Chỉ còn vài ngày nữa
thôi là đến Tết Đoan Ngọ 2022. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem Tết Đoan
Ngọ năm nay là ngày nào, ăn gì, cúng gì, và sự đa dạng của Tết Đoan Ngọ ở
nước ta tùy theo vùng ra sao .
***
Tết Đoan Ngọ năm nay (5/5 âm lịch)
rơi vào thứ Sáu ngày 3/6/2022. Đây là ngày Đinh Hợi, tháng Bính Ngọ, năm Nhâm
Dần, giờ Canh Tý, tháng 5 âm lịch. Với người Hoa thì ngày này còn được gọi là
tết Trùng Ngũ. Vì ngũ là số năm trong tiếng hoa mà Tết Đoan Ngọ là mùng 5 tháng
5 có hai con số 5 nên gọi là trùng ngũ.
Tết Đoan Ngọ có nhiều tên gọi khác
như Tết giữa năm, Tết Đoan dương, Tết sâu bọ…Đoan ngọ là giữa trưa. Đoan dương
có nghĩa là bắt đầu lúc dương khí đang mạnh nhất .Tết Đoan Ngọ còn gọi là Ngày
giết sâu bọ vì theo truyền thuyết dân gian ta tin rằng cúng lễ trong ngày này
sâu bọ, giun sán đều sẽ chết hết.
Ở mỗi quốc gia lại có những truyền
thuyết về nguồn gốc khác nhau về Tết Đoan Ngọ. Phổ biến nhất là truyền thuyết
về Tết Đoan Ngọ của Trung Quốc và Việt Nam.
Theo truyền thuyết Trung Quốc thì
cuối thời Chiến Quốc có một vị quan đại thần ở nước Sở tên là Khuất Nguyên. Ông
là một vị trung thần nước Sở và là nhà văn hoá nổi tiếng thời bấy giờ. Theo
lịch sử ghi chép lại thì ông là tác giả bài thơ Ly Tao (thuộc thể thơ Sở từ)
rất nổi tiếng trong văn hóa cổ đại Trung Hoa. Bài thơ thể hiện tâm trạng buồn
sầu vì đất nước suy vong và hoạ mất nước.Vì Khuất Nguyên can ngăn vua Hoài
Vương không được, thêm bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông
Mịch La và qua đời ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Do thương tiếc người trung
nghĩa, mỗi năm cứ đến đúng ngày đó, người dân Trung Quốc xưa hay làm bánh, quấn
chỉ ngũ sắc bên ngoài (để cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông,
ném bánh xuống, và lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.
Trong truyền thuyết Việt Nam
thì Tết Đoan Ngọ lại gắn liền với việc tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng.
Người xưa kể lại rằng một ngày sau khi thu hoạch, nông dân đang ăn mừng vì bội
thu nhưng bỗng dưng sâu bọ lại kéo đến ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.
Mọi người đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này
thì có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông
chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm các vật đơn giản như bánh tro,
trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động tập thể dục. Nhân dân nghe lời làm
theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rũ rượi. Ông lão cũng căn dặn vào
ngày này hằng năm thì sâu bọ đều rất hung hăng. Nên mỗi năm vào đúng ngày này
cứ làm theo những gì ông đã dặn hôm nay thì sẽ trị được chúng.Dân chúng biết ơn
định cảm tạ thì ông lão đã biến mất. Làm theo lời của lão ông, dân chúng đặt
cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người còn gọi đó là “Tết Đoan Ngọ”
vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Vì giai đoạn diễn ra Tết Đoan Ngọ cũng là lúc
chuyển mùa nên dịch bệnh rất dễ phát sinh do đó ngoài ý nghĩa diệt sâu bọ hại
cây trồng thì người dân cũng mong trừ bệnh tật trong ngày này. Đây cũng là dịp
để con cháu trong gia đình đoàn tụ ,cũng là ngày để cả làng cùng nhau quây
quần làm bánh và hái trái cây, thắt chặt tình làng nghĩa xóm và giữ gìn nét đẹp
văn hoá Việt.
Tết
Đoan Ngọ cúng gì ,ăn gì ?
Người dân thường làm lễ cúng Tết
Đoan Ngọ vào lúc sáng sớm mùng 5 tháng 5 âm lịch. Nhưng vì giờ Ngọ là khoảng
thời gian từ 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều nên thời điểm cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn
phải là vào khoảng thời gian này. Vì theo nhiều nghiên cứu văn hóa dân gian,
Tết Đoan Ngọ được ghép từ Đoan (mở đầu) và Ngọ (giờ ngọ). Chính vì thế, thời
gian cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào chuẩn thì thường vào giờ ngọ từ 11 giờ sáng
đến 13 giờ ngày 5 tháng 5 âm lịch.
• Cơm
rượu, rượu nếp, nếp cẩm là những món không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ ở
Việt Nam. Theo quan niệm của mọi người, bộ phận tiêu hóa của con người thường
có các loại vi khuẩn hoặc giun sán có hại, chúng thường cư trú sâu trong bụng
nên không phải lúc nào cũng tiêu diệt được.
• Chỉ
vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên thì chúng
ta mới có thể tận dụng cơ hội để loại bỏ chúng bằng cách ăn những thức ăn có vị
chua, cay, chát. Trong đó nổi bật nhất là cơm rượu, rượu nếp hay nếp cẩm. Đặc
biệt, nếu bạn thưởng thức món rượu này vào buổi sáng, ngay khi thức dậy thì
càng hiệu quả hơn.
• Trong ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Trung thời thịt vịt là một món ăn không thể thiếu. Nhiều người tin rằng vì mùng 5 tháng 5 là ngày tiết trời oi bức nên ăn vịt sẽ giúp cho cơ thể mát mẻ hơn. Biếu quà trong ngày Tết Đoan Ngọ không phải là điều phổ biến nhưng một số vùng như Vinh, Nghệ An có tập tục con rể biếu quà Tết Đoan Ngọ cho nhà vợ. Việc tặng thịt vịt là cách để con rể bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn với bố mẹ vợ.
• Chè kê là món ăn đặc trưng của người Huế trong dịp Tết Đoan Ngọ. Sau khi xay hạt kê và loại bỏ lớp vỏ, người ta ngâm rồi đun sôi cho đến khi nở mềm, sền sệt rồi thêm nước đường cùng chút gừng là đã được một nồi chè kê thơm phức, vô cùng hấp dẫn cho cúng kiến và thưởng thức.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường phải đặt trên bàn thờ gia tiên giống như nghi lễ cúng gia tiên thông thường. Mâm cúng Tết Đoan Ngọ cũng có thể được đặt ngoài trời với mong muốn xua tan sâu bệnh, ước mong con người, vật nuôi, cây trồng tươi tốt, khỏe mạnh.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cần thiết để cúng, mọi người sẽ bày biện các lễ vật vào một chiếc mâm cúng và đặt ngay ngắn ở trên bàn thờ hoặc bàn ngoài trời, thắp nến xung quanh. Đợi đến đúng giờ tiến hành nghi lễ cúng bái, thắp hương và đọc văn khấn gia tiên.
- Theo lệ thì đúng ngọ , người dân ở các vùng thôn quê sẽ rủ nhau đi hái lá. Đây chính là thời khắc có dương khí tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào thời điểm này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột. Hoặc là đem những lá thuốc như vậy nấu nước xông để giải cảm rất tốt. Ở miền Bắc ,Tết Đoan Ngọ thì thường người ta sẽ dùng những cây mùi già để nấu lấy nước tắm để giải trừ vận xui và khí độc trên người.Ở miền Nam mọi người vẫn thường buộc một chùm lá xông như vậy ở trước nhà để xua đi điềm rủi. Ở vùng ven sông hay biển thì người dân cũng hay rủ nhau ra tắm sông, tắm biển thay cho tục tắm lá mùi xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét