Nhớ về SAIGON với bao kỷ niệm xa xưa ......
Chuyện “bí mật” đó đã xảy ra cách đây hơn 60 năm bây
giờ mới “tiết lộ” nhưng được nói một cách công khai chứ không vụng trộm như hồi
còn nhỏ. Như vậy là tôi đã “biết thưởng thức” cà phê hơn 60 năm và thói quen đó
đã trở thành “ghiền” trước cả khi biết đến thuốc lá.
Cà phê và thuốc lá gắn bó với nhau như bóng với hình,
một đằng là “nghiện” cafeine và một đằng là nicotine. Thực ra, chẳng có cái nào
đáng được gọi là tốt đẹp nhưng suy cho cùng, “ghiền” cà phê vẫn còn đỡ hơn
“nghiện” thuốc phiện, ngày nay giới trẻ lại bước sang một lãnh vực mới là ma
túy.
Phải lên đến trung học đệ nhất cấp, tức cấp 2 ngày nay, tôi mới “chính thức” gia nhập hàng ngũ những người nghiện cà phê. Lý do thật đơn giản: học thi Trung học Đệ nhất cấp trên Ban Mê Thuột nên cần cà phê để khỏi buồn ngủ vì đây là loại thức uống kích thích sự hưng phấn. Điều kỳ lạ là người nghiện cà phê cảm thấy như được sảng khoái hẳn lên khi chất cafeine được nạp vào cơ thể.
Phải lên đến trung học đệ nhất cấp, tức cấp 2 ngày nay, tôi mới “chính thức” gia nhập hàng ngũ những người nghiện cà phê. Lý do thật đơn giản: học thi Trung học Đệ nhất cấp trên Ban Mê Thuột nên cần cà phê để khỏi buồn ngủ vì đây là loại thức uống kích thích sự hưng phấn. Điều kỳ lạ là người nghiện cà phê cảm thấy như được sảng khoái hẳn lên khi chất cafeine được nạp vào cơ thể.
Theo một truyền thuyết, khoảng năm 1671, những người
chăn dê ở Kaffa (phía tây Ethiopia ngày nay) phát hiện ra một số dê trong đàn
sau khi ăn một cành cây có hoa trắng và quả màu đỏ đã chạy nhảy không mệt mỏi
cho đến tận đêm khuya. Họ bèn đem chuyện này kể với các thầy tu. Sau đó các
thầy tu đã đi xem xét khu vực ăn cỏ của bầy dê và phát hiện ra một loại cây có
lá xanh thẫm và quả giống như quả anh đào. Như vậy có thể nói rằng nhờ đàn dê
này mà con người đã biết đến cà phê!
Cây
và trái cà phê
Hương vị cà phê thế nào thì những người nghiện hay
không nghiện cà phê đều đã có dịp trải qua. Nhưng mùi hoa cà phê tôi chắc chỉ
một số ít người được thưởng thức và tôi tự hào thuộc số ít người đó. Rất tình
cờ, trong một chuyến du lịch xuyên Việt với đoàn sinh viên Mỹ cùng giáo sư Bùi
Dương Chi lên vùng cao nguyên, khi xe vào địa phận Kontum đã thoảng một mùi
hương êm dịu.
Chưa thấy cây cà phê mà đã cảm nhận được một sự khác
lạ, hương thơm ngào ngạt. Xe tiến vào sâu hơn và từ từ hiện ra trước mắt hai
mảng màu xanh-trắng hòa quyện với nhau. Thật may mắn, chúng tôi đến đây đúng
vào mùa cà phê nở hoa trắng xóa hai bên đường…
Đám sinh viên nhao nhao đòi dừng xe để thấy tận mắt
cây cà phê, ngửi tận mũi hoa cà phê. Có điều, mùi hương thoảng theo gió rất dịu
nhẹ nhưng đến gần mùi đó trở thành hăng hắc. Một số người có thể bị dị ứng với
hoa cà phê khi đến gần cũng tựa như một người đẹp nhìn từ xa thấy “mát mắt”
nhưng nếu đến gần lại mang nỗi thất vọng vì lý do nào đó! Khổng Tử đã dạy: “Kính
nhi viễn chi” là vậy.
Hoa
cà phê
Chuyện dê phát hiện ra thứ nước uống “thần kỳ” thuộc
về… thần thoại. Nhưng nhiều học giả vẫn quả quyết là tỉnh Kaffa của Ethiopia
tận bên Phi châu là vùng đất trồng cây cà phê đầu tiên trên thế giới từ thế kỷ
thứ 9. Đến thế kỷ thứ 14 những người buôn nô lệ đã mang cà phê từ Ethiopia sang
vùng Ả Rập nhưng tới thế kỷ thứ 15 người ta mới biết rang hạt cà phê lên và sử
dụng nó làm đồ uống.
Cách thức pha chế cà phê truyền thống của người
Ethiopia dĩ nhiên là cách thức cổ xưa nhất. Họ để hạt cà phê vào một cái chảo
sắt to và rang lên, sau đó được nghiền vụn hoặc cho vào cối giã thành bột cà
phê. Chỗ hạt giã vụn đó được trộn với đường trong một cái bình gọi là “jebena”
(một loại bình cổ thon có quai) và được nấu lên rồi đổ ra bát. Thế là đã có
“bát” cà phê thơm ngon để thưởng thức.
Theo nhiều tài liệu, quán cà phê đầu tiên được mở ở Ba
Tư, tức Iran ngày nay. Trong những quán nhỏ ở vùng Tiểu Á, Syria và Ai Cập
người ta gặp nhau tại đây để thưởng thức loại thức uống kỳ lạ. Kể từ năm 1532,
các quán cà phê này luôn đông nghịt khách.
Vào thế kỷ 17, cây cà phê được trồng phổ biến tại các
thuộc địa của Hà Lan, đưa nước này lên vai trò thống trị ngành thương mại cà
phê. Ở Constantinopolis (Istanbul ngày nay) cà phê được biết đến lần đầu tiên
vào năm 1517. Đến năm 1645, quán cà phê đầu tiên của Ý được mở ở Venezia, tức
thành phố "sông nước hữu tình" Venise.
Tại Anh, lần lượt xuất hiện các quán cà phê từ năm
1650 ở Oxford và năm 1652 ở London. Ở Pháp, những quán đầu tiên được khai
trương vào năm 1659 tại thành phố cảng Marseille và tiếp đó là Paris vào năm
1672.
Vào năm 1683, thành phố Wien (Viena), thủ đô của Áo,
cũng có quán cà phê đầu tiên do một người Ba Lan làm chủ sau khi nước Áo giành
thắng lợi trước Thổ Nhĩ Kỳ và tịch thu được… 500 bao cà phê “chiến lợi phẩm”.
Wien sau đó trở thành một thành phố với những quán cà phê nổi tiếng nhất. Tôi
đã có dịp đến Vienna và thưởng thức cà phê của Áo. Điều kỳ lạ trong một số quán
cà phê tại đây, trước khi mang ra cà phê, người ta phục vụ hai ly nước lạnh,
hai chứ không phải là một ly! Tại sao lại 2 ly chứ không phải 1 ly theo lẽ
thường tình? Cho đến giờ, tôi vẫn thắc mắc tại sao như vậy. Phải chăng đây là một
tập quán phục vụ khách hàng một cách… hậu hĩnh. Quả là một tập quán khó hiểu.
Một
quán cà phê cổ ở Palestine (Ảnh Wikipedia)
Người Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa và họ cũng
thiết lập tại đây những đồn điền trồng các loại cây mà sau này gọi là “cây công
nghiệp”: cây cao su tại miền Nam từ năm 1879, cây cà phê năm 1888 tại miền Bắc
và sau đó là cây chè (1924). Chính phủ bảo hộ lập đồn điền cà phê đầu tiên tại
Kẻ Sở ở Tonkin (Bắc Kỳ) với giống cà phê Arabica, hay còn gọi là cà phê chè,
được mang từ đảo Bourton sang. Sau khi thu hoạch cà phê được mang thương hiệu Arabica
du Tonkin và xuất cảng sang Pháp.
Giống Arabica có năng suất thấp và chất lượng kém nên
sau đó được du nhập thêm giống Robusta (gọi là cà phê vối) và giống
Mitcharichia được gọi là cà phê mít kể từ năm 1908. Đồn điền cà phê được thành
lập tại nhiều nơi ở Bắc kỳ như Hà Tĩnh (1910), Yên Mỹ, Thanh Hóa (1911), Nghĩa
Đàn, Nghệ An (1915). Mãi đến năm 1925 mới được trồng ở vùng cao nguyên phía Nam
như Ban Mê Thuột, Kontum và Di Linh.
Thuở ban đầu người Việt chỉ biết cắm cúi trồng và chăm
sóc cây cà phê, đến khi ra trái người Pháp lại “xuất cảng” về chính quốc. Uống
cà phê vào thời đó là một cái thú của các quan thuộc địa và một số ít người bản
xứ “có máu mặt”. Công nhân các đồn điền cà phê chỉ biết “đổ mồ hôi, sôi nước
mắt”, bán sức lao động để kiếm cơm.
Claude Bourrin, nhân viên sở thuế đã từng sống và làm
việc ở Hà Nội, ông cũng là cây bút viết ký sự về Bắc kỳ xưa, đã ghi lại
một số những quán “cà phê Tây” từ năm 1885 trên đường Pháp Quốc (sau đổi thành
Paul Bert và nay là đường Tràng Tiền) như quán cà phê Thương Mại, Sĩ
Quan, Hòa Bình, Paris, Quảng Trường...
Chủ quán cà phê Sĩ Quan là De Beire,
người phụ nữ hiếm hoi có mặt rất sớm ở Hà Nội. Đây là nơi tụ họp của những
người lính viễn chinh, họ đến quán để gặp bạn bè, đánh bài và giải khát. Đôi khi
nước giải khát được thêm vào những cục đá lạnh được chở đến từ Hải Phòng.
Những quán cà phê Pháp ở Hà Nội là cả một xã hội thu
nhỏ giữa cánh nhà binh phiêu bạt và giới cai trị đầy uy quyền của chính phủ bảo
hộ. Claude Bourrin cũng mô tả thân phận người bản địa bên phố cà phê, đó là
những đứa trẻ đói rách, giành giật nhau để được giữ ngựa cho khách.
Cối
xay cà phê ngày xưa
Miền Nam, nói theo ngôn ngữ bây giờ là “đi
sau, về trước” trong lịch sử cà phê vì cây cà phê được trồng trước
tiên tại miền Bắc nhưng những quán cà phê lại mọc lên như nấm tại miền Nam.
Theo nhà văn Sơn Nam [1], tại Sài Gòn khoảng năm 1864, đã thấy xuất hiện hai
tiệm cà phê do người Pháp làm chủ, đó là quán Lyonnais trên
đường De Lagrandière (sau đổi thành đường Gia Long và nay là đường Lý Tự Trọng)
và Café de Paris trên đường Catinat (sau đổi thành đường Tự Do
và ngày nay là Đồng Khởi).
Khách sạn Continental bên cạnh Nhà hát Thành phố cũng
có một khu vực cà phê lộ thiên, nói theo ngôn ngữ bình dân là “cà phê vỉa hè”,
nhưng ngược lại, đây là nơi sang trọng dành cho khách Tây thuộc địa. Tại khu
vực quận nhất, nhiều quán cà phê cũng nhanh chóng xuất hiện như Café de
la Musique, Grand Café de la Terrasse, Café des Fleurs...
để phục vụ lính viễn chinh lẫn người bản địa giàu có, sớm hấp thụ lối sống
phương Tây.
Thời chiến tranh Việt Nam cũng là lúc các quán cà phê
mọc lên như nấm sau mưa. Edith Lederer, nhà báo lão thành của Associated Press,
hồi tưởng lại chuyện các quán cà phê Sài Gòn: “Văn phòng của AP nằm
trong tòa nhà Eden. Nhà báo chúng tôi ngồi ở Givral, Brodard và La Pagode nói
đủ chuyện trên đời và nghe ngóng tin tức”.
Cái gọi là “Trục Cà Phê” La
Pagode-Givral-Brodard đã từng một thời là trung tâm báo chí của chiến tranh
Việt Nam, nơi quy tụ những phóng viên hàng đầu về báo chí như Peter Arnett,
Larry Burrows... Từ đây những thông tin nóng hổi về cuộc chiến đến tay người
đọc khắp thế giới.
Cũng ở cái “Trục Cà Phê” đó, “Tướng
Givral” Phạm Xuân Ẩn quanh năm la cà ở cà phê Givral ngay dưới chân văn phòng
của hãng thông tấn AP. Tuy nhiên, ít ai ngờ người phóng viên tờ Time này
lại là một nhà tình báo của… “phía bên kia”.
Cà
phê “vỉa hè” tại Khách sạn Continental
Giới bình dân có rất nhiều “địa chỉ” để lui tới với cà
phê. Trước nhất là những quán cà phê của các Chú Ba gốc Quảng Đông. Vào đây,
khách thường uống cà phê kèm với các món ăn sáng như hủ tiếu, mì hoằn thắn,
bánh bao, xíu mại… Khách chỉ có loại “cà phê vớ” hay “cà phê kho” để thưởng
thức, có người còn nhúng dầu-cha-quẩy (miền Bắc gọi tắt là “quẩy”) vào ly cà
phê, thế là xong một bữa ăn sáng.
Cà phê “vớ” (dzớ, vợt) là thứ cà phê được để trong một
cái túi bằng vải hình phễu. Vợt chứa cà phê để trên miệng siêu (loại siêu
sắc thuốc) trước khi chế nước sôi vào, thế là có ngay một ly cà phê thơm phức.
Gọi là cà phê “kho” vì chứa trong siêu, nấu đi nấu lại như kho. Nếu “kho” nhiều
lần có thể sánh lại, mất hẳn mùi thơm của cà phê, chỉ còn vị như… thuốc bắc trong
siêu!
Siêu
đựng cà phê trong các tiệm cà phê của người Tầu
Hồi xưa, người “sành điệu” còn nhắp cà phê qua đĩa chứ
không uống qua ly. Người ta giải thích khi đổ cà phê từ ly vào đĩa cà phê sẽ
mau nguội hơn. Các cụ già còn có thế ngồi một chân chạm đất còn chân kia để
trên ghế như vậy sẽ cảm thấy “thoải mái” hơn khi nhâm nhi cà phê sáng.
Người “sành điệu” cho rằng cách pha cà phê vợt và cách
chứa trong siêu đất sẽ giữ độ nóng của cà phê lâu hơn cách pha cà phê trong
“phin” (filtre) làm bằng kim loại. Cũng vì thế nhiều người lớn tuổi vẫn trung
thành với “cái vợt” hơn là “cái phin” khi việc pha cà phê được cải tiến.
Vợt
pha cà phê
Trong Sài Gòn Tạp Pín Lù học giả
Vương Hồng Sển [2] có viết về một quán cà phê của Sài Gòn xưa như sau, nhưng
ông không nói cà phê ở đây pha bằng vợt hay bằng phin:
“... Từ 1950 cho đến trào ông Diệm, khi quán cóc trước
cửa Thảo cầm viên chưa bị trục xuất để chỉnh trang vườn bách thảo và đô thành.
Lúc ấy nơi trước cửa vườn mé bên Ba Son có một quán nhỏ bán cà phê, người chủ
quán vì tai nạn chiến tranh bị cắt mất một chân nên có biệt danh là “quán thằng
Cụt”. Cụt ta đi nạng chống và mỗi lần xê dịch vẫn nhảy cò thọt còn mau lẹ hơn
chim nắc nước. Và Cụt sở trường pha cà phê rất đậm rất ngon, cà phê buổi sáng
hơi nghi ngút giá chỉ có một đồng rưỡi một tách không sữa”.
Sang đến thập niên 60 đã có nhiều bước tiến bộ trong
cả cách pha chế lẫn không gian cà phê. Góc đường Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực có
nhà hàng Kim Sơn với bàn ghế bày ra hiên để các văn nghệ sĩ vừa được dịp uống
cà phê vừa được “rửa mắt” ngắm nhìn những người đẹp “bát phố Bonard”. Chủ Kim
Sơn là người Tầu nhưng đã biết khai thác tiệm theo kiểu cà phê “lộ thiên” của
Paris.
Cà
phê Kim Sơn
Gần Bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi ngay cạnh rạp
Vĩnh Lợi cũng có một nhà hàng với món nổi tiếng là cà phê sữa đá. Sinh viên sĩ
quan Thủ Đức sáng chủ nhật được đi phép thường ngồi đây thưởng thức một đĩa
bánh mì thịt nguội hay một tô “suông” cho bõ những ngày trên thao trường đổ mồ
hôi.
Lại nói về sinh viên sĩ quan Thủ Đức về phép Sài Gòn.
Một số người chọn cà phê Hân trên đường Đinh Tiên Hoàng, khu Đa Kao. Cà phê ở
đây không có gì xuất sắc nhưng bầu không khí ấp áp và đặc biệt là cô ngồi
caisse khiến nhiều anh cứ Chủ Nhật rời quân trường là đến... “trồng cây si”.
Sau 1975 đi học tập về tôi có ghé cà phê Hân thường
xuyên, không phải để uống cà phê vì quán đã đóng cửa mà là kèm Anh văn cho gia
đình để sửa soạn đoàn tụ cùng người thân bên Mỹ. Bà chủ nhà thấy thầy cứ phải
đi xe buýt đến dạy nên “ưu ái” cho một chiếc xe đạp cũ làm phương tiện di
chuyển.
Tôi sẽ nhớ mãi chiếc xe đạp này dù ngày nay không còn
nữa, chiếc xe đã để lại “tình người” nên không thể nào quên. Gia đình cà phê
Hân nay đã ở Hoa Kỳ, nếu một duyên may nào đó khiến họ đọc được bài viết này,
tôi xin một lần nữa nói lời cám ơn.
Ở cà phê La Pagode khách không ngồi ghế sắt hay ghế gỗ
mà ngồi trên những salon bọc da để phóng tầm mắt nhìn ra con đường Catinat, con
đường đẹp và sang nhất Sài Gòn. Ðối diện khách sạn Continental là tiệm cà phê
Givral phục vụ thêm các loại bánh ngọt đi kèm. Cà phê Brodard cũng nằm trên
đường Catinat với phong cách Tây: có máy lạnh, mặt tiền bọc kính để khách có
thể nhìn người qua lại.
Ði xa hơn một chút có quán cà phê Gió Nam trên đường
Richaud (sau đổi là Phan Ðình Phùng và ngày nay là Nguyễn Đình Chiểu). Gió Nam
hút khách vì có “cô hàng cà phê”, nước da trắng, hơi có vẻ xanh xao với mái tóc
thề mang dáng vẻ liêu trai “hút hồn” khách vãng lai. Cô gái đã đi vào tiểu
thuyết của Duyên Anh nhưng không biết nhà văn bụi đời này có trồng cây si cô
hàng cà phê hay không.
Một trong những quán cà phê trang trí có hạng tại Sài
Gòn thời chiến tranh phải kể đến Quán Gió trên đường Võ Tánh. Sau được đổi tên
là Hầm Gió vì quán nằm sâu dưới lòng đất theo phong cách một hầm rượu ở Châu
Âu. Ca sĩ Thanh Lan vẫn thường đến đây giúp vui trong bầu không khí văn
nghệ.
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn thuở còn vô danh đã bước
vào làng ca nhạc trên sân khấu của Quán Văn nằm trên bãi đất trống sau lưng Đại
học Văn khoa Sài Gòn. Khách của Quán Văn là sinh viên vốn ít tiền nên cà phê
tại đây cũng có giá “hữu nghị”. Họ đến đây vì tinh thần văn nghệ, Khánh Ly và
Trịnh Công Sơn đã có những buổi trình diễn ngoài trời không thù lao và phần
thưởng mà “nữ hoàng chân đất” gặt hái được chính là danh hiệu “một hiện tượng
của tân nhạc Việt Nam” từ cuối thập niên 60.
Sài Gòn xưa có rất nhiều quán cóc nhưng ở đó người ta
có thể bắt gặp những khuôn mặt nổi tiếng như nhà thơ Bùi Giáng, nhà văn Sơn
Nam… ngồi cạnh bác xích lô, chú thợ nề. Tất cả đều chung một sở thích: uống cà
phê. Câu nói “đi uống cà phê” trở thành quen thuộc mỗi khi người ta rủ nhau hàn
huyên tâm sự ngoài quán dù có người uống thứ nước giải khát khác, không phải là
cà phê.
Cà
phê vỉa hè
Cà phê Sài Gòn sau 1975 mang bộ mặt mới trong suốt 10
năm đầu sống trong thời điêu linh, bao cấp và tem phiếu. Trong thời kỳ này,
người ta chỉ nghĩ đến gạo và nhu yếu phẩm… đầu óc đâu để nhâm nhi, thưởng thức
ly cà phê ngày nào. Nhưng đến thời kỳ Đổi Mới, chuyện uống cà phê như “sống
lại”.
Bây giờ chỉ ngay khu vực Hồ Con Rùa cũng thấy nhan
nhản quán cà phê thuộc loại sang trọng. Tên gọi cũng “đổi mới”, nào là Gió Bắc,
Window’s Café, Ciao Café… việc kinh doanh cà phê đã trở thành một nghề đòi hỏi
tiền của để đầu tư và cả chất xám để quảng bá.
Nổi bật nhất là một loạt 55 cửa hàng mang thương hiệu
Trung Nguyên [3] tại Việt Nam và 5 cửa hàng “nhượng quyền” tại Singapore và
Nhật Bản của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người được mệnh danh là “Vua cà phê
Robusta” của Việt Nam. Đến nay, cà phê Robusta do Trung Nguyên sản xuất đã có
mặt tại 60 quốc gia, ông Vũ cho biết trong một cuộc phỏng vấn:
“Cà phê Robusta không phải là chất lượng thấp hơn. Lý
do chính là do những người yêu thích cà phê trên thế giới được học cách uống cà
phê Arabica. Một phần lớn công việc của công ty chúng tôi là nâng cao chất
lượng hạt cà phê tại địa phương. Chúng tôi làm việc với nông dân để giới thiệu
cho họ về hệ thống tưới công nghệ cao, giảm sử dụng thuốc trừ sâu và tăng thu
nhập cho nông dân”
Một
cửa hàng cà phê Trung Nguyên tại Sài Gòn
Khi mới bước chân vào thị trường cà phê, Trung Nguyên
đã gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ trong cũng như ngoài
nước. Cuộc chạy đua quảng cáo giữa Trung Nguyên và Nestlé với thương hiệu “café
hoà tan” mang nhiều điều thú vị. Khi cà phê G7 của Trung Nguyên quảng cáo "Giúp
suy nghĩ mạnh hơn" thì Nescafé đưa ra thông điệp: "Ngon
hơn, vị cà phê mạnh hơn". Phản công lại, G7 phát đi thông
điệp "Vị cà phê cực mạnh", đáp lại, Nescafé đổi quảng
cáo "Bạn đã đủ mạnh để thử" và Trung Nguyên phát ra
khẩu hiệu: "Mạnh chưa đủ, phải đúng gu"....
Vinacafe Biên Hoà, đối thủ cạnh tranh trong nước với
Trung Nguyên cũng đang hồi phục rất nhanh trong những năm gần đây nhưng đáng
gờm nhất là cuộc đổ bộ vào “thánh địa cà phê Việt” của người khổng lồ StarBucks
thông qua hợp tác với Tập đoàn Maxim Group (Hồng Kông) trong năm 2013.
Ông Jinlong Wang, chủ tịch của công ty Starbucks tại
khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Trong tình hình số lượng cà
phê được tiêu thụ ở các nước phương Tây đang sụt giảm. Trong khi đó Việt Nam mở
ra nhiều cơ hội to lớn. Việt Nam là đất nước với truyền thống yêu cà phê và số
lượng người dân có thu nhập trung bình đang tăng lên”.
Trung Nguyên có vẻ như nóng nảy khi ông Đặng Lê Nguyên
Vũ đưa ra nhận xét về Starbucks là "một thứ nước đường có chút mùi
cà phê". Khi nói như vậy, ông Vũ chắc muốn nhấn mạnh dân ghiền cà
phê ở Việt Nam đã quen uống một thứ cà phê đậm đặc với nhiều công thức pha chế
bí mật. Nói như vậy cũng hàm ý người Việt có "gu" uống cà phê rất
khác với nước ngoài.
Tuy nhiên, những ai chưa từng uống loại “cà phê rang
đậm” (Darkroast) của Starbucks thì hãy khoan vội kết luận là người nước ngoài
chỉ biết uống nước đường có chút mùi cà phê vì đó là một loại cà phê tinh khiết
rất đậm mùi cà phê không lẫn lộn các mùi vị tạp nhạp khác.
Ngay tại Mỹ, giá cà phê Starbucks cũng không rẻ, ít
nhất cũng phải trên $4 một ly. Xem ra người Việt trung lưu vào ngồi Trung
Nguyên với giá khoảng 20.000 một ly sẽ không bén mảng tới Starbucks, nơi dành
cho giới thượng lưu, giới “nhà giàu mới” hoặc giới trẻ “lắm tiền nhiều của”.
Trong ngày đầu khai trương tại Sài Gòn, Starbucks đã thành công với hàng dài
người xếp hàng chờ được thưởng thức… “của lạ”.
Ở Sài Gòn, tôi đã có lần vào Starbucks. Cách bài trí
cũng giống như các Starbucks khác trên khắp thế giới. Có bàn ngoài trời dành
cho khách hút thuốc hay thích ngắm xe cộ dập dìu tại Ngã Sáu Sài Gòn. Bên trong
tương đối dài nhưng hẹp, có cầu thang dẫn lên lầu để khách có thể nhìn qua
khung cửa kính một thế giới di động chạy quanh tượng Phù Đổng…
Cũng như các Starbucks khác, tại quầy phục vụ khách
được hỏi tên để ghi vào ly sau khi nhận hóa đơn thanh toán, bước sang khu pha
chế khách chìa hóa đơn, xác nhận tên ghi trên ly và sau đó tự tìm chỗ ngồi mình
thích. Có nhiều loại bánh ngọt để dùng kèm với cà phê… lại nhớ đến cái
dầu-cha-quẩy thuở nào trong tiệm cà phê hủ tiếu của các Chú
Ba!
Lướt qua khách có mặt tại Starbucks ta thấy số đông là
các bạn trẻ ăn mặc thời thượng, có vài người nước ngoài chắc vào đây chỉ để
giải khát bình thường… Những khách có tuổi như chúng tôi cảm thấy lạc lõng như
vào lầm tiệm cà phê, đó cũng là một trong những mục đích của Starbucks khi đến
Việt Nam: Khai thác đối tượng là giới trẻ.
Nhân
viên phục vụ Starbucks tại Sài Gòn
Để chấm dứt tản mạn về cà phê tôi xin đưa ra một câu
hỏi: “Có bao giờ bạn nghĩ cà phê lại liên quan đến… tôn giáo?”.Câu
trả lời của tôi là “Có” sau khi khám phá quán The Fig Lounge &
Coffee.
Rất tình cờ, một “thổ công Sài Gòn” đưa chúng tôi đến đây với lời giới thiệu: “Đi uống café chùa!!!”. Cứ ngỡ anh bạn chơi chữ, “chùa” là “free”, nhưng đến số 15 Nguyễn Thị Huynh (Huỳnh?) quận Phú Nhuận, tôi mới… té ngửa.
Rất tình cờ, một “thổ công Sài Gòn” đưa chúng tôi đến đây với lời giới thiệu: “Đi uống café chùa!!!”. Cứ ngỡ anh bạn chơi chữ, “chùa” là “free”, nhưng đến số 15 Nguyễn Thị Huynh (Huỳnh?) quận Phú Nhuận, tôi mới… té ngửa.
Từ ngoài nhìn vào là một khung cửa không lấy gì làm
rộng cho lắm, tấm bảng hiệu “The Fig” cũng nhỏ nhắn được treo
phía trên hàng rào bằng gỗ rất… “kín cổng cao tường”. Bước qua khung cửa hẹp
khách gặp ngay một bức tượng Phật bằng đá ngồi tĩnh tọa. Người ta thường thấy
Đức Phật ngồi trên tòa sen nhưng ở đây Ngài lại ngồi trên một hồ sen, mỉm một nụ
cười từ bi nhìn ra phía ngoài.
Bức
tượng Phật trên hồ sen tại “The Fig”
Màu xanh của cây cối xung quanh khiến ta bỏ lại sau
lưng cả một Sài Thành xô bồ, náo nhiệt. Khách mới chợt “ngộ” ra, trong số cây
đó có cây sung (the fig)… Theo Phật giáo, cây, hoa và quả sung cũng được gọi là
udumbara (tiếng Phạn là hoa đàm hay ưu đàm hoa).
The Fig được chia
thành hai khu vực để khách tùy chọn chỗ ngồi. Chúng tôi ngồi bên ngoài, phía
sau lưng tượng Phật. Ngoài cà phê còn có cả thức ăn sáng, cả chay lẫn mặn, được
giới thiệu qua tấm thực đơn rất… ấn tượng và giá cả cũng tương đối “mềm”.
Tôi tò mò mở cửa vào khu vực bên trong và thực sự bị
choáng ngợp bởi cách trang trí của The Fig. Chủ đề hoàn toàn mang
tính cách Phật giáo với hàng chục bức tượng, bức lớn nhất là một tượng Phật
ngồi ngay “chính điện”, xung quanh là những chiếc salon nhỏ dành cho khách.
Trong gian này, có lẽ khách thích nhất là bức bích họa các nhà sư áo vàng che
đầu bằng những chiếc lá sen…
Bích
họa trong cà phê “The Fig”
“Chính điện” được ngăn cách bởi chiếc kệ sách nhưng
những bức tượng nhỏ trang trí trên kệ sách mới là điểm thu hút người chiêm
ngưỡng. Gian kế bên rộng hơn, thiết trí nhiều salon hơn và trên tường nổi bật
nhất là 6 bức tượng các nhà sư ôm bình bát tạo thành một hàng dài tăng lữ khất
thực.
Sáu
nhà sư khất thực… trên tường
Chúng tôi bị cuốn hút vào lối trang trí tôn nghiêm nên
quyết định dời từ bên ngoài vào ngồi bên trong để có dịp thưởng thức bầu không
khí trang nghiêm bên ly cà phê. Buổi sáng cuối năm trời Sài Gòn bỗng trở lạnh
nhưng vẫn thấy ấm lòng giữa không gian tĩnh mịch của The Fig Lounge
& Coffee.
Một
góc ấm áp của “The Fig”
Saigon không thiếu gì cà phê ôm, cà phê võng, cà phê
bệt, cà phê cóc, cà phê vỉa hè… nhưng tìm được một quán cà phê “chùa” là cả một
duyên may.
Nguyen Ngọc Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét