Vịnh Hạ Long là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa. Vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.
Ha Long Bay
Tại miền Nam có Vịnh Cam Ranh , tên tiếng Anh là Cam Ranh Bay. Nơi đây là một cảng biển nước sâu thuộc thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, thường được xem là bến nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, thích hợp làm nơi tàu bè trú ẩn khi biển động. Vì địa thế chiến lược mà Cam Ranh được sự chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ. Hải quân Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô đã từng dùng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ chiến sự.
Cam Ranh Bay
Du khách đến Việt Nam thường thấy nhiều nơi xuất hiện những dòng chữ "Cấm Đái Bậy" nên cứ tưởng ta đang quảng cáo cho một vùng vịnh mới có tên "Cam Dai Bay"! Ngôn ngữ tiếng Việt quả là… nhiêu khê và người nước ngoài khi đến Việt Nam nhầm lẫn giữa 3 cái vịnh cũng là điều bình thường!
CAM DAI BAY
Để diễn tả hành động “tiểu tiện”, kho từ vựng của người Việt có rất nhiều từ ngữ dưới dạng “thanh” cũng có, mà “tục” cũng không thiếu. Người miền Bắc gọi “tiểu tiện” là “đi giải”, một từ ngữ nghe thật lạ tai đối với người miền Nam. Tuy nhiên, “đi giải” vẫn “thanh” hơn là… “đi đái”.
Hình dưới đây được chụp tại miền Bắc với mũi tên “Vệ sinh” chỉ vào một nơi được gọi là… “hố giải”. Ngày nay, các cháu nhỏ được dạy từ cấp tiểu học là “đi vệ sinh” thay vì “đi tiểu” hoặc “đi đái”. Cụm từ “đi vệ sinh” nghe rất thanh tao.
Hố giải = Hố tiểu
Rõ ràng là giữa hai từ “đái” và “tiểu” có sự khác biệt về mức độ “thanh-tục”. Hình như người miền Bắc có khuynh hướng dùng chữ “đái” nhiều hơn chữ “tiểu” (?). Điển hình là tên bệnh “đái tháo đường” được dùng khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc trong khi tại miền Nam lại gọi là “tiểu đường”.
Tôi không biết nhiều về y học nên không rõ có sự khác biệt nào giữa “đái tháo đường” và “tiểu đường” nhưng về phương diện ngôn ngữ, cái tên trước nghe “thô tục” và tên sau nghe có vẻ thanh tao hơn.
Các bệnh viện trên cả nước bác sĩ thường cho “thử nước tiểu” thay vì “thử nước đái”. Điều này cho thấy giữa “đái” và “tiểu” đều diễn tả cùng một hành động nhưng lại có sự khác biệt giữa một bên là ngôn ngữ “bình dân” và phía bên kia là hình thức ngôn ngữ tạm gọi là… “sử dụng mỹ từ”!
Có lẽ trường hợp chữ “tiểu” ở đây xuất xứ từ chữ “tiểu tiện”, một từ Hán Việt được dùng để phân biệt với “đại tiện” (đi cầu, đi tiêu) và “trung tiện” (người miền Bắc gọi là “đánh rắm” trong khi người miền Nam lại gọi là “đánh địt”).
Nói đi thì cũng phải nói lại, có nhiều trường hợp chữ “đái” không thể nào thay thế bằng chữ “tiểu”. Người ta thường nói con nít hay “đái dầm”, “đái mế” chứ không ai nói… “tiểu dầm” hay “tiểu mế”! Lại nữa, tục ngữ có câu:“Trai khôn lắm nước đái, gái khôn lắm nước mắt” hoặc ít có câu nào lột tả được hết tình đời đen bạc, phũ phàng như “Ăn cháo đái bát”.
Cát bụi trở về cát bụi... nước trở về với nước
Lại bàn về tiểu đường, một căn bệnh rất khó chữa vì phải uống thuốc trường kỳ, ngày nào cũng uống. Có những người không mắc bệnh lý tiểu đường nhưng lại mắc chứng… tiểu tiện ngoài đường. Gốc cây, bờ tường hay bất kỳ một chỗ khuất nào cũng có thể đứng hoặc ngồi để giải quyết cơn buồn tiểu. Người ta nói vui, họ “tưới cây” hay văn hoa hơn là… “đứng nhìn trời hiu quạnh”.
Năm 1994 tôi đã chụp được một loạt hình một người lớn tuổi, mới trông tưởng ông đứng ngắm cột đèn hay đọc quảng cáo trên đường Hàm Tử, quận 5. Hóa ra ông mắc chứng… tiểu đường.
Ông đang đọc quảng cáo trên cột điện?
Ông thư thái, nhẹ nhõm khi rời… "hiện trường"
Xem ra “tiểu đường” là một cái “tật” chứ không phải “bệnh” mà thời nào cũng thấy xuất hiện, tuy ở mức độ khác nhau. Trước năm 1975, Sài Gòn cũng đã cố chữa tật này nhưng không mấy hiệu quả. Người Sài Gòn lớn tuổi chắc vẫn còn nhớ, con đường Lê Lợi (Bonard) chỉ đông vui phía bên này đường với những người đi “bát phố Bonard”, dập dìu tài tử giai nhân. Phía bên kia đường là hình ảnh ngược lại, vắng như… chùa Bà Đanh. Không biết vì phần đường này ít ai lui tới vì không có tiệm lớn hay vì tại đây có một “cầu tiểu” xây bằng gạch để mọi người khi cần có chỗ “giải tỏa bầu tâm sự”. Điều đáng nói là “cầu tiểu” dù có nước chảy nhưng lúc nào cũng bốc mùi đặc trưng của nước tiểu.
Trên trang Flickr của anh Mạnh Hải có sưu tầm được một tấm hình “cầu tiểu” phía bên kia đường Lê Lợi từ bộ sưu tập của Darryl Henley. Nhìn kỹ phía bên trái hình có cảnh một cậu học sinh, một tay cắp cặp còn tay kia giơ lên bịt mũi. A picture says a thousand words!
“Cầu tiểu” phía bên kia đường Lê Lợi
Thêm một “cầu tiểu” nữa nằm nay phía bên hông Quốc hội, ngày nay gọi là Nhà hát Thành phố. “Cầu tiểu” này trông “khang trang” hơn cái ở đường Lê Lợi nhưng chắc chắn các dân biểu không bao giờ bén mảng tới. Cầu nằm ngay trên lề đường, rất thuận lợi cho những ai vào… “xả xú bắp”.
Có điều rất nhiều người không biết đến địa chỉ này nên “cầu tiểu” lâm vào tình trạng… ế khách vãng lai! Dưới đây là hai bức hình cũng do anh Mạnh Hải sưu tầm, được chụp từ năm 1964:
Cầu tiểu phía bên hông Quốc Hội
Cô nữ sinh đạp xe về nhà ngang qua… “cầu tiểu”
Thời nay, tật tiểu đường có vẻ như “ngày càng phát triển” khi ăn nhậu càng nhiều. Bia vào thì nước tiểu phải ra là điều dĩ nhiên. Có những người khi còn ngồi trong quán nhậu không cảm thấy sự đòi hỏi bức xúc phải trút bầu tâm sự nhưng trên đoạn đường về nhà mới thấy… tưng tức trong lòng.
Thế là đành phải ghé gốc cây tưới nước. Mặc kệ những biển cấm phóng uế. Họ bất chấp cả hình ảnh khủng khiếp dưới đây :
Bảng cấm tiểu tiện
Không phải chỉ ở xứ ta mới bị “tật tiểu đường”. Ai cũng biết Singapore là một đảo quốc thuộc loại “sạch & xanh” hàng đầu thế giới. Ấy thế mà tôi đã “chộp” được một tấm ảnh cấm tiểu tiện tại khu Little India. Bảng cấm tiểu tiện có kèm theo dòng chữ sẽ phạt 500 đô (Sing.) nếu vi phạm:
Ảnh chụp tại khu Little India, Singapore
Tin vui đọc trên VnExpress :
"Hà Nội chi 15 tỷ đồng xây 14 nhà vệ sinh”.Theo bản tin này, “UBND TP Hà Nội vừa cho phép Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, trong đó có 10 nhà vệ sinh 2 buồng và 4 nhà vệ sinh loại 4 buồng”.
Dự án có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư khoảng 350 triệu đồng, được thực hiện ngay trong cuối năm nay. Bài viết được đi kèm hình ảnh một nhà vệ sinh công cộng bằng thép thật “hoành tráng”. Trên nóc có chữ WC để mọi người không lộn địa chỉ. Bên hông còn có khẩu hiệu:
“Vì môi trường Xanh Sạch Đẹp”.
Hình ảnh đi kèm bản tin trên VnExpress
Rất mong hình ảnh nhà vệ sinh công cộng điển hình ở Hà Nội sẽ sớm xóa đi những hình ảnh xấu trên cả nước. Chúng ta tự hào là có Ha Long Bay, Cam Ranh Bay nhưng đừng để khách nước ngoài cứ thắc mắc về cái bảng... "Cam Dai Bay" trên đường phố, họ cứ ngỡ ta quảng cáo cho một địa điểm du lịch mới...
Tuy nhiên, giá một nhà vệ sinh công cộng bằng thép lên đến hơn 1 tỷ đồng. Tôi e có người vào đây bỗng phải... "nín tè" vì nhà vệ sinh công cộng sang trọng và giá trị hơn cả căn nhà cấp 4 mà nhiều người sinh sống.
TỪ CAM DAI BAY ĐẾN URITROTTOIR , URINOIR
“ Từ Ha Long Bay, Cam Ranh Bay đến… Cam Dai Bay ” tôi viết vào 11/2013 . Đối với một số bạn đọc, bài viết này không có tính chất “thanh cao” vì đề cập đến một vấn đề kém “tế nhị”, xuất xứ từ những dòng chữ “Cấm đái bậy” tại Việt Nam.
Nhưng (lại có chữ “Nhưng” thật oái oăm), những người tranh đấu cho quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại có lý do để phản đối. Họ không chống lại “uritrottoir” trên đường phố nhưng cứ nhìn vào bảng hướng dẫn chỉ thấy toàn nơi tiểu tiện cho quý ông, chẳng lẽ phái yếu không có nhu cầu này sao?
Bây giờ 2018, đã là 5 năm sau bài viết đó, có một tin trên báo Daily Mail (Anh) cũng lại có một bài viết liên quan đến việc tiểu tiện ngay tại Paris vốn là “thủ đô hoa lệ” của nước Pháp.Người Pháp “chế” ra một từ ngữ mới, gọi là “uritrottoir” hay “urinoir”, để ám chỉ những nơi tiểu tiện ngay giữa chốn phồn hoa đô hội.
Mời các bạn xem hình trên Daily Mail, ngày 13/8/2018:
“Uritrottoir” trên bờ sông Seine
Cách trang trí một “uritrottoir” (tạm dịch một cách thanh cao là “nơi tiểu tiện trên lề đường”) được ngụy trang thật “bắt mắt” và “thi vị” với hoa tươi trồng trên nột nền đỏ rực rỡ rất ư là… “nghệ thuật”. Tuy nhiên, theo bài báo, có nhiều người phản đối “sáng kiến” này.
Dĩ nhiên đa số người phản đối gay gắt là dân “địa phương” Parisiens, có lẽ vì là người “tại chỗ” nên các nhu cầu của “tiếng gọi thiên nhiên” đã được giải quyết ngay tại nhà của họ. Chỉ khổ cho du khách lúc cần mà không tìm được nhà vệ sinh công cộng, dù phải trả bằng tiền.
Xét cho cùng, “uritrottoir” là giải pháp hoàn toàn có tính cách “nhân văn” để giúp những người mang nặng “bầu tâm sự”. Không nằm trong “tứ khoái” như người Việt mình quan niệm nhưng tiểu tiện vốn là một phần “không thể tách rời” của đại tiện.
Thế cho nên, trút được những gánh nặng trong lòng “một cách hợp pháp” cũng là một trong những điều mang lại sự thoải mái cho một chuyến du lịch đến “kinh đô ánh sáng” Paris. Vì lý do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ những điểm đậm chất “nhân văn” như “uritrottoir” của người Pháp.
Nét “sảng khoái” của một du khách khi tìm được chỗ giải tỏa bầu tâm sự
Nhưng (lại có chữ “Nhưng” thật oái oăm), những người tranh đấu cho quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại có lý do để phản đối. Họ không chống lại “uritrottoir” trên đường phố nhưng cứ nhìn vào bảng hướng dẫn chỉ thấy toàn nơi tiểu tiện cho quý ông, chẳng lẽ phái yếu không có nhu cầu này sao?
Đó là vấn đề “nóng bỏng” mà các nhà quản lý cần quan tâm nếu không sẽ bị mang tiếng là…“trọng nam khinh nữ”. Đã là con người thì mọi nhu cầu của sự bài tiết sẽ không phân biệt “quý ông” hay “quý bà”. Hãy mau mau giải quyết vấn đề này cho phụ nữ. Chỉ trừ trường hợp thế giới này không có sự hiện diện của… những nụ hoa biết nói!
Người Pháp vốn “gallant”, nhất là đối với phụ nữ. Thế cho nên, “không chóng thì chầy” thế nào họ cũng có cách giải quyết thỏa đáng để đem lại “quyền bình đẳng” cho giới “liễu yếu đào tơ”.
Rõ ràng là “uritrottoir” này chỉ dành riêng cho quý ông!
Để chấm dứt bài viết này, xin có điều lưu ý các du khách (thuộc loại “Hai Lúa” như tôi) khi đến Paris. Hình dưới đây là ảnh của một “uritrottoir” chứ không phải là “lavabo” để rửa mặt. Điều này sẽ không thừa vì nó trông… không có gì giống “hố giải” ở bên nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét