4 thg 7, 2017

NHỮNG VIÊN NGỌC QUÝ TRONG TÌNH YÊU MUÔN THUỞ


Tự truyện của Nguyễn Thế Tân
Kính dâng hương hồn ông Đỗ Hữu Ban và bà Nguyễn Thị Biểu
Cha mẹ nuôi của tôi với lòng biết ơn vô hạn
***
Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng
Năm 1965, lúc đó tôi còn là một thanh niên độc thân mới 23 tuổi. Trên bước đường lập nghiệp, từ Bình Thuận tôi đã phiêu bạt vào tận tỉnh Định Tường miền Nam (nay là tỉnh Tiền Giang). Tại đây tôi được một gia đình tử tế cho ở trọ rồi sau đó được nhận làm con nuôi .Tưởng như thế cuộc đời tôi đã là hạnh phúc lắm rồi, nhưng số phần tôi còn may mắn hơn nữa khi tôi được ông bà chủ nhà thuận gả cháu gái cho mình .
Vợ tôi là một thiếu nữ miền quê chất phác, da trắng, dễ thương. Chúng tôi sống thủy chung hạnh phúc trong một gia đình hạnh phúc cho đến ngày hôm nay đã 52 năm bên cạnh 2 con trai, 2 con gái và các cháu nội ngoại dễ thương.
Cha nuôi tôi là người miền Bắc ,quê ở vùng ngoại ô Hà Nội.Thân hình ông mảnh mai, cao ráo, vầng trán rộng, đôi mắt sáng,gương mặt hiền lành phúc hậu. Những năm sau này dù ở tuổi cổ lai hy nhưng cha nuôi tôi vẫn không nghỉ ngơi, hàng ngày ông gắn bó với chiếc xe đạp để đi chợ và giao tiếp với bà con xa gần. Trong cuộc sống cha nuôi tôi dù vô Nam bộ đã lâu nhưng ông vẫn mang trong mình phẩm chất, nhân cách thanh cao của người Bắc xưa cũ gốc Hà Nội ,miền đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
 Trước năm 1954, cha tôi vốn là một đầu bếp phục vụ cửa hàng ăn uống trên toa căng tin tàu hoả xuyên Việt Bắc - Nam.Sau ngày 20/7/1954, đất nước bị chia cắt làm hai , cha tôi bị kẹt lại ở miền Nam với nỗi buồn tha hương vô tận và nỗi đau khôn xiết vì phải bỏ lại đất Bắc, một người vợ trẻ và đứa con trai còn thơ dại.
Ở Sài gòn, cha nuôi tôi phải từng bước phấn đấu để thích hợp với cuộc sống mới, phải tự xoay trở nhiều nghề để tìm kế sinh nhai. May thay, cha nuôi tôi gặp được một người con gái miền Tây khá xinh, cũng từ bỏ quê hương lên Sài Gòn lập nghiệp. Hai người đồng cảnh ngộ dễ cảm thông nên đã quyết tâm cùng nhau nên duyên chồng vợ. Mối lương duyên tiến hành thuận lợi và cả hai người đã chung sống hoà hợp hạnh phúc, yêu thương nhau hết mực .
Sau vài năm lưu lạc ở Sài Gòn,thấy cuộc sống ở đây không thích hợp vì suốt ngày phải lao động cật lực, bon chen vất vả quá, cha mẹ nuôi tôi quyết định hồi hương trở lại quê mẹ nuôi tôi ở Tiền Giang để mưu cầu một cuộc sống lâu dài ổn định hơn.
Nhờ dành dụm tiết kiệm khi còn sống ở Sài Gòn nên cha mẹ nuôi đã tích lũy được một số tiền khá lớn đủ để mua đất và xây dựng một căn nhà rộng rãi, khang trang nằm ngay mặt đường đông đúc người qua lại tại Thị trấn Cai Lậy, tỉnh Định tường để buôn bán và cho thuê phòng trọ.
Khi về quê nhà, cuộc sống vật chất của cha mẹ nuôi tôi đã ổn định nhưng vì hai người không có con nên hai người quyết định xin một đứa con trai nuôi cho ấm cửa, vui nhà. Sau này cũng nhờ tình thương bao la nhân ái của ông bà và phước phần của tôi, ngôi nhà từ khi có thêm tôi được nhận vào càng trở nên ấm êm hạnh phúc và cuộc sống êm ả nối tiếp.Đây là những năm tháng hạnh phúc của đời tôi.
Sau ngày 30/4/1975, nước nhà thống nhất , cha nuôi tôi từ miền Nam trở ra Hà Nội mong gặp được người vợ cả và con trai cùng họ hàng sau những năm dài xa cách.
Thật may mắn khi về quê xưa, cha nuôi tôi đoàn tụ lại được với gia đình mình . Hạnh phúc dâng trào đến nghẹn ngào khi ông biết được tấm lòng người vợ cả năm xưa : sau bao năm xa cách vẫn chờ chồng son sắt ,vẫn ở vậy nuôi con. Đứa con thơ bé nhỏ ngày xưa, nay đã có gia đình, có cuộc sống hạnh phúc bên đàn con…
Sau nhiều năm xa cách do chiến tranh gây ra,cha nuôi tôi rất hồ hởi,vui mừng khi được sum họp với những người thân yêu những tưởng không còn gặp lại .Người rất hạnh phúc nhìn khung cảnh họ đang chung sống hạnh phúc ấm cúng như thế này.
Niềm vui này chưa được tận hưởng bao lâu thì nỗi buồn lại đến với cha nuôi tôi.Ông nhận được hung tin mẹ nuôi tôi ở miền Nam bất ngờ lâm trọng bệnh, đang ngày đêm chịu đựng đau đớn chống đỡ với tử thần.
Một đêm dài thức trắng trăn trở, cha nuôi tôi suy nghĩ phải giải quyết làm sao cho trọn vẹn nghĩa tình.Lúc bấy giờ cha nuôi tôi bị đặt vào trong hoàn cảnh rất khó xử. Cha nuôi tôi chỉ có một trái tim yêu thương, nhưng phải chia sẻ cho hai người vợ. Một người ở Bắc, một người ở trong Nam. Không dễ giải quyết vì hai bà vợ này đều rất thủy chung và hết mực yêu thương cha nuôi tôi.
Người vợ cả đầu đời đã sống với cha nuôi tôi tuy ngắn ngủi 4 năm, nhưng lại có một đứa con trai, bà đã đợi chồng trong suốt cuộc chiến tranh như người chinh phụ bồng con chờ chồng, hằng đêm hướng về miền Nam nhìn sao trời cầu nguyện ngày đoàn tụ.
Người vợ thứ hai, khi cha nuôi tôi cô độc tha phương cầu thực ở tận miền Nam, bà đã cùng ông kết tóc se tơ, chia sẻ đắng cay ngọt bùi với ông trong một thời gian rất dài và đã tạo dựng được một tài sản. Ngoài ngôi nhà ở thị trấn Cai Lậy, một thời gian sau hai người đã tạo dựng thêm được một ngôi nhà khang trang, nằm giữa một mảnh vườn trồng cây ăn trái gần 1 hecta cùng với 5 sào ruộng. Đặc biệt nhất là trong nhà để hai chiếc áo quan để hai người lo hậu sự sau này không làm phiền con cháu, và phía vườn cây sau nhà có xây hai kim tĩnh kề nhau để sau này cùng nằm bên nhau an giấc ngàn thu.
Sau khi ở Hà Nội vào, vì mẹ nuôi tôi bị bệnh mãn tính, nên suốt 12 năm cha nuôi tôi đã nuôi bà và bà đã mất vào tháng 4 năm 1990. Đám tang mẹ nuôi tôi được tổ chức rất long trọng và chu đáo, con cháu họ hàng tề tựu rất đông, ai nấy đều ngậm ngùi thương tiếc.
Cha nuôi tôi ở lại đây thêm 2 năm nữa cho đến lúc mãn tang mẹ nuôi tôi và làm đám giỗ rất tươm tất trước khi về lại Hà Nội.
Lúc đi ngậm ngùi thương tiếc mẹ nuôi tôi. Người đã giao hết nhà cửa, ruộng vườn lại cho người con nuôi nhỏ là em tôi thờ tự và chỉ mang theo một túi hành trang nhỏ gồm 3 bộ quần áo cũ cùng với một số tiền ít ỏi đủ tiền xe để về Hà Nội.
Chúng tôi tiễn người đi với sự thương nhớ bùi ngùi. Nhìn cha nuôi long đau đáu ra đi,tôi chợt gợi nhớ lại 4 câu thơ của thi sĩ nước ngoài nào đó:
"Đi là chết ở trong lòng một ít
Chết ở những gì mà người ta đã yêu
Người ta để lại một chút ít của lòng mình
Ở mỗi giờ và khắp tất cả mọi nơi".

Trả nghĩa xong với người vợ chung tình ở miền Nam, cha nuôi tôi về sống với vợ cả, với bà con xóm làng đất Bắc cho đến ngày người vợ nhắm mắt.Không bao lâu sau đó ông cũng ra đi theo người vợ cả của mình .
Theo kể lại, lúc mất trên gương mặt già nua của cha nuôi tôi hiện rõ đôi mắt ngấn lệ có lẽ người tiếc thương người vợ ở miền Nam. Cha nuôi tôi đã gửi được nắm xương tàn của mình ở nơi chôn nhau cắt rốn để cùng nằm chung với người vợ cả của mình .
Trong khi đó ở miền Nam một chiếc quan tài mẹ nuôi đã nằm nghỉ, chiếc còn lại đến nay anh em chúng tôi vẫn còn giữ, được đặt bên trong một cái chái nhỏ để ngay hông nhà lưu niệm. Anh em chúng tôi buồn khi cha nuôi tôi không nằm trong áo quan này để mẹ nuôi tôi phải nằm cô lẻ một mình với gió sương. Hoài bão của mẹ nuôi tôi mong ước lúc sống đồng tịch đồng sàng, khi chết phải được nằm cạnh nhau đã không thực hiện được. Cầm bút viết đến đây,nỗi xúc cảm khiến tôi rưng rưng nước mắt.
Với lòng kính trọng thương yêu vô hạn, tôi viết những dòng trên đây để chân thành tưởng nhớ đến cha mẹ nuôi của tôi,những viên ngọc quý, tỏa sáng lung linh trong tình yêu muôn thuở đáng tôn vinh và trân quý của tôi trên cõi đời này.
Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2017
Thân tặng em nuôi Nguyễn Văn Nhẫn
Cùng toàn thể bạn bè trân quý trên Facebook



Bài viết này có thể xem trên Facebook :
https://www.facebook.com/TheTan1944

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..