21 thg 9, 2015

CHUYỆN BẠN BÈ DƯỚI MÁI TRƯỜNG PHAN


                       

Thuở bé học tại trường Nam tiểu học Phan Thiết,mỗi ngày tôi phải đi qua cầu sắt bắc ngang sông Cà Ty.Cây cầu sắt kiên cố nhưng dầm cầu lót bằng những thanh gỗ từng gây cho tôi cảm giác ơn ớn mỗi khi đi qua.Nguyên do bởi những chiếc bù loong qua lâu ngày mưa gió bị sét rỉ lỏng ra khiến những thanh gỗ xộc xệch kêu lọc xọc mỗi khi xe cộ chạy ngang.Cây cầu sắt Phan Thiết đã đi vào lịch sử của thành phố và là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn thi sĩ cùng khách du lịch.Với tôi, cây cầu sắt cũng để lại một vài kỷ niệm khó quên.Tôi còn nhớ những ngày nghỉ học hay rủ đứa em trai ra gầm cầu chơi.Trong lúc nó mò mẫm hốc đá lượm vỏ sò hoặc bắt coòng thì tôi leo lên tảng đá cao gần chân cầu để câu cá.Đồ nghề của tôi chỉ là mươi thước dây cước quấn quanh cái lon sữa bò.Mồi là những con giun đất móc vào lưỡi câu.Trên lưỡi câu tôi cột một cái khoen bù lon sắt. Nắm chặt chiếc lon,huơ tay lấy đà rồi  quăng mồi câu ra xa.Khi nghe tiếng tõm vang lên và thấy dây cước căng là biết mình đã quăng câu xong. Sau đó,tôi chỉ việc ngồi ung dung ngắm cảnh xe cộ qua cầu hoặc thả hồn theo dòng nước lững lờ trôi.Chờ đến khi dây câu căng giật, tôi mới đứng lên kéo mạnh sợi dây.Thành quả tôi thu được từ những buổi câu không giá trị lắm vì cá mắc câu đa phần là cá chốt, cá lòng tong…Vui là chính nên khi ra về tôi thường thả chúng xuống nước.Hoạ hoằn hôm nào câu được cá bống hay cá đối thì tôi mới mang về hý hửng khoe mẹ.
        Hồi mới cùng bố mẹ đến Phan Thiết sinh sống,tôi lạ lẫm với mùi nước mắm ngập tràn thành phố. Nhưng thời gian đã giúp tôi quen dần và cảm nhận khác với thuở ban đầu.Khi đi đâu xa tôi lại thấy nhớ cái mùi thơm nước mắm rất đặc trưng chỉ có ở Phan Thiết. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm lên quan đến nước mắm PhanThiết.Đó là lần đi chợ Tết với mẹ vào một ngày cuối năm. Lúc về mẹ mua thêm một tĩn nước mắm (khoảng 3 lít rưỡi).Hai mẹ con tay xách nách mang đồ sắm tết. Vì tĩn nước mắm khá nặng,mẹ và tôi chia nhau xách mỗi người một tay.Ra khỏi chợ,lẽ ra lên xe ngựa về cho khỏe nhưng tôi không nghe ngại tốn tiền của mẹ. Rủi thay, mới qua khỏi đầu cầu thì chiếc quai làm bằng nan tre bung ra.Tĩn nước mắm rơi xuống đường bung nắp, nước mắm chảy tung toé. Mẹ không mắng nhưng nét mặt người rười rượi buồn khiến tôi nước mắt lưng tròng.
      Học xong tiểu học,tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường Phan Bội Châu,ngôi trường trung học danh giá nhất tỉnh.Thêm một cái may đến với tôi là ngay từ năm học 1956-1957, học sinh trường Phan được học tại cơ sở  mới ở đường Nguyễn Hoàng nên từ giờ hàng ngày đi học tôi không phải mất công qua cầu. Bước vào bậc trung học,tôi có thêm nhiều bạn bè  mới.Các bạn đến từ mọi vùng trong tỉnh : có người thành phố, có người vùng quê, có cả những bạn ở Bắc di cư vào.Tuổi nhỏ hồn nhiên, trong trắng nên chúng tôi dễ hòa đồng,dễ cảm thông,sẵn sàng giúp nhau học tập.Chính những tính cách hồn hậu chân chất đó đã dệt nên những kỷ niệm bạn bè đẹp đẽ khó quên trong những năm theo học dưới mái trường Phan.
    Người bạn ngồi chung bàn trong lớp với tôi là Tăng Văn Kháng. Bố của Kháng là ông Tăng Khánh chủ nhà sách,nhà in Vui Vui lớn nhất thành phố và cũng là ông bầu bóng đá nổi tiếng ở Phan Thiết.Sau 1975, nghe nói Kháng rất ít khi gặp bạn bè.Là bạn học cũ gần gũi,cố gắng lắm tôi cũng chỉ được gặp Kháng một lần trong dịp ra Phan Thiết hỏi vợ cho con. Nghe anh kể chuyện mới hiểu ra nguyên do nhưng là tâm sự nhạy cảm khó nói.
     Ngồi gần tôi trong lớp ngay đầu bàn dưới là Huỳnh Ngọc Phẩm.Phẩm là người bạn hiền lành,tốt bụng,hay giúp đỡ bạn bè.Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm,anh là một trong những cựu học sinh sớm trở lại trường Phan Bội Châu để sánh vai với thầy cô xưa dạy những thế hệ học sinh lớp sau mình.Lần ra Phan Thiết họp mặt nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Phan, anh mời tôi đến nhà chơi.Thấy hai vợ chồng cùng nghề sư phạm mà có được ngôi nhà xinh xắn tiện nghi tôi cũng mừng.Lúc giã từ,anh hỏi tôi trưa mai ở lại được không ? Tôi nói mua vé rồi sáng sớm sẽ về Sài Gòn.Anh trầm ngâm trước lúc chia tay.
      Sáng hôm sau,lúc vợ chồng tôi đã lên xe đò ngồi chỉ còn chờ tài xế hoàn tất thủ tục xuất bến, tôi chợt nghe Phẩm gọi điện thoại bảo chờ chút có việc muốn gặp.May  Phẩm đến kịp trước lúc xe chạy.Anh trao cho tôi một gói quà bảo của bạn bè lâu ngày gặp lại.Cầm gói quà dù chưa biết là gì nhưng tôi nao lòng xúc động trước tấm chân tình của người bạn xưa.
     Vài năm sau, tình cờ một lần vào Vnexpress online tôi đọc được mẩu chuyện của tác giả Hoàng Xuân viết về một người thầy mang tên “Huỳnh Ngọc Phẩm” :

Có một chuyện "đánh trò" khác, nhờ ứng xử của thầy giáo tôi, lại trở thành kỷ niệm rất vui của lớp. Khi ấy tôi học lớp 8. Giờ ra chơi, bọn con trai xông vào cầm miếng vỏ quýt xịt vào mắt nhau. Chúng hăng đến nỗi không thấy thầy bước vô lớp. Thầy tôi tên Huỳnh Ngọc Phẩm, đã nghỉ hưu lâu rồi. Thầy là giáo viên dạy toán giỏi có tiếng ở Phan Thiết. Thầy tôi liền bắt tất cả bọn con trai chơi trò đó lên đứng hàng ngang trước lớp. Một đứa khác, tôi vẫn nhớ nó tên Trung, phải cầm miếng vỏ quýt lần lượt xịt vào mặt tất cả bọn còn lại.
Ôi là buồn cười! Bọn bị phạt cười, thằng đi xịt cười, cả lớp ôm bụng cười bò. Cười lăn quay nên Trung chỉ xịt lấy lệ, cũng chẳng xịt trúng được vào mắt đứa nào.
Thầy tôi thì nghiêm nghị đứng nhìn bọn nó chịu phạt, mắt hơi cau lại nhưng miệng cũng nén cười.Cười xong, thầy giảng: 'Mấy đứa thích xịt vỏ quýt vô mắt cho người ta cay, vậy thì phải bị xịt lại cho biết sao là cay".
Thật dễ nhớ! Tôi đã nhớ suốt đời! Thầy tôi khiến tôi nhận ra rằng không phải hễ bị "đánh" đều là bạo lực, xúc phạm. Vì bên cạnh "đánh" còn có "đánh yêu".

Một kỷ niệm bạn bè khác liên quan đến việc tôi mê xinê thời đang học trường Phan. Thuở đó dù học tập chăm chỉ nhưng cứ sáng chủ nhật tôi cố tìm lý do ra khỏi nhà để đi xem phim chiếu thường trực tại rạp Modern nằm trên đường Gia Long. Người đồng điệu nghệ thuật thứ bẩy với tôi là Cao Văn Minh.Anh bạn người Bắc di cư này tuy học thường thôi nhưng có óc sáng tạo về hội họa.Đôi lần anh dám tranh luận về quan điểm với giáo sư môn hoạ là thầy Mậu.Thấy tôi cận thị nhưng không chịu mang kính cứ phải ngồi ở những hàng ghế sát màn ảnh,anh cho tôi một cái kính cận cũ.Nhờ vậy tôi xem phim quá đã vì có thể ngồi tại hàng ghế cuối vẫn xem phim rõ.Nhưng do đeo không đúng độ nên xem xinê về tôi hay bị nhức mỏi mắt. Hậu quả là khi chính thức đeo kính thì số đo kính của tôi đã gần 3 diop.
       Năm 2014, sau hơn nửa thế kỷ xa cách,tôi mới có dịp gặp lại Minh nhờ liên lạc qua địa chỉ email của anh ghi lại trong một buổi triển lãm hội họa tại nước ngoài.Tưởng mình là người đầu tiên gặp lại bạn xưa nhưng không dè hôm Minh hẹn tôi đến nhà chơi tiện thể dùng cơm thân mật với vợ chồng anh,tôi còn gặp một số bạn học Phan Bội Châu khác trong số có Lê Quang Chiêu và Nguyễn Văn Son ...
       Trong các bạn bè trường Phan tại Sài Gòn , tôi rất ấn tượng với Phạm Gia Cẩn vì bạn mang phong cách hao giống ông thầy đồ trong Nho học ngày xưa.Cẩn vốn là con ông Phạm Gia Huệ,thầy dạy năm lớp nhì của tôi tại trường Nam tiểu học Phan Thiết.Là giáo viên hưu trí nhưng Cẩn đã có gần hai chục năm theo đuổi nghệ thuật thư pháp. Cẩn quan niệm thư pháp là thú vui nghệ thuật và theo anh đã gọi là nghệ thuật thì không thể tính bằng tiền.Thế nên Cẩn không sử dụng thư pháp để kiếm tiền.Bạn bè ai thích hoặc cần đến thư pháp thì Cẩn sẵn sàng giúp.Năm 2010,Cẩn được vinh danh trong “Ngày hội 100 Ông đồ Việt” tổ chức tại Ninh Bình.Bạn được công nhận là người viết quyển “Kinh Pháp Cú” lớn nhất từ trước đến nay.Trong ngày Hội hôm đó , rất đông người đã vây quanh Ông đồ Cẩn để xin chữ do hâm mộ người có “ Hoa tay thảo những nét , Như phượng múa rồng bay” .
      Cẩn rất chân tình với bạn bè. Cứ mỗi năm vào chiều mồng hai Tết,bạn thường mời các bạn xưa đến nhà dùng bữa cơm thân mật tiện thể chúc phúc nhau nhân dịp đầu xuân.Lúc ra về, lắm khi bạn bè còn nhận được từ gia chủ một món quà xuân bất ngờ khiến ai cũng cảm động.Riêng tôi mỗi lần gặp gỡ Cẩn vẫn thầm mong bạn luôn luôn giữ được sức khỏe, giữ vững niềm đam mê nghệ thuật thư pháp để tiếp tục trải lòng qua nét bút góp phần tô đẹp văn hóa Việt.
      Một người bạn cũ khác cũng sống ở Sài Gòn nhưng bận rộn mưu sinh ít sinh hoạt với bạn bè là Nguyễn Sĩ Đức. Đức học chung ban B với tôi ở 2 niên khoá cuối. Năm 1963, Đức cùng với Lê Thiệu Hùng thi vào Đại học Y khoa Huế .Tốt nghiệp bác sĩ 1971 xong là có lệnh tổng động viên ,Đức phải khoác áo quân y,để số phần nổi trôi theo thời thế .Sau 1975 gặp lại tại Sài Gòn,lúc đó tôi mới hay bạn là bác sĩ. Không chỉ là chỗ bạn bè,Đức còn là ân nhân của gia đình tôi bởi nếu không nhờ Đức khám và phát hiện sớm bệnh suy thận thì vợ tôi đã phải lọc thận nhân tạo từ 5 năm trước.Tháng 7/2015, đến thăm Phạm Văn Nghệ đang nằm điều trị thận tại bệnh viện Nguyễn Trãi,tôi vội phôn cho Đức bện tình của Nghệ với hy vọng “còn nước còn tát” song Đức bảo “Bệnh suy thận của Nghệ đã chuyển sang giai đoạn cuối,buộc phải chạy thận nhân tạo để duy trì cuộc sống.Đành thôi,đó là cái giá phải trả…”Câu nói quen thuộc tôi vẫn thường nghe ở Đức ( bệnh tật là cái giá phải trả của con người khi về già,sớm hay muộn mà thôi ).Suy ngẫm tự bản thân và gia đình mình,tôi thấy điều Đức nói rất đúng.Càng đúng hơn khi một bác sĩ như bạn nhưng mỗi ngày cũng phải uống cả chục viên thuốc.
     Sẽ là thiếu sót nếu viết về chuyện bạn bè trường Phan mà không đề cập đến những người đã quá vãng.Không nắm được có bao nhiêu bạn cùng khóa đã theo học trường Võ bị SQĐL nhưng hai người tôi biết thì đều đã mất chỉ trong vòng một năm sau khi ra trường.Đó là Nguyễn Văn Trung, khóa 20 SQĐL (tử trận 1966) và Lê Văn Khen, khóa 23 SQÐL(tử trận 1969). Cả hai bạn đều mất tại chiến trường Long Khánh khi đang làm Ðại đội trưởng hành quân.Tôi cảm thương nhiều với Nguyễn Văn Trung vì việc lấy vợ của bạn không bình thường.Nó như điểm gở báo trước số phận một con người.Sự thể là khi Trung còn đang học trường SQĐL năm thứ nhất thì người yêu ở nhà đã mang bầu. Để giữ thể diện,nhà gái buộc gia đình Trung phải tổ chức đám cưới trước ngày con mình sinh nở. Do quy định ngặt nghèo của trường SQĐL nên một đám cưới đặc biệt đã diễn ra tại Phan Thiết.Đám cưới tổ chức đơn giản chỉ có những người thân tham dự nên rất ít bạn bè hay biết.Một người bạn được mời thế vai chú rể khi làm lễ cưới và đón dâu là Từ Ngọc Lâu.Lâu vốn là bạn học của Trung và là người quen thân với gia đình cô dâu nên được hai họ tín nhiệm trong vai trò chẳng ai muốn này.Điều trớ trêu là sau Trung tử trận thì người đi Sài Gòn lãnh xác Trung về Phan Thiết cho gia đình mai táng cũng chính là Từ Ngọc Lâu.Trong đời học sinh chúng ta ,hiếm thấy ai có tấm lòng tốt giúp đỡ bạn bè chân tình như thế !
        Các bạn khoá 5 ra trường giữa lúc đất nước đang mịt mù khói lửa chiến tranh ít ai thoát được binh nghiệp.Số bạn bị gọi vào trường SQTĐ đông hơn số theo học trường SQĐL.Một người leo lên được cấp tá là Lê văn Nhãn (cháu của thầy hiệu trưởng Lê Tá).Còn lại đa phần là cấp úy trong số có Mai Xuân Cúc,Lê Bá Bình… (có thể còn vài bạn nữa mà tôi không biết).Sau 1975 khi học tập cải tạo xong, các bạn đều đã định cư tại Mỹ trừ Huỳnh Ngọc Ghênh ( SQTĐ khóa 6/68) mất trong lúc đang cải tạo ở miền Bắc (1980).
       Một người bạn khóa 5 đã ra đi vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” là Từ Ngọc Nam (anh ruột của Từ Ngọc Lâu ).Nam cùng với Lâu không học lên đệ nhị cấp mà rời trường Phan Bội Châu sau năm học 1959-1960 để sớm theo đuổi nghề giáo.Khi còn dạy tiểu học tại  Phan Thiết, Nam nổi tiếng là giáo viên dạy luyện thi đệ thất giỏi nhất thành phố Biển. Học trò dưới sự dạy dỗ của Nam hầu như năm nào cũng đạt đến tỷ lệ thi đậu rất cao (trên 90% ).
     Từ Ngọc Nam cũng giống như Huỳnh Ngọc Phẩm là những người thầy rất được học sinh Phan Thiết yêu mến tuy dạy ở 2 cấp khác nhau. Chúng ta hãy nghe lời học trò của Nam viết trên một trang web :

Tôi nhớ đến thầy Từ Ngọc Nam chuyên dạy luyện thi đệ thất. Thầy có biệt danh mà chúng tôi ví ngầm với nhau là "Búa Thần". Cái búa bằng cao su, trông dáng ngoài cưng cứng, cán sắt dài hơn ba tấc, lúc nào cũng lăm le trong tay Thầy. Mỗi khi lên bảng chúng tôi đứa nào cũng ngán, tơ lơ mơ là ăn búa ngay.Sau này lớn khôn và từng trải trong cuộc sống, khi ngồi ôn lại những kỷ niệm buồn vui trong chuỗi ngày thơ ấu, Hữu Anh tôi mới nhận chân được một điều là sự nghiêm khắc của thầy vốn dĩ bắt nguồn từ sự tận tâm và lòng thương yêu đối với những đứa học trò nhỏ tuy có phần nào ngỗ ngáo nhưng lại hoàn toàn ngây thơ và vô tội này, cũng như ý thức trách nhiệm của thầy đối với những bậc cha mẹ đã đặt trọn vẹn niềm tin và tương lai con cái của  mình cho thầy.”
Từ Ngọc Nam sớm ra đi không kịp dự kỳ họp mặt 4 Tết Tân Mão như tâm tình anh bộc bạch trong mấy vần thơ sáng tác không bao lâu trước đó :

                        “ Hằng năm quy tụ chốn trường xưa,
                                    Phan Thiết luyến lưu tuổi học trò,
                                    Hội ngộ đầu xuân bao kỷ niệm…
                                    Cố về gặp lại thỏa lòng mong. ”

    Tâm tư của người bạn quá vãng cũng là mong muốn của mọi người chúng ta, những cựu học sinh trường Phan.Mỗi lần hội ngộ bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ thuở học trò lại ùa về.Mới ngày nào còn bỡ ngỡ bước vào trường Phan,tưởng như hôm qua mà hoá ra đã 60 năm rồi.Ôi chao ,cái cụm từ ”60 năm cuộc đời ” đáng để chúng ta suy nghĩ lắm chứ ! Thời gian là thứ quý nhất trên đời.Tiền bạc, kể cả sức khỏe nếu mất đi vẫn có thể tìm lại hoặc có phương cách phục hồi.Còn thời gian mất đi chẳng thể nào tìm lại. Thời gian chúng ta ngồi học dưới mái trường Phan,bao nhiêu năm tháng là bấy nhiêu ân tình. Theo nhà văn Erich Maria Remarque trong tác phẩm  nổi tiếng ”Một thời để yêu và Một thời để chết ” thì đời người có 2 thời đáng nhớ mà ông nêu ra ngay từ cái tựa đề của truyện. Nhưng với tôi ,cái thời đáng quý ,đáng nhớ và đáng trân trọng nhất chính là  Thời ngồi học dưới mái trường Phan .

                                                                                             Nguyễn Đình Thăng      

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..