20 thg 10, 2016

TÔI ĐI CHỢ ĐỒ CỔ SÀI GÒN

                             


      Sáng Chủ nhật 15.10 vừa qua , tôi cùng một người bạn thực hiện chuyến đi tham quan Chợ đồ cổ Sài Gòn. Xuất phát từ nhà ở đường Tô Hiến Thành quận 10,mất nửa giờ chúng tôi đi tới đường Nơ Trang Long thuộc quận Bình Thạnh,Sau khi qua cầu Băng Ki , chúng tôi quẹo trái vào hẻm 255 tìm số 47bis là đến đúng ngay nơi cần tìm.Trước khi vào chợ chúng tôi phải mua vé ở cổng, mỗi vé 30 ngàn .Gọi là vé vào cửa cho có lệ bộ bởi thực chất chỉ là mảnh giấy giá trị tương ứng với phiếu ẩm thực một suất cà phê sữa hoặc tô quà sáng tuỳ chọn khi khách đổi vé cho nhân viên phục vụ.Cổng không mang tên chợ mà mang bảng hiệu ” Cà phê sân vườn Cao Minh”.
      Cũng nhờ hỏi thăm bác Gu-Gồ từ tối hôm trước ,tôi được biết thêm về ca sĩ Cao Minh,ông chủ ngôi chợ Chợ đồ cổ này như sau : “Ca sĩ Cao Minh quê ở Long An nhưng lớn lên ở Tây Ninh. Ngay từ nhỏ anh đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc cho dù bị người cha ngăn cấm. Năm 1978, Cao Minh đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình tỉnh Tây Ninh. Năm 1988, anh là người hát hay nhất về đề tài Hồ Chí Minh đồng thời đoạt luôn giải Người hát dân ca hay nhất. Những ca khúc tiền chiến, trữ tình mà Cao Minh đã thể hiện thành công như được nhiều người ưa thích như Bến Xuân, Đôi Mắt người Sơn Tây, Hòn vọng phu…”
       Khi chúng tôi hoàn tất việc gửi xe, mua vé thì đã gần 9 giờ.Lúc này khách đến chợ đã khá đông, tôi ước tính con số vào khoảng trên 200 .Vì lối đi hẹp khách nối đuôi nhau đi,gặp ai ngược chiều phải luồn lách mới qua được.Người bán bày hàng trên những chiếc bàn nhỏ kê san sát nhau ,không chia khu vực hay sắp xếp theo loại hàng nào cả. Cũng do địa hình phức tạp của mảnh đất nên khách tham quan có cảm tưởng như mình đang lạc vào một khu chợ trời hỗn tạp ở cửa ngõ thành phố Sài Gòn thời kỳ trước tháng 4.1975.
Mặt bằng chợ giới hạn trong khuôn viên Cà phê sân vườn Cao Minh ,có một ao cá nhỏ ở chính giữa,dăm cây cao đan xen,vài căn nhà nhỏ có gác trổ các ô cửa nhỏ cho khách tham quan chợ vừa uống cà phê vừa ngắm cảnh mua bán. Đa phần là khách đến đây là nam giới, người trung niên hoặc lớn tuổi là chủ yếu.Cũng có dăm bảy khách người nước ngoài nhưng có lẽ họ cũng như chúng tôi đến tham quan là chính.
        Quan sát các mặt hàng bày bán,tôi thấy hầu hết là đồ gia dụng cũ với những dáng mác có từ rất lâu đời như đồng hồ Ô-đô,bật lửa Zip-pô, máy băng Akai,bàn ủi đốt bằng than, ống nhổ bằng đồng thau, mâm son thiếp vàng ,đũa bạc, cân tiểu ly, sách cổ viết tay,các bản tân nhạc nhạc cũ bìa rách nát in từ những năm 55-60... Thôi thì thượng vàng hạ cám từ chiếc nhẫn cổ mặt đá quý hét vài nghìn đô cho đến chiếc lon Ghi-gô bằng nhôm chỉ bị nài xin vài chục ngàn cũng có.Quả là một sân chơi không đâu tốt hơn cho những người có thú say mê đồ cũ xưa ,những người nặng lòng hoài cổ bởi sau bao năm tháng mòn mỏi khát khao giờ đây họ có thể cầm tận tay,thấy tận mắt lại những đồ vật ngỡ như chỉ thấy trong sách vở hoặc tồn tại trong quá khứ mà thôi. 
      Chợ đồ cổ hôm nay đông nhưng không ồn ào náo nhiệt như thường thấy ở các chợ phiên cho dù đích thực cái chợ này chính là dạng chợ phiên vì chỉ họp mỗi tuần một buổi vào sáng chủ nhật. Bên cạnh những tiếng người chào hỏi mua bán,tai tôi vẳng nghe có tiếng nhạc guitar hoà tấu. Chú ý lắng nghe, tôi thấy đó là những âm hưởng của một bản nhạc vô thường quen thuộc vang lên từ cuối chợ.Một cảm nhận thú vị chợt nhen lên trong tôi : đây là sự sáng tạo mang tính nghệ thuật phục vụ nhân sinh của người quản lý chợ. Âm nhạc đem vào chợ tạo thêm nét độc đáo cho ngôi chợ đồ cổ này.Nếu bảo âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn thì nhạc hoà tấu cần được cảm nhận bằng tâm hồn. Qua âm hưởng khúc nhạc không lời hôm nay tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, ấm áp... Tôi cảm nhận ngôi chợ mang dấu ấn tâm hồn người nghệ sĩ khi anh Cao Minh đem nhạc vào chợ : người ta có thể thư giãn ở mọi lúc ,mọi nơi nếu biết lắng đọng tâm hồn.
      Bên cạnh những lời có cánh trên đây,tôi thành thật nói ra một điều không ưng ý lắm là cái mùi khói thuốc trong chợ kinh quá. Khói thuốc sặc mùi ngay từ cổng, tràn làn khắp các nơi bán hàng và ngay cả trong các phòng dành cho khách vào ăn uống hoặc ngồi nghe nhạc.Anh bạn tôi là người hút thuốc cũng phải thừa nhận là khói thuốc nặng nề quá.Chỉ tội cho mấy người không chịu nổi khói thuốc như tôi thấy như muốn ngộp thở.Cũng may có thủ sẵn trong túi chai dầu gió nhỏ nên lâu lâu tôi dừng lại lấy ra mở nắp hít vài cái cho khoẻ lại rồi mới đi tiếp.
     Quan sát cảnh mua bán tôi thấy không khí chợ mang dáng vẻ như một khu triển lãm chứ không tấp nập náo nhiệt quen thấy tại các ngôi chợ bình thường.Không có cảnh “trăm người bán ,vạn người mua” mà chỉ là” trăm người bán,vạn người xem”. Cách chúng tôi đứng vài mét có một người khách khá đặc biệt : một nhà sư mặc cà sa màu vàng nổi bật giữa dòng người chen chúc. Mặc quần áo nhà chùa đi chợ đồ cổ mua đồ thờ là việc bình thường nhưng khi trả tiền thì cách hành xử của ông sư đã khiến những người khác trông thấy phải lắc đầu . Sự việc là sau khi đã ngã giá để mua một tượng đá xanh nhỏ, ông sư rút trong lớp áo cà sa ra một xấp tiền giấy 500 ngàn mới dầy cộm,ước chừng vài chục tờ. Ông chậm rãi đếm tiền trả cho người bán mà không để ý gì đến những cặp mắt lạ lẫm của những người khách đứng quanh đang nhìn vào mình.Đi tiếp một chỗ khác ,nhà sư hỏi mua một món đồ cũ khác bằng đồng.Ông sư lại rút cái túi tiền đầy tiền của mình ra đếm đếm…Tôi thật sự không thể hiểu nổi một người tu hành như ông sao lại có hành vi khoe tiền lộ liễu trước đám đông như thế ? Hình ảnh không đẹp mắt đó làm mất đi tính cách khiêm cung của một người tu hành và tự hạ giá trị nhân cách của mình.
       Nhưng theo ý tôi cái chợ đồ cổ Sài Gòn này ngẫm cho cùng cũng chưa xứng với tên gọi đó.Trong chợ bày bán nhiều thứ đồ cũ nhỏ vụn vặt như tiền xu,tiền giấy,dao,kéo ,ốc vít,nhẫn,đồng hồ,radio… nhưng những loại đồ cũ lớn khổ hoặc cồng kềnh như xe đạp ,xe máy cũ,gốm xưa,tủ thờ thì hơi ít.Đi hết vòng chợ tôi chỉ ngó thấy dăm chiếc xe đạp mà có cái còn mới toanh chắc do ai túng tiền đem bán , lưa thưa một vài chiếc Mobylette ,Honda 67, Lambretta, Vespa.CònVelo solex chẳng thấy bóng dáng chiếc nào. Quần áo cổ xưa cũng nhìn không ra ngoài một nơi cuối chợ treo vài bộ đồ cũ.Thế nên gọi đây là Chợ đồ cũ thì tạm được, gọi là Chợ đồ cổ thì chưa thật xứng.Một số người đề nghị gọi chợ này là Chợ ve chai nhưng đánh giá vậy thời thấp so với thực chất của chợ và phụ tấm lòng của những người góp công sức gầy dựng nên ngôi chợ quá ư độc đáo này của thành phố .
        Sau khi tham quan khá đầy đủ mọi mặt của ngôi chợ,chúng tôi sử dụng 2 tấm vé vào cửa để đổi lấy hai ly cà phê sữa nóng.Tưởng phải đứng uống tại gốc cây vì trong quán đông người không còn ghế trống nhưng thật may cho chúng tôi có hai bạn trẻ không rõ có phải thấy tội nghiệp hai ông già hay chăng mà họ đứng dậy vẫy mời chúng tôi vào ngồi thế chỗ .Mới nhâm nhi vài hớp cà phê thì chợt nghe từ giữa chợ tiếng ca sĩ Cao Minh vang lên.Anh cảm ơn bạn bè cũng như tất cả quý khách hiện diện đã dành cho mình khi có mặt đông đảo tại quán cà phê Cao Minh hôm nay.Anh tự giới thiệu mình sẽ hát một vài bài để cảm ơn tấm thịnh tình đó.Chúng tôi nói với nhau tụi mình hên quá nếu hồi nãy về sớm thì thật uổng không được nghe Cao Minh hát.Anh tự đàn và hát liền mạch 3 bài. Giọng ca của anh ngọt ngào, truyền cảm làm sao. Nếu không tìm hiểu trước tiểu sử ca sĩ Cao Minh hẳn nhiều người đã nghĩ anh gốc gác miền Bắc bởi cách phát âm câu chữ của anh tròn trịa và thanh âm trầm ấm quá.Tôi thích nhất bài Bến xuân của Văn Cao,bài hát hay kết hợp cùng giọng ca Cao Minh thật tuyệt vời.Đó cũng là những thanh âm người viết gửi đến bạn bè để kết thúc bài này.

                                                 Sài Gòn tối 19.10.2016
                                                            Nguyenuthang
Bấm vào để  thưởng thức giọng ca Cao Minh




                 https://www.youtube.com/watch?v=CUMMZirOtv0


Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..