11 thg 10, 2008

Tết Hà Nội trong ký ức tôi

Tuổi trẻ đã qua đi nên tôi không chờ đợi tết , không mong tết . Nhưng nàng xuân vẫn cứ đúng hẹn lại đến với những tín hiệu cụ thể , mồn một đập vào mắt , vào tai khiến tôi không thể nào hờ hững được . Đường phố , chợ búa đông người hơn. Xe cộ chạy tấp nập , còi xe vang lên ồn ào.Dường như ai cũng vội vã hơn ngày thường . Nhiều ngôi nhà vừa được quét vôi lại trông đẹp hẳn lên như cô gái vừa thay áo mới.Trong cái không khí rộn ràng đó,tôi chợt nhớ về một muà xuân khó quên trong ký ức , thời còn sống ở Hà Nội.

Hà Nội là quê quán và cũng là nơi chôn rau cắt rốn của tôi . Tôi xa Hà Nội từ bé , không phải là “ năm lên mười tám khi vừa biết yêu “ mà vào năm mười hai tuổi . Năm 1954 , đang giữa học kỳ hai năm cuối bậc tiểu học - tôi sống với ông bà nội từ bé - thì bố mẹ tôi từ Hải Phòng cho người về Hà Nội đón để cùng gia đình di cư vào Nam. Lúc đó vì tuổi nhỏ, tôi không quan tâm đến lý do vì sao bố mẹ lại di cư và điều này cũng chẳng ai giải thích cho tôi hay.Nhưng mười hai năm sinh ra và lớn lên tại Hà Nội , tôi đã trải qua một quãng đời ấu thơ đong đầy những kỷ niệm sâu sắc .

Năm xa Hà Nội cũng là năm tôi ăn một cái tết cuối tại đất Bắc. Tôi còn nhớ tháng chạp năm đó, trời tự dưng trở rét .Những ngày giáp tết thời tiết càng lạnh hơn. Tối ngủ đắp hai lớp chăn bông vẫn còn thấy rét . Sáng dậy bước xuống giường lạnh cóng chân tay,tôi không dám rửa mặt mà chỉ lấy khăn nhúng vào nước nóng vắt ráo rồi lau mặt sơ qua .Súng sính chiếc aó len dài tay mà bà nội mới mặc cho ,tôi chạy ra xe phở đậu gần nhà .Trời rét mà ăn quà thì theo tôi không món nào ngon hơn phở. Móc trong túi ra đếm những đồng hào ( tiền xu bây giờ ) gom nhặt cả tuần ,tôi gọi một bát tái nạm . Trong khi chờ đợi, tôi dõi nhìn ông hàng phở tay thoǎn thoắt như múa, giữa bánh phở, thịt bò và hành ngò. Khi bát phở đã được dọn ra trước mặt , tôi hít hà cho mùi thơm quyến rũ của phở lan tỏa khắp ngũ tạng rồi mới ăn .

Chiều 27 tết ,bà nội mới cho lệnh gói bánh chưng. Nhà trở lên nhộn nhịp vì các cô chú gom gạo thịt hay tiền để nấu chung mỗi nhà dăm cặp. Đông người nên thùng nấu bánh chưng rất lớn . Bếp nấu là những viên gạch thẻ xếp theo thế kiềng ba chân đặt ở sân giữa ,phía trước cây hương .Bánh nấu suốt đêm ,đến sáng mới vớt ra bày từng cặp trên cái bàn ăn lớn .Ông nội cho để một tấm ván to lên trên và dùng hai cái cối đá to đùng để ép cho bánh ráo nước . Sau tám tiếng , bánh chưng mới được phân chia cho những người góp nấu mang về nhà. Bao giờ tôi cũng là người nếm bánh chưng tết đầu tiên vì cuối buổi gói ,thế nào bà nội cũng nhín tay ưu aí gói cho riêng tôi một cái nhỏ hơn nhưng nhân bánh rất đặc biệt ngon khỏi chê .

Sáng hôm sau, tức 28 tết , lúc gần trưa thì bố mẹ và các em tôi từ Hải Phòng đến bằng tàu hoả .Đây là dịp anh em chúng tôi tụ hội cùng nhau chơi đùa .Tôi đưa mấy đứa đi dạo chơi Giám (lúc đó ít ai gọi là Quốc Tử Giám ). Nhà ông bà nội tôi ở cuối phố Sinh Từ ( là phố Nguyễn Khuyến bây giờ ) nên chỉ đi bộ dăm phút là tới. Ngó mãi mấy cái bia đặt trên các con ruà khắc những chữ nho ngoằn nghoèo hay chạy đuổi bắt mấy con chuồn chuồn ngô hoài chẳng được cũng chán, tôi dẫn các em đến cái miếu nhỏ nằm ở cuối Giám .Ngôi miếu nhỏ nhưng đầy người . Chỉ nhìn qua là tôi biết đang có người lên đồng . Len lách mãi tôi cũng dắt các em lọt qua hàng rào người đứng ngồi chen chúc quanh chiếc chiếu hoa trước bàn thờ, nơi có “đồng cô “ đang ngồi lắc lư với chiếc khăn đỏ chùm trên đầu .Chúng tôi chờ mất cả nửa giờ thì “ cô “ mới “thăng” .”Cô” nhảy tưng tưng , múa tay vung vẩy theo tiếng đàn í e réo rắt và tiếng chiêng chập chập , cheng cheng . Sau cả mười lăm phút ,dáng chừng mỏi rồi nên “cô” ngồi xuống .Đây là giây phút mà tôi chờ đợi vì “cô “sẽ ban phát "lộc" .Đó là những đồng tiền giấy mới toanh được gấp xoắn thành những chiếc quạt hay con bướm ,con chim ... Mọi người xúm lại nịnh để “cô” phát lộc cho mình .Hôm ấy “cô” vui hoặc anh em chúng tôi gặp hên hay sao mà khi hết lộc rồi “cô’ còn mở tráp lấy ra một xấp tiền mới khác phát thêm .

Có tiền ,tôi dắt các em ra trước Giám làm mấy đĩa gỏi bò khô , thứ quà Hà Nội ăn chơi mà ngon đáo để .Sau này ăn ở miền Nam tôi không thấy người nào bán món gỏi bò khô có mùi vị hấp dẫn như thế.Chỉ cần nghe tiếng kéo cắt thịt bò khô "cách cách" giòn tan từ xa là tôi đã thèm ứa nước dãi đầy miệng rồi .

Sống với ông bà nội ,tôi nhận ra trong các công việc chuẩn bị đón Tết, quan trọng nhất là cúng giao thừa. Bàn thờ lễ giao thừa phải đặt ở ngoài sân . Hai bên bát nhang có hai ngọn nến trung màu đỏ. Lễ vật gồm có con gà, bánh chưng, mứt , kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu và không thể thiếu được giấy bạc, giấy tiền, vàng mã.Đặc biệt gà cúng phải là gà trống thiến và bao giờ ông nội tôi cũng tự tay cắt tiết và làm gà .Khi kim đồng hồ chỉ đúng 12 giờ, tức thì chuông chùa Bà Ngô gần nhà đổ liên hồi, pháo nổ không ngớt từ nhà này sang nhà khác.Ông nội tôi khăn áo chỉnh tề,bước ra trước bàn thờ thắp nhang khấn lễ cầu xin đất trời, thần thánh phù hộ cho gia đình có một năm may mắn, bao nhiêu sự không may của năm trước hãy đi qua. Bà nội , bố mẹ tôi và các cô chú khác lần lượt nối tiếp nhau ra đứng khấn vái , mỗingười đốt một nén nhang Sau lễ giao thừa ,ông nội tôi mở một quyển sách lịch toàn chữ Tàu để chọn giờ,chọn hướng cho việc xuất hành lễ chùa và hái lộc đầu năm .Chỉ có bà nội và một vài người lớn được cho đi theo . Ông tôi vào nhà soạn bút mực chuẩn bị khai bút mừng xuân . Còn tôi và các em được mẹ dắt vào phòng , bắt phải ngủ .Mẹ bảo ngủ để ngày mai mới có sức dậy sớm chúc tết ông bà , cha mẹ đúng giờ, nếu không dậy trễ thì “dông” cả năm (có nghĩa là sẽ gặp những điều xui rủi hoặc không may mắn trong năm đó).

Năm nay xuân lại về trên khắp mọi miền đất nước .Không khí tết bây giờ có khác xưa vì không có tiếng pháo nổ vang nhưng trong tôi vẫn rạo rực cảm nhận sự chuyển mình của cuộc sống thiên nhiên , của vạn vật . Tất cả đang rung động đổi thay trước thềm xuân mới .Hồi tưởng lại hình ảnh những ngày tết Hà Nội năm xưa , tôi thoáng thấy lòng mình se lại khi kỷ niệm của những ngày năm hết tết đến ngày xưa chìm trong sâu lắng bất chợt hiện ra trong ký ức như một khúc phim quay chậm . Ông bà ,cha mẹ không còn nữa nhưng tôi vẫn hình dung ra từng lời nói ,việc làm của các người mỗi khi tết đến .Dù cho cuộc sống có thay đổi, phát triển đến mức độ như thế nào, nhưng những tập tục ,lề thói tốt của cha ông vẫn được lưu giữ và truyền lại cho con cháu và trở thành nguyên tắc sống cho thế hệ mai sau. Nhưng đó không phải quan điểm của riêng tôi mà có lẽ ai cũng nghĩ thế.
Mỗi năm trôi qua có nhiều chuyện buồn để lại nhưng cũng có biết bao cái được ,cái mới đáng nâng niu trân trọng. Vậy thì sao chúng ta không lạc quan tin yêu vào tương lai thay vì phải buồn trước sự hiện hữu đột biến phản diện của một mặt nào đó trong cuộc sống ? Trong niềm suy nghĩ ấy ,bất chợt tôi liên tưởng đến hình ảnh đóa mai đầy sức sống trong hai câu song thất kết thúc bài " Cáo tật thị chúng " nổi tiếng của thiền sư Mãn Giác viết trước lúc viên tịch :

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai

Ghi chú :
----------
Bài đã đăng trong Đặc san xuân 2008 Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..