. Đường Catinat là đường tráng nhựa đầu tiên của Sài Gòn, khi mới tráng
nguời ta kêu là đường “Keo Su” dài tới Nhà Thờ Đức Bà ; qua công trường Pigneau
de Béhaine trước Bưu Điện có bức tượng Ông “Cha Cả” hay Evêque d’Adran dẫn
Hoàng Tử Cảnh ra trình diện Louis XVI tại Versailles. Sau khi qua khỏi đường
Norodom thì đường Catinat lấy tên của Cố Vấn chánh phủ và Nghị Viên Thị Xã Sài
Gòn Blancsubé và tiếp theo công trường Maréchal Joffre với tượng đài chiến si tử
vong trong Đệ Nhứt Thế Chiến là đưòng Garcerie với những hàng cây cao, sau nầy
mang tên Duy Tân và công trường Quốc Tế hay “Hồ Con Rùa”.
Ba tôi có nhiều
bạn người Tàu và thường vô Chợ Lớn chơi bằng xe lửa điện (tramway) mà người ta
thường gọi là “xe lửa giữa” vì chạy giửa đường Gallieni, tới trạm gare de Nancy
thì bạn của Ba tôi lên xe lửa đi cùng vì ở gần thành Ô Ma (Camp des Mares, sau
nầy là Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia). Tôi còn nhớ xe lửa giữa đó, với ghế cây
theo kiểu của Métro xưa bên Paris, chạy thẳng theo đường Gallieni nối liền Sài
Gòn với Chợ Lớn. Ba tôi nói lúc trứớc nơi đây toàn là đất hoang và sình lầy,
sau khi lấp bưng thành đường đất gồ ghề rồi khi Ba tôi xuống Sài Gòn học vào
năm 1928 thì đường mới được tráng nhựa và năm sau điện giăng giữa chia con đường
làm hai chiều, một bên chạy lên một bên chạy xuống, đường rầy xe điện đặt trung
tâm đại lộ, đến năm 1953 mãn hạn giao kèo khai thác mới dẹp. Đường nầy mang tên
của Thống Chế lừng danh Joseph Gallieni chết năm 1916 nhưng phục vụ ngoài Bắc
lúc còn Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh và sách vở ghi công Ông về tổ chức
hành chánh tại Đông Dương. Tên của Ông viết với chữ “e” chớ không phải với chữ
“é” vì là người gốc Ý Đại Lợi.
Xe điện chạy thẳng vô đường rue des Marins, qua khu Đại Thế Giới nay là khu Cát Tường và đường Jaccario (vì lúc trước pháo hạm “Le Jaccario” đậu gần đó trên “Kinh Tàu” hay Arroyo chinois trong Chợ Lớn, và chắc lính thủy lên bờ nhiều nên mới gọi là rue des Marins), ở góc đường có vũ trường Arc-En-Ciel, sau 1975 đổi tên là nhà hàng và khách sạn Arc-En Ciel Thiên Hồng, đến đường Tổng Đốc Phương thì quẹo qua trái mới đến Bưu Điện Chợ Lớn, nhà ga cuối cùng là Gare Rodier, tại Kinh Tàu.
Lúc còn ở đường
Colonel Boudonnet tôi có nhiều bạn ở khu nhà thờ Huyện Sỹ và thường vô phía sau
nhà thờ bắn “giàn thun” trên mấy cây soài nên bị “Ông Từ” rượt nhiều lần !
Ngoài đường Frères Guillerault trước nhà thờ, còn có đường Duranton và đường
Léon Combes mà sau nầy đổi tên là Sương Nguyệt “Ánh”. Trung Sĩ Léon Combes là một
đứa con của Sài Gòn ở Giồng Ông Tố bên Cát Lái tử trận năm 1917 tại Craonne,
thuộc tỉnh Aisne vùng Picardie phía Bắc Paris. Tôi nhớ, vì học “trường tây” nên
tôi thắc mắc và tự hỏi Bà nào mà mang họ Sương mà tôi tìm hoài trong sách vở
không thấy ? Sau nầy tham khảo mới biết đó là tên bút hiệu của Bà Nguyễn Thị Ngọc
Khuê (có sách nói là Nguyễn Xuân Khuê), con gái thứ tư của cụ Nguyễn Đình Chiểu,
người đàn bà đầu tiên làm Chủ Bút báo “Nữ Giới Chung” cho phụ nữ hồi 1918. Tuần
báo nầy còn tên là Fémina Annamite và tòa soạn ở 13 đường Taberd, trong sách kể
là Sương Nguyệt ANH (=Góa phụ Nguyệt Anh), nhưng tại sao hồi 1955 họ đổi tên đường
Léon Combes thành Sương Nguyệt Ánh ?
Lúc đó đường
Pavie có xe nhà binh pháp chạy nhiều vì có thành lính gần đó và tại khu đường
Cây Mai, trước khi tới Phú Lâm. Khu đất từ đường Lacaze đến đường Ducos (sau đổi
là đường Triệu Đà) là đồng mả, đường hẻm tôi ở trước một mả đá lớn, mới phá hồi
tháng 11 năm 2004 : đó là mả có từ thế kỷ thứ XVIII của một người đàn bà lối 50
tuổi và quan tài thứ nhì chắc là của một người đàn ông, chỉ có vài nữ trang chớ
không có vàng bạc chôn theo như người ta tưởng.
Từ đường Lacaze
đi ra trường Chasseloup Laubat xa hơn, tôi phải đạp xe xuống Ngã Bảy, quẹo trái
qua đường Général Lizé, rồi đạp thẳng hoài, qua khỏi đường Verdun đường nấy lấy
tên Legrand De La Liraye. Qua khỏi trường nữ sinh Gia Long (hồi xưa gọi là
Collège des Jeunes Filles Annamites, sau là Trường Aó Tím) và đến tận trường
Marie Curie mới quẹo xuống đường Barbé. Đường Général Lizé là một đường chiến
lược rất dài lúc trước gọi là đường Hai Mươi, đi từ Ngã Bảy Chợ Lớn, nối dài đường
Pierre Pasquier, đến đường Albert Premier trên Dakao, lấy tên của Trung Tướng
Lucien Lizé, xuất thân từ trường Polytechnique, Paris, Tư Lệnh Pháo Binh chiến
trường Ý tử trận hồi 1918, có phục vụ bên Việt Nam lúc còn Đại Tá, còn Legrand
De La Liraye là một trong những linh mục thông ngôn cho Đề Đốc Rigaud De
Genouilly và trở thành Thanh Tra phụ trách về các hồ sơ giưã người Việt và
chánh quyền bảo hộ. Sau 1954 đường nầy đổi thành đường Phan Thanh Giản, một vị
anh hùng sáng suốt và can đảm của Việt Nam. Tiếc thay sau 1975 không còn đường
nào trên mảnh đất Việt Nam mang tên anh hùng dân tộc nầy, cũng như không còn đường
vào mang tên Lê Văn Duyệt và cũng không còn trường học nào mang tên Petrus Ký !
Cho tới nay tôi chưa thấy một học giả Việt Nam nào giỏi hơn Petrus Trương Vĩnh
Ký, tuy vài “Sử Gia” buộc tội vị nầy nhiều điều vô lý, họ quên rằng công lao lớn
nhứt của Ông Petrus Ký là truyền bá cho dân chúng sử dụng chữ quốc ngữ có từ
Alexandre de Rhodes vào thế kỷ XVII thay thế chữ Nôm khó học và khó viết. Tôi
nghe nói ở Vĩnh Long hiện nay có một trường học mang tên Phan Thanh Giản và vào
tháng 11 năm 2008 rạp chiếu bóng Nguyễn Văn Hảo đường Trần Hưng Đạo tại Sài Gòn
đang hát tuồng “Tả Quân Lê Văn Duyệt”, đó là điều đáng mừng vì những vị anh
hùng các triều nhà Nguyễn phải được hồi phục.
Hồi thời Pháp thuộc
cũng có những tên đường mang tên những anh hùng hay nhân tài Việt Nam như đường
Paulus Của (Đốc Phủ Sứ Hùynh Tịnh Của) trên Dakao, đường Tổng Đốc Phương (Đổ Hữu
Phương) trong Chợ Lớn, đường Phủ Kiệt (Đốc Phủ Sứ Trần Văn Kiệt là Nghị Viên
thành phố trên 25 năm), Hùynh Quan Tiên, Nguyễn Văn Đưởm trên Tân Định (cà hai
là Nghị Viên Thuộc Địa và Nghị Viên Thành Phố), Nguyễn Tấn Nghiệm (Nghị Viên),
và Trương Minh Ký, một trong những Nghị Viên đầu tiên của thành phố, ông nầy
tên thật là Trương Minh Ngôn cháu bốn đời của Trương Minh Giảng, được ông
Trương Vỉnh Ký đem về nuôi và đổi tên, cho đi Pháp học và là một trong 7 người
sáng lập viên ra Trường Thông Ngôn (Ecole des Interprètes) nằm trong Tòa Án, nhờ
làm thông dịch viên lúc Traité de Patenôtre năm 1884 nên được vô quốc tịch
Pháp, người mất lúc 55 tuổi vì bệnh lao phổi.
Vị anh hùng Đại
Úy phi công của quân đội Pháp, xuất thân từ trường Võ Bị Saint-Cyr và là cựu sĩ
quan Lê Dương mang tên Đỗ Hữu Vị có tên trên một đường từ bùng binh chợ Bến
Thành đến đường Charner, trước đó đường nầy mang tên Hamelin sau nầy đổi lại là
Huỳnh Thúc Kháng. Đại Úy Vị là con thứ năm của Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương, sau khi
học trung học tại trường nổi danh Janson De Sailly tại Paris, nhập học vô trường
Saint-Cyr vào năm 1904. Trung Úy bên Bắc Phi, ông gia nhập vào binh chủng Không
Quân vừa thành lập ; bị thương nặng Đại Úy Vị từ chối giải ngũ và trở về đơn vị
Lê Dương và tử thưong tại mặt trận tỉnh Somme năm 1916. Hài cốt được người anh
cả là Đại Tá Đỗ Hữu Chấn đem về chôn cất trong nghĩa trang gia đình tại Chợ Lớn.
Nay Sài Gòn mất
nhiều di tích ngày xưa, vì chiến tranh và vì sự thay đổi thời cuộc, tôi tiếc nhứt
là hồi tháng ba năm 1983 đã sang bằng “Lăng Cha Cả”, có từ 1799 để lập một công
trường mà chả thấy ai ngồi …. Hai người ngọai quốc đã ảnh hưởng Việt Nam nhiều
nhứt là Alexandre de Rhodes va Pierre Joseph Pigneau de Béhaine, được dân Việt
Nam biết dưới tên Bá Đa Lộc hay Evèque d’Adran, người đã giúp Nguyễn Ánh lên
ngôi, đi với Hoàng Tử Nguyễn Phúc Cảnh qua triều đình vua Louis XVI để ký Hiệp
Ước Versailles năm 1787. Tên thật là Pigneau, sau đó thêm vô sau tên ấp Béhaine
của làng Origny-en-Thiérache mà gia đình có phần đất, thuộc tỉnh Aisne, trong
vùng Picardie ở miền bắc nước Pháp. Vua Gia Long cất một ngôi nhà ở số 180 đường
Richaud cho Bá Đa Lộc (nay vẩn là Tòa Tổng Giám Mục đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận
3) và đọc điếu văn khi người mất năm 1799. Mộ ông người Sài Gòn gọi là Lăng Cha
Cả là một trong những di tích xưa nhứt của Sài Gòn “ở Gia Định” vào thời Gia
Long, sau nầy ở trước trại Phi Long trên Tân Sơn Nhứt. Cốt của Cha Pigneau de
Behaine được đem về Pháp năm 1983 và chôn trong nhà thờ Séminaire des Missions
Etrangères, rue du Bac tại quận XV Paris. Tôi có viếng thăm nhà kỷ niệm cua Cha
Pierre Joseph Pigneau de Béhaine, ở làng Origny-en-Thiérache, trở thành từ năm
1953 “Musée Monseigneur Pigneau de Béhaine” và sau khi xem xong tâm hồn tôi thả
về dĩ vãng của một Việt Nam oai hùng tranh đấu cả ngàn năm để giử biên cương …
Tôi cũng có dịp
thăm viếng nhiều di tích của xứ Pháp từ thời Trung Cổ, nhiều lâu đài của Âu
Châu và Nga Sô có từ thế kỷ XV, luôn cả những ngôi mộ bên Ai Cập có trước nền
văn hóa của Hy Lạp và tiếc rằng xứ tôi không biết giữ gìn những kho tàng quý
giá của lịch sử.
*****
Phụ lục
Những tên đường Sài Gòn trong bài
theo thời cuộc
Thời pháp thuộc Sau 1954 Sau 1975
Albert Premier Đinh
Tiên Hoàng Đinh Tiên Hoàng
Amiral Roze Trương
Công Định Trương Định
Armand Rousseau, Jean-Jacques Rousseau Trần Hoàng Quân Nguyễn Chí Thanh
Arras Cống Qùynh Cống Qùynh
Aviateur Garros, Rolland Garros Thủ Khoa Huân Thủ Khoa Huân
Barbé Lê Qúy Đôn Lê Qúy Đôn
Blancsubé, rue Catinat prolongée Duy Tân Phạm Ngọc Thạch
Bonard Lê Lợi Lê Lợi
Carabelli Nguyễn
Thiệp
Nguyễn Thiệp
Catinat Tư Do Đồng Khởi
Champagne Yên Đỗ Lý Chính Thắng
Charner Nguyễn Huệ Nguyễn Huệ
Chasseloup Laubat Hồng
Thập Tự Nguyễn Thi Minh Khai
Chemin des Dames Nguyễn
Phi Lê Anh Xuân
Colonel Boudonnet Lê
Lai Lê Lai
Dixmude Đề Thám Đề Thám
Đỗ Hữu Vị, Hamelin Huỳnh
Thúc Kháng Huỳnh Thúc Kháng
Douaumont Cô
Giang Cô Giang
Ducos Triệu Đà Ngô Quyền
Duranton Bùi Thị
Xuân Bùi Thị Xuân
Espagne Lê Thánh
Tôn Lê Thánh Tôn
Eyriaud Des Vergnes Trương
Minh Giảng Trần Quốc Thảo
Frédéric Drouhet Hùng
Vương Hùng Vương
Frère Louis Võ Tánh Nguyễn Trãi
Frères Guillerault Bùi
Chu Tôn Thất Tùng
Gallieni, rue des Marins Trần
Hưng Đạo, Đồng Khánh ,Trần Hưng Đạo 1, Trần Hưng Đạo 2
Garcerie Duy Tân Phạm Ngọc Thạch
Général Lizé Phan
Thanh Giản Điện Biên Phủ
Georges Guynemer Võ
Di Nguy Hồ Tùng Mậu
Huỳnh Quan Tiên Hồ
Hảo Hớn Hồ Hảo Hớn
Jaccario Tản Đà Tản Đà
Jauréguiberry Ngô
Thời Nhiệm Ngô Thời Nhiệm
La Grandière Gia
Long Lý Tự Trọng
Lacaze Nguyễn
Tri Phương Nguyễn Tri Phương
Lacote Phạm Hồng
Thái Phạm Hồng Thái
Larégnère Đoàn Thị Điểm Trương Định
Legrand De La Liraye Phan Thanh Giản Điện Biên Phủ
Léon Combes Sương
Nguyệt Ánh Sương Nguyệt Anh
Mac Mahon, De Lattre De Tassigny, Gal De Gaulle Công Lý Nam
Kỳ khởi nghĩa
Marins Đồng
Khánh Trần Hưng Đạo 2
Miss Cavell Huyền Trân
Công Chúa Huyền Trân Công Chúa
Nancy Cộng Hòa Nguyễn Văn Cừ
Nguyễn Tấn Nghiệm, rue
de Cầu Kho Phát Diệm Trần Đình Xu
Nguyễn Văn Đưởm Nguyễn
Văn Đưởm Nguyễn Văn Nghĩa
Ohier Tôn Thất Thiệp Tôn Thất Thiệp
Paul Blanchy Hai
Bà Trưng Hai Bà Trưng
Pavie, Hui Bôn Hoả Lý
Thái Tổ Lý Thái Tổ
Pellerin Pasteur Pasteur
Phan Thanh Giản Ngô
Tùng Châu Lê Thị Riêng
Pierre Flandin Bà
Huyện Thanh Quan Bà Huyện Thanh Quan
Pierre Pasquier Minh Mạng
Ngô Gia Tự
Place Eugène Cuniac C.Trường
Quách Thị Trang C.Trường Quách Thị Trang
Place Maréchal Joffre Công Trường Quốc Tế Hồ con Rùa
Richaud Phan Đình
Phùng Nguyễn Đình Chiểu
Somme Hàm Nghi Hàm Nghi
Testard Trần Qúy Cáp Võ Văn Tần
Thévenet Tú Xương Tú Xương
Tổng Đốc Phương Tổng
Đốc Phương Châu Văn Liêm
Trương Minh Ký, Lacant Trương
Minh Ký
Nguyễn Thị Diệu
Verdun, Gal Chanson, Nguyễn Văn Thinh Lê Văn Duyệt Cách
mạng tháng 8
Ypres Nguyễn Văn Tráng Nguyễn
Văn Tráng
11è R.I.C. Nguyễn Hoàng Trần Phú
Tác giả : BS Trần Ngọc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét