Du lịch balô đã hình thành từ lâu trên thế giới.Tại vùng Đông Nam Á ,hình thức này sớm phát triển ở các nước Thái Lan, Malaysia,Singapore...Tại Việt Nam ,khỏang 10 năm trở lại đây phố Tây ba lô tọa lạc tại đường Phạm Ngũ Lão thuộc Q.1, TP.HCM.Con đường tập trung nhiều khách sạn ,hàng ăn, quán cà phê dành cho Tây ba lô, những người khách du lịch nghèo thích phiêu lưu kiểu “bụi đời”.Ngày nay"Phố Tây ba lô" là tên quen thuộc mà người dân đặt cho khu phố mở rộng hơn bao gồm 3 con đường giao nhau gồm Phạm Ngũ Lão - Đề Thám - Bùi Viện.
Khi nơi đây mới hình thành, người dân địa phương và khách nước ngoài sống rất thân thiện, hòa đồng, thoải mái và ít nhiều có sự đan xen về văn hóa. Ði qua đường phố nào, con hẻm nhỏ nào,người ta dễ bắt gặp các tốp nhỏ trai gái tây đi dạo phố hay ngồi trong quán nhỏ nhâm nhi ly cà-phê, cười nói vui vẻ và trò chuyện rôm rả với người Việt Nam. Việc giao dịch khá dễ dàng vì hầu như người dân nào cũng biết dăm ba câu giao tiếp đơn giản và ngược lại không ít khách du lịch cũng bập bẹ mấy câu tiếng Việt. Bây giờ khi đèn led thịnh hành thì từ ngoài phố đến các con hẻm, đâu đâu cũng thấy những tấm biển đầy mầu sắc nhấp nháy: Hotel , Room for rent, Guest house, bike for rent... Khu phố "Tây ba-lô" Phạm Ngũ Lão luôn sôi động và hối hả suốt 24 giờ trong ngày.
Phố Tây ba lô “mua bán tình” với giá bèo
Bên cạnh hệ thống khách sạn, phòng trọ, quán ăn…nhiệt tình chào đón, phục vụ du khách thì nơi đây còn có một "lực lượng đặc biệt" luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu "tình cảm" cho "Tây ba lô".Mới xế chiều nhưng tất cả các quán nước, nhà hàng, bar ...đều lên đèn lấp lánh ,nhạc xập xình. Dưới lòng đường, những ông Tây ba lô bắt đầu đi lại nhộn nhịp.Thái độ đón tiếp khách nội của tiếp viên nơi đây hững hờ với khách nội nhưng khi thấy có người nước ngoài đi ngang qua, các cô chạy ra tận lề đường lôi kéo. Khi những ông Tây vừa dừng lại thì các cô bá cổ bá vai líu lo những câu tiếng Tây “bồi",tiếng Anh "giả cầy”. Các cô tự nhiên sà vào lòng khách Tây kèm theo những động tác mơn trớn, chào mời khá táo bạo. Gạ gẫm trả giá vừa xong họ bá vai nhau bước ra và chiếc taxi phóng vút đi.Một khách nội từng léng phéng ăn theo dịch vụ bán tình ở khu phố Tây ba lô nói :”Giá cả ở đây “bèo “ lắm ,chỉ 10 đến 20,30 đô thôi.Nhưng phải cẩn thận bởi bọn ma cô thường cấu kết với các em để trấn lột người nước ngoài.Còn các cô gái bán tình cũng không ít người bị lừa bởi có nhiều thằng Tây lên giường xong giả vờ này nọ rồi tìm cách xù tiền.Thế nên trước lúc lên phòng các cô nhất quyết đòi Tây ba lô phải đưa tiền trước."
Góp phần vào dịch vụ "mua bán tình" ở khu phố này phải kể đến đội ngũ xe ôm. Nhiều tài xế xe ôm, ngoài công việc hướng dẫn khách nước ngoài thuê phòng trọ, đưa rước, "tư vấn" ăn nhậu, mua sắm... còn kiêm luôn "dịch vụ" giới thiệu "mua bán tình. Vẫn biết việc làm của mình không đẹp đẽ gì cho tư cách bản thân cùng thể diện đất nước song thu nhập từ dịch vụ này nhiều khi lại khấm khá hơn so với nghề tay mặt nên chẳng đặng đừng không làm.”Một bác tài xế xe ôm hành nghề lâu năm trong khu phố tâm sự.
Phố tranh chép “Tây ba lô”
Đi dọc phố Bùi Viện, cứ dăm bảy khách sạn lại xen vào một cửa hàng tranh chép.Đây là một tiểu thế giới nghệ thuật của phố Tây ba lô.Tranh chép hay vẽ lại ở đây rất phong phú nội dung .Có điều những người mua bán đều... phớt lờ chuyện tác quyền. Nhiều người khéo tay sống vững ở đây nhờ dịch vụ vẽ thuê theo mẫu có sẵn hoặc của khách đem đến với nguyên tắc “chỉ chép những cái thượng đế cần”. Một chủ cửa hàng bán hàng tranh chép nói: “Những phong cảnh làng quê Việt Nam, như con trâu, đống rơm, thuyền và bến, các danh thắng như Hạ Long, Huế, Mũi Né, chân dung những người già ở Tây Nguyên, ở đồng bằng sông Cửu Long luôn nằm trong tốp “hot” nhất”.Loại tranh thứ hai, có vẻ khó nhai đối với các thợ chép tranh nghiệp dư nhưng cũng rất bắt mắt khách hàng, đó là mảng tranh nổi tiếng của hội họa thế giới, như tranh Vincent Willem van Gogh , tranh Pablo Ruiz Picasso...
Ngoài ra, trong các cửa hàng luôn luôn có sẵn hình vẽ phóng to những ca sĩ nổi tiếng, những diễn viên gạo cội, các nhân vật trong phim hành động, phim kinh dị, phim hoạt hình và truyện tranh. Trong đó đáng kể là ngôi sao điện ảnh Marilyn Monroe vẫn được khá nhiều người ngưỡng mộ. Một người thợ vẽ tâm sự : “Khách mua tranh chép thường đến từ Úc, châu Âu, Mỹ. “Khách châu Á thường chỉ xem, ít khi mua.”
Đổi sách cũ là một hoạt động văn hoá thú vị ở phố Tây ba lô Sài Gòn. Khách nước ngoài thường mang theo sách khi du lịch, với dịch vụ trao đổi sách, phố Tây ba lô vô tình trở thành nơi có lượng sách ngoại văn dồi dào, phong phú, trong đó có nhiều tựa sách hiếm có, khó tìm.
|
Một cửa hàng sách cũ tại khu phố Tây ba lô |
.
|
Nguồn sách ở một số tiệm bán và đổi sách cũ (có nhiều sách tiếng Anh mà các nhà sách ngoại văn không có) đến từ các khách sạn do khách xem xong bỏ lại, khách cho nhân viên các quán ăn, hay du khách tự mang đến đổi. Ban đầu, chủ khách sạn đem bán ve chai, nhưng từ nhu cầu đổi sách cũ của du khách, sách được cất giữ lại và trở nên có giá trị. Cách thức đổi sách ở các cửa hàng sách cũ là đổi hai lấy một, hoặc đổi bù thêm tiền. Dù cũ, nhưng “cũ người mới ta” nên nhiều du khách rất thích.
Bên cạnh thể loại sách phong phú vì được mang đến từ đa dạng thành phần du khách và giá cả phải chăng, sách ngoại văn ở đây có nhiều loại ngôn ngữ vì được tập hợp từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, các cửa hàng sách cũ này đáp ứng được nhu cầu đa dạng về sách của khách du lịch.Các cửa hàng sách này cũng thu hút nhiều sinh viên Việt Nam đến tìm tài liệu học tập, và ở đây họ dễ dàng tìm được nhiều cuốn sách quý hiếm.
Phố Tây ba lô : nguồn thầy "chạy sô" dạy ngoại ngữ
Những “Tây ba lô” lưu cư lâu năm ở khu phố Bùi Viện kiếm sống bằng việc dạy ngoại ngữ.Chẳng ai yêu cầu anh ta phải dạy như thế nào, họ ấn cho anh quyển giáo trình photo là xong. Nhiều trung tâm dạy ngoại ngữ đã lấy mác Tây “nhử” học viên cho dù thầy Tây ba lô chẳng có bằng cấp sư phạm gì ngoài cái Passeport.Mang tiếng là lớp học “đẳng cấp quốc tế” nhưng những giáo cụ để phục vụ dạy học sơ sài quá mức. Không tai nghe,không máy chiếu, cũng chẳng có băng hình như trong quảng cáo, chỉ có chiếc máy cátxét dùng để nghe băng. Vậy mà cơ sở này thu học phí đắt kinh khủng: gần 10 USD/ /học viên.Giáo trình dạy là New Cutting Egde, Streamline, New Interchange…được sao chép bán rất nhiều ở ngoài phố.Vì giáo viên không bằng cấp, không chứng chỉ sư phạm cũng đứng lớp nên kết quả tiếp thu của học viên rất hạn chế.
Có không ít các trung tâm thua lỗ phải “bỏ của chạy lấy người “mà SITC là một trường hợp điển hình tại Việt Nam. Khi đổ vỡ thảm hại, Trung tâm SITC không những bị tố cáo lường gạt người học mà còn nợ nhiều tháng lương của Tây ba lô nhưng họ biết tìm ai để đòi lương vì có gì ràng buộc đâu, họ không được ký hợp đồng lao động, cũng không bảo hiểm.Buồn thay cho tình trạng dùng Tây ba lô đứng lớp dạy ngoại ngữ ở các thành phố lớn hiện nay bởi nhiều “Tây ba lô” có khi còn kém xa giáo viên trong nước.Các trung tâm biết cả, nhưng họ có mất gì đâu nên sẵn sàng thu học phí cắt cổ. Còn người học thì sính ngoại cứ lao vào như thiêu thân.
Hướng đi nào cho tương lai khu phố “Tây ba lô” ?
Hiện trên địa bàn có trên 1.000 cơ sở kinh doanh liên quan đến hoạt động du lịch, trong đó có 103 doanh nghiệp phục vụ lữ hành, 208 khách sạn, nhà nghỉ. Ngoài ra, những nhà hàng mini, quán cà phê nhìn ra hè phố, phòng tranh, cửa hàng lưu niệm, cửa hàng sách cổ, cùng nhiều loại hình dịch vụ du lịch khác đã tạo nên sự năng động của khu vực này. Do đó, khu vực này đã được ví như Sài Gòn thu nhỏ.Sự phong phú và đa dạng của các dịch vụ, mua bán cũng là một giá trị hiếu khách riêng có của Thành phố Hồ Chí Minh mà một phần tiêu biểu được thể hiện ở Khu phố Phạm Ngũ Lão.
Nhờ những lợi thế về địa lý, giao thông kể trên mà lượng khách tới Khu phố Phạm Ngũ Lão ngày càng tăng. Do đó, mặc dù khu du lịch Tây ba lô được hình thành một cách tự phát trong hơn 10 năm qua do nhu cầu của khách du lịch, nhưng đến nay hoạt động này ngày càng phát triển mạnh mẽ, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú khi khách đến tham quan thành phố.
Khu phố Phạm Ngũ Lão ngày nay có rất nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, tuy nhiên không thể không nhận thấy những hạn chế của khu vực này.Tình trạng giật dọc, chèo kéo khách thường xảy ra. Các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm vẫn còn.Văn minh đô thị và thuần phong mỹ tục Việt Nam có phần bị sao nhãng. Ðặc biệt, ở đây còn tiềm ẩn các hoạt động tội phạm do các băng nhóm người nước ngoài gây ra.
Đến nay, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Ủy ban Nhân dân quận 1 cùng trường Đại học kinh tế tại thành phố đã đề ra “hoạch định phát triển khu phố du lịch Phạm Ngũ Lão từ đây đến năm 2020,” đưa ra những lộ trình tiến hành để giải quyết những vấn đề trên nhằm đưa hoạt động du lịch “Tây ba lô” tại khu vực này thực sự khởi sắc nhưng việc thực hiện hầu như rất chậm trễ.
Theo quan điểm của nhiều người dân sống lâu năm tại thành phố HCM, khu phố "Tây ba lô" Phạm Ngũ Lão cần được xây dựng thành một khu phố du lịch văn minh, hiện đại mang đậm nét truyền thống văn hóa Việt.Các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ cần có kiến trúc và trang trí nội thất mang bản sắc Sài Gòn xưa và vùng Nam Bộ. Cần sắp xếp lại các bến, bãi, tuyến xe để tạo điều kiện cho du khách đi lại dễ dàng từ khu phố này đến những điểm khác trong thành phố.Mặt khác ,vấn đề quảng bá thương hiệu khu phố du lịch "Tây ba lô" Phạm Ngũ Lão cần được tiếp tục thúc đẩy hơn nữa và luôn gắn liền với những đặc trưng của Sài Gòn,thành phố từng được ca ngợi là "Hòn ngọc viễn đông".
ĐỌC THÊM :
Các ông Tây tại Việt Nam
Fw From: thieuhung …@gmail.com
Chưa bao giờ Việt Nam nhiều Tây du lịch đến thế, nhất là Tây ba lô. Họ ăn mặc đơn giản gần như bẩn thỉu với chiếc áo ba lỗ thường là cũ rích,chiếc quần soọc rộng thùng thình tới gần đầu gối, chân dậm đôi giày vải không có bít tất, lưng lúc nào cũng đeo toòng teng chiếc ba lô méo mó nên gọi họ là Tây ba lô. Họ ăn cơm rẻ tại các quán bên lề đường gọi là “cơm bụi” vì hứng bụi, uống nước trà đá trong những chiếc bịch ny lông dùng bán cho hạng thợ thuyền, và ngủ tại bất cứ nơi nào có thể ngủ được, như công viên hay các phòng trọ hạng bét chẳng hạn. Ở khu Phạm Ngũ Lão Q.1 Sài Gòn có rất nhiều phòng cho Tây ba lô thuê. Giá trung bình mỗi phòng 5 đô la Mỹ/ đêm. Nhưng đối với họ hình như vẫn còn là quá mắc (phải ở “free” thì mới không mắc!). Họ giải quyết sự mắc mỏ đó hết sức ranh mảnh bằng cách chờ buổi tối mới đến thuê, chẳng có giấy tờ gì cả rồi một anh thuê, hàng chục anh tới ngủ, chủ nhà chẳng làm gì được vì mặt “Tây” thì anh nào chả giống anh nào. Họ nằm chen chúc như cá hộp trên sàn nhà, chẳng cần mùng vì trong ba lô anh nào cũng có sẵn tuýp thuốc thoa muỗi.Năm đô la tức gồm cả tiền nước và tiền điện. Điện thì họ không cần, còn nước, những anh lang thang ngoài công viên cũng cần tắm hàng ngày nên bèn đến tắm ké, nhà chủ không có cách chi đuổi họ.Có những anh thuê phòng dài hạn, hàng tháng không trả tiền rồi bỏ đồ đấy đi đâu mất. Chủ phải nhờ công an đến lập biên bản, niêm phong, phải chính tay công an đem đồ đi chỗ khác cho chủ lấy phòng cho thuê tiếp chứ nếu chủ động tới, lúc về họ sẽ tru tréo lên mất đồ, đi thưa, công an không biết giải quyết cách nào! Họ hay ăn vạ, có khi chính họ nhờ bạn đến lấy trộm giùm chiếc máy ảnh, cặp kính mát để...bắt đền nhà chủ. Công an phường Phạm Ngũ Lão là phường chuyên giải quyết chuyện...Tây ba lô đến phát nhức đầu vì hầu hết các nhân viên công an chẳng ai biết nói tiếng Anh nên họ tha hồ ăn vạ!...
Nhưng, không phải tất cả Tây ba lô đều như thế. Có những người đã vươn lên bằng sự kiên nhẫn và trí thông minh của mình. Họ làm nhiều nghề, trong đó có những nghề người Việt Nam không thể ngờ tới. Từ ngoài Bắc, ngoài Trung cho tới trong Nam đều gọi chung họ là những ông Tây “rau muống”. Sau đây chúng ta thử xem xét một vài ông Tây tiêu biểu chứ không thể nói hết được vì họ hoạt động kiếm sống tại VN nhiều lắm...
ÔNG TÂY BÁN THỊT CHÓ
Nhìn ông tây San bán quán và giải thích về các món ăn VN, nhất là món thịt chó, thông thạo như người Việt, nhiều khách mới đến quán rất ngạc nhiên, hỏi: “Ông là Tây thật hay Tây dỏm mà rành VN quá vậy?”. San cười: “Tây xịn, nhá!”. Nhiều người còn ngạc nhiên hơn khi biết ông Tây “thịt chó” này đã có bằng thạc sĩ kinh tế và dân tộc học tại Pháp.Tất cả là nhờ thịt chó! San tên thật là Stanilas Boissau, sinh năm 1975 tại Paris, Pháp, sang VN từ đầu năm 1999 làm việc cho dự án Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp (S.A.M) của Chính phủ Pháp tại tỉnh Bắc Kạn.
San kể: “Hồi tôi mới sang VN lần đầu tiên, thấy các phong tục, tập quán của người VN cái gì cũng lạ nên muốn nghiên cứu thử xem thế nào. Tôi làm dự án ở vùng Na Rì (Bắc Kạn), tìm hiểu cách sống và nếp sinh hoạt của người Tày, Nùng, Dao nên sống chung với họ, ai ngờ thích luôn mấy món thuốc lào, rượu sắn và rượu táo Mèo. Sẵn tính tò mò, tôi tìm học luôn cách thức chế biến các thứ rượu là lạ mà hấp dẫn đó, vì biết đâu chả có lúc cần đến nó”.
Cuối năm 2000, dự án S.A.M kết thúc, San trở về Pháp. Anh kể lại: “Chỉ mấy tháng sau, nhớ VN quá không chịu nổi, tôi xin quay trở lại VN làm nghiên cứu sinh. Với lại, ở VN có lẽ dễ sống hơn. Nhưng dự án đã chấm dứt, học bổng cũng không xin được, tôi chắt bóp những đồng tiền đã dành dụm được, mở một quán nước nhỏ ở vỉa hè phố Huế Hà Nội sống qua ngày”. San kể tiếp: “Nhiều hôm đói bụng mà trong túi không còn đủ tiền ăn một suất cơm bụi vỉa hè Hà Nội là chuyện thường”.
Những ngày ấy San tìm thuê một căn phòng giá rẻ ở gần Quốc Tử Giám cho vừa túi tiền lại tiện học thêm, nhưng không ngờ lại bén duyên cùng cô sinh viên ngành du lịch trọ học ở xóm bên cạnh. Cô đưa San về thăm quê ở Vân Đình (huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây). Họ làm đám cưới vào năm 2003.
Cuối năm 2004, một hôm San đưa mấy người bạn đồng hương về thăm quê vợ, được bố vợ mời thưởng thức món thịt chó chính gốc Vân Đình. San nảy ra ý nghĩ: “Người Việt thích món này, người nước ngoài cũng thế, tại sao mình không mở quán bán món đó tại Hà Nội? Nếu thành công là sống và học tiếp được rồi”.
Mấy hôm sau, vợ chồng San gom góp số tiền ít ỏi, thuê một địa điểm ở ngõ phố Huế để mở quán. Vợ San lo quản lý, còn San chạy vạy học cách chế biến món thịt chó, cả tháng trời đi tham khảo các quán khác và về cả các vùng quê để học cách bài trí quán.
|
Ông Tây bán thịt chó |
Lúc đầu quán chưa đông khách, vợ lại mới sinh con đầu lòng, gánh nặng cuộc sống đè nặng lên vai San. Chuyện học hành và thu thập tài liệu cho luận án tiến sĩ dân tộc học của San cũng bị ngưng trệ.
Cuối cùng San có ý nghĩ: “Nếu bán một thịt chó không thôi thì những người không ưa món này không biết ăn gì, mà ăn hôm qua rồi nay đến ăn nữa cũng chán. Nếu là mình mình cũng không đến liên tục”. San liền mở rộng thêm các món ăn truyền thống khác, tuyển thêm nhân viên biết chế biến theo cách dân dã: cơm cá kho, dưa cà, thịt ba chỉ ram khô...Nhưng thịt chó vẫn là món chủ yếu. San cười: “Toàn món ăn với giá bình dân cả nên khách thích đến luôn”. Để quán “100% dân tộc”, San đặt tên là quán Chim Sáo.
Quán của San ngày càng đông khách. Cũng nhờ số tiền kiếm được từ quán mà vợ San đã đủ vốn thành lập một công ty chuyên tổ chức các tours du lịch cho khách nước ngoài. San khoe: “Hai vợ chồng đã mua được một căn nhà nhỏ ở Gia Lâm Hà Nội, không còn phải sống cảnh ở thuê như trước nữa. Tất cả là nhờ quán thịt chó đấy nhá!”. San nói: “Ở VN tuy không có nhiều tiền nhưng sống được lắm nhá!”.
Một ngày bán hàng
San mặc quần ống ngắn, chân đi đôi dép cao su cũ kỹ, áo bà ba màu cháo lòng, vai vắt chiếc khăn tay, cùng mấy nhân viên trong quán cũng ăn mặc tương tự, tất bật chạy hết bàn nọ đến bàn kia mời khách. “Đang là giờ cao điểm của quán ông thấy rồi đấy nhá! Ông phải ngồi đợi một lúc nhá!” (Hình như câu nói nào của ông tây nói tiếng Việt này cũng có tiếng “nhá”. San bảo mời khách kiểu thân mật như vậy thành quen miệng rồi). Chỉ một lát, chưa kịp hết câu đã lại có thêm một tốp khách tây ba lô bước vào. Không cần coi thực đơn, mấy vị khách gọi ngay: “Thịt chó và rượu táo Mèo” bằng thứ tiếng lơ lớ mới học. “Rượu táo Mèo thì có nhưng thịt chó thì hết. Đợi khoảng 30 phút nhá. OK nhá?”, San vừa cười hề hề với khách vừa xoa hai tay, dọn bàn.Chờ mấy vị khách gật đầu xong, bảo nhân viên bưng tạm mấy món ăn trước cho khách, San lật đật phóng vội chiếc xe Minsk nổ bành bạch xuống tận Hà Đông (thuộc tỉnh Hà Tây) xa hơn 10km, lấy thêm thứ “thịt chó thui rơm thứ thiệt”, từ Vân Đình đem về vẫn còn thơm mùi khói.
Lấy được thịt rồi, San tự tay chế biến rồi đem lên cho khách. Các vị khách nhìn bát mắm tôm tỏ vẻ không hiểu, San đánh vần từng tiếng: “M...ắ... m t...ô...m”, rồi giải thích: “Mắm tôm đấy, ngon lắm nhá. Thiếu nó là món này hết ngon đấy nhá”. Đoạn, San quay sang dặn các nhân viên: “Từ nay nhớ tăng 7 kg lên 10kg nhá! Không ngày mai lại thiếu, phải đi lấy thêm vất vả lắm nhá!”. Ít tháng trước, những khách quen của quán muốn ăn thịt chó phải đặt trước ba tiếng đồng hồ để đích thân San có thì giờ xuống tận vùng “nguyên liệu thịt chó” ở Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Tây) lấy về cho đủ món. Nhưng nhiều lần thấy khách sốt ruột đợi món ăn như món hầm chẳng hạn, nên San mua sẵn để trong tủ lạnh, khách gọi, chỉ cần hâm lên là sẽ có ngay.
Gần 11 giờ đêm, khi quán đã bớt khách San mới được một chút nghỉ ngơi. Anh ngồi gác nhẹ chân lên chiếc ghế tre trước cửa quán, lấy ra chiếc điếu cày, vê thuốc lào, châm lửa và rít một hơi dài rồi mơ màng nhả khói. Có người đi qua, anh cười khoái trá: “Cái điếu này thật là kêu!”. Các nhân viên của San đã hiểu quá rõ ông chủ của mình, họ kể:“Ông San biết hút rồi nghiện thuốc lào VN ngay từ lúc mới sang. Ông ta nói hút thuốc lào cũng là phương tiện thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc”.