21 thg 6, 2017

BA HỒN BẢY VÍA LÀ GÌ ?

Người Việt chịu ảnh hưởng Đạo giáo, thường nói “Tam hồn thất phách” hoặc “Ba hồn bảy vía”. Ba hồn là gì? Đạo giáo giải thích: Thứ nhất hồn Thái Quang, thứ hai hồn Sảng Linh, thứ ba hồn U Tinh. Đạo giáo không cho biết rõ công dụng của mỗi thứ hồn, chỉ nói phép nhiếp tam hồn, một phương pháp tu luyện làm cho thần khí cứng rắn, tinh hoa tích tụ, thân thể không già yếu. Suy ra ta có thể hiểu hồn thứ nhất thuộc về thần khí con người, hồn thứ hai thuộc về tinh hoa con người, hồn thứ ba thuộc về thân xác con người. Dân gian vì không hiểu sâu Đạo học nên giải nôm: một hồn ở đầu, một hồn ở ngực, một hồn ở chân. Chữ “chân” này không phải là chân cẳng hay chân với tay mà là chân thân, cái thân thể đích thực của người ấy. Tục “gọi hồn” và phép “phụ hồn” không nói rõ gọi hồn nào trong ba hồn hay cả ba hồn, vì chắc chắn họ không đủ trình độ để hiểu biết. Khi chết, con người chỉ còn một hồn Thái Quang, là tinh thần, thần khí hay linh khí, tinh anh...riêng của mỗi người. Tuy không còn thể xác, không còn mắt, mũi, chân, tay...các giác quan để làm chỗ dựa nhưng nó có khả năng nhận biết tất cả, thế mới gọi là linh hồn (hồn thiêng).

hồn vía, 3 hồn bảy vía,
                                                       Sau khi con người chết đi, linh hồn sẽ rời khỏi cơ thể.
Theo tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc: Y lý Trung Hoa nói: “Can tàng hồn, phế tàng phách” (Gan chứa hồn, phổi chứa phách). Từ lý luận ban đầu này, các nhà y học cổ điển phát triển lên thất phách: tâm phách (tim), can phách (gan), tỳ phách (tỳ vị: dạ dày, lá lách), phế phách (phổi), thận phách (2 quả thận), khẩu phách (miệng lưỡi), ý phách (bộ não). Tiến bộ hơn, họ phân định đàn ông có thất phách, đàn bà thêm thai phách (dạ con và thai nhi), huyết phách (kinh nguyệt) thành cửu phách. Đạo giáo cũng nói đến thất phách (không có cửu phách) với những tên gọi khó hiểu: Thi cẩu, Phục thỉ, Tước âm, Thôn tặc, Phi độc, Trừ uế, Xú phế. Họ nói thất phách là 7 tên quỷ độc hại trong thân thể con người, và đạo giáo có phương pháp tu luyện để chế ngự hay diệt trừ chúng, làm cho thân thể nhẹ nhàng sảng khoái bay lên trên không thành thần tiên, sống mãi không già, không chết.
Cần phân biệt rõ: thuyết tam hồn thất phách, tam hồn cửu phách của y học nhằm mục đích chữa bệnh cứu người, thuyết tam hồn thất phách của Đạo học (Đạo giáo) không ngoài việc tu luyện đắc đạo thành tiên. Thuyết tam hồn thất phách hay cửu phách của Đông y có giá trị khoa học thực tiễn. Ví dụ họ nói “Can tàng hồn” cũng như bảo “Can tàng huyết”. Khi người ta nằm ngủ hay mơ chuyện quái đản, ghê sợ là do ở huyết, huyết kém, xấu mà sinh ra vì “huyết biến vi tà”, phải chữa bệnh huyết, mà chữa bệnh huyết thì không thể quên chức năng can (gan) bởi “can tàng huyết” (gan chứa huyết)...
Tục gọi hồn nhập quan, đàn ông gọi ba hồn bảy vía hoặc đàn bà gọi ba hồn chín vía, dân gian theo thuyết Đông y là lầm lẫn lâu ngày thành thói quen, cứ bắt chước lẫn nhau, không ai đặt câu hỏi: tại sao như thế, như thế đúng hay sai? Cứ lý suy ra, người chết phổi ngừng thở, tim ngừng đập, máu ngừng chảy, mọi giác quan đều ngừng hoạt động, các tế bào bắt đầu chuyển sang trạng thái phân hủy bốc mùi xú khí...hồn phách nhập quan để làm gì, có tác dụng gì? Lại nữa, đàn bà đến tuổi 50 hết kinh nguyệt, thôi sinh đẻ, không còn thai phách, huyết phách, sao vẫn gọi “chín vía” (cửu phách)? Thuyết Đông y là cơ sở khoa học trị bệnh, chỉ áp dụng với người sống, đâu còn ý nghĩa với người chết?
Nếu theo thuyết Đạo giáo, gọi hồn người chết chỉ nên gọi “Ba hồn bảy vía” đàn ông như đàn bà. Nhưng Đạo giáo không nói rõ người chết rồi vẫn còn đủ cả “tam hồn thất phách”, mà “thất phách” là 7 tên quỷ độc tan theo thể xác, và “tam hồn” chỉ tồn tại hồn Thái Quang tức linh hồn, cái tên thường gọi. Hồn Thái Quang hay linh hồn không nhập quan trở về với xác chết, nương tựa ở xác chết. Sau khi người chết vong hồn nương tựa vào thần chủhồn bạch. Thần chủ còn gọi là thần vị, linh vị là miếng gỗ viết tên tuổi, chức tước người chết để thờ cúng mãi mãi. Nghi thức làm thần chủ của vua, chúa, quan dân khác nhau. Với dân thường, thần chủ làm theo lối đơn giản đến mức sơ sài: một thẻ tre hay một miếng giấy viết nguệch ngoạc tên tuổi, cắm vào lát chuối cây cũng xong. Gia cảnh bần cùng chỉ có bát hương bằng lát chuối cây với năm ba nén hương còn khó, nói gì linh vị và hồn bạch! Hồn bạch là dải lụa thắt lại giống như hình người đủ 3 phần: đầu, mình và chân để thu hồn vào đó, khi mai táng rước đi trước linh cữu, rồi chôn bên cạnh nấm mồ.
Linh hồn là tinh anh, là khí thiêng của con người, cái tinh thần ấy nếu không mất cũng không thể “nhập quan”, không thể nhập vào cái xác ô uế, người ta phải đào sâu chôn chặt!
Hồn phách cũng là vấn đề cốt yếu của sinh tử. Đức Khổng tử tránh bàn về sinh tử. Ngài nói: “Chưa biết được việc sống, làm sao biết được việc chết?” (Vị tri sinh, yên tri tử). Nói “tránh bàn” không có nghĩa bảo Khổng tử không đủ khả năng bàn tới. Vấn đề ở chỗ ngài tự xét thấy mình không thể đưa ra ý kiến thuyết phục trong tình hình thiên hạ bấy giờ tồn tại cả hai thuyết “Hữu thần luận” và “Vô thần luận”: Thượng đế sinh ra con người với linh hồn bất tử hay không có Thượng đế, cũng không có linh hồn bất tử?
Các nhà sáng lập tôn giáo đều đặt vấn đề sinh tử lên hàng đầu và xem đó là đề tài thú vị. Người Việt Nam tiếp nhận nhiều tư tưởng tôn giáo, trong dân gian quan niệm về sinh tử khó tránh mâu thuẫn và phức tạp. Quan niệm khá phổ biến và tương đối thống nhất: Trời sinh ra muôn loài vạn vật, con người chết không mất. “Sinh ký tử qui” là câu nói cửa miệng người đời, nhưng thói đời vẫn ham sống sợ chết, vẫn chúc tụng “Phú quý thọ khang ninh” và không thể biết mình chết về đâu một cách chắc chắn!
Chúa Giê-su tạo ra người, vật, cho người có linh hồn, vật có giác hồn, người chết tùy theo hành vi lành, dữ mà về nước Chúa, hầu hạ Chúa hay bị đầy xuống hỏa ngục, còn loài vật, giác hồn tan cùng thể xác. Phật Thích-ca không công nhận thuyết linh hồn bất tử, nhưng lại đưa ra thuyết đầu thai chuyển kiếp bằng các “Thức” Mạt-na, A-lại-gia, khác gì linh hồn? Dân gian đâu nhớ được, hiểu được mấy cái “Thức” khó hiểu, khó nhớ ấy, vẫn nói linh hồn đầu thai kiếp khác! Phật giáo truyền vào Trung Quốc ra đời tông phái Mật giáo cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều do Đại Nhật Như Lai biến hiện ra. Đại Nhật Như Lai là gì, nếu không phải là một Thượng đế, một Chúa Trời kiểu khác, mang tên khác?
Câu “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” (Sự chết như sự sống, sự mất như sự còn; Cũng được dùng để nói việc thờ cúng: Thờ lúc chết như lúc sống, thờ lúc mất như lúc còn) là một mệnh đề triết lý, thuộc phạm trù triết học. Nghĩa là sự vật chỉ chết ở dạng này để sinh ở dạng khác, mất ở nơi nọ lại còn ở nơi kia, như chuyện vua nước Sở đánh mất cây cung, người nước Sở bắt được, có đi đâu mà mất? Nhưng dân gian lại dẫn giải theo cách dân gian: Sống như thế nào, chết như thế ấy! Tức là cũng ăn uống, làm lụng với mọi nhu cầu như lúc sống! Nói cách khác: cõi Âm là phản ánh trung thực cõi Dương, Âm và Dương tuy đối lập, mâu thuẫn nhưng vẫn nhất thống trong một khối thống nhất. Đó là nguyên nhân chủ yếu, chỗ dựa căn bản cho mọi nghi thức cúng tế ra đời và tồn tại. Mọi học thuyết, đến cả tôn giáo đều do con người mà có, tại sao không phải chính Thượng đế cũng là sản phẩm của con người?
                  (Trích "Nguồn gốc, ý nghĩa tang lễ người Việt"-NXB Thanh Hóa)
--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..