29 thg 3, 2010

Anh như sao xuống từ trời !


..........Hàng năm cứ vào cuối tháng 3 ,những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn lại có dịp hẹn hò gặp nhau tại các phòng trà ca nhạc hoặc các câu lạc bộ nghệ sĩ thân hữu để cùng thả hồn theo những bài hát bất hủ từng làm say mê hàng triệu người hâm mộ khắp trong cả nước . Năm nay nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gần kề, hòa chung tình cảm yêu mến chân thành của cộng đồng yêu nhạc Trịnh ,người viết xin được tâm sự ít hàng xem như một nén nhang lòng kính tưởng về anh .
.........Tôi thích nhạc Trịnh Công Sơn từ những năm thập niên 60 khi những tác phẩm đầu tay của anh ra đời như : Ướt mi, Thương một người,Tuổi đá buồn, Biển nhớ...Vào những năm 1964-1966 ,trong thời gian học tại trường SP Sài Gòn , tôi càng mê "nhạc Trịnh" đậm hơn khi nghe bạn bè kể Trịnh Công Sơn cũng từng là giáo sinh trường SP Quy Nhơn khóa I .Thời bấy giờ thanh niên có bằng Tú tài I trở lên muốn tránh bị bắt lính thì cách tốt nhất là thi vào các trường SP để được hoãn thi hành quân dịch.Tôi suy nghĩ chắc Trịnh Công Sơn ,một con người yêu quê hương đồng bào ,ghét chiến tranh phi nghĩa ,hẳn đã vào SP với lý do như thế .Với tôi ,việc mê "nhạc Trịnh" đã ảnh hưởng không ít đến việc dạy học . Đó là do những lúc rảnh rang cuối buổi học , tôi tranh thủ dạy học sinh hát nhạc Trịnh Công Sơn . Lẽ tất nhiên không phải là các bài tình ca nói về đôi lứa , mà chỉ là những bài dễ hát như : Gia tài của mẹ , Huế Sài Gòn Hà nội …Không hiểu sao các em học sinh Hố Nai thời ấy, lại rất thích những bài hát này.Cũng vì việc dạy hát ,có những ngày tối mịt tôi mới về đến Sài Gòn .Mệt đừ và đói sau hơn 40 cây số phóng xa máy nhưng tôi vẫn vui vì từ việc thích học hát chúng học chăm hơn và thêm quyến luyến thầy.Mới năm rồi,lũ học trò cũ Hố Nai tìm được nhà lại thăm . Các em bảo không sao quên được những bài hát ngày xưa ,xin tôi đàn cho mọi người cùng hát .Có đứa còn đứng ra nhái lại cách tôi bắt nhịp khiến tôi và các em ôm bụng cười.
..........Dạy học gần thành phố chỉ có nửa ngày ,tôi tranh thủ thời gian trống theo học Văn khoa . Thời bấy giờ Luật và Văn là 2 khoa ở trường đại học Sài Gòn hễ ai có Tú tài 2 đều có thể đăng ký nhập học không phải thi .Riêng tại Văn khoa , không biết có phải do số sinh viên nữ chiếm đa số hay vì nơi đây xuất thân nhiều nhạc sĩ trẻ nên phong trào sinh viên ca hát phát triển rất mạnh . Nhiều bữa đang ngồi trong giảng đường nghe âm vang tiếng hát trong sân trường là tôi và một số bạn lại đưa mắt kéo nhau ra hoà mình vào đám đông đang tụ tập dưới một gốc cây to để nghe nhạc Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát .Xen kẽ trong chương trình ca hát ít khi có báo trước này ,đôi khi tôi được nghe chính giọng ca của Trịnh Công Sơn , người đã tạo nên "nhạc Trịnh" , một hiện tượng đặc biệt trong âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ.
.........Các bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn không chỉ được ưa thích ỡ trong nước mà còn vượt biên giới chinh phục người yêu nhạc tại Nhật Bản và một vài thành phố Bắc Âu. Ở đất nước Phù Tang, bài Diễm xưa được dịch ra tiếng Nhật dưới nhan đề Utsukushii Mukashi và được Khánh Ly trình bày ở hội chợ Osaka năm 1970. Bài Utsukushii Mukashi cũng được phổ biến rộng rãi vào quần chúng Nhật qua tiếng hát của Yoshimi Tendo, một ca sĩ nổi danh ở Nhật.
............Năm 1980 bài hát Diễm xưa của Trịnh Công Sơn với cái tên Nhật Utsukushii Mukashi được NHK , đài truyền hình lớn và uy tín nhất ở Nhật, chọn làm nhạc phẩm chính cho một bộ phim nội dung trình bày mối tương quan văn hóa 2 nước Nhật- Việt lấy bối cảnh một cô dâu Việt lấy chồng Nhật .Tháng 7 /2004, giá trị Diễm xưa được nâng cao khi trở thành nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được viện đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của viện đại học trong bộ môn Văn hoá và Âm nhạc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được hội Âm Nhạc Hòa Bình Thế Giới trao giải " Life of Peace “. Đây là một vinh hạnh không những cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà còn là một hãnh diện chung cho mọi người Việt Nam. Buổi trao giải Âm Nhạc Hòa Bình Thế Giới được tổ chức ở San Francisco . Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đại diện nhận giải cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
........Phải thành thực nói rằng , nghe đi ,nghe lại nhạc Trịnh Công Sơn nhiều lần, tôi không thấy chán .Chẳng phải riêng tôi, mà từ lâu với nhiều người cũng thế: không ai có thể cưỡng nổi ,bất kể lứa tuổi,thành phần thế nào . Ngay từ khi đất nước chưa liền một giải ,"nhạc Trịnh" cũng được thầm nghe ở miền Bắc .Điều này cũng dễ hiểu vì “Của ngon ai thấy chả thèm” . Nhiều bạn bè trong lúc trà dư tửu hậu cũng đồng ý .Họ bảo những bài hát Trịnh Công Sơn quyến rũ như có ma lực ,nhất là khi chúng vang lên từ giọng hát điêu luyện quyến rũ của Khánh Ly . Sự kết hợp khăng khít kỳ lạ giữa giọng hát “liêu trai” và tiếng lòng thiết tha sâu lắng của người nhạc sĩ yêu quê hương , yêu cuộc sống đã khiến cho ai nghe dù chỉ một lần cũng say mê, thích thú ngay. Sau này, khi được gặng hỏi về nguyên nhân nào khiến anh sáng tác ra được những bài hát truyền cảm lắng đọng tình người như vậy ,Trịnh Công Sơn đã thổ lộ :”Mỗi bài hát cuả tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống .”
.........Trong những năm tháng chiến tranh , nhạc Trịnh Công Sơn gắn bó sát sao với nhịp rơi tàn bạo ,dã man của đạn bom , phản ánh chân thực những nỗi khổ đau , những cái chết thảm thương của đồng bào : người con gái chết trong đêm lạc đạn ,đưá bé ra đồng chết vì mìn gài một buổi sáng muà xuân , một đám tang đi qua trái mìn nổ chậm dẫn đến cái chết hai lần…Có người VN nào thanh thản ngủ yên được trong khi quê hương đang ngập chìm trong khói lửa :


" Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đừơng dừng chổi đứng nghe…
Hằng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn...”


.........Với những bài tình ca sâu lắng ,giầu sức tố cáo chiến tranh đó ,Trịnh Công Sơn rất xứng đáng là “Kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận”. Nhưng thói đời , mấy ai nổi tiếng mà không bị đố kỵ .Có một thời gian người ta nghe dăm lời phê phán anh từ những nguồn tin tr6n mạng.Cái cớ vin ra là việc anh đã không ở lại nước ngoài trong các dịp sang Pháp hoặc Canada .Họ xem việc anh tự nguyện không xa rời quê hương là “ngụy ái quốc “. Trước lời châm chọc đó ,Trịnh Công Sơn yên lặng không mảy may phản ứng. Sự im lặng bình thản của anh đã khiến việc làm của những kẻ ghét mình chìm vào quên lãng . Những ai hiểu Trịnh Công Sơn thì thêm khâm phục vì thái độ của anh nói lên nhiều điều .
..........Tận đáy lòng, tôi tâm phục Trịnh Công Sơn bởi gia tài văn hóa nghệ thuật mà anh để lại cho đời thật đồ sộ và vô giá . Trên hết của "nhạc Trịnh" vẫn là những bài tình ca có sức xoáy sâu vào lòng người . Tất cả những bài hát đó đều chung một dấu ấn cao cả : yêu quê hương , yêu đồng bào .Sự thành công cuả Trịnh Công Sơn có lẽ do ai nghe nhạc của anh cũng đều tìm được “cái tôi “ của mình trong đó. Nhạc của anh buồn nhưng không bi lụy. Khi “cuộc đời gần như niềm tuyệt vọng “ thì chính anh cũng cất tiếng :


“ Ðừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng,
Lá mùa Thu rơi rụng giữa mùa Ðông
Ðừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em…”


.........Nhạc của anh cũng thường hay nhắc về cái chết nhưng nhưng anh không oán than thân phận hoặc trốn vào nỗi đau của riêng mình mà trải lòng ra đón nhận, và biết ơn đời :


“ Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
Tạ ơn đời , tạ ơn ai đã cho tôi
Tình sáng ngời như sao xuống từ trời…”


............Có một thời gian dòng nhạc Trịnh Công Sơn im ắng không xuất hiện nhiều trước công chúng khiến người hâm mộ nuối tiếc tưởng đâu sân khấu âm nhạc VN từ nay sẽ vắng bóng anh mãi mãi. Nhưng may thay ,điều đó không xảy ra vì Trịnh Công Sơn đã xuất hiện trở lại với một sức sáng tác mới .Các bài tình ca vẫn mạnh mẽ ,say mê như thuở nào .Chẳng hạn như các bài : “Bống Bống ơi, Huyền thoại mẹ, Em ở nông trường ,anh ra biên giới ,Nhớ mùa thu Hà Nội…”

.........Trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi , bài “Em là bông hồng nhỏ” được các em thích hơn cả ( đã được chọn là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất của thế kỷ 20) :


“Em sẽ là muà xuân của mẹ
Em sẽ là màu nắng của cha
Em đến trường học bao điều lạ
Môi mỉm cười là những nụ hoa…”


..........Nói sao cho xiết tình cảm về một con người luôn luôn sống vì người khác bằng con tim và trí óc của mình như anh đã từng nói với một người con gái ,sau trở thành ca sĩ nổi danh chuyên hát nhạc Trịnh :”Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không ? … Để gió cuốn đi. “Và người nghệ sĩ ấy đã hết một lòng sống đúng như cái châm ngôn của mình đã đặt ra.
..........Chín năm đã trôi qua ,hôm nay nhân kỷ niệm ngày mất của Trịnh Công Sơn gần kề , tôi lại có dịp ngồi ghi lại những cảm hoài sâu lắng tận đáy lòng mình .Mỗi lần sắp buông cây bút , tôi lại bâng khuâng tự hỏi :”Không biết đến bao giờ đất nước ta có lại được một nhạc sĩ thiên tài và cũng đa tài như Trịnh Công Sơn ? Bao giờ câu nói như đùa của anh “Kiếp sau tôi vẫn là nghệ sĩ ” sẽ trở thành hiện thực hay đó chỉ là hoang tưởng ?

Chú thích của Tác giả :

_ Bài viết này cùng lúc xuất hiện tại  http://ttvnol.com/forum/f_301/1238021.ttvn

_Có thể nghe bản Diễm xưa da ca sĩ Nhật hát tại :

....................................http://203.162.71.83:8333/Library/media/utsukushi.wma

....................hoặc :.....http://nhacvietplus.vietnamnet.vn/vn/phainghe/1308/index.aspx

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..